SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 11/07/2024 04:12
SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN
Mt 10, 16-23

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
16 Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. 17 Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.
18 Hãy coi chừng người đời. 19 Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ.
20 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.
21 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.
22 Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.
23 Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ítraen, thì Con Người đã đến.”

SUY NIỆM 1: ĐỪNG SỢ
Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe tiếp nối bài Tin mừng của ngày thứ Tư và thứ Năm, nói về việc Chúa Giêsu tuyển chọn các tông đồ và sai các ông ra đi loan báo Tin mừng.
Sau khi dặn các tông đồ cách tỉ mỉ từng chi tiết một, ban cho các ông quyền năng để chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỉ, Chúa Giêsu đã không ngần ngại nói cho các tông đồ biết những khó khăn mà các ông sẽ gặp phải trong khi làm chứng cho Ngài.
Cụ thể là trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết Ngài sai các tông đồ ra đi như chiên con đi giữa bầy sói dữ, rồi sẽ bị người ta tố nộp và bị điệu ra trước các hội đồng để xét xử. Quả thật, những điều ấy đã xảy ra với các tông đồ. Mà không riêng gì các tông đồ, chính Chúa Giêsu cũng từng bị người ta đối xử bội bạc như thế.
Các Thánh Tử đạo Việt Nam cũng vậy, chính vì muốn gìn giữ đức tin và sống đức tin, mà bị nhà cầm quyền thời ấy xếp vào thành phần tà đạo; họ truy bắt, tra tấn dã man và xử tử chỉ vì mang danh ki-tô hữu.
Thế nhưng, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không làm gì được linh hồn chúng ta. Đừng sợ vì ba lý do sau đây:
Lý do thứ nhất, bởi Chúa Giêsu đã chiến thắng thế gian. Ngài sẽ gìn giữ và bảo vệ chúng ta khỏi những nghịch cảnh của thế gian này. Lý do thứ hai, chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp cho chúng biết phải nói gì và phải hành động như thế nào cho chính đáng và phải đạo. Và lý do thứ ba thì Chúa Giêsu đã cho biết rõ: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên Trời”.
Xác tín vào những điều ấy, các tông đồ và các Thánh Tử đạo Việt Nam đã vượt qua sợ hãi và nhát đảm để can đảm đối diện với gian nan khốn khó. Kết quả là, các ngài đã được Thiên Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời. Phần chúng ta, hãy noi gương các bậc tiền nhân để giữ đạo, sống đạo và can đảm làm chứng cho Chúa.
Sau cùng, mỗi người hãy xác tín vào lời này của Chúa Giêsu: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đ đến cùng thì kẻ ấy sẽ được cứu độ”. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 2: KHÔN NGOAN VÀ ĐƠN SƠ
Khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng, Ngài biết trước các ông sẽ gặp những khó khăn và thử thách. Cho nên Ngài khuyên dạy các ông hãy sống đơn sơ và khôn ngoan. Khôn ngoan để có thể đương đầu với mọi nghịch cảnh, biết giải quyết mọi vấn đề cách khéo léo và vượt qua mọi hiểm nguy mà vẫn đạt được kết quả. Còn đơn sơ, nghĩa là trong tâm hồn người môn đệ không có những mưu mô, xảo quyệt, hay tìm đủ mọi cách bất chấp tất cả để đạt được mục đích mình muốn. Do đó, để việc loan báo Tin mừng được thành công, người môn đệ cần phải có sự khôn ngoan và đơn sơ của Chúa.
Chúng ta cũng được Chúa mời gọi giới thiệu Chúa cho mọi người. Sống giữa cuộc đời này, chúng ta sẽ không tránh được những khó khăn, thử thách và sóng gió. Để vượt qua những điều này, chúng ta phải biết sống khôn ngoan và đơn sơ. Nhưng làm sao để chúng ta có được sự khôn ngoan và đơn sơ? Chúng ta hãy nhìn lên thánh giá Chúa, chúng ta sẽ học được bài học khôn ngoan và đơn sơ của Chúa. Chúa khôn ngoan nên dùng Tình yêu để giải quyết mọi vấn đề. Chúa đơn sơ nên không có oán thù ai, ngay cả kẻ giết hại mình. Hãy nhớ rằng sự khôn ngoan và đơn sơ của Chúa được đặt trên nền tảng là Tình Yêu và Lòng Thương Xót.
Lạy Chúa, chúng con là môn đệ của Chúa nhưng chúng con chưa sống giống Chúa. Chúng con vẫn dùng sự khôn ngoan của thế gian để đối xử với nhau. Chúng con đã đánh mất sự đơn sơ thánh thiện khi tìm mọi cách để chơi xấu hay hãm hại nhau. Xin Chúa tha thứ cho chúng con và ban cho chúng con một trái tim mới, để chúng con biết dùng sự khôn ngoan và đơn sơ của Chúa mà cư xử với nhau, ngõ hầu mọi người nhận ra sự hiện diện của Chúa qua cách sống mới này của chúng con. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 3:
16. Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.
• Sứ mạng rao giảng tin mừng không hề đơn giản bởi lý do rất đơn giản người ta sợ Lời Chúa làm cho họ thay đổi nếp sống. Lời Chúa có sức biến đổi lạ lùng nếu con người biết mở lòng đón nhận và tập sống.
• Chính vì thế, Đức Giêsu nói với các Tông Đồ rằng: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói.” Người ta chống đối các môn đệ giống như sói dữ hung hăng tìm con mồi ưa thích là những con chiên hiền lành. Đức Giêsu đọc rõ tên những kẻ hãm hại các môn đệ không chỉ là con sói nhưng là những bầy sói dữ.
• Đứng trước thái độ hung hãn của sói, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ học sự khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu nghĩa là học cách để đối diện với những tình huống khó khăn. Đôi khi phải biết ẩn mình và nhiều lúc cũng phải biết bay cao. Sự dễ thương của Giêsu là luôn dạy và bảo vệ cho các môn đệ của mình.
Sứ điệp Lời Chúa mời gọi tôi học sự khôn ngoan và hiền lành cách cụ thể ra sao? Ngày nay sói dữ thường quàng khăn đỏ nên người ta không còn biết học cách để phòng vệ. Tôi có kinh nghiệm gì?
Lạy Chúa, xin cho con đi đúng đường lối của Ngài.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 4: SỨ GIẢ TIN MỪNG  
Làm sứ giả Tin Mừng cho Đức Giêsu qua mọi thời luôn là đối tượng bị ghen ghét và bị bách hại bởi người đời. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chính Đức Giêsu cũng đã khẳng định điều này “Họ sẽ nộp anh em và anh em sẽ bị đánh đập trong hội đường của họ” (Mt 10,17). Vậy có phải theo Đức Giêsu là sự chọn lựa thiếu khôn ngoan của các môn đệ?
Trước hết, theo Đức Giêsu là một ân huệ “không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16). Một sự lựa chọn nghe như các môn đệ bị rơi vào thế bị động và không có tự do, nhưng không, vì ơn thánh là cái không phải tự sức riêng con người có thể với tới được mà là một ân sủng được ban phát bởi ơn trên cho ai tùy ý Thiên Chúa.
Thứ đến, làm môn đệ Đức Giêsu là một sự đáp trả lời mời gọi của Người “hãy theo Thầy” (Ga 21,19). Lời mời gọi của Đức Giêsu như một lực hấp dẫn đã cuốn hút ý hướng của các môn đệ, đến nỗi các ông đã bỏ mọi sự mà theo Người. Theo Chúa không những để biết Người, nhưng để đến ở với Người, sống cùng Người và để được Người dạy dỗ. Từ đây cuộc đời của họ sẽ gắn liền với sứ vụ của Đức Giêsu, gắn liền với ân huệ làm môn đệ của Người: “Họ sống mà không còn là họ sống, nhưng chính Đức Kitô sống trong họ” (Gl 2,20).
Cuối cùng, làm môn đệ Đức Giêsu chính là trở nên những người khôn ngo- an vì biết chọn Chúa làm nơi nương ẩn. Với họ “sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21). Khi sống cho Thiên Chúa, các môn đệ cảm nghiệm được điều gì là tươi đẹp và điều gì là tự do. Đối với các ông bây giờ sự thúc bách rao giảng Lời thì lớn hơn mọi nỗi đau về thể xác và sự sợ hãi. Những cuộc bách hại về thể lý sẽ không thể tách lìa các môn đệ ra khỏi tình yêu với Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn cho chúng con có đủ sức mạnh và tinh thần can đảm ra đi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa cho muôn dân. Amen.
Lm. Phaolô Trần Phúc Chân, SVD
SUY NIỆM 5:
« Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét »
1. Bạo lực
Bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu của Thánh Lễ hôm nay cũng là bài Tin Mừng của ngày lễ kính Tê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi, được cử hành ngay sau lễ Giáng Sinh. Như thế, khi mà niềm vui của Lễ Giáng Sinh lên đạt đến đỉnh cao vào đêm Giáng Sinh và cả ngày Lễ hôm sau, thì với Thánh Lễ mừng kính thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi, lời của Đức Giê-su dường như nói cho chúng về một thực tế, có thể làm cho chúng ta băn khoăn, lo lắng, thậm chí buồn lòng. Bởi lẽ, vì danh của Đấng mà chúng ta đang hân hoan mừng sinh nhật và của Đấng mà chúng ta thuộc về và đi theo suốt đời, chúng ta sẽ « bị mọi người thù ghét » !
Và không chỉ bị người đời thù ghét, nhưng cả những người thân yêu nữa :
Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. (c. 21-22)
Và sự thù ghét này đi rất xa : nộp cho các hội đồng, điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền, đánh đập và giết đi ! Sự chống đối được Đức Giê-su mô tả thật tận căn, một đàng để giúp chúng ta nhận ra năng động của bóng tối và của sự chết hiện diện ở khắp nơi và ở trong mọi người, và đàng khác để làm bật lên một tận căn khác, là ánh sáng và sự sống : Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại (x. Ga 1, 4, bài Tin Mừng của Thánh Lễ Giáng Sinh ban ngày). Bởi vì chỉ có sự tận căn này mới gây ra sự tận căn kia mà thôi. Đó là sự tận căn của chính Đức Giê-su, như Ngài nói trong bài Tin Mừng : « vì Thầy », « vì danh Thầy ».
2. Hiền lành
Vậy, vị Thầy của chúng ta là ai, ngôi vị của Ngài tận căn như thế nào, để có thể gây ra một sự thù ghét tận căn đến như vậy, đối với chính Ngài và đối với những người đi theo Ngài ? Chúng ta hãy trở lại hang đá, nhìn ngắm « Hài Nhi bọc tã nằm trong máng cỏ », để nhận ra sự tận căn của Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể :
Ø Hiện diện thinh lặng ngược lại với những biểu diễn phô trương và thành thích ồn ào.
Ø Nghèo khó đơn sơ ngược lại với giàu có tiện nghi.
Ø Hiền lành khiêm tốn ngược lại với sức mạnh thống trị.
Sự tận căn này được tỏ hiện nơi mầu nhiệm sinh ra của Đức Giê-su và sẽ được sống đến cùng nơi biến cố Thập Giá của Người, mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ. Chính khi chúng ta cảm nếm và yêu mến sự hiền lành và khiêm nhường tận căn của Đức Giê-su (x. Mt 11, 28-30), chúng ta sẽ tìm lại được sự bình an sâu thẳm, niềm vui bền vững, và có được lòng khao khát sống như Ngài và chết như Ngài, như thánh Tê-pha-nô.
Chính lòng khao khát này sẽ làm cho chúng ta, như đã làm cho thánh Tê-pha-nô, được tự do với những hành động đủ loại của Sự Dữ, đang hoành hành ở khắp nơi và dưới mọi hình thức.
3. Trở nên giống Đức Ki-tô
Sống theo Tin Mừng vì Danh Đức Giê-su, vì tình yêu chúng ta dành cho Người, chúng ta sẽ bị “người ta” bách hại, hay gây khó khăn. Điều này dễ hiểu và chúng ta sẵn sàng đón nhận. Nhưng điều khó hiểu và khó chấp nhận, khi Đức Giê-su nói tới sự bách hại đến từ chính những người thân yêu của chúng ta: “Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em”.
Khi Đức Giê-su sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Người nói: “Thầy sai anh em đi đi như chiên vào giữa bầy sói”. Như thế, sự chống đối, thậm chí bách hại, là tất yếu; như hình ảnh “chiên và sói” gợi ra: một bên là hiền lành và một bên là bạo lực, muốn hủy diệt. “Người đời” đã bách hại Thầy và “người đời” tiếp tục bách hại Thầy nơi các môn đệ, bởi vì Thầy là “Chiên lành”, “Sự Thiện”, “Thiên Tính”, “Ánh Sáng”, “Sự Sống, “Sự Thật”. Vì thế, một cách tương ứng, kẻ bách hại không phải là những con người cụ thể, nhưng là “Sói Dữ”, “Sự Dữ”, “Thú Tính”, “Gian Dối”, “Bóng Tối”, “Sự Chết” hành động nơi những con người cụ thể.
Thế mà, Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ có mặt ở khắp nơi và nơi mọi người, có nơi chính các môn đệ, và có ở nơi chúng ta nữa! Vì thế, sự chống đối của Sự Dữ có thể bùng lên từ những nơi và những người thiết thân nhất: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” “Sói Dữ” không phải là con người, những là thú tính hiện diện và chi phối con người chống lại “Chiên Lành”.
Nhưng lời loan báo của Đức Giê-su về sự bách hại thậm chí giết hại, lại chứa đựng Sự Sống của Thiên Chúa và hướng đến Sự Sống viên mãn của Người, theo khuôn mẫu của “Hạt Lúa Mì”, nghĩa là của mầu nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, bách hại, nhưng lại là cơ hội “để làm chứng cho Thầy” (c. 18). Và bởi vì đây là chứng từ tận cùng, nghĩa là “chứng từ hi sinh sự sống”, như Đức Ki-tô trong cuộc Thương Khó, người môn đệ được dẫn vào kinh nghiệm “thần nhiệm”, như thánh Phaolo đã kinh nghiệm: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, nhưng Đức Ki-tô phục sinh sống trong tôi” (Gl 2, 20). Thực vậy, Đức Giê-su nói: “Thần Khí của Cha anh em sẽ nói trong anh em”, và “ai bền chí đến cùng, người ấy sẽ được cứu thoát”
Xin cho chúng ta, mỗi khi gặp khó khăn vì Danh Đức Giê-su và vì Tin Mừng của Người, cảm nghiệm được niềm vui sâu xa, vì mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô được tái hiện lại nơi cuộc đời của chúng ta, vì được trở nên giống như Người, vì được trở nên một với Người, vì được Người nâng đỡ và chăm sóc cách đặc biệt, như Người nói:
Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi” (Mt 10, 30)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM 6: SỐ PHẬN NGƯỜI MÔN ĐỆ
(Xem lễ thánh Tử Đạo Việt Nam 24/11, Lễ thánh Stêphanô 26/12)
Từ vài năm qua, phong trào bách hại các tín hữu Kitô ngày càng gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có các nước như Irak, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Nigeria ...
Thoạt nghe, chúng ta có thể thấy rất thương tâm và xót xa cho số phận của các Kitô hữu bị bách hại tại những nơi này!
Tuy nhiên, nếu quy chiếu cuộc đời người môn đệ với Đức Giêsu thì không có gì là lạ cả, bởi lẽ người môn đệ là người bước theo Đức Giêsu trên chính con đường mà Ngài đã đi. Bước theo Thầy thì Thầy đi đâu, trò đi đấy; Thầy sống sao, trò sống vậy; và số phận của Thầy cũng là số phận của trò.
Tư tưởng này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến ngày 05-05-2013, ngài nói: “Có quá nhiều những cộng đoàn Kitô hữu trong thế giới này đang bị bách hại. Con đường của các tín hữu Kitô là con đường của Đức Giêsu. Nếu muốn là các môn đệ của Ngài, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường Ngài đã chỉ ra với những hệ lụy là bị thế gian căm ghét”.
Chân lý đó được bắt nguồn từ những lời tiên báo của Đức Giêsu cho các môn đệ hôm nay. Ngài muốn báo trước cho các ông, để những sự việc đó đến, các ông can đảm và vững bước thi hành sứ vụ, dầu có phải chết.
Thật vậy, nếu Thầy Chí Thánh đã chấp nhận cái chết để làm chứng cho sự thật, cho tình yêu, thì đến lượt các môn đệ và mỗi chúng ta, chắc chắn không có con đường nào sáng giá hơn là con đường đón nhận hy sinh, đau khổ và ngay cả cái chết để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng của Ngài.
Ngày nay, tại đất nước của chúng ta chỉ còn chút ít những chuyện bách hại về mặt thể lý để ngăn chặn bước chân loan báo Tin Mừng. Có chăng chỉ là những vùng sâu vùng xa, do những con người thiếu hiểu biết gây nên mà thôi!
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra và suy tư một chút, hẳn chúng ta thấy hơn bao giờ hết, ngày nay, con người lại đang bị bách hại khủng khiếp nhất. Cuộc bách hại trên diện rộng và sâu xa, nó có sức tàn phá mãnh liệt hơn cả thương tích, chết chóc về mặt thể lý. Cơn cám dỗ đó đến từ những trào lưu tục hóa, những phim ảnh, sách báo đồi trụy, những chủ thuyết triết học hiện sinh muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của con người và xã hội, để thay vào đó là những quan niệm “tự nhiên có”; hay “có là do tôi làm ra”.
Dần dà, nó làm cho con người có những lựa chọn sai lạc vì những “chân lý nửa vời” chỉ đạo.
Thiết nghĩ, những cơn cám dỗ đó đến với người môn đệ, đòi hỏi chúng ta phải có một chọn lựa. Tiếp tục theo Chúa hay buông xuôi. Nếu theo Chúa thì phải cẩn trọng và cương quyết từ bỏ những quyến luyến, cám dỗ của bản năng.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết can đảm, trung thành theo Chúa đến cùng. Xin cho chúng con biết khước từ những điều bất chính để được thuộc trọn về Chúa. Amen.
Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 7:
"Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con".
Các tông đồ luôn dành ưu tiên công việc Loan báo Tin Mừng, dù cho các ông gặp rất nhiều khó khăn thử thách. Vì chưng bên trong tâm hồn, các ông luôn có Chúa đồng hành, nâng đỡ.
Chúa Giêsu sai các tông đồ đi Loan báo Tin Mừng
Sau một thời gian được ở bên Chúa để được huấn luyện, hiểu biết tầm quan trọng của việc Loan báo Tin Mừng và đi theo Chúa trên khắp nẻo đường gieo rắc Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói với các ông thao thức của Ngài, đó là “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Hôm nay, Chúa chính thức sai các ông ra đi Loan báo Tin Mừng cứu độ : "Này, Thầy sai các con đi”.
Các tông đồ được Chúa sai đi. Các ông trở thành những người mang Tin Mừng của Chúa đến cho muôn dân. Các ông đã chọn con đường theo Chúa, cộng tác với Thầy để làm cho Tin Mừng được gieo vãi, nhờ đó, nhiều người được đón nhận Tin Mừng, gia nhập vào đạo của Chúa. Vì thế, công việc Loan báo Tin Mừng là sứ mạng quan trọng nhất mà các tông đồ phải luôn dành ưu tiên. Loan báo Tin Mừng trở thành công việc ưu tiên của Giáo Hội qua mọi thời đại. Và mỗi người tín hữu cũng hãy sẵn sàng nhận lãnh sứ mạng này để cho Tin Mừng của Chúa được loan báo khắp nơi.
Những lời cảnh báo các tông đồ về những khó khăn
Trên bước đường đi rao giảng Tin Mừng, các tông đồ được Chúa Giêsu cảnh báo rằng các ông luôn phải đối diện với nhiều thử thách gian nan. "Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ…”
Cho dù khó khăn luôn xảy đến, các tông đồ không sợ hãi, không ngã lòng, không bỏ cuộc. Các ông vẫn kiên trì, can đảm và quyết chí ra đi Loan báo Tin Mừng; các ông say mê công việc tông đồ, cho dù có bị đánh đòn, xiềng xích, gông cùm, nhục mạ, thậm chí có phải chết, các ông vẫn một lòng hy sinh, đón nhận thập giá. “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ.” Tất cả vì Danh Chúa Kitô, vì Giáo Hội, vì lợi ích của các linh hồn.
Các tông đồ luôn tin tưởng vào sự nâng đỡ của Chúa
Mang trong mình Tin Mừng của Chúa Giêsu, các tông đồ ra đi, đến cả những nơi thử thách nhất, khó khăn nhất. Các tông đồ mạnh mẽ, can đảm hơn nữa, vì các ông tin tưởng vào sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Các ông thêm sức mạnh, thêm khôn ngoan, thêm can đảm để Loan báo Tin Mừng. “Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.”
Các tông đồ vẫn luôn nhớ lời Chúa Giêsu căn dặng : “Thầy đây, đừng sợ”. Các ông ra đi trong sức mạnh, nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Bởi thế, Tin Mừng được gieo vãi khắp nơi.
Nếu vì sợ hãi, sợ khó khăn, sợ bị liên lụy đến mạng sống…thì làm sao Tin Mừng có thể đến được với mọi người. Người tông đồ tin tưởng luôn có Chúa đồng hành và nâng đỡ.
Hôm nay, mỗi người Kitô hữu hãy học gương của các tông đồ : sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng để ơn cứu độ được mọi người biết đến.
Cách riêng, các gia đình Công giáo cần phải ý thức hơn nữa việc Loan báo Tin Mừng là hết sức quan trọng và là bổn phận của mỗi thành viên trong gia đình. Hãy yêu thương nhau, sống đạo đức thánh thiện và chân thành phục vụ nhau trong gia đình,…cũng trở thành lời Loan báo Tin Mừng của người tín hữu hôm nay đều có thể làm được trong bối cảnh gia đình.
Nguyện xin Chúa hướng dẫn, nâng đỡ mỗi người tín hữu chúng con, để tất cả chúng con trở thành sứ giả Tin Mừng của Chúa. Amen.
Lm. Duy Khang
SUY NIỆM 8: KHÔN NGOAN VÀ ĐƠN SƠ 
Ngang qua trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những thách đố và chông gai trên hành trình truyền giáo. Người nói rằng: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói”.
Chiên là một loài vật được cho là hiền lành và trung thành. Trong khi đó, sói lại là loài tinh ranh và hung dữ. Việc chiên đi vào giữa bầy sói là một điều hết sức nguy hiểm. Tương tự vậy, trên bước đường theo Đức Kitô, người môn đệ không phải lúc nào cũng đến những nơi yên bình, nhưng có khi là đến những nơi đầy sóng gió. Ở đó, họ có thể bị bắt bớ, bị đánh đập, hoặc bị chống đối. Vì thế, Chúa Giêsu đã khuyên nhủ các môn đệ là phải “khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu”. Thiết nghĩ, con đường sứ vụ luôn cần đến sự khôn ngoan và đơn sơ. Khôn ngoan để luôn cẩn trọng khi giải quyết mọi vấn đề. Khôn ngoan để luôn tỉnh thức và ý thức mình thuộc về Chúa. Bên cạnh đó, sự đơn sơ giúp người môn đệ luôn chân thành, ngay thẳng và trung thành với tình yêu của Chúa. Có thể nói, Chúa Giêsu đã sắp xếp hành lý cho các môn đệ để họ luôn vượt qua được sự chống đối, ghen ghét và thất bại khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Trong thời đại hôm nay, con người luôn phải đối chọi với sự bất công và bách hại. Sự khôn ngoan luôn là điều quan trọng cho mỗi người. Sự khôn ngoan giúp cho chúng ta nhận ra đâu là đúng và đâu là sai, đâu là sự thật và đâu là giả dối. Khôn ngoan giúp chúng ta biết phân định những sự kiện xung quanh cuộc sống. Sự khôn ngoan và đơn sơ dẫn chúng ta đến việc nhận ra thánh ý Thiên Chúa và thi hành, đồng thời luôn biết đặt trọn niềm tín thác vào Người trong đời sống của người con Chúa.
Lạy Chúa, trên hành trình bước theo và sống như Chúa, người môn đệ luôn gặp phải những thách đố và chông gai. Xin Chúa ban cho chúng con sự khôn ngoan và đơn sơ của Chúa để luôn biết phân định và nhận ra thánh ý của Ngài. Amen.
Tu sĩ Antôn Trần Văn Lai, SVD
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây