THỨ BẢY TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN
Lc 20,27-40
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
27 Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, 28 đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. 29 Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. 30 Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. 31 Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. 32 Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. 33 Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ ?”
34 Chúa Giêsu trả lời rằng: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; 36 họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. 37 Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. 38 Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa”.
39 Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy dạy đúng lắm”. 40 Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.
SUY NIỆM:
Sứ điệp: Cuộc sống mai hậu mở ra cho con người một khung trời mới: con người sẽ chan hòa trong một tình yêu thiêng liêng siêu việt, vượt lên trên giới hạn của mọi thứ tình trần thế.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã làm người và đã có những mối giây thân tình của loài người: tình gia đình, tình thầy trò, tình bằng hữu, tình quê hương… Những dịu ngọt của tình yêu thế trần là điều tốt đẹp. Tuy thế, Chúa cũng đã thấy giới hạn của nó: đã có những người đồng hương đòi ném đá Chúa, đã có Giuđa bán Chúa ba mươi đồng bạc. Chúa muốn thăng hoa những mối tình loài người để con người đạt tới niềm vui trọn vẹn. Chúa dạy con cách mặc cho tình yêu nhân loại một chiếc áo siêu nhiên: đó là mến thương nhau vì Chúa.
Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay mở ra cho con niềm hy vọng cuộc sống mai sau. Hôm nay, con đang vui với bao tình cảm trên đời để có được một hạnh phúc tương đối, nhưng mai sau nơi Thiên quốc, con sẽ đạt tới hạnh phúc vững bền trọn vẹn trong mối tình thiêng liêng trường cửu. Nơi cuộc sống mai sau, các giới hạn cha con, vợ chồng, bạn bè thân thích… đều được phá vỡ để con được thưởng nếm tình yêu Chúa và tình bác ái đại đồng.
Lạy Chúa, trong cuộc sống hôm nay, xin Chúa giúp con vì Chúa mà thương cha mẹ, vì Chúa mà thương con cái, vì Chúa mà vợ chồng thương nhau, vì Chúa mà thương cả người xa lạ, thậm chí vì Chúa mà thương cả kẻ thù. Con cố gắng sống như vậy để tập sống cảnh thiên đàng trong tình yêu thương chan hòa. Amen.
Ghi nhớ: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM: SỐNG ĐỜI SAU NGAY Ở ĐỜI NÀY
Bài Tin mừng hôm nay kể lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và nhóm Xa-đốc về chủ đề “Sự sống đời sau”. Thánh Luca cho biết, nhóm Xa-đốc chủ trương không có sự sống lại, nên họ rất khó chịu khi nghe Chúa Giêsu dạy về sự sống đời đời. Chính vì thế, họ đã dựng nên một kịch bản khá gây cấn để thử Chúa Giêsu.
Họ đặt vấn đề: ví dụ như có 7 anh em trai cùng cưới chung 1 người vợ, nhưng đều không có con. Vậy trong ngày sống lại, người phụ nữ ấy sẽ là vợ của ai? Và câu trả lời của Chúa Giêsu là: con cái ở đời này thì mới có chuyện dựng vợ gã chồng, chứ ở đời sau thì chẳng cần như thế nữa, bởi lúc ấy Chúa chính là nguồn hạnh phúc viên mãn của mỗi người.
Thật ra, chúng ta không có lý do gì để trách móc nhóm Xa-đốc cả, bởi vì họ không tin vào sự sống đời sau nên họ có quyền nghi ngờ, chất vấn… Còn chúng ta thì không được như thế. Là những kitô hữu, chúng ta phải tin và buộc phải tin vào sự sống đời đời. Ai không tin “xác loài người ngày sau sẽ sống lại” là lạc giáo. Vậy khi tin như thế, chúng ta phải sống như thế nào cho phù hợp với niềm tin của chúng ta?
Thứ nhất, nếu chúng ta tin có sự sống đời sau, thì mỗi người hãy sống xứng danh là một người kitô hữu, qua việc “làm lành lánh dữ” và thực thi các điều răn của Chúa. Nếu như mình bảo là mình tin “ngày sau Chúa lại đến phán xét kẻ sống và kẻ chết”, nhưng mình cứ buôn gian bán lận, mình cứ mèo mỡ ngoại tình, mình cứ nạo phá thai, cứ cờ bạc cá độ, …. Thì tin thế nào được!
Thà không biết thì không có tội, còn tin và biết có ngày phán xét mà cứ cố chấp trong tội, thì chúng ta sẽ phải trả lẽ cho đến đồng xu cuối cùng thưa anh chị em. Do đó, mỗi người phải điều chỉnh cách sống sao cho phù hợp với niềm tin của mình.
Thứ hai, nếu chúng ta tin có sự sống đời sau, thì mỗi người phải có can đảm và bản lĩnh để sẵn sàng hy sinh tất cả vì đức tin. Chúng ta bảo là chúng ta tin “ngày sau sẽ được hưởng hạnh phúc trên thiên đàng”, thế mà có nhiều người dám cả gan đặt bút ghi 3 chữ “không tôn giáo”, để được tăng lương, được thăng quan tiến chức. Có những người khác cũng tin như thế nhưng bỏ lễ bỏ lạy, không giữ luật kiêng việc xác trong ngày Chúa Nhật. Con em chúng ta cũng vậy, thà bỏ lễ bỏ học giáo lý chứ không bỏ học thêm học bớt. Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta rằng, coi chừng “được lời lãi cả thế gian mà mất phần linh hồn thì nào có ích gì”.
Tóm lại, một khi chúng ta tin là có sự sống đời sau, thì hãy biến tất cả những cái ở đời này thành cơ hội. để chúng ta tích lũy cho mình một kho tàng nhân đức ở trên trời; chứ đừng để những tham vọng, đừng để những cạm bẫy thế gian chôn vùi chúng ta mãi mãi ở cuộc sống tạm bợ này.
Ước gì một khi nhận ra được quê hương chúng ta ở trên Trời, mỗi người sẽ điều chỉnh bản thân để sống sao cho xứng đáng là một người con cái Chúa. Và xin cho tất cả chúng ta không làm điều gì đáng chê trách cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: THIÊN CHÚA LÀ CHÚA CỦA KẺ SỐNG
Nội dung chính của bài Tin Mừng là cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với nhóm Xađốc về việc người chết sống lại [hay sự phục sinh]. Chúng ta cần lưu ý rằng, bài Tin Mừng này nằm trong bối cảnh của những lời giảng trong Đền Thờ của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói, Đền Thờ là nơi những người Xađốc có vị trí quan trọng trong việc giảng dạy. Một trong những điều họ giảng dạy, được đưa ra tranh luận với Chúa Giêsu, là việc không có sự sống lại. Như chúng ta biết, nhóm Xađốc chỉ tin vào Torah được viết ra, chúng ta gọi là Ngũ Kinh. Họ dựa trên Luật được tìm thấy trong Ngũ Kinh để chứng minh rằng sự sống lại là một điều không thể xảy ra như câu chuyện họ dùng để minh hoạ: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” (Lc 20:28-33). Họ dựa vào Levirate Luật được tìm thấy trong sách Đệ Nhị Luật (25:5) để áp dụng vào một câu chuyện mang tính hư cấu nhằm đặt Chúa Giêsu vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan để cuối cùng phải chấp nhận giáo huấn của họ là không có sự sống lại.
Để trả lời cho vấn nạn trên, Chúa Giêsu đi theo hai bước: Bước thứ nhất, Ngài đưa ra sự khác biệt giữa sự sống đời này và đời sau. Theo Ngài, “con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20:34-36). Trong những lời này, Chúa Giêsu cho biết, chỉ có những người sống sự sống đời này mới cần đến việc sinh con đẻ cái hầu tiếp tục miêu duệ của mình khi họ chết. Điều này nói lên ước mơ trường tồn hay khát vọng sống vĩnh cửu của con người. Họ muốn sống mãi trong con cháu khi họ đã từ giã cõi đời. Còn những người sống lại từ cõi chết, vì không chết nữa nên họ không cần phải có con cháu để được nhớ đến và sống mãi. Bước thứ hai, Chúa Giêsu sử dụng biến cố Thiên Chúa hiện ra với Môsê trong bụi gai [dựa trên Ngũ Kinh], để chứng minh cho vấn đề kẻ chết trỗi dậy: “Thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Ápraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20:37-38). Những lời này cho chúng ta thấy trong Thiên Chúa, mọi khoảnh khắc đều là hiện tại. Ngài là Thiên Chúa của những gì hiện hữu, những gì đang sống. Trong Ngài không có sự chết, vì Ngài là Đấng ban sự sống. Ngài chính là sự sống. Khi chúng ta sống trong Thiên Chúa, chúng ta sẽ không phải chết. Điều chúng ta đang nói ở đây ám chỉ đến đời sống thiêng liêng. Có nhiều người trong chúng ta “sống mà như đã chết.” Họ là những người sống không yêu thương, không cảm thông và không tha thứ. Trái tim và thái độ sống của họ chỉ có sự chua chát, ghen tương và giận hờn. Còn những người sống trong Chúa, họ luôn hạnh phúc và có được niềm vui sâu kín trong tâm hồn dù phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Sống vui hay sống buốn, sống trong Chúa hay trong sự chết, đó là sự chọn lựa của chúng ta.
Lm. Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM: NIỀM TIN SỰ SỐNG LẠI VÀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU
Sự sống lại và sự sống đời sau là vấn đề luôn gây nhiều tranh cãi. Người không tin thì dựa vào kinh nghiệm và định luật vật chất để phủ nhận sự sống lại. Người tin thì dựa vào niềm tin và sự soi sáng trong tâm linh để xác quyết niềm tin của mình. Người không tin thì không có gì phải làm rõ thêm vì đối với họ chết là hết. Nhưng đối với những người tin có sự sống lại và sự sống đời sau thì phải tiếp tục làm rõ những bí ẩn kèm theo niềm tin ấy, chẳng hạn như người ta sẽ sống lại như thế nào; sự sống đời sau có khác gì sự sống đời này hay không; và có bao nhiêu sự sống đời sau? Mỗi tôn giáo, tín ngưỡng lại có câu trả lời riêng của mình và phần lớn là những câu trả lời rất khác nhau. Phần chúng ta, những Kitô hữu, nhờ mặc khải của Thánh Kinh, nhất là qua giáo huấn và chính kinh nghiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu và chúng ta xác quyết những điều căn bản sau.
Trước hết, chúng ta tin có sự sống đời sau. Con người không bước ra khỏi hư vô để rồi sẽ quay trở về hư vô qua cái chết. Một lần bước vào hiện hữu, họ sẽ mãi mãi hiện hữu. Cái chết không phải là dấu chấm hết cho hiện hữu của con người, nhưng chỉ là bước chuyển đổi cách thức con người hiện hữu. Sự sống chỉ thay đổi chứ không mất đi. Thay đổi vì khi đó, trong sự sống đời sau, chúng ta không còn lệ thuộc vào các yếu tố vật chất cũng như bị chi phối bởi các định luật không gian và thời gian. Chúng ta sẽ trở nên ngang hàng với các thiên thần. Không ai có thể miêu tả cụ thể về cuộc sống mầu nhiệm ấy. Chỉ có một điều chắc chắn là sự sống đó không phải là sự kéo dài đến vô tận sự sống đầy giới hạn của chúng ta ở đời này.
Thứ đến, chúng ta tin có sự sống lại - sự phục sinh của thân xác con người. Đa số các tôn giáo đều tin có một sự sống khác bên kia cái chết. Tuy nhiên, chỉ có Kitô giáo mới xác quyết sự phục sinh của thân xác. Chỉ có Kitô giáo mới tuyên xưng con người sẽ từ bụi đất sống lại. Xác tín ấy xuất phát từ kinh nghiệm gặp gỡ với Đấng Phục Sinh, Đấng vẫn mang trên thân xác phục sinh các vết thương của ngày khổ nạn, Đấng vừa quen vừa lạ, Đấng mà người ta chỉ có thể nhận ra qua tác động của đức tin và ân sủng.
Sau cùng, chúng ta tin sự sống đời này là cơ hội, là sự chuẩn bị cho sự sống đời sau và vì thế, sự sống đời này không có một giá trị tuyệt đối đến nỗi không thể bị đánh đổi. Một mặt, chúng ta yêu quý sự sống và thân xác này vì đó là quà tặng từ tình yêu của Thiên Chúa. Mặt khác, chúng ta không quá bám víu vào sự sống và thân xác này để rồi nó trở thành sức nặng khiến chúng ta không thể vươn đến sự sống tròn đầy và sung mãn hơn. Chúng ta không sống như thể chúng ta sẽ không chết hoặc sống chỉ để đợi chờ cái chết. Trái lại, chúng ta sống để chờ đợi ân phúc của sự sống lại và sự sống viên mãn đời sau.
Lạy Chúa, xin thanh luyện và củng cố niềm tin của chúng con vào sự sống đời sau, để chúng con biết sử dụng thời gian chúng con đang có cách đúng đắn và hiệu quả, hầu sinh ích cho phần rỗi đời đời của chúng con. Amen.
Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
SUY NIỆM: CÓ SỰ SỐNG LẠI
Sự sống, thân xác và tất cả những gì con người có được, đều là những món quà Thiên Chúa ban tặng, do đó, phải được bảo toàn và trân trọng. Chính cung cách sống và hành xử của con người trong cuộc sống hiện tại định đoạt số phận tương lai của họ: được cứu độ hay bị trầm luân đời đời. Bởi vì cuộc sống của con người không kết thúc với cái chết của thân xác trên trần gian này; sau khi chết, thân xác và linh hồn con người mới bắt đầu cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, một cuộc sống phục sinh, một cuộc sống hoàn toàn biến đổi.
Ðó cũng là sự thật Chúa Giêsu khẳng định khi trả lời cho một số người thuộc nhóm Sađốc, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Vào thời Chúa Giêsu, giới lãnh đạo Do thái chia thành nhiều nhóm khác nhau. Liên quan đến sự sống lại, số người thuộc nhóm Biệt phái thì tin rằng cuộc sống sau khi chết cũng giống như cuộc sống trước đó trên trần gian này, nghĩa là con người cũng ăn uống, buôn bán, sống đời vợ chồng, nhưng chỉ có sung sướng mà thôi; tuy nhiên, một số khác thì tin rằng cuộc sống sau cái chết là cuộc sống hoàn toàn biến đổi. Còn nhóm Sađốc thì không tin vào cuộc sống đời sau: đối với họ, chết là hết; họ dựa trên luật Do thái buộc người em phải lấy chị dâu để đảm bảo cho anh mình có con nối dõi tông đường, nếu người anh chết mà chưa có con. Họ đặt ra trường hợp bảy anh em nhà kia cùng lấy một người đàn bà và hỏi Chúa Giêsu: khi sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai? Chúa Giêsu khẳng định cuộc sống phục sinh hoàn toàn được biến đổi và không giống cuộc sống trên trần gian này như một số người Biệt phái tưởng nghĩ; do đó, mọi tương quan giữa con người với nhau cũng sẽ được biến đổi và tan hòa trong tương quan tình yêu thương của Thiên Chúa, cũng như mang sắc thái và chiều kích của tình yêu ấy, vì thế, mọi cách diễn tả và biểu lộ trong các liên hệ cuộc sống trần gian khi đó không còn ý nghĩa nữa.
Chúa Giêsu quả quyết có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích sự việc sẽ xẩy ra thế nào và khi nào sẽ xẩy ra biến cố sống lại, vì điều đó không quan trọng cho ơn cứu rỗi. Chẳng những có lời quả quyết của Chúa, chúng ta còn có một sự kiện cụ thể khác, đó là sự phục sinh của Chúa Kitô, đó là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về sự chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.
Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin vào sự sống lại và kiên trì hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu mai sau.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM: KIẾM CỚ GÂY CHUYỆN
Đức Giêsu đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa vì là con cái sự sống lại.” (Lc. 20, 34-36)
Những thượng tế, luật sĩ và các thủ lãnh dân chúng tìm cách tiêu diệt Đức Giêsu. Trước tiên, họ phải làm Người mất tín nhiệm trước mặt dân chúng. Vì Đức Giêsu hay dậy dỗ trong đền thờ, đây là dịp thuận tiện để họ đặt hàng chuỗi câu hỏi nóng bỏng để Người trả lời đưa đến chỗ gây chia rẽ thính giả và làm Người mất tín nhiệm.
Câu hỏi cạm bẫy
Phái Sa-đu-sê đại diện giai cấp quý tộc và chính trị, họ xa cách dân chúng và chỉ dựa vào Ngũ kinh. Họ không tin sự sống lại do sách Đa-ni-en đề xướng ra. Cuộc tranh luận về vấn đề này khá gay gắt. Ba mươi năm sau Đức Giêsu, thánh Phao-lô đã dùng vấn đề sống lại làm tấm bình phong gây hỏa mù giữa biệt phái và Sa-đu-sê.
Đức Giêsu dạy về nước trời và sự khẩn thiết phải ăn năn trở về để được sống đời đời. Giáo huấn này mất giá trị nếu người ta chết là hết. Sa-đu-sê đặt vấn nạn có ý chế nhạo kẻ tin vào sự sống lại và họ hy vọng đánh bại giáo huấn của Đức Giêsu.
Đó chỉ là trái pháo tịt ngòi
Đức Giêsu luôn luôn từ chối lối trả lời theo khôn ngoan thế gian, nhưng Người đứng trên bình diện khác để trả lời. Câu chuyện của Sa-đu-sê đặt ra là giả tưởng, không có thật. Sự sống đời sau khi sống lại không như nhiều người Do thái tưởng là sự nối tiếp sự sống đời này. Nhưng, “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ gả chồng, quả thật họ không thể chết nữa, vì họ được giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa”.
Đức Giêsu còn trưng dẫn sách Ngũ kinh như ông Mô-sê đã gọi: “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-sa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp, Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống”. Thiên Chúa là sự sống, Ngài ban và duy trì sự sống, ngay cả sau khi chết.
Kết luận thật rõ ràng để xác nhận có sự sống lại, vì ngay từ đầu cuộc sống công khai, Đức Giêsu đã lập đi lập lại: “Hãy trở về với Thiên Chúa và hãy ăn năn sám hối để Ngài ban cho anh em sự sống đời đời”.
RC