G. Trần Đức Anh, O.P. - Vatican
Cơ quan bác ái Công Giáo này một đàng trợ giúp dân chúng địa phương, qua chương trình nâng đỡ xã hội dân sự, thăng tiến nền canh nông gia đình, và tìm cách cung cấp những điều kiện sống tốt đẹp cho những người khuyết tật, và đàng khác, Caritas đặc biệt giúp đỡ những ngừơi di dân qua chương trình gọi là Qantara, tức là bắc những nhịp cầu giữa người di dân và xã hội Maroc. Tổng cộng mỗi năm có hơn 8 ngàn người di dân được Caritas giúp đỡ về mặt y tế, tâm lý xã hội và giáo dục, tạo điều kiện để họ hội nhập vào đời sống xã hội địa phương.
Khi đến trụ sở Caritas Rabat vào lúc quá 6 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã được Đức Tổng giám mục Agrelo Martinez dòng Phanxicô của giáo phận Tanger và vị Giám đốc Caritas địa phương đón tiếp.
Trong lời chào mừng Đức Thánh Cha, Đức Tổng giám mục Martinez nói: “Tại nơi khiêm hạ này, lòng bác ái của Giáo Hội tại Maroc chăm sóc những thiếu thốn, cơ cực và cơ độc của những người nghèo... Người di dân nghèo, trong sự trơ trọi của họ, họ chỉ xin được phép sống, như thể họ muốn nói với chúng ta rằng họ hiện hữu, họ ở đó và mong ước sự gần gũi, cái nhìn nồng nhiệt của chúng ta. Họ là những người nam nữ, trẻ em, người miền nam sa mạc Sahara và cả người miền bắc Phi, thiếu thốn tiền bạc, cơ may, và chịu nhiều khổ đau. Hiện diện nơi đây cũng có một số người di dân may mắn, được giấy tờ hợp pháp. Nhưng chúng ta cũng nhìn trong con tim của những người khác, những người không có giấy tờ, người ta gọi họ là những người bất hợp pháp hay bất hợp lệ, và họ chẳng được niềm an ủi hiện diện nơi đây.
Tiếp lời Đức Tổng giám mục Martinez, một người di dân kể lại chứng từ với Đức Thánh Cha và nói:
“Kính thưa Đức Thánh Cha, con tên là Abena Banyomo Jackson, xuất thân từ một làng nhỏ ở Camerun. Năm 2013, tuyệt vọng vì hoàn cảnh sống của gia đình, con đã quyết định rời bỏ quê hương tìm đường sang Âu Châu, tìm kiếm một tình trạng tốt đẹp hơn, để có thể giúp gia đình.
“Con đi như một người phiêu lưu, và sau khi đi qua Nigeria, Niger, Algérie, con lẻn vào được Maroc. Con toan tính vào Tây Ban Nha bằng đường biển hoặc bằng đường bộ, cuộc sống lén lút trong rừng Gourougou rồi trong các khu vực dành riêng cho người di dân; những toan tính đó đã dẫn đưa con đến gặp một người đã làm lệch quỹ đạo của con. Đó là một linh mục. Ngài đón tiếp con trong nhà ngài là Giáo Hội và mang lại cho con một hơi thở mới. Cạnh vị linh mục, con bắt đầu làm việc cho các anh chị em di dân, với kinh nghiệm con đã trải qua, và nhất là với con tim. Con xét lại giấc mơ của mình và định cơ tại Maroc. Nhưng cần phải làm sao để được giấy tờ để sống hợp lệ.
Sau cùng, năm 2016, trong chiến dịch hợp thức hóa tình trạng những người di dân của Nhà Vua, con đã được giấy cư trú. Ít lâu sau con đã được Caritas thu dụng làm nhân viên để giúp đỡ những người di dân sống xứng đáng và hoạt động mỗi ngày cho nhân quyền. Trong Caritas, con thấy có thể giúp đỡ gia đình con và nhất là có thể góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Kính thưa Đức Thánh Cha, hôm nay con muốn nói với Đức Thánh Cha lời cám ơn chân thành. Giáo Hội đã đón tiếp và săn sóc con như một người mẹ, trong an bình và yêu thương. Maroc như một người cha đã cho con giá trị của một người tự do. Ngày hôm nay con muốn ca ngợi những người đã giúp con đạt đến tình trạng hiện nay và con thành tâm mong rằng chứng từ của con có thể gây ý thức nơi các anh chị em của con: không có những quốc gia chúng ta mơ ước, chỉ có những con đường khác nhau. Điều quan trọng là giữ vững niềm hy vọng và tin tưởng!
Tiếp lời anh Jackson, mọi người đã nghe 5 em bé trình diễn một bài ca thật dễ thương. Đức Thánh Cha đã tặng tràng hạt cho mỗi em và chụp hình chung với các em.
Về phần Đức Thánh Cha, lên tiếng trong dịp này, ngài cũng nhắc đến Hội nghị quốc tế ở Marrakech Maroc hồi tháng 12 năm ngoái, đã thông qua Hiệp ước thế giới về di cư an toàn, có trật tự và hợp pháp. Hiệp ước này giúp nhìn nhận và ý thức rằng vấn đề ở đây không phải chỉ là những người di dân, như thể cuộc sống của họ là một thực tại xa lạ hoặc ở ngoài lề, chẳng liên hệ gì với phần còn lại trong xã hội... Một thành phố đánh mất khả năng cảm thương thì sẽ trở nên hoang dã và khô cằn dường nào! Một xã hội vô tâm... một bà mẹ son sẻ. Anh chị em không phải là những người ở ngoài lề, nhưng ở trong trung tâm của Giáo Hội.
Và Đức Thánh Cha nhắc lại 4 động từ - đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập - để giúp đỡ người di dân một cách cụ thể, thay vì im lặng, cứu giúp thay vì cô lập, xây dựng thay vì bỏ rơi. 4 động từ này là khuôn khổ tham chiếu cho tất cả mọi người.
- Trước hết, trong hoàn cảnh hiện nay, đón tiếp trước tiên có nghĩa là cống hiến cho người di dân và tị nạn những cơ hội vào các nước mà họ muốn tới một cách chắc chắn và hợp pháp. Mở rộng những con kênh di dân hợp pháp, đó là một trong những mục tiêu chính của Hiệp ước hoàn cầu về di dân. Sự dấn thân chung như thế là điều cần thiết để không tạo thêm những không gian mới cho những kẻ buôn người, những kẻ đầu cơ trên những mơ ước và nhu cầu của người di dân. Bao lâu cam kết này không được thực thi hoàn toàn, thì người ta sẽ phải đương đầu bằng công lý, liên đới và từ bi đối với một thực tại mạnh mẽ là làn sóng di dân bất hợp pháp. Không được chấp nhận những hình thức trục xuất tập thể, không giúp xử lý một cách đúng đắn các trường hợp đặc thù. Trái lại cần khuyến khích và đơn giản hóa những biện pháp hợp thức hóa đặc biệt, nhất là trong trường hợp các gia đình và trẻ vị thành niên.
- Tiếp đến là bảo vệ: có nghĩa là bảo đảm việc bênh vực các quyền và phẩm giá của người di dân và tị nạn, bất luận họ thuộc qui chế di trú nào. Khi nhìn thực tại miền này, việc bảo vệ phải được bảo đảm dọc theo những con đường di cư, thường là những nơi xảy ra bạo lực, khai thác, lạm dụng đủ loại.
- Thăng tiến có nghĩa là bảo đảm cho tất cả mọi người, người di dân cũng như người bản xứ, cơ hội tìm được môi trường chắc chắn để thành đạt toàn diện. Sự thăng tiến này bắt đầu với việc nhìn nhận rằng không ai là người phế thải, nhưng mỗi người có những phong phú về nhân vị, văn hóa, nghề nghiệp, có thể mang lại nhiều giá trị cho nơi họ đến. Các xã hội tiếp cư sẽ được phong phú hơn nhờ những điều ấy nếu họ biết đề cao hơn giá trị những đóng góp của người di dân, phòng ngừa mọi thứ kỳ thị và nhất là thái độ bài người nước ngoài.
- Sau cùng hội nhập có nghĩa là dấn thân trong một tiến trình vừa đề cao giá trị văn hóa của cộng đồng tiếp cư vừa nêu cao giá trị gia sản văn hóa của người di dân, qua đó kiến tạo một xã hội liên văn hóa và cởi mở.
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Các bạn di dân thân mến, Giáo Hội nhìn nhận những đau khổ trên con đường của các bạn và Giáo Hội cùng chịu khổ đau với các bạn. Khi đến gặp các bạn trong tình cảnh rất khác nhau của các bạn, Giáo Hội muốn nhắc nhớ rằng Thiên Chúa muốn làm cho tất cả chúng ta thành những người sống. Giáo Hội muốn ở cạnh các bác để cùng các bạn xây dựng những gì là tốt đẹp nhất cho cuộc sống của các bạn.
Giã từ trụ sở Caritas lúc 7 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó gần 9 cây số để dùng bữa và qua đêm.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn