THỨ NĂM TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
Lc 21,20-28
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. 21 Bấy giờ, ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. 22 Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm. 23 Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó!”
Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này. 24 Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại.
25 “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. 26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”
SUY NIỆM:
Sứ điệp: Thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá, khắp địa cầu sẽ ngập sâu trong cảnh khốn cùng. Thiên Chúa sẽ thi hành án xử công minh dành cho kẻ khước từ Đức Kitô. Người Kitô hữu phải vững lòng cậy tin trông chờ ngày cứu thoát.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con run sợ vì những gì đã xảy ra cho thành Giêrusalem cũng như sẽ ập đổ xuống trên khắp địa cầu trong ngày thế mạt. Lời Chúa không nhằm để hù dọa con, nhưng là để cảnh giác lối sống của con hôm nay. Con mường tượng ra cảnh khốn khổ mai ngày, nhưng con vẫn an tâm thực hiện Lời Chúa, vì Chúa muốn con tỉnh thức cầu nguyện, ngẩng cao đầu giữ vững niềm tin và đợi trông ơn cứu rỗi.
Lạy Chúa, thực tế cuộc sống con hôm nay sẽ xác định con chọn lựa hay khước từ Chúa. Thời giờ Chúa ban, con dành cho Chúa trọn vẹn hay chỉ để chiều theo những sở thích riêng mình ? Tiền bạc, địa vị, chức quyền, cùng những may mắn con đang có là cơ hội giúp con hăng hái rao giảng Tin Mừng hay chỉ để sung sướng cho bản thân con ? Con có vì Chúa mà quyết tâm chừa tội và đi đàng nhân đức chăng ?
Lạy Chúa, Đấng quyền phép và công minh, xin giúp con mạnh mẽ quyết tâm sống một đời vững tin, trung kiên giữ luật Chúa, cương quyết xa đàng tội và chăm lo lãnh nhận các bí tích thần thiêng của Chúa, và cùng với anh chị em làm sáng Danh Chúa trước mặt mọi người. Xin giúp con luôn nhớ rằng ngày tận cùng của con đang được định đoạt từ hôm nay. Con trông cậy Chúa, xin cứu giúp con. Amen.
Ghi nhớ: “Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho các dân ngoại chấm dứt”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM:
A- Phân tích (Hạt giống...)
Tiếp tục diễn từ chung luận:
- cc.20-24: Chúa Giêsu lại nói về ngày thành Giêrusalem bị tàn phá.
- cc.25-28: sau đó lại chuyển sang ngày tận thế và quang lâm. Tất cả những thế lực mà xưa nay người ta dựa vào vì coi là vững chắc (mặt trời, mặt trăng, tinh tú, biển...) đều bị lay chuyển để nhường cho quyền lực của Con Người lên ngôi. Trước tình huống đó, “muôn dân” (tức là những kẻ không có đức tin) sẽ lo sợ đến hồn siêu phách lạc, vì chỗ dựa của họ đã bị lung lay. Nhưng các môn đệ Chúa thì hãy vui mừng và ngẩng đầu lên chờ đợi Chúa ngự đến.
B- Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Năm 70 sau công nguyên, tướng Titus của đế quốc La Mã đem quân bình địa Giêrusalem... Đền thờ Giêrusalem biểu trưng của niềm tin tôn giáo như lời tiên báo của Chúa Giêsu đã “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”... Tuy nhiên, nếu người Do Thái thương khóc cho một quê hương đổ nát, thì các Kitô hữu lại hân hoan ra đi truyền bá Phúc Âm cho các dân tộc khác; sự sụp đổ của thành Giêrusalem đã giúp cho họ nhận ra tính công giáo của Kitô giáo. Nước Thiên Chúa đến bằng chính những gì mà con người cho là đổ nát, mất mát. Đó là cái nhìn Chúa Giêsu muốn mời gọi các tín hữu tiên khởi phải có. (Trích: “Mỗi ngày một tin vui”)
2. Ai dựa vào những thế lực vật chất và thế gian thì khi sắp chết sẽ hoảng sợ vì những thế lực đó bị sụp đổ. Còn kẻ nào dựa vào Chúa thì khi chết sẽ vui mừng, vì họ biết mình sắp được về với Ngài.
3. Lời tâm sự của một người mẹ: Từ nhỏ tôi đã sợ chết, nhưng khi đứa con yêu dấu của tôi chết thì tôi không còn sợ nữa. Đó là nhờ câu chuyện ngụ ngôn vị Linh mục chủ sự lễ an táng đã giảng. Câu chuyện như sau:
Người mục tử dẫn đàn chiên đến một dòng suối để sang cánh đồng cỏ bên kia. Suối không sâu nhưng nước chảy mạnh nên chẳng con chiên nào dám bước xuống. Người mục tử không la hét, không dùng roi để lùa đàn chiên qua suối. Ông chỉ nhẹ nhàng bồng một con chiên con rồi bước xuống, đi qua phía bên kia. Con chiên mẹ thấy con mình đã đi qua suối được nên an lòng bước theo. Sau đó, cả đàn chiên bước qua suối nước, sang bờ bên kia, nơi có sẵn một đồng cỏ xanh rì.” (Sunday School Time).
4. Qua bài trích Phúc Âm, ta nhìn ra đường lối Chúa thật lạ lùng: Chúa thấy trước những tai hoạ sắp đổ xuống dân mình với cả những người đáng thương đang mang thai hoặc cho con bú, nhưng Chúa không đẩy tai hoạ đi giùm. Chúa không giải phóng dân Người ngay lúc đó. Chúa dành ra “một thời của dân ngoại”, mặc sức họ tung hoành.
- Trong nếp sống đạo đức của ta hình như cũng có thể có những lúc tương tự. Không biết có phải vì tội ta hay vì lý do nào khác nữa mà muôn thứ thử thách đổ dồn trên đầu ta làm ta tối tăm mắt mũi. Mọi sự trên trời dưới đất, mọi biến cố hầu như đều chống lại ta.
- Từ đáy vực thẳm đen tối đó, có lẽ thái độ tốt nhất là ta nhìn ra được lời Chúa mời gọi ta sám hối trở về với Ngài. Và sau đó với lòng phó thác và biết ơn, chúng ta “hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì chúng ta sắp được cứu rỗi”.
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
SUY NIỆM: HÃY ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG ĐẦU LÊN
Thánh nữ Catarina sống vào thời Giáo hội sơ khai. Ngài là con gái của một gia đình dân ngoại giàu có ở thành Alêxanđria, nước Ai Cập. Thánh nữ là một cô gái rất đẹp và rất ham thích việc học hành. Catarina Alêxanđria say mê nghiên cứu những vấn nạn sâu xa của triết học và tôn giáo. Một ngày kia, thánh nữ Catarina Alêxanđria bắt đầu đọc các sách viết về Kitô giáo. Và chẳng bao lâu, Catarina Alêxanđria trở thành Kitô hữu.
Thánh nữ Catarina Alêxanđria được 18 tuổi khi hoàng đế Maxentiô bắt đầu bách hại các Kitô hữu. Rất mực can đảm, Thánh nữ đáng yêu này đã đến nói cho nhà vua biết về sự độc ác của ông. Khi ông vua này bàn về các tà thần, Catarina đã minh nhiên chỉ cho ông thấy các thần ấy là giả tạo. Maxentiô không thể lý giải được các vấn nạn của Catarina; và vì thế, ông đã triệu vời 50 triết gia ngoại giáo hảo hạng nhất đến để đối phó với Catarina.
Một lần nữa, Catarina lại làm sáng tỏ chân lý của đạo Công giáo. Tất cả 50 triết gia này đều phải công nhận rằng Catarina có lý. Hết sức tức giận, Maxentiô đã cho lính giết chết từng người trong họ. Sau đó, ông cố gắng chinh phục Catarina bằng cách tặng cho Thánh nữ chiếc vương miện hoàng hậu. Khi biết Catarina Alêxanđria nhất mực từ chối, ông liền sai quân lính đánh đòn và tống giam Catarina vào ngục.
Đang lúc Maxentiô cắm trại ở nơi xa, vợ ông và một viên sĩ quan đã tò mò đến nghe cô bé Kitô hữu lạ lùng này thuyết giảng. Họ đã tới bên phòng giam của Catarina Alêxanđria. Kết quả là họ cùng 200 lính canh khác đã được ơn trở lại. Vì chuyện này, hết thảy cả bọn đã bị Maxentiô lên án tử. Bản thân Catarina thì bị đặt trên một bánh xe đầy đinh nhọn để chịu hành hình. Thế nhưng khi bánh xe bắt đầu quay, thì lạ lùng thay, nó cứ bị bật ra. Sau cùng, Catarina Alêxanđria bị trảm quyết. Thánh nữ được tôn tặng danh hiệu là Thánh bổn mạng của các triết gia Công giáo.
Thánh nữ Catarina Alêxanđria đã trân quý vẻ đẹp của niềm tin Kitô giáo. Đó là lý do thánh nữ có thể thuyết phục cách hiệu quả những người khác tôn giáo cùng tin theo đạo. Chúng ta hãy nài xin Thánh nữ Catarina Alêxanđria giúp chúng ta tăng triển lòng yêu mến đối với các chân lý đức tin như ngài.
Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của Năm Phụng Vụ. Đây là thời điểm cần thiết nhắc nhớ chúng ta về ngày tận cùng của vũ trụ, và cũng giới thiệu cho chúng ta về một Trời Mới Đất Mới, nơi Đức Kitô sẽ làm Vua cai trị muôn đời.
Tin Mừng hôm nay loan báo những gì sẽ xảy ra trước ngày Con Người quang lâm. Một Giêrusalem tráng lệ nguy nga, là vinh dự của dân Israel cũng sẽ bị vây hãm, bị tàn phá “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”. Bởi lẽ, Giêrusalem trên trời mới đích thực là tồn tại vĩnh cửu và không một thế lực nào có thể vây hãm được.
Israel vẫn tự hào là dân riêng của Giavê, được Ngài chở che phù hộ, nhưng vì sự bất trung của họ mà cơn thịnh nộ đã giáng xuống dân này (c.23b). Họ sẽ bị đi đày khắp các dân nước và Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo (c.24). Kinh nghiệm của Israel làm thức tỉnh chúng ta hãy nỗ lực sống xứng đáng hơn với tình yêu Chúa, để luôn luôn được Ngài nâng đỡ phù trì giữa bao hiểm nguy sóng gió của cuộc đời.
Trước Ngày của Con Người, sẽ có những điềm lạ xảy ra (c.25). Điềm lạ phải chăng là những dấu chỉ thời đại mà Chúa muốn cảnh tỉnh chúng ta trước Ngày của Người? “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (c.28) là sứ điệp của Đức Kitô nhắn gởi mỗi chúng ta hôm nay. Vậy chúng ta phải chuẩn bị thế nào ngay từ bây giờ, để có thể “đứng thẳng” và “ngẩng đầu” thật sự khi Ngài ngự đến?
Chuẩn bị bằng tâm tình tin yêu phó thác với một tâm hồn trong sạch, luôn tha thiết hướng về Quê Hương Thiên Quốc, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Chuẩn bị bằng cuộc sống yêu thương chan hòa và sẵn sàng phục vụ mọi người, vì Vua Kitô sẽ ân thưởng hay giáng phạt chúng ta chỉ dựa vào mối tương quan tình yêu này. Ý thức mọi sự vật đều sẽ qua đi theo thời gian, nên chúng ta sống một tinh thần thanh thoát với những gì thuộc trần thế, để chỉ tích lũy kho tàng trên trời, nơi mối mọt không đục khoét và kẻ trộm không thể lấy mất. Sống giữa một thế giới đầy hưởng thụ này, người môn đệ của Chúa phải lội ngược dòng để có thể trung thành với sứ điệp Tin Mừng.
Đức Kitô cũng đã trải qua cuộc hành trình dương thế với bao gian nan thử thách để có thể chu toàn thánh ý Chúa Cha. Và Ngài đã thành công bằng con đường khổ giá. Đấy là con đường duy nhất mà chúng ta cần dõi theo bước Ngài để chuẩn bị đón chờ Ngài đến trong ngày quang lâm
Chính trong tâm tình luôn sẵn sàng cho ngày Chúa quang lâm, chúng ta nghe lời của thánh Phaolô khuyên: “Về ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, tôi xin anh em điều này: Nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mạc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ” (Tx 2,1-2).
Luôn sống như thánh Giacôbê xác quyết: “Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới” (Gc 5,8). Bền tâm vững chí trong từng bước của cuộc đời như Chúa phán: “Ngươi hãy giữ lòng trung thành cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống” (Kh 2,10c), như thánh Phaolô quả quyết: Vào ngày của Người, Thiên Chúa sẽ đội mũ công chính cho những kẻ đã yêu mến Người (2Tm 4,7-8) .
Huệ Minh
SUY NIỆM: NGÀY QUANG LÂM CỦA ĐỨC KITÔ
Ngày 19/11/2015, Báo điện tử baomoi.com đưa tin rằng: “Tin đồn lan rộng nhất và gây ảnh hưởng lớn nhất đến người dân Trái đất có lẽ là tin đồn về Ngày tận thế 21/12/2012. Người ta thực sự sợ hãi vì tin rằng đây là ngày diệt vong của hành tinh xanh.
Xuất phát điểm của tin đồn là theo lịch của người Maya - một trong những nhóm người nổi tiếng nhất với khả năng tiên đoán tương lai và các thành tựu khoa học công nghệ, thì ngày cuối cùng xuất hiện trên lịch là ngày 21/12 hay nhân loại sẽ diệt vong vào ngày này.
Tin đồn này gây ảnh hưởng lớn đến nỗi nhiều người đã bán hết tài sản để tận hưởng "những ngày cuối cùng của cuộc đời", mua sắm đồ đạc cứu trợ hay tìm chỗ trú ẩn trước khi thảm họa xảy ra.
Tuy nhiên, thấp thỏm là vậy nhưng cuối cùng ngày tận thế vẫn không tới và nhân loại tiếp tục phát triển đến ngày nay.
Mặc dù ngày tận thế không xảy ra nhưng đây là dịp để loài người xem lại hành vi của mình với Thiên Chúa, với thế giới xung quanh và với chính bản thân của mình.
Hôm nay, bài Tin mừng thuật lại biến cố Giêrusalem sẽ bị các quân thù bao vây và tàn phá. Đó là ngày tàn của Giêrusalem - Ngày mà người dân Israel phải chạy trốn hết, vì là những ngày báo oán.
Tất cả đã xảy ra đúng như lời tiên báo của Chúa Giêsu. Năm 70 thành Giêrusalem bị thất thủ và bị đốt phá bình địa. 90,000 người Do thái bị bắt làm nô lệ.
Lời Chúa hướng chúng ta đến ngày Chúa quang lâm, con người phải đối diện với những điều sợ hãi, khủng khiếp: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển.”
Tuy ngày quang lâm chưa đến, nhưng đó cũng là lời cảnh báo toàn thể nhân loại và vũ trụ này. Con người cần phải chuẩn bị và tập trung vào cuộc quang lâm của Ðức Kitô.
“Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả.”
Trường hợp gia đình ông Noel chuẩn bị đóng con tàu lớn để tránh cơn đại hồng thủy lịch sử là việc chuẩn bị quan trọng, nhờ đó, ông, gia đình và cả gia sản ông được an toàn, bình an.
Việc chuẩn bị tốt nhất là con người cần phải trung thành với đường lối của Thiên Chúa.
Thành Giêrusalem bị tàn phá là do hậu quả của việc Israel nhiều lần chạy theo các thần ngoại bang mà lãng quên Thiên Chúa, bởi vì cả dân thành Giêrusalem đã từ chối lãnh nhận ơn cứu rỗi mà Đức Giêsu mang đến. Tội lỗi của loài người gây nên nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến cuộc sống và sự chết của nhân loại chúng ta. Tội lỗi là một thảm kịch chung không chừa một ai.
Đối với chúng ta hôm nay, chúng ta phải làm gì để được cứu rỗi và được xứng đáng hưởng đón Chúa đến trong ngày quang lâm?
Cách tốt nhất của chúng ta, đó là đừng quá dửng dưng và lơ là trước những lời cảnh báo của Chúa về ngày quang lâm, và hãy sống niềm hy vọng.
“Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến".
Chúa sẽ trở lại mang niềm vui và ơn cứu rỗi loài người chúng ta nếu biết đón nhận Ngài, tin vào Ngài, sống theo lời dạy trong Tin Mừng và hết lòng tuân giữ Luật Chúa qua các Giới răn Ngài truyền dạy.
Ngày Chúa quang lâm còn thúc đẩy chúng ta nghĩ đến lòng sám hối và thanh tẩy tội lỗi. Bởi vì trong cuộc sống, chúng ta đã chất lên mình quá nhiều tham vọng, quá nhiều ước muốn thấp hèn, quá nhiều dục vọng xấu xa, quá nhiều việc làm hại đến người khác…Chúng ta cần được biến đổi con người và cuộc sống. Chúng ta sẽ nhận được ơn tha thứ do lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi nhân hậu. Cuộc sống mới trong vinh quang nơi Thiên Chúa hằng sống sẽ là tương lại của tất cả chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con nhận ra sứ điệp Lời Chúa dạy hôm nay quan trọng cho vận mệnh của chúng con mai sau. Xin Chúa ban cho chúng con một đức tin vững mạnh và lòng yêu mến Chúa nhiều hơn nữa bằng việc tuân giữ luật Chúa truyền dạy, để chúng con luôn đi theo đường lối của Chúa. Từ đó, giúp chúng con sống và tỉnh thức hơn, để chuẩn bị cho xứng đáng đón Chúa đến trong ngày sau hết. Amen.
Lm. Duy Khang
SUY NIỆM: VỮNG TIN
Con người ngày nay phải đối diện với những rủi ro từ nhiều phía: từ thiên nhiên như bão tố, động đất, sóng thần, núi lửa phun trào; và từ con người như nạn phá rừng, ô nhiễm không khí, nguồn nước… là những hệ quả của cuộc cách mạng công nghiệp và khoa học. Đứng trước những thực tại đó, con người thấy cuộc sống thật mong manh và tự hỏi, thế giới này sẽ đi về đâu?
Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta suy tư về ngày cánh chung. Có vẻ như những gì Đức Giêsu diễn tả trong bài Tin Mừng đã và đang xảy ra trên thế giới chúng ta đang sống. Thành Giêrusalem thì đã bị quân đội Rôma san bằng “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”; nạn đói và chiến tranh, khủng bố vẫn tiếp tục xảy ra tại lục địa đen Châu phi và Trung Đông; những trận bão, sóng thần, động đất liên tục xảy ra và ngày càng có xu hướng mạnh hơn so trước đây. Chúa muốn nói gì với chúng ta qua những biến cố đó?
Tất cả những dấu chỉ đang xảy ra từng ngày là một thông điệp của Thiên Chúa cho con người, rằng thế giới này sẽ có ngày kết thúc; rằng không có gì vĩnh cửu trong cuộc sống này; rằng tất cả những ai vững tin vào Chúa Kitô và Tin Mừng của Người thì không phải hoang mang, lo sợ, nhưng hy vọng vì Người đã hứa sẽ trở lại.Và tất cả những ai đặt trọn niềm tin vào Người thì có thể “đứng thẳng và ngẩng đâu lên” vì giờ cứu rỗi đã gần đến.
Lạy Chúa, giữa những dấu chỉ của cuộc sống xin cho chúng con nhận ra Ngài vẫn luôn hiện diện giữa chúng con. Xin ban cho chúng con một đức tin mạnh mẽ để qua những biến cố xảy ra trong cuộc sống chúng con vẫn luôn xác tín rằng Ngài vẫn luôn đồng hành với mỗi người chúng con trong mọi giây phút của cuộc sống. Amen.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn