THỨ NĂM TUẦN XV THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 17/07/2024 05:40
SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Mt 11,28-30

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
28 Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi.
29 Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.
30 Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

SUY NIỆM 1: HỌC VỚI CHÚA GIÊSU
( LỄ THIẾU NHI)
Thiếu nhi chúng con thân mến, Bài Tin mừng hôm nay tuy chỉ có vỏn vẹn 3 câu nhưng lại rót vào đôi tai chúng ta những lời hết sức ngọt ngào của Chúa Giêsu.
Câu nói thứ nhất: Chúa Giêsu mời gọi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến với Ngài để được Ngài cho ngh ngơi bồi dưỡng. Những lời này của Chúa Giêsu nghe thật ấm lòng! Bởi cuộc sống này làm cho mỗi người chúng ta luôn cảm thấy mệt mỏi và nặng nề.
Mệt mỏi đầu tiên phải kể đến chính là việc học tập của chúng con: học sáng-học chiều, học thêm-học bớt, học nhiều lúc không kịp ăn không kịp nghĩ. Cha còn biết có nhiều bạn không chỉ học mà còn giúp gia đình việc nhà việc rẫy. Đó là chưa kể những lúc về đến nhà lại thấy ba mẹ lục đục, cãi vã làm không khí gia đình hết sức nặng nề ảm đạm.
Những lúc chúng con rơi vào hoàn cảnh và tâm trạng đó thì đừng quên mình có Chúa Giêsu đang chờ mình đến để cất đi những mệt mỏi lo toan và cho mình được ngh ngơi bồi dưỡng.
Rồi sẽ có lúc chúng con gặp những nỗi buồn, nhưng lo lắng mà mình không thể nói với ai, ngay cả ba mẹ cũng không dám nói; thì chúng con hãy nói với Chúa Giêsu. Chắc chắn Ngài sẽ cất đi nỗi lắng lo và giúp chúng con tìm được lại bình an trong tâm hồn.
Câu nói thứ hai: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta học nơi Ngài bài học hiền lành và khiêm nhường Hiền lành và khiêm nhường là 2 đức tính rất cần thiết cho từng người chúng ta.
Chắc không ai trong chúng con lại thích làm bạn với 1 người kiêu ngạo, khoe khoang và hng hách; nóng nảy, cọc cằn, và lỗ mãng. Thật ra không ai thích làm bạn với những người như vậy hết chúng con. Mà người ta chỉ thích những thiếu nhi, những con người hiền lành và khiêm nhường theo gương của Chúa Giêsu mà thôi.
Tóm lại, hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta 2 điều: Thứ nhất, bạn nào đang cảm thấy mệt mỏi, nặng nề trong cuộc sống thì hãy tìm đến với Chúa Giêsu để được Ngài cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Và thứ hai, mỗi người đừng quên học lấy nơi Chúa Giêsu 2 đức tính nhân bản đó là hiền lành và khiêm nhường.
Cầu chúc chúng con làm được điều đó để cuộc sống của chúng con tràn ngập tình Chúa và tình người. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 2: HỌC VỚI CHÚA: HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
Những kẻ vất vả mang gánh nặng mà Tin Mừng hôm nay nhắc đến được các nhà chú giải hiểu là những con người đơn sơ khiêm tốn, sẵn sàng để Thiên Chúa dạy dỗ hướng dẫn, như được nói đến trong đoạn Tin Mừng trước đó. Tâm hồn họ đã sẵn sàng, giờ đây, Chúa Giêsu mời gọi họ đến với Ngài để được Ngài nâng đỡ bổ sức cho; hay nói theo một bản dịch Kinh Thánh khác: để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng. Gánh nặng nào? Ðó là gánh nặng của lề luật mà các nhà thông thái chất trên vai những con người đơn sơ, hèn mọn. Họ bó gánh nặng đặt lên vai người khác, còn chính họ thì không muốn động ngón tay vào, như lời Chúa trách cứ thái độ giả hình của những người Biệt Phái. Tinh thần vụ luật, vụ hình thức đã làm cho những vị lãnh đạo Do Thái giáo không còn quả tim để thông cảm nữa.
Chúa Giêsu mời gọi dân chúng đến với Ngài để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng và được nâng đỡ bổ sức. Chống lại những người Biệt Phái, Chúa Giêsu đề ra một cái ách mới cho những ai chấp nhận Ngài. Ðây chẳng phải là không còn lề luật, bởi vì giáo huấn của Chúa Giêsu đòi hỏi không thua gì lề luật của Môsê. Nhưng đối với Chúa Giêsu, những kẻ tuân giữ luật Chúa được sức mạnh tinh thần nâng đỡ ủi an, đó là sức mạnh của Thánh Thần mà Ngài đã ban cho các môn đệ để họ tuân giữ luật Chúa, và như vậy luật Chúa trở nên nhẹ nhàng, dễ chu toàn.
Người sống hiền lành và khiêm nhường là người sống lòng biết ơn Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (2 Cr 4, 7), điều này có nghĩa là mọi sự chúng ta có đều do bởi ơn Chúa. Thật vậy, có ai trong chúng ta đây có thể tự tạo ra mạng sống, trí khôn, sức khỏe, thời gian… cho mình đâu. Tất cả những gì chúng ta đang có đều được Chúa ban cho. Ngược lại, người kiêu ngạo là người vô ơn với Thiên Chúa và cho rằng mọi sự mình có đều do sức riêng của mình, vì thế, dễ dẫn đến việc xem thường Thiên Chúa, không tôn trọng Thiên Chúa và mọi người.
Tiếp theo, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với mọi người. Trong đời sống cộng đồng xã hội, chúng ta có thể sống hiền lành và khiêm nhường khi chúng ta ghi nhận công ơn của mọi người và quảng đại đóng góp vào những công việc chung của cộng đồng. Chúng ta thấy rằng không ai trong chúng ta có thể tự lo cho mình hết mọi việc. Chúng ta cần đến người thợ để hớt tóc hoặc may quần áo; cần có bác sĩ để chữa bệnh, cần những công nhân làm ra các sản phẩm để sử dụng mỗi ngày, cần những nông dân để làm ra lúa gạo, cần người đánh cá, cần người quét đường v.v…
Tóm lại, không ai trong chúng ta có thể sống cho riêng mình. Chính vì thế, chúng ta cần khiêm tốn nhận ra sự thiếu thốn của mình để đón nhận người khác, để ghi nhận công ơn của mọi người và để tích cực góp sức mình xây dựng và làm phát triển cộng đoàn xã hội. Ngược lại, người kiêu ngạo thì sống vô ơn, ích kỷ, không đóng góp vào việc xây dựng cộng đoàn.
Những ai đang phải vất vả mang gánh nặng nề: Gánh nặng của nỗi buồn đau và vấp ngã trong quá khứ; gánh nặng của trách nhiệm và yếu đuối hiện tại; gánh nặng phải mang vì người khác, gánh nặng của kiếp nhân sinh, gánh nặng của ơn gọi đi theo Chúa trong đời sống thánh hiến hay đời sống gia đình và cả gánh nặng của tội lỗi nữa, hãy mang tất cả đến cùng Chúa. Chúa luôn chờ đón để an ủi, xoa dịu những khổ đau cho chúng ta.
Đến cùng Chúa chắc chắn chúng ta sẽ được nâng đỡ rất nhiều. Chúng ta tin tưởng bởi Chúa thành tín và giàu yêu thương. Mọi bệnh nhân đến với Chúa đều được Chúa cứu giúp; mọi tội nhân đến với Chúa đều được Chúa thứ tha; và tất cả những người khổ đau nghèo đói đến với Chúa đều được Chúa an ủi, trợ giúp.

Người Kitô hữu không lẻ loi một mình, không tự sức mình tuân giữ luật Chúa. Hằng ngày họ được Chúa nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Thánh Ngài và được ban cho tràn đầy Thánh Thần. Sống theo ơn soi sáng của Thánh Thần, họ sẽ cảm nghiệm được rằng đời sống đức tin với tất cả những hệ lụy, những đòi buộc của nó, sẽ không còn là gánh nặng, mà là niềm vui và sức mạnh trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh cuộc đời.
Học với Chúa để trở nên hiền hậu và kiêm nhường cần thiết biết bao trong cuộc sống. Bởi những cơn giận bộc phát giữa vợ chồng có thể bào mòn tình yêu chân thật. Sự mất kiên nhẫn bực bội, nóng nảy, thù ghét oán hờn làm cho những mối tương quan trở nên căng thẳng, lãnh đạm, lạnh nhạt và mất tin tưởng. Sự hiền hòa và khiêm nhường theo gương mẫu Chúa Giêsu sẽ giúp cho chúng ta làm chủ được bản thân, sáng suốt trong những chọn lựa, đối xứ với mọi người với trái tim yêu thương, thông cảm và tha thứ. Niềm vui, bình an và hạnh phúc sẽ đến với mỗi người, mỗi gia đình và những người xung quanh.
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

SUY NIỆM 3: GÁNH NẶNG CUỘC ĐỜI  
Theo các nhà chú giải thì những kẻ mệt mỏi và vất vả mà đoạn Phúc Âm nhắc đến là những kẻ đã được nói đến trước đó như là những con người đơn sơ, khiêm tốn, sẵn sàng để cho Chúa dạy bảo, hướng dẫn. Tâm hồn họ đã được chuẩn bị sẵn sàng. Giờ đây, Chúa mời gọi họ một cách tha thiết hơn. Hãy đến với Ngài để được Ngài nâng đỡ, an ủi. Nơi bản văn Kinh Thánh khác, câu quả quyết của Chúa Giêsu: "Ta sẽ nâng đỡ, an ủi" được chuyển dịch là: "Ta sẽ giải phóng họ khỏi gánh nặng". Và gánh nặng nào đây? Thưa, đó là gánh nặng phức tạp mà các nhà thông luật đặt ra đè năng trên vai những con người đơn sơ bé nhỏ, bắt buộc họ phải tuân giữ hết điều này tới điều khác.
Chúa Giêsu đã trách những người biệt phái, thông luật và giả hình như sau: "Họ bó những gánh nặng đặt trên vai dân chúng. Còn họ thì không muốn đụng ngón tay". Tinh thần vụ hình thức, vụ Lề Luật Môsê, đã làm cho những vị lãnh đạo dân Do Thái không còn có một quả tim để thông cảm nữa. Chúa Giêsu mời gọi dân chúng đến với Ngài để được giải thoát khỏi những gánh nặng của cuộc đời, khỏi những gánh nặng của luật lệ, vụ hình thức.
"Hãy mang lấy ách của Ta, ách êm ái, gánh nhẹ nhàng". Chống lại những người Pharisiêu, Chúa Giêsu đề ra cho những ai chấp nhận Ngài một ách mới, nhưng đây không có nghĩa là không còn luật lệ gì nữa cả. Không phải vậy, giáo huấn của Chúa Giêsu rất đòi hỏi không thua gì những đòi hỏi của luật Môsê. Nhưng kẻ tuân giữ Luật Chúa thì còn được sức mạnh Chúa nâng đỡ an ủi, đó là Thánh Thần sự thật mà Chúa Giêsu hứa sẽ ban cho các đồ đệ, để giúp các ngài tuân giữ Luật Chúa và như vậy khiến Luật Chúa trở nên nhẹ nhàng, dễ chu toàn.
Người đồ đệ Chúa không lẻ loi, không tự sức mình mà tuân giữ các giới răn, có Chúa Thánh Thần ngự trong họ, giúp họ hướng về Thiên Chúa mà họ gọi là Cha "Abba". Sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, người đồ đệ sẽ cảm nghiệm được rằng đời sống đức tin với tất cả những hệ luận của nó sẽ không còn là gánh nặng nữa, nhưng là niềm vui, sự ủi an và cả những thử thách.
Lạy Chúa,
Con hết lòng cảm tạ Chúa, vì tình thương bao la Chúa không ngừng nâng đỡ con. Con cảm tạ Chúa vì đã ban cho con hồng ân của Chúa Thánh Thần, để soi sáng, nâng đỡ con trong những lúc gian nan thử thách. Xin cho con được tin tưởng đến với Chúa, lấy tình yêu đáp lại tình yêu.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 4: HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG

Nếu Chúa Giêsu mở lớp dạy các môn học như : Toán, Lý, Hóa, Anh văn, Vi tính … Có lẽ nhiều người sẽ đăng ký học, bởi vì những môn học này có lợi ích thiết thực đối với nhiều người. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu mở lớp dạy môn “Hiền lành và khiêm nhường” khi Chúa nói: “Anh em hãy học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29). Khởi đi từ ý tưởng nền tảng này, chúng ta cùng tìm hiểu hai điều quan trọng sau đây: Thứ nhất, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa; thứ hai, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với mọi người.
Trước hết, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa. Người sống hiền lành và khiêm nhường là người sống lòng biết ơn Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (2 Cr 4, 7), điều này có nghĩa là mọi sự chúng ta có đều do bởi ơn Chúa. Thật vậy, có ai trong chúng ta đây có thể tự tạo ra mạng sống, trí khôn, sức khỏe, thời gian … cho mình đâu. Tất cả những gì chúng ta đang có đều được Chúa ban cho. Ngược lại, người kiêu ngạo là người vô ơn với Thiên Chúa và cho rằng mọi sự mình có đều do sức riêng của mình, vì thế dễ dẫn đến việc xem thường Thiên Chúa, không tôn trọng Thiên Chúa và mọi người.
Tiếp theo, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với mọi người. Trong đời sống cộng đồng xã hội, chúng ta có thể sống hiền lành và khiêm nhường khi chúng ta ghi nhận công ơn của mọi người và quảng đại đóng góp vào những công việc chung của cộng đồng. Chúng ta thấy rằng không ai trong chúng ta có thể tự lo cho mình hết mọi việc. Chúng ta cần đến người thợ để hớt tóc hoặc may quần áo; cần có bác sĩ để chữa bệnh, cần những công nhân làm ra các sản phẩm để sử dụng mỗi ngày, cần những nông dân để làm ra lúa gạo, cần người đánh cá, cần người quét đường v.v… Tóm lại, không ai trong chúng ta có thể sống cho riêng mình. Chính vì thế, chúng ta cần khiêm tốn nhận ra sự thiếu thốn của mình để đón nhận người khác, để ghi nhận công ơn của mọi người và để tích cực góp sức mình xây dựng và làm phát triển cộng đoàn xã hội. Ngược lại, người kiêu ngạo thì sống vô ơn, ích kỷ, không đóng góp vào việc xây dựng cộng đoàn.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa và mọi người. Xin Chúa biến đổi chúng ta để chúng ta biết sống mến Chúa và yêu người mỗi ngày một hơn.
 
       Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con học theo Chúa bài học hiền lành và khiêm nhường. Chắc chắn tự sức riêng của mình chúng con không thể làm được gì. Xin Chúa ban thêm cho chúng con ân sủng của Chúa để chúng con trung thành bước theo Chúa mỗi ngày. Amen.
Lm. J.P

SUY NIỆM 5:
Trên hoặc dưới Nhà Tạm trong một số nhà thờ Công giáo thường ghi dòng chữ: “VENITE AD ME OMNES QUI LABORATIS”. Đó chính là lời mời gọi của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Người cũng mời gọi mọi người: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
1. Đến với Chúa để được nâng đỡ bổ sức cho.
Có hai thứ gánh nặng: gánh nặng lề luật và gánh nặng cuộc đời.
Gánh nặng lề luật là thời Chúa Giê-su, Do-thái giáo có bộ luật phải giữ chi li hơn sáu trăm điều mà Biệt phái chất lên cổ dân. Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh phúc, thì lại trở thành những gánh nặng chất lên vai. Chính vì thế, mà Chúa Giê-su mời gọi dân theo Người vượt qua tinh thần câu nệ lề luật, đặt niềm tin vào luật mới yêu thương, để tìm được “sabát’ đích thực là được nghỉ ngơi trong tâm hồn, được hưởng sự bình an sâu xa của người được cứu độ, để bắt đầu cuộc sống mới trong Thần Khí.
Gánh nặng cuộc đời. Gánh nặng gắn liền với phận người, gánh nặng gia đình, gánh nặng nghề nghiệp, gánh nặng tuổi tác; gánh nặng buồn đau của quá khứ, gánh nặng của yếu đuối hiện tại, gánh nặng lo âu cho tương lai… Gánh nặng vì bi quan thất vọng và lo âu, gánh nặng của khó khăn chán chường và mệt mỏi. Gánh nặng của ham muốn vật chất, của đam mê xác thịt, của các tật xấu kìm hãm con người ta… Chúa mời gọi chúng ta hãy tìm về với Bí tích Giao Hoà, tìm về với giây phút lắng đọng bên Thánh Thể, tìm về với của ăn tinh thần là Mình Máu Chúa trong thánh lễ, để được người nâng đỡ và bổ sức cho.
2. Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi…
Như đã nói ở trên, ách của lề luật và cuộc đời đã đè nặng trên chúng ta, bây giờ chúng ta được mời gọi mang lấy chính Chúa. Chúa không vác thay chúng ta, nhưng cùng vác với chúng ta và nâng đỡ bổ sức cho chúng ta.
Hình ảnh cái ách, tức là cái được đặt lên trên cổ con bò, con trâu, con lừa hay con ngựa để nó kéo xe hoặc kéo cày; nói lên một kiếp nô lệ và vất vả, nhưng cũng là đầu kéo mọi thứ tiến lên hoặc làm cho một thửa đất tơi xốp phát sinh nhiều hoa trái mới. Chúa Giê-su đã tự huỷ hạ mình xuống làm thân nô lệ (x. Pl 2,6-11). Chúa chấp nhận kiếp người để cùng mang lấy cái ách lề luật của xã hội với chúng ta và cùng mang lấy kiếp lầm than vất vả của chúng ta. Và Chúa cũng kéo chúng ta tiến về phía trước là Nước Trời, làm cho chúng ta phát sinh hoa trái trong Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết học với Chúa sự khiêm tốn và hiền hậu, là vui lòng đón nhận gánh nặng của cuộc đời; kết hợp với Ngài để được bổ sức và cùng Ngài vượt lên, chứ không phải tìm cách né tránh để rồi tuyệt vọng và hư mất. Amen  
Lm. Pet. Nguyễn Hữu Đào

SUY NIỆM 6: HÃY MANG LẤY ÁCH CỦA TÔI
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Hình ảnh “ách” của Chúa Giêsu ở đây là một đạo lý Tin Mừng, “mang lấy ách” của Chúa là con đường giúp vượt thắng mọi gian nan thử thách để tìm được niềm an vui trong tâm hồn. Vậy đạo lý Tin Mừng ở đây là gì?
Trước hết, đó là hành động “tin”. Tin theo Chúa và trở thành môn đệ của Chúa là điều kiện cơ bản mà mỗi người Kitô hữu trước tiên cần phải có. Tin Chúa là đến với Chúa để học lấy cách sống của Người, để sống như Người dạy, để đón nhận tình thương của Người. Chúa Giêsu cũng tạo ra mối tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa với những kẻ theo Người qua hành động “hãy học cùng tôi”.
Thứ đến là sự khiêm nhường trong thái độ đối với Thiên Chúa. Chúa là Đấng khiêm nhường khi chịu hạ mình để xuống thế làm người, chấp nhận là một tội nhân trong mắt của người đời để chịu phỉ báng… Sống khiêm nhường với Chúa là ý thức được thân phận mỏng giòn yếu đuối của mình và thấy được nhu cầu cấp thiết của việc đến với Chúa trong mọi nơi mọi lúc.
Hơn nữa, đó còn là lòng hiền hậu đối với tha nhân. Thiên Chúa là tình yêu và là Đấng giàu lòng thương xót. Người đã yêu thương đến nỗi chấp nhận hy sinh cả mạng sống của mình vì tội lỗi của nhân loại. Học theo gương của Chúa Giêsu để sống yêu thương, thực thi giới luật quan trọng nhất của đời sống Kitô hữu: “Mến Chúa yêu người”. Noi gương Chúa để sẵn sàng đón tiếp và phục vụ những người bé mọn.
Lạy Chúa, xin cho con biết mang lấy ách của Chúa, thao thức tìm đến Chúa trong mọi lúc, mọi nơi để tìm  được niềm an vui trong tâm hồn. Xin Chúa luôn ở bên con để giúp con có thêm niềm tin và nghị lực để chống chọi với mọi nghịch cảnh của cuộc đời.
Tu sĩ Giuse Trương Vĩnh Tường, SVD
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây