SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 19/08/2024 05:55
SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
Mt 19,23-30

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

23 Bấy giờ Đức Giê-su nói với các môn đệ của Người: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời.24 Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”
25 Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” 26 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.”
27 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”
28 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en.
29 Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.
30 “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”


SUY NIỆM 1: GIA NGHIỆP ĐỜI ĐỜI
Lắm lúc trong trong cuộc sống chúng ta vẫn thường nghe nói: “đầu tiên là tiền đâu”, hay “có tiền mua tiên cũng được”. Những câu nói đó tuy chỉ mang tính thực dụng nhưng lại được nhiều người chọn làm phương châm sống cho chính mình. Cho nên, người ta đã lo tranh giành, tranh đấu, tranh đua và tranh chấp để chiếm được nhiều tiền của, thậm chí dùng các cách thế bất nhân, bất nghĩa hay bất lương. Và phải chăng xã hội ngày hôm nay cũng đang chọn của cải vật để làm thước đo cho bậc thang giá trị giữa người với người?
Chúng ta không phủ nhận giá trị của tiền của, vì của cải là một điều không thể thiếu trong nhịp sống sinh tồn của con người. Tuy nhiên, của cải mà con người cần tích lũy không chỉ là của cải vật chất như tiền của, đất đai, hay nhà cửa…; nhưng còn là của cải tinh thần như sức khỏe, gia đình, hay tình thân hữu… Chưa hết, là một người kitô hữu, chúng ta đừng quên tích lũy cho mình một loại của cải thứ ba, đó là của cải tâm linh, là sự sống đời đời.
Cả ba loại của cải nói trên điều được Chúa Giêsu nhắc đến trong bài Tin mừng hôm nay, và Ngài lưu ý chúng ta như sau.
Trước hết, hãy cảnh giác trước những của cải vật chất, “vì con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”. Nói như thế không phải Chúa Giêsu loại trừ những người giàu có, vì thực tế nhiều người trong họ vẫn sẵn lòng chia sẻ với người nghèo khó, hay đóng góp cho các công việc phúc lợi khác trong xã hội. Tuy nhiên, tiền bạc dễ làm cho người ta ra mù quáng. Thánh Phaolô cũng nói rằng: Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé”. (1Tm 6,10). Có lẽ trong cuộc sống thường nhật chúng ta cũng đã nhiều lần chứng kiến, vì tiền của mà bao gia đình đã phân ly, bạn bè xa cách, tình làng nghĩa xóm nhạt nhòa; tù tội, thậm chí bỏ luôn cả Chúa. Đó là những hệ quả đi ngược với con đường nên thánh.
Kế đến, Chúa Giêsu cũng mời gọi, khi đời sống đức tin đòi hỏi mỗi người phải chọn lựa thì cần có một sự chọn lựa khôn ngoan và sáng suốt: hoặc là giá trị trần gian, hoặc là giá trị Nước Trời; một là của cải chóng qua, một là của cải trường tồn. Vì chúng takhông thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”. Ngày nay, các vấn đề của cơm-áo-gạo-tiền dường như đang xoay chuyển toàn bộ cuộc đời của nhiều người. Nó đang đánh lạc hướng cùng đích đời kitô hữu của chúng ta. Nó làm chúng ta chỉ biết để lòng để trí vào việc tích lũy của cải vật chất và của cải tinh thần, mà quên đi của cải quan trọng nhất mà người kitô hữu cần tích lũy là của cải tâm linh, là sự sống đời đời. Hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu dặn: “Được lời lãi cả thế gian mà mất phần linh hồn thì nào có ích gì”. Hôm nay, một lần nữa Ngài khích lệ chúng ta: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và sẽ được sự sống vĩnh cu làm gia nghiệp”.
Xin cho chúng ta xác tín điều đó, để hành trình đức tin dương thế của mỗi người là những tháng ngày tích lũy, tích lũy thật nhiều, thật nhiều của cải, của cải tâm linh, hầu mai sau chúng ta sẽ trở thành người giàu có nhất trong Nước Trời. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 2:
A- Phân tích (Hạt giống...)
Chuyện một ơn gọi thất bại:
Đối tượng là một thanh niên giàu thiện chí. Vì thiện chí, anh tự tìm đến với Chúa Giêsu để hỏi cách cho được sự sống đời đời. Qua đối thoại với Chúa Giêsu, anh còn cho biết anh đã tuân giữ tất cả các giới răn từ thuở nhỏ.
Thấy thiện chí của anh, Chúa Giêsu mời anh tiến xa hơn một bước nữa: bán tài sản, bố thí cho người nghèo, rồi trở lại theo làm môn đệ Ngài.
Điều này đòi hỏi một sự từ bỏ lớn lao. Anh không thể đáp ứng được nên anh buồn rầu bỏ đi.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Mặc dù anh thanh niên này là một người tốt. Nhưng xét cho cùng, anh còn ích kỷ, anh chỉ nghĩ đến thu vào, anh đã có nhiều thứ và anh chỉ muốn có thêm chứ không muốn mất đi. Khi đến hỏi Chúa Giêsu, anh muốn được thêm sự sống đời đời nghĩa là anh muốn được cả đời này lẫn đời sau. Khi Chúa Giêsu đề nghị anh từ bỏ tài sản thì anh từ chối.
Đối với Chúa Giêsu nhiều khi dám mất thì mới được: mất vật chất để được tinh thần, mất đời này để được đời sau.
2. “Tôi phải làm việc lành gì để được sống đời đời?”. Người thanh niên này nghĩ sự sống đời đời là tiền công cho những việc lành. Chúa Giêsu sửa lại cách nghĩ đó: “Sao anh hỏi tôi về việc lành? Chỉ có một Thiên Chúa là Đấng tốt lành”. Theo Chúa Giêsu, điều ta phải nhắm là Thiên Chúa tốt lành chứ không phải những việc lành. Làm việc lành mà nghĩ đến mình, mong cho mình được thưởng là nghĩ lệch hướng. Nhắm đúng hướng là làm mọi việc chỉ vì lòng yêu mến Chúa. Kitô giáo không phải là đạo nhắm đến những công việc, mà nhắm đến một người là Thiên Chúa.
3. Người thanh niên này đã khá tốt lành, nhưng nếu anh muốn trọn lành thì hãy từ bỏ của cải. Từ đó ta có thể suy ra hai lý tưởng:
Sự dính bén với của cải là một cản trở cho việc trở nên tốt lành hơn.
Sự từ bỏ của cải giúp người ta trở nên trọn lành.
4. Có một vị khổ tu Hồi Giáo sống rất gương mẫu. Suốt đời ông chỉ có một thao thức là ra sức chống lại tình dục. Khi ông chết, nhiều người thương tiếc, trong số đó có một đệ tử của ông vì thương tiếc quá nên ngã bệnh và cũng qua đời. Khi tới thế giới bên kia, anh chứng kiến một cảnh tượng làm anh rất hài lòng, đó là có những đàn bà đẹp ở với Thầy. Anh chợt nghĩ rằng Thầy mình xứng đáng được hưởng như vậy, và anh đã đến chúc mừng Thầy. Thế nhưng vị khổ tu quay lại nhìn anh và nói: “Ngươi là một thằng điên. Ta không được hưởng công gì cả. Đây không phải là Thiên Đàng. Những người đàn bà này cũng đang bị trầm luân như ta thôi.”
Câu chuyện tưởng tượng trên đây muốn nói với chúng ta rằng, sự thánh thiện đích thực không hệ tại lối sống khắc khổ hay tuân giữ một cách nhiệm nhặt những quy định của đạo như ăn chay, hãm mình đọc kinh, bố thí… Đạo của chúng ta không chỉ là hệ thống luân lý gồm những điều phải làm và những điều phải tránh. Sống đạo không phải là một cuộc thao luyện của ý chí. Đạo của chúng ta là một con người, đó chính là Chúa Giêsu Kitô. (Trích: “Mỗi ngày một tin vui”)
5. Đoạn Phúc Âm này đặc biệt muốn nói với những người hiến thân cho lý tưởng tu trì: Sự đam mê và quyến luyến của cải rất hợp với lý tưởng họ đang theo.
6. Chúa Giêsu trả lời người thanh niên giàu có: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện thì hãy bán đi tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy theo tôi”. (Mt 19,21)
Hồi còn học cấp III, tôi khao khát nên hoàn thiện, và cố gắng thực hiện biết bao "nguyên tắc" do ba má, thầy cô, bạn bè, sách vở chỉ dẫn. Sau mấy năm nhọc công, tôi được nhiều người khen ngợi, quý mến và kết thân. Với chính mình, tôi cũng cảm thấy hài lòng hơn. Nhưng tự thâm tâm, tôi bắt đầu mệt mỏi trước những sự đòi hỏi của hoàn thiện, nhất là những yêu sách của Phúc Âm: toàn là những cái làm và phải làm. Giữa lúc chán ngán đến mệt nhoài, tôi có dịp đọc lại bài Phúc Âm người thanh niên giàu có, giữa anh thanh niên và tôi hình như có cái gì rất chung.
Vâng, tôi cũng cần bán tất cả, cần quên đi những cái tôi làm và phải làm. Điều chính yếu, tôi chỉ cần bước theo Chúa Giêsu, Đấng hoàn thiện để Ngài chiếm trọn đời tôi. Như thế, con đường nên hoàn thiện ngắn nhất là bám chặt vào Đấng hoàn thiện và để Ngài chiếm trọn cuộc đời tôi.
Lạy Chúa, chỉ mong Ngài lấy đi. Mong chẳng còn gì gọi là con; nhờ thế, con được gọi Ngài là tất cả của con. (Rabindranash Tagore)
 Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

SUY NIỆM 3: “ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA, MỌI SỰ ĐỀU CÓ THỂ ĐƯỢC”
1. “Thế thì ai có thể được cứu?”
Sau khi người thanh niên giàu có khước từ lời mời gọi đem bán tài sản mình có, phân phát cho người nghèo và đi theo Đức Giê-su, Người nói:
Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim[1] còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.
Câu nói này của Đức Giê-su dường như chỉ liên quan đến “những người giàu có”, chứ không liên quan đến các môn đệ, và cũng không liên quan đến nhiều người trong chúng ta, vốn không phải là “những người giàu có”. Thế nhưng tại sao các môn đệ lại vô cùng sửng sốt và kêu lên: “Thế thì ai có thể được cứu!”?
Bởi vì, lời của Đức Giê-su không xét đoán của cải, vì của cải tự nó không phải là điều xấu hay sự dữ, nhưng liên quan đến tương quan gắn bó của con tim đối với của cải, mà “những người giàu có” rất dễ mắc phải. Nhưng vì vấn đề là tương quan với của cải, chứ không phải của cải, nên lời của Đức Giê-su liên quan tất cả mọi người: người có của, người có ít của, và kể cả người không có của. Người thanh niên, tuy đã giữ tất cả Lề Luật từ nhỏ và giữ một cách hoàn hảo, nhưng lòng anh lại gắn bó mật thiết với điều anh có, vốn là đối tượng mà Lề Luật không thể đụng chạm tới được. Bằng lời mời gọi thật triệt để dành cho anh cách đích danh, Đức Giê-su cảm thương anh (x. Mc 10, 21) và muốn giải thoát anh khỏi sự quyến luyến lệch lạc làm cho anh không bình an, mặc dầu đã tuân giữ các giới răn, và hướng lòng anh tới “kho tảng trên trời”.
Các môn đệ, dường như hiểu ra được vấn đề là sự gắn bó của con tim đối với của cải, vốn liên quan đến mọi người, nên đã thốt lên: “Thế thì ai có thể được cứu?” Và Đức Giê-su đã xác chuẩn cách hiểu này và hướng lòng các môn đệ tới sức lôi cuốn mạnh mẽ của chính Thiên Chúa, được thể hiện nơi ngôi vị của Đức Ki-tô (x. Pl 3, 7-6), khiến chúng ta có khả năng tự do với những điều chúng ta có, và thậm chí với chính sự sống của chúng ta. Thật vậy, Người nói:
Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.
Điều này có nghĩa là, Thiên Chúa có khả năng làm cho “con lạc đà chui qua lỗ kim” được! Đó là điều Thiên Chúa đã làm trong lịch sử cứu độ, đã và đang thực hiện cho các môn đệ của Đức Giê-su thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay.
2. “Chúng con đã bỏ lại mọi sự…”
Tuy nhiên, những người đã bỏ hết mọi sự để đi theo Đức Giê-su, như các môn đệ và như nhiều người trong chúng ta, vẫn có những vấn đề thâm sâu cần được soi sáng và giải tỏa, chẳng hạn vấn đề “được gì, mất gì?”. Đức Giê-su dùng chính cách nghĩ “được gì mất gì” để dẫn các môn đệ đi vào chiều kích nhưng không, ngang qua con số biểu tượng “ gấp trăm”, nghĩa là “điều được mất” không thuộc bình diện lương bổng, phải được hoàn trả một cách sòng phẳng và cân xứng; và vì là nhưng không, nên người môn đệ cũng có thể, khi đi bỏ hết mọi sự để đi theo Đức Ki-tô, không được gì cả, thậm chí mất tất cả, như chính Đức Giê-su sẽ sống điều này trong cuộc Thương Khó.
Với một vài khác biệt, cả ba Tin Mừng nhất lãm đều thuật lại câu nói của thánh Phêrô: “Chúng con đây (nghĩa là không như anh thanh niên có nhiều của cải), chúng con đã bỏ lại tất cả và chúng con đi theo Thầy”: thánh sử Mác-cô tường thuật lại tương tự như câu nói chúng ta vừa trích dẫn (Mc 10, 28); thánh sử Luca thêm một chi tiết: “tất cả những gì thuộc về chúng con” (Lc 18, 28); và theo thánh sử Mát-thêu, thánh Phêrô nói thêm: “vậy chúng con sẽ được gì?” Ba cách tường thuật hơi khác nhau, diễn tả những tâm tình và những kinh nghiệm khác nhau của từng người chúng ta, dù tất cả chúng ta đều thực hiện cùng một quyết định: “bỏ lại tất cả” để “sang bờ bên kia” theo tiếng gọi của Đức Giêsu.
3. “Vậy chúng con sẽ được gì?”
Câu hỏi này có vẻ hàm chứa sự tính toán về quyền lợi và lương bổng. Nhưng Đức Giêsu cũng trả lời; và khi trả lời, Người dùng chính cách nghĩ “được gì mất gì” để dẫn các môn đệ đi vào chiều kích nhưng không, ngang qua con số biểu tượng “ gấp bội”.
Câu trả lời của Đức Giêsu có hai phần, phần dành cho Mười Hai tông đồ: “khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en” (c. 28) và phần dành cho tất cả mọi người. Trong phần dành cho tất cả mọi người, Đức Giêsu đều kể ra những gì mà Phêrô và tất cả những ai đi theo Ngài đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người cha, người mẹ, con cái, ruộng đất. Tất cả tạo nên một hình ảnh hoàn chỉnh và rất đỗi thân thương: căn nhà, tất cả những người ở trong nhà và đất đai chung quanh nhà; nói cách khác, đó là hình ảnh “một căn nhà tranh, hai trái tim vàng”! Như tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm, hình ảnh “một căn nhà tranh, hai trái tim vàng” rất đỗi thân thương này, chúng ta không thể từ bỏ một lần là xong, nó thường hay trở lại, mỗi khi chúng ta gặp khó khăn nhất là ơn gọi đi theo Đức Ki-tô trong đời sống dâng hiến.
Theo thánh sử Mát-thêu, Đức Giêsu trả lời chung chung và hướng về tương lai: “sẽ được gấp bội”. Nhưng theo Thánh sử Mác-cô, câu trả lời của Đức Giêsu vừa rất cụ thể và vừa nhấn mạnh đặc biệt đến thời gian hiện tại: “Bây giờ, trong thời này, anh em sẽ nhận được gấp trăm”; và Ngài kể lại chính xác những gì người môn đệ đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người mẹ, con cái, ruộng đất.
Và quả thật, các môn đệ và đến lượt chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, trong hành trình từ bỏ mọi sự để đi theo Đức Giêsu, mình đã thực sự nhận lại nhà, đất, anh em, chị em, mẹ, con cái gấp trăm. Bởi lẽ, quả thật chúng ta có nhiều nhà, nếu không muốn nói ở đâu cũng là nhà; và ai cũng là người thân của chúng ta, khởi đi từ những chị em hay anh em cùng chia sẻ một ơn gọi. Gấp trăm xảy ra được, bởi vì chúng ta vượt qua tương quan huyết thống và sở hữu, để đi vào tương quan Nước Trời, đó là tương quan hiệp thông và chia sẻ.
Ø  Hiệp thông trong tình yêu của Thiên Chúa là Cha, Đức Kitô là Trưởng Tử, và như thế, mọi người là anh chị em.
Ø  Chia sẻ những gì mình có, và đón nhận những gì mình được chia sẻ.
Nhưng không thể không có những khó khăn, như mọi người chúng ta, dù lớn hay bé trong ơn gọi, đều có kinh nghiệm. Có khó khăn, và cả những ngang trái nữa, đòi rất nhiều sự hi sinh và sức chịu đựng, bởi vì đó là kinh nghiệm tái sinh: để đi vào một gia đình mới, vào những tương quan mới, chúng ta phải được “sinh ra” một lần nữa. Thế mà cuộc sinh ra nào mà lại không có khó khăn, hi sinh, chịu đựng và nhất là cho đi. Chúng ta không có kinh nghiệm làm mẹ, nhưng tất cả chúng ta đều có mẹ! Và điều đó đủ để chúng ta nhận ra thế nào là sinh ra và thế nào là được sinh ra. Và ơn tái sinh còn đòi hỏi hi sinh hơn thế nữa, vì đó là cuộc tái sinh trong mầu nhiệm Chịu Chết và Sống Lại của Đức Kitô.
Nhưng Đức Giê-su hứa rằng, chúng ta sẽ “được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp”. Đó không phải là phần thưởng hay lương bổng, nhưng là “ơn huệ dư tràn” đến từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, ban tặng cho những ai khao khát Người.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM 4: DANH THÁNH GIÊSU, QUÀ TẶNG CỦA TÌNH YÊU CỨU Đ
“…người giầu có khó vào nước Trời
…”Đơn giản vì người giầu có dễ dìm mình trong của cải, tin ở những gì mình đang nắm giữ trong tay, giống như chàng thanh niên giầu có, no đủ  trong của cải, bình an giữa mọi người nhờ ăn ngay ở lành, thương giúp mọi người. Thế nhưng thực tế chính của cải lại giữ chân anh lại, che khuất tầm nhìn để anh không nhìn thấy kho tàng trên trời, và vì thế con đường Giê-su vừa được mở ra cũng vội khép lại, để anh trở về trong nỗi buồn bất tận.(x.Mt 19,21-22)
Ni-cô-đê-mê một thủ lãnh của người Do Thái, một bậc thầy, một loại người giầu của dân Chúa bấy giờ. Đức Giê-su đã chỉ cho ông thấy nước Thiên Chúa, bảo ông nhìn về phía trước, nhưng ông lại nhìn về đàng sau, nhìn vào bụng mẹ. Người còn cầm tay dắt ông vào nước Thiên Chúa, qua cuộc tái sinh nhờ nước và Thần Khí, “sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”, nhờ quyền năng Thiên Chúa,  nhưng mang tiếng là bậc thầy mà ông lại ngẩn ngơ hỏi :”làm sao những chuyện ấy xẩy ra được”. Một bậc thầy nhưng cái đầu nhỏ bé quá, chỉ quen lý luận theo thói đời, chỉ giỏi chuyn đời thì làm sao hiểu được chuyện trên trời. (x.Ga 3,…)
“Tuy nhiên đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”
Một Gia-kêu, đứng đầu những người thu thuế và là người giầu có, mang trên vai hai gánh nặng :
-  Gánh nặng bản thân vì ông cứ phải đuổi theo tiền bạc với danh vọng.
-   Gánh nặng lương tâm vì tiền bạc mà ông tước đoạt của người khác.
Từ trên cây ông nhìn thấy một Giê-su chan hòa giữa đám đông, lôi cuốn đám đông. Một vòng tay ôm trọn những con người nghèo khổ, cùng  đi tới trong an bình và hoan lạc, nhẹ nhàng và thanh thản, và ông khao khát được nhập đoàn với Người. Giê-su đã cho ông vượt quá điều ông mơ ước: “Gia-kêu xuống mau, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông. Từ trên cây tụt xuống, ông trút bỏ hai gánh nặng :
- Trút bỏ gánh nặng bản thân, để ông biết chia sẻ :” đây phân nửa tài sản của tôi, xin cho người nghèo”
Trút bỏ gánh nặng lương tâm bằng cách đền bù : “ nếu tôi chiếm đoạt của ai., tôi xin đền gắp bốn”
Thật thanh thản, Gia-kêu chạm chân vào vương quốc của tình yêu cứu độ : “hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,1-10)
Thế còn những ai đã bỏ mọi sự mà theo Thầy Giê-su, họ sẽ nhận lại những gì ?
Thực chất, Người môn đệ muốn gì khi cất bước lên đường theo Thầy?
“…những người đã theo thầy, thì đến thời tái sinh…”
và thời tái sinh đã đến trong ngày hiện xuống.
Nhờ Thánh Thần, hội thánh sơ khai đã đứng ra tuyên bố : “Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô”.
Bây giờ thì người môn đệ đã nhận ra phần thưởng dành cho mình là được chung phần với Thầy, được “nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-re-sa-lem” (Lc 24,47).
“ …ai bỏ cha mẹ, anh em, chị em, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy,  thì sẽ được gấp bội, và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghệp”.
Cái được của người môn đệ cuối cùng là gì? - là niềm vui của những con tim bừng cháy, không ngừng loan báo danh Giê-su, sống chết nhân danh Giê-su, sẵn sàng đứng ra làm chứng, cùng với Thánh Thần.
Chả thế mà trong lần 12 tông đồ cùng bị bắt, trước khi được thả ra mỗi ông còn bị một trận đòn tơi tả. Các ông đã không nhăn nhó hay kêu than, trái lại “các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su” (Cv 5, 41).
Lòng hân hoan vì được chung phần với Thầy.
“Vì dưới gầm trời này không có một Danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4, 12).
Danh Giê-su đã được ban tặng, người môn đệ có gì trong cuộc đời rao giảng ngoài Danh Giê-su : “vàng bạc tôi không có, nhưng cái tôi có tôi trao anh đây : Nhân danh Đức Giê-su người Nagiaret…”. Dĩ nhiên, Người môn đệ không nhân danh một Giê-su ở đâu đó, nhưng nhân Danh Giê-su mà tôi có, gắn bó không rời.
Bao lâu trên con đuờng làm môn đệ thì luôn có “Giê-su đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình. Cảm thấy Giê-su đang sống cùng mình giữa sứ vụ loan truyền danh Thánh…(x. EG 266).
Cứ thế, bước đường của người môn đệ sẽ là lời kinh tạ ơn bất tận.
Đaminh Trần Văn Tân, SJ.

SUY NIỆM 5:

Câu chuyện
Trong toán học, chúng ta đã biết tầm quan trọng của vị trí con số “không” trong tương quan với dấu chấm thập phân: Số “một” càng bị nhiều số “không” ngăn cách nó xa dấu chấm thập phân thì giá trị của nó càng thấp. Thí dụ: 000,000,1.
Tuy nhiên, nếu số một đứng đầu thì sau đó càng có nhiều số “không” chừng nào thì giá trị của nó càng cao chừng nấy. Thí dụ: 1,000.000.
Chúa chính là số một. Khi ta đặt Chúa hàng đầu trước những công việc của ta thì ta càng làm nhiều chừng nào, giá trị chúng càng cao chừng nấy. Ngược lại, Chúa càng xa tâm trí ta chừng nào thì công việc ta làm càng ít giá trị chừng nấy (Theo Frank Mihalic).
Suy niệm
Anh chàng thanh niên thánh thiện giàu có trước lời khuyên đưa anh đến sự trọn lành: Chia sẻ của cải cho người nghèo. Anh chỉ muốn giữ lưu lại các tài sản. Cho nên, anh rời bỏ con đường trọn lành, Chúa Giêsu đưa ra nhận định: “Người giàu có khó vào được nước Trời” bằng hình ảnh so sánh: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Trời”. “Khó vào” chứ không phải là không vào được.
Khi nhận xét về sự từ bỏ con đường theo Chúa của anh thanh niên giàu có đạo đức, thánh Gioan Chrysostome, nhận định: “Chúa Giêsu không kết án sự giàu có, nhưng kết án những ai làm nô lệ cho chúng… Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại nói về sự khó khăn của những người giàu có khó đi vào nước Trời, cho các môn đệ và những người nghèo không có gì sở hữu ? Ngài muốn giáo huấn họ đừng có hổ thẹn về sự thanh bần của mình và Ngài giải thích cho họ biết lý do Ngài đề nghị họ không nên có gì để sở hữu” (Homélie LXIII 2). Như Ðức Giêsu sống thanh thoát mà Ngài đã tuyên bố với những người muốn theo Ngài: “Con chồn có hang, chim trời có tổ nhưng con người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58).
Trong tương quan với cuộc sống, tiền của luôn là phương tiện cho cuộc sống, nhưng nếu để của cải chi phối nó trở nên mục đích và cứu cánh, trở thành chủ chi phối cuộc sống của mình và mình trở thành nô lệ chúng, Chúa Giêsu cảnh báo: “Không được làm tôi hai chủ…” (x. Mt 6,24; Lc 16,13).
Xin đừng để tiền bạc làm mờ tối tâm hồn chúng con, cho chúng con biết dùng của cải mà mua nước Trời. Chúng con chỉ tùy thuộc vào Chúa…
Ý lực sống
“Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay mượn,
Người sẽ đáp trả xứng đáng việc đã làm”
(Cn 19,17).

Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

SUY NIỆM 6: MỐI NGUY HIỂM TỪ TIỀN CỦA
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dùng hình ảnh "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời" để nói cho chúng ta về sự nguy hiểm từ tiền của, có sức mạnh lôi cuốn con người chúng ta,  khiến chúng ta khó được vào nước Trời.
Kiếm tiền, ham mê tiền bạc là xu hướng của con người trong thế giới đang chạy theo nền kinh tế thị trường ngày nay. Ngoài xã hội, nhiều vụ việc gian dối, tham nhũng, lừa đảo, làm cho con người đánh mất lương tâm, tha hóa.
Tiền bạc vật chất cần thiết cho cuộc sống của con người, nhưng cũng vì miếng cơm manh áo, khiến chp nhiều người Công giáo đã không còn dành thời giờ đi nhà thờ dự lễ, rước lễ, cũng không còn nhớ đến việc đọc kinh cầu nguyện tối sớm. Gia đình lơ là, trễ nải, nguội lạnh khô khan trong đời sống đạo. Nhiều gia đình tan vỡ, tình anh chị em bị chia cắt cũng vì tranh giành của cải, tài sản của cha mẹ để lại.
Bởi thế, người đời thường ví tiền bạc như là tên đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ xấu. Tiền của cần thiết cho cuộc sống, thế nhưng người ta dễ để nó trở thành ông chủ thì thật vô phúc!
Trước những nguy cơ về tiền bạc và việc sử dụng tiền bạc, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải cẩn thận: đừng để tiền bạc làm biến chất phẩm chất cao quý của mỗi người chúng ta.
Chúng ta hãy nhớ lại Lời Chúa dạy để biết chọn lựa Nước Trời là cần thiết và trên hết: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33).
Chúng ta hãy hướng cả con người và cuộc sống về Thiên Chúa, tin tưởng và phó thác cho Chúa, thì Chúa sẽ ban cho chúng ta những điều chúng ta cần mỗi ngày.
Trái lại nếu lo lắng về những của cải đời này như là mục đích, và chúng ta dành mọi nỗ lực của mình vào nó, chắc chắn chúng ta sẽ bị cám dỗ nặng nề, là chỉ dựa trên sức riêng mình và không cần gì đến Thiên Chúa nữa.
Vậy, nếu chúng ta được Chúa ban cho có nhiều tiền bạc, có cuộc sống sung túc, thì chúng ta phải làm gì để mang lại lợi ích cho chúng ta mai sau?
Chỉ khi nào chúng ta sống bài học yêu thương như Chúa yêu, chúng ta mới thấy giá trị của tình yêu vượt lên trên tất cả, cả những gì mà người đời đánh giá là sự giàu có của cải vật chất.
Nhìn vào gương Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta (Ấn Độ), chúng ta học được bài học yêu thương và phục vụ. Tất cả cuộc đời và công trình của Mẹ Têrêsa là một chứng từ cho niềm vui trong yêu thương, cho sự cao cả và phẩm giá của mỗi một con người, cho giá trị của từng việc nhỏ nhất được thực thi với đức tin và tình yêu, và trên hết, cho sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.
Hôm nay, Lời Chúa nhắc nhở chúng ta đừng đặt nặng về của cải trần thế, đồng thời mời gọi chúng ta biết cách sử dụng của cải vật chất để xây dựng cuộc sống mai sau, bằng cách yêu thương, phục vụ và chia sẻ cho tha nhân những nhu cầu cần thiết cho tha nhân. Và việc làm tốt của chúng ta hôm nay có giá trị vĩnh cửu đến bất ngờ trong Nước Trời: “Và tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời.”
Lạy Chúa xin đừng để chúng con bị tiền bạc điều khiển. Xin cho chúng con biết biết dùng của cải đời này mà mua Nước Trời. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang

SUY NIỆM 7: ĐƯỢC GÌ? 
Khi làm một việc gì đó, con người thường hướng đến thành quả. Người nông dân mong chờ ngày thu hoạch vụ mùa sau những ngày tháng chăm trồng, tưới tắm; người đi học hướng tới ngày đỗ đạt sau những tháng ngày dùi mài kinh sử… Vậy người môn đệ theo Chúa hướng tới cái gì? Tiền tài, danh vọng, hay là giây phút “huy hoàng” của ngày lễ khấn, ngày thụ phong?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông Phêrô đã có câu hỏi rất hay: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Chúa, chúng con sẽ được gì?”. Đó là một đòi hỏi tất yếu theo bản tính con người, “có đi có lại, mới toại lòng nhau”. Có lẽ, giây phút được Chúa kêu gọi các môn đệ cũng có những ý định riêng, những tính toán, những chờ mong và kiếm chác riêng. Họ nghĩ rằng Thầy mình sẽ là vị lãnh tụ giải phóng dân tộc, người sẽ cho mình vinh quang phú quý ở đời này. Chứ đâu nghĩ gì xa xôi đến sự sống đời sau, nghĩ đến cái ăn, cái mặc trước mắt chứ đâu nghĩ về một chân trời vinh quang đón chờ.
Sau này nhờ Chúa khai sáng, Thánh Thần biến đổi các Tông Đồ mới ngộ ra và tin vào lời hứa của Chúa năm xưa. Lời hứa xuất phát từ Đấng Quyền Năng, Đấng đã hứa sẽ trả công xứng đáng cho những ai dám từ bỏ, khước từ những cái mình sở hữu để tìm kiếm giá trị cao hơn. lời hứa ấy là chính Chúa, là gia nghiệp và cùng đích của đời mình. Hành trình của người môn đệ theo Chúa cũng luôn có những câu hỏi như ông Phêrô. Tuy nhiên đó cũng là cơ hội để ta xác tín lại niềm tin của mình. Theo Chúa vì mục đích gì?
Ước gì Lời Chúa hôm nay làm ta thức tỉnh để biết chọn Chúa là hạnh phúc vĩnh cửu của đời mình. Biết sống thanh thoát với những của cải trần thế để trao ban tình thương cho mọi người.
Tu sĩ Giuse Trương Văn Thức, SVD
SUY NIỆM 8: MỘT CHÚT NIỀM TIN
Chúa Giêsu đã khẳng định: “Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26). Câu nói này của Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa luôn mong muốn cho mọi người được vào Nước Trời. Ngay cả khi con người tội lỗi thì Thiên Chúa vẫn có cách đưa họ vào Nước Trời, chỉ cần họ có một chút niềm tin nơi Ngài. Thiên Chúa cần một chút niềm tin của con người, vì Ngài luôn tôn trọng tự do của con người. Do đó, chỉ cần một chút niềm tin còn sót lại của con người hướng về Thiên Chúa, thì Ngài sẽ làm tất cả mọi sự cho con người.
Chúng ta đừng bao giờ đầu hàng trước những khó khăn và nghịch cảnh đang trải qua. Với niềm tin vững mạnh, chúng ta xác tín rằng: Chúa không bao giờ bỏ rơi mình. Ngài luôn ở cạnh chúng ta. Ngài đang chờ đợi chúng ta cho Ngài thấy một chút niềm tin hướng về Ngài. Một chút niềm tin để có lòng sám hối. Một chút niềm tin để quy phục trước Thiên Chúa. Hãy cho Thiên Chúa thấy một chút niềm tin khiêm nhường của chúng ta, Ngài sẽ làm mọi sự cho chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con đã sai lầm khi nghĩ rằng chúng con có thể làm được mọi sự mà không cần Chúa. Đứng trước những khó khăn thử thách, chúng con nhận thấy bản thân chẳng làm được gì nếu không có Chúa. Xin Chúa củng cố niềm tin thấp kém của chúng con. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 9:
23. Bấy giờ Đức Giê-su nói với các môn đệ của Người: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời.”
·       Giàu có là một sự chúc lành của Thiên Chúa. Thế nhưng, Đức Giêsu vẫn nói với các môn đệ người giàu có khó vào Nước Trời. Ngài chỉ nói khó chứ không phải là không vào được. Điều gì cản trở người giàu không vào được Nước Trời?
·       Người ta thường bó hẹp sự giàu có vào của cải. Giàu có không chỉ về của cải nhưng còn về mọi phương diện khác: thời gian, tài năng, sức khỏe… tất cả đều là ơn ban của Thiên Chúa. Điều quan trọng là con người sống sự biết ơn đó như thế nào? Họ có nghĩ đó là do Chúa ban cho họ không?
·       Điều quan trọng không phải là sự giàu có vì nó chỉ là phương tiện. Quan trọng chính là Nước Trời. Con người ngày nay chỉ nghĩ tới việc làm sao có nhiều tiền bất chấp những hậu quả nó sẽ gây ra cho họ. Chính điều đó là cản trở họ không vào được Nước Trời.
Lời của Chúa vẫn cho chúng ta cơ hội sử dụng những của cải với lòng biết ơn như thế nào? Và nhất là tôi có đưa những điều đó hướng tới Nước Trời là nơi ở vĩnh cửu không?
Lạy Chúa, ai cũng thích giàu. Nhưng xin cho con giàu lòng nhân từ của Chúa.
Br. Vincent SJ
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây