THỨ NĂM TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 22/10/2024 18:16

THỨ NĂM TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

Lc 12,49-53

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

49 “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! 50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!

51 “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. 52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba.

53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”

 

SUY NIỆM

Sứ điệp: Con người có nghĩa vụ tôn thờ Chúa. Tôn thờ Chúa chính là yêu mến Chúa hết lòng, ưu tiên chọn Chúa trên hết mọi sự.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là tình yêu. Chúa đã thông ban tình yêu cho con và gọi con bước theo Chúa trên con đường yêu thương. Thoáng nghe Tin Mừng hôm nay, con chợt ngỡ ngàng: sao Chúa lại đến để gây chia rẽ. Con biết Chúa dạy con thương yêu mọi người, Chúa không muốn con hận thù chia rẽ. Chúa chỉ muốn con chọn Chúa trên hết mọi sự.

Gia nhập vào hàng ngũ của Chúa, con phải chống lại tất cả những ai cản trở con theo theo Chúa, thưa “vâng” với Chúa chính là nói “không” với Xa-tan. Chọn lựa con đường về Trời, tức là con phải can đảm dứt bỏ những gì ở trần gian lôi cuốn con xa Chúa.

Chúa dạy con phải yêu thương cha mẹ, thương anh chị, mến mọi người. Đồng thời, Chúa dạy con phải tôn thờ Chúa và yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Con nhớ Lời Chúa dạy: “Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không đáng với Ta. Ai cầm cày mà còn ngoái cổ đằng sau thì không xứng hợp với Nước Thiên Chúa”.

Lạy Chúa, xin giúp con đừng vì tình cảm mà nhẫn tâm xúc phạm đến Chúa, đừng vì nể nang cha mẹ, họ hàng thân thích, mà làm ngơ trước những bất công; đừng vì ham chơi, ham công việc, mà bỏ bổn phận tôn thờ Chúa, bỏ lễ Chúa Nhật, bỏ kinh nguyện sáng tối. Xin giúp con đừng vì ham tiền bạc vật chất mà lãng quên hoặc chối bỏ Chúa.

Xin cho con luôn chọn Chúa trên hết mọi người và mọi sự, dù khi chọn Chúa con phải hy sinh từ bỏ cả những gì con yêu quý nhất. Amen.

Ghi nhớ: “Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ”.

TGM Giuse Nguyễn Năng

 

SUY NIỆM: LỬA GIÊSU

(LỄ THIẾU NHI)

Thiếu nhi chúng con thân mến, người đời vẫn nói với ta rằng: “Đừng đùa với lửa”. Vì lửa có sức mạnh khủng khiếp. Nó có sức thiêu rụi, tàn phá, hủy diệt. Một đốm lửa bé xíu có thể đốt cháy cả một cánh rừng xanh vô tận, có thể thiêu rụi cả 1 căn nhà, 1 kho xưởng, hay cả 1 thành phố. 

Thế nhưng, lửa cũng trở nên rất quen thuộc, gần gũi và cần thiết cho cuộc sống của chúng ta. Người ta thường dùng lửa để thắp sáng, đặc biệt là vào những khi cúp điện, ánh sáng của ngọn nến được thắp lên quả là rất cần thiết cho mỗi gia đình. Người ta còn dùng lửa để sưởi ấm vào những đêm đông giá lạnh. Lửa còn được dùng để nấu nướng, tạo nên những bữa ăn ngon cho gia đình. Người ta cũng dùng lửa để dọn sạch những điều không cần thiết, chẳng hạn như đốt rác thải, dọn nương rẩy…

Lửa cũng được Thánh Kinh dùng để nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa: Chẳng hạn như việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho ông Môsê giữa bụi gai rực cháy (x. Xh 3,2). Thiên Chúa hướng dẫn dân Do Thái trong sa mạc qua hình ảnh cột lửa chiếu sáng (x. Xh 13,21). Trong Tân Ước, lửa là hình ảnh, là sức mạnh của Chúa Thánh Thần, khi Người ngự xuống trên các tông đồ dưới dạng hình lưỡi lửa vào ngày Lễ Ngũ Tuần (x. Cv 3,2)…

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói Ngài sẽ đến và ném lửa vào mặt đất, đó là ngọn lửa mang tên Giêsu. Ngọn Lửa ấy không phải để thiêu rụi, để tàn phá, để gây nguy hiểm cho con người; nhưng là để chiếu sáng, sưởi ấm và thanh tẩy chúng ta.

Thật vậy, Chúa Giêsu chính là Ánh Sáng thế gian, và những ai bước đi theo Ngài sẽ được Ánh Sáng ban sự sống. Khi chúng con tìm đến với Chúa Giêsu, thì Ngài sẽ soi đường dẫn lối cho cuộc đời của chúng con, để chúng con biết cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, và cái gì là hoàn hảo nhất.

Lửa Giêsu còn có khả năng sưởi ấm lòng người. Do đó, mỗi khi chúng con thấy lòng mình lạnh lẽo, cô đơn, buồn chán hay mệt mỏi vì việc học tập; hãy tìm đến với Chúa Giêsu để được Ngài sưởi ấm cho.

Lửa Giêsu còn có khả năng thanh tẩy mọi vết nhơ. Do đó, mỗi khi chúng con sai lỗi phạm tội, hãy tìm đến với Chúa Giêsu qua Bí tích Hòa giải, để Ngài dùng lửa tình yêu đốt cháy tất cả tội lỗi của chúng con, và làm cho tâm hồn chúng con nên trong trắng

Tóm lại, Chúa Giêsu chính là Lửa Tình Yêu. Những ai tìm đến với Ngài sẽ được Ngài chỉ lối, sưởi ấm và tẩy xóa mọi lỗi lầm. Amen.

Lm. Antôn

 

SUY NIỆM: HÃY ĐỂ SỨ ĐIỆP TIN MỪNG CỦA CHÚA GIÊSU THANH LUYỆN CHÚNG TA

Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những đoạn khó giải thích vì mới đọc chúng ta thấy điều Chúa Giêsu nói về Ngài dường như trái ngược với mong đợi của con người. Những lời của Chúa Giêsu trong trích đoạn hôm nay chỉ ra cho chúng ta hai điều Chúa Giêsu đem vào thế gian: lửa và sự chia rẽ. Chúng ta phải hiểu hai điều này như thế nào?

Trước tiên chúng ta nói đến lửa: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12:49-50). Theo các học giả Kinh Thánh, lửa được sử dụng ở đây ám chỉ đến sứ điệp Chúa Giêsu có năng lực thanh luyện và là nguyên nhân để phân biệt những gì là giả tạo và những gì là thật. Nói cách cụ thể hơn, sứ điệp Chúa Giêsu mang lại có sức thanh luyện con người và như thế phân biệt người sống thật [sống yêu thương] với người sống giả tạo [sống ghen ghét]. Chúa Giêsu đem lửa “sự thật” đó và mong nó bùng cháy trong con tim mỗi người chúng ta hầu thanh luyện chúng ta thành những người sống trọn vẹn cho Ngài qua việc sẵn sàng chịu phép rửa mà Ngài đã chịu. Phép rửa ở đây được sử dụng như một hình ảnh ám chỉ đến việc một người bị đè nặng bởi những tai ương, nhưng không bỏ cuộc, không chạy trốn. Đây là hình ảnh của Chúa Giêsu. Vâng phục Chúa Cha, Chúa Giêsu hành trình lên Giêrusalem để hoàn thành cuộc xuất hành của Ngài, dù biết sẽ bị nhiều chống đối và đau khổ. Đây cũng chính là hành trình của mỗi người. Chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn và chống đối khi làm một người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu. Liệu chúng ta có đứng vững, vâng phục như Chúa Giêsu không hay chúng ta bỏ cuộc?

Điều thứ hai Chúa Giêsu mang đến chính là sự chia rẽ: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12:51). Chúng ta chỉ hiểu những lời này khi liên kết với hình ảnh lửa. Như chúng ta đã trình bày, lửa ám chỉ việc thanh luyện và phân tách cái chân thật khỏi cái giả tạo. Đây chính lá ý nghĩa của từ “chia rẽ.” Từ này được hiểu theo nghĩa “phân rẽ” giữa những người sống theo sứ điệp Chúa Giêsu mang đến khỏi những người không sống theo. Sự phân rẽ này xảy ra ngay chính trong gia đình: “Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng” (Lc 12:52-53). Nói cách khác, sự phân rẽ này xảy ra ngay chính trong cộng đoàn của Thánh Luca. Nói cách cụ thể hơn, trong cộng đoàn có những người sống theo sứ điệp của Chúa Giêsu, nhưng cũng có nhiều người thì không. Chúng ta vẫn chứng kiến điều này trong ngày hôm nay. Chỉ khi chúng ta hiểu rằng để đạt được sự hoà bình, chúng ta không được đánh đổi lời Chúa cho những giá trị chóng qua ở đời này. Nói cách khác, hoà bình chỉ có được khi mọi người trong cộng đoàn sống theo sứ điệp Tin Mừng, khi mỗi người biết tha thứ cho người khác từ tận đáy con tim mình và hoà giải với nhau ngay cả khi không phải là lỗi của mình.

Lm. Ngọc Dũng, SDB

SUY NIỆM: ĐỨC GIÊ-SU ĐEM GÌ ĐẾN TRẦN GIAN?

Chúa Giê-su được mệnh danh là Hoàng tử hòa bình (x. Is 9,5). Giờ phút Chúa được sinh ra, các thiên thần hát vang “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14) và trong suốt cuộc đời rao giảng, chính Người đã chúc phúc cho những ai xây dựng hòa bình. Hơn nữa, trong bữa tiệc cuối cùng, Người đã cầu xin Chúa Cha cho mọi người được hiệp nhất nên một. Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su lại công bố: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Liệu có sự mâu thuẫn trong những lời rao giảng của Chúa?

Chúa Giê-su không phải cố tình đến để mang sự chia rẽ và chiến tranh mà sự hiện diện của Người nơi trần gian sẽ gây ra những sự chia rẽ và xung đột bởi vì Người đặt con người trước những sự lựa chọn. Con người luôn có sự tự do để quyết định trước những chân lý mà Chúa mang đến và mỗi người sẽ có những sự lựa chọn riêng cho chính họ. Trước những phép lạ và lời rao giảng của Chúa, đã có nhiều người tin vào Người nhưng cũng có nhiều kẻ không tin. Như thế, niềm tin xuất phát từ bên trong con người trở thành nguyên cớ dẫn tới sự xung đột. Giờ đây những người không tin vào Chúa sẽ tìm cách chống lại Người và chống lại cả những người tin. Sự chia rẽ, đối kháng này cũng xảy ra ngay cả trong gia đình: giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em, giữa mẹ chồng và nàng dâu. Đây là một sự thật đau lòng mà có lẽ Chúa cũng không muốn. Thực tế cuộc sống đã chứng mình điều này.

Thưa anh chị em, vậy đâu là hòa bình và sự hiệp nhất mà Chúa Giê-su đem đến cho trần gian? Chúa đến không phải như vị vua quyền lực để thiết lập hòa bình cho đất nước mình, nhưng Người mang hòa bình và sự hiệp nhất cho nhân loại bằng con đường thập giá. Qua thập giá, Chúa đã khôi phục hòa bình và hiệp nhất giữa con người với Thiên Chúa. Nhờ Người, Thiên Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con người và giao hòa với họ. Cũng nhờ Người, mà nền hòa bình và sự hiệp nhất giữa con người với nhau được thiết lập qua việc quy tụ tất cả mọi người để họ có thể liên đới và yêu thương nhau như các chi thể trong cùng một thân thể. Một thế giới hiệp nhất và hòa bình là một thế giới tràn đầy tình yêu thương.

Chúa Giê-su đã đem lửa, ngọn lửa của tình yêu mến đến thế gian. Chúa ước mong ngọn lửa đó được bùng cháy lên trong tâm hồn mỗi người để họ nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Người. Mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên những Ki-tô hữu có trái tim rực lửa lòng yêu mến Chúa, hăng say loan báo Tin Mừng mặc dù phải gặp biết bao nhiêu chống đối, bách hại. Mỗi chúng ta hãy thức tỉnh lý trí và con tim của mình để chọn theo Chúa Giê-su Ki-tô dù có nhiều xung đột, mâu thuẫn với người khác hay trong chính con người xác thịt yếu đuối của mình. Chúng ta tin rằng Chúa là Đấng duy nhất đem lại nền hòa bình và hiệp nhất thật sự cho con người.

Lm. Gio-an Trần Văn Viện

SUY NIỆM: NHỮNG THỬ THÁCH CỦA VIỆC TRUNG THÀNH

1. Chúng ta nghĩ thế nào khi nghe Đức Giê-su nói: ”Thầy đến để gây chia rẽ” (Lc 12,51)). Một câu nói xem ra nghịch lý, khó chấp nhận. Nhưng nếu phân tích sâu xa thì câu nói đó lại là một chân lý tuyệt vời. Hòa bình đích thực chỉ có sau khi đã quyết liệt chiến đấu để chọn lựa. Hòa bình chỉ có khi đã phân rẽ sự ác khỏi điều thiện, bóng tối ra khỏi ánh sáng… Nhờ ngọn lửa thanh tẩy, bợn nhơ được loại bỏ để chỉ còn lại sự tinh tuyền trọn hảo.

2. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nói: ”Các con tưởng Thầy đến đem sự bình an đến thế gian ư? Không phải thế đâu, Thầy đến để đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Với tư cách là một người hiền lành và khiêm nhường trong lòng, làm sao Đức Giê-su đã đến trần gian để gây chia rẽ và xáo trộn? Tuy nhiên, nhiều khi vì Ngài mà xáo trộn và chia rẽ xảy ra.

Chúng ta cần hiểu rằng: bằng hai chữ hòa bình và chia rẽ, Đức Giê-su kêu gọi người ta chọn lựa thái độ trước Tin Mừng của Ngài: Nhiều người nghĩ rằng Đấng Mê-si-a là Đấng mang hòa bình đến (x.Is 9,5), Đức Giê-su xác nhận là đúng thực, sứ mạng của Ngài là một sứ mạng Hòa bình. Nhưng Ngài cần thấy phải giải thích thêm: chữ “Hòa bình” có nhiều nghĩa: hòa bình kiểu thế gian và hòa bình của Thiên Chúa. Đức Giê-su nói rằng Ngài đến thế gian không phải để đem hòa bình kiểu thế gian, mà là thứ hòa bình của Thiên Chúa. Thứ hòa bình của Thiên Chúa mà Đức Giê-su mang đến, người ta chỉ sẽ nhận được sau khi người ta đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin Mừng của Ngài.

Thực tế cho thấy là sứ vụ của Đức Giê-su đã gặp chống đối, và Lời rao giảng của Ngài đã gây chia rẽ giữa những người tin và những người không tin, chia rẽ xảy ra ngay trong lòng gia đình.

3. Cuộc sống của người Ki-tô hữu là một cuộc chiến đấu không ngừng. Trận chiến mà chúng ta tham dự là trận chiến chống lại sức mạnh của ác thần. Vương quốc Chúa Giê-su thiết lập là một vương quốc luôn trong tình trạng chiến tranh, Giáo hội của Ngài luôn trong tình trạng thánh chiến. Thánh chiến ở đây không có nghĩa là chiếm lại Thánh địa, các nơi thánh hay bất cứ lãnh thổ trần gian nào, nhưng là chống lại sức mạnh của tối tăm, hận thù, tội lỗi và chết chóc.

4. Bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng gây nên chết chóc đau thương. Hòa bình mà nhân loại đạt được lắm khi là giá của rất nhiều mạng người. Người Ki-tô hữu cũng đeo đuổi một cuộc thánh chiến, nhưng là để đạt được bình an trong tâm hồn. Sự bình an ấy, chúng ta chỉ có thể đạt được bằng giá của một cuộc chiến đấu liên lỉ chống lại tội lỗi và khuynh hướng xấu trong chính bản thân. Vì thế, người Tây phương có câu ngạn ngữ: ”Si vis pacem, para bellum”: nếu muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh. Nếu muốn có bình an trong tâm hồn, hãy chuẩn bị đương đầu với những cạm bẫy và sức mạnh của ác thần luôn bủa vây lôi kéo chúng ta đến tội lỗi (R.Veritas).

5. “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”.

Một đạo sĩ Ấn độ dạy các đệ tử: ”Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nhìn vào mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em”. Ánh sáng mặt trời, mặt trăng giúp ta thấy rõ sự vật, nhưng không thể biến một người xa lạ thành người anh em của chúng ta. Vậy thứ ánh sáng kỳ diệu ấy từ đâu? Ánh sáng ấy phát xuất từ trái tim. Thứ ánh sáng ấy tỏa ra từ khắp các trang sách Tin Mừng. Khi người xứ Sa-ma-ri-a nhân hậu cúi xuống băng bó vết thương cho người bị nạn, ánh sáng ấy đã bừng lên. Ánh sáng đó khiến hai người xa lạ nhìn vào mặt nhau và nhận ra nhau là anh em. Ta hãy khơi cho ngọn lửa yêu thương bừng cháy, đẩy lui bóng tối hận thù, ích kỷ; mở rộng tâm hồn đón nhận và trao tặng yêu thương, để mọi người nhìn nhận nhau như là anh em đích thực. Bấy giờ, đêm sẽ tàn, ngày mới sẽ bắt đầu, bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, và ánh sáng tỏa rạng từ các trái tim chan hòa yêu thương.

6. Truyện: Ozanam, ngọn lửa nhiệt tình.

Năm 1843, thành phố Paris đang bị xáo trộn, Đạo Công giáo bị đe dọa, các cơ sở tôn giáo bị phá phách. Tại Lyon, bọn thợ thuyền cũng kéo cờ đỏ, hát những bài phạm đến Chúa và phản đạo. Năm ấy Ozanam học luật ở Paris. Dầu còn thanh niên, cậu đã dùng ngòi bút và việc bác ái để phản công. Cậu siêng năng đọc Phúc âm, rước lễ. Cậu thụ giáo với giáo sư Ampère về học thức và đạo đức. Và cậu mạnh bạo bênh vực Giáo hội. Với Ozanam các sinh viên, trước đây rụt rè lo sợ, bây giờ mạnh bạo. Các giáo sư đại học cũng phải kiêng nể Công giáo. Cậu tổ chức các buổi diễn thuyết làm sống lại Đạo Công giáo. Về phía dân chúng, cậu đã cùng 6 anh em khác lập Hội Bác Ái Vinh Sơn giúp đỡ các người nghèo khổ. Hồi 18 tuổi, cậu đã thề :”Nhất định hy sinh đến thí mạng cho dân nghèo”. Đồng thời với Ozanam, Montalembert tranh đấu cho tự do giáo dục của Giáo hội, tại nghị trường. Dù là giáo sư đại học, Ozanam vẫn hàng tuần  đi các khu nghèo khó để dạy giáo lý  cho những công nhân nghèo khổ.

Ngày nay, Giáo hội cũng cần nhiều tâm hồn có lửa nhiệt tình như Ozanam.

Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

 

SUY NIỆM: NÉM LỬA

Lửa là hình ảnh rất quen thuộc trong sinh hoạt hằng ngày của con người và cũng là một biểu tượng sống động, phong phú và giàu ý nghĩa cả trong đời thường và đời sống tâm linh. Bởi thế, Kinh Thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước đều sử dụng hình ảnh “lửa” để diễn tả nhiều ý nghĩa tâm linh sâu sắc cho con người.

Cụ thể trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã sử dụng động từ “ném lửa”: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Như thế, thử hỏi “lửa” mà Đức Giêsu ném vào trần gian ở đây mang ý nghĩa gì? Trước hết, Chúa Giêsu nói điều này với các môn đệ trong bối cảnh là Ngài chuẩn bị đi lên

Giêrusalem để hoàn tất chương trình cứu độ của Chúa Cha. Do đó, “lửa” ở đây có thể hiểu là cuộc thương khó mà Đức Giêsu sẽ phải chịu để thanh luyện con cái Ítraen. Thứ đến, “lửa” trong bối cảnh này cũng có nghĩa là phép rửa trong Thánh Thần để thanh tẩy và đổi mới đời sống con người chúng ta. Được thanh tẩy bởi nước và “lửa” có nghĩa là bởi nước và Thần Khí làm cho ta trở nên thụ tạo mới, con người mới và sống một đời sống mới. Cuối cùng, “lửa” cũng là biểu tượng của tình yêu. Ném “lửa” vào thế gian, nghĩa là Đức Giêsu đem đến cho thế gian ngọn lửa tình yêu và Ngài ước mong ngọn lửa ấy bùng cháy lên, lan toả khắp, ngự trị trong mỗi tâm hồn và giúp mỗi người cảm thấu và nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người ngay trong chính cuộc đời của mình.

Trong bối cảnh sống thực tế, chúng ta thường ví “lửa” là tình yêu, là sức mạnh của trái tim, là lòng hăng say nhiệt huyết của con người trong đời sống và sứ vụ. Nếu cuộc sống thiếu lửa của tình yêu, lửa của lòng nhiệt huyết thì đời sống trở nên tẻ nhạt, vô nghĩa và buồn chán.

Lạy Chúa, xin ném lửa tình yêu, lửa của sự thanh luyện, lửa của lòng nhiệt huyết dấn thân vào trong tâm hồn và đời sống mỗi người để chúng con biết thắp lên ngọn lửa tình yêu Chúa trong bản thân và cho tha nhân.

Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây