THỨ SÁU TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 27/11/2024 21:01

THỨ SÁU TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN

Lc 21,29-33

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

29 Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn: “Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. 30 Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi. 31 Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.

32 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. 33 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.

 

SUY NIỆM: TRỜI MỚI ĐẤT MỚI

Vũ trụ có một chủ nhân. Và có một lịch sử. Chính Thiên Chúa là chủ nhân của vũ trụ và của lịch sử. Chúa cho phép vũ trụ tồn tại trong một thời gian. Và cho con người tự do sử dụng. Đến thời hạn, vũ trụ chấm dứt. Lịch sử không còn. Nhưng con người sẽ bị xét xử về cách sử dụng vũ trụ. Mọi sự đều sẽ qua đi. Nhưng Lời Chúa luôn tồn tại. Có từ trước muôn đời. Tồn tại đến muôn muôn thuở. Trước khi lịch sử chấm dứt và vũ trụ tiêu tan, sẽ có những biến cố kinh thiên động địa. Dường như thế lực trần gian muốn vùng dậy cố nắm lấy những giây phút cuối cùng.

Từ xa xưa Đa-ni-en đã tiên báo sẽ có những vua chúa trần gian xuất hiện. Ngày càng hung dữ hơn. Bốn con thú lần lượt xuất hiện. Con sau dữ tợn hơn con trước. Con cuối cùng thật là ghê gớm. “Con thú thứ tư đáng kinh đáng sợ và mạnh mẽ vô song; răng của nó bừng sắt và rất to. Nó ăn, nó nghiền, rồi lấy chân chà đạp những gì còn sót lại”. Nhưng rồi thời gian của nó chấm dứt. Quyền thống trị thuộc về Con Người: “Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một, vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (năm lẻ).

Gio-an cho biết những con thú đó chính là hiện thân của con Mãng Xà xa xưa. Lần này nó bị tiêu diệt vĩnh viễn. Thế lực sự dữ hết thời hạn tồn tại. Tất cả những ai đã chết đều sống lại để chịu xét xử. “Các người chết được xét xử tuỳ theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách…Ai không có tên ghi trong Sổ Trường Sinh thì bị quăng vào hồ lửa”. Tuy nhiên trời cũ đất cũ qua đi. Quyền lực trần gian không còn nữa. Nhưng sẽ xuất hiện trời mới đất mới. Xinh đẹp vô cùng. Hạnh phúc vô song. Vững bền thiên thu. Chính Thiên Chúa làm chủ (năm chẵn).

Ai theo con Mãng Xà. Thuộc về thế gian. Sẽ hưởng lợi đời này. Sẽ hối tiếc khi vũ trụ đời này qua đi. Và phải kinh hoàng khi đến trước toà xét xử của Chúa. Ai theo Chúa sẽ chịu thiệt thòi ở đời này. Nhưng đến ngày đời này tiêu tan. Sẽ vô cùng phấn khởi. Vì được giải thoát. Vì được đi vào trời mới đất mới. Được vĩnh viễn hưởng hạnh phúc bên Chúa. Tôi chọn chóng qua hay vĩnh cửu. Đời này hay đời sau. Con Mãng Xà hay Thiên Chúa?

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

SUY NIỆM: DẤU CHỈ THỜI ÐẠI

Người ta vẫn thường nói: có nguyên nhân mới phát sinh ra hậu quả. Trong thế giới vật chất này, chẳng có gì là ngẫu nhiên, có lửa thì có khói, các vật rắn chạm vào nhau sinh ra tiếng động.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc đến nguyên lý đó. Ngài dạy chúng ta phải biết nhìn vào các biến cố xẩy ra trong thời đại để nhận biết rằng Chúa đang đến: "Các con hãy xem cây vả cũng như các cây khác, khi cây đâm chồi, các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xẩy ra, các con hãy biết rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến".

Theo Cha Lausade, Thiên Chúa nói với chúng ta bằng hai cách: hoặc bằng Lời Chúa trong Kinh Thánh, hoặc qua các biến cố xẩy đến trong đời sống thường ngày. Ðiều quan trọng là chúng ta phải quan tâm để nhận ra lời nhắn nhủ của Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thường dễ nhận ra Kinh Thánh là Lời Chúa, là giáo huấn của Chúa, mà ít nhận ra các dấu chỉ thời đại cũng là Lời Chúa, là thánh ý Chúa, nói khác đi, chúng ta ít nghe được tiếng Chúa nói với chúng ta qua các tạo vật, qua niềm vui, nỗi buồn, qua cả những lầm lỗi của chúng ta.

Do đó, để có thể nhận ra tiếng Chúa qua các biến cố, chúng ta cần phải có thái độ lắng nghe và yêu mến. Có những người không bao giờ đặt vấn đề: Tại sao tôi sống? Sống để làm gì? Chết rồi đi đâu? Người Kitô hữu chúng ta biết rõ ý nghĩa của cuộc đời, nhưng cũng cần chăm chú lắng nghe để nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống, vì đó là tiếng gọi của tình yêu mà chỉ những ai yêu mến Chúa mới nhận ra được.

Xin cho chúng ta nhận ra Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, để chúng ta luôn hân hoan tiến bước và chu toàn thánh ý Chúa mỗi ngày, cho đến ngày chúng ta hưởng nhan Chúa trên Nước Trời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM: DỤ NGÔN CÂY VẢ

1. Sau khi giải thích cho các môn đệ về những điềm báo trước về việc Đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ, Đức Giê-su dùng dụ ngôn cây vả để chứng thực cho điều Ngài vừa dạy. Chúng ta biết mọi sự Chúa dựng nên đều tuân theo một quy luật tự nhiên của nó. Cũng vậy, cây vả đến mùa thì đâm bông nảy lộc, thì đồng thời cứ dấu hiệu đó, người ta biết mùa hè đã đến gần. Như vậy, khi thấy “những điều đó” (các thế lực gian tà lung lay) thì hãy biết triều đại Thiên Chúa sắp đến.

2. Đức Giê-su báo trước trong ngày tận thế, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Sẽ có những điềm lạ xảy ra trên trời dưới đất làm mọi người kinh sợ. Dĩ nhiên các môn đệ muốn biết ngày nào viếc ấy xảy ra, Nhưng Đức Giê-su không nói rõ mà chỉ đưa ra dụ ngôn về cây vả để báo trước ngày đó.

Những người ở ngoài Bắc chúng ta dễ hiểu điều Đức Giê-su nói đây. Cây cối cứ mùa đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái. Nhìn xem cây cối có thể biết thời tiết, hoặc nói đến hình thức cây cối người ta biết ở vào tháng nào, ví dụ:

Cỏ non xanh tận chân trời

 Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

                                              (Nguyễn Du, truyện Kiều)

Không cần phải có câu “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”, ai cũng biết ngay là đã cuối mùa xuân, sắp sang hạ.

3. Để diễn tả chân lý cho người nghe dễ hiểu, người ta thường dùng những ví dụ dựa vào những sự vật, biến cố, công việc trong đời sống thường nhật để giải thích. Ở đây, diễn tả biến cố Chúa đến trong ngày cánh chung, Đức Giê-su dựa vào hình ảnh cây vả cũng như cây khác, để làm nổi bật giáo huấn của Chúa về ngày cánh chung. Bên Thánh địa cứ vào tháng ba, cây vả nảy lộc bất luận trời nóng hay lạnh, hạn hán hay mưa lụt. Cứ thấy cây vả đâm chồi nảy lộc là biết gần đấn mùa hè.

Cũng một cách như cây vả là điềm báo mùa hè, thì khi thấy thiên tai xảy ra cũng là điềm báo thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ, và do đó cũng là những điềm báo Nước Thiên Chúa đã gần đến, mà Mát-thêu (24,32-35) và Mác-cô (13,28-31) nói về biến cố cánh chung (Trần Hữu Thành).

4. Một lần nữa, Đức Giê-su khẳng định: ”Còn về ngày hay giờ đó, thì dù các thiên sứ trên trời, hay cả Con Người đi nữa, cũng không ai biết được trừ một mình Chúa Cha mà thôi” (Mc 13,32). Đúng vậy, Đức Giê-su với tư cách là Thiên Chúa thì Ngài biết điều đó, nhưng với tư thế là con người nhân loại như chúng ta thì Ngài không biết.

Khi được hỏi bao giờ đến ngày tận thế? Thánh Au-gút-ti-nô đã trả lời dứt khoát: ”Việc này hoàn toàn nằm trong quyền hạn của Thiên Chúa”. Nơi khác, ngài còn nói: ”Đức Giê-su không cho biết ngày của ta, để ta luôn cảnh giác chờ đợi Người”.

Chúng ta không biết ngày tận cùng của thế giới nhưng chúng ta biết chắc chắn ngày ấy phải đến. Đó không phải là tai họa trong chương trình của Thiên Chúa, nhưng đó là ngày  mà Thiên Chúa dọn sẵn cho chỗ ở mới, một thế giới mới cho nhân loại.

5. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức để đọc được ý nghĩa của từng biến cố cuộc sống. Mỗi biến cố xảy đến là một dấu chỉ mời gọi chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa: mỗi biến cố xảy đến đều ẩn chứa một tiếng gọi của Ngài. Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy biết đón nhận ơn Chúa trong cuộc sống. Nhạy bén với những dấu chỉ hiện tại. Hướng lòng về những chuyện tương lai. Hành động đón chờ phải là hành động của kẻ đứng thẳng và ngẩng cao đầu trong tư thế tỉnh thức chờ đợi để đón nhận ơn Chúa.

6. Truyện: Dấu chỉ thời đại.

Một nhà thám hiểm Tây phương lạc đường giữa sa mạc. Nguồn lương thực và nước uống đã khô cạn. Ông lê từng bước mệt mỏi trong cát nóng. Thỉnh thoảng ông nghe tiếng suối róc rách và thấy trước mặt mình một ốc đảo xanh tươi.

Thế nhưng, với lối suy nghĩ khoa học của người phương Tây, ông ta tự nghĩ rằng: ”Đây chỉ là một ảo ảnh. Trong thực tế trước mắt ta làm gì có nước và cây cối”. Nghĩ như vậy, ông lại tuyệt vọng lê bước chân tiếp tục đi.

Không bao lâu sau đó, có hai người du mục tình cờ đi qua lối đó. Họ bắt gặp một cái xác người. Một người trong họ đã thốt lên: ”Chỉ còn hai bước nữa là người này đã có thể tới ốc đảo và tha hồ uống nước cũng như thưởng thức những trái ngọt cây lành. Tại sao lại có chuyện thế này”?

Nhưng người bạn lắc đầu giải thích: ”Ông ta là một người Tây phương. Thế giới của chúng ta đầy ánh sáng và mầu nhiệm, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy chúng nên không nhận ra những dấu chỉ của Chúa”.

Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

SUY NIỆM:

1. Ngày của Con Người

Trong tuần này, chính xác là từ thứ ba, Đức Giê-su nói cho chúng ta nghe về « Ngày của Con Người » ; và trong ngày này, trật tự mà Thiên Chúa đã thiết lập khi sáng tạo sẽ bị phá vỡ, như Người nói trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm qua : « Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét » (c. 25).

Ngày tận của mọi sự cùng chắc chắn sẽ đến, bởi vì thế giới chúng ta đang sống là những thực tại lệ thuộc vào không gian và thời gian. Lời của Đức Giê-su nói về thời điểm tận cùng của mọi sự có thể làm chúng ta sợ hãi, nhưng đó lại là con đường tất yếu của sự sống mới và sáng tạo mới, như hạt lúa mì, như chính thân xác của chúng ta: sáng tạo này phải tan rã, thân xác chúng ta phải qua đi, để nhường chỗ cho trời mới đất mới, cho “thân xác” và sự sống mới. Đó còn là cuộc Vượt Qua, từ sự chết sang sự sống, của toàn thể nhân loại và vũ trụ, theo khuôn mẫu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ. Hiểu như thế, cả loài người và từng người chúng ta, cùng muôn loài muôn vật được mời gọi trông chờ trong bình an và hi vọng Ngày Cánh Chung và cầu nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mau ngự đến (x. Kh 22, 20).

Điểm kết thúc của lịch sử và của thế giới sáng tạo, xem ra còn ra còn rất xa vời, nhưng lại nhắc nhớ cho chúng ta những điểm kết thúc rất thật, xẩy ra hằng ngày trong đời sống của chúng ta. Đó là hoàng hôn của mỗi ngày sống, của một giai đoạn, của tháng, của năm, của chức vụ, của công việc… Dù chúng ta ở lứa tuổi nào, rồi một ngày kia, chúng ta cũng sẽ đi đến điểm kết thúc là sự chết. Người trẻ có hi vọng sống thêm được nhiều chục năm. Tuy nhiên, sự sống hằng ngày và tương lai của chúng ta không quá chắc ăn như chúng ta tưởng, nhất là trong bối cảnh sống có rất nhiều nguy cơ hôm nay. Nhưng chúng ta có niềm hi vọng là Đức Ki-tô, bởi vì Ngài đã vượt qua điểm tận cùng của mọi sự, Ngài đã chiến thắng cái chết, là điểm tới của tất cả chúng ta , để cứu chuộc và dẫn chúng ta vào sáng tạo mới.

2. « Anh em hãy xem cây vả »

Tuy nhiên, khi kết thúc những lời loan báo gây lo sợ về « những sự sau cùng », Đức  Giê-su lại dùng một dụ ngôn, rất đời thường và vì thế, bình an và bình thản :

Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. (c. 29)

Đức Giêsu nói : « Cây vả cũng như tất cả những cây khác », những cây khác, đối với chúng ta, có thể là cây sa-kê, cây mít hay cây mai trong vườn. Đặc biệt là cây mai : khi thấy hoa mai nở, chúng ta biết là mùa xuân đang đến.

Hình ảnh cây vả mà Đức Giêsu dùng để nói về Triều Đại Thiên Chúa, nói cho chúng ta nhiều điều :

Ø Triều Đại Thiên Chúa đến là điều tất yếu, giống như qui luật của thiên nhiên : mùa hè chắc chắn sẽ đến khi cây vả đâm chồi hay khi cây phượng nở hoa.

Ø Hình ảnh đâm chồi, nẩy lộc gợi ra cho chúng ta sự sống mới.

Tuy nhiên, theo qui luật thiên nhiên, sự sống mới này lại sẽ tàn phai, lại sẽ chết đi ; nhưng chính là để làm phát sinh sự sống mới, một mùa xuân mới. Sự chuyển hóa trong thiên nhiên, chính là dấu chỉ nói cho chúng ta về Triều Đại Thiên Chúa, về một mùa xuân hoàn toàn vừa mới mẻ và vừa vĩnh cửu, một mùa xuân sẽ không bao giờ tàn phai. Theo Tv 136 (135), hành động của Thiên Chúa, diễn tả chính Chúa, thì vừa vĩnh cửu, được diễn tả bởi vòm trời, mặt trời mặt trăng và các vì sao (c. 4-9), và vừa mới mẻ, được diễn tả bởi những biến cố lịch sử (c. 10-24). Trên đời này, điều gì vĩnh cửu thì không mới mẻ, và điều gì mới mẻ thì không vĩnh cửu. Chỉ có nơi Thiên Chúa, hai chiều kích này mới hội tụ thành một. Và vì sự sống tương lai là vĩnh cửu và không tàn phai, nên phải trải qua khoảng khắc tương xứng là « mất tất cả ».

3. « Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần »

Để chạm được sự vĩnh cửu của Thiên Chúa, mỗi người, cả loài người và cả thế giới sáng tạo sẽ phải trải qua khoảng khắc « mất tất cả ». Chúng ta được mời gọi sống khoảng khắc « mất tất cả », khi lựa chọn đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình và nhất là trong đời sống dâng hiến, và lựa chọn này phải được hiện tại hóa mỗi ngày. Chúng ta tập sống tự nguyện dâng hiến, dâng hiến tất cả, thay vì sống kinh nghiệm bị lấy đi, vốn là kinh nghiệm gây lo sợ, như thánh Inhaxiô Loyola mời gọi chúng ta thưa với Chúa trong kinh Dâng Hiến : « Chúa ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả, mọi sự đều là của Chúa ». Dâng lại cho cho Chúa tất cả sẽ là một mất mát rất lớn, nhưng niềm vui được ban cũng rất lớn và còn lớn hơn.

Điều duy nhất làm cho chúng ta bình an, đó là sống tâm tình tạ ơn và ca tụng, là đặt nền tảng đời mình trên nền sự biết ơn, là sống sự quảng đại của Kinh Dâng Hiến. Và vẫn còn một điều nữa làm cho chúng ta bình an, đó chính là Lời của Đức Giê-su :

Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. (c. 33)

Lời Chúa không qua đi, vì thế cũng sẽ làm cho chúng ta không qua đi, nhưng qui tụ chúng ta, những người còn sống cũng như những người đã qua đời, bên Chúa và bên nhau mãi mãi trong Nước của Thiên Chúa.

Bởi vì, Lời của Ngài và Ngôi Vị của Ngài là một, là Ngôi Lời sự sống, là Bánh Hằng Sống vượt qua sự dữ và sự chết, là ánh sáng và tình yêu.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM: DẤU CHỈ THỜI ÐẠI

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc đến nguyên lý đó. Ngài dạy chúng ta phải biết nhìn vào các biến cố xẩy ra trong thời đại để nhận biết rằng Chúa đang đến: “Các con hãy xem cây vả cũng như các cây khác, khi cây đâm chồi, các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xẩy ra, các con hãy biết rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến”.

Như đã tiên báo đền thờ và thành Giêrusalem sụp đổ, để tiên báo về ngày cánh chung; hôm nay Chúa kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn cây vả, để giải thích cho những điều Ngài đã tiên báo.

“Khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến”.

Ngày cánh chung chắc chắn sẽ đến; Ngày đó sẽ rất kinh sợ, vì là thời điểm chấm dứt mọi sự. Tuy nhiên, đó cũng là ngày Chúa trở lại trong vinh quang, không chỉ để xét xử con người, mà còn là ngày thu hoạch, là mùa gặt hái …

Tin như thế, chúng ta phải có thái độ sống thế nào để có thể “đứng vững trước mặt Con Người”, và đón nhận ơn cứu rỗi của Chúa ban cho loài người chúng ta. Đặc biệt, chúng ta biết chuẩn bị sẵn sàng cho ngày, giờ chết của mỗi người.

Chúa Giêsu đã xuống trần gian và thực hiện công trình cứu chuộc nhân loại bằng sự chết và sự sống lại của Ngài. Chúa Giêsu mang đến cho toàn thể nhân loại chúng ta niềm hy vọng. Chúa Giêsu sẽ hoàn tất công trình cứu chuộc của Ngài khi Ngài trở lại trong vinh quang ngày quang lâm để đưa nhân loại vào vương quốc vĩnh cửu.

Vâng, thế giới này sẽ chấm dứt, nhưng nhân loại sẽ có một cuộc sống mới vinh quang vì ơn cứu chuộc đã đẩy lui mọi bóng dáng của tội lỗi và tình thương cứu độ của Chúa đổ tràn trên mọi người.

Ngày Chúa quang lâm, hay còn gọi là ngày cánh chung, ngày tận thế chưa biết sẽ xảy ra khi nào, lúc nào. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy biết chuẩn bị, sẵn sàng.

Trước hết, chúng ta hãy biết chuẩn bị bằng đời sống đức tin và trung thành với Chúa trong cuộc sống của mình, để phấn khởi đón nhận ơn Chúa đến trong hiện tại và vui mừng đón Chúa đến trong tương lai, đặc biệt vào giờ chết của mình.

Hơn nữa, chúng ta còn phải đẩy lùi tội lỗi, tránh xa những thế lực của sự dữ, satan, ma quỉ, triệt hạ những ngẫu tượng, đẩy lùi những tính hư nết xấu, ích kỷ, tham lam,… trong chúng ta, trong gia đình chúng ta và trong môi trường xung quanh chúng ta.

Tốt nhất là chúng ta quyết góp tay xây dựng một thế giới đầy tình người trong đó hận thù, chia rẽ sẽ nhường chỗ cho yêu thương, quảng đại, cảm thông và chia sẻ.

Theo Cha Lausade, Thiên Chúa nói với chúng ta bằng hai cách: hoặc bằng Lời Chúa trong Kinh Thánh, hoặc qua các biến cố xẩy đến trong đời sống thường ngày. Ðiều quan trọng là chúng ta phải quan tâm để nhận ra lời nhắn nhủ của Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thường dễ nhận ra Kinh Thánh là Lời Chúa, là giáo huấn của Chúa, mà ít nhận ra các dấu chỉ thời đại cũng là Lời Chúa, là thánh ý Chúa, nói khác đi, chúng ta ít nghe được tiếng Chúa nói với chúng ta qua các tạo vật, qua niềm vui, nỗi buồn, qua cả những lầm lỗi của chúng ta.

Do đó, để có thể nhận ra tiếng Chúa qua các biến cố, chúng ta cần phải có thái độ lắng nghe và yêu mến. Có những người không bao giờ đặt vấn đề: Tại sao tôi sống? Sống để làm gì? Chết rồi đi đâu? Người Kitô hữu chúng ta biết rõ ý nghĩa của cuộc đời, nhưng cũng cần chăm chú lắng nghe để nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống, vì đó là tiếng gọi của tình yêu mà chỉ những ai yêu mến Chúa mới nhận ra được.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để đọc được ý nghĩa của từng biến cố trong cuộc sống. Mỗi biến cố xẩy đến là một dấu chỉ mời gọi chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa; mỗi biến cố xẩy đến đều ẩn chứa một tiếng nói của Ngài.

Ngày nay, chứng kiến những thảm họa chiến tranh, khủng bố đây đó trên thế giới, cũng như các tai ương, bệnh tật đủ kiểu đủ cách, ta hiểu rằng chính con người đã gây ra đổ vỡ cho thế giới và cho chính bản thân mình. Và vì vậy là những người tin, ta được mời gọi hãy khẩn thiết nài xin mỗi ngày: Xin cho “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…”

Thật ra, Nước Thiên Chúa đã có mặt trong trần gian này rồi, nhưng có điều nhân loại chúng ta đang đóng cửa lòng mình lại, đang bưng tai bít mắt mình lại, đang không chấp nhận để Nước Chúa hiển trị trong cuộc đời mình. Bao lâu nhân loại còn từ khước sự hiện diện của Thiên Chúa, thì bấy lâu thế giới này còn xảy ra đủ thứ hỗn loạn và đổ vỡ.

Mỗi một dấu chỉ thời đại xảy đến trong gia đình và trong cuộc đời mỗi con người luôn kèm theo lời nhắn nhủ của Thiên Chúa. Cácgia đình hãy siêng năng cầu nguyện để nhận ra ý Chúa trong từng biến cố xảy ra. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết “đọc” ra những dấu chỉ đó để có thể nhận ra đâu là thánh ý Chúa hầu mau mắn đáp lại lời mời gọi của Người cho xứng hợp.

Xin cho chúng ta nhận ra Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, để chúng ta luôn hân hoan tiến bước và chu toàn thánh ý Chúa mỗi ngày, cho đến ngày chúng ta hưởng nhan Chúa trên Nước Trời.

Huệ Minh

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây