SUY NIỆM LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Thứ bảy - 18/05/2024 06:20
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Ga 20,19-23

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an
19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

CÁC BÀI SUY NIỆM
 
  1. Suy niệm 1:  Cuộc Tạo Dựng Mới – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang
  2. Suy niệm 2: – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
  3. Suy niệm 3: “ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN...” – ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
  4. Suy niệm 4: Lễ vọng: Giảng Giới trẻ - Lm. Antôn
  5. Suy niệm 5: Giảng cho thiếu nhi – Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
  6. Suy niệm 6: Lm. GB. Phạm Hồng Thái

SUY NIỆM 1:  CUỘC TẠO DỰNG MỚI

Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Hôm nay, hiệp cùng với toàn thể Giáo Hội chúng ta long trọng mừng Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật hôm nay diễn tả cho chúng ta thấy cuộc tạo dựng mới sau khi Chúa Kitô Phục sinh. Người đã ban cho các môn đệ ơn bình an và Chúa Thánh Thần:
Thánh Thần hướng dẫn canh tân,
Ban nhiều ân sủng hồng ân cho đời.
Tùy theo công tác mỗi người,
Để xây Hội Thánh khắp nơi gian trần.
Ta năng cầu nguyện Thánh Thần,
Sống tin cậy mến, Phúc âm rao truyền.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa thổi vào tâm hồn chúng ta một luồng sinh khí mới, để chúng ta có tinh thần mới của Chúa Thánh Thần Thiên Chúa mà nhiệt thành loan báo Tin Mừng, sống dấn thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta thành tâm sám hối.
Sám hối :
X. Lạy Chúa, Chúa ban Thánh Thần để thánh hóa chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa ban Thánh Thần để canh tân bộ mặt trái đất này. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa ban Thánh Thần để Ngài thêm sức cho chúng con loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Hôm nay, trong niềm vui hân hoan của toàn thể Giáo hội, chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống kết thúc mùa Phục sinh năm mươi ngày kể từ lễ Phục sinh. Đây là biến cố quan trọng, vì nó đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên mới, khai mở một thời đại mới của Giáo Hội Chúa Kitô, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Vì thế, trong ngày lễ trọng đại này, chúng ta được Lời Chúa soi sáng cho chúng ta thấy cuộc tạo dựng mới và kỷ nguyên mới sau khi Chúa Kitô Phục sinh.
Thưa anh chị em, sách Tông đồ công vụ diễn tả biến cố Hiện Xuống của Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần. Cùng với lễ Vượt Qua và lễ Ăn Bánh không men, lễ Ngũ Tuần mang một ý nghĩa làm nên bộ ba trong các đại lễ của dân Do thái. Đây là lễ mừng công sau năm mươi ngày gặt bông lúa; kỷ niệm việc Thiên Chúa giải phóng những người Do thái khỏi xứ Ai cập và biến cố trên núi Sinai, nơi Thiên Chúa ký kết với dân Israel bản giao ước biến họ thành dân riêng của Ngài. Ngũ tuần cũng là năm mươi ngày tính từ ngày Chúa Kitô Phục sinh và để đánh dấu thời kỳ hoạt động của Giáo hội. Chúa Thánh Thần hiện xuống với những biểu hiện như gió thổi mạnh ùa vào căn nhà nơi các Tông đồ tụ họp và dưới hình lưỡi lửa đậu trên từng người và ai nấy đều bắt đầu nói tiếng lạ. Những hình ảnh này được Tin mừng hôm nay nhắc đến để diễn tả một cuộc tạo dựng mới. Chúa Thánh Thần được ban tặng qua việc Chúa Kitô thổi hơi trên các Tông đồ và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Qua hình ảnh này Thiên Chúa muốn thành lập một dân tộc mới là Giáo hội. Giờ đây, các Tông đồ được tái tạo để thi hành sứ mệnh. Chúa Thánh Thần chính là Thần Khí, là hơi thở và là sức mạnh của Chúa Kitô mà chính Người nhận được từ Cha và không ngừng trao đổi với Cha. Chúa Thánh Thần là mối hiệp thông tình yêu và sự sống giữa Chúa Kitô và được thông ban cho các Tông đồ để họ cũng đón nhận được sự hiệp thông sự sống, tình yêu và sức mạnh để thôi thúc kẻ khác đến cùng chính sự sống ấy. Từ đây, trong Giáo hội Chúa Thánh Thần sẽ làm nên mọi sự trong mọi người để quy tụ muôn dân vào trong Giáo hội Chúa Kitô.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Giáo hội Chúa Kitô được khai sinh vào ngày Hiện xuống. Dưới sự tác động mãnh mẽ của Chúa Thánh Thần, Đấng đã ra lệnh cho các Tông đồ: hãy ra khỏi nhà Tiệc ly và bắt đầu thực hiện sứ mạng, các Tông đồ đã ra đi giữa muôn người và đi khắp cùng thế giới để thu thập các môn đệ từ khắp mọi dân tộc. Chúa Thánh Thần chuẩn bị chúng ta lấy ân sủng của Người, để lôi kéo chúng ta về với Thiên Chúa Cha. Chúa Thánh Thần bày tỏ Chúa kitô Phục sinh cho chúng ta, nhắc chúng ta nhớ lại lời dạy của Chúa Kitô, mở tâm hồn chúng ta để hiểu biết sự chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần làm cho mầu nhiệm Chúa Kitô trở nên hiện tại cho chúng ta, nhất là trong bí tích thánh thể, để giao hòa chúng ta, đặt chúng ta trong niềm hiệp thông với Thiên Chúa hầu giúp chúng ta sinh nhiều hoa trái như thánh Phaolô quả quyết: có nhiều thứ ân sủng, có nhiều thứ chức vụ, có nhiều thứ công việc nhưng chỉ có một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, một Giáo hội Chúa Kitô.
Nguyện xin Chúa Kitô ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta, như xưa Người đã ban Đấng Phù Trợ cho các Tông đồ, để Chúa Thánh Thần biến đổi mỗi người chúng ta trở thành chứng nhân loan báo tình yêu và quyền năng của Chúa cho thế giới hôm nay. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

SUY NIỆM 2:

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nhiều lần hứa sẽ gửi Thánh Thần đến an ủi các môn đệ. Quả thật, các ngài không phải chờ đợi lâu. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần xuống đầy tràn trên các ngài. Ơn Chúa Thánh Thần thật mãnh liệt. Chúa Thánh Thần đã đụng chạm đến các ngài. Chúa Thánh Thần như nguồn nhựa sống thấm tẩm vào từng chân tơ kẽ tóc làm cho các ngài thay đổi da thịt, trở thành con người mới. Các ngài đã cảm nghiệm được sự tác động ấy. Đó là cảm nghiệm về một ngọn lửa.
Chúa Thánh Thần là ngọn lửa thanh luyện.
Giống như ngọn lửa thanh luyện vàng và kim loại khỏi các tạp chất, ngọn lửa Thánh Thần tẩy sạch con người cũ của các tông đồ. Trước kia các tông đồ là những người nhỏ nhen ích kỉ, ham hố danh vọng, thường tranh nhau chỗ cao chỗ thấp. Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các Ngài trở nên quảng đại, hy sinh quên mình, chỉ nghĩ đến phục vụ Nước Chúa. Trước kia các Tông đồ là những người nhút nhát, dễ thay đổi. Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các Ngài đã trở nên cam đảm, trung thành làm cho Chúa đến nỗi dám hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Hơi ấm của Chúa Thánh Thần băng bó những vết thương làm cho tâm hồn các Ngài liền da liền thịt, sạch hết mặc cảm, trở nên những con người hoàn toàn mới.
Chúa Thánh Thần là ngọn lửa soi sáng.
Ai đã có lần đi trong hang động tối tăm mới hiểu được nỗi khổ của người mò mẫm lần từng bước dò đường đi. Những tảng đá lởm chởm, những thú vật độc ác, những vực sâu hiểm nghèo đang rình chờ cướp mạng sống của người mạo hiểm. Hạnh phúc biết bao khi có ánh sáng tới. Đường đi xuất hiện rõ ràng. Khách bộ hành an tâm mạnh dạn tiến bước.
Trước kia, các Tông đồ giống như người đi trong đêm tối, không biết đường biết hướng về đâu. Lửa Chúa Thánh Thần đến soi sáng trí khôn biến những bác ngư phủ quê mùa trở nên sáng suốt thông minh, hiểu biết Lời Chúa. Lửa Chúa Thánh Thần soi sáng đường đi, biến những môn đệ mất Thầy như bầy ong vỡ tổ trở nên những người lãnh đạo dẫn đường cho một đoàn dân mới tiến về Quê Trời.
Chúa Thánh Thần là ngọn lửa sự sống.
Sau ngày Chúa Giêsu chịu chết, các Tông đồ sợ hãi tản lạc tứ phía. Các ngài phải trốn chạy. Các ngài phải ẩn nấp, Các ngài sống trong sợ sệt lo âu. Các ngài phải đóng kín cửa nhà vì sợ người Do thái. Các ngài sống như tựa như đã chết. Các ngài giống như cái xác không hồn. Nhưng sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các ngài nhận được nguồn sống. Các ngài bừng tỉnh như sau một giấc ngủ. Các ngài mạnh mẽ như người hồi phục sau cơn trọng bệnh. Sự sống mãnh liệt trào tuôn khiến các ngài không còn có thể bó gối ngồi một chỗ, nhưng mạnh mẽ mở cửa ra đi rao giảng Lời Chúa. Sự sống mãnh liệt trào tuôn khiến các cộng đoàn phát triển mau chóng. Ngọn lửa Chúa Thánh Thần đã đem lại sự sống, sự sống lại và là sự sống mới cho các Tông đồ, cho các tín hữu.
Ngày nay chúng ta cảm ơn Chúa Thánh Thần hơn bao giờ hết. Trong bản thân cũng như trong cộng đoàn chúng ta có nhiều tì tích hoen ố. Chỉ có ngọn lửa của Chúa Thánh Thần mới có thể thanh luyện tâm hồn chúng ta. Thế giới hôm nay đầy những bóng tối. Chỉ có ngọn lửa Chúa Thánh Thần mới có thể soi sáng cho chúng ta biết đường lối mà đi. Thế giới hôm nay chứa đầy văn minh sự chết, đưa con người tới huỷ diệt. Chỉ có ngọn lửa Chúa Thánh Thần mới hồi phục, đưa ta vào sự sống mới trong Đức Kitô.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1)  Ngọn lửa Thánh Thần có tác dụng gì trên các Tông đồ, làm cho các ngài thay đổi mãnh liệt?
2)  Bạn có cảm nhận được Chúa Thánh Thần trong đời bạn không?
3)  Để mình bị biến đổi, để mình bị thúc đẩy trên đường dấn thân làm việc phục vụ, dễ hay khó?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

SUY NIỆM 3: “ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN...”

Trong những năm gần đây phong trào canh tân đoàn sủng phát triển mạnh trong Giáo Hội Tin Lành và trong giáo Hội Công Giáo, có người gọi đó là mùa xuân của Giáo Hội đang là sức sống mới. Nhưng cũng có ngừơi đang nhìn phong trào này với thái độ cảnh giác. Họ sợ rằng nó sẽ đi xa đường lối của Giáo Hội. Tôi không có ý phân tích phê phán, nhưng theo tôi phong trào có một điểm mà chúng ta có thể ghi nhận. Phong trào giúp cho ta ý thức hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời Kitô Hữu. Một vai trò mà nhiều khi chúng ta lãng quên. Có lẽ phần nào nó cũng giống như một nhà khoa học ở trong phòng thí nghiệm. Ông ra sức nghiên cứu về không khí như là một vật thể và mô tả không khí bằng những công thức khoa học có vẻ phức tạp mà ông quên rằng từng giây từng phút mình đang được ngủ lặng trong không khí mà đôi khi mình quên hít thở. Cho nên sự sống thân xác của mình mỗi lúc mỗi tàn tạ.
Tôi xin lấy một hình tượng quen thuộc trong Kinh Thánh để diễn tả về Chúa Thánh Thần. Thánh Luca mô tả: Vào ngày lễ ngũ tuần các môn đệ tề tựu cầu nguyện. Khi ấy có những lưỡi như lưỡi lửa rải rác đậu xuống trên mỗi người. Lửa là hình tượng Kinh Thánh dùng để diễn tả về Chúa Thánh Thần trong chúng ta.
Hôm nay tôi xin nhắc lại và đào sâu hơn hình tượng Thánh Gioan Thánh Giá sử dụng. Ngài là người có kinh nghiệm thần bí sâu sắc đồng thời là một nhà thơ cho nên ngài đã vận dụng ngôn ngữ thi ca để diễn tả kinh nghiệm thần bí đó. Đó là hình ảnh của lửa, của củi.
Chúng ta thử tưởng tượng cảnh mùa đông băng giá ở Châu Âu, ngoài vườn có một khúc củi nằm cô đơn giữa tiết trời băng giá. Cái lạnh làm cho làn da của nó xần xùi, xấu xí. Thế rồi nó được ông chủ nhà đem vào quăng vào lò sưởi. Hơi nóng làm khúc củi cảm thấy ấm áp, hạnh phúc. Nó cảm nhận được đầy sự an ủi không tả được.
Nhưng tiếc rằng sự sung sướng kéo dài chẳng được bao lâu. Trong khỏanh khắc ngọn lửa ôm chặt lấy nó. Sức nóng của lửa nung nấu khiến cho nhựa cây rỉ ra bên ngoài làm thành một lớp da sần sùi như da cóc. Nó tỏa ra một mùi thật khó chịu. Khúc củi quằn quại trong than hồng một thời gian. Cuối cùng nó trở nên một với lửa. Nó không còn là củi mà chỉ là lửa. Lửa đem ánh sáng, lửa đem hơi ấm cho những người trong phòng.
Gioan Thánh Giá dùng hình ảnh tuyệt vời ấy để diễn tả về tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Hình ảnh ấy giúp chúng ta thấy được đâu là cùng đích của đời sống trong Thánh Thần. Cái cùng đích ấy là Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được nên một với Thiên Chúa. Như Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu nói: “Ta trở thành một giọt nước hoà trong đại dương”. Sự nên một ấy chỉ trở thành trong đời sống vĩnh cữu cho những người mà Chúa ban cho kinh nghiệm thần bí, những người cảm nghiệm được sự nên một hồng phúc với Thiên Chúa.
Chúng ta chưa có được kinh nghiệm huyền bí đó. Nhưng tôi nghĩ: Nếu chúng ta thực hiện đúng những bí tích mà Giáo Hội cử hành là chúng ta đã đi đúng mục đích của Giáo Hội, dẫn ta đến chỗ nên một với Thiên Chúa. Khi ta rước mình Thánh Chúa và để Máu Thánh Chúa hoà vào máu thịt ta để ta nên một với Ngài.
Sự nên một xét trên một bình diện mà người ta gọi là hữu thể học đó hoàn toàn có thật nhưng không ai thấy được. Sự nên một ấy phải diễn tả qua cuộc sống bên ngoài theo kiểu nói của thánh Phaolô. “Anh em hãy mang trong anh em những tâm tư như đã có trong Chúa Giêu Kitô”. Cho nên khi nào chúng ta nên một với Chúa thật thì ta sẽ suy nghĩ như Chúa Giêsu, phản ứng như Chúa Giêsu, cảm xúc, yêu thương như Chúa Giêsu. Đấy là dấu chỉ cụ thể. Đấy là cùng đích.
Nhưng để đạt được tới cùng đích nên một trong Thiên Chúa ấy thì chúng ta phải trải qua một hành trình thanh tẩy của Thánh Thần. Hành trình này khởi đầu bằng một niềm an ủi ngọt ngào. Có một số kinh nghiệm nói lên điều ấy. Có anh chị em dự tòng nói với tôi: “Thưa Cha, con xin gì Đức Mẹ cũng cho con hết”. Những tu sinh hoặc những nữ tu mới chập chững bước vào đời sống tận hiến: “Thưa Cha, con cảm thấy hạnh phúc vô cùng.”. Những lúc ấy ai cũng ca ngợi Chúa, cảm thấy rất ư là dễ thương. Chúa yêu ta vô cùng.
Thưa anh chị em. Đấy chỉ là giai đoạn đầu. Sớm hay muộn gì chúng ta cũng được Chúa Thánh Thần dẫn vào giai đoạn thanh tẩy, giai đoạn đau đớn, giai đoạn này sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn. Vì nó đau đớn cho nên ta không muốn bước vào, không dễ chấp nhận.
Tôi nghĩ có hai lý do chính và cũng là hai giai đoạn chính.
Lý do thứ nhất: Thánh Thần giúp chúng ta chấp nhận con người thật của mình. Có lẽ nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi nghe thế. Chúa Giêsu nói: “Hãy yêu tha nhân như chính mình.” Nếu tôi không yêu chính mình thì tôi không thể yêu người khác được. Yêu chính mình là chấp nhận con người thật của mình. Chấp nhận hình hài mà Chúa đã ban cho mình. Anh chị em thử kiểm nghiệm lại đời sống của mình xem. Đã biết bao lần ta mơ ước những điều mà chúng ta không có. Ví dụ: Phải chi Chúa ban cho mình sóng mũi cao hơn tí nữa thì đẹp biết bao. Hay phải chi da mình được trắng như bạn mình nhỉ… Những mơ ước ấy biều lộ điều chúng ta không chấp nhận chính mình.
Những suy nghĩ ấy làm cho ta tự mình dằn vặt mình. Tự mình hành hạ mình, tự gây đau khổ cho mình bằng những tự ti mặc cảm. Phải đau đớn lắm, phải tự đấu tranh mới chấp nhận chính con người thật của mình. Chúng ta hãy kêu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thực hiện để chúng ta tự nhủ rằng: Dù tôi thế nào đi nữa Chúa vẫn yêu tôi. Chúa tạo dựng tôi cho Chúa. Cảm nhận được như thế sẽ làm cho ta thấy bình an hạnh phúc hơn.
Lý do thứ hai: Chấp nhận được chính mình rồi thì đến giai đoạn hai của sự thanh tẩy. Đi từ chỗ “tôi đang là” đến chỗ “tôi được mời gọi để trở thành…” Ở đây đòi hỏi sự bỏ mình. Cuộc sống Thánh Augustinô là một điển hình. Lúc trẻ ông xa vào con đường ăn chơi, mê đắm trên con đường tình dục, biết là sai nhưng ông vẫn biện minh cho mình, không nhìn nhận sự thật của chính mình, ông bảo: “Sở dĩ tôi bê bối thế vì ông thần ác ở trong hoành hành”. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần Thánh Augutinô mới đủ can đảm nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Từ đấy ông đã bước vào giai đoạn hai. Ông trở thành một người sống như Chúa Giêsu, yêu thương, phục vụ, suy nghĩ như Giêsu. Một con người trong Chúa Thánh Thần.
Chúng ta phải trở thành cái mà Chúa mời gọi chúng ta. Đó là gì? Thưa là mỗi ngày tôi trở thành người hơn. Cho dù tôi sống bậc gia đình hay tu sĩ, cho dù tôi hành động gì nhưng vẫn hàm ẩn tất cả bên trong là cái tính người, là tính Kitô Hữu. Và hành trình đó đòi chúng ta phải tự bỏ mình mỗi ngày. Công việc ấy rất khó, một mình ta không thể làm được mà phải có tác động của Chúa Thánh Thần. Hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần sống như không khí tràn ngập vũ trụ, vấn đề là tôi có hít thở không? Chúa Thánh Thần như dòng suối tràn lan mọi nơi. Vấn đề là tôi có múc mà uống không? Chúa Thánh Thần là ngọn lửa hừng hực, vấn đề là tôi có nhóm lên hay không? Cho nên cầu nguyện là tự tạo cho mình một nội tâm thích hợp. Mở lòng ra cho gió ùa vào, làm rỗng chính mình cho dòng nước chảy vào, và nhóm ngọn lửa lên cho đời mình.
Nếu chúng ta chấp nhận trở về với chính mình trong thinh lặng, nhìn lại đời mình, ta có thể khám phá ra những gì mà Lời Chúa hướng dẫn chúng ta hôm nay.
Tôi xin kết thúc suy niệm này bằng tâm tình của Thánh Augustinô. “Lạy Chúa là vẻ đẹp ngàn đời, vẻ đẹp cổ xưa nhưng vẫn luôn luôn mới mẻ. Con đã chạy tìm những cái đẹp bên ngoài vốn chỉ là phản ánh èo uột của vẻ đẹp vĩnh hằng. Chúa là vẻ đẹp vĩnh hằng ở trong con thì con lại không kiếm tìm. Vì thế, xin Chúa cho con biết trở về với chính lòng mình mỗi ngày, để ở đó con gặp được Chúa, hít thở Chúa. Con đón nhận dòng nước ân sủng và lòng con được đốt cháy ngọn lửa Thánh Thần. Amen.
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

SUY NIỆM 4: LỄ VỌNG

(Giảng lễ giới Trẻ)
Cộng đoàn và các bạn trẻ thân mến,
Người ta hay nói vui rằng, Chúa Thánh Thần ít “nổi tiếng” hơn Chúa Cha và Chúa Giêsu, vì Chúa Thánh Thần ít fan hâm mộ hơn 2 Đấng ấy. Mà thực tế là vậy, nhiều kitô hữu lãng quên Chúa Thánh Thần. Với người trẻ thì dường như Chúa Thánh Thần vắng bóng. Có chăng thì Chúa Thánh Thần được các bạn trẻ biết đến trong ngày được Thêm Sức. Sau thêm sức thì mất sức, vì không còn nhớ đến Chúa Thánh Thần nữa.
Như một hệ quả, xem thường Chúa Thánh Thần và cái kết: nhiều bạn trẻ lầm đường lạc lối, gặp nhiều bế tắc trong cuộc sống mà không biết bám víu vào đâu và bắt đầu lại như thế nào, thậm chí mất luôn cả định hướng để sống...
Đừng quên rằng, Chúa Thánh Thần chính là món quà mà Chúa Giêsu Phục sinh trao tặng cho chúng ta khi Ngài về Trời. Và không vô lý mà Chúa Giêsu lại gởi Chúa Thánh Thần đến cho chúng ta đâu thưa các bạn!
Chúa Giêsu biết rõ chúng ta là những người ở lại và tiếp tục sống giữa thế gian với muôn vàn cám dỗ. Ngài biết rõ ma quỉ như sư tử luôn rảo quanh tìm mồi cắn xé. Và Ngài cũng biết rõ tinh thần của chúng ta thì hăng hái nhưng xác thịt thì rất yếu đuối.
Chúa Giêsu ban Chúa Thánh Thần là để Ngài nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta chống lại 3 thù: thế gian, ma quỉ và xác thịt. Bởi không có ơn Chúa chúng ta không làm gì được.
Nhiều người trẻ cứ tự hỏi tại sao tôi cứ lười biếng trong đời sống đạo? Tại sao tôi thiếu ý chí và nghị lực để vươn lên trong cuộc sống? Tại sao tôi không thể chiến thắng được những cám dỗ xảy đến với tôi? v.v. Trong bài đọc 2 thánh Phaolô đã cho chúng ta câu trả lời, là vì chúng ta thiếu ơn của Chúa Thánh Thần nên chúng ta không thể hành động theo đúng ý Thiên Chúa (x.Rm 8, 26-27).
Các bạn trẻ thân mến, nếu tuổi trẻ là giai đoạn của ước mơ, thì chính Chúa Thánh Thần sẽ biến ước mơ chân chính của các bạn thành hiện thực. Bên cạnh chúng ta luôn có một Đấng quyền năng, hiểu biết, đạo đức, khôn ngoan và can đảm là Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ đổ đầy nhiệt huyết và sức sống vào chúng ta. Khi đó, thành công, hạnh phúc và bình an là điều mỗi người có thể cảm nhận và nắm bắt được cho bản thân mình.
Nếu tuổi trẻ là giai đoạn của yêu đương, thì chính Chúa Thánh Thần sẽ làm cho tình yêu của các bạn thêm nồng cháy. Bởi Ngài chính là nguyên lý liên kết đôi bên thành một. Ngài chính là “lực hấp dẫn” mà người trẻ chúng ta cần trong con đường tình duyên của mình.
Chúa Thánh Thần luôn bên cạnh chúng ta. Ngài muốn ngự vào trong tâm hồn của mỗi người. Chúa Thánh Thần muốn nối kết những mối tình của các bạn. Ngài muốn đưa người trẻ gắn liền với Hội Thánh, với sự thật và với Thiên Chúa.
Nếu nhỡ một lúc nào đó các bạn cảm thấy mệt mỏi khi chống chọi với biết bao cám dỗ, thì hãy mời Chúa Thánh Thần cùng chiến đấu chúng ta. Ngài sẽ ban cho các bạn ơn sức mạnh để chiến thắng các dịp tội.
Nhỡ lúc nào đó các bạn cảm thấy đời sống đạo của mình “quá bèo”, thì hãy xin Chúa Thánh Thần ban cho mình ơn đạo đức và ơn biết kính sợ Chúa, để chúng ta được gia tăng lòng tin cậy mến.
Và nhỡ may lúc nào đó các bạn gặp bế tắc, hụt hẫng hay thất vọng trong cuộc sống, hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để Ngài ban cho bạn ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn thông minh và ơn lo liệu, hầu các bạn có thể tìm lại lại ý nghĩa của đời mình.
Một khi biết gắn bó cuộc đời với Chúa Thánh Thần, thì các bạn “như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi.” (Gr 17,8).
Tóm lại, mỗi ngày đừng quên cầu nguyện với Chúa Thánh Thần rằng: “Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần, thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống để đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con, để sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con, và để an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con”. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 5: (Bài Giảng dành cho Thiếu Nhi)

 
Các em Thiếu Nhi thân mến!
– Thường khi mừng Sinh Nhật hay Bổn Mạng của mình, các em thường được tặng những món quà gì?
– Có khi nào các em nhận được món quà là một con người không?
Chúa Giêsu tặng ban cho con người nhiều quà tặng, nhưng trong đó, có một quà tặng lớn lao không phải ân huệ hay sự vật mà là chính Chúa Thánh thần. Nếu Chúa Giêsu là quà tặng của Chúa Cha cho con người, thì Chúa Thánh Thần là quà tặng của Chúa Giêsu Phục sinh cho nhân loại.
– Thực sự thì Chúa Thánh Thần đã được Chúa Giêsu Phục Sinh trao ban khi nào? Khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ vào ngày thứ nhất trong tuần, tức là ngày Chúa Nhật Phục sinh.
– Hình ảnh mà thánh Gioan sử dụng đó là hình ảnh gì?
Thở hơi trên các môn đệ. Hơi thở gợi nhắc cho ta câu chuyện gì trong Cựu Ước? Câu chuyện tạo dựng con người: sau khi nắn hình hài Ađam, Thiên Chúa đã thổi hơi vào lỗ mũi và Ađam thành con người sống động. Như vậy, hơi thở tượng trưng cho sự gì? Sự sống. Muốn sống thì phải thở. Còn thở thì còn sống. Hết thở thì chết. Vì thế, việc Chúa Giêsu thở hơi trên các môn đệ muốn nói lên rằng Ngài muốn trao ban Thánh Thần để làm nên một cuộc tạo dựng mới, với sự sống thần linh, sự sống của Chúa Thánh Thần.
Hiệu quả của sự sống thần linh đó là gì? Đó là ơn tha tội và ơn đựơc tái sinh làm con cái Thiên Chúa.
– Thế còn một hình ảnh nữa mà thánh sử Luca nói đến trong sách Công Vụ Tông đồ là hình ảnh nào? Gió và lửa.
– Lửa gợi nhắc câu chuyện gì trong Cựu Ước? Câu chuyện Chúa thần hiện ở trên núi Xinai, ở đó Thiên Chúa thiết lập giao ước với dân Israel làm cho họ thành dân riêng của Ngài. Nay cũng qua hình ảnh gió và lửa, Thiên Chúa cũng muốn thành lập một dân mới là Hội Thánh Người.
– Lửa mà sách Công Vụ Tông đồ mô tả có hình dáng như cái gì vậy? Hình dáng như những cái lưỡi.
– Đậu xuống ở đâu? Đậu xuống trên đầu các Tông đồ. Đậu xuống trên đầu mà tóc có bị cháy sém không?
– Tại sao lửa lại có hình dáng như những cái lưỡi? Lưỡi tượng trưng cho điều gì? Muốn nói được thì phải có cái gì? Cái lưỡi. Không có lưỡi người ta sẽ không nói được, hay lưỡi bị ngắn, lập tức người ta sẽ bị ngọng. Vậy hình lưỡi lửa tượng trưng cho ơn ngôn ngữ. Quả vậy ngay sau khoi nhận ơn Chúa Thánh Thần, các môn đệ bắt đầu nói các thứ tiếng lạ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, cả tiếng Lào, tiếng Campuchia nữa không chừng. Điều này khiến cho nhiều người ngỡ ngàng không hiểu các Tông đồ học ngoại ngữ từ lúc nào.
Hiệu quả đó là các môn đệ đã trở thành chứng nhân ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi người, nhằm thiết lập một dân mới, dân bao trùm hết mọi nước. Đó là Hội Thánh Chúa.
Vậy sứ điệp của ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta điều gì? Mời gọi ta hai điều:
1. Ý thức sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và các ân huệ của Ngài trong tâm hồn mình.
– Các em có thường nhớ đến Chúa Thánh Thần không? Có người cả đời không hề nhớ đến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Thật đáng trách!
– Các em có năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để xin Ngài thánh hoá và đổi mới không? Chúa Thánh Thần là ngôi vị Thiên Chúa rất ít được nhớ đến, có khi rất dễ bị lãng quên.
2. Sống theo sự hướng dẫn và tác động của Chúa Thánh Thần, hầu trở nên chứng tá cho Tin Mừng.
Sống chứng tá cho Tin Mừng là sống bác ái yêu thương; sống bao dung tha thứ; sống quảng đại hi sinh….
Có câu chuyện kể rằng: hai người Ailen là hàng xóm với nhau, nhưng cãi nhau suốt. Một người bị bệnh nặng. Bà vợ đón linh mục và nói: “Thưa cha, anh Pat và Mike cãi nhau luôn. Giờ anh gần chết. Cha có cách nào giúp họ làm hòa với nhau không?”
Sau nhiều lần thuyết phục, Pat đồng ý cho gọi Mike đến làm hòa. Và sau ít phút chờ đợi bên giường, Mike nói:
– “Thôi mình huề nghe Pat. Chuyện gì đã qua cho qua đi nhé”.
Pat miễn cưỡng đồng ý. Mike ra về. Nhưng khi Mike ra đến cửa, Pat nhỏm dậy, giơ nắm đấm nói:
– “Tao chỉ huề, nếu như tao chết thôi à nghe!”
Mừng Lễ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống đạo của mình. Vậy chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đến biến đổi trái tim chúng ta để luôn biết yêu thương, và hãy cùng cộng tác với Chúa Thánh Thần để đổi mới cuộc sống của mình, nhờ đó cuộc đời chúng ta trở thành chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa. Amen.
 Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

SUY NIỆM 6:

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là lễ trọng và là lễ kết thúc Mùa Phục sinh. Chúa Thánh Thần có vai trò rất quan trọng đối với Giáo hội cũng như đối với mỗi người chúng ta.
Trong lịch sử Cứu độ, Chúa Thánh Thần đã hiện diện ngay từ thuở ban đầu như sách Sáng thế cho biết khi Thiên Chúa dựng nên trời đất thì Thánh Thần Chúa bay là là trên mặt nước (St 1,1) vì thế chúng ta gọi Ngài là Thần Khí tác sinh. Khi Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Mẹ, và sau khi đáp lại Xin Vâng, Đức Mẹ đã chịu thai Con Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần đã thốt lên: “Bởi đâu tôi được phúc này là thân mẫu Chúa tới đến với tôi như vậy. Vì này tai tôi vừa nghe lời em chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi (Lc 1, 43-44)”
Ngày Chúa Giêsu Phục sinh, khi hiện ra với các môn đệ, Chúa đã ban Thánh Thần cho các môn đệ khi Chúa thổi hơi trên các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì người ấy được tha, các con cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ (Ga 20, 23)”
Có thể nói Chúa Thánh Thần đã hiện xuống với các môn đệ ngay từ ngày Phục sinh khi Chúa thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ, nhưng Chúa Thánh Thần còn hiện xuống một cách ngoạn mục và hữu hình trong ngày lễ Ngũ tuần. Chúa Thánh Thần là Đấng thiêng liêng vô hình, nhưng khi Hiện Xuống Chúa lấy hai hình ảnh biểu tượng là Gió và Lửa: Chúa Thánh Thần lấy luồng gió ào ào thổi vào nhà các môn đệ đang tụ họp có Đức Mẹ nữa. Tiếp theo là  hình lưỡi lửa ngự trên đầu mọi người hiện diện.
 Gió vốn là biểu tượng cho hoạt động của Thiên Chúa có khi là làn gió hiu hiu thổi như tiên tri Elia đã được cảm nghiệm, có khi là cuồng phong ào ào thổi lùa vào nhà như các môn đệ được trải nghiệm hôm nay. Nhưng Chúa Giêsu Phục sinh còn dùng biểu tượng Hơi Thở nữa. Như Thiên Chúa Gia vê khi dựng nên con người đã dùng hơi thở hà vào lỗi mũi nhờ đó con người mới được sống động thì Chúa Giêsu cũng làm cử chỉ sáng  tạo tương tự như vậy khi Chúa thổi hơi trên các tông đồ và ban Chúa Thánh Thần.
Nhưng Chúa Giêsu ban Chúa Thánh Thần để trao cho các môn đệ sứ mạng loan báo Tin Mừng và ban ơn tha tội cho nên Chúa mới nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con”. Các môn đệ nhận lãnh Chúa Thánh Thần không chỉ là ích lợi cho mình mà còn để đi truyền giáo rao giảng cho muôn dân đem lại ơn tha tội cho mọi người đến tận cùng thế giới và cho đến ngày tận thế.
Chúng ta ý thức sự cần thiết của Chúa Thánh Thần cho Giáo hội cũng như cho mỗi người chúng ta, vậy chúng ta hãy có lòng ao ước cầu xin Chúa Thánh Thần đến với chúng ta như Đức Mẹ và các môn đệ đã cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần xuống với họ khi xưa. Tiếp đến chúng ta hãy biết cộng tác với Chúa Thánh Thần trong mọi sinh hoạt của đời sống.
Thi hào Tagore Ấn độ đã dùng hình ảnh chiếc ống sáo bằng tre tuy đơn sơ nhưng thổi lên được những điệu nhạc réo rắt làm mê lòng người. Nhưng ống sáo chỉ phát ra được âm thanh khi nó là ống tre rỗng nếu là tre đặc thì không tạo ra được âm thanh nào. Trong ý nghĩa đó, chúng ta muốn trở nên khí cụ tốt đẹp của Chúa Thánh Thần, thì  phải biết từ bỏ con người cũ với những ích kỉ và đam mê tội lỗi để có thể nên như ống sáo rỗng khi thổi lên tạo ra được âm thanh du dương vi vu réo rắt.
Ngày nay ít thấy có thuyền buồm nhưng chúng ta vẫn còn thấy những cuộc đua thuyền buồm vượt đại dương trên màn ảnh. Con thuyền muốn chạy được với sức gió thì phải căng buồm lên hứng lấy gió. Cũng vậy nếu cuộc đời chúng ta muốn tạo nên được những thành quả tốt đẹp như lời Chúa Giêsu chúc “để các con ra đi mang lại kết quả và kết quả đó còn mãi (Ga 15,16)” thì chúng ta luôn luôn phải “bước đi theo Thần khí (Gal 5,16)” như thánh Phaolô gợi ý cho chúng ta.
Hình ảnh thứ ba là cây đàn. Chẳng hạn như đàn Guitar muốn phát ra âm thanh thì phải căng giây trên chiếc đàn, giây đàn mà chùng xuống thì không còn tác dụng nữa. Cũng vậy muốn cho cuộc đời ta đem lại những gì tốt đẹp thì chúng ta phải nỗ lực gắng sức và tích cực cộng tác với Chúa  Thánh Thần.
Câu chuyện:  Cụ già Thomas sống trên 100 tuổi, những năm tháng cuối đời,  cụ buồn và cảm thấy cô độc vì bạn bè cùng trang lứa đã ra đi hết, thế rồi cụ cũng chết, đám tang cụ lại trúng vào ngày trời mưa gió nên rất ít người đi đưa đám. Một linh mục tiễn đưa cụ tới nơi an nghỉ cuối cùng, cha ngạc nhiên vì có một người mặc quân phục theo linh cửu tới phần mộ. Khi hạ huyệt, quân nhân này đưa tay lên trán chào theo kiểu nhà binh cách trang trọng. Nhìn vào bộ quân phục, linh mục nhận ra đó là một sĩ quan cao cấp. Sau đó cha hỏi thì sĩ quan cho biết hồi còn là học sinh đã được cụ Thomas là thầy dạy và là học sinh nghịch ngợm hay phá phách thầy, nhưng nhờ thầy kiên nhẫn dạy bảo mà sĩ quan này mới được như ngày nay và ông không quên ơn cụ nên đã đi đưa đám tang và tiễn biệt cụ cách kính cẩn. Hiểu theo lòng đạo thì đó chính là ơn Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn sĩ quan này qua sự cộng tác và đức tính kiên nhẫn của cụ Thomas.
 Chúng ta xin Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn, ý chí và hành động của mỗi người chúng ta được trở nên tốt đẹp như các tông đồ xưa sau khi được Chúa Thánh Thần hiện xuống. Amen
Lm GB Phạm Hồng Thái
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây