THỨ BA TUẦN I MÙA VỌNG THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ- LỄ KÍNH

Thứ hai - 02/12/2024 05:50
THỨ BA TUẦN I MÙA VỌNG
THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ- LỄ KÍNH
Mc 16,15-20

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mac-cô.
15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” 19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
SUY NIỆM: NHỮNG DẤU CHÂN KHAI PHÁ – MIỀN ĐẤT MỚI NỞ HOA
Khung cảnh của ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm lại 2 dấu chân đã in sâu trong lòng Hội Thánh, vì 2 dấu chân khai phá này đã làm cho nhiều miền đất mới được nở hoa.
Trước hết là dấu chân của Chúa Giêsu, 1 nhà truyền giáo mẫu mực.
Phúc Âm cho biết, chỉ với 3 năm rao giảng Tin Mừng tại trần gian, nhưng Chúa Giêsu đã mang Tin Mừng cứu độ đến cho tất cả vùng miền. Ngài đã đi đến khắp các thành thị làng mạc, đến với những vùng ngoại biên xa xôi hẻo lánh; đến với tất cả mọi hạng người. Ngài đến để trao yêu thương, để tha thứ, để chữa lành, để đem lại bình an cho con người. Chắc chắn những dấu chân ấy của Chúa Giêsu vẫn hằng in sâu trong tâm trí của mọi kitô hữu, và từng người trong chúng ta.
Kế đến là dấu chân của Thánh Phanxicô Xaviê mà chúng ta cùng với Giáo Hội kính nhớ hôm nay.
Khi nhắc đến Thánh Phanxicô Xaviê, người ta nghĩ ngay đến cuộc hành trình truyền giáo của ngài, nghĩ ngay đến những nơi mà ngài đã đặt chấn đến, và làm cho vùng đất ấy được nở hoa.
Hạnh các thánh cho biết, chỉ trong vòng 15 năm ngắn ngủi, Thánh Phanxicô Xaviê đã mang Tin Mừng đến cho Ấn Độ, rồi Nhật Bản và cả Trung Hoa. Những dấu chân khai phá của Ngài đã in sâu trong lòng các dân tộc tại vùng Á Châu này.
Với phương châm “Để làm vinh danh Chúa và vì lợi ích các linh hồn”, Thánh Phanxicô Xaviê muốn tiếp tục đặt chân đến những miền đất mới, trong đó có cả Việt Nam, để mong sao mọi người nhận biết ơn cứu độ. Nhưng tiếc thay, nguyện ước ấy lại chưa tròn.
Điểm lại một vài nét trong cuộc hành trình truyền giáo của Chúa Giêsu và của Thánh Phanxicô Xaviê, ta phải khẳng định điều này: Đó quả là những dấu chân tuyệt đẹp, và là một cuộc hành trình tuyệt đẹp.
Và thưa anh chị em, Giáo Hội cho biết, việc truyền giáo không chỉ là bổn phận của Thánh Phanxicô Xaviê hay là của một ai khác, mà là của tất cả chúng ta, vì chính Chúa Giêsu trước khi về trời đã trao lại cho chúng ta sứ mạng ấy: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”; hay nói đúng hơn, đó chính là di ngôn cuối cùng của Chúa Giêsu gởi lại cho tất cả chúng ta, trước khi Ngài về Trời
Ngày nay, Giáo hội cũng luôn mời gọi người Ki-tô hữu chúng ta, hãy noi gương Thánh Phanxicô Xaviê để sống lời di chúc này của Chúa Giêsu, đó là mang yêu thương vào nơi oán thù, mang thứ tha vào nơi lăng nhục, mang an hòa vào nơi tranh chấp, và mang chân lý vào chốn lỗi lầm; đó là đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, dọi ánh sáng vào nơi tối tâm, đem niềm vui đến chốn u sầu…Nơi đó có thể là nơi chúng ta đặt chân đến, nơi đó có thể là hàng xóm láng giềng xui gia bạn hữu, nơi đó cũng có thể là chính gia đình của mỗi chúng ta.
Một khi chúng ta làm cho chính gia đình mình, cho chính giáo xứ hay khu phố mình tràn ngập tình yêu, sự tha thứ, tràn ngập tình Chúa và tình người, là chúng ta đang truyền giáo, đang làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là tình yêu, là đường, là sự thật và là sự sống.
Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Phanxicô Xaviê, xin cho mỗi người chúng ta biết dùng chính đời sống của mình để làm cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, và ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên Trời. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM: BIẾN CUỘC SỐNG THÀNH LỜI RAO GIẢNG TIN MỪNG
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Thánh Phanxicô Xaviê. Thánh Phanxicô sinh ngày mồng 7 tháng 4 năm 1506. Thánh nhân là người con út, lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh. Khi chiến tranh kết thúc, thánh nhân được gởi đi học tại đại học Paris. Năm 1530, thánh nhân lấy bằng thạc sĩ và dạy triết học tại đại học đó. Trong khi thánh nhân đang trong thời kỳ đào tạo để trở nên linh mục, Bồ Đào Nha đang đô hộ Ấn Độ. Nhiều người Bồ Đào Nha sống ở Ấn Độ và một vài nơi khác đã dần đánh mất niềm tin của mình và những giá trị Kitô giáo. Để khôi phục lại những giá trị này, vua Bồ Đào Nha khẩn xin Đức Thánh Cha gởi các nhà truyền giáo đến vùng thuộc địa của mình. Đức Thánh Cha mời gọi hội dòng mới đảm nhận công việc truyền giáo, và Thánh Inhaxiô quyết định gởi Phanxicô. Phanxicô ra đi đến Ấn Độ vào năm 1541 vào ngày sinh nhật thứ 35 của mình và đến Ấn Độ ngày mồng 6 tháng 5 năm 1542. Thánh nhân đã nhiệt thành truyền giáo ba năm và đem nhiều người về với Chúa. Thánh nhân đã xây dựng 40 nhà thờ.
Sau khi rời Ấn Độ, thánh nhân đến Nhật vào tháng 7 năm 1549. Sau khi rời Nhật, ngài quyết định trở lại Ấn Độ. Trên đường đi Ấn Độ, tàu của thánh nhân đến Trung Quốc vào tháng 8. Ở đây, thánh nhân phải tự mình kiếm sống. Thánh nhân tìm được người đồng ý đưa ngài vào Trung Quốc sau khi trả một số tiền lớn. Nhưng trong khi chờ thuyền của mình đến, thánh nhân ngã bệnh và qua đời vào ngày 3 tháng 12 năm 1552. Thánh nhân được chôn cất trên đảo đó cho đến tháng 2 năm 1553 khi thân thể của thánh nhân được chuyển đến Malacca nơi thánh nhân được chôn cất trong một nhà thờ trong một tháng. Sau đó, một trong những bạn đồng hành của ngài đưa thân thể của ngài về nhà riêng của mình suốt năm đó. Vào tháng 12, thân thể của thánh nhân được đưa đến Goa và hài cốt của ngài được chôn cất trong một cái hòm bằng bạc và để trong một tủ kính. Phanxicô được Đức Thánh Cha Phaolô V phong chân phước ngày 25 tháng 10 năm 1619 và được Đức Thánh Cha Gregory XV phong hiển thánh ngày 12 tháng 3 năm 1622. Thánh nhân được nhận là bổn mạng của các nhà truyền giáo. Noi gương thánh nhân, chúng ta sống đời sống truyền giáo, đó là mang Chúa đến cho những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày.
Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô nói về tầm quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng. Theo thánh nhân, “rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi” (1 Cr 9:16-18). Trong những lời này, Thánh Phaolô khuyến cáo chúng ta rằng việc rao giảng Tin Mừng không phải là nguyên nhân để chúng ta thu lợi cho chính mình. Đây không phải là điều chúng ta muốn làm hay không muốn làm. Đây là điều bắt buộc, là căn tính của những người tin vào Chúa. Làm sao chúng ta không chia sẻ niềm vui Tin Mừng cho những anh chị em đang tìm kiếm niềm vui của Tin Mừng?
Kế đến, thánh nhân nói đến chính mình trong việc rao giảng Tin Mừng: “Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1. Cr 9:19, 22-23). Trong những lời này, Thánh Phaolô cho biết ngài đã từ bỏ sự “tự do con người” của mình để trở nên nô lệ cho Tin Mừng. Vì muốn chinh phục nhiều người cho Thiên Chúa, thánh nhân đã trở nên mọi sự cho mọi người. Chúng ta thấy Thánh Phanxicô Xaviê đã noi gương Thánh Phaolô trong việc rao giảng Tin Mừng. Ngài là con người tự do, nhưng đã trở nên nộ lệ cho anh chị em mình, nhất là những anh chị em ở Châu Á. Ngài đã chinh phục nhiều người về cho Thiên Chúa. Một cách cụ thể, Ngài đã làm mọi sự để cho Tin Mừng của Chúa Giêsu được biết đến trên nhiều miền đất Châu Á. Phần chúng ta, chúng ta đã chinh phục được bao nhiêu người cho Chúa?
Bài Tin Mừng hôm nay là đoạn kết của Tin Mừng Thánh Máccô. Trong trích đoạn này, Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ phải làm gì sau khi Ngài phục sinh từ cõi chết và trước khi Ngài được đưa lên trời. Chúng ta nhận ra những yếu tố sau trong mệnh lệnh của Chúa Giêsu: (1) loan báo Tin Mừng; (2) làm phép rửa; (3) dấu lạ sẽ được ban cho các môn đệ. Tuy nhiên, ba yếu này chỉ quy chiếu về một điều là việc rao giảng Tin Mừng phải được thực hiện bằng lời và hành động (x. Mc 16:15-18). Trong cuộc sống, chúng ta cũng có nhiều cơ hội để rao giảng Tin Mừng. Nhưng nhiều khi chúng ta nói nhiều hơn hành động hay nói đúng hơn lời nói không đi đôi với hành động. Rao giảng Tin Mừng đòi buộc lời nói phải đi đôi với hành động. Hãy biến sứ điệp Tin Mừng thành chính cuộc sống của mình.
Sứ mệnh của các môn đệ là tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu: “Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16:19-20). Những lời này mời gọi chúng ta phải ý thức rằng sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của chúng ta là sự chia sẻ cũng như tiếp nối sứ mệnh của Chúa Giêsu. Vì vậy, chúng ta phải có thái độ khiêm nhường vì đây không phải là việc đem lại vinh dự cho chính chúng ta nhưng đem lại vinh danh cho Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn.
Lm. Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM: THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ, VỊ TÔNG ĐỒ TRUYỀN GIÁO
Sau khi Phục Sinh khải hoàn, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và sai các ông: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15) Theo lệnh truyền đó, các tông đồ đã ra đi đem Tin Mừng cứu độ đến khắp mọi nơi. Thánh Phanxicô Xaviê mà Giáo Hội mừng kính hôm nay, ngài cũng từ bỏ tất cả và tiếp nối sứ vụ của các tông đồ khi xưa, mang Tin Mừng tình yêu của Chúa Giêsu đến khắp vùng Á châu rộng lớn.
Thánh Phanxicô Xaviê chào đời vào năm 1506 tại Tây Ban Nha trong một dòng tộc quý phái. Khi cảm nhận sâu sắc bởi câu Lời Chúa: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì” (Lc 9,25), ngài đã gác lại những khát vọng hoài bảo của mình và trở thành cánh tay cộng tác đắc lực với thánh Inhaxiô trong việc truyền giáo. Trong sứ vụ của mình, thánh nhân đã mang về rất nhiều linh hồn cho Chúa Kitô. Chính thái độ hiền lành, cung cách lịch sự và đời sống cầu nguyện kết hợp thâm sâu với Thiên Chúa đã trở thành khí cụ hữu hiệu giúp cho thánh Phanxicô gặt hái được nhiều hoa trái trong sứ vụ của mình. Thánh nhân qua đời ngày 03/12/1552, được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XV tuyên thánh cùng với thánh Inhaxiô vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo (x. Phụng Vụ Chư Thánh tập 2, Lm Augustin Nguyễn Văn Trinh).
Thật vậy, thánh nhân là một người con hiếu thảo muốn đem về nhà Cha những anh em đã lưu lạc xa gia đình. Nhìn vào tấm gương của nhà truyền giáo tài ba lỗi lạc này có nhiều nét giống với vị thánh tông đồ dân ngoại Phaolô: Phanxicô có tấm lòng nhiệt huyết dồi dào. Một ngọn lửa truyền giáo lúc nào cũng bừng cháy trong lòng, thoi thúc thánh nhân đem ánh sáng đức tin loan truyền cho mọi người. Dù gặp vô vàn khó khăn thử thách từ điều kiện sống, điều kiện ăn ở, khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa ở những nơi ngài đặt chân đến… Nhưng trên tất cả, ngài vẫn vui lòng đón nhận mọi sự “Miễn là Đức Kitô được rao giảng.” (Pl 1,18) Về phần chúng ta là những Kitô hữu, những nhà truyền giáo trong thời đại mới, chúng ta học được gì từ thánh nhân và sẽ làm được gì để tiếp nối sứ mạng Chúa Giêsu đã trao phó?
Trong Tông huấn Niềm vui của Tin mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có nói: “Vì vậy chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục.” (Số 49) Quả vậy, lệnh truyền của Chúa Giêsu không dành riêng cho một cá nhân hay một nhóm người nào. Từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, mỗi người Kitô hữu đều mang trên mình sứ mạng ngôn sứ, mọi người đều được mời gọi hãy ra đi để Chúa Kitô được đến với tất cả mọi người mọi nơi. Hãy nhớ rằng, khi loan báo Tin Mừng cho người khác cũng chính là phương thế hữu hiệu để chúng ta tự loan báo Tin Mừng ấy cho chính mình vậy.
Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Phanxicô Xaviê đi đến các dân tộc Á châu để rao giảng Tin Mừng cứu độ. Xin Chúa cũng đốt lên trong lòng chúng con ngọn lửa tông đồ truyền giáo như thánh nhân, để chúng con biết noi gương thánh nhân để lại, biết can đảm ra đi, ra khỏi ranh giới an toàn của bản thân, để mang hạt giống Lời Chúa đến cho mọi người chung quanh bằng gương sáng việc lành, bằng những hành động yêu thương cụ thể, hay chí ít là bằng lời cầu nguyện chân thành cho anh chị em xung quanh mình. Amen.
Step. Phạm Ngọc Duy

SUY NIỆM:
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ,
loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Đó là lệnh truyền cuối cùng mà Chúa Giêsu trao gửi đến các môn đệ trước khi Người về trời. Lệnh truyền ấy, là tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu, để mang Tin Mừng cứu độ đến cho mọi loài thọ tạo.
Lệnh truyền này được bắt đầu với lời mời gọi “hãy đi”; “anh em hãy đi”. Hãy đi, nghĩa là hãy lên đường. Đối với các môn đệ, việc lên đường theo lời mời gọi của Chúa Giêsu, đồng nghĩa với việc rời bỏ Giêrusalem, rời bỏ quê hương, rời bỏ nơi mà các ngài vốn đã thân thuộc. Để làm gì? Để loan báo Tin Mừng. Như vậy, sứ mạng loan báo Tin Mừng đòi hỏi phải có những cuộc “lên đường”, “ra khỏi”, để “đến với”. Và sứ mạng ấy, luôn cần phải “rời bỏ”, “từ bỏ”, và “hy sinh”. Loan báo Tin Mừng cần phải “hy sinh”; loan báo Tin Mừng cần có những cuộc “lên đường”. Đó là điều mà Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27); “Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,33).
Song song với lệnh truyền quan trọng ấy, là một sự đảm bảo của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ. Sự đảm bảo này, chính là sự hiện diện và đồng hành của Chúa bên các ông. Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa vẫn củng cố lòng tin cho những người được sai đi, bằng sự hiện diện của Người: Thiên Chúa nói với Môsê “Ta sẽ ở với Ngươi” (Xh 3,12); Người cũng nói với Giêrêmia: “Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1,8). Cũng thế, Chúa Giêsu đã củng cố lòng tin cho các môn đệ, bằng sự hiện diện đầy quyền năng của Người: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20).
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay, như một sự nhắc nhớ cho mọi tín hữu về sứ mạng loan báo Tin Mừng mà mình được nhận lãnh trong mối hiệp thông với Giáo Hội. Sứ mạng lên đường và đi đến với mọi người để nói về Chúa, không dành riêng cho ai, nhưng là cho mọi thành phần trong Giáo Hội. Sứ điệp này cũng là một sự khích lệ mạnh mẽ cho tất cả chúng ta. Bởi vì Chúa mời gọi, và Người không bỏ mặc, nhưng luôn đồng hành để giúp các tín hữu thực hiện lệnh truyền của Người. Thế nhưng, một câu hỏi được đặt ra: giữa bối cảnh xã hội hôm nay, các tín hữu có thể làm gì để thực thi lệnh truyền này?
Tùy theo hoàn cảnh và bậc sống của mỗi người, mà có những cách thức khác nhau để loan báo Tin Mừng. Nếu chúng ta không thể lên đường đi đến những nơi xa xôi như thánh Phanxicô Xaviê năm xưa, thì chúng ta hãy truyền giáo bằng đời sống thường nhật của mình. Gia tăng hy sinh hãm mình, gia tăng cầu nguyện, và nhớ đến các nhà truyền giáo đang mệt mỏi trong hành trình sứ vụ, đó cũng là cách mà chúng ta đang “lên đường” truyền giáo, và đang “hy sinh” cho sứ vụ. Chúng ta cũng có thể loan báo Tin Mừng, qua việc lan tỏa tình yêu thương đến với những người chung quanh, bằng lời nói và việc làm thấm nhuần tinh thần Phúc Âm. Qua những tiếp xúc nơi làm việc, nơi học tập, hay trong chính xóm ngõ và môi trường sống, người ta nhìn thấy gương sáng đức tin của chúng ta, người ta thấy lòng mến nơi tâm hồn chúng ta, và người ta tin vào Chúa, thì đó cũng là một cách loan báo Tin Mừng rất tuyệt vời trong thế giới hôm nay.
Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng đã loan báo Tin Mừng bằng đời sống cầu nguyện, bằng những hy sinh, và bằng những công việc nhỏ bé với tình yêu vĩ đại. Khi chịu những khổ đau, thánh nữ nói: “Con dâng hy sinh này, để cầu nguyện cho các thừa sai đang vất vả và mệt mỏi nơi những miền truyền giáo xa xôi”. Mẹ Têrêsa Calcutta và các nữ tu dòng Bác ái, đã loan báo Tin Mừng bằng việc dấn thân phục vụ những người nghèo khổ. Chân phước Carlo Acutis đã loan báo Tin Mừng, bằng việc đăng tải lên internet những chứng từ về phép lạ Thánh Thể, để mời gọi mọi người mến yêu Chúa Giêsu Thánh Thể.
Như vậy, có nhiều cách thức khác nhau để loan báo Tin Mừng. Thế nhưng, tất cả phải khởi đi từ một đời sống gắn bó với Chúa Giêsu. Điều căn cốt nơi một người rao giảng Tin Mừng chính là một đời sống gắn bó mật thiết và thân tình với Thiên Chúa. Chính niềm vui, niềm hạnh phúc khi sống trong Chúa, sẽ là sức mạnh thực sự thúc đẩy chúng ta mở lòng ra và đi đến với tha nhân. Một nhà truyền giáo thực sự, phải là một người có Chúa Giêsu ở trong lòng. Bởi vì Người cùng hoạt động với họ (x. Mc 16,20).
Lm. Giuse Nguyễn Đình Nhu
SUY NIỆM:
Công đồng Vaticanô II xác định rất rõ: Truyền giáo không chỉ là mệnh lệnh của Đức Giêsu, nhưng còn chính là bản chất của người Kitô hữu. Lời khẳng định như thế được khởi đi từ đâu, nếu không phải là từ những lời chúng ta vừa nghe trong đoạn Tin mừng hôm nay. Khung cảnh của nó gợi lên trong ta về một lý tưởng rất cao đẹp, đẹp từ suy nghĩ, đẹp đến ngôn từ, và đẹp cả những bước chân của người được sai đi, đó là hành trình của những con người được mời gọi ra đi trên nẻo đường truyền giáo.
Thế nhưng, khi đọc lại và suy gẫm đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta sẽ nhận ra Đức Giêsu nói đến không chỉ với người được sai đi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”, nhưng Ngài còn nhắc đến những người được lãnh nhận Tin mừng nữa: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”. Chính vì điều đó mà chúng ta sẽ thấy rõ hơn hình ảnh và dáng dấp của mình qua những lời giáo huấn của Đức Giêsu: Tôi vừa là người được lãnh nhận Tin mừng, đồng thời, tôi cũng là người được sai đi. Vậy thì điều gì chúng ta cần khám phá, suy gẫm và sống qua đoạn Tin mừng hôm nay?
Trước hết, chúng ta phải nói rằng, giáo huấn của Đức Giêsu, tuy có vẻ rất đơn giản và bình dân, ai cũng có thể tiếp cận và thực hành. Tuy nhiên, đơn giản không có nghĩa là hời hợt – bình dân không có nghĩa là thiếu đi sự dứt khoát. Hàm chứa trong lời giảng dạy của Đức Giêsu đó chính là sự quyết liệt và tính triệt để của Tin mừng: Tin thì được cứu, không tin sẽ bị kết án. Như thế, trong lời giáo huấn này, chúng ta sẽ không nhận ra một chỗ nào cho sự nửa vời: 50-50. Khi nhận ra điều đó, chúng ta cũng bắt đầu khám phá ra được con người thật của chính mình: Một đàng, chúng ta là những người đã tin và cũng đã được rửa tội; đàng khác, chúng ta lại nhận ra, trong tôi, vẫn còn tồn tại cái gọi là “không tin” trong cách suy nghĩ, trong lối hành động, và đôi khi ngay cả trong đời sống chứng tá.
Thứ đến, chúng ta cũng cần nhắc đến “qui luật nhân quả” mà Đức Giêsu đã áp dụng và được các Thánh Sử ghi lại rất rõ: lòng tin và lời tuyên xưng niềm tin, luôn đi kèm với hiệu quả. Hễ ai tin sẽ được chữa lành và được cứu độ. Và ngày hôm nay, Đức Giêsu cũng lập lại những hiệu quả đó cho những người tin: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” Hiệu quả và ân sủng sẽ nói lên chính niềm tin và mức độ tin của mỗi người chúng ta.
Nếu quả là thế, thì một lần nữa, lại có dịp để chúng ta phải đấm ngực ăn năn về chính thái độ và vai trò của mình trong tư cách là những người môn đệ của Đức Giêsu, và được Ngài trao cho một sứ vụ. Bởi lẽ, cả một đời theo bước Đức Giêsu, chúng ta vẫn chưa nhận được nhiều sự biến đổi của anh chị em mà mình đang phục vụ và đang sống với họ. Tuy nhiên, điều đó không làm cho chúng ta nhục chí và bỏ cuộc, bởi lẽ, khi bước đi trong hành trình phục vụ anh chị em của mình, chúng ta vẫn có Chúa đang cùng hoạt động với chúng ta, và Ngài không ngừng dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận những lời rao giảng và việc làm của chúng ta.
Với khoé nhìn như thế, chúng ta mới thực sự nhìn ra điểm nổi bật trong cuộc đời của Thánh Phanxicô Xaviê, một giáo sư triết học trẻ tuổi, với một tương lai đầy hứa hẹn trong giới kinh viện mà sự thành công, uy tín và vinh dự đang chờ đón. Phanxicô Xaviê đã nhận ra tiếng gọi từ những lời của Đức Giêsu: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có lợi gì?” (Mt 16,26a). Lời chất vấn đó tuy nhẹ nhàng và vắn gọn, nhưng sức mạnh và giá trị của nó thì không nhỏ chút nào. Lời đó đã trở nên một lời tâm niệm của Thánh Phanxicô Xaviê. Quả thật, lời của Đức Giêsu đã trở nên sự lựa chọn, trở thành sức mạnh giúp thánh nhân định hướng đời sống của mình.
Để kết luận, chúng ta cũng nên nhắc lại lời của Thánh Inhaxiô đã nói với Phanxicô Xaviê, một con người đầy cao vọng, nhất là những ước vọng lành thánh rằng: “Con người nhiều cao vọng như anh mà chịu dừng lại trong vinh quang trần thế thì quá uổng. Thiết nghĩ chỉ có vinh quang Thiên Chúa mới xứng với tầm cao ước vọng của anh”. Mong thay đó cũng chính là hướng đi và lối hành động của chúng ta trong cuộc đời phục vụ anh chị em của mình.
Gia Thi, SDB
SUY NIỆM: THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ, QUAN THẦY CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO
Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại lâu đài Xaviê, thuộc giáo phận Pampelune, nước Tây ban nha. Năm 17 tuổi đến Paris theo học tại trường đại học danh tiếng Sorbonne nước Pháp. Tám năm sau Phanxicô tốt nghiệp và được tuyển làm giáo sư triết học tại đại học này. Nổi tiếng nhờ trí thông minh, Phanxicô ngày đêm miệt mài theo đuổi danh vọng trần gian.
Ngài có một người bạn thân là Inhaxiô Loyola, một hôm đã gieo lời Chúa vào tai Phanxicô: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn thì nào có ích gì”(Mt 16,26). Được ơn thánh Chúa tác động, Phanxicô đã cùng 7 anh em bạn đến Montmartre thành lập dòng Chúa Giêsu (ngày nay là dòng Tên) do Inhaxiô Loyola đứng đầu, cùng khấn khó nghèo, khiết tịnh và làm việc tông đồ.
Năm 31 tuổi ngài chịu chức Linh mục tại Venetia miền bắc nước Ý năm 1537. Năm 35 tuổi ngài xuống tầu từ Lisbonne (Bồ đào nha) đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức thánh Cha Phaolô III.

Suốt 11 năm ngài đã đi giảng đạo tại Ấn độ, Tích lan, qua Nhật và còn dự định vào Trung quốc. Tại Ấn độ ngài rửa tội cho nhiều bậc quân vương. Tại Nhật ngài cũng được Nhật hoàng Bungolu hết sức cảm phục. Ngài đã vượt hàng ngàn cây số đường bộ nhất là đường biển và đã đem lại cho Chúa hàng trăm ngàn linh hồn. Ngoài thánh Phaolô chắc có ít vị thánh nào có hành trình truyền giáo như thánh Phanxicô.
Lòng nhiệt thành cứu các linh hồn còn thôi thúc ngài tới lục địa Trung quốc bao la để truyền giáo, nhưng đang trên cuộc hành trình tới đó, ngài đã qua đời tại đảo Tân châu (Trung quốc) ngày 03/12/1552. Xác ngài được đưa về mai táng tại Goa (Ấn độ). Năm 1622, tức sau 70 năm, Đức giáo hoàng Grêgôriô XV đã phong thánh cho ngài cùng với thánh Inhaxiô và được đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo.
Chúa Giêsu đã từng nhắn nhủ các môn đệ: “Các con hãy đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và con và Thánh Thần”(x. Mt 16,16). Sau khi Chúa Giêsu về trời, các môn đệ chia nhau đi khắp nơi để rao giảng Tin mừng. Việc rao giảng Tin mừng ấy còn phải được kế thừa trong Giáo hội. Như vậy, mọi người đều có trách nhiệm phải rao giảng Tin mừng trong hoàn cảnh thực tế của mình.
Thánh Phanxicô đã ý thức về điều đó. Ngài thấy rằng không có gì quí trọng bằng một linh hồn, bởi vì “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn thì có ích gì” (Mt 16,16). Ngài thấy cánh đồng truyền giáo còn rộng rãi bao la, nhiều người đang sẵn sàng đón nhận Tin mừng, nhưng tiếc thay, không có người đi rao giảng cho họ. Mối thao thức của ngài được diễn tả trong bức thư ngài gửi về cho thánh Inhaxiô:
“Có rất nhiều người tại những nơi này hiện giờ chưa trở thành người có đạo, chỉ vì thiếu người làm cho họ trở nên người có đạo.
Nhiều lần tôi đã nghĩ đến việc đi tới các đại học bên châu Âu, nhất là ở Paris, để điên cuồng kêu lên khắp đó đây và thúc bách những kẻ chỉ biết lý thuyết hơn là thực hành rằng: “Khốn thay, có vô số linh hồn vì lỗi của các ông mà phải trục xuất khỏi trời và bị đẩy xuống hỏa ngục.
Chớ gì những người đó chuyên chú vào việc tông đồ này như họ đã chuyên chú vào văn chương để có thể trả lẽ cho Chúa về đạo lý và những nén bạc đã ủy thác cho họ (Các giờ kinh Phụng vụ, tr 535).
Thượng hội đồng Giám mục Á châu đã cho thấy mối ưu tư của các Giáo hội ở Á châu. Về việc truyền giáo cho các dân tộc Á châu. Nhìn vào bản đồ Á châu, chúng ta thấy đây là một lục địa đông dân cư nhất, nhưng lại là lục địa có con số Công giáo thấp nhất, khoảng 2,6%. Đây là một thách đố lớn cho công việc truyền giáo. Giáo hội Á châu là một Giáo hội bé nhỏ trong một lục địa mênh mông được mời gọi rao giảng về sứ mạng tình yêu và phục vụ của Chúa Giêsu Kitô tại Á châu.
Thánh Phanxicô đã làm gương cho chúng ta về lòng nhiệt thành truyền giáo vì yêu Chúa và các linh hồn, ngài đã hy sinh tất cả bởi vì như ngài nói: “Tất cả đau khổ phiền muộn là nguồn vui sướng cho tôi”. Đúng như lời thánh Augustinô nói: “Ở đâu có tình yêu ở đó không còn khó nhọc nữa. Mà nếu có khó nhọc thì họ lại yêu thích chính sự khó nhọc đó”.
Vì thế, sau khi rửa tội cho một bà già đau nặng, ngài đã kêu lên: “Lạy Chúa, bỏ cha mẹ, quê hương, vượt trùng dương để cứu một linh hồn mà thôi thì con cũng thỏa mãn lắm rồi. Nay có chết con cũng vui lòng”. Điều đó chứng tỏ ngài yêu các linh hồn như thế nào.
Gương truyền giáo của thánh Phanxicô thật tuyệt vời, còn chúng ta thì sao? Tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi để “đi rao giảng cho muôn dân” (x. Mt 28,19). Chúng ta không nhất thiết phải đi đến những nơi xa xôi để rao giảng, mà hãy rao giảng ngay trong gia đình, cho con cái, vợ chồng, và những người làm việc với chúng ta. Và sự rao giảng không chỉ bằng lời nói, nhưng còn qua đời sống hằng ngày.
Một cách cụ thể, chúng ta thực hiện việc truyền giáo trước hết bằng lời cầu nguyện và bằng những việc hy sinh hãm mình. Chỉ có Chúa mới làm cho người khác tin Chúa mà thôi. Chứ người phàm không có khả năng làm được điều đó vì Chúa đã phán: “Hãy xin thì sẽ được” (Mt 7,7-8; Lc 11,9-10; Ga 14,13-14).

Thứ đến phải sống một đời sống tốt lành thánh thiện để làm gương sáng cho người khác vì như người ta nói: “Lời nói như gió lung lay, gương bày như tay lôi kéo”. Gương sáng có tính cách thuyết phục và hấp dẫn hơn lời nói như Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Người thời này không thích những thầy dạy cho bằng nhân chứng”.

Chúng ta chỉ có thể truyền giáo bằng gương sống của chúng ta qua việc sẵn sàng giúp đỡ mọi người, qua việc thực thi bác ái của Tin mừng mà thôi. Ước gì đời sống mỗi người, mỗi gia đình là tấm gương tốt lành, công bằng, yêu thương minh chứng cụ thể cho đức tin và lòng yêu mến Chúa của chúng ta.
Lm. Đinh Lập Liễm

SUY NIỆM:
Hôm nay mừng lễ kính thánh Phanxicô Xavier, Giáo hội cho đọc đoạn Tin Mừng về mệnh lệnh Chúa trao cho các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian. Thánh Phanxicô Xavier – vị thánh linh mục dòng Tên này – đã thực hiện triệt để lệnh truyền ấy, đã đem Tin Mừng đến cho Á Châu và đem rất nhiều người trở về với Chúa, và nay được phong làm Bổn Mạng các Xứ Truyền Giáo, trong đó có Việt Nam chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay tập chú đến hai điểm chính:
1. Lệnh truyền rao giảng Tin Mừng.
Trước khi về trời, lời trối cuối cùng của Chúa Giêsu là: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà rao giảng Tin Mừng cho mọi lời thọ tạo”.
Hãy đi: Đây là một mệnh lệnh mang tính trách nhiệm, chứ không phải một lời khuyên. Vì thế, đã là môn đệ Chúa, thì mọi người đều mang trong mình trách nhiệm truyền giáo. Đi: Nghĩa là lên đường, đến với nơi mình làm việc, nơi mình sinh sống, nơi mình tham gia các sinh hoạt… Truyền giáo là một hành động cụ thể qua lời nói và đời sống chứng nhân, chứ không phải “đạo tại tâm”.
Khắp tứ phương thiên hạ: Nghĩa là, việc rao giảng và làm chứng cho Chúa không hệ tại ở một không gian nhất định, nhưng bất kỳ nơi nào mình đến và trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Rao giảng Tin Mừng: Rao giảng Tin Mừng là rao giảng “Lời Chúa”, việc Chúa, và làm chứng cho Chúa, chứ không phải rao giảng “lời hay ý đẹp của mình bịa ra”, hoặc làm công việc của mình hay ngầm ý vinh danh mình.
Cho mọi loài thọ tạo: Lệnh truyền không giới hạn mình phải làm chứng cho Chúa trước một tôn giáo nào hay một tầng lớp xã hội nào, mà là cho bất cứ ai mình gặp gỡ.

2. Điều kiện để được cứu độ.
Tiếp theo lệnh truyền là lời khằng định của Chúa Giêsu: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án”.
Điều kiện bắt buộc để được cứu độ là tin và chịu phép rửa. Nên dù mặc nhiên hay minh nhiên, không qua Đức Giêsu Kitô thì không thể vào Nước Thiên Chúa. Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận Bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”).
Cần phân biệt giữa việc được rao giảng mà không tin và chịu phép rửa, khác hẳn với việc không được nghe rao giảng. Ơn cứu độ trước việc người ta cứng lòng không tin khác với việc người ta lầm lạc không được nghe biết Tin Mừng. Vì thế, việc truyền giáo luôn là một trách nhiệm khẩn thiết của mỗi chúng ta.
– Phép lạ kèm theo.
Cần lưu ý, những phép lạ chỉ là “kèm theo”, chỉ đóng vai trò phụ trong việc minh hoạ cho Lời Rao Giảng, nâng đỡ niềm tin người đón nhận và xoa dịu bớt phần nào nỗi đau khổ của kiếp nhân sinh; Lời Rao Giảng mới đóng vai trò chính trong niềm tin và ơn cứu độ.
Chính vì thế, mà chính Chúa Giêsu cũng nhiều lần từ chối làm phép lạ, vì người ta đòi hỏi Người. Niềm tin mà chỉ dựa trên phép lạ thì không còn là niềm tin nữa.
Lạy Chúa Giê-su, từ ngày chịu phép rửa tội, chúng con mang trên mình vai trò ngôn sứ, là luôn phải biết đem Tin Mừng đến cho người khác trong bất cứ hoàn cảnh nào, xin Chúa cho chúng con biết noi gương thánh Phanxico Xavier, luôn hăng say rao giảng Lời Chúa với cả sự khao khát, lời nói và hành động, hầu quê hương đất nước chúng con ngày một thêm nhiều người nhận biết và tôn thờ Chúa. Amen
Hiền Lâm
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây