CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B
Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
24Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, 25các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. 26Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. 27Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất. 28Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. 29Cũng vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. 30Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. 31Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.
32“Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”.
SUY NIỆM 1: NGÀY TẬN CÙNG
Lời Chúa: "Ngài sẽ sai các Thiên Thần đi qui tụ những kẻ được tuyển chọn từ khắp bốn phương" (Mc 13,27)
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 33 thường niên hôm nay cho chúng ta thấy ngày tận cùng của thế giới. Mọi thứ sẽ qua đi nhưng tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta là mãi mãi. Vì thế, chúng ta hãy sống mỗi ngày với tâm tình tỉnh thức, luôn vững tin vào Chúa:
Đất trời tinh tú chuyển lay,
Là điềm tiên báo đến ngày quang vinh.
Con Người ngự đến uy linh,
Muôn dân tụ họp phân minh tỏ bày.
Giờ nào Chúa đến ai hay,
Sẵn sàng tỉnh thức chờ ngày quang lâm.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết sẵn sàng tỉnh thức chờ ngày Chúa đến, sống trọn vẹn mỗi ngày trong tình yêu và ân sủng của Chúa. Trong tâm tình đó giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa yêu thương hết thảy mọi người. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con hãy tỉnh thức và hãy sẵn sàng chờ ngày Chúa đến. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Trong cuốn phim giả tưởng: "Ngày Tận Cùng Của Trái Ðất", do trung tâm điện ảnh Ho-ly-wood sản xuất đã gây nhiều ấn tượng nhất cho người xem. Cũng giống như thời Noê, chỉ có 50 người chuẩn bị kịp, họ đã đi vào trong một phi thuyền đặc biệt và tránh được thiên tai xẩy ra cho trái đất, họ đã đi đến một hành tinh khác, và như thế bảo đảm cho sự trường tồn của nhân loại. Hôm nay, Chúa nhật áp cuối của năm phụng vụ. Sứ điệp phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta không biết khi nào Chúa đến. Vì thế, chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng.
Thưa anh chị em, bài đọc một hôm nay thuật lại Ngôn sứ Đaniel tiên báo về sự thử thách và giải thoát trong thời kỳ cuối cùng của lịch sử loài người: “Sẽ có thời kỳ khốn khổ chưa từng thấy từ khi có các dân tộc đến giờ”. Ngày ấy, tổng lãnh thiên thần Micae sẽ đứng ra bảo vệ dân Thiên Chúa trong những giờ phút đen tối. Qua đây, Ngôn sứ Đaniel cho thấy rằng Thiên Chúa luôn bảo vệ dân Ngài, ngay cả trong lúc họ gặp khó khăn và đau khổ. Thiên Chúa mời gọi họ hãy sống như những “người khôn ngoan”, để khi đối diện với những thử thách, họ vẫn trung thành sống theo đường lối Chúa sẽ được cứu sống.
Lời tiên báo của Ngôn sứ Đaniel về sự thử thách và giải thoát trong cựu ước, nay Chúa Giêsu cho thấy về những dấu hiệu lớn lao sẽ xảy ra trong ngày sau hết trước khi Con Người đến: mặt trời sẽ tối lại, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao sẽ rơi xuống, và cả vũ trụ sẽ bị xáo trộn. Chính vì thế, Chúa Giêsu nhắc nhở: “Anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. Tỉnh thức ở đây có nghĩa là sống với một tinh thần đợi chờ đầy hy vọng. Ngày Chúa đến sẽ là ngày chúng ta được sống trọn vẹn trong tình yêu của Người. Mọi khổ đau sẽ qua đi và mọi hy vọng sẽ được hoàn thành. Đó là niềm an ủi lớn lao cho những ai sống trong niềm tin vào Chúa. Như thế, trong khi chờ đợi Chúa đến chúng ta phải sống yêu thương, công bằng và khiêm tốn trong phục vụ sẽ giúp chúng ta đón nhận được ngày ấy.
Chuyện kể rằng, trong một khu rừng lớn có hai loài cây là cây tre và cây lau. Cả hai đều mọc cạnh nhau và mỗi loài đều có đặc điểm riêng. Cây tre cao lớn, vững chắc, luôn ngẩng cao đầu tự hào vì vẻ mạnh mẽ của mình. Ngược lại, cây lau nhỏ bé và mềm mại, thường cúi đầu khi gió thổi, trông rất khiêm tốn. Một ngày nọ, cơn bão lớn ập đến. Gió giật mạnh, cây cối ngã nghiêng, không ít cây to lớn bị bật gốc. Cây tre, dù mạnh mẽ, cũng bị cơn bão làm cho gãy đôi. Cây lau tuy yếu ớt, nhưng nhờ sự mềm mại, biết cúi đầu khi bão tới mà vẫn đứng vững sau cơn bão. Sau cơn bão, cây tre buồn bã nhìn cây lau và hỏi: “Sao cây lại có thể sống sót qua cơn bão dữ dội như thế?”. Cây lau mỉm cười trả lời: “Tôi sống sót được vì tôi biết cúi đầu, khiêm tốn trước cơn bão. Khi biết hạ mình, tôi có thể đứng vững mà không bị gãy đổ”.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Câu chuyện trrên đây nhắc nhở chúng ta về sự khiêm nhường và sự tỉnh thức. Giống như cây tre kiêu ngạo, chúng ta dễ bị lung lay khi chỉ dựa vào sức mạnh và sự tự mãn của mình. Nhưng khi có lòng khiêm nhường như cây lau, chúng ta sẽ có thể vượt qua những thử thách. Lời Chúa hôm nay cũng dạy chúng ta hãy sống trong sự tỉnh thức và chuẩn bị. Ngày Chúa đến có thể bất ngờ như cơn bão, nhưng những ai sống trong tỉnh thức, khiêm nhường và luôn sẵn sàng sẽ không bị quật ngã. Cuộc sống trần thế này chỉ là hành trình tạm bợ. Mọi thứ sẽ qua đi, nhưng tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta là mãi mãi. Vì thế, chúng ta hãy sống mỗi ngày với tâm tình tỉnh thức, luôn vững tin vào Thiên Chúa và khiêm tốn phục vụ trong yêu thương.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết chuẩn bị tâm hồn, sống trọn vẹn mỗi ngày trong tình yêu và ân sủng, để ngày Chúa đến chúng ta có thể ngẩng đầu lên đón nhận Người với một trái tim đầy niềm vui và bình an. Amen.
Lm. Nguyễn Văn Quang.
SUY NIỆM 2: TƯƠNG LAI CUỘC ĐỜI
Sống trên đời, ai cũng mong có một tương lai tốt lành. Tương lai mà người tín hữu kỳ vọng không giống như mọi người không có đức tin mong đợi. Bởi lẽ, theo quan niệm trần gian, tương lai là những kỳ vọng thành đạt trong sự nghiệp hay học vấn, hoặc giàu có sung sướng về vật chất. Người Kitô hữu cũng cố gắng để có được một điều kiện sống hạnh phúc phong lưu. Tuy vậy, tương lai và hạnh phúc vĩnh cửu của họ là Nước Trời. Giữa cuộc sống này phủ đầy bóng tối, nhiều thử thách gian nan và dối gian lừa lọc, nhưng những tối tăm gian khổ ấy cũng có lúc kết thúc. Vương quốc mà chúng ta chờ đợi, đó là hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Ngài. Hướng về tương lai vĩnh cửu, đó là mối ưu tiên hàng đầu của người tin Chúa.
Với lối hành văn theo thể loại được gọi là “Khải huyền”, tác giả sách Đanien đã diễn tả lúc tận cùng của thời gian, chúng ta vẫn gọi là ngày tận thế. Lúc ấy, Thiên Chúa sẽ can thiệp và làm cho những người đã chết được sống lại. Sự can thiệp của Tổng lãnh Thiên Thần Micae như một cuộc tổng điều tra dân số. Những ai được ghi trong “Sổ hằng sống” sẽ được hưởng hạnh phúc ngàn thu, những ai không có tên trong đó sẽ phải trầm luân muôn kiếp.
Giống như tác giả sách Đanien, thánh sử Mác-cô đã sử dụng lối văn Khải huyền để diễn tả ngày cánh chung. Vào thời đó, các thiên thể tinh tú sẽ mất hết khả năng chiếu sáng và sẽ rơi xuống đất. Mặt trời, mặt trăng và các tinh tú được các dân xung quanh thờ như những vị thần. Vào thời Thiên Chúa xuất hiện, các vị thần ấy sẽ bị đánh bại.
Có thể những tiên báo trên đây bị người thời nay coi là chuyện tầm phào. Người ta nói rằng, từ xưa đến nay, rất nhiều lần có lời đồn thổi về ngày tận thế, nhưng rốt cuộc thì ngày tận thế không đến. Lời Chúa muốn cảnh tỉnh chúng ta khi quả quyết: thế gian này chẳng thể tồn tại mãi. Sẽ có ngày cuộc đời này kết thúc, dù chúng ta không biết khi nào và như thế nào. Những hình ảnh được nêu trong sách Đanien và Tin mừng Thánh Mác-cô chỉ là những biểu tượng để giúp cho các độc giả cách chúng ta mấy ngàn năm dễ hiểu.
Nếu người ta có thể phủ nhận ngày tận thế, thì không ai có thể phủ nhận sự chết. Dù sang hay hèn, dù văn minh hay lạc hậu, ai cũng phải đến ngày kết thúc cuộc đời. Biết bao lần chúng ta đã chia tay những người thân, qua đó chúng ta càng cảm nhận sự mỏng giòn của thân phận con người. Giáo lý Công giáo dạy chúng ta: giờ chết là tận thế đối với cá nhân mỗi người. Lúc đó họ sẽ phải trả lời Chúa về những việc mình đã làm khi còn sống trên dương gian. Chúa dựng nên con người có hồn và xác. Thân xác có thể bị mục nát trong lòng đất, nhưng linh hồn bất tử. Mỗi người phải mang trách nhiệm về những gì mình đã làm. Thời gian, sức khoẻ, gia đình, bạn bè, nghề nghiệp và những ưu đãi khác đều là những “vốn” Chúa ban để sinh lợi. Trên trần gian, có người tốt kẻ xấu, lúc tận thế, cũng có người hưởng vinh quang, kẻ bị trầm luân muôn kiếp. Ngôn sứ Đanien đã nhìn thấy “những người thông minh sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời”. Niềm tin vào đời sau chính là tôn vinh phẩm giá con người. Niềm tin này cũng khích lệ chúng ta, như một lời hứa hẹn rằng, nếu chúng ta sống tốt ở đời này thì sẽ được hưởng vinh quang bất diệt đời sau.
Tin vào đời sau, đó không phải là sự ru ngủ như có người thiếu thành kiến với Giáo Hội đã suy diễn. Chính Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta: ai tin vào Người thì dù có chết cũng sẽ được sống, và ai tin vào Người sẽ được sống muôn đời. Tác giả thư Hípri nói với chúng ta: nếu chúng ta có hy vọng được hưởng sự sống đời là nhờ hy tế của Đức Giêsu dâng trên thập giá. Người là Thượng tế, đã dâng chính máu mình để chuộc tội cho nhân loại. Những ai tin vào Người sẽ được tha thứ tội lỗi và được hưởng hạnh phúc vô biên.
Vào lúc năm cùng tháng tận, mỗi chúng ta hãy suy nghĩ về lúc kết thúc của cuộc đời. Hai chữ “tận thế” gợi cho chúng ta nỗi sợ hãi và bi quan chán nản, nhưng hai chữ “tương lai” lại giúp chúng ta bừng lên niềm hy vọng. Người vô thần cho rằng mỗi ngày sống là đang tiến dần tới nấm mộ; người tin Chúa lại cho rằng mỗi ngày sống là một nấc thang đưa họ đến với Đấng Tối cao. Quả vậy, khi đối diện với sự chết, người Kitô hữu nhìn nhận, đó là cuộc gặp gỡ với Chúa. Đó cũng là sự biến đổi từ thân phận phải chết sang cuộc sống đời đời.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên
SUY NIỆM 3: GẶP GỠ ÐỨC KITÔ
Bài Tin Mừng hôm nay thuộc phần cuối của chương 13. Trong chương này, thánh Máccô nói về cuộc Quang Lâm của Chúa Giêsu. Trước thời này sẽ có nhiều thử thách, gian nan và đau khổ: giặc giã chiến tranh, những cuộc nổi dậy, những trận động đất, những cơn đói kém, những cuộc bách hại, chia rẽ trong gia đình.
Thánh Máccô viết sách Tin Mừng cho các Kitô hữu ở Rôma vào khoảng năm 65-70, trong bối cảnh các Kitô hữu của Giáo Hội tiên khởi đang bị hoàng đế Nêrô bách hại rất khốc liệt. Vì vậy, mục đích của thánh sử là muốn an ủi và khích lệ cộng đoàn đang bị bách hại khi loan báo sự trở lại và cuộc chiến thắng của Chúa Kitô,
Ngôn từ và hình ảnh trong bài Tin Mừng hôm nay có lẽ sẽ làm cho chúng ta khiếp sợ. Thật ra, vào thời Chúa Giêsu, có một thể văn gọi là văn chương khải huyền để nói về tương lai xa, về thời nằm ngay trước ngày tận thế. Các ngôn sứ trong Cựu Ước thường dùng thể văn này để nói đến những lần Thiên Chúa can thiệp cách đặc biệt trong lịch sử. Hình ảnh “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển” không phải là một sự đe dọa hoặc một sự trừng phạt nào đó, mà chỉ là sự loan báo cuộc chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa khi lịch sử viên mãn, cuộc chiến thắng của Người trên các quyền lực ác thần. Chúng ta biết rằng, ngoại trừ nước Do Thái, thì các dân tộc phương Ðông thời cổ đại đều tin rằng các tinh tú là những thần linh cai quản vũ trụ. Vì vậy, khi nói mặt trời và mặt trăng trở nên tối tăm, các ngôi sao sa xuống, đó là xác nhận sự chiến thắng của Thiên Chúa trên tất cả các thần linh.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu loan báo sự trở lại của Người trong vinh quang như một vị thẩm phán và vị cứu tinh hoàn vũ vào ngày tận thế. Nhưng khi nào ngày đó sẽ đến? Câu hỏi này luôn ám ảnh mọi người, mọi thời và mọi nơi.
Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.” Lời tuyên bố này của Chúa Giêsu thật khó hiểu. Nhưng nó cho thấy rõ nhân tính của Chúa Giêsu, vì trong sứ mạng trần thế của Người, Người không có quyền ấn định, cũng chẳng được tiết lộ ngày, giờ tận thế. Ở đây Chúa Giêsu có ý nói rằng ngày tận thế không còn thuộc về lịch sử loài người nữa; nó hoàn toàn nằm trong thánh ý Chúa Cha. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Chúa Giêsu không biết khi nào ngày đó đến.
Thế nhưng, trải dài trong lịch sử, đã có biết bao người nhẹ dạ tin rằng vào tháng này, năm nọ sẽ có tận thế. Những cảnh khiếp sợ hãi hùng trước năm 1000 và 2000 là một bằng chứng hiển nhiên. Các giáo phái không ngừng loan báo những tai họa khủng khiếp, những sự trừng phạt của Chúa vào những năm, tháng rõ ràng.
Lời Chúa hôm nay lật đổ tất cả các loại tiên đoán về ngày tận thế. Việc Chúa Kitô trở lại trong vinh quang, chỉ có Chúa biết. Chỉ có Thiên Chúa là chủ tể tuyệt đối của lịch sử. Chỉ có Người biết thời viên mãn của lịch sử. Chúa Kitô đã mở đường cho chúng ta đến Nước Trời và mời gọi chúng ta dự phần với Người trên thiên quốc. Người loan báo Nước Trời đã đến gần, và Nước đó đã và vẫn đang hiện diện. Vì qua cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Kitô đã mở ra một kỷ nguyên mới. Từ đó, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, các tín hữu được mời gọi sống thời gian hiện tại trong thái độ chờ đợi tích cực ngày Chúa Kitô trở lại trong vinh quang. Ngày đó, các môn đệ trung tín sẽ được dự phần vào hạnh phúc của đời sống vĩnh cửu. Và đó cũng là ngày chúng ta sẽ đoàn tụ với những người thân yêu của chúng ta đã qua đời...
Thật vậy, không ai biết trước ngày hẹn với Chúa Kitô vinh quang, nhưng tất cả chúng ta biết chắc chắn giờ hẹn với Chúa Kitô qua những gương mặt mà chúng ta gặp hằng ngày. Chúng ta có sẵn sàng đến gặp Người chưa?
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
SUY NIỆM 4: QUÊ TRỜI
Có 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra có một số nhỏ các quốc gia độc lập như nước Vatican, Taiwan và Kosovo không là thành viên của Liên Hiệp Quốc. Nói đúng hơn là có tất cả 196 nước trên thế giới. Có những Nước lớn, đất rộng người đông như Trung Hoa có trên 1 tỷ 341 triệu người, Ấn Độ có trên 1 tỷ 210 triệu và Hoa Kỳ có trên 314 triệu người. Tổng số dân trên thế giới khoảng trên 7 tỷ. Có những quốc gia nhỏ xíu như Nước Vatican rộng (0.2 square miles) với dân số 770 dân và Nước Monaco (0.7 square miles) có 32 ngàn dân. Số dân tăng dần mỗi năm. Số người qua đời ít hơn số trẻ sơ sinh. Dòng dõi này nối tiếp dòng dõi kia hướng đến cùng đích. Bước vào thế kỷ thứ 21, nhờ khoa học kỹ thuật siêu vượt, con người đã mở rộng tầm kiến thức và tạo mối liên hệ tới mọi quốc gia. Sự truyền thông đa chiều đã nối kết con người xích lại gần nhau hơn.
Sống trên trần gian là cuộc lữ hành đi về quê thật. Có biết bao con đường mở ra giúp dẫn đưa con người đi đến cùng đích. Con người mọi thời đã suy tư giác ngộ ra nhiều thứ đạo, nhiều tôn giáo và nhiều cách thế để đạt mục đích. Có 20 tôn giáo chính thức, đang là chỗ cậy dựa tinh thần cho nhiều người: Kitô giáo đông nhất có trên 2 tỷ tín đồ, Hồi Giáo khoảng trên 1 tỷ 570 triệu, Hinduism có khoảng 950 triệu, Buddhism (Phật giáo) số thống kê không chính xác (350-1,600 triệu tín đồ)…Ngoài ra còn rất nhiều các nhóm tôn giáo khác nhau. Tất cả các tôn giáo cùng đi tìm ý nghĩa và cùng đích cho cuộc sống hôm nay và ngày mai. Đa số các tôn giáo đều tin có cuộc sống hạnh phúc mai hậu nơi thiên đàng, niết bàn, cõi tây phương cực lạc, quê trời, cõi trời và nơi trường sinh bất tử.
Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta những dấu chỉ về ngày cánh chung. Nước Trời khởi đi từ trần thế và kết thúc trên quê trời. Chúa Giêsu chỉ dậy: Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần (Mc 13, 28). Chúa quan phòng cho chúng ta thấy những dấu chỉ của thời gian, không gian và vạn vật muôn loài. Mọi thứ đều có khởi đầu và có ngày cùng tận. Mọi loài thụ tạo được phát triển trong thời gian, đừng mong có những bước nhảy vọt. Cuộc sống của con người cũng như thiên nhiên cần phát triển theo những chặng đường rất tự nhiên, từ trẻ tới già, từ non nớt tới sự chín mùi, từ ngây thơ tới tuổi trưởng thành và từ khởi sinh đến cùng đích. Chúng ta được mời gọi bước tới trên con đường trọn lành để chiếm hữu quê thật.
Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm đối diện với những người tốt, kẻ xấu. Mỗi người đều có cơ hội thay đổi để nên tốt lành hơn. Sự thật ở đời, chúng ta khó tìm được một người hoàn toàn tốt hay một người toàn xấu. Trong tâm con người, có phần tốt và chút thói xấu lẫn lộn. Nghèo cùng tâm trí và không biết gieo duyên lành sẽ dễ bị cuốn lôi theo dòng chảy. Đôi khi vì qúa chủ quan, chúng ta không nhận ra những thói hư tật xấu của mình. Mỗi người cần xét mình và biết mình để tìm cách sửa sai và thăng tiến mỗi ngày.
Trong thế giới ngày nay, xuất hiện rất nhiều tôn giáo dẫn đường cuộc sống. Mỗi tôn giáo với những linh đạo riêng có thể giúp các tín đồ của mình tu thân và tu tâm để thoát vòng loạn ly. Đời sống con người hiện đại đang dần bị tục hóa. Ảnh hưởng của chủ nghĩa hưởng thụ và tương đối đang bủa vây và kéo chìm con người trở về với bản năng hưởng thụ. Qua truyền thông nối mạng, hình như các tệ nạn và gương xấu đang tràn lan một cách mạnh mẽ như sóng triều. Sức mạnh của sự thỏa mãn vật chất mạnh hơn các lý tưởng tinh tuyền của tôn giáo. Nhiều người tìm kiếm thỏa mãn những đòi hỏi vật thể và vui hưởng cuộc sống trong hiện tại, thay vì hướng đến cuộc sống hạnh phúc tương lai. Chúng ta cần thức tỉnh cả trong ý tưởng, tâm linh và thân xác để nhận diện ý nghĩa thật của cuộc sống.
Nhiều bạn trẻ thả trôi cuộc đời lênh đênh không có đích điểm. Thật đáng thương cho kiếp phận con người. Hằng ngày tôi gặp gỡ nhiều người trẻ tự thắt nút cuộc đời qua những biến cố xảy ra. Đang trong tuổi đẹp trăng tròn, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu tìm hưởng thụ tính dục, rồi sớm có con, không hôn nhân, không gia đình, thay bạn đổi bồ như thay áo. Qua năm tháng, những nút thắt cuộc đời đan kết chất chồng lên nhau như mối tơ vò. Nhìn một người mẹ trẻ có ba đứa con với hai hoặc ba người bạn tình. Tương lai tại thế của các bạn trẻ này thật mờ mịt khó đường giải quyết. Xảy một ly đi một dặm, làm lại cuộc đời thế nào bây giờ. Làm sao chúng ta có thể nói với họ về tương lai của ngày sau? Các bạn trẻ tự giới hạn viễn tượng sống để giải quyết vấn đề hiện tại với nhiều điều nan giải. Cứ thế cuộc đời bị luẩn cuẩn trong mạng lưới ràng buộc, cả nể cho nên sự dở dang.
Ngày cánh chung sẽ đến giống như dấu chỉ của cây vả xanh tươi, chúng ta biết mùa hè sắp đến. Mỗi người chúng ta nên nhìn dấu chỉ của thời đại để chuẩn bị cho đời sống mai hậu. Chúng ta biết rằng một việc tốt dù nhỏ cũng có thể sinh ra hoa trái tốt lành. Chúng ta phải gieo nhân tốt mới có thể sinh qủa tốt được. Giữa ngã ba cuộc đời, chúng ta phải biết chọn lựa và từ bỏ. Chọn lựa con đường dẫn đến hạnh phúc và an lạc. Từ bỏ đi những bận vướng của cuộc sống. Cuộc đời có nhiều vương vấn nên cần có thái độ dứt khoát. Ai cũng có thể làm lại cuộc đời. Không khi nào trễ, nếu chúng ta biết bắt đầu lại. Chấp nhận thực tại, chúng ta tháo cởi từng những nút thắt để cuộc sống tâm linh được thanh thản và an vui. Những việc làm tốt nho nhỏ hằng ngày sẽ lớn dần và đâm bông kết trái.
Chúa Giêsu biết thân phận yếu đuối mỏng dòn và tội lỗi của con người, nên Ngài đã dâng hiến lễ đền tội để giao hòa. Thơ gởi tín hữu Do-thái viết: Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo (Dt 10, 14). Dù con người có sa phạm, lầm lạc và tội lỗi, Chúa vẫn có cách dẫn đưa họ trở về như mẫu gương của thánh Augustinô. Nếu chúng ta chỉ hối tiếc về sự sa ngã lầm lạc thì chưa đủ. Muốn làm lại cuộc đời, chúng ta cần thành tâm nhận lỗi, rồi hối lỗi, thật lòng sửa lỗi, chuộc lỗi, xin tha lỗi và tu luyện tâm tánh. Đây là một sự thách đố quyết tâm đổi đời. Hãy chạy đến với lòng Chúa thương xót xin ơn tha thứ. Chúa sẽ tẩy sạch tâm hồn, đổi mới trái tim yêu thương và thánh hóa trở nên con người mới trong ân sủng.
Niềm tin vào Thiên Chúa là niềm hy vọng viên mãn. Tiên tri Đaniel đã có thị kiến về ngày thế mạt: Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời (Dn 12, 2). Chúng ta không thể coi thường những chỉ thị, huấn lệnh và lời giảng dạy trong Giáo Hội. Niềm tin tôn giáo là cửa ngõ dẫn chúng ta vào Nước Trời. Chúng ta cần phải đi, phải bước tới và thực hành những điều Chúa truyền dạy. Nước Trời mở cửa đón nhận tất cả mọi người, nhưng chỉ những kẻ kiên trì phấn đấu đến cùng mới đáng hưởng phần phúc thiên đàng. Chúng ta không biết được ngày giờ Chúa đến, nên luôn phải sẵn sàng: Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi (Mc 13, 32).
Lạy Chúa, chúng con cầu xin cho Nước Cha trị đến và ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực hành lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày để ngày sau được chung hưởng hạnh phúc đời đời.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
SUY NIỆM 5: NGÀY CÙNG TẬN
Chúa nhật hôm nay là Chúa nhật áp chót trong niên lịch Phụng vụ và đề tài được đề cập đến là ngày cánh chung và những gì sẽ xảy đến trong ngày tận thế. Con người sống trong hiện tại, nhưng rất muốn biết về hậu lai, hậu lai của chính mình cũng như của thế giới. Các Tông đồ chắc có lần đã đem vấn đề ra hỏi Chúa.
Hôm nay, Chúa Giêsu nói về ngày tàn của thành Giêrusalem năm 70, nhưng đồng thời Ngài mời chúng ta suy nghĩ về ngày cuối cùng của lịch sử thế giới. Trong những ngày ấy, sẽ có hai dữ kiện xảy ra:
Một là sẽ có những cảnh khốn cực trên trời và dưới đất. Trên trời, Chúa bảo, sẽ có cảnh rối loạn: Mặt trời mặt trăng ra tối tăm, các tinh tú chuyển động. Có những nhà khoa học cho rằng ngày tận thế là ngày các tinh tú khổng lồ không theo luật tuần hoàn nữa, sẽ đụng chạm vào nhau khủng khiếp.
Dưới đất, trước đó, giặc giã chiến tranh sẽ xảy ra gây khốn cực vô cùng. Tất cả cảnh bi đát đó sẽ dọn đường cho một việc lớn lao cao cả: Ấy là việc Chúa sẽ giáng lâm, hiện đến trong vinh quang, phán xét kẻ sống và người chết. Chúng ta không nên hình dung ngày giáng lâm của Chúa như một ngày ghê sợ, mà là một ngày chứa chan hy vọng. Vì Chúa đến để tập họp những người tin vào Chúa, thành một vương quốc của những người Chúa đã tuyển chọn.
Trong một cái nhìn thông suốt, Chúa cho chúng ta nhìn thấy hiện tại và tương lai. Hiện tại gần là ngày tàn của thành phố Giêrusalem. Năm 70, khi đại quân Lamã bắt đầu đến bao vây thành, tục truyền rằng giáo dân đã nghe lời Chúa, biết trước, nên do sự hướng dẫn của Thánh Simon đã trốn qua thành phố Pella và tránh khỏi tai họa. Dân Do thái đã chịu cảnh tang thương chưa từng thấy, đền thờ bình địa “không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào.”
Tương lai xa là ngày tận thế. Các Tông đồ hỏi Chúa: Đâu là dấu tiên báo? Và Chúa cho biết ba dấu tiên báo: Một quỉ vương, kẻ thù của Chúa và các bộ hạ của nó xuất hiện; những cuộc đảo lộn kinh khủng, nhất là nhiều người bỏ đạo và mất đức tin. Và Chúa nói: “Khi các ngươi thấy những điều đó thì hãy biết rằng Con Người đã gần đến, đã đến ngoài cửa.”
Phải chăng những điều ấy phù hợp với những gì Đức Mẹ đã nói với ba em thụ khải ở Fatima! Nhất là trong một số bí mật được trao phó? Có một bí mật Đức Mẹ dạy chỉ được tiết lộ năm 1960. Năm đó, Lucia đã viết lại và đệ trình Đức Gioan XXIII. Ngài coi xong, suy nghĩ và quyết định không tuyên bố. Phải chăng là những gì quan trọng sẽ xảy ra trong Giáo hội và thế giới, cách riêng về dấu chỉ lòng đạo đức sẽ sa sút! Một dấu tiên báo ngày thế mạt sắp đến.
Tuy nhiên, Chúa dạy chúng ta không nên hoảng sợ. Chúa đến phán xét mọi người. Nhưng “đối với những ai mong đợi trong yêu mến ngày Chúa lại đến” (IITim. 4,8), thì Ngài sẽ là Đấng Cứu độ và là vinh quang của họ: “Ngài sai các Thiên Thần đi quy tụ từ bốn phương trời, những người được tuyển chọn.” Giáo hội bị bắt bớ nhưng cũng được an ủi vì “sẽ thấy vinh quang của Đấng Cứu Chúa là Chúa Giêsu Kitô” (Tt. 2,13).
“Ngươi hãy giữ lòng trung thành cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống” (Kh. 2,10).
Cố Lm. Hồng Phúc
SUY NIỆM 6: KIÊN NHẪN ÐỢI CHỜ NGÀY SAU HẾT MÀ KHÔNG AI BIẾT
Vào cuối năm Phụng vụ, Giáo hội chọn những bài đọc Thánh kinh đề cập đến những tai hoạ xẩy ra trong vũ trụ, khiến người nghe liên tưởng đến ngày tận thế. Hôm nay là Chúa nhật áp cuối cùng của năm phụng vụ. Chúa nhật tới là lễ Chúa Kitô Vua. Chúa nhật sau nữa là Chúa nhật thứ nhất mùa vọng, đánh dấu ngày đầu năm của Giáo hội trong niên lịch phụng vụ mới. Tuy nhiên chủ đề của ba Chúa nhật này đều có những điểm tương đồng: Chúa Kitô là trung tâm điểm của lịch sử loài người. Chúa đến để khởi sự kỷ nguyên Kitô giáo và người sẽ trở lại để kết thúc lịch sử loài người, để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Khi dùng ngày sinh nhật của Chúa cứu thế đẻ tính niên hiệu, người ta nói năm nọ trước Chúa giáng sinh hay năm kia sau Chúa giáng sinh.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay dùng ngôn ngữ khải huyền, một loại ngôn ngữ biểu tượng đặc biệt. Ðó là loại ngôn ngữ mà ngôn sứ Ðanien dùng để nói về thời gian thử thách sẽ qua, và Thiên Chúa sẽ đến cho người công chính được chiếu sáng muôn đời như những vì sao (Ðn 12:3). Phúc âm thánh Mác-cô hôm nay cũng dùng ngôn ngữ và tư tưởng khải huyền trong sách Ðanien. Bài Phúc âm cũng bàn bàn về ngày sau hết: Trong những ngày ấy sau cơn gian nan lớn lao, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các vì sao không còn chiếu sáng, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển (Mc 13:24-25). Rồi bài Phúc âm kết luận: Còn về ngày đó và giờ đó, thì không ai biết được (c. 32).
Khi bàn về ngày sau hết, tác gỉả Thánh kinh thường nại đến loại ngôn ngữ khải huyền, nghĩa là ngôn ngữ hay mẫu tư tưởng biểu tượng khó hiểu về ngày sau hết, gợi lại những tai hoạ với những hình ảnh tàn phá xẩy ra trong vũ trụ như chiến tranh, động đất, bão tố, lụt lội và chết chóc. Những hình ảnh tàn phá mà tác giả Thánh kinh dùng để nói về ngày sau hết đã có thể xẩy ra trong quá khứ ở đâu đó trên thế giới rồi, chứ không hẳn được tiên đoán sẽ xẩy ra trong tương lai. Văn chương khải huyền được giả sử viết vào thời quá khứ trước khi tai hoạ xẩy ra, nhưng thực sự được viết sau khi tai hoạ đã xảy ra để cảnh giác người đọc. Như vậy những hình ảnh tàn phá trong ngôn ngữ khải huyền, không hẳn nói về những biến cố sẽ xẩy ra trong tương lai. Ý nghĩa của ngôn ngữ khải huyền chỉ có dụng ý là cảnh giác người đọc rằng sẽ có ngày sau hết và Thiên Chúa sẽ toàn thắng. Ðó là điều ngày sau hết sẽ xẩy ra và là điều người tín hữu phải tin. Còn ngày sau hết xẩy ra như thế nào thì không hẳn xẩy ra như được diễn ta trong ngôn ngữ khải huyển. Việc dùng ngôn ngữ khải huyền chỉ nhằm mục đích để cảnh tỉnh những tâm hồn lơ là hay ham mê sự đời mà thôi..
Do đó không phải hễ có chiến tranh, động đất và tai hoạ xẩy ra là ngày sau hết sắp đến. Tuy nhiên nếu hiểu cái chết của cá nhân mỗi người là ngày sau hết của người đó thì khi những thiên tai hoặc tai hoạ xẩy ra có thể giúp cảnh tỉnh, báo hiệu cho cá nhân liệu mà sửa soạn tâm hồn. Như vậy ngày sau hết được hiểu theo nghĩa của ngày kết thúc đời sống cá nhân của mỗi người tại thế, hoặc ngày kết thúc lịch sử loài người nói chung. Việc phán xét trong ngày tận thế dựa trên căn bản là người ta có chấp nhận và sống lời Chúa không? Theo khuynh hướng tự nhiên của loài người, người ta thường sống thờ ơ, lãnh đạm, nghĩ rằng người ta có nhiều giờ để sửa soạn tâm hồn. Sự thực thì người ta không biết ngày nào, giờ nào Thiên Chúa sẽ gọi họ ra khỏi thế gian, lại càng không biết ngày kết thúc lịch sử loài người, quen gọi là ngày tận thế.
Ðối với người Kitô giáo, khi nào ngày giờ đó đến và đến như thế nào, thì không phải là điều quan trọng. Người ta không thể làm gì được về thời giờ và cách thế xẩy ra trong ngày tận thế, hay ngày người ta lìa bỏ thế gian. Ðiều quan trọng là người ta phải kiên nhẫn chờ đợi ngày đó. Việc kiên nhẫn chờ đợi này sẽ giúp người tín hữu khỏi nản lòng thoái chí trước những cám dỗ thử thách.
Vậy thì ta phải có thái độ nào đối với ngày sau hết? Có những người nghĩ rằng ngày sau hết sẽ đến nay mai. Họ nghĩ rằng ngày tận thế sắp xẩy đến cho nên lúc nào họ cũng lo âu, sợ hãi, yếm thế. Một số giáo phái Kitô giáo cũng chủ trương như vậy. Có một vài giáo phái kia tiên đoán ngày tận thế đến vào năm nọ năm kia trong đời họ. Và khi năm đó qua đi mà không có gì xẩy ra, họ lại đề nghị thời điểm khác cho ngày tận thế. Việc tiên đoán ngày tận thế mà người ta đồn gần đây là vào năm hai ngàn, ngay trước khi bước sang thiên niên kỉ thứ ba. Trước ngưỡng cửa năm hai ngàn, có những người tích trữ nhiều đèn nến để sửa soạn đốt cho những ngày đen tối. Những người khác lại xin nước thánh, nhiều nước thánh để rảy, sợ rằng qủi dữ sẽ xuất hiện trong ngày sau hết. Lại có những người nghĩ rằng ngày sau hết không bao giờ đến, và đời sống họ sẽ kéo dài mãi mãi. Vì thế họ cứ ăn uống, vui chơi buông thả. Dĩ nhiên cả hai quan điểm này đều vô trách nhiệm và không thực tế.
Như vậy ý tưởng hàm chứa trong Phúc âm là mỗi người sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa. Và nếu là người khôn ngoan, ta phải hoà giải tâm hồn với Chúa vì mỗi ngày tháng trôi qua là mỗi lúc ta tới gần cuối đời. Nghề bói toán đã xuất hiện trên địa cầu hàng chục thế kỉ – một nghề khá ăn khách bởi vì khuynh hướng loài người là tò mò, muốn biết về tương lai thế nào, duyên số và sự nghiệp ra sao? Tuy nhiên xét về phương diện gặp gỡ Chúa trong ngày sau hết thì không ai biết được ngày giờ nào thiên thần Chúa sẽ đến gõ cửa nhà linh hồn. Vì thế mà có những người tập thành thói quen như mỗi khi đi máy bay đều xin hoà giải với Chúa qua bí tích giải tội.
Tư tưởng cũng như văn chương của loài người chứa đầy những quan niệm về thời giờ như: Thời giờ là vàng bạc. Thời giờ thấm thoát thoi đưa. Không nên bỏ phí thời giờ. Ðùng đợi tới ngày mai điều mà bạn có thể làm hôm nay. Thường khi ta nhìn đi thì thấy lâu, nhất là khi ta đang mong đợi một điều gì đó. Khi nhìn lại, ta lại cảm thất thời giờ đi rất mau lẹ, nhất là khi phải gò bó vào công việc làm trong xã hội kỹ nghệ hoá. Ta không thể đi trước thời gian, cũng không thể kéo dài thời giờ vì thời giờ là của Chúa. Do đó kiên nhẫn đợi chờ trong niềm tin tưởng, hi vọng và cậy trông phải là tâm niệm của mỗi người tín hữu.
Lời cầu nguyện xin cho được ơn kiên nhẫn chờ đợi ngày sau hết:
Lạy Thiên Chúa là Ðấng con thờ!
Chúa là hi vọng, là cùng đích
và là lẽ sống của mọi loài, mọi vật.
Con xin phó tác toàn thân trong tay Chúa:
thân xác, trí khôn, linh hồn cùng các quan năng.
Xin dạy con biết sống mỗi ngày
như là ngày cuối hết của đời con
để con sống trong bình an và ơn nghĩa với Chúa. Amen.
Lm. Trần Bình Trọng
SUY NIỆM 7: TẬN THẾ
“Về Ngày ấy hay giờ ấy, thì chẳng ai biết được, cả thiên thần trên trời, cả Con nữa, trừ phi là Cha” (Mc 13:32).
Cách đây không lâu, một cuốn sách nhỏ do một người Việt tên TTĐ phát hành đã làm hoang mang không ít người. Cuốn sách nói về ngày tận thế sẽ xảy ra năm 2000. Tác giả trích dẫn nhiều tài liệu và nhiều sự kiện xảy ra trên thế giới như chiến tranh, giặc giã, lụt lội, và ngay cả điều bí mật Fatima thứ ba (lúc đó chưa được Toà Thánh công bố) để khẳng định tận thế sắp xảy ra.
Đi giúp cho giáo dân đó đây, tôi cứ được nghe những câu hỏi có cùng một nội dung: “TTĐ nói có đúng không? Tận thế sẽ xảy ra trong năm 2000 chăng?”
Trước những câu hỏi đó, tôi tự nhủ: ngày tận thế hay năm tháng cuối cùng của nhân loại, không ai biết được. Ngay Chúa Giêsu ngày xưa cũng phán: “Về ngày giờ đó thì các thiên thần trên trời và cả Con cũng không biết được.” Đức Giêsu không thể nói ra ngày nào tận thế xảy đến, ấy thế mà TTĐ lại nói được thì quả là ông ta hay hơn Chúa Giêsu mất rồi. Mà nếu thế thì tại sao người ta không thờ TTĐ cho rồi?
Thêm một suy tư khác: thường đi đâu mà đi một mình, lẻ loi đơn độc, thì mới buồn, mới sợ. Ra đi mà để lại vợ chồng con cái, hay những người thân yêu, mới là đau khổ vì bị chia ly. Nếu như có tận thế, mọi người cùng đi chung với nhau thì đáng lẽ ta phải vui chứ cần gì phải lo.
Cho nên, lắm khi mình cứ “lo bò trắng răng.” Điều đáng lo thì lại không để ý, còn chuyện không đáng quan tâm thì lại cứ ngay ngáy, sống chết với nó.
Thiết tưởng điều đáng lưu ý nhất hiện nay không phải là ngày cánh chung của thế giới, nhưng là ngày cuối cùng của mỗi người trên cõi đời này. Đó chính là ngày tận thế của mỗi người. Đây là điều chắc chắn hơn bất cứ một lời tiên đoán nào.
Thánh Augustino đã từng nói: Một đứa bé sinh ra, sau này nó giàu hay nó nghèo, khoẻ mạnh hay đau yếu, chết non hay chết già, chẳng ai biết được. Chỉ có một điều chắc nhất là nó sẽ chết. Dù sang hay hèn, vua chúa hay bần dân, đàn ông hay đàn bà, xấu hay đẹp, rồi cũng phải chết thôi.
Thánh Anphongsô cũng xác quyết: “Không biết ta có sống trên thế gian được 100 năm như lòng ước nguyện không. Nếu được thì cũng sẽ có một ngày, ngày đó sẽ có một giờ, giờ đó sẽ có một phút, phút đó sẽ có một giây. Đó là giây phút cuối cùng của đời ta.” Và từ lời xác quyết này thánh nhân đã nhắc nhở người ta hãy nhớ đến các bậc tiền nhân, dù họ có quyền cao chức trọng, tài giỏi thông thái, vợ đẹp con khôn đến đâu thì giờ đây cũng chỉ là nắm tro bụi trong lòng đất, trên đó được ghi dấu bởi một tấm bia mà thôi.
Cho nên thật là phù phiếm biết bao khi chỉ biết quan tâm đến sự sống ngắn ngủi của đời này mà quên mất rằng mình còn có một cuộc sống đời đời kiếp kiếp mai sau, cuộc sống bắt đầu ngay lúc chết. Dại dột biết bao khi chỉ nhắm đến cái có cùng mà quên đi cái vô cùng. Chỉ tìm cái tương đối mà quên đi cái tuyệt đối.
Trong cùng một ý nghĩa như thế mà kho tàng văn học của Ấn độ có kể về một ông vua được tiếng là thông minh khôn ngoan nhất thiên hạ nhưng cũng là người dại dột nhất trần gian.
Tại cung vua có một anh khờ chuyên làm trò cho nhà vua xem. Vua thích lắm vì thường có được những trận cười nắc nẻ do những lời nói ngớ ngẩn hay điệu bộ khờ khạo của chàng hề. Một hôm để pha thêm trò, vua gọi anh ta đến bên ngai vàng, trao cho một chiếc gậy và một vương miện rồi phán: “Ta phong cho ngươi làm thằng khờ hạng nhất. Ngươi sẽ giữ chức này cho đến khi có người khờ hơn ngươi. Lúc đó ngươi hãy trao gậy và vương miện lại cho nó.”
Ngày tháng trôi qua, nhà vua già cả và suy nhược theo tuổi tác. Lúc nằm trên giường hấp hối, cả gia đình, quần thần, vương hầu tề tựu chung quanh. Sau khi cố lấy chút hơi tàn, nhà vua thều thào: “Ta gọi các ngươi đến để nói lời từ biệt. Ta sắp xa các ngươi rồi. Ta sắp đi vào một cuộc hành trình mà không bao giờ có ngày gặp lại rồi.” Nghe vua nói thế, ai cũng sụt sùi. Bỗng thấy anh hề tiến đến bên long sàn và thưa: “Muôn tâu đức vua, tôi xin được hỏi ngài một câu trước lúc ngài ra đi… Hồi xưa mỗi lần đi đâu xa, dù đến các vùng hẻo lánh của nước nhà, hay đô thị phồn hoa của nước bạn, ngài đều cho sứ giả hoặc cảnh binh đi trước dọn đường. Còn cuộc hành trình xa xôi mà ngài sắp lên đường kia, thì xin hỏi, ngài đã chuẩn bị gì chưa?” Nghe hỏi thế, nhà vua mở mắt ra đáp: “Ừ, ta chẳng biết chuẩn bị gì cả.” “Thế thì xin nhà vua nhận lại chiếc gậy và chiếc vương miện này, vì tôi vừa tìm ra một kẻ khờ hơn tôi rồi.” Nói xong anh trả tất cả lại cho nhà vua.
Nếu chỉ biết vui chơi hưởng thụ hôm nay mà đánh mất tương lai cuộc đời, nếu chỉ nhìn đến những công danh, thế lực, tiền tài, quyền lợi của hôm nay mà quên đi hay không lo gì cho kiếp sống đời đời mai sau thì quả ta là những kẻ khờ dại vô cùng.
Trong Thánh kinh cũng có kể câu chuyện một phú ông kia, gặp năm may mắn được mùa, lúa thóc tràn trề. Ông suy tính làm cách nào để có thể cất giữ được thóc lúa. Thế rồi sau nhiều hôm suy nghĩ ông quyết định phá các kho cũ, xây một kho mới, to lớn hơn để chứa thóc. Khi hoàn tất công việc, ông ung dung sung sướng nói với lòng mình: “Hồn ta ơi, hãy ăn đi, uống đi, nghỉ ngơi đi, vì từ nay của cải đã dư tràn cho nhiều năm.” Nhưng Chúa phán với người ấy rằng: “Đồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi linh hồn của ngươi, vậy tất cả những thứ kia sẽ về tay ai đây?” (x. Lc 12:16-21)
Do đó, chớ gì ta biết tỉnh thức. Thức tỉnh lại giữa những lo toan, khao khát, kiếm tìm để hỏi lòng mình “Tôi đang làm gì và tôi đang tìm gì?” Có thể với sự chủ quan tôi nghĩ mình đang làm việc này công kia cho Chúa đấy, nhưng lại chẳng phải là công việc của Chúa. Có thể tôi đang tìm tự do, danh dự, quyền lợi, vật chất, tình cảm, nghề nghiệp…, nhưng thử hỏi tôi có tìm kiếm Chúa không? Có Chúa trong những gì tôi đang có không?
Nếu mục tiêu của mọi sự tôi trăn trở kiếm tìm là một thứ gì đó rất hay, rất có lý, nhưng không phải là Chúa, thì tôi quả là một kẻ khờ dại vô cùng.
Nếu tìm mọi sự mà không tìm Chúa thì đời vẫn mãi thiếu vắng khát khao. Bởi như lời Thánh Augustino nói: Tôi đã tìm nhiều thứ nhưng “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.”
Và rồi nếu không cảm nhận Chúa là lẽ sống, niềm vui và nguồn hy vọng duy nhất của đời, thì thật đáng lo biết bao. Vì như thế ngày tận thế của đời tôi đã xảy ra rồi-tôi đang chết và tôi đã chết.
Còn nếu như có Chúa trong mọi tâm tư, ước muốn, kiếm tìm, và cuộc sống của tôi, thì ngại ngùng gì mà không hát vang lời Ca Vịnh:
“Có Chúa đi với tôi, tôi sẽ không còn sợ chi ai. Có Chúa đi với tôi, tôi sẽ không
Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn