CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN – NĂM B

Thứ sáu - 28/06/2024 20:52
 


CHÚA NHẬT XI
II THƯỜNG NIÊN – NĂM B

Kn 1,13-15 ; 2,23-24; 2 Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
21 Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. 22 Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. 23 Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. 24 Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía. 25 Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. 26 Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”.
27 Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 28 Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó.
29 Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. 30 Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”. 31 Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. 32 Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. 33 Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. 34 Họ liền chế diễu Người. 35 Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. 36 Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” 37 Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. 38 Họ sửng sốt kinh ngạc. 39 Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.

CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 1: Đức Kitô, Chúa của sự sống – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang
Suy niệm 2:Mu nhim s chết – Lm. Antôn
Suy niệm 3:Niềm tin thắp sáng hy vọng - Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Suy niệm 4: Đức tin khai mở quyền năng Thiên Chúa- Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
Suy niệm 5:Tin vào Thiên Chúa là Đng ban s sng- Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Suy niệm 6: làm phiền thầy chi nữa -  Lm. Gioan nguyễn Văn Ty Sdb
Suy niệm 7:  Nguồn sống - Lm. Vũ Đình Tường 
Suy niệm 8: Bí quyết thần diệu để đạt được điều mong ước - Lm Inhaxiô Trần Ngà
 

SUY NIỆM 1:  ĐỨC KITÔ, CHÚA CỦA SỰ SỐNG

Lời Chúa: "Này em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy" (Mc 5,41)
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 13 thường niên hôm nay mời gọi chúng ta hãy xác tín niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Vì chính Chúa là Đấng bất tử và là Đấng sẽ cho loài người được sống lại từ cõi chết:
Bé ngoan chỗi dậy mau lên !
Tức thì người chết bỗng liền hồi sinh.
Quyền năng của Chúa uy linh,
Đàn bà khỏi bệnh kính tin trọn đời.
Đinh ninh ghi nhớ bạn ơi,
Chúa nguồn sự sống đời đời  mến yêu.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết tin tưởng, tín thác và chạy đến với Chúa mỗi khi gặp phải bệnh tật, yếu đau và đứng trước đe dọa của sự chết. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là Đấng từ bi và giàu lòng thương xót. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đã sống lại để giải thoát chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có lời ban sự sống đời đời”. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Đau yếu, bệnh tật là nỗi thống khổ bất hạnh của con người. Có những con người mang những chứng bệnh hiểm nghèo, nan y làm cho họ càng đau khổ và càng tuyệt vọng bấy nhiêu. Đau khổ về mặt thể xác, đau khổ về mặt tinh thần, và có khi đưa đến tuyệt vọng bởi giáp mặt với cái chết, vì những phương tiện của y học đều bất lực. Đứng trước đoạn tuyệt đó, sứ điệp phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa, là Đấng bất tử và là Đấng sẽ cho loài người được sống lại từ cõi chết.
Thưa anh chị em, con người là họa ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng con người và cho con người được tham dự vào sự sống thần linh của Ngài, nhưng chương trình ấy đã bị phá vỡ bởi sự sa ngã và tội lỗi của con người. Từ đó sự chết đã nhập vào thế gian khiến con người phải đau khổ và phải chết. Tác giả sách Khôn ngoan hôm nay cho chúng ta biết nguyên nhân của cái chết: “Thiên Chúa không tạo dựng sự chết”, nhưng  “ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian”. Quả thật, tội lỗi do ác quỷ xúi dục đã làm mất đi tính trường tồn và làm cho con người phải chết. Nhưng Thiên Chúa muốn cứu sống chúng ta, đem lại hạnh phúc và bình an cho chúng ta. Vì thế, nếu chúng ta biết tin tưởng và kêu cầu danh Ngài thì được Ngài cứu sống. Điều đó sẽ giúp chúng ta xác tín hơn qua hai trình thuật phép lạ trong trang Tin mừng hôm nay: con gái ông trưởng hội đường Giai-rô sống lại; và người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã 12 năm được khỏi. Trước hết, lòng tin của ông trưởng hội đường Giai-rô được biểu lộ qua tất cả con người của ông. Ông đã quỳ sụp xuống dưới chân Chúa Giêsu và khẩn khoản van xin: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Nhận thấy lòng tin mạnh mẽ của ông, Chúa Giêsu đã nhận lời đến nhà ông, và đánh thức em bé dậy từ trong cõi chết. Thứ đến, lòng tin của người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã 12 năm. Bà không dám công khai trực tiếp xin Chúa Giêsu chữa bệnh cho bà, trước mặt mọi người như ông trưởng hội đường Giai-rô. Nhưng bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Thế là bất chấp tất cả mọi rào cản, bà vươn tới lòng tin của mình khi chạm vào áo Người. Niềm tin đó đã được Chúa Giêsu trân trọng đón nhận khi Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”. Như thế, điều kiện để được cứu chữa và sống đời đời là tin vào Chúa Giêsu. Đức tin này không chỉ dừng lại bằng lời nói nhưng bằng cả việc làm.
Chuyện kể rằng, trong một cuộc phỏng vấn với nhân viên đài truyền hình, mẹ Têrêxa phải đối diện với một phóng viên không mấy thiện cảm với Giáo hội. Mẹ nói với ông: “Tôi nghĩ rằng ông nên có đức tin”. Người phóng viên hỏi: “Tôi phải làm gì để có đức tin ?”. Mẹ Têrêxa đáp: “Ông hãy cầu nguyện”. Ông trả lời: “Tôi không biết và không thể cầu nguyện”. Thế là, mẹ Têrêxa dịu dàng nói: “Tôi sẽ cầu nguyện cho ông. Nhưng về phần ông, ông hãy cố gắng mỉm cười với những người chung quanh ông. Một nụ cười có thể đánh động được tâm hồn người khác. Một nụ cười có thể cho chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống của chúng ta”.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Niềm tin vào Chúa Giêsu cần “phải được biểu lộ và nuôi dưỡng, dù chỉ bằng một nụ cười hay một ánh mắt cảm thông”. Niềm tin ấy, hôm nay chúng ta được mời gọi: Tin cách sống động, can đảm, kiên nhẫn và bác ái như các tín hữu Côrintô. Họ sống niềm tin ấy bằng việc chia sẻ những thiếu thốn của những anh em khác. Tình huynh đệ thiêng liêng giữa những người tin làm nên một cộng đoàn bác ái: “Hãy cho họ ăn, kẻ được nhiều cũng không dư, kẻ có ít cũng không thiếu”. Như thế, đức tin của chúng ta phải trổ sinh hoa trái bằng việc làm, để mọi người có thể nhận ra khuôn mặt của Đức Kitô, Chúa của sự sống mà chúng ta suy phục, tôn thờ.
Nguyện xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta và giúp chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời. Amen.
Lm. Nguyễn Văn Quang.

SUY NIỆM 2: MẦU NHIỆM SỰ CHẾT

Cuộc sống ngày hôm nay có nhiều thứ làm chúng ta hoang mang, lo lắng và sợ hãi: Sợ nghèo đói, sợ đau khổ, sợ bệnh tật… và có lẽ nỗi sợ lớn nhất của con người là sợ chết. Khi tận mắt chứng kiến hay khi chính mình đối diện với cái chết, đặc biệt là những cái chết tức tưởi bất ngờ, người ta thường đặt vấn đề là tại sao Thiên Chúa lại làm nên cái chết để rồi nhân loại phải sợ hãi và chịu đau khổ khi đối diện với nó? Anh chị em nghĩ gì về câu hỏi ấy?
Trong bài đọc 1, tác giả sách Khôn ngoan khẳng định với chúng ta rằng: “Thiên Chúa không làm ra cái chết” (Kn 1,13). Ngay từ thuở tạo thiên lập địa, “Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người và cho họ được trường tồn bất diệt” (Kn 2,23). Chỉ vì tổ tông loài người đã nghe theo lời xúi giục của ma quỉ mà chống lại Thiên Chúa, và chính hành vi phản bội ấy đã mở ra cánh cửa để cái chết xâm nhập vào thế gian (x.Kn 2.24), và cái chết đã thống trị con người.
Thế nhưng trong bài Tin mừng hôm nay, Thánh sử Maccô mời gọi chúng ta đừng sợ, bởi Chúa Giêsu đã đến thế gian. Ngài có quyền lực trên cái chết, và việc Chúa Giêsu hồi sinh con gái ông trưởng hội đường trong bài Tin mừng hôm nay là một bằng chứng sống  về chân lý ấy. Hơn nữa, Chúa chúng ta đã bước qua ngưỡng cửa của cái chết để đi vào cõi sống bất diệt. Ngài đã sống lại từ cõi chết để mở đường cho tất cả chúng ta.
Như vậy, cái chết chẳng còn quyền chi với con người. Nó chỉ được coi như là ranh giới giữa đời này và đời sau. Chết không phải là hết, nhưng nó là cánh cửa mở ra để chúng ta bước vào sự sống đời sau.
Chỉ có một mình Chúa Giêsu là người nắm rõ ý nghĩa của đau khổ và cái chết. Do đó, nhỡ một lúc nào đó anh chị em cảm thấy hoang mang sợ hãi, cảm thấy bị chao đảo lung lay khi chính bản thân mình, hay người thân trong gia đình mình đối diện với đau khổ và cái chết, thì anh chị em hãy tìm đến với Chúa Giêsu. Ngài sẽ nói cho anh chị em biết đau khổ mà anh chị em đang gặp phải, cái chết mà anh chị em đang đối diện, mang ý nghĩ gì.
Và thưa anh chị em, mọi nỗ lực cố gắng của người ki-tô hữu của chúng ta ở đời này chỉ nhắm đến một cùng đích, đó là bước vào cuộc sống mới, cuộc sống đời đời. Và không có con đường nào khác để đi vào sự sống vĩnh cửu ấy ngoài con đường của sự chết đâu thưa anh chị em!
Ước gì những chân lý đức tin về mầu nhiệm sự chết được mạc khải dưới ánh sáng lời Chúa hôm nay, sẽ giúp chúng ta vượt qua được sự sợ hãi của phận người yếu đuối, giúp chúng ta xác tín hơn vào Chúa Giêsu là Chúa của kẻ sống và kẻ chết, và giúp chúng ta biết chuẩn bị sẵn sàng những gì cần thiết để hân hoan đi về nhà Cha. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 3: NIỀM TIN THẮP SÁNG HY VỌNG

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay được cả ba tác giả trong Tin Mừng Nhất Lãm kể lại. Tuy nhiên, Máccô kể dài hơn, gồm 23 câu, do vậy nhiều tình tiết hơn, cảm động hơn khiến chúng ta bị cuốn hút một cách tự nhiên từ đầu đến cuối câu chuyện. Máccô đã lồng hai câu chuyện vào với nhau một cách khéo léo, tài tình, nhưng ý nghĩa vẫn là một: Đức Giêsu ban tặng sự sống cho những ai vững tin và biết cộng tác với Ơn Thánh.
  1. Chúa ban sự sống, con người có lòng tin.
Phép lạ thứ nhất, Máccô kể rằng, giữa đám đông chen lấn chung quanh Đức Giêsu, có những người đụng vào áo Người. Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý, đụng lén như sợ bị bắt quả tang. Đó là cái đụng của một người phụ nữ, bất chấp lệnh cấm theo lề luật Do thái. Mười hai năm mắc bệnh băng huyết. Mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi. Mười hai năm bị coi là ô nhơ, không được đụng đến người khác, không được tham dự nghi lễ ở Đền thờ. Người phụ nữ thận trọng và đầy can đảm đã đụng vào áo Đức Giêsu bằng tay và bằng lòng tin, một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ “Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.”. Tức khắc, bà cảm thấy lành bệnh vì máu trong người đã cầm lại. Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.
Phép lạ thứ hai, Máccô kể, ông Giairô đến xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái ông đã mười hai tuổi. Ông là viên chức trưởng hội đường. Tình yêu của người cha đối với đứa con gái đã làm cho ông can đảm. Ông sẵn sàng tin cậy vào một người xa lạ. Ông tín nhiệm vào một người từ nơi khác đến. Ông chỉ mới nghe danh tiếng về người ấy. Ông đến gặp Chúa và “phủ phục dưới chân Đức Giêsu và năn nỉ”. Đức Giêsu đã chấp thuận, nhưng khi hai người đang trên đường về nhà ông thì được tin con gái đã chết. Vậy là hết, vô phương cứu chữa nữa! Đức Giêsu động viên ông “Đừng sợ, cứ tin”. Khi đến nhà, thấy đông đảo bà con xóm làng đến, Người nói: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Cô bé đã chết rồi, nhưng đối với Đức Giêsu, cái chết chẳng có tính chung cuộc mà chỉ là một giấc ngủ thôi. Người có quyền năng đưa kẻ chết ra khỏi giấc ngủ ấy. Với cử chỉ đơn sơ cầm tay đứa bé và nói “Talithakum”, nghĩa là “Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi!” Đức Giêsu đã khiến cho đứa bé đứng dậy và đi lại được. Người còn bảo họ cho đứa bé ăn để chứng thực là nó đã sống lại thật.
Hai phép lạ đều liên quan đến sự sống. Người phụ nữ bị bệnh loạn huyết đang mất dần sự sống: máu là nguyên lý sự sống, mà bà này đã bị mất máu liên tục mười hai năm, nghĩa là sức sống đang dần dần rời xa bà. Vì thế khi Đức Giêsu làm cho bà hết bệnh, là Người trả lại sức sống cho bà. Đứa con gái ông Giairô thì đã chết, sự sống đã hoàn toàn rời khỏi nó. Nhưng Đức Giêsu đã làm cho nó sống lại.
Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin. Đức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”. Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đao của Giarô: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”.
Tin vào những chuyện dễ dàng, tin khi cuộc sống bình an xuôi thuận thì chưa hẳn là đức tin. Đó chỉ là một chuyện đương nhiên thôi. Đức tin là một nhân đức căn bản của Đạo. Phải là vẫn cứ tin vào những chuyện khó khăn vượt quá sức loài người. Vẫn cứ tin khi cuộc đời gặp lúc cheo leo. Đức tin vững vàng như vậy có thể làm nên những phép lạ. Bởi lẽ, trước một hoàn cảnh quá khó khăn, trong lúc đời sống quá gian nan, nếu ta vẫn tin thì không phải là ta tin vào sức riêng của ta nữa, mà là tin vào sức Chúa, và Chúa quyền năng làm được mọi sự.
– Như Abraham đã 90 tuổi mới có được một đứa con trai. Vâng lệnh Chúa, ông đưa con yêu quý lên núi sát tế mà lòng đau như cắt. Ông tin rằng, Chúa sẽ thực hiện lời hứa ban cho ông thành tổ phụ một dân đông đảo. Ông vẫn tin và Chúa đã làm ông thành tổ phụ những người tin.
– Như Phêrô dám bước đi trên mặt nước. Ông đã đi khi vững tin vào Chúa. Nhưng khi bắt đầu hoài nghi thì cũng là lúc ông bắt đầu chìm xuống.
Đức Giêsu bày tỏ quyền năng trên thiên nhiên, trên ma quỷ, trên bệnh tật và trên sự chết, vì Người là Đấng ban sự sống. Tin vào Người, chúng ta luôn có được sự sống dồi dào.
  1. Cộng tác với ơn Chúa
Chuyện kể rằng một bà già bị đau răng, bà đã làm Tuần chín ngày để kính thánh Antôn, vì người ta nói: Thánh Antôn “chuyên trách” về bệnh này.
Hết tuần chín ngày bà vẫn còn đau. Lúc đó một vị linh mục đến thăm. Bà liền hỏi:
– Xin Cha nói cho con biết: có phải thánh Antôn chuyên trách bệnh đau răng không?
Vị linh mục nói:
– Bà hãy nghe tôi: Đây là địa chỉ của nha sĩ. Hãy đến đó và nói là tôi giới thiệu, họ sẽ làm không công cho bà.
Bà già la lên:
– Trời đất ơi, một ông linh mục vô thần.
Thánh Antôn tự nhủ:
– Kể ra cũng đau lòng, để nhận lời cầu nguyện của bà, chính ta đã gởi cho bà vị linh mục này. Thế mà!
Người phụ nữ xuất huyết và bà già đau răng đều tin tưởng vào Chúa. Nhưng niềm tin của họ có sự khác biệt rất lớn. Người phụ nữ xuất huyết nghĩ mình phải làm điều gì đó chứ không chỉ tin suông. Bà đến với Chúa chứ không chờ Chúa đến với mình. Bà già đau răng thì cầu nguyện rồi chờ phép lạ. Bà không chịu làm gì nữa.
Ông Giairô cũng tin rằng Chúa có thể cứu sống con gái ông. Ông đã làm hết sức mình. Con gái ông hấp hối không thể đến với Chúa được, nên ông đã xin Chúa đến chữa cho con gái ông.
Cộng tác với ơn Chúa là điều kiện để Chúa ban ơn. Chúng ta không thể chỉ thụ động chờ Chúa làm phép lạ, nhưng hãy sử dụng hết những phương tiện bình thường Chúa ban. Phần còn lại tùy Chúa định liệu cho ta. Thánh Ignatio de Loyola đã cho chúng ta lời khuyên bất hủ này: “Hãy làm như thể mọi việc tùy thuộc chúng ta và hãy cầu nguyện như thể mọi việc tùy thuộc Thiên Chúa”. Mc.Kenzie nói: “Khi ta cố gắng làm những gì có thể, Thiên Chúa sẽ làm những điều ta không thể”.
Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền tự do, Người không thúc ép, nhưng để chúng ta toàn quyền sử dụng tự do của mình. Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như những con bù nhìn, nhưng luôn coi trọng chúng ta như những cộng tác viên của Người.
Trong các phép lạ Chúa làm, Người đều cần sự cộng tác của con người. Trong tiệc cưới Cana, Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta đã “múc nước đổ đầy các chum” (Ga 2,7)
Trong phép lạ về bánh, Người chỉ làm cho bánh hóa nhiều khi “có 5 chiếc bánh và 2 con cá” (Mc 6,35-43).
Khi chữa mắt cho người mù, Người chỉ thoa bùn vào mắt anh, còn phần anh phải đi rửa ở hồ Silôê mới được sáng mắt (Ga 9,1-40).
Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng hết các khả năng của mình, và Người sẵn sàng can thiệp khi cần. Cộng tác với Ơn Chúa bằng lòng tin là con đường của hy vọng.
  1. Niềm tin thắp sáng hy vọng
Các phép lạ Đức Giêsu đã làm thường là điểm giao tiếp giữa quyền năng đầy tình yêu của Thiên Chúa và niềm tin của con người. Thiên Chúa giàu lòng xót thương nên ở đâu có niềm tin, ở đó có phép lạ. Chúa nói với người phụ nữ: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”; và nói với ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”.
Đức tin là vị thuốc thần đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Đức tin là bí quyết đem lại hy vọng cho nơi nào không còn gì để hy vọng! Sau khi mọi hy vọng, mọi biện pháp chữa trị của con người đã trở nên vô hiệu quả, thì chỉ còn niềm tin mới có khả năng “cứu độ”. Đức Giêsu đã đem lại niềm vui và bình an cho những ai tuyệt vọng mà vẫn một lòng cậy trông. Có lần Đức Giêsu đã nói: “Nếu bạn có đức tin bằng hạt cải, thì bạn có thể nói với ngọn núi này ‘hãy di chuyển từ đây đến kia’, nó sẽ di chuyển” (Mt 17,20). Đây không phải là một lời phóng đại, nhưng là một sự thực được chứng minh qua cuộc đời các vị Thánh. Các vị Thánh là những người đã tin và các ngài đã làm được nhiều điều kỳ diệu.
Một lần kia, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Têrêxa phải đối diện với một phóng viên không mấy thiện cảm đối với Giáo Hội.
Mẹ Têrêxa nói với ông: Tôi nghĩ rằng ông nên có đức tin.
Người phóng viên hỏi: Tôi phải làm gì để có đức tin?.
Mẹ Têrêxa đáp: Ông hãy cầu nguyện.
Ông chống chế: Tôi không biết và không thể cầu nguyện.
Mẹ Têrêxa dịu dàng nói: Tôi sẽ cầu nguyện cho ông. Nhưng về phần ông, ông hãy cố gắng mỉm cười với những người chung quanh ông. Một nụ cười có thể đánh động được tâm hồn người khác. Một nụ cười có thể cho chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống chúng ta.
Đức tin thắp sáng niềm hy vọng và trổ sinh hoa trái bằng việc làm.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

SUY NIỆM 4: ĐỨC TIN KHAI MỞ QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA

 
Sau phép lạ dẹp yên bão tố và phép lạ giải thoát người bị quỷ ám, hôm nay chúng ta được nghe trình thuật diễn tả hai phép lạ khác đan kết với nhau một cách chặt chẽ: phép lạ chữa người đàn bà loạn huyết và phép lạ phục sinh con gái ông Giaia. Qua các phép lạ này, ta thấy có một sự tăng trưởng dần dần trong niềm tin của các môn đệ vào quyền năng của Chúa Giêsu. Quyền năng trên các định luật thiên nhiên: làm cho sóng yên biển lặng. Quyền năng trên các thần ô uế: giải thoát người bị quỷ ám ở Ghêrasa. Quyền năng trên bệnh tật: chữa lành người đàn bà bị chứng xuất huyết. Và quyền năng trên sự chết: phục sinh con gái ông trưởng hội đường. Thế nhưng để quyền năng của Chúa Giêsu được biểu lộ, đòi hỏi con người phải có niềm tin. Nói cách khác, tin là điều kiện cần có để được Đức Giêsu thực hiện các phép lạ.
Chính nhờ đức tin mà người đàn bà loạn huyết được chữa lành. Chúa Giêsu đã xác nhận điều này: “Đức tin con đã cứu chữa con” (Mc 5,34). Đức tin đã khai mở quyền năng của Ngài, như thể Chúa Giêsu quy gán phép lạ cho khả năng của con người. Đức tin đã giúp bà tìm đúng địa chỉ để dứt điểm căn bệnh mà bà phải gồng mình chịu đựng trong suốt 12 năm trường. Trình thuật Marccô cho thấy người đàn bà bị loạn huyết đang đối diện với một căn bệnh được xem là nan y thời đó. Căn bệnh đang lấy dần đi sự sống nơi bà, vì máu là căn nguyên sự sống, trong khi bà đang bị băng huyết. Nhưng bà tin Chúa Giêsu có dư năng quyền để chữa bà lành bệnh. Bằng chứng là bà tự nhủ rằng chỉ cần một chút quyền năng phát ra nơi gấu áo của Chúa Giêsu thôi cũng bằng ngàn vạn thầy thuốc giỏi nhất trần gian. Quả đúng như thế. Bà vừa mới sờ vào gấu áo Chúa Giêsu, tức khắc căn bệnh đã “say goodbye” với bà. Kỳ diệu thay quyền năng của Thiên Chúa và cũng diệu kỳ thay đức tin của con người.
Cũng vậy, chính nhờ đức tin của ông trưởng hội đường mà con gái ông được cứu sống. Cứ xem diễn tiến của câu chuyện chúng ta sẽ thấy rõ sự kỳ diệu của đức tin.
Khi hay tin con gái cưng của ông đã chết và những người nhà của ông đã tuyệt vọng, ông vẫn tin vào quyền năng của Chúa. Con gái của ông không còn là một bệnh nhân, mà đã trở thành một xác chết. Và điều ông nài xin Chúa Giêsu giờ đây đối với gia nhân của ông cũng không còn giá trị nữa, như lời họ khuyến cáo: Con gái ông đã là người thiên cổ rồi còn làm phiền Thầy chi nữa (x. Mc 5,35).
Sự kiện “người ta khóc than kêu la” là dấu chứng con gái ông đã chết. Thánh sử Matthêu còn thêm chi tiết là “đến nơi Chúa Giêsu thấy phường kèn và đám đông xôn xao” (Mt 9,23). Đang sống thì phường kèn không có lý do gì để có mặt ở đó. Điều này chứng tỏ con gái ông rõ ràng đã chết thật, và đức tin của ông lúc này đang bị thử thách nặng nề. Có thể nói được là thử thách đã lên tới đỉnh điểm. Tuy nhiên, khi được Chúa Giêsu khích lệ, ông đã một lòng tin tưởng và tín thác, mặc cho bầu khí kém lòng tin, do những người bà con lối xóm gây ra, đang bao trùm chung quanh. Kết quả là đức tin ấy đã được tưởng thưởng xứng đáng: người con gái yêu quý đã được tử thần trả lại cho ông. Nói cách khác, chính đức tin đã đem con gái ông trở về từ cõi chết. Chẳng phải Chúa Giêsu đã từng có lần nói: “Mọi sự đều có thể đối với người có lòng tin” (x. Mt 21,21-22).
Nói tóm lại, tin là điều kiện cần thiết để Chúa Giêsu thực hiện các phép lạ. Thế nhưng việc Chúa Giêsu thực hiện các phép lạ cũng không nằm ngoài mục đích là củng cố niềm tin cho những kẻ đi theo Ngài, để họ tin rằng Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, nhờ đó mà họ được ơn cứu độ. Không bao giờ Chúa Giêsu làm phép lạ để biểu diễn như lời dụ khị của Satan; hay là để cho nhân dân tán thưởng như các võ sĩ, các nhà ảo thuật, hoặc các diễn viên xiếc…
Qua phép lạ, Ngài kiện cường, thanh luyện niềm tin của những kẻ theo Ngài vốn còn nông cạn, thậm chí còn mang hơi hám ma thuật sơ đẳng, như đức tin của người đàn bà bị loạn huyết, hay còn đang bị chao đảo như đức tin của ông trưởng hội đường, trở thành một đức tin chân chính và sâu xa.
Niềm tin của tôi đang mang màu sắc nào? Tôi có để cho Chúa thanh luyện và “nâng cấp” để đức tin của tôi ngày càng trở nên tinh ròng và kiên vững hay không? Xin Chúa gia tăng lòng tin còn non yếu của chúng ta, hầu chúng ta có thể mở các kho tàng ân sủng trào tràn của Thiên Chúa. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

SUY NIỆM 5: TIN VÀO THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG BAN SỰ SỐNG


Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ: người phụ nữ bị băng huyết suốt mười hai năm được chữa lành, và con gái của ông trưởng hội đường Gia-ia được sống lại. Trong cả hai trường hợp, Chúa Giêsu ban ơn chữa lành và ơn cứu độ cho họ. Nhờ đâu họ được chữa lành và cứu sống? Bởi vì, người phụ nữ và cha của đứa bé đã không bỏ cuộc. Vì họ tin!
Người phụ nữ bị băng huyết chắc chắn đã đau khổ rất nhiều, không chỉ vì bệnh tật của bà không thể chữa khỏi, mà còn vì căn bệnh này, bà bị loại trừ khỏi mọi sinh hoạt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, bà không cam chịu, thậm chí bất chấp mọi sự ngăn cấm, dị nghị mà dám len vào giữa đám đông để có thể tiến đến gần Chúa Giêsu. Điều gì đã làm cho bà trở nên can đảm và liều lĩnh như vậy? Chắc chắn là nỗi khát khao được chữa lành, và một niềm tin mạnh mẽ rằng, Chúa Giêsu là người có thể làm được điều đó, ngay cả khi bà không cần lên tiếng cầu xin mà chỉ cần “chạm đến áo của Người” mà thôi.
Chúa đến để đồng hành với chúng ta trên con đường riêng của mỗi người. Người đi vào trong lô-gích của chúng ta, ngay cả những lô-gích lệch lạc, để dẫn chúng ta đi xa hơn. Người phụ nữ đến sau lưng Chúa và chạm vào áo người cách lén lút, nhưng Chúa lại đưa bà ra công khai, diện đối diện và được đối thoại với Người. Chúa Giêsu làm vậy không phải để tố cáo bà, nhưng là để tuyên dương đức tin của bà trước đám đông: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”, và trả lại phẩm giá cho bà, đưa bà về với đời sống xã hội: “Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”. Từ nay bà sẽ không còn phải sống trong sợ hãi hay phải lén lút trước đám đông nữa, vì bà đã chạm đến được lòng thương xót của Đấng ban sự sống.
Còn về phép lạ cho con gái của ông trưởng hội đường Gia-ia sống lại, chính lòng tin của  người cha đã khiến phép lạ xảy ra. Ông làm điều mà bất cứ người cha nào trong trường hợp của ông cũng sẽ làm như vậy, đó là chạy đến với bất cứ ai có thể cứu sống con gái mình. Khi mọi người dường như đã bỏ cuộc trước căn bệnh của con gái ông, thì ông vẫn không chịu bỏ cuộc. Chắc chắn ông đã nghe biết về Chúa Giêsu, và ông tin rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành con gái ông, nên ông tìm đến cầu xin Người: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu là cứu cánh, là niềm hy vọng cuối cùng của ông. Chính nhờ lòng tin dám đi đến cùng đó, mà khi mọi người báo cho ông biết rằng con gái ông đã chết, Chúa Giêsu củng cố lòng tin của ông: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Ông chỉ dám tin rằng Chúa Giêsu có thể chữa khỏi bệnh, nhưng Chúa Giêsu đã dẫn đức tin của ông đi xa hơn, Người cho thấy rằng Người không chỉ có quyền năng trên sự dữ là bệnh tật, nhưng Người còn là chủ của sự sống khi cho con gái ông sống lại.
Bài Tin Mừng hôm nay gởi đến chúng ta ba bài học:
- Trước tiên, về việc chữa lành cho người phụ nữ. Tin Mừng kể lại rằng có một đám rất đông đi theo Chúa Giêsu, họ chen lấn để được nhìn thấy Người. Chắc chắn có nhiều người đã chạm được vào Người, nhưng chỉ có người phụ nữ là được chữa lành, vì bà khao khát và tin Chúa Giêsu làm được điều đó. Trong Thánh lễ, mỗi khi rước lễ, chúng ta đón nhận chính Chúa Giêsu. Không chỉ chúng ta được đụng chạm đến Người, mà chính Người đụng chạm đến tâm hồn chúng ta. Nhưng thử hỏi, sự đụng chạm đó có đem đến cho chúng ta một sự chữa lành, một sự sống mới nào đó không? Nếu bao nhiêu lần chúng ta rước Chúa mà vẫn chưa thấy có một sự thay đổi nào nơi cuộc sống của mình, có lẽ chúng ta nên tự hỏi rằng mình có thực sự khao khát và có thực sự tin để Chúa có thể biến đổi đời sống của mình nên tốt hơn không.
- Thứ hai, nhờ đức tin của ông Gia-ia mà Chúa Giêsu đã làm cho con gái ông sống lại. Điều này giúp cho chúng ta ý thức về sự liên đới trong đời sống đức tin. Đức tin là hành vi cá nhân, nhưng chúng ta cũng cần đến đức tin của người khác để nâng đỡ sự yếu đuối của chúng ta. Trong những lúc gặp khó khăn thử thách, nhất là trước cái chết, nhiều người dễ ngã lòng và không còn thấy tin tưởng vào Chúa nữa, lúc đó, sự vững vàng trong đức tin của những người bên cạnh sẽ nâng đỡ và giúp họ tìm lại được niềm tin và sự bình an.
- Cuối cùng, trước những đau khổ của con người, Thiên Chúa không im lặng hoặc dửng dưng. Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã sống và chia sẻ những đau khổ của con người. Hơn nữa, Người khơi lên trong chúng ta một niềm hy vọng lớn lao rằng đau khổ và cái chết không phải là cùng tận, chỉ có tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta mới là tiếng nói cuối cùng, như lời thánh Phaolô gởi cho tín hữu Rôma (chương 8, câu 38-39): “Cho dầu là sự chết hay sự sống,... hiện tại hay tương lai,... không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.”
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

SUY NIỆM 6: LÀM PHIỀN THẦY CHI NỮA

Hai phép lạ lồng vào nhau được Tin Mừng Mác-cô tường thuật nêu lên một vấn nạn mà từ lâu nay tôi vẫn lởn vởn trong đầu: tôi có thật sự tin vào Chúa không, và thế nào là một niềm tin đích thực vào Chúa?
Hai phép lạ Đức Giêsu thực hiện rõ ràng là do lòng tin của các nhân vật trong cuộc: Ông trưởng hội đường Gia-i-a và người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm chắc chắn đã tin vào sức mạnh chữa lành của Thầy Giêsu, khi họ đồng loạt khẩn khoản nài xin Người thi thố quyền phép, tuy với những cách thức rất khác nhau – một người ‘sụp xuống dưới chân Người và khẩn khoản nài xin’, trong khi người kia rón rén ‘đến phía sau Người để sờ vào áo của Người’. Trong cả hai trường hợp Đức Giêsu đều xác định: “Lòng tin của con đã cứu chữa con… Chỉ cần ông tin thôi”. Thế nhưng toàn bộ câu chuyện hình như lại cho thấy một điều gì khác thâm sâu hơn; Đức Giêsu đòi bất cứ niềm tin nào đặt nơi Người, cho dầu tự nó đã là rất vững chãi đi nữa, vẫn còn phải được kèm theo một yếu tố không thể thiếu, đó là phó thác cậy trông dứt khoát và không lay chuyển! Người đàn bà có tin nhưng còn không dám, còn rụt rè và run sợ… gia đình ông trưởng hội đường tin đấy, nhưng còn ngại ngùng ‘làm phiền Thầy chi nữa!’ Rõ ràng tín thác cậy trông đã thiếu trong cả hai trường hợp.
Đối với Đức Giêsu, tin vào quyền năng của Thiên Chúa mà thôi là chưa đủ, nói cách khác, Người chờ đợi nơi Kitô hữu của Tân Ước một thái độ tin tưởng phó thác rất độc đáo, không hề tìm thấy nơi bất cứ một tôn giáo nào khác. Các Kitô hữu chúng ta đều biết, mục đích chính Đức Giêsu đến trần gian chắc chắn không nhằm biểu lộ quyền năng hùng mạnh của Thiên Chúa. Để làm được điều này Cựu Ước đã quá đủ; ‘Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh’ (Lc 1:51) qua không biết bao nhiêu là biến cố oai hùng, nhất là các can thiệp khủng khiếp trong biến cố Xuất Hành giải thoát dân riêng. Ngay cả khi Người thực hiện các phép lạ vĩ đại, Người vẫn cho thấy rằng biểu lộ quyền năng Thiên Chúa chỉ là điều rất thứ yếu. Mục tiêu chính của các phép lạ vẫn luôn là, như Người không ngừng khảng định rằng ‘Thiên Chúa yêu thương trần gian’. Chính vì thế mà, đối với người dàn bà rón rén ‘lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người’, cho dầu lòng tin của bà có mạnh thật đấy, ‘Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu’, nhưng Đức Giêsu vẫn muốn bà nhận ra: có một ‘năng lực tự nơi mình phát ra’ mà chưa ai từng nhận biết, đó là tình yêu xót thương của Thiên Chúa, một tình yêu phải mang đến cho bà tin tưởng và bình an, chứ không phải e dè sợ hãi. “Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”. Cũng vậy trường hợp ông trưởng hội đường (tương tự như cô Mát-ta trong chương 11 Phúc Âm Gio-an); chắc chắn ông đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa, nhưng ông vẫn có phần ngại ngùng rằng yêu cầu của ông đi quá xa, “Con gái ông chết rồi, còn làm phiền thầy chi nữa!” Ngại ngùng đó chứng tỏ ông không hiểu gì về lòng nhân lành thương xót của Đấng mà Đức Giêsu công bố là ‘Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho anh em sao?’ Người phải chấn an ông: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”, nhưng phải là niềm tin hoàn toàn phò thác và tin tưởng sâu xa nhất.
Tin không chút sợ hãi chắc chắn không phải là một niềm tin bình thường. Niềm tin đó không chỉ dựa vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa, mà quan trọng hơn, phải đặt trên tin tưởng vô hạn đặt cơ sở trên chính sự nhân lành của Thiên Chúa tới độ tín thác không chút e dè. Sự tin tưởng của người lính vào tài bầy binh bố trận của vị tướng cầm quân tài giỏi có thể là rất vững chắc, nhưng không thể nào sánh được với sự phó thác của em bé trong vòng tay âu yếm của mẹ nó; một đàng là tin tưởng đặt nền móng trên nắm bắt được sức mạnh của quyền lực, đàng khác là phó thác dựa trên cảm nghiệm được yêu thương. Niềm tin Kitô hữu, kể từ thời các Tông Đồ, không còn đặt nền tảng trên biến cố oai hùng như Xuất Hành qua Biển Đỏ, nhưng là trên cử hành Hiến Tế thập giá. Vì thế niềm tin này, để trưởng thành và vững chãi, sẽ không cần cầu xin một dấu lạ (xem Mt 12:38), nhưng cần cảm nghiệm được tình yêu của Đấng đã ‘chết cho người mình yêu’. Nói cách khác, ánh sáng đức tin Kitô hữu không giãi sáng từ trí óc nhưng từ con tim (hãy ngắm nhìn bức ảnh ‘Lòng Thương Xót Chúa’). Và do đó câu tuyên xưng đức tin đúng đắn nhất của mọi Kitô hữu sẽ không còn là ‘tôi tin kính một Thiên Chúa toàn năng!’ (I believe in God almighty), nhưng phải là ‘Con tín thác nơi Chúa’ (Jesus, I trust in you), vì chỉ mình Người mới là Đấng không những quyền phép, nhưng trên hết là từ nhân.
Tôi thiết nghĩ cốt lõi của phong trào ‘Lòng Thương Xót’ hệ tại ở việc biến đổi thâm sâu trong đức tin của mỗi Kitô hữu chúng ta.
Lạy Chúa Từ Nhân, như thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng, con xin Chúa cho con được nếm cảm sự an bình thư thái ‘như bé thơ trong vòng tay mẹ hiền’. Xin cho con một đức tin không vương chút âu lo sợ hãi, bất chấp những yếu hèn vô tận của con người mỏng dòn. Xin cho con luôn biết chiêm ngắm Thập Giá như nguồn cậy trông phó thác duy nhất đời con, bây giờ và nhất là trong giờ lâm tử. Amen.
 Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

SUY NIỆM 7:  NGUỒN SỐNG

 
Bệnh tật và chết là hai thực tại của cuộc sống. Không ai sống mạnh khoẻ suốt đời, ít nhiều gì cũng có bệnh. Có sinh tất có tử, không ai có thể tránh khỏi. Bệnh thể lí dễ nhận ra bởi nó xuất hiện trên khuôn mặt, có thể dò, đo, hỏi, tìm biết nguyên nhân gây mầm bệnh. Bệnh về tâm linh khó nhận ra bởi bệnh tâm linh tiềm ẩn bên trong nên không dễ nhận bằng quan sát. Thinh lặng, cầu nguyện và lắng nghe tiếng lòng là chìa khoá mở tìm kiếm bệnh tâm linh. Cuộc sống nào cũng cần đời sống tâm linh. Không tin Chúa thì tin thần thánh. Chối bỏ thần thánh thì tin vào con người, tin chủ thuyết, trường phái hay chế độ, vì thế phát sinh ra nhiều trường phái linh đạo khác nhau. Phổ thông và có nhiều thành viên hơn cả là trường phái linh đạo đòi ít cố gắng, vừa nhàn lại dễ dãi. Đúng với tên gọi của nó, trường phái linh đạo dễ dãi giúp cuộc sống an bình trong hoàn cảnh dễ dãi. Gặp hoàn cảnh khó khăn trường phái linh đạo dễ dãi không giúp giải quyết vấn nạn cuộc sống. Đây chính là kinh nghiệm của người phụ nữ bệnh loạn huyết và cũng là kinh nghiệm của người cha thương con khi con ông đối diện với cái chết. Cả hai cùng ra đi, dời khỏi nơi nương náu an toàn trước đây đến gặp Đức Kitô. Cả hai xin được cứu giúp và Đức Kitô đã ban cho cả hai được toại nguyện, thoả lòng. Khiêm nhường và chân thành là con đường dẫn đến Đức Kitô.
Cả hai đều đặt tin tưởng vào bác sĩ và cải hai đều nhận biết chính họ cũng có giới hạn. Người phụ nữ theo bác sĩ lòng, hết tiền, hết tài sản, không hết bệnh, đã vậy bệnh còn nặng thêm. Người con gái ông trưởng hội đường cũng không may mắn hơn, bệnh không khỏi, bác sĩ lắc đầu chào thua. Phó mặc em bé cho cái chết tiến gần. Cuối cùng cả hai dấn thân, ra đi, không còn người trần gian nào giúp được nên họ đến gặp Con Thiên Chúa, Đức Kitô. Cả hai đều biểu lộ lòng tin một cách đáng thán phục, đáng ca tụng. Mỗi người biểu lộ lòng tin của mình một cách khác nhau. Người phụ nữ tin là sờ vào gấu áo Đức Kitô sẽ khỏi bệnh. Ông trưởng hội đường không phải chỉ tin ‘còn nước, còn tát’ theo kiểu nói bình dân. Tin buồn đưa đến là con ông đã chết. Dẫu thế ông vẫn tin Đức Kitô là nguồn ban sự sống. Sự sống Ngài ban làm cho kẻ chết sống lại.
Người phụ nữ thầm cầu mong nếu không được chạm đến Ngài, chỉ cần sờ vào gấu áo Ngài cũng sẽ khỏi bệnh và bà ta được toại nguyện. Sờ vào gấu áo Đức Kitô bà cảm nhận ơn chữa lành tại chỗ. Đức Kitô biết có người âm thầm sờ gấu áo bởi Ngài biết ân sủng lan toả ra nên Ngài hỏi các môn đệ ‘ai đã sờ gấu áo tôi’ c.30. Các ông ngạc nhiên thưa ‘Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ‘ai đã sờ vào tôi’ c. 31. Biết không thể giữ kín điều đã làm người phụ nữ sợ hãi đến trước mặt Đức Kitô quì gối nhận chính bà đã sờ gấu áo và xin ơn khỏi bệnh. Đức Kitô nói với bà bởi do lòng tin bà được nguồn sống. Bà cùng lúc nhận được ba ơn Chúa ban đó là ơn chữa lành, ơn bình an và ơn giải thoát c.34.
Ông trưởng hội đường còn đang nói chuyện với Đức Kitô thì gia nhân đến thưa: ‘Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa c.35. Đức Kitô an ủi ông: ‘Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi’ c.36. Vào đến nhà Đức Kitô nói với người đang khóc: ‘Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy c.39’ và người ta chế nhạo Người. Đức Kitô cầm tay kẻ chết và nguồn sống từ Ngài truyền sang em bé. Em đứng dậy đi lại bình thường. Ngày nay cũng có người chế nhạo khi Kitô hữu tin là Thiên Chúa tạo dựng đất trời, điều khiển mọi sinh hoạt trong trời đất và ban cho chúng sự sống. Chế nhạo lòng tin của Kitô hữu để tin vào khám phá tìm kiếm của khối óc con người, mệnh danh là khoa học. Thủ hỏi nếu Thiên Chúa không tạo dựng vũ trụ khoa học có gì để nghiên cứu không? Chắc chắn môn khoa học đã không ra đời.
Chữa bệnh cho người phụ nữ và cho con gái ông trưởng hội đường cho thấy Đức Kitô không loại trừ bất cứ ai, ân sủng Ngài ban cho bất cứ ai thành tâm. Ân sủng Chúa vượt biên giới, mầu da, sắc tộc và ngay cả chủ thuyết. Những ai thành tâm đến với Ngài đều không phải trở về tay không nhưng nhận được nhiều hơn điều mong ước.
Lm. Vũ Đình Tường 

SUY NIỆM 8: BÍ QUYẾT THẦN DIỆU ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC ĐIỀU MONG ƯỚC

Có một ông vua rất đỗi giàu sang và vô cùng quảng đại. Nhà vua có một kho tàng đầy ắp những báu vật mọi người hằng mơ ước. Nhà vua tuyên bố với thần dân rằng bất cứ ai muốn lấy bất cứ thứ gì trong kho tàng vô tận của vua thì cứ lấy, miễn là phải dùng một loại chìa khoá rất đặc biệt mới mở được kho tàng. Chìa khoá ấy, vua cũng chỉ cho biết là đang nằm trong tầm tay mọi người. Tiếc thay, người ta không biết đó là chìa khoá thần kỳ và chưa mấy ai đem ra sử dụng.
Khi nghe tin nầy, nhiều người nao nức hỏi: Vị vua đại lượng đó là ai? Kho tàng nằm ở đâu? Chìa khoá nào mở được kho tàng, xin mau mau cho biết.
Ðức vua đó chính là Thiên Chúa quyền năng. Kho tàng của Người là vô vàn phúc lộc không bao giờ vơi cạn. Chìa khoá để mở kho tàng ấy là lòng tin. Ai có lòng tin mạnh mẽ, người đó có thể mở được cửa kho tàng và chiếm lấy những gì mình muốn. Ai không có lòng tin, thì đành bó tay và chẳng thu lượm được gì.
Hai sự kiện thánh sử Mác-cô thuật lại trong Tin Mừng hôm nay minh chứng cho chân lý nầy:
– Trường hợp người phụ nữ bị bệnh băng huyết
Một người phụ nữ bị băng huyết đã mười hai năm, đã lắm phen tìm thầy chạy thuốc nhưng bệnh của bà vẫn vô phương cứu chữa. Nay gặp Chúa Giêsu, bà mừng như người sắp chết đuối vớ được tấm phao.
Vì luật cấm những người mang thứ bệnh nhơ uế như bà tiếp cận với người khác (Lv 15, 25) nên bà không dám công khai gặp Chúa Giêsu, chỉ len lén tiến lại phía sau lưng Người, tự nhủ lòng rằng: “mình chỉ cần sờ được vào áo Người thôi là sẽ được cứu”. Và điều nhiệm mầu đã xảy ra: bà vừa đụng vào áo Chúa Giêsu thì tức khắc huyết cầm lại và bà được chữa lành.
Chúa Giêsu biết có một năng lượng từ mình xuất ra nên quay lại tìm hiểu và khi người phụ nữ thú nhận việc bà vừa làm, Chúa Giêsu bảo: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”
Chính Chúa Giêsu xác nhận lòng tin là chìa khoá thần kỳ mở ra cho người đàn bà kho tàng chứa đựng điều mà bà khao khát: được chữa lành chứng bệnh nan y.
– Trường hợp ông trưởng hội đường
Ðang cùng Chúa Giêsu tiến vội về nhà để nhờ Chúa cứu chữa đứa con gái đang hấp hối, thì người nhà của ông trưởng hội đường chạy đến báo cho ông biết rằng con gái ông chết rồi, đừng phiền Chúa đến nhà làm gì mất công.
Nghe vậy, Chúa Giêsu động viên ông ta: “ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Tin là được. Thế rồi, nhờ lòng tin, con gái ông đã được cứu sống.
Một lần nữa, Tin Mừng chứng tỏ cho thấy lòng tin là chìa khoá đem lại ân sủng nhiệm mầu: đứa con gái thân yêu chết rồi nay được cứu sống!
Còn nhiều sự kiện khác được ghi lại trong Tin Mừng chứng tỏ cho thấy phải có lòng tin thì mới đạt được điều mong muốn và không có lòng tin thì chẳng được gì (Mt 13, 58). Lòng tin có thể chuyển núi dời non. Với lòng tin, người ta làm được tất cả như lời Chúa Giêsu dạy: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi nầy: “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ chuyển qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (xem thêm: Mt 17, 19-20; Mt 15, 28; Mt 21, 21-22)
Quả vậy, điểm lại những khuôn mặt đạt được thành công lớn lao trên thế giới, ta thấy rằng nguyên nhân chính giúp họ thành đạt là nhờ mạnh tin. Vững tin rằng mình sẽ làm được thì sẽ được như ý.
Như thế, lòng tin là bí quyết để thành công trên đường đời, và cũng là chìa khoá mở vào kho tàng ân sủng của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, lòng tin của chúng con còn yếu kém nên chẳng thu hoạch được gì. Xin ban thêm lòng tin để chúng con có thể mở được kho tàng ân sủng của Chúa.
Lm Inhaxiô Trần Ngà
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây