THỨ HAI TUẦN VI PHỤC SINH NĂM C Ga 15,26-16,4

Thứ bảy - 24/05/2025 10:39
THỨ HAI TUẦN VI PHỤC SINH NĂM C
Ga 15,26-16,4

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
26Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. 27Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.
1Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. 2Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.
3Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 4Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.

SUY NIỆM 1: CHÚA THÁNH THẦN, NGƯỜI BẠN ĐƯỜNG THIÊNG LIÊNG
Có lần vị tông đồ trưởng Phêrô hỏi Chúa Giêsu như thế này: “Thưa Thầy, chúng con bỏ hết mọi sự mà đi theo Thầy thì chúng con sẽ nhận lại được điều gì?”. Và Chúa Giêsu đã trả lời một cách dứt khoát như sau: “Các con sẽ được gấp trăm ở đời này và hạnh phúc cửu ở đời sau”. Đó là phần thưởng mà chính Chúa Giêsu đã hứa ban cho những ai chấp nhận tất cả vì danh Ngài và làm chứng cho Ngài.
Tuy nhiên, trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cho biết, để có thể xứng đáng nhận được phần phúc ấy, thì người môn đệ phải trải qua 1 thách đố vô cùng nghiệt ngã, đó là: “Người ta sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường, họ sẽ giết anh em vì nghĩ rằng đó là cách thức phụng thờ Thiên Chúa”.
Dầu vậy, Chúa Giêsu  mời gọi các tông đồ đừng sợ, vì Ngài sẽ ban cho các ông Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần, là Thần Khí sự thật để bảo vệ và hoạt động với các Tông đồ.
Đúng như những gì mà Chúa Giêsu đã tiên báo, sau khi được Chúa Giêsu phục sinh trao ban Chúa Thánh Thần, các tông đồ đã mở tung cánh cửa nhà tiệc ly sau bao nhiêu ngày đóng kín vì sợ hãi. Các ngài đã trở nên những con người đầy can đảm và nhiệt thành ra đi loan báo Tin mừng Chúa đã phục sinh. Ngay cả khi đối diện với bắt bớ và tù đày, các tông đồ vẫn mạnh dạn thưa lên: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi”.
Ngày nay, Chúa và Giáo Hội đang rất cần nơi mỗi người kitô hữu chúng ta lòng nhiệt thành và sự can đảm như thế thưa anh chị em.
Dẫu biết rằng vì mang danh kitô hữu nên anh chị em phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội này, từ học tập, làm ăn đến việc thăng tiến bản thân, và ngay cả quyền tự do thờ phượng Chúa. Nhưng Chúa Giêsu khuyên chúng ta “đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không làm gì được linh hồn” của chúng ta.
Chúa Thánh Thần luôn ở bên chúng ta, anh chị em hãy xin Ngài ban cho được ơn khôn ngoan, ơn thông hiểu, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông minh, ơn đạo đức và ơn biết kính sợ Chúa, để có thể giữ đạo, sống đạo, loan truyền đạo và sẵn sàng trả lời cho những ai chắc vấn niềm tin của anh chị em.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với anh chị em trên mọi nẻo đường. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 2: THÁNH THẦN – ĐẤNG BỊ LÃNG QUÊN
Trước khi hoàn tất sứ vụ tại trần gian để về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu đã trấn an các tông đồ, giúp các ông không quá lo lắng và buồn sầu vì sự ra đi của Người. Đức Giêsu cho biết, Chúa Thánh Thần – Đấng phát xuất từ Chúa Cha, sẽ đến trần gian tiếp tục công việc của Người. Chúa Thánh Thần là Đấng Chân Lý, đến nâng đỡ và bảo trợ cho các ông. Quả thật, nếu không có Chúa Thánh Thần, các tông đồ vẫn là những con người khờ dại, kém tin và sợ sệt thuở nào. Tuy nhiên, khi đón nhận Chúa Thánh Thần, các ông trở nên những người mạnh mẽ, can đảm, uyên thâm và dám chấp nhận tất cả, kể cả cái chết để làm chứng cho điều mình loan báo là có thật, đáng tin.
Qua bí tích Rửa tội và Thêm sức, mỗi người chúng ta cũng lãnh nhận Chúa Thánh Thần như các tông đồ lãnh nhận năm xưa. Nhưng chúng ta có thực sự để Chúa Thánh Thần tác động và hướng dẫn chúng ta không? Nhìn lại đức tin của mỗi người thử xem! Đời sống đạo của chúng ta có tốt hay không còn phụ thuộc vào mối tương quan của chúng ta với Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta không có ơn của Chúa Thánh Thần, thì không ai trong chúng ta có thể theo Chúa Giêsu, và chúng ta sẽ gục ngã trước những khó khăn thử thách. Chỉ khi nào chúng ta ở “trong Thần khí”, chúng ta mới có thể nhận biết Chúa, tuyên xưng và làm chứng cho Chúa. Nghe, tin và sống theo Chúa Thánh Thần chính là mời gọi chúng ta chấp nhận từ bỏ cái tôi của mình, từ bỏ con đường, cách sống và hành vi cũ, chấp nhận lột xác, lội ngược dòng, trở nên con người mới để được biến đổi như các môn đệ khi xưa. Hơn nữa, hoa quả của việc biến đổi này được thể hiện bằng chính đời sống bác ái, yêu thương của chúng ta đối với tha nhân.
Trong bài đọc một, trích sách Công vụ Tông đồ, kể cho chúng ta về bà Ly-dy-a và gia đình của bà được ơn biến đổi. Cả nhà của bà cùng gia nhập đạo, chịu phép rửa là do đâu? Đó chẳng phải là một thái độ ngoan ngùy, mở lòng để Thần Khí hướng dẫn sao?
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy nhớ và năng chạy đến với Chúa Thánh Thần, Đấng vẫn hằng có sát bên cạnh mình, nhưng chúng ta thường quên. Chúng ta quên Ngài đến nỗi nhiều khi chúng ta đọc hay hát kinh Chúa Thánh Thần, mà vẫn không nghĩ tới Ngài. Và bởi vì quên Ngài, không nghĩ tới Ngài, nên chúng ta thường bị rơi vào tâm trạng cô đơn, buồn chán, lo âu, sợ sệt, ngã lòng...
Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, nhiều khi chúng con cảm thấy Thánh Thần xa lạ, đang khi Ngài thật là một người bạn, người thầy của chúng con. Ngài luôn ở bên và ở trong chúng con. Ngài cần cho đức tin của chúng con, giống như hơi thở cần cho sự sống. Chính nhờ có Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng con mới dám cầu nguyện và mới cảm nghiệm được sự ngọt ngào của Lời Chúa. Cũng chính nhờ Chúa Thánh Thần tác động mà Hội Thánh không ngừng canh tân đổi mới.
Xin Đấng Phục sinh ban Thánh Thần như cơn gió mạnh, thổi đi mọi nỗi âu lo sợ hãi, cùng những rụt rè khép kín trong tâm hồn chúng con. Xin thắp sáng ngọn lửa tin yêu trong lòng chúng con, để chúng con có thể chu toàn trách vụ với một trái tim bừng cháy lửa mến yêu. Xin ban cho chúng con sự sống của Chúa Thánh Thần, để chúng con luôn mến Chúa và yêu tha nhân. Nhờ đó, chúng con trở thành khí cụ bình an của Chúa, và tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa cho tha nhân. Amen.
Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP

SUY NIỆM 3: THẦN CHÂN LÝ SẼ LÀM CHỨNG VỀ THẦY
Khi đến “giờ Chúa Giê-su qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha” (Ga 13, 1). Người đã mạc khải cho các môn đệ về Chúa Thánh Thần. Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra với các môn đệ “thổi hơi” và nói : “Hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22 )… thế là Chúa Thánh Thần đến làm cho họ tràn ngập niềm vui, kẻ ưu sầu vui sướng hân hoan, đúng như lời Người nói là biến “sự ưu phiền của các ngươi sẽ trở thành niềm vui” (x. Ga 16, 20).
Chúa Thánh Thần được Chúa Ki-tô Phục Sinh gửi đến trên các môn đệ như khai mở một cuộc sáng tạo mới. Qua các vết thương dấu đinh hằn trên thân thể: “Người cho họ thấy tay chân và cạnh sườn Người. Các môn đệ mừng rỡ, vì được thấy Chúa” (Ga 20, 20). Đó là chứng tích của những vết thương nhưng đầy tình yêu mến.
Việc cử Chúa Thánh Thần đến không thể xảy ra mà không có thập giá và sự sống lại như lời Người nói: “Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra” (Ga 15, 26). Sứ mạng của Chúa Con một nghĩa nào đó được thực hiện trong sự cứu chuộc và sứ mạng của Chúa Thánh Thần: “Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng” (Ga 15, 26 – 27). Ơn cứu chuộc được thực hiện hoàn toàn do Chúa Con là Đấng được xức dầu đã đến trong thế gian và hoạt động bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, khi dâng chính thân mình làm lễ hy thật trên bàn thờ thập giá, và sự cứu chuộc không ngừng được hoàn tất trong trái tim, trong lòng nhân loại và trong lịch sử của thế giới, nhờ Chúa Thánh Thần là “Thần Chân lý” (Ga 15, 26).
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến dạy dỗ chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

SUY NIỆM 4: CÁC CON SẼ LÀM CHỨNG CHO THẦY
1. Do thái giáo coi Đức Giê-su là một kẻ lộng ngôn phạm thượng và các Ki-tô hữu là những người phản bội Do thái giáo. Do đó họ giết Đức Giêsu, bắt bớ các Kitô hữu. Đức Giêsu đã báo trước điều đó cho các môn đệ biết: ”Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa”.
Nhưng đồng thời Đức Giê-su trấn an họ: Chúa Cha sẽ sai Chúa Thánh Thần đến. Chúa Thánh Thần là Đấng Phù Trợ: Ngài sẽ che chở và bênh vực các môn đệ trong cơn bắt bớ và Chúa Thánh Thần là Đấng làm theo đúng ý Chúa Cha.
2. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dùng chữ Parakletos để chỉ Chúa Thánh Thần. Parakletos chữ Hy lạp, chỉ một nhân vật có thế giá đến đứng bên cạnh người bị cáo trong một phiên tòa. Khi nhân vật thế giá này đứng bên cạnh người bị cáo thì tình hình sẽ đổi khác rất nhiều.
Có Đấng Parakletos (Đấng Phù Trợ) đứng bên cạnh thì môn đệ của Chúa  không còn phải bơ vơ giữa thế gian, như những con chiên giữa bầy sói dữ nữa. Đấng Phù Trợ sẽ:
Hỗ trợ tinh thần khi họ cảm thấy cô đơn,
An ủi trong những lúc đau buồn,
Che chở họ những khi họ bị nguy hiểm,
Vạch cho họ thấy những cạm bẫy xảo quyệt mà thế gian giăng ra hại họ,
Dạy cho họ biết cách làm, cách nói để khỏi bị thế gian bắt bẻ,
Và cuối cùng, là đích thân bảo vệ họ (Carolô).
3. Đức Giê-su hứa sẽ gửi Đấng phù trợ đến. Nhưng công việc của Đấng phù trợ sẽ không là gì khác ngoài việc làm chứng về Đức Giê-su. Để rồi một khi  lòng tin vào Đức Giê-su được vững mạnh, các Tông đồ sẽ là nhân chứng của Thầy. Họ sẽ làm chứng không những về các hành động của Đức Giê-su mà còn cả ý nghĩa các việc làm của Ngài nữa. Đấng phù trợ là Thần Chân lý đến từ Cha, sẽ cho họ thấy  công việc phải làm và con đường phải đi. Chắc chắn họ sẽ không tránh khỏi sự bách hại.
Đức Giê-su biết trước điều này, Ngài không ra tay ngăn cản, nhưng chỉ tiên báo cho họ biết,  bởi vì có Đấng phù trợ ở với họ và sự bách hại sẽ là lời chứng hùng hồn nhất. Trong bách hại, người môn đệ sẽ tỏ lòng trung thành đối với Thầy. Nhờ bách hại, họ sẽ trở nên giống Thầy, Đấng đã bị bắt bớ và bị giết trên Thập giá (Mỗi ngày một tin vui).
4. Chúng ta thấy, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Hiện xuống, cuộc đời của các Tông đồ đã thay đổi toàn diện, từ những người chậm hiểu, hèn nhát, hám danh, ham sống sợ chết, Chúa Thánh Thần đã biến đổi các ông thành những chứng nhân nhiệt thành, tận tâm, can trường, coi thường gian ngay, không thể làm thinh không nói những điều đã nghe, đã biết. Mọi gian khổ, đe đọa, tù ngục, không làm cho các ông thoái lui; trái lại, hết mọi Tông đồ đều lấy máu đào làm chứng cho lời các ông truyền giảng và sẵn sàng chết để tuyên xưng đức tin vào Đức Ki-tô. Như vậy, muốn làm chứng về Đức Giê-su, phải có kinh nghiệm bản thân về Ngài, và dựa vào quyền năng của Thánh Thần.
5. Nói đến truyền giáo, chúng ta thường nghĩ đến các linh mục thừa sai đến rao giảng Tin Mừng cho chúng ta. Nhưng sứ mạng truyền giáo bắt nguồn từ Chúa Cha khi sai Con Một Ngài là Đức Giê-su loan báo cho nhân loại biết  tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, để “ai tin thì được cứu độ” (x. Ga 3,36).
Để chứng thực cho sứ mạng của mình, Đức Giê-su nói Ngài có Thánh Thần làm chứng. Quả thật, Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, làm chứng bằng cách tác động bên trong con người giúp họ hiểu biết và đón nhận Tin Mừng cứu độ của Chúa Cha  được Đức Giê-su loan truyền. Hạnh phúc cho Hội Thánh khi được Thiên Chúa không chỉ cứu độ nhưng còn tuyển chọn để tham dự vào sứ mạng truyền giáo của Thiên Chúa. Chỉ trong Chúa Thánh Thần, Hội thánh mới có khả năng thực hiện sứ mạng ấy (5 phút Lời Chúa).
6. Tóm lại, làm chứng cho Đức Giê-su, chúng ta không nên chờ đợi sự dễ dàng nhưng phải sẵn sàng mang lấy cuộc thương khó của Đức Giê-su nơi thân mình, sẵn sàng đón nhận sự chống đối thù hận của những kẻ không biết Thiên Chúa Cha và cũng không biết Đức Giê-su. Trong sự yếu đuối mỏng dòn của chính bản thân, chúng ta luôn cảm nghiệm sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện qua chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần hiện diện trong chúng ta. Chính Ngài làm chứng cho Đức Giê-su và chúng ta  cần để mình chìm sâu trong sức mạnh của Ngài để cùng với Ngài làm chứng cho Chúa.
7. Truyện: Cần spirit of master trong tác phẩm.
Cha Paul Wharton có kể lại câu chuyện: Một chàng thanh niên trẻ xin học một người thợ cả tài năng chuyên làm những bức tranh kiếng mầu như chúng ta thấy tại các nhà thờ Âu Mỹ. Sau thời gian thụ huấn cần thiết, người học trò vẫn không thể đạt được những tác phẩm mang dấu ấn như thầy. Anh nghĩ có lẽ dụng cụ làm việc của thầy đặc biệt hơn nên anh xin thầy cho mượn dụng cụ của thầy.
Sau bảy tuần lễ, chàng trai đến nói với sư phụ: ”Thưa thầy, con không thể làm được bất cứ tác phẩm nào đẹp đạt được với những dụng cụ mà thầy đưa”. Vị sư phu điềm đạm trả lời: ”Không phải dụng cụ của thầy mà con cần  để làm nên tác phẩm, nhưng đó là “spirit of master you need”, chúng ta có thể hiểu đó là “tinh thần, linh hồn, nghị lực” của người thầy mà người học trò cần phải có (Theo Discipleship, Stories and Parables, Paulist Presse).
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

SUY NIỆM 5: MỘT PHẦN KHÔNG THỂ THIẾU
“Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường!”.
Ngày kia, Paul Rader thăm đấu trường Colosseum, nơi các Kitô hữu đầu tiên bị thú ăn thịt. Ông viết, “Tôi ngước nhìn lên trời, nơi Chúa Cha đang ngồi chứng kiến các con cái Ngài vui mừng chờ đợi cái chết. Các Kitô hữu quỳ ngay trước ngưỡng thiên đàng, bùi ngùi hớn hở khi biết rằng, họ sắp về nhà Cha! Không tài sản nào có thể níu chân họ. Tử đạo, nhất định là ‘một phần không thể thiếu’ trong đời sống của một chứng nhân!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Tử đạo, ‘một phần không thể thiếu’ trong đời sống của một chứng nhân!”. Tin Mừng hôm nay báo trước điều đó! Biết mình sắp về cùng Cha, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ những gì sắp xảy đến, “Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường!”. Và còn hơn thế!
Rất có thể, khi nghe nói về việc sẽ bị khai trừ khỏi hội đường; thậm chí bị giết, thì với các môn đệ, điều này có thể vào tai này, ra tai kia. Hoặc những lời này có thể khiến họ khó chịu đôi chút; cũng rất có thể, họ chỉ nghe mà không quá lo lắng! Đó chính là lý do tại sao Chúa Giêsu nói, “Thầy đã nói với các con những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, các con nhớ lại là Thầy đã nói với các con rồi!”. Và chúng ta có thể tin chắc, vào thời điểm bị bách hại, các môn đệ đã bình tĩnh và can đảm hơn nhiều trước những gì đang chờ đợi họ - thập giá - ‘một phần không thể thiếu’ mà Chúa Giêsu đã báo trước. Để rồi, điều này giúp họ thoát khỏi cám dỗ tuyệt vọng vốn có thể dẫn đến chỗ mất đức tin.
Thế nhưng, điều thú vị ở đây là những gì Chúa Giêsu không nói! Ngài không nói, “Hãy chống trả, bạo động, hoặc chuẩn bị vũ trang!”. Thay vào đó, Ngài nói với họ về một điều gì đó tuyệt vời hơn - Chúa Thánh Thần. Rằng, Thánh Thần sẽ ‘cáng đáng’ mọi sự; Ngài sẽ dẫn dắt, tiếp sức và cho phép họ làm chứng cho Ngài. Làm chứng cho Chúa Giêsu rõ nét nhất, có thể là tù đày, có thể là đổ máu vì Danh Ngài! Chúa Giêsu chuẩn bị trước điều này, bằng cách nói cho họ biết, họ sẽ được Chúa Thánh Thần ở cùng. Và một khi điều này xảy ra, các môn đệ càng cậy trông tuyệt đối vào Đấng Bảo Trợ mà Ngài đã hứa!
Kính thưa Anh Chị em,

“Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường!”. Chúa Giêsu đã bị khai trừ, bị giết chết, nhưng đó là cơ hội để Ngài chứng tỏ tình yêu và lòng vâng phục Chúa Cha. Cũng vậy, bách hại, bắt bớ là cơ hội để chúng ta chứng tỏ tình yêu và lòng trung thành với niềm tin của mình! Chúa Giêsu đã vượt qua tất cả, Chúa Cha đã cho Ngài phục sinh. Với chúng ta, cuộc chiến giành ưu tiên cho Thiên Chúa và các giá trị Tin Mừng không chỉ là bách hại, bắt bớ bên ngoài; nhưng còn là những gì diễn ra trong chính nội tâm mỗi người, đó cũng là ‘một phần không thể thiếu’ của người môn đệ. Đừng sợ! Thánh Thần ở trong và ở bên chúng ta; Ngài sẽ tiếp sức để chúng ta vượt qua tất cả. Được như thế, mỗi ngày, bạn và tôi khác nào các Kitô hữu sơ khai, mắt đăm đăm “nhìn ngưỡng thiên đàng, bùi ngùi hớn hở”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi khi con hụt hơi vì thập giá bên ngoài lẫn bên trong, cho con sức mạnh của Thánh Thần; vì biết rằng, đường nên thánh của con không thể thiếu thập giá!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

SUY NIỆM 6: LOAN BÁO LÀ LÀM CHỨNG 
Trong Thông điệp “Evangelii Nuntiandi”, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã để lại cho chúng ta một phương châm thực hành như sau: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp “Evangelii Nuntiandi” số 41).
Bài trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy: Đức Giêsu trước khi trở về với Chúa Cha, Ngài đã giới thiệu Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, là Đấng Bảo Trợ sẽ đến với các môn đệ.
Khi giới thiệu Chúa Thánh Thần như thế, Đức Giêsu muốn nhắc cho các môn đệ rằng: khi Chúa Thánh Thần đến, Người sẽ làm chứng và giúp các ông hiểu được tất cả những gì Đức Giêsu đã làm và những lời Ngài đã dạy trước đó. Mặt khác, Chúa Thánh Thần sẽ ban ơn phù trợ, để các ông can đảm làm chứng và sẵn sàng đón nhận tất cả mọi khổ đau vì Đức Giêsu.
Thật vậy, nếu không có Chúa Thánh Thần, các môn đệ vẫn là những con người khờ dại, kém tin và sợ sệt thủa nào. Tuy nhiên, khi đón nhận Chúa Thánh Thần, các ông trở nên những người can đảm, uyên thâm, mạnh mẽ và dám chấp nhận tất cả, kể cả cái chết để làm chứng cho điều mình loan báo là có thật, đáng tin. Các ông đã thực hiện lời nói đi đôi với hành động.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ngoan ngùy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Sẵn sàng can đảm loan báo lời Chân Lý, chấp nhận mọi thử thách đau thương để Lời Chúa được lan rộng khắp nơi. Tin và sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần còn là một lời mời gọi chúng ta từ bỏ con đường, cách sống và hành vi cũ, chấp nhận lột xác, trở nên con người mới để được biến đổi như các môn đệ khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần trên chúng con. Xin cho chúng con được ơn biến đổi. Can đảm làm chứng và loan báo Lời Chân Lý của Chúa đến với muôn dân. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP




 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây