SUY NIỆM CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN – NĂM B

Thứ sáu - 14/06/2024 21:02


CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN – NĂM B
Ed 17,22-24; 2Cr 5,6-10; Mc 4,26-34

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
26 Người nói: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. 28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa." 30 Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hìnnh dung được? 31Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. 32Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng." 33Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe.34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1: Sức mạnh của Nước trời – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang
Suy niệm 2: Hạt giống – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Suy niệm 3:  Sự lớn mạnh của Nước Chúa – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Suy niệm 4: Lm. Inhaxio Hồ Thông
Suy niệm 5: Hạt Giống – Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD
Suy niệm 6: Để Nước trời tăng trưởng - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Suy niệm 1: SỨC MẠNH CỦA NƯỚC TRỜI

Lời Chúa: “Đất tự nó làm cây lúa mọc lên” (Mc 4,28).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy sức mạnh của Nước Trời. Hạt giống Lời Chúa được gieo vãi tuy nhỏ bé, nhưng vẫn âm thầm mọc lên và phát triển trong trần gian chính là Hội thánh Chúa:
Nước Trời đã được tung gieo,
Cho dù nhỏ bé tí teo, tầm thường,
Nhưng cây sẽ lớn khác thường,
Chim trời tìm đến náu nương đỗ nhờ,
Quyền năng của Chúa ai ngờ ?
Vững tin nơi Chúa đợi chờ tương lai.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta ý thức trách nhiệm trong việc góp phần làm cho Nước Trời phát triển lớn mạnh trong khả năng hạn hẹp của chúng ta. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là ánh sáng thế gian, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa là sức mạnh cho những kẻ cậy trông vào Chúa. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa không ngừng hiện diện và hoạt động trong Hội Thánh Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Trong cuốn sách The Messy Quest for Meaning, tác giả Martin đã viết về chính thời gian chờ đợi ơn gọi trong cuộc đời của mình, ông viết“Chờ đợi, không có nghĩa là đứng yên. Nhưng là một sự kiên nhẫn trong khi chờ đợi một cái nhìn toàn cảnh về tương lai xuất hiện. Với ý nghĩa đó, sứ điệp phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu biết phần nào về mầu nhiệm Nước Trời: Nước Trời có sức mạnh nội tại sung mãn, và người ta chỉ thấy được Nước Trời khi bức màn viên mãn vào mùa gặt ở thời cuối cùng được vén mở, tức là ngày tận thế.
Thưa anh chị em, bài đọc 1 hôm nay ngôn sứ Ezéchiel đã gợi lên cho chúng ta thấy cuộc sống của những người Do thái đang bị lưu đày bên Babilon. Ông đã nhận ra sự buồn thảm của họ trước cuộc sống vô vọng: bị lưu đày, xa quê hương, không nơi thờ tự, nhìn tương lai chỉ thấy đen tối, mịt mờ. Ezéchiel được Lời Chúa truyền dạy nói với dân chúng đang bị lưu đày bên Babylon để họ nuôi niềm hy vọng lớn lao. Ông tiên báo về một tương lai huy hoàng qua hình ảnh quen thuộc về cây gỗ hương nam: “Thiên Chúa sẽ chặt ngọn cao nhất cây hương nam, ngắt một chồi non và đem trồng trên núi cao chót vót của Israel. Nó sẽ trở thành cây hương nam vĩ đại, các thứ chim trời đều đến ẩn náu dưới thân cây và làm tổ dưới tàn nó”. Lời loan báo này không chỉ dừng lại ở biến cố lịch sử của dân Do thái, nhưng còn vươn tới thời Thiên sai chính là Nước Trời. Tin mừng hôm nay Thánh Marcô thuật lại Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn về người gieo giống và hạt cải để nói lên hai đặc tính của Nước Trời. Dụ ngôn hạt giống cho ta thấy sức mạnh nội tại của Nước Trời: sau khi gieo giống, bác nông phu ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào, người đó cũng không hay biết, đất tự nó làm cây lúa mọc lên. Tất cả tiến trình này ngoài khả năng của bác nông phu, chính sức mạnh nội tại của hạt giống đưa đến kết quả đơm bông kết trái; Dụ ngôn hạt cải cho ta thấy sức mạnh lớn lao của Nước Trời: Hạt cải là loại hạt nhỏ bé nhất trong các loại hạt giống tại xứ Palestina, nhưng khi mọc lên, nó trở thành cây um tùm đến nỗi chim trời có thể đến núp bóng của nó. Hạt giống ấy hôm nay Chúa Giêsu đang gieo vào tâm khảm của cõi lòng chúng ta. Hạt giống ấy chính là Đức Tin. Chúng ta biết tin tưởng đón nhận và sống gắn bó, cố gắng sống đẹp lòng Chúa, chúng ta sẽ gặt hái được thành quả to lớn là Nước Trời.
Chuyện kể rằng, một linh mục được sai đi truyền giáo ở một bộ lạc còn mê tín. Sự cởi mở hòa nhã của ngài đã làm cho nhiều người trong bộ lạc có cảm tình với ngài. Nhưng ngài trở thành đối thủ cần loại trừ của các người phù thủy; bị xúi dục, một người trong số họ đã lấy đá ném thẳng vào ngài. Rất bình tĩnh, ngài cúi xuống nhặt viên đá và nói: Viên đá thấm máu này sẽ là viên đá đầu tiên để xây dựng đền thờ của Thiên Chúa. Quả thật, mấy chục năm sau cả bộ tộc đã xin trở lại đạo. Và ngài đã xây dựng một ngôi nhà thờ ngay tại nơi mà ngài đã bị hãm hại.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Câu chuyện trên đây diễn tả trang Tin mừng hôm nay, dù ở trong hoàn cảnh nào, dù có khó khăn đến mấy, dù có chậm trễ đến đâu, dù có âm thầm đi chăng nữa nhưng chắc chắn hạt giống Đức tin sẽ tiến triển nhờ sức mạnh nội tại dồi dào. Chính vì thế, chúng ta hãy tin tưởng phó thác cho quyền năng Chúa, dù việc nhỏ hay việc lớn, công khai hay âm thầm, thành công hay thất bại, khó khăn hay thuận lợi, chúng ta hãy làm bất cứ điều gì vì tình yêu Chúa Giêsu, thì tất cả đều có giá trị để đạt tới vinh quang Nước Trời.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn sống đẹp lòng Chúa để mai sau chúng ta sẽ gặt hái những thành quả thật tốt đẹp như lòng Chúa mong ước. Amen. 
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

SUY NIỆM 2: HẠT GIỐNG

Vào một đêm nọ, người phụ nữ nằm mơ. Chị thấy mình bước vào một siêu thị. Khách hàng tấp nập. Có một quày hàng đặc biệt, người ta chen chân không lọt. Chị ngạc nhiên thấy Chúa Giêsu đứng bán ở quầy hàng này.
Chờ đợi đến phiên mình, chị hỏi: Chúa mà cũng bán hàng sao? Chúa bán cái gì ở đây vậy?
Chúa trả lời: Ta bán mọi sự con đang ước muốn trong trái tim con.
Chị nói liền một hồi: Thưa Chúa, con muốn có bình an, có tình yêu, có hạnh phúc, có khôn ngoan và tự do không sợ hãi. Suy nghĩ một lúc, chị lại thêm: không chỉ cho con mà thôi nhưng còn cho chồng, cho con và cho những người thân yêu của con nữa.
Chúa mỉm cười và nói: hỡi con yêu dấu, ở đây,Ta không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống thôi. (Anthony de Mello).
Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hạt giống để rao giảng về Nước Thiên Chúa. Hình ảnh cụ thể và dễ hiểu. Nước Thiên Chúa giống như người nông dân gieo hạt xuống đất. Hạt giống âm thầm nẩy mầm, phát triển và sinh bông hạt. Cũng vậy, hạt giống Lời Chúa được gieo vào lòng thế giới và gieo vào lòng người sẽ nảy mầm và sinh nhiều hoa trái tốt lành. Nước Thiên Chúa là vương quốc của tình yêu và sự thật, không ngừng tăng trưởng dọc dài thời gian của lịch sử nhân loại. Không ai có thể ngăn cản sự phát triển của Nước Thiên Chúa. “Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống này nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết”. Sự kỳ diệu của hạt giống là vẫn âm thầm lớn lên theo quy luật tự nhiên và sẽ có một ngày nó trở thành cây cao bóng cả cho đàn chim trú ngụ. Hãy đi ra và gieo hạt giống Tin mừng, hạt giống yêu thương phục vụ, Chúa sẽ giúp hạt giống nảy mầm, lớn lên và sinh hoa kết trái nơi môi trường chúng ta đang sống.
Dụ ngôn “Hạt lúa âm thầm mọc lên” (x. Mc 4,26-29) chính là hình ảnh của Tin mừng chan hoà trong một nền văn hoá.
Hạt giống Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô đã đến với quê hương Việt Nam gần năm thế kỷ.Trước đó cả ngàn năm đã có ba tôn giáo lớn là Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và Tín Ngưỡng dân gian ăn sâu vào tâm hồn người Việt Nam. Phong tục tập quán, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, đã được nhào luyện bởi tất cả những mầm sống cũng như giới hạn các tín ngưỡng đó.
Trên nền tảng một đời sống tâm linh phong phú mà Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và nhất là Ðạo Ông Bà đã xây dựng từ hơn một ngàn năm, hạt giống Tin Mừng đã nẩy mầm và trổ sinh nhiều hoa trái. Tinh thần hiếu khách, lòng bao dung làm cho người Việt Nam sẵn sàng tiếp xúc với những người tỏ ra có thiện cảm với mình, cho dù họ từ xa đến. Với những đức tính như lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, kính trên nhường dưới trong gia đình, với một đời sống yêu thích tĩnh mịch và chiêm niệm, tâm hồn người Việt Nam là một mảnh đất tốt để đón nhận những giá trị thiêng liêng hàm chứa trong Tin Mừng.
Nhờ các nhà truyền giáo, từ các thế hệ tiền nhân, người Việt đã nhận lãnh nhiều điều tốt lành: những thường thức về vệ sinh, khoa học, những hiểu biết mới, những đồ vật quý hiếm cũng như những trợ giúp vật chất dù rất khiêm tốn, những nhân vật thánh thiêng đầy nhân ái… khiến họ, nhất là những người thuộc lớp bình dân, sẵn sàng đón nhận giáo lý mà những người tốt lành như vậy mang đến cho họ. Nhờ đó những tập tục phi lý và phi nhân (bùa mê, sát tế) như một gánh nặng đè lên cuộc đời của họ nay được cởi bỏ. Khi đã tìm gặp một vị thần đầy yêu thương, họ liền cảm thấy được giải thoát và tin theo.
Rao giảng Tin Mừng cho họ cần gắn liền với phát triển cuộc sống, quan tâm săn sóc sức khỏe, nâng cao văn hóa giáo dục. Người truyền giáo cần phải sống giữa những anh chị em này và chia sẻ đời sống của họ. Ðó là điều cần phải làm trước tiên và đó là chìa khóa thành công của một nhà truyền giáo thật sự. Cần huấn luyện những cá nhân trưởng thành và những tổ chức tự lập ngõ hầu những thành phần của địa phương có thể rao giảng phúc âm cho chính đồng bào của họ và cung cấp những giáo dân có đức tin vững mạnh, có trình độ trí thức tốt, có khả năng làm việc cách hăng say giữa anh chị em mình.
Tôi có đi du lịch hành hương đất nước Hàn Quốc. Theo linh mục Piero Gheddo, thuộc Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano: “Trong suốt 50 năm qua có lẽ đã không có quốc gia nào trên thế giới có được sự phát triển liên tục trên mọi bình diện chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo như Hàn Quốc. Sự phát triển mạnh mẽ này cũng xảy ra đối với Kitô giáo nữa. Thật thế, từ năm 1960 đến năm 2010, dân số Hàn Quốc từ 23 triệu đã tăng lên 48 triệu người. Lợi tức bình quân tính trên đầu người gia tăng từ 1.300 USD lên 19.500 USD hằng năm. Số Kitô hữu từ 2% tăng lên 30%, trong đó có khoảng 11% là tín hữu Công giáo, tức khoảng 5,4 triệu. Số linh mục từ 250 lên đến 5.000”. (Nhật báo Avvenire (Tương lai), cơ quan ngôn luận chính thức của Hội đồng Giám mục Italia số ra ngày 8-4-2012).
Với hơn 5.000 linh mục hiện nay, tính bình quân, mỗi vị coi sóc 1.100 tín hữu. Hồi năm 2008, số tín hữu Công giáo đã vượt 10% tổng số dân Hàn Quốc và gia tăng 3% mỗi năm.
Theo thống kê của Giáo Hội năm 2009, số người lãnh nhận bí tích Rửa tội đã là 159.000, và đã có 149 phó tế được thụ phong linh mục, tức gia tăng 21 vị so với năm 2008. Trong năm 2009 có 69% người Hàn Quốc thuộc lứa tuổi 23 tới 40. Điều này cho thấy người dân Hàn Quốc rất trẻ trung và tràn đầy sức sống.
Đức Hồng y Nicholas Cheong Jin Suk, Tổng Giám mục thủ đô Seoul, cho biết trong 10 năm qua, số tín hữu Công giáo Hàn Quốc đã gia tăng từ 3 lên đến hơn 5 triệu, khiến cho Giáo Hội Hàn Quốc là Giáo Hội tiến triển mạnh nhất châu Á. Tại Hàn Quốc, quyền tự do tôn giáo được hoàn toàn tôn trọng.
Hiện nay Giáo Hội Hàn Quốc đang sống chương trình gọi là “Rao giảng Tin Mừng hai mươi hai mươi”, có nghĩa là mọi tín hữu trong Giáo Hội phải dấn thân truyền giáo làm sao để vào năm 2020, số tín hữu Công giáo đạt tỷ lệ 20% tổng số dân Hàn Quốc, nghĩa là gia tăng gấp đôi số tín hữu hiện nay lên 10 triệu.
Loan báo Tin Mừng là chia sẻ cuộc sống, một cuộc sống như chính Chúa Giêsu đã sống, là yêu thương mọi người, và yêu thương đến cùng (x. Ga 13,11), yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính mạng cho những người mình yêu (x. Ga 15,13).
Một Giáo Hội khiêm nhu nhỏ bé dễ hòa mình vào giữa đại đa số những người nghèo của Châu Á. Và một Giáo Hội không quyền lực dễ gần gũi số đông những người chỉ mơ ước được làm người, được cơm no áo ấm, được học hành và có việc làm. Vì phải chăng đã đến lúc cần sáng tạo ra những “mô hình” mới của Giáo Hội như là những cộng đồng nhỏ bé, dễ hòa mình vào những cộng đồng xã hội của người nghèo: những cộng đồng nghèo hơn, ít bề thế, ít cồng kềnh, khiến người ta không còn e dè sợ hãi khi tiếp cận, gặp gỡ, những cộng đồng mở rộng hơn là khép kín. Sau cùng đó là những cộng đồng quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống toàn diện của con người, không chỉ khép kín trong đời sống thuần túy tôn giáo, nghĩa là trong việc cử hành bí tích hay phụng vụ, mà còn dấn thân trực tiếp vào việc cải thiện đời sống vật chất, nâng cao văn hóa và giáo dục cho người dân, nhất là những người nghèo. Tục ngữ Việt Nam có câu: “có thực mới vực được đạo”. Giáo Hội không được sai đến để giải quyết vấn đề kinh tế xã hội… nhưng không phải vì thế mà Giáo Hội không quan tâm đến những vấn đề ấy. Chúa Giêsu đã loan báo Tin Mừng không chỉ bằng lời nói, mà Tin Mừng của Người là “làm cho người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy” (Lc 7,22).
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, truyền giáo chính là “làm muối,” “làm men,” “làm ánh sáng”… như những hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng khi trao sứ mạng cho các môn đệ. Muối, men, ánh sáng thì không ồn ào áp chế, công việc của nó là âm thầm hiện diện, và chỉ cần hiện diện đúng như bản chất của mình, tự khắc môi trường xung quanh nó sẽ thấm mặn, sẽ dậy men, và sẽ đầy ánh sáng.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

SUY NIỆM 3: SỰ LỚN MẠNH CỦA NƯỚC CHÚA

Bước vào Chúa nhật XI thường niên B, trung tuần tháng Sáu, tháng kính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu. Lời Chúa mời gọi chúng ta sống tin tưởng và hy vọng vào Chúa là Thiên Chúa tình yêu. Quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta là vô cùng vô tận, một tình yêu nhập thể (gieo vào thế gian) đối thoại với con người, khiến con người tin tưởng, kiên nhẫn, phó thác trong tin yêu vào Chúa là nguyên nhân mọi sự (x. Ed 17, 22 – 24), là sức mạnh, là niềm vui và động lực giúp con người đón nhận ơn Chúa, và sống tốt ơn gọi của mình.
Hình ảnh Thiên Chúa chặt ngọn cao nhất cây hương nam, mang trồng nơi đỉnh núi Israel sẽ đâm chồi nẩy lộc (x.17,22-24) là dấu chỉ sự phát triển thịnh vượng của dân Chúa. Thiên Chúa, Đấng làm ra trời và đất cùng mọi thứ trong đó, Đấng làm cho từ không ra có, há chẳng làm ra cái từ đang có trở nên tốt hơn sao? Việc Chúa làm cho cây khô trở nên xanh tươi, cho dù Dân có phạm tội, ngoảnh mặt làm ngơ chạy theo bụt thần, Thiên Chúa luôn đợi chờ và tạo mọi cơ hội cho dân trở về. Chúa sẽ không quên dân mà Chúa đã chọn, càng không bỏ mặc họ trong lưu đầy khổ nạn. Chúa sẽ sớm cứu họ và đưa về quê hương xứ sở (x. Ed 17, 22 – 24). 
Với những hình ảnh nông nghiệp bình dân như: hạt giống tự mình mọc lên và hạt cải (x. Mc 4, 26 – 34). Chúa Giêsu hé mở cho chúng ta viễn tượng mầu nhiệm Nước Chúa, và mời gọi chúng ta hy vọng, tin tưởng vào quyền năng của Chúa. “Hạt giống mọc lên một mình…Người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa” (Mc 4, 27). Thực tế, hạt giống không thể tự mình mọc lên được, dù con người có tạo ra hạt giống và tác động thế nào đi nữa.
Chuyện kể rằng, có một nhà nghiên cứu giống cây trồng, sau khi đã nhân giống, tạo ghép giống, ông cầm một hạt lúa giống trong tay suy nghĩ và nói: “Tôi biết chính xác các chất cấu tạo nên hạt lúa này. Nó gồm có Nitro, hidro, và carbon. Tôi biết rõ tỉ lệ từng đơn chất trong nó. Tôi có thể làm ra một hạt lúa giống y như thế. Nhưng khi tôi gieo hạt lúa do tôi làm ra xuống đất tôi không thấy nó nảy mầm và mọc lên thành cây! Sau một thời gian các chất cấu tạo nên nó bị tan biến hết. Ngược lại khi tôi gieo một hạt lúa tự nhiên xuống đất, với thời gian, hạt giống nẩy mầm và mọc lên thành một cây lúa khoẻ mạnh. Tại sao vậy? Tai sao hạt giống do tôi tạo ra đã không mang lại kết quả, còn hạt giống tự nhiên thì lại có kết quả thật kỳ diệu: Nó nảy mầm thành cây lúa rồi lớn lên, tới mùa phát sinh ra bông lúa nặng trĩu các hạt lúa! Tại sao vậy?” Thánh Phaolô trả lời cho chúng ta: “Tôi trồng, Apôllô tưới, những chính Thiên Chúa cho mọc lên” (1Cr 3, 6). Đó là mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa. Một khi hạt giống được gieo vào lòng đất, tương quan giữa hạt giống với đất được thiết lập, một chuỗi những kỳ bí vô hình tuyệt vời bắt đầu, quá trình nảy mầm sẽ xảy ra, nếu như nhà nông không để ý đến những gì ông đã gieo và không ai quan tâm đến hạt rơi vào thửa đất.
Nước Thiên Chúa được sánh ví như hạt cải với sự lớn mạnh của nó… Hạt giống Giêsu được Chúa Cha gieo vào đất nhân loại. Mưa hay nắng… chắc chắn mỗi ngày một triển nở, sự yếu đuối của chúng ta là sức mạnh của hạt giống. Liệu tất cả những người tin có hy vọng và trông đợi như thế không?
Chúa Giêsu là Nước Trời. Theo cách thức của người gieo hạt, Người đã được gieo vào lòng đất thân xác Đức Trinh Nữ Maria. Người đã lớn lên và trở thành cây che phủ toàn thể địa cầu. Sau khi bị nghiền nát bởi cuộc Thương Khó, trái cây sinh ra đủ mọi hương vị, phù hợp với khẩu vị và tỏa hương thơm cho mọi vật sống chạm đến Người. Vì, như hạt cải, sự kiện hạt bị nứt ra chính là sức mạnh của nó. Tương tự như vậy, Chúa Kitô muốn thân mình được nghiền tán ra để sức quyền năng Thiên Chúa được thể hiện trong thế gian… Chúa là vua, là nguyên lý của mọi quyền hành là Nước Trời, vì tất cả vinh quang của nước ấy ở nơi Chúa.
Có những lúc Giáo Hội bị bắt bớ, Thánh Giá bị triệt hạ, nhà thờ bị phá hủy, người tin chỉ còn là số ít, người ta lo lắng cho số phận của Nước Chúa. Đức nguyên giáo hoàng Benedicto XVI nói: “Con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm. Chính Chúa điều khiển nó” (Buổi tiếp kiến chung thứ tư 27 tháng 2 năm 2013).
Romano Guardini viết: “Giáo Hội không phải là cơ cấu được nghĩ ra và xây dựng trên bàn giấy, nhưng là một thực tại sống động. Như mọi sinh vật, Giáo Hội sống dọc dài thời gian trở thành, bằng cách biến đổi mình, tuy trong bản chất nó vẫn luôn luôn là thế. Trái tim của Giáo Hội là Chúa Kitô”. Vì thế, Giáo Hội sống, lớn lên, và thức tỉnh trong tâm hồn các tín hữu. Như Ðức Trinh Nữ Maria, họ tiếp nhận Lời Chúa và thụ thai bởi công trình của Chúa Thánh Thần. Họ hiến dâng cho Thiên Chúa thân xác mình, trong sự nghèo nàn và khiêm tốn họ trở thành những người có khả năng sinh ra Chúa Kitô mỗi ngày trong thế gian. Qua Giáo Hội, mầu nhiệm Nhập Thể luôn mãi hiện diện. Chúa Kitô tiếp tục bước đi qua thời gian trong tất cả mọi nơi. Đó là mầu nhiệm lớn mạnh của Nước Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con biết tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Chúa. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

SUY NIỆM 4:

Chúa Giê-su rao giảng cho đám đông bằng dụ ngôn, từ những hình ảnh đơn sơ giản dị được lấy ra từ đời thường, để dẫn đưa họ vào những thực tại cao vời khôn ví của Nước Trời. Văn chương Đông Phương (Ai-cập, Cận Đông) thích những bí nhiệm, các sách khải huyền Do thái được điểm tô với những bí nhiệm này. Các dụ ngôn rất gần với thể loại văn chương này. Tuy nhiên, Chúa Giê-su giải thích các dụ ngôn cho các môn đệ, vì sau này, họ sẽ tiếp tục sự nghiệp của Ngài mà loan báo Lời rõ ràng và phong phú cho quần chúng.
Tin Mừng Mác-cô đề nghị cho chúng ta hai dụ ngôn: dụ ngôn hạt giống tự mọc lên và dụ ngôn hạt cải: dụ ngôn thứ nhất thuộc nguồn riêng của Mác-cô, dụ ngôn thứ hai chung với Mát-thêu (13: 31-32) và Lu-ca (13: 18-19).
1. Dụ ngôn hạt giống tự mọc lên (4: 26-29)
Bản văn của ngôn sứ Ê-dê-ki-en (Bài Đọc I) giúp chúng ta hiểu dụ ngôn hạt giống tự mọc lên này. Chính Đức Chúa sẽ trồng một chồi non mà Ngài đã ngắt từ ngọn hương bá. Vì Đức Chúa trồng, chắc chắn chồi non này sẽ mọc và lớn lên: “Nó sẽ trổ cành và kết trái”. Cũng vậy trong dụ ngôn hạt giống tự mọc lên, hình ảnh Nước Thiên Chúa được phát triển trong thầm lặng nhưng vững chắc. Có lẽ không dụ ngôn nào đem đến niềm an ủi hơn dụ ngôn này. Thiên Chúa hiện diện và hành động trong thế giới và hành động của Ngài chắc chắn rồi sẽ sinh hoa kết quả, dù bên ngoài âm thầm lặng lẽ. Thời gian cũng không được tính đến.
Phải chăng dụ ngôn này muốn nói rằng người Ki-tô hữu không cần phải hành động bởi vì “đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết”? Không phải như thế! Việc dọn đất được nêu lên, vấn đề đất có thuận lợi hay không cho hạt giống phát triển đã được bàn đến trong một dụ ngôn khác (dụ ngôn người gieo giống: 4: 1-9). Chúng ta không những có bổn phận cầu xin cho “Nước Chúa trị đến”, nhưng còn phải góp phần mình vào việc xây dựng Nước Chúa ở ngay trong cõi thế này. Ở đây, vấn đề được nêu lên đó là quyền năng tất thắng của Thiên Chúa, Ngài hướng dẫn Triều Đại của Ngài cho đến lúc phát triển viên mãn: đó sẽ là mùa thu hoạch.
Tuy nhiên, phải chăng Chúa Giê-su dùng dụ ngôn này nhằm nhắn gởi những người nôn nóng và bạo động, tức là nhóm Nhiệt Thành được nuôi dưỡng bằng những giấc mơ đầy tham vọng của họ mà vài người trong số họ là môn đệ của ngài? Thật ra, Ngài muốn dẫn các môn đệ của Ngài đến một sự hiểu biết đầy đủ hơn về sứ mạng của Ngài. Ngài đã đến gieo Lời Ngài và Lời Ngài sẽ sinh hoa kết trái. Họ phải đặt trọn niềm tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Lời Ngài, tuy nhiên, chiều kích năng động của lời này cốt yếu là nội tại và tinh thần.
2. Dụ ngôn hạt cải (4: 30-32)
Để diễn tả năng lực phát triển kỳ diệu của Nước Trời từ một khởi đầu rất khiêm tốn, Chúa Giê-su đưa ra một so sánh được mượn từ một hình ảnh rất quen thuộc thường ngày: hình ảnh hạt cải khi được gieo thì nhỏ nhất trong mọi hạt giống, nhưng khi “mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”. Nước Trời cũng sẽ như vậy. Khởi đi hầu như không gì cả: mười hai tông đồ, vài môn đệ và vài người phụ nữ, nhưng sẽ phát triển rực rỡ.
Chúa Giê-su ám chỉ đến các bản văn của Ê-dê-ki-en và Đa-ni-en trong các dụ ngôn cây hương bá của họ; tuy nhiên, rõ ràng Ngài tránh lấy lại hình ảnh cây hương bá cao vút trên đỉnh non cao, biểu tượng cho quyền lực thống trị. Ngài cũng không lấy lại hình ảnh chồi non, vì hình ảnh này gợi lên hậu duệ nhà Đa-vít và có thể gợi lên việc phục hưng quyền lực chính trị. Hình ảnh hạt cải chắc chắn hàm chứa tính chất phi chính trị của Nước Trời.
Lm. Inhaxio Hồ Thông

SUY NIỆM 5: HẠT GIỐNG

Đối với những người nông dân, hình ảnh hạt giống thật gần gũi và quen thuộc. Họ có kinh nghiệm để biết phân biệt hạt giống tốt hay xấu và gieo xuống loại đất nào thì phù hợp và cho năng suất cao. Khi ta ngắm nhìn đồng lúa trĩu hạt, đẹp đẽ, thơ mộng bao nhiêu, thì hình ảnh của những người nông dân đi gieo hạt giống lúc khởi đầu lam lũ, vất vả tương phản bấy nhiêu. Những hạt giống nhỏ bé được gieo xuống đất giờ đây đã sinh lợi được gấp hàng chục, hàng trăm lần, báo hiệu một mùa bội thu sắp đến.
Với hình ảnh quen thuộc của hạt giống gieo vào lòng đất, Chúa Giêsu đã diễn tả mầu nhiệm Nước Trời bằng một lối nhìn dễ hiểu, dễ nắm bắt.  Nước Trời cũng tựa như hạt giống gieo vào lòng đất, mặc cho người gieo có thức hay ngủ, thì hạt giống vẫn âm thầm mọc lên và tăng trưởng nhờ năng lực riêng của nó. Đây cũng là hình ảnh Tin Mừng đi vào thế giới; hình ảnh Lời Chúa được gieo vào lòng người. Khởi điểm của hạt giống hoàn toàn tương phản hoàn toàn với tương lai của nó; hình ảnh bé nhỏ ban đầu đã trở thành một cây to lớn đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ. Tin Mừng của Đức Giêsu cũng  vậy: lúc đầu được ban cho một nhóm nhỏ là các môn đệ, nhưng giờ đây nó đã lan truyền đến cho muôn dân muôn nước trên cõi đất này.
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng một lối nhìn lạc quan tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, cách riêng trong đời sống làm chứng tá và loan báo Tin Mừng. Một khởi đầu có thể khiêm tốn, nhỏ bé và yếu đuối khi đối diện với muôn vàn khó khăn, nhưng chúng ta tin tưởng rằng Chúa sẽ làm cho hạt giống của Lời trổ sinh và phát triển đến không ngờ.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trở thành những người thợ đi gieo hạt giống Lời cho thế giới một cách trung thành. Những lúc đối diện với khó khăn, thử thách lúc khởi sự, xin cho chúng con ý thức rằng luôn có Chúa quan phòng để hạt giống mọc lên.
Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD

SUY NIỆM 6: ĐỂ NƯỚC TRỜI TĂNG TRƯỞNG

Dụ ngôn là một loại hình văn phong khá quen thuộc với người Do Thái, đặc biệt thời Chúa Giêsu. Dụ ngôn là một câu chuyện kể vốn được lấy trong đời thường. Ý của tác giả kể chuyện dụ ngôn thường nằm ở câu kết và có khi lại được gợi mở qua một hai chi tiết nào đó có vẻ nghịch thường, không hợp lý của câu chuyện.
Tin Mừng Hội Thánh cho trích đọc trong Chúa Nhật XI TN B là hai câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu mô tả sự tăng trưởng của Nước Trời. Nội hàm của hai dụ ngôn dường như đã quá rõ, đó là sự phát triển cách diệu kỳ của Nước Trời như mùa gặt bội thu, như cành lá xum xuê của cây cải. Ý nghĩa của các dụ ngôn còn hiển thị nơi chi tiết có vẻ nghịch thường đó là người nông dân làm mùa cách bàng quan và nơi hình ảnh chim làm tổ dưới cành lá cây cải vốn chỉ là một loại rau. Xưa nay ít có nhà nông nào đã gieo hạt mà chẳng cần biết lúa mọc ra sao. Chuyện chim làm tổ dưới cành lá cây cải cũng là chuyện xưa nay hiếm. Các chi tiết nghịch thường này muốn làm nổi rõ chân lý này: sự phát triển của Nước Trời là điều tất yếu.
Dựa vào lời mạc khải, chúng ta có thể khẳng định Nước Trời là nước của Thiên Chúa, vương quốc của tình yêu và của sự thật. Con người đã bị sự tham lam ích kỷ chi phối, do đó tình yêu đã bị làm biến dạng và băng hoại cách nào đó. Sự ích kỷ tham lam cũng đã làm con người xa rời, tránh né sự thật. Đây là tình trạng mà thánh Gioan gọi là “thế gian”, theo nghĩa là tình trạng vắng bóng hay chối từ Thiên Chúa.
Thế nhưng, “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3,16). Con Thiên Chúa đã vào trần gian để “làm chứng cho sự thật”, để sống yêu thương bằng việc phục vụ và hiến dâng mạng sống của mình (x.Ga 18,37). Nước Trời đã ở giữa nhân loại chúng ta. Cho dù bị khước từ hay bị chống đối lúc này lúc kia, nơi này khác, bởi người này người nọ, nhưng Nước Trời vẫn không ngừng lớn mạnh, vì Thiên Chúa là Đấng xây dựng và làm cho Nước Trời phát triển. Hạt giống Nước Trời được gieo vãi, có thể có nhiều hạt như là bị hoang phí vô ích vì rơi trên vệ đường, rơi vào đất sỏi đá hay đất gai góc, nhưng khi có hạt rơi vào đất tốt thì sẽ sinh được một trăm hạt, sáu mươi hạt và chí ít cũng sinh được ba mươi (x.Mt 13,18-23). Thế là vẫn dư lãi.

Vì sự tham lam ích kỷ, háo danh, tham quyền, hám lợi lộc, con người bị cám dỗ sống giả dối, gian trá, sống bất công, ghen ghét, hận thù, sát phạt lẫn nhau. Tuy nhiên niềm khát mong sống trong công lý và sự thật vẫn mãi còn đó, sự ao ước được sống trong yêu thương vẫn luôn có đó. Nền khoa học công nghệ của con người luôn tăng tiến và ngày nay xem ra tiến bộ cách tỏ tường, đặc biệt là nền công nghệ viễn thông. Nhân loại ngày càng xích lại gần nhau hơn và nhờ thế sự tương thân tương ái càng có điều kiện phát triển. Một tai ương hoạn nạn vừa xảy ra ở đây thì chỉ năm bảy phút sau nhiều người trên thế giới đã có thể cập nhật thông tin và tình người lại được dịp rộng mở với sự sẻ chia cách này cách khác. Bên cạnh đó nền thông tin hiện đại đã giúp con người dễ dàng tiếp cận với chân lý và có điều kiện để đòi hỏi quyền được sống trong sự thật. Các phong trào dân chủ nhân quyền đang phát triển đó đây là một minh chứng cụ thể.

Cùng với bạo lực thì việc bẻ cong chân lý, tìm cách bưng bít sự thật là những chiêu bài của nhiều “cường quyền” đó đây thường sử dụng để bảo vệ vị thế cai trị của mình. Nhiều khi chúng lại được thể chế hóa bằng luật lệ nhằm “khách quan hóa, hợp pháp hóa” ý chí chủ quan của một thiếu số có quyền, có chức. Lịch sử minh chứng rằng hiện tượng này chỉ là một thời. Tuy nhiên độ dài ngắn của cái thời này còn tùy thuộc vào thiện tâm và sự dấn thân của những người muốn sống trong công bình, tình yêu và chân lý.
Nước Trời, vương quốc của tình yêu, của sự thật không ngừng tăng trưởng cả về mặt không gian lẫn chất lượng. Không có gì, không có ai có thể ngăn cản sự phát triển của Nước Trời. Tất thảy vì lý do này: chính Thiên Chúa là Đấng dựng xây Nước Trời. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại muốn dành phần vinh dự cho con người khi trao trọng trách cho con người góp phần xây dựng vương quốc ấy. Một nội dung của lời kinh “Lạy Cha” mà Chúa Giêsu truyền dạy: “Xin cho Nước Cha trị đến” (x.Mt 6,10). Là Kitô hữu, bạn, tôi, chúng ta đã làm gì cho Nước Trời trị đến trên trần gian này và trên quê hương chúng ta đang sống? Mối ưu tư trong lòng tôi có vượt ra khỏi những nhu cầu mang tính cá nhân không? Tôi có can đảm dấn thân vì tha nhân, vì xã hội, vì quê hương đất nước, vì giáo hội mà sẵn sàng đối diện với gian truân lẫn sự bách hại như thế nào?
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây