THỨ HAI TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Lc 9,23-26
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca
23Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? 26Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.
SUY NIỆM: CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU
Thánh lễ hôm nay đỏ một màu máu. Máu của hơn 100 ngàn anh hùng tử đạo. Máu của 117 vị đã được tôn phong lên hàng hiển thánh. Máu ngập tràn chảy suốt hơn 3 thế kỷ truyền giáo tại Việt Nam.
Có điều máu lênh láng nhưng không tanh tưởi bởi không phải là thứ máu oan khốc nơi chiến trường tuôn chảy trong hờn căm oán ghét. Máu đẹp như những cánh hoa vì phát xuất từ tình yêu cao quí. Máu dường như toả hương thơm bởi khơi nguồn từ những trái tim chan chứa yêu thương. Máu không gây ghê tởm nhưng gợi lòng kính trọng. Máu không tạo oán thù nhưng vực dậy yêu thương. Đó là những dòng máu làm chứng cho tình yêu.
Tình yêu Thiên Chúa.
Các thánh Tử Đạo Việt Nam có lòng tin mạnh mẽ. Lòng tin của các ngài không biểu lộ trong những hành vi cuồng tín, nhưng diễn tả trong thái độ chan chứa yêu thương. Đã nhận biết Chúa, các ngài yêu mến Chúa tha thiết. Đã cảm nhận được tình yêu của Chúa các ngài mong muốn được đáp đền tình yêu đó.
Tình yêu của các ngài là tình yêu hy sinh. Nên các ngài đã từ bỏ tất cả: cuộc sống yên ổn, danh vọng tiền tài, kể cả mạng sống vì Chúa. Thánh Hồ đình Hy sẵn sàng chịu mất chức trong triều đình. Thánh Tôma Thiện vui lòng dâng hiến tuổi xuân xanh với những lời hứa hẹn chức quyền của vua quan. Thánh nữ Anê Lê thị Thành mạnh dạn từ bỏ gia đình êm ấm với những người con ngoan ngoãn dễ thương. Tất cả vì tình yêu Chúa.
Tình yêu của các ngài là tình yêu chung thuỷ. Các ngài yêu mến Chúa khi bình an, các ngài càng yêu mến Chúa trong những gian nan thử thách. Các ngài đã thực hiện lời thánh Phao-lô: Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giêsu, Chúa chúng ta (Rm 8,35-39).
Tình yêu của các ngài là tình yêu cao quí. Đáp lại tình yêu của Đức Giêsu Kitô đã hiến thân vì các ngài, các ngài cũng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu với Chúa. Đúng như lời Chúa nói: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13).
Tình yêu cuộc sống.
Các ngài là những người yêu mến cuộc sống. Không phải một cuộc sống tầm thường nhưng là cuộc sống với tất cả những chiều kích cao đẹp của nó. Cuộc sống với những giá trị thiêng liêng như lý tưởng, như tình yêu, lòng trung tín. Một cuộc sống không nô lệ cho vật chất. Một cuộc sống trung thực không giả dối. Một cuộc sống không bị đóng khung trong thế giới hữu hạn mau tàn nhưng mở ra đến vĩnh cửu. Một cuộc sống không hạ con người xuống nhưng nâng con người lên ngang với các thần thánh. Thật sự yêu mến cuộc sống nên các ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng, để bảo vệ và xây dựng.
Tình yêu nhân loại.
Cái chết của các ngài minh chứng một tình yêu vô biên đối với nhân loại. Các ngài không chỉ yêu mến Chúa mà còn yêu mến gia đình. Hãy nhìn cảnh thánh Lê văn Phụng hoặc thánh nữ Lê Thị Thành an ủi con cháu trước khi ra pháp trường. Tình yêu thương của các ngài lan cả tới lính gác, cai tù và lý hình. Thánh Lê Văn Phụng chữa bệnh cho người cai tù của mình. Tất cả các thánh vui vẻ ra đi chịu chết. Không có ai tỏ lòng oán hận. Và nhất là không có vị nào thù ghét các lý hình.
Tình yêu của các ngài phát xuất từ tình yêu Chúa nên rộng rãi toả lan tới mọi người, mọi nơi các ngài sinh sống. Tình yêu ấy là tình yêu nguyên tuyền nên không biết đến sự thù ghét, nên sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình. Tình yêu ấy như bông hoa vẫn toả hương trong tay kẻ vò nát nó. Tình yêu ấy giống như loài gỗ quí vẫn phả hương thơm cả đến chiếc rìu bổ vào nó (Fulton Sheen).
Động lực hướng dẫn cuộc đời các ngài là tình yêu. Cái chết của các ngài làm chứng cho tình yêu. Đó chính là điều mà ta có thể bắt chước các ngài. Trong hoàn cảnh hiện nay, ta không có hy vọng được phúc tử đạo, nhưng ta vẫn có thể noi gương các thánh Việt Nam làm chứng cho đạo Chúa. Nếu ta không được chết cho tình yêu, ta vẫn có thể sống cho tình yêu. Có lẽ ngày nay Chúa cũng không mong ta chết vì đạo mà mong ta hãy sống vì đạo.
Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin chúc lành cho quê hương và Giáo Hội Việt Nam. Amen.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
SUY NIỆM
Sứ điệp: Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong cuộc đời các Kitô hữu. Đặc biệt trong những lúc gặp thử thách, người tín hữu luôn có Thánh Thần hỗ trợ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, lời tiên báo về những cuộc bắt bớ vẫn còn ứng nghiệm qua các thời đại. Sống ở bất cứ thời đại nào, người tín hữu luôn liên lụy với Thập giá của Chúa, cùng chung số phận với Chúa là Đấng treo trên thập giá. Ngày nay con cũng đang được Chúa mời gọi sống cuộc đời tử đạo.
Lạy Chúa, muốn sống “tử đạo”, con cần can đảm chọn lựa: chọn lựa giữa một mất một còn, giữa trung thành và phản bội, giữa sự sống và sự chết, giữa Thiên Chúa và người đời. Con cần chọn lựa dứt khoát để làm chứng cho Chúa. Con cần làm chứng cho niềm tin và lòng mến bằng những sự hy sinh từ bỏ mình, bằng những khổ đau phải chịu, bằng đời sống gian nan vất vả… Con tin chắc con sẽ thực hiện được điều ấy, vì Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời con. Chúa sẽ soi sáng cho con phải nói điều gì. Chúa sẽ hướng dẫn con cần làm việc chi.
Lạy Chúa, tên tuổi 117 thánh Tử Đạo Việt Nam đã được ghi vào lịch sử Giáo Hội. Nhưng còn một số đông vô kể, cả chính con, là những tín hữu không tên tuổi đang dấn thân trong cuộc sống chọn lựa. Xin Chúa ban thêm cho con sức mạnh và lòng can đảm cương quyết, để con dám sống bằng những cử chỉ anh hùng, dám tỏ thái độ dứt khoát khi chọn lựa đứng về phía Chúa. Vì khi con sống điều Chúa dạy, khi con dám thực hiện lề luật Chúa, tức là con đang tử đạo hằng ngày, và đang trở thành chứng nhân cho Chúa giữa thế giới hôm nay. Xin Chúa giúp con. Amen.
Ghi nhớ: “Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM: CHỨNG NHÂN KITÔ GIÁO
Hằng năm cứ vào dịp đại lễ kính nhớ Tổ tiên ông bà Tử Đạo Việt Nam, đoàn tín hữu, con dân đất Việt lại thêm một lần được củng cố niềm tin. Ít ra, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Để sống xứng danh là cháu con các anh hùng tử đạo, Kitô hữu Việt Nam cần hiên ngang, anh dũng một cách nào đó trong niềm tin, trong cách sống đạo của mình. Trong tâm tình ấy, xin phác họa đôi nét về chân dung các Thánh Tử đạo Việt Nam như là những chứng nhân Kitô giáo.
- Chứng từ khả tín của các chứng nhân:
Xin được gọi các Ngài bằng nghĩa gốc của từ “tử đạo” là “chứng nhân” (martyr). Thiết tưởng cần trở về với nghĩa gốc là chứng nhân hơn là tử đạo, cho dù hai từ tử đạo đã quá phổ biến trong cách dùng. Bởi vì hai từ tử đạo có vẻ như đang bị méo mó ý nghĩa một cách nào đó khi mà vô tuyến truyền hình tường thuật những người ôm bom tự sát để giết hại nhiều người, trong đó có cả thường dân vô tội, và họ cũng tự cho là tử vì đạo. Hơn nữa một thánh tử đạo trong tôn giáo này chưa chắc được kính trọng bởi người của tôn giáo khác cho bằng các thánh hiển tu hay các thánh xả thân vì tình yêu đồng loại.
Nói đến chứng nhân là nói đến những người dùng chính cuộc sống của mình, dùng cả sự sống và sự chết của mình để làm chứng cho một lý tưởng cao đẹp như nền hòa bình của nhân loại hay sự độc lập tự do của dân tộc… hoặc cho một niềm tin tôn giáo. Khi có ai, có một tập thể hiến dâng cả cuộc sống, hiến dâng cả mạng sống để làm chứng về một chân lý nào đó thì chứng từ ấy có tính khả tín nghĩa là chân lý có tính thuyết phục và đáng tin theo. Tuy nhiên, mức độ khả tín của các chứng từ còn tùy thuộc vào cách thế làm chứng của các chứng nhân.
Nếu xét về hình thức chịu cực hình cho đến chết như bị “rũ tù” (bị tra tấn và giam tù cho đến chết), “xử giảo” (bị thắt cổ cho chết), “xử trảm” (bị chém đầu), “lăng trì” (bị ném cho voi chà đạp, xé xác), bị thiếu sống hay chịu xử “bá đao” (bị róc từng mảnh thịt cho đến chết), thì các bậc cha ông chúng ta tuy có bị khổ hình ghê rợn, thế nhưng các anh hùng dân tộc nhiều khi cũng đã can đảm đón nhận các cực hình tương tự không kém. Tuy nhiên qua cuộc sống, nhất là sự hiến dâng mạng sống của các chứng nhân Kitô giáo, của cha ông anh hùng hy sinh vì đức tin, chúng ta nhận ra mức độ trổi vượt của tính thuyết phục nơi cách làm chứng của các Ngài.
Nét trổi vượt và cũng là nét khác biệt nơi chứng từ của cha ông chúng ta đó là cách thế đón nhận khổ hình. Không một ai tự mình quyên sinh và nhất là khi bị khổ hình, không một ai căm phẫn, hận thù hay hô đả đảo những người bắt bớ, giết hại mình. Các ngài khoan thai, an bình, có khi tỏ vẻ hân hoan và cầu nguyện cho cả người giết hại mình đến độ nhiều “đao phủ” đã phải thành khẩn xin tha thứ trước khi hành hình các Ngài. Một thái độ làm chứng nhân khó thấy, hiếm thấy và có thể nói là không thấy có nơi các anh hùng dân tộc khi chịu cực hình, chịu chết vì lý tưởng. Và đây chính là nét khả tín tuyệt vời của nhứng chứng nhân bỏ mình vì “danh Đức Kitô”.
2. Một chân lý đức tin nền tảng mà các chứng nhân Kitô giáo làm chứng:
Chân lý đức tin Kitô giáo thì nhiều, nhưng có thể nói một chân lý nền tảng mà tổ tiên ta đã anh dũng làm chứng đó là: Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất, ta phải tôn thờ và yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ta, vì ngoài Người ra thì không có đấng nào khác. (x.Dnl 6,4-7; Mc 12,28-34).
Tôn thờ một ai đó, một Đấng nào đó là nói lên sự thần phục, sự lệ thuộc của mình với Đấng ấy, với người ấy. Một trong những hình thức biểu lộ sự thần phục hay thờ phượng đó là sự phủ phục. Ta phủ phục trước một Đấng nào đó là ta nhìn nhận những gì ta đang là, ta đang có đều do Đấng ấy ban tặng. Kitô hữu chỉ dâng tâm tình thần phục, phượng thờ này lên một mình Thiên Chúa mà thôi. Và dĩ nhiên tâm tình, thái độ ấy kéo theo hệ quả tất yếu là xem các loài khác như mặt trời, mặt trăng, sông núi… chỉ là loài thọ tạo do Chúa dựng nên. Ngay cả loài thọ tạo cao trọng nhất trong các loài hữu hình là loài người thì dù là kẻ quyền thế, nhiều tiền, cao đức, trọng vị… cũng chỉ là loài phàm hèn không hơn không kém. Có thể có người, có vị đáng trọng, đáng kính vì tài đức cao dầy, nhưng không phải là người để ta phải lệ thuộc hay thần phục, nghĩa là bày tỏ sự tôn thờ.
Sự thường một ai đó, khi đã ở ngôi cao, khi đã nắm trong tay quyền lớn thì rất dễ bị cám dỗ muốn tuyệt đối hóa uy quyền của mình. Và một trong những cách thế để tuyệt đối hóa quyền lực và danh phận của mình thì phải tự phong thần, phong thánh cho mình bằng cách này cách khác. Các vua chúa ngày xưa đã từng tự xưng là thiên tử (con trời) và thế là bắt mọi người thần phục mình cách tuyệt đối. Nếu sống và hành xử như “con của trời” thì vẫn tốt, đằng này họ lại hành xử như là những “ông trời con”. Xưa vua Nabunôcônôdo của đế quốc Ba Tư đã cho tạc tượng mình để bắt thần dân thờ lạy. Và nay vẫn có người, có tập thể muốn kẻ khác lệ thuộc mình bằng việc “thần thánh” hóa bản thân hay luật pháp hóa cái thể chế, cái tổ chức, cơ cấu của mình.
Ngày nay người ta khi đã có quyền, có thế cũng có thể bắt kẻ khác suy tôn mình, suy tôn tập thể của mình… là muôn năm, là bất diệt… Và thế là hễ có ai không chịu thần phục, không chịu lệ thuộc thì tức khắc sẽ bị bắt bớ, đàn áp, thậm chí là loại trừ. Vác thập giá là thân phận của Kitô hữu mọi thời, mọi nơi. Tuy nhiên đó cũng là niềm vinh dự cho đoàn con cái Chúa. Vì đó là cách thế tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất hùng hồn và rõ nét.
3. Chuyện xưa và chuyện nay:
Có thể nói là rất hiếm người phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Tối Cao, Đấng Sáng Tạo đất trời. Các vua chúa xưa bách hại Kitô hữu có thể vì do một vài hiểu lầm nào đó về cách sống đạo, cung cách thờ kính ông bà tổ tiên của Kitô hữu, nhưng thường ẩn đằng sau đó là có lý do thực tiễn khác: cái uy quyền cai trị của mình bị ảnh hưởng. Các lãnh đạo địa phương như các quan hàng tỉnh, huyện, xã thì ít vương cái lý do này. Tuy nhiên các vị này lại lợi dụng lệnh trên để “làm tiền”. Đọc hạnh các thánh tử đạo Việt Nam chúng ta thấy chuyện bắt rồi đòi tiền chuộc như là chuyện cơm bữa. Phải chăng chuyện xưa vẫn là chuyện luôn có tính thời sự như hôm nay và trong tương lai? Đã là Kitô hữu thì phải làm chứng nhân và vác thập giá là chuyện như đương nhiên của những ai muốn theo Chúa Kitô đến cùng.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột
SUY NIỆM: CAN ĐẢM LÀM CHỨNG
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng.
Luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Macabê quyển II cho thấy: Bà mẹ là người đáng khâm phục, vì bà can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa.
Luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng, với niềm hy vọng đạt đến ơn cứu độ mà Chúa đã hứa ban, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 125, vịnh gia đã cho thấy: Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.
Luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng, với lòng tin tưởng chắc chắn rằng: Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho chúng ta, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta… Dù sự chết hay sự sống cũng không tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Máu Đức Kitô đã sinh ơn cứu độ cho chúng ta thế nào, thì máu của các thánh tử đạo cũng đã làm trổ sinh nhiều hoa trái đức tin dồi dào cho Hội Thánh như vậy. Chúng ta được mời gọi can đảm làm chứng, và trung thành mãi cho đến cùng như các bậc cha anh của chúng ta, và nhất là, như Đức Kitô, Đấng đã hiến dâng mạng sống vì chúng ta.
Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta nhận thấy biết bao ơn lành Chúa đã ban cho chúng ta: Chúa đã sáng tạo nên chúng ta, đã tìm kiếm chúng ta khi chúng ta lầm lạc, tìm thấy rồi, Chúa lại ban ơn tha thứ; Chúa trợ lực cho chúng ta khi chúng ta chiến đấu với Ba Thù; Chúa không bỏ mặc chúng ta, khi chúng ta lâm nguy; Khi chúng ta chiến thắng, Chúa đã đội mũ triều thiên, và tặng ban chính mình làm phần thưởng cho chúng ta. Khi nhận thấy tất cả những điều ấy, chúng ta hãy kêu lên: Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho, tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ. Chén cứu độ Chúa đã uống cạn, các thánh ngôn sứ, các thánh Tông Đồ, các thánh tử đạo cũng đã nâng chén, và đến lượt chúng ta, Chúa cũng mời gọi chúng ta: Can đảm lên, vì Thầy đã thắng thế gian.
Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng ta. Ước gì chúng ta biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Ước gì được như thế.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB