G. Trần Đức Anh, O.P.
Thánh đường nhỏ bé này, có từ thế kỷ XVI, đối diện với trụ sở Bề trên Tổng quyền và chỉ cách Vatican hơn 400 mét, được chọn làm Đền thánh kính Lòng Chúa Thương Xót ở Roma từ năm 1994. Tại đây, mỗi ngày vào lúc 3 giờ chiều đều có lần chuỗi kính Lòng Chúa Thương Xót, với sự tham dự của nhiều người: người trẻ, người đau yếu, các đôi vợ chồng và những người gặp nhiều khó khăn.
Tại nhà thờ này có giữ thánh tích của thánh nữ Faustina Kowalska, người đã được Chúa Giêsu mạc khải về Lòng Thương Xót và ủy thác sứ mạng phổ biến lòng sùng kính Lòng Thương Xót. Ngoài ra, có thánh tích của thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng, người đã phong nữ tu Kowalska lên bậc hiển thánh và Chúa nhật 30/4 năm thánh 2000, đã ấn định Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa hằng năm vào Chúa nhật thứ hai sau lễ Phục sinh.
Trong thánh đường, ở hai bên hông gian cung thánh có ảnh Lòng Chúa Thương Xót và tượng thánh nữ Faustina Kowalska, và nhiều kỷ vật hình trái tim tạ ơn của các tín hữu vì những ơn đã xin được.
Chúa nhật 19/4 năm ngoái (2020), Đức Thánh cha Phanxicô cũng cử hành lễ kính Lòng Chúa Thương Xót tại Đền thánh này, và không có giáo dân tham dự, vì tình trạng giới nghiêm do đại dịch Covid-19 ở cao điểm. Hôm đó chỉ có vài người có phận vụ trong buổi lễ, như bốn người thuộc ca đoàn, đánh đàn, hai người đọc Sách thánh, người giúp lễ, vài nhân viên thu hình và truyền thông. Đồng tế với Đức Thánh cha chỉ có Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng, và Đức ông Jozef Bart, Quản đốc Đền thánh Jozef Bart.
Năm nay, tuy còn đại dịch, nhưng tình thế sáng sủa hơn và có khoảng 80 người tham dự thánh lễ với Đức Thánh cha, tuy rằng khả năng đón nhận tối đa của thánh đường là gần 200 người. Các tín hữu hiện diện được coi như những dấu chỉ lòng thương xót của Chúa, như một nhóm tù nhân nam nữ, các nữ tu dòng Thương Xót, đại diện các nhân viên y tế, người tị nạn và di dân, những người thiện nguyện thuộc Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng.
Đồng tế với Đức Thánh cha, ngoài Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng, có Đức ông Quản đốc Đền thánh, cũng có một vài Thừa sai Lòng Thương xót trong số hơn 1.000 linh mục thuộc diện này trên thế giới.
Thánh lễ được trực tiếp truyền hình và phổ biến qua mạng của Vatican News với phần chú giải bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Arập.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha nhắc đến ba ơn mà Chúa Phục sinh đã ban cho các môn đệ, để “hồi sinh” và thay đổi cuộc sống của họ. Chúa tỏ lòng thương xót, để rồi họ trở thành những người biết xót thương. Đức Thánh cha nói:
Trước hết, các môn đệ được thương xót qua ba hồng ân: Chúa Giêsu ban cho họ bình an, rồi ban Thánh Linh, sau cùng là các vết thương.
“Tiên vàn, Chúa ban bình an. Các môn đệ bấy giờ lo âu. Họ ẩn nấp trong nhà vì sợ bị bắt và chịu cùng số phận như Thầy. Họ không chỉ khép kín trong nhà, nhưng còn khép kín cả trong những hối hận. Họ đã bỏ rơi và chối Chúa Giêsu. Họ cảm thấy không có khả năng, chẳng làm được việc gì, lầm lẫn. Chúa Giêsu đến và lập lại hai lần: “Bình an cho các con!”. Ngài không ban thứ an bình tháo gỡ các vấn đề bên ngoài, nhưng là an bình đổ tràn lòng tín thác trong tâm hồn. Chúa nói: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Như thể Chúa nói: “Thầy sai các con, vì Thầy tin tưởng nơi các con”. Các môn đệ mất tự tin ấy được làm hòa với chính mình. An bình của Chúa Giêsu làm cho họ tiến từ sự hối hận đến sứ mạng. Quả vậy, an bình của Chúa khơi lên sứ mạng. Đó không phải là một sự yên hàn, không phải là sự thoải mái, nhưng là đi ra khỏi chính mình. An bình của Chúa Giêsu giải thoát khỏi thái độ khép kín làm tê liệt, phá vỡ xiềng xích cầm giữ tâm hồn. Các môn đệ cảm thấy được thương xót: họ thấy rằng Thiên Chúa không lên án, không làm nhục họ, nhưng tin tưởng nơi họ. Đúng vậy, Chúa tín nhiệm chúng ta. “Chúa yêu thương chúng ta hơn cả chúng ta yêu thương bản thân mình” (xc Thánh J.H. Newman, “Suy niệm và sùng mộ” III, 12,2) (...)
Thứ hai, Chúa Giêsu thương xót các môn đệ bằng cách ban cho họ Thánh Linh. Ngài ban ơn này để tha thứ tội lỗi (Xc vv.22-23). Các môn đệ có lỗi, đã trốn chạy và bỏ rơi Thầy. Và tội ấy dày vò họ (...). Thánh vịnh thứ 51 (5) nói: Tội lỗi luôn ở trước chúng ta. Tự mình chúng ta không thể xóa bỏ nó. Chỉ có Thiên Chúa loại bỏ tội, chỉ có Chúa, với lòng thương xót, đưa chúng ta ra khỏi những lầm than nặng nề nhất của chúng ta. Giống như các môn đệ ấy, chúng ta cần để cho mình được tha thứ. Ơn tha thứ trong Chúa Thánh Linh là hồng ân phục sinh để trỗi dậy trong tâm hồn. Chúng ta hãy xin ơn đón nhận hồng ân ấy, lãnh nhận Bí tích Tha thứ (...). Cả chúng ta cũng cần được Chúa là Cha nâng dậy. Cả chúng ta cũng thường sa ngã và bàn tay Chúa Cha sẵn sàng nâng chúng ta dậy và làm cho chúng ta tiến bước. Bàn tay chắc chắn và đáng tín thác ấy là Bí tích Giải tội. Đó là bí tích phục sinh, là lòng thương xót tinh tuyền. Ai lãnh nhận Bí tích Giải tội phải cảm thấy sự dịu dàng của lòng thương xót.
Sau an bình hồi phục và ơn tha thứ nâng dậy, hồng ân thứ ba Chúa Giêsu ban cho các môn đệ là các vết thương. Từ những vết thương ấy chúng ta được chữa lành (Xc 1 Pr 2,24; Is 53,5). Nhưng làm sao một vết thương có thể chữa lành chúng ta được? Thưa, bằng lòng thương xót. Như đối với thánh Tôma, trong những vết thương ấy, chúng ta cảm thấy thật rõ ràng Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến cùng, Chúa nhận các vết thương của chúng ta như thể của Ngài, Chúa đã mang lấy trong thân thể những yếu đuối của chúng ta. Các vết thương là những máng chuyển được mở ra giữa Chúa và chúng ta, đổ tràn lòng thương xót trên những lầm than của chúng ta. Đó là những con đường Thiên Chúa mở toang cho chúng ta, để chúng ta bước vào trong sự dịu dàng của Ngài và cảm thấy cụ thể Chúa là ai. Và chúng ta đừng nghi ngờ nữa về lòng thương xót của Chúa. Khi thờ lạy, hôn kính các vết thương, chúng ta khám phá thấy rằng mỗi yếu đuối của chúng ta được đón nhận trong sự dịu dàng của Chúa. Điều này xảy ra trong mỗi thánh lễ, qua đó Chúa Giêsu ban cho chúng ta Thân Mình chịu vết thương của Ngài và đã sống lại: Chúng ta động chạm đến Ngài và Ngài động chạm đến cuộc sống của chúng ta... Những vết thương sáng ngời của Chúa phá tan bóng đen trong tâm hồn chúng ta (...)
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Các môn đệ được Chúa thương xót, họ trở thành những người xót thương. Chúng ta thấy điều đó trong bài đọc thứ nhất. Công vụ Tông đồ kể lại rằng “không ai coi tài sản của mình là của riêng, nhưng tất cả đều là của chung giữa họ” (4,32). Đó không phải là cộng sản, nhưng là Kitô giáo ở trạng thái tinh tuyền. Điều này càng gây ngạc nhiên khi chúng ta nghĩ rằng cũng các môn đệ ấy, ít lâu trước đó, đã cãi nhau tranh giành phần thưởng và vinh dự, xem ai là người lớn nhất trong họ (xc Mc 10,37, Lc 22,24). Giờ đây họ chia sẻ mọi sự, “một lòng một ý với nhau” (Cv 4,32). Làm sao họ thay đổi như vậy? Thưa, vì họ đã nhìn thấy nơi tha nhân chính lòng thương xót đã biến đổi cuộc sống của họ. Họ khám phá thấy họ có chung một sứ mạng, ơn tha thứ và Mình Chúa Giêsu: chia sẻ của cải trần thế dường như là hệ luận dĩ nhiên. Và Sách Tông đồ Công vụ còn nói “không ai trong họ phải túng thiếu” (v.34). Những sợ hãi của họ đã biến tan khi đụng chạm đến những vết thương của Chúa, nay họ không sợ phải chăm sóc những vết thương của những người túng thiếu nữa vì nơi đó họ thấy Chúa Giêsu.
Và Đức Thánh cha đặt câu hỏi: Chị và anh có muốn một bằng chứng Thiên Chúa đã đánh động cuộc sống của mình hay không? Hãy kiểm chứng xem anh chị có cúi mình trên các vết thương của tha nhân hay không. Hôm nay là ngày chúng ta tự hỏi: Tôi là người đã bao nhiêu lần lãnh nhận an bình của Thiên Chúa, ơn tha thứ, lòng thương xót của Chúa, vậy tôi có xót thương đối với những người khác hay không? Tôi là người đã bao nhiêu lần được nuôi dưỡng bằng Mình Chúa, tôi có làm gì để người nghèo khỏi đói hay không? Chúng ta đừng dửng dưng lãnh đạm, đừng sống đức tin nửa chừng, nhận mà không cho, đón nhận hồng ân mà không cho đi. Chúng ta đã được thương xót, chúng ta hãy trở thành những người xót thương. (...) Chúng ta hãy xin ơn trở thành chứng nhân của lòng thương xót. Chỉ như thế, đức tin mới sinh động. Cuộc sống mới được hiệp nhất. Chỉ như thế chúng ta mới loan báo Tin mừng của Thiên Chúa là Tin mừng về lòng thương xót”.
Thánh lễ kết thúc lúc quá 11 giờ 30. Mười phút sau đó, Đức Thánh cha chủ sự Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng cũng trong thánh đường này. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha ngỏ lời cám ơn tất cả những người đã cộng tác vào việc cử hành và trực tiếp truyền đi buổi lễ này, đồng thời ngài cũng chào thăm tất cả những người tham dự qua các phương tiện truyền thông.
Đức Thánh cha nói rằng: “Tôi đặc biệt chào anh chị em, những người hiện diện tại nhà thờ Chúa Thánh Thần ở khu vực Sassia này, là Đền thánh Lòng Chúa Thương Xót: các tín hữu vẫn thường đến đây, các nhân viên y tế, tù nhân, những người khuyết tật, người tị nạn và di dân, các nữ tu dòng Trợ Thế Lòng Chúa Thương Xót, và những người thiện nguyện Bảo vệ dân sự.
Anh chị em đại diện cho một số tổ chức, trong đó lòng thương xót trở thành “những hoạt động cụ thể, gần gũi, phục vụ, quan tâm đến những người gặp khó khăn. Tôi cầu chúc anh chị em luôn cảm thấy mình được thương xót, để rồi trở thành những người xót thương. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thương Xót, xin được ơn này cho tất cả chúng ta.”
Rồi Đức Thánh cha cùng mọi người đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Sau khi ban phép lành, ngài còn chào thăm một số bệnh ngồi trên xe lăn và một số tín hữu.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn