CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN NĂM B

Thứ sáu - 07/06/2024 21:25
 
CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN NĂM B
Mc 3,20-35

 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
20Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
22 Còn các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. 23 Ðức Giêsu liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xatan làm sao trừ Xatan được? 24 Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; 25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. 26 Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. 27 Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
28 “Tôi bảo thật các ông: mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. 29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. 30 Ðó là vì họ đã nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám”.
31 Mẹ và anh em Ðức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. 32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” 33 Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”.

CÁC BÀI SUY NIỆM
1/ Suy niệm 1:Quyền năng Thiên Chúa – lm. phêrô nguyễn văn quang
2/ Suy niệm 2: Tội phạm đến Chúa Thánh Thần  - Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
3/ Suy Niệm 3: Chống các tay sai của Quỷ Vương - Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
4/ Suy niệm 4: Hạnh phúc là thành viên trong Gia Đình Chúa - Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
5/ Suy niệm 5: Việc quan trọng nhất đời  - Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

Suy niệm 1: Chủ đề: QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA

Lời Chúa: “Nếu satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong” (Mc 3,26).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật X thường niên hôm nay cho chúng ta thấy quyền năng siêu nhiên đích thực chỉ đến được từ Thiên Chúa. Chính nhờ quyền năng Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan:
Nước Trời mở rộng khắp nơi,
Sa-tan quỉ dữ rút lui đầu hàng,
Việc làm Chúa tỏ rõ ràng,
Chính Người là Đấng mở đàng cứu dân.
Cúi đầu cảm tạ hồng ân,
Vâng theo ý Chúa chu toàn lệnh Cha.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết quy phục trước quyền năng vô biên của Chúa. Tuyên xưng Người là Đấng Messia và luôn chiến đấu đến chiến thắng mọi cơn cám dỗ của ma quỉ. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là Đấng quyền năng và tình yêu Chúa trải qua muôn thế hệ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa là Đấng xót thương và tha thứ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con hãy thi hành ý muốn của Chúa Cha để được trở nên nghĩa thiết của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Trong những ngày qua dân mạng nhắc đến một người đàn ông có tên là Minh Tuệ. Điều kỳ lạ thay, nhiều người đã đến với ông, một con người ăn mặc giản dị, đầu trần chân đất, với cái bát - nồi cơm điện trên tay đi khất thực khắp bắc nam. Có rất nhiều người khen, nhưng cũng có những người tìm cách để chống phá. Vậy, họ đi tìm gì nơi ông? nếu không phải đó là một sự khao khát đời sống tâm linh và sự giải thoát. Hình ảnh nhiều người đến với thầy Minh Tuệ trên đây cũng là hình ảnh của dân Do thái xưa kéo đến với Chúa Giêsu trong sự khao khát tìm kiếm Nước Trời. Tuy cùng chung một đoàn người, nhưng người thì tin nhận quyền năng siêu nhiên đích thực của Người đến từ Thiên Chúa, kẻ thì cho rằng bởi Satan. Chính vì thế, phụng vụ Lời Chúa hôm nay sẽ giúp chúng ta xác tín: nhờ quyền năng Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan.
Thưa anh chị em, Bài đọc 1 hôm nay cho thấy thái độ của sự kiêu ngạo và việc sa ngã của tổ tiên loài người. Ma quỉ đã xuất hiện dưới diện mạo con rắn cám dỗ nguyên tổ. Nó đã chiến thắng Adam và Eva, khi hai ông bà đã bất tuân lệnh Chúa truyền mà sa ngã phạm tội. Sau khi phạm tội, hai ông bà tỏ ra sợ hãi, không dám đối diện với Thiên Chúa nữa mỗi khi Chúa đến viếng thăm họ. Họ đã chia rẽ, đổ lỗi cho nhau. Adam đã đổ lỗi cho Eva: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Còn Eva thì đổ lỗi cho con rắn: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”. Như thế, bao hậu quả tai hại phát xuất từ tội kêu ngạo và bất tuân này như một bệnh di truyền cho mọi thế hệ nhân sinh. Làm cho con người phải đau khổ và phải chết. Thế nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi con người, mặc để cho họ phải chìm ngập trong tội lỗi và sự chết vĩnh viễn. Ngài đã sai Con Một của Ngài đến thế gian để cứu độ nhân loại. Người là Đấng Messia.
Chúa Giêsu đã bắt đầu hoạt động công khai của Người bằng việc đi khắp miền Galilêa rao giảng trong các hội đường và trừ quỉ. Khi thấy Chúa Giêsu đã có uy quyền trên các bệnh tật, trên satan thì dân chúng tự hỏi: “Bởi đâu ông này làm được như thế?”. Vì theo người Do thái, quyền lực ma qu chỉ có thể bị lật đổ, tẩy trừ do quyền lực của Đấng Messia; còn các luật sĩ thấy Chúa Giêsu được đông đảo dân chúng đi theo thì xuyên tạc: “Ông ấy bị qu Belgiêbul ám, chính nhờ tướng quỉ ông ấy trừ quỉ”. Đám thân nhân của Chúa Giêsu cũng đã đồng tình với các luật sĩ, họ nói: “Người mất trí nên họ đến bắt người về làng để sống cuộc đời bình thường. Chúa Giêsu gọi việc xuyên tạc như thế là tội phạm đến Chúa Thánh Thần và là thứ tội duy nhất không được tha. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần không phải chỉ đơn thuần xúc phạm đến Người bằng lời nói, mà hệ tại sự từ chối nhận lãnh ơn cứu chuộc Thiên Chúa ban cho con người qua Chúa Thánh Thần hoạt động nơi quyền lực cây thập giá. Thiên Chúa quyền năng có thể tha thứ mọi tội lỗi nhưng Ngài không thể cứu con người, nếu con người cứ đóng kín tâm hồn mình trước ân sủng và sự soi sáng của Thiên Chúa. Người công bố: “Nếu Tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỉ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông”. Còn “Nếu satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong”.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Các luật sĩ chỉ vì ghen tức với Chúa Giêsu mà không còn nhìn ra được bàn tay và chương trình của Thiên Chúa nơi Người. Vì, sứ mạng của Chúa Giêsu là cứu loài người khỏi nô lệ ma quỉ, khỏi thần chết. Thế nhưng trong cuộc sống có biết bao lần chúng ta nhìn người khác với con mắt ghen tức; không nhìn thấy điều tốt nơi anh chị em mình. Nhiều khi chúng ta đã hiềm khích, nói hành, nói xấu, đổ vạ cáo gian cho người khác gây nên sự chia rẽ nhau vì cái tôi của mình quá lớn! Hãy nhớ rằng: không ai hay đến độ không có cái dở, và cũng không ai dở đến độ không có một điều hay. Nhiều khi chúng ta khai trừ những kẻ mắc tội công khai. Nhiều kẻ tội lỗi do yếu đuối, do hoàn cảnh thúc đẩy, muốn trở lại nhưng chính chúng ta lại là người ngăn trở chứ không phải là giúp họ trở về. Trong sứ mạng chiến đấu với sự dữ, luôn có những khó khăn, chống đối, có thể rất gay go như Chúa Giêsu đã phải trả giá bằng chính cái chết. Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta phải kiên tâm tin tưởng trước những bách hại, đừng lấy thế làm nản lòng mà chia tay nhau. Là người Kitô hữu, chúng ta phải bắt chước Người để không bi quan, nhưng luôn tin tưởng vì bên cạnh một số ít kẻ chống đối, chúng ta còn có một gia đình đông đảo những người yêu mến và thực thi Lời Chúa, nhất là có Chúa là Cha nhân ái. “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”. Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta một tình thương thật lớn lao: như mẹ, anh chị em, như những người thân yêu nhất của Người.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta xác tín quyền năng vô biên của Chúa và luôn chiến đấu đến chiến thắng mọi cơn cám dỗ của ma quỉ, chăm chú lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày để trở nên người nhà của Chúa. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

SUY NIỆM 2: TỘI PHẠM ĐẾN CHÚA THÁNH THẦN 

Theo Tin Mừng Máccô, Chúa Giêsu đã bắt đầu hoạt động công khai của Người bằng việc “Đi khắp miền Galilê rao giảng trong các hội đường và trừ qủy” (Mc 1,39); hoạt động trừ qủy của Chúa Giêsu chiếm một vị trí quan trọng trong sứ vụ cứu thế (Mc 1,34-39; 3,11-12; 5,1-20; 9,14-29). Người cũng ban cho các môn đệ quyền trừ qủy (Mc 3,15; 6,7.13). Người công bố: “Nếu Tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ qủy, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12, 28). Sứ mạng của Chúa Giêsu là cứu loài người khỏi nô lệ ma quỉ, khỏi thần chết. Người tới đâu là qủy dữ bị xua trừ, như ánh sáng đến đâu thì bóng tối bị đẩy lui tới đó. Người rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, tha thứ kẻ tội lỗi… ma qủy khiếp sợ tháo lui.
Thấy Chúa Giêsu trừ qủy, dân chúng kinh ngạc, còn nhóm Pharisêu lại bảo Chúa Giêsu dựa thế quỷ vương Bendêbun để trừ qủy. Họ vu khống lăng mạ và nói Ngài là người của ma qủy. Chúa Giêsu gọi việc xuyên tạc như thế là tội phạm đến Chúa Thánh Thần và là thứ tội duy nhất không được tha. Tại sao tội này lại không thể tha thức được? (Mc 3,29)?
Cả ba thánh sử Máccô, Mátthêu và Luca đều tường thuật về câu nói: “ Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha”.
Phúc Âm Máccô chương 3 tường thuật việc Chúa Giêsu trong khi chữa bệnh, bị người ta rình rập, tố oan và âm mưu giết chết. Trước sự ác độc chai lì nham hiểm của họ đối với các việc lành của mình, Chúa Giêsu phải “giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá” (câu 5). Tuy thế, Chúa vẫn yêu thương con người. Phúc Âm tiếp tục với việc Chúa thành lập nhóm 12 để tiếp nối công trình yêu thương này, và cũng tiếp tục với việc Chúa chữa bệnh, trừ quỷ. Khi thấy Chúa thực thi quyền trừ quỷ, các “kinh sư từ Giêrusalem xuống nói rằng, Người bị quỷ vương Bendêbun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (câu 22). Chính trong ngữ cảnh này mà Chúa nói về tội phạm đến Thánh Thần : “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời. Ðó là vì họ đã nói ‘ông ấy bị thần ô uế ám’ ” (câu 28,29,30).
Bối cảnh trên cho thấy khá rõ tội phạm Chúa Thánh Thần đây chính là:
-Coi ma quỷ cao hơn Chúa Giêsu, như các kinh sư nói Chúa phải dùng tới phép của quỷ vương Bendêbun.
-Xúc phạm nặng nề tới Thánh Danh bằng việc từ chối quyền năng và ơn cứu độ của Chúa, cụ thể từ chối các bí tích, xem thường Ơn Thánh.
-Chai lì ngoan cố chống đối Thiên Chúa trước các tác động của Ngài trong cuộc đời.
Là con người, ai cũng yêu đuối tội lỗi, nhưng nếu họ khiêm tốn chạy đến với Chúa, nài xin Ơn Thánh qua các bí tích và quyết tâm chừa cải, chắc chắn họ được Chúa yêu thương tha thứ. Ngược lại, nếu cố tình chai lì trong sự thâm hiểm của mình, cho rằng không ai hơn được mình,  không nhìn nhận Chúa là Chủ tể cuộc đời, xem các quyền lực khác của thần dữ hơn cả Chúa, họ rơi vào tội phạm tới Chúa Thánh Thần.(Lm Phêrô Nguyễn Đức Thắng).
Không có tội gì mà Thiên Chúa không tha thứ khi con người biết ăn năn và hối lỗi. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương (1Ga 4,8), Ngài chậm giận và luôn giàu tình thương (Tv 86,15).Thế nhưng, có một điều mà Chúa không thể cứu vãn được, đó là sự cứng lòng nơi con người. Đây là thái độ kiêu ngạo, biết mà vẫn cứng lòng. Đây cũng là điều mà Chúa Giêsu luôn khiển trách các Kinh sư và Pharisiêu.
Khi một người cứng lòng thì họ không ăn năn nên không thể được tha thứ, vì ăn năn là điều kiện duy nhất để lãnh ơn tha tội. Không được tha chẳng phải vì Thiên Chúa hẹp hòi, nhưng vì người ấy không cần đến ơn tha thứ, đó là tội cứng lòng, tội phạm đến Chúa Thánh Thần. Đây là trường hợp mà Stêphanô nói với cấp lãnh đạo Do thái: “Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần…Các ông phản bội và sát hại Đấng Công chính. Các ông là những người đã lãnh nhận Lề Luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ” (Cv 7,51-53).
Chúa Thánh Thần soi sáng lương tâm cho người ta thấy rõ sự thật, thấy tội lỗi của mình để sám hối. Từ chối Chúa Thánh Thần là từ chối sự thật, và vì thế không thể nhận ra tội lỗi của mình để sám hối và được tha tội. Không được tha vì chính mình đã bịt tai, đóng cửa lòng, từ chối ơn tha tội.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết, tội phạm đến Chúa Thánh Thần “không phải chỉ đơn thuần xúc phạm đến Người bằng lời nói mà hệ tại sự từ chối nhận lãnh ơn cứu chuộc mà Thiên Chúa ban cho con người qua Chúa Thánh Thần hoạt động qua quyền lực cây thập giá… Vì sự cứng lòng của nó sẽ dẫn nó đến sự hư mất đời đời” (Thông điệp Dominum et Vivificantem, 18/5/1986).
Đức Thánh cha Phanxicô cắt nghĩa về tội phạm đến Chúa Thánh Thần trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Matta: “Ngay cả Chúa Giêsu là vị Thượng Tế mà cũng đã được xức dầu. Vậy lần xức dầu đầu tiên ấy là khi nào? Đó là khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Trinh Nữ Maria. Còn về việc nói phạm đến Chúa Thánh Thần thì là việc gì? Đó là nói phạm đến tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu cứu độ và sáng tạo. Nếu thế, chẳng lẽ Thiên Chúa không tha thứ cho kẻ xấu hay sao? Không phải thế! Thiên Chúa tha thứ tất cả! Nhưng những người nói phạm đến Thánh Thần là người không muốn được thứ tha, họ đóng cửa lòng trước ơn tha thứ. Những người ấy thật là tệ hại, vì họ phủ nhận Đức Kitô vị Thượng Tế được Chúa Thánh Thần xức dầu để ban ơn tha thứ cho mọi người” (x.vi.radiovaticana.va; 23.1.2017).
Thánh Gioan XXIII nói rằng: tội lớn nhất thời đại là đánh mất ý thức tội lỗi. Khi con người đã mất sự nhạy cảm về sự thật đến nỗi cho điều thật là sai và cho điều sai là điều thật, hay như một số người Do thái, cho Chúa Giêsu là ma quỉ, làm sao họ có thể tin vào Đức Kitô để được hưởng ơn Cứu Độ. Tương tự, một khi con người đã mất hết ý thức về tội lỗi: chẳng còn cho cái gì là tội nữa, thì họ đâu cần để được tha thứ! Vì thế, khi con người từ chối không nghe sự hướng dẫn của Thánh Thần để nhận ra sự thật, con người sẽ không có hy vọng để lãnh nhận ơn Cứu Độ.
Chúa Thánh Thần là Đấng soi sáng, hướng dẫn con người nhận biết sự thật về Chúa Kitô, và về bản thân mình, nhờ đó con người có thể nhận lãnh ơn cứu độ, sự tha thứ của Ngài. Khi không nhạy bén với sự soi sáng, hướng dẫn ấy là con người khép lòng, từ chối sự tha thứ của Ngài, là liều mình sống trong tình trạng tội lỗi. Một lương tâm phóng túng thì luôn phán đoán lệch lạc: coi một tội là hợp pháp, hay tội nặng thành tội nhẹ. Một lương tâm chai lỳ khi quá quen phạm tội nên không nhận thức được tội của mình nữa, hoặc coi thường tội, dù là tội nặng. Giả hình, lừa dối, gian dối đang phát triển khắp nơi, do vậy số con cái ma quỷ đang tăng lên mỗi ngày một nhiều.
Chúa Thánh Thần có sứ vụ quan trọng trong Kế Họach Cứu Độ là làm cho con người thấu hiểu những lời giảng dạy và mạc khải của Chúa Kitô. Vì thế, chúng ta cần cầu xin với Ngài mỗi khi nghe Lời Chúa để được soi lòng mở trí cho mình. Cần lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để luôn biết tìm hiểu và nhạy cảm với sự thật. Có lần Chúa Giêsu đã nói thẳng với những người Do thái: “Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, quỷ đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó. Bởi vì nó là kẻ nói dối và là cha sự gian dối” (Ga 8,44). Chúa khẳng định tất cả những ai quen lừa dối, đều trở thành con cái ma quỷ, vì quỷ là cha sự gian dối. Một khi đã khinh thường và mất đi nhạy cảm với sự thật, con người không còn hy vọng được cứu rỗi.
Nhận ra sự soi sáng, thúc đẩy của Thánh Thần để nhận biết sự thật về Chúa và về mình. Thiên Chúa là Cha nhân lành yêu thương mọi người; còn mỗi người là con cái, là thụ tạo do Ngài dựng nên, được bao phủ bằng tình yêu thương của Ngài, nhưng người ta thường xúc phạm đến Ngài qua tội lỗi. Nhận thức được sự thật ấy sẽ giúp chúng ta sống bình tâm trong thân phận thụ tạo và con cái của mình.
Hàng ngày chúng ta cần nhớ về sự hiện diện thánh thiêng của Thánh Thần nơi mình, để nghe theo sự soi sáng và thúc đẩy của Ngài.
Hằng ngày và trước mỗi việc làm, hãy luôn cầu xin: Lạy Chúa Thánh Thần, xin đừng để con làm phiền lòng Chúa bao giờ, nhưng cho con luôn biết lắng nghe tiếng Chúa để được ơn hoán cải. Lạy Chúa Thánh Thần, con xin lỗi Chúa vì con thường quên sự hiện diện gần gũi của Ngài trong cuộc sống đời thường. Xin cho con mau mắn vâng theo lời dạy bảo của Ngài; xin cho con đừng khép lòng trước những gợi ý dấn thân tích cực hơn trong việc sống niềm tin trong đời sống. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

SUY NIỆM 3: CHỐNG CÁC TAY SAI CỦA QUỶ VƯƠNG  

Nếu tôi là Đức Giêsu, tôi sẽ buồn phiền chán nản vô cùng: vừa bị thân nhân gia đình bôi nhọ là: “Ông ấy mất trí”, lại bị nhóm kinh sư từ thành đô Giêrusalem đến xem xét rồi chụp mũ: “Ông ấy bị quỷ vương Bengiêbút ám nhập và dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”.
Đó là những bẫy rất tâm lý và cực kỳ nguy hại của sa tan, để đánh bại chương trình cứu độ của Đấng Cứu Thế như nó đã đánh bại chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Trước kia nó đã mặc lốt con rắn cuốn lôi con người bỏ Thiên Chúa mà theo nó phạm tội ăn trái cấm (Bài đọc 1). Bây giờ, nó núp bóng dưới dạng thân nhân và kinh sư âm mưu tráo trở công việc cứu độ của Đức Giêsu biến thành công việc của nó. Đức Giêsu đã mạnh mẽ phản kháng những lừa bịp độc hại của sa tan. “Người liền gọi dân chúng, những con người hiền lành chất phác đến nghe Người giải tỏa cho họ khỏi nọc độc bịp bợm của rắn quỷ, bằng kiểu luận lý dễ hiểu, ai cũng có thể thấy rõ được: “Nước nào chia rẽ, nước ấy sẽ mất; nhà nào chia rẽ, nhà ấy sẽ tan”.
Một tiền đề sát với đời sống cụ thể của họ và rất sắc bén để dẫn tới áp dụng kết luận: “Vậy satan chống lại satan, satan tự chia rẽ satan, thì chúng không thể tồn tại, tất nhiên chúng dẫn đến diệt vong”.
Người đau đớn quay sang nói với bọn kinh sư, tay sai của quỷ rằng: “Nếu Ta nhờ Bengiêbút mà trừ quỷ thì bè phái các người nhờ ai mà trừ quỷ? Bởi thế, chính họ sẽ xét xử các ngươi”.
Đồng thời Người cũng cho họ thấy rõ sự thật hiển nhiên là: “Ta đã nhờ Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả là nước Thiên Chúa đã đến trên các ngươi” (Mt. 12, 27-28).
Nói đến đây, đáng lẽ ra các kinh sư là những người thông Kinh thánh, họ phải nhớ ra việc Elia xưa đã nhờ Thiên Chúa mà trừ diệt những kẻ dựa vào quỷ Bengiêbút thời vua Akhap và Ôkhôgia vua Israen. Ôkhôgia khi bị đau liệt, ông đã sai sứ giả đi cầu khẩn Bengiêbút. Thiên Chúa đã thúc giục tiên tri Elia đi đón sứ giả và nói: Ở Israel không có Thiên Chúa sao mà các ngươi lại đi cầu khẩn Bengiêbút? Cho nên Thiên Chúa phán thế này: Ngươi sẽ chết trên giường ngươi nằm. Ôkhôgia cố chấp không nghe lời cảnh cáo của Elia, còn sai quan quân tất cả hai lần trăm người đến bắt Elia. Elia đã nói: Nếu ta là người của Thiên Chúa, thì lửa hãy từ trời xuống thiêu đốt các ngươi đi. Và lửa từ trời đã thiêu đốt sạch bọn chúng, và cả nhà vua cũng chết, trừ đoàn sứ giả thứ ba biết khấn xin người của Thiên Chúa thì được sống (2V. 1, 2-17).
Những hạng người cầu khẩn tà thần ma quỷ, những người khăng khăng cố chấp những tà thuyết mù quáng, những hạng người ác ý thay trắng ra đen, xuyên tạc công việc của Thiên Chúa sang công việc của quỷ thần, những hạng người đó đã xúc phạm đến Chúa Thánh Thần, chúng chẳng bao giờ được tha thứ, chúng lì lợm đến diệt vong.
 
Chỉ có những người ngay lành thiện chí như dân chúng, biết nhận ra lẽ phải, biết lắng nghe lời Thiên Chúa, biết đón nhận những việc lành phúc đức, mới thực sự “là mẹ, và anh em của Đức Giêsu”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết siêng năng đến xum họp chung quanh bàn tiệc thánh Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa, như đám đông dân chúng xưa đã ngồi vây quanh Người để lắng nghe và thực thi ý Thiên Chúa và được vinh phúc trở nên làm mẹ và anh em với Người. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

SUY NIỆM 4:HẠNH PHÚC LÀ THÀNH VIÊN TRONG GIA ĐÌNH CHÚA

Thiên Chúa là Cha nhân từ
Thiên Chúa khôn ngoan và nhân từ, nên mọi việc Ngài làm đều tốt đẹp. Ngài đã sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài, cho họ sống tình thân với Chúa. Vậy Sự Dữ do đâu mà có? Đâu là nguyên nhân khiến cho tình thân nghĩa thiết giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau bị phá vỡ?
Sách Sáng Thế (x. St 1-3) cho ta câu trả lời. Thiên Chúa không tạo nên sự chết, nhưng sự chết đã đi vào thế giới vì sự ghen tương của ma quỉ (x. Kn 1,13-14; 2,23-24). Khi nổi loạn chống lại Thiên Chúa, ma quỉ đã lường gạt và lôi kéo con người theo chúng. Thiên Chúa hỏi Ađam: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?” Thiên Chúa hỏi Evà: “Tại sao ngươi đã làm điều đó? ” Evà trả lời: “Con rắn đã cám dỗ tôi” (x. St 3, 11-13).
Là thụ tạo tinh thần, con người chỉ có thể sống tình thân ấy khi tự do tùng phục Thiên Chúa. Ðiều đó được diễn tả trong lệnh cấm con người ăn trái cây biết lành, biết dữ “vì ngày ngươi ăn nó, ngươi sẽ chết” (St 2, l7). Bị ma quỉ cám dỗ, con người đánh mất lòng tín thác vào Ðấng Sáng Tạo, lạm dụng tự do, bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Ðó là tội đầu tiên của con người (x. Rm 5, l9). Hậu quả là Adong và Evà đánh mất sự thánh thiện nguyên thủy (x. Rm 3, 23). Sự hài hòa với vạn vật bị phá vỡ: thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù nghịch với con người (x. St 3, l7-l9). Sự kết hợp nam nữ trở nên căng thẳng (x. St 3, ll-l3); tình huynh đệ tương tàn (x. St 4, 3-15); tiếp đến là sự sa đọa của cả loài người. Cuối cùng, vì bất tuân: “Con người là tro bụi sẽ trở về bụi tro” (St 3, l9).
Sau khi sa ngã, Thiên Chúa không lỡ bỏ rơi con người. Trái lại, vì tình thương, Thiên Chúa nâng con người lên. Chúa bảo con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi”. (St 3, 9-15. 20). Đó là thảm kịch tự do mà Thiên Chúa chấp nhận đến cùng vì yêu thương, nhưng Ngài hứa: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người” (St 3,15).
Ðoạn sách Sáng Thế trên được gọi là “Tiền Tin Mừng” vì đó là lời loan báo đầu tiên về Ðấng Cứu Thế, về cuộc chiến đấu giữa con rắn với người nữ và chiến thắng cuối cùng của một hậu duệ người nữ này. Tình mẫu tử của Đức Maria đối với nhân loại được biểu lộ “Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh” (St 3, 20).
Mẹ và anh em Chúa
Lòng nhân từ của Thiên Chúa là lòng nhân từ cứu độ, chẳng những nâng con người lên mà còn cho con người trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa, đồng thừa tự với Chúa Giêsu. Lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã đánh mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa một đám đông, có kẻ nói với Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy”. Chẳng những Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ Ta và là anh em Ta” (x. Mc 3, 32-35).
Thật ra, qua câu nói này, Chúa Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Mẹ đã hiểu rõ sứ mạng của Chúa Giêsu, con của Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi thánh ý Chúa.
Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha; còn chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ tình yêu Chúa, chúng ta được liên kết với nhau trong một quỹ đạo mới, một tình nghĩa mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, anh chị em ruột thịt.
Với lời khẳng định: “Đây là mẹ tôi và anh em tôi” (Mc 3, 33). Chúa Giêsu loan báo về gia đình mới của Ngài. Có những người thân yêu cùng máu mủ đứng ngoài kia. Có một gia đình mới đang ngồi trong này. Đức Giêsu không coi thường hay loại bỏ gia đình ruột thịt. Nhưng Ngài cho thấy Ngài còn có một gia đình lớn hơn nhiều, một gia đình gồm những người rất khác nhau về nhiều mặt, nhưng lại có một mẫu số chung, một điểm giống nhau, đó là cùng muốn thi hành ý Thiên Chúa trong cuộc sống.
Sống tình gia đình với Chúa
Thật hạnh phúc cho chúng ta, vì Chúa Giêsu đã khai mở một đại gia đình mới cho mọi người: “Bất cứ ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa người ấy là mẹ tôi, là anh em và chị em tôi” (Mc 3, 35). Khi thực thi ý Thiên Chúa muốn, người kitô hữu chúng ta vui sướng được thuộc về gia đình Chúa, có Đức Maria làm Mẹ suốt đời tín trung sống ý Chúa, có Đức Giêsu là Anh Trưởng, người Con luôn sống đẹp lòng Chúa Cha, và có bao anh chị em khác đã dám đặt ý Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã mở rộng gia đình Chúa để cho chúng con được dự phần, xin cho mỗi người chúng con biết lắng nghe Lời Chúa; đồng thời biết đem Lời Chúa ra thực hành, hầu xứng đáng là thành viên trong gia đình Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

SUY NIỆM 5: VIỆC QUAN TRỌNG NHẤT ĐỜI  

Đối với các tín hữu của Chúa, điều quan trọng nhất mà mỗi người phải quyết tâm thực hiện từng ngày trong suốt đời mình, là việc gì?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy theo dõi sự việc được thánh sử Mác-cô thuật lại trong bài Tin mừng trích đọc hôm nay:
Hôm ấy, Mẹ Maria và các anh em bà con họ hàng đến gặp Chúa Giê-su đang lúc Ngài đang rao giảng giữa đám đông dân chúng. Bấy giờ “có kẻ trình với Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”
Chúa Giê-su muốn nhân cơ hội này, dạy cho những người chung quanh bài học quan trọng liên quan đến việc thi hành Lời Chúa, thế nên, Ngài lên tiếng hỏi những người chung quanh:  “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”  Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3, 31-35).
Như thế, việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa quan trọng đến nỗi ai làm điều đó thì được Chúa Giê-su hết sức trân trọng và yêu quý, được Chúa nâng lên hàng anh em, chị em và là mẹ của Ngài. Chúa Giê-su hướng thẳng về những người đó và long trọng tuyên bố với mọi người: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi!”
Thật là một vinh dự rất lớn lao.
Chúa Giê-su luôn thi hành ý muốn của Chúa Cha
Việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha quan trọng đến nỗi chính Chúa Giê-su, dù Ngài là Ngôi hai Thiên Chúa, đồng hàng với Chúa Cha, nhưng Ngài vẫn luôn làm theo ý muốn của Chúa Cha trong mọi sự. Ngài nói:
“Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta nhưng là theo ý Đấng sai Ta” (Ga 6,38).
“Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 4, 34).
Đặc biệt là trong đêm tối tại vườn Cây Dầu, khi đối diện với cuộc khổ hình khủng khiếp sắp xảy đến với mình, Chúa Giê-su lo buồn sợ hãi đến nỗi cất tiếng kêu cầu với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa Con.” Dù vậy, Ngài cũng không muốn làm theo ý mình mà chỉ muốn vâng theo ý Chúa Cha cách trọn vẹn, nên Ngài thưa với Cha: “Nhưng xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha mà thôi” (Lc 22,42).
Như thế, Chúa Giê-su luôn vâng lời Chúa Cha trong mọi việc, trong mọi lúc và suốt cả đời mình. Thánh Phao-lô nhận định về sự vâng phục triệt để đó như sau: “Ngài đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập tự” (Pl 2,8).
Thế là, nhờ luôn thực hành ý Chúa Cha nên Chúa Giê-su mới lên trời vinh hiển, được siêu tôn trên các tầng trời như lời thánh Phao-lô: “Chính vì thế, Thiên Chúa Cha đã siêu tôn Ngài, ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu… ” (Pl 2, 9).
Thi hành ý Chúa là con đường duy nhất dẫn vào thiên đàng
Chúa Giê-su biết rằng làm theo điều Thiên Chúa truyền dạy là con đường duy nhất dẫn đưa loài người vào thiên đàng, không có đường thứ hai, và ngay chính bản thân Ngài là Thiên Chúa, Ngài cũng phải đi theo con đường duy nhất đó để vào thiên quốc, nên Ngài truyền dạy cho chúng ta hãy luôn luôn thi hành ý Chúa Cha truyền dạy.
Ngài nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời, nhưng chỉ có những ai làm theo ý Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, kẻ ấy mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21). Và ý Chúa Cha truyền dạy cho chúng ta được tóm lại trong giới răn mến Chúa yêu người.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin Chúa cho chúng con luôn ghi tâm khắc cốt điều quan trọng nhất trong đời là thực hành lời Chúa truyền dạy, được tóm gọn trong quy luật mến Chúa yêu người, vì đây là phương thế duy nhất để chúng con được vào Nước Trời, đồng thời khi thực hành ý Chúa như vậy, chúng con được Chúa yêu thương và quý trọng như là mẹ và như anh chị em của Chúa.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây