THỨ HAI TUẦN V THƯỜNG NIÊN
Mc 6,53-56
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
53 Khi qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ. 54 Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su.
55 Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. 56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.
SUY NIỆM: XÍCH LẠI GẦN CHÚA HƠN
Có lần Chúa Giêsu đã từng khẳng định với chúng ta như thế này: “Ta đến là để cho chiên được sống và sống dồi dào”. Lời hứa ấy của Chúa Giêsu đã trở thành niềm hy vọng cho nhiều người, đặc biệt là những người nghèo khổ và bệnh tật.
Bài Tin mừng hôm nay cho biết, khi Chúa Giêsu vừa xuất hiện, người ta đã ồ ạt chạy đến với Ngài, đem đến cho Ngài rất nhiều bệnh nhân với nhiều bệnh trạng khác nhau. Họ thầm ước mong rằng, Chúa sẽ thực hiện lời hứa năm xưa và chữa lành cho người thân của họ. Đúng như những gì mà họ kì vọng, bất cứ ai chạm đến với Chúa Giêsu đều được Ngài chữa lành.
Thưa anh chị em, Chúa Giêsu vẫn muốn và đang ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Mục đích vẫn là, để mỗi người chúng ta hôm nay cũng được sống và sống dồi dào. Vậy làm cách nào để chúng ta được hưởng trọn vẹn ơn ấy? Chúng ta được mời gọi hãy noi gương những Do Thái trong bài Tin mừng hôm nay, với 2 việc làm cụ thể sau:
Thứ nhất, là mỗi người hãy chủ động tìm đến với Chúa Giêsu. Vì việc chúng ta chủ động tìm đến, cho thấy chúng ta đang thật sự khao khát và đặt trọn niềm tin cậy vào Chúa là ơn cứu độ của đời ta.
Thánh lễ hằng ngày, giờ kinh của hội đoàn, và các việc đạo đức cá nhân… anh chị em đừng làm những điều ấy vì luật buộc, cũng đừng làm chỉ vì tôi rảnh rỗi; nhưng hãy làm với mục đích là tôi muốn chủ động gặp Chúa qua các giờ đạo đức ấy, để kể cho Chúa nghe với những băn khoăn trăn trở mà tôi và gia đình tôi đang gặp phải, và tôi tin rằng, Chúa sẽ ban ơn nâng đỡ cho tôi.
Thứ hai, là mỗi người hãy để cho Chúa đụng chạm đến cuộc đời của mình, qua việc rước Chúa mỗi ngày trong các Thánh lễ.
Mỗi người hãy mời Chúa Giêsu ngự vào trong ngôi nhà tâm hồn mình, để Ngài chữa lành những tổn thương do tội nhẹ gây nên, để Ngài nuôi dưỡng phần rỗi linh hồn, để Ngài lắng nghe những thổn thức của trái tim và những điều thầm kín mà ta không thể nói với ai, rồi Ngài sẽ đỡ đần cho.
Tóm lại, Tin mừng hôm nay chỉ muốn nhắc cho chúng ta nhớ rằng, Chúa Giêsu chính là nguồn sống của người kitô chúng ta, và Ngài vẫn đang ở giữa chúng ta để ban ơn giúp sức.
Phần chúng ta, mỗi người hãy chủ động tìm đến với Chúa Giêsu, và hãy để cho Chúa đụng chạm đến tâm hồn mình, thì chắc chắn cuộc đời của mỗi chúng ta sẽ được sống và sống dồi dào. Amen.
SUY NIỆM: CHỮA BỆNH CỦA CHÚA GIÊSU, TẠI GIÊNÊSARÉT
Câu chuyện
Bác sĩ Longet người Pháp đã từng phục vụ ở Việt Nam cách đây mấy mươi năm (và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tom Dooley người Mỹ đã phục vụ ở Đông Nam Á). Ông tận tụy săn sóc, yêu thương các bệnh nhân trong bệnh viện mình, bất kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, ngày cũng như đêm…
Mỗi sáng, khi đi dự lễ bệnh nhân lương giáo ai muốn đi, ông đều cho đi. Mỗi chiều Chúa nhật, ông lại cho các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi này, nơi nọ. Và mỗi tối, ông lần chuỗi chung với bệnh nhân Công giáo. Vì là người Pháp, ông chỉ thuộc các kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng danh đủ để lần hạt chung với họ là những người khác quốc tịch.
Ít lâu sau, Longet trở về lại Pháp, vào chủng viện dâng mình làm linh mục và tình nguyện sang phục vụ những người nghèo khổ nhất ở giáo phận Cần Thơ. Nhưng tiếc thay, sau khi chịu chức, ông bị bệnh và qua đời trước khi tới nơi mong ước.
Suy niệm
Tin Mừng hôm nay nói về việc chữa bệnh của Chúa Giêsu, tại Giênêsarét. Theo thánh sử Luca, sự việc xảy ra sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi đám đông dân chúng hơn 5000 người, và Ngài đã khống chế sự dữ trên biển cả khi thuyền của các tông đồ bị chao đảo, bị sóng dập vùi…
Chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều của Ngài, dân chúng tìm đến với Chúa Giêsu để xin được chữa lành những căn bệnh… Họ đặt những bệnh nhân nằm la liệt bên các vệ đường, nơi mà Ngài sẽ đi ngang qua, được Ngài đặt tay trên mình hoặc được đụng chạm đến tua áo Ngài là họ được chữa lành. Trong văn hóa Sêmít, y phục tượng trưng cho chính bản thân con người. Khi đụng đến áo của người nào là ta tiếp xúc đến chính bản thân người đó. Qua đó, tác giả muốn khẳng định từ thân thể Chúa toát ra một uy quyền thần linh cứu độ (x. Mc 6,56) và ân sủng này vượt quá những điều trị thể lý thông thường.
Chúa Giêsu theo một chương trình duy nhất, là rao giảng Tin Mừng và làm cho nước Trời hiện diện cụ thể trong đời sống con người. Ðối tượng phục vụ của Ngài là tất cả mọi người, ưu tiên cho người nghèo, người đau khổ và nhu cầu của họ. Ngài đã thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ một cách hoàn hảo: Loan báo Tin Mừng bằng cả lời nói và hành động cụ thể cho thấy sức mạnh Tin Mừng: Ngài chữa lành mọi bệnh tật, khai trừ tội lỗi và giải thoát con người khỏi ách thống trị của sự dữ là ma quỷ.
Xin vì tình thương và lòng trắc ẩn của Chúa đã chạnh lòng thương dân Do Thái năm xưa, xin Chúa cũng thương chữa lành những căn bệnh thể lý và tinh thần của chúng ta hôm nay.
Ý lực sống
“Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM:
Nếu chúng ta xem lại những mạch văn ở trên thì những phép lạ của Đức Giê-su tuy chưa nhiều nhưng những dấu chỉ đó cho thấy quyền năng của Đức Giêsu như thế nào? Qua những việc chữa bệnh, Người đi trên mặt biển, hóa bánh ra nhiều...Như thế qua những việc Người làm mà dân chúng đã biết đến Người. Đoạn Tin Mừng hôm nay kể lại việc sau khi Đức Giê-su đi trên mặt biển thì Người ghé vào vùng Ghen-nê-xa-rét và khi đến đây dân chúng nhận ra Người và họ kéo đến khắp vùng ấy, để xin Người chữa lành bệnh tật thể xác và tâm hồn. Và vì nhiều bệnh nhân đến nỗi họ đặt người bệnh ngoài đường ngoài chợ và ở đây ta thấy niềm tin của họ vào Đức Giê-su rất mạnh mẽ:“xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người” và phép lạ xảy ra: “bất cứ ai chạm đến thì đều được khỏi” (Mc 6,36).
Trang Tin Mừng hôm nay cho ta thấy Đức Giê-su làm phép lạ cách lạ lùng và có vẻ như Đức Giê-su ban phát phép lạ cách tùy nghi cách dễ dàng. Chạnh lòng đôi chút tôi thiết nghĩ, nếu như ngày nay Đức Giê-su cũng chạm đến tôi thì những đau bệnh của tôi đã hết. Nếu như Đức Giê-su có ở đây thì cơn đại dịch đã biến tan hay nhờ đôi tay thần thánh của Người thì bao người đã thoát được lưới hái tử thần. Xin lắng đọng lại tâm hồn, chúng ta soi chiếu lại đời sống đức tin của mình thì có lẽ tôi và bạn, chúng ta đã chưa đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa. Phải chăng, những gì chúng ta đang có là do ân sủng của Người. Từ mái ấm gia đình, từ những người thân yêu của chúng ta cho đến sức khỏe, công việc, khả năng và cả thiên nhiên mà chúng ta đang tận hưởng...Tất cả những điều đó đều do ân huệ mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Tự vấn: Khi nào chúng ta gặp khó khăn, gặp tai nạn hay gặp đau khổ ta mới chạy đến Chúa để xin Người chạm vào ta và mong được chữa lành. Và có vẻ như cuộc sống của chúng ta êm trôi bình an thì chúng ta có cảm tạ hồng ân của Người hay không? Và nếu khi chúng ta gặp đau khổ thì chúng ta có mạnh mẽ dâng lời ngợi khen Chúa vì những điều trái ý xảy ra trên cuộc đời của chúng ta hay không? Quả thật điều này là rất khó và chỉ khi nào chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa là chủ cuộc đời và là gia nghiệp thì trong mọi hoàn cảnh chúng ta mãi ca vang tình yêu Chúa.
Lạy Chúa, đã bao lần chúng con quên mất tình yêu Người vẫn phủ đầy trên cuộc đời chúng con. Đã bao lần chúng con quên đặt để những lời tri ân cảm tạ Người vì muôn ân sủng mà Người đã thương ban. Đã bao lần lòng chúng con đã hoen ố vì tội lỗi thế mà chúng con vẫn trách hờn Chúa nhiều điều đấy thôi! Thế nhưng Chúa vẫn âm thầm săn sóc và yêu thương chúng con. Quả thật, Người không chỉ chạm vào chúng con lúc con gặp khổ đau mà Người đang ẵm bồng nâng niu chúng con trong cánh tay của Người. Để Người mong được yêu thương mong được chở che chúng con. Lạy Chúa Giê-su giàu lòng thương xót xin Người chạm vào tâm hồn chúng con mỗi giây mỗi phút để chúng con được biến đổi, được thánh thiện hơn để xứng đáng là người con của Chúa. Vì chúng con biết Người chạm vì yêu. Amen!
Tân Quang
SUY NIỆM: MỞ LÒNG RA ĐỂ ĐÓN NHẬN
Họa sĩ Holman Hunt đã vẽ một bức tranh rất đẹp và rất lạ đời. Ông vẽ Chúa Giêsu đang đứng gõ cửa một ngôi nhà.
Điểm khác thường ở đây là cánh cửa đó không có tay cầm và cũng không có ổ khóa, và vì thế cánh cửa đó chỉ có thể được mở từ bên trong mà thôi.
Ngụ ý ông muốn nói rằng: cho dù người bên ngoài có muốn vào thì cũng chẳng làm sao mà vào được nếu người ở bên trong không mở cửa cho họ vào.
Đám đông dân chúng trong bài Tin mừng hôm nay thì không như thế. Họ đã mở toang cánh cửa lòng họ cho Đấng chữa lành, và vì thế họ đã được khỏi bệnh. Thánh Maccô diễn tả rất hay: Nghe tin Ngài ở đâu, thì họ bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó và bất cứ ai chạm đến Ngài thì đều được khỏi.
Sở dĩ người ta ùn ùn kéo đến với Ngài, chính vì họ cảm thấy Ngài luôn luôn cho họ cái gì, Ngài luôn là vòng tay mở rộng chờ đón, Ngài luôn trao ban hết con người mình, hết thời giờ, hết quyền năng Ngài cho họ. Sức hút của Chúa Giêsu hiện tại ở việc Ngài là con người quảng đại và luôn cho đi.
Như vậy, bài Tin mừng hôm nay cho thấy việc Đức Giêsu chữa lành bệnh nhân để trình bày về sứ vụ Cứu Thế của Ngài và để củng cố niềm tin cho các Tông đồ.
Đồng thời chúng ta có thể nhận thấy tính cách phổ quát của đạo Công giáo: Chúa ban ơn cho cả lương dân khi họ đến với Ngài để xin chữa bệnh. Tính cách này thì ngược với tinh thần hẹp hòi, ích kỷ của dân Do Thái trong hoàn cảnh xã hội của Chúa Giêsu thời bấy giờ.
Dân chúng ùn ùn kéo đến với Chúa Giêsu, quả là một cảnh tượng tuyệt đẹp và đầy xúc động, đẹp ở chủ sự động của đám đông, xúc động vì lòng tin vững vàng của họ. Họ đã không đòi hỏi gì hơn là được chạm đến tua áo Ngài mong được chữa khỏi bệnh.
Nếu đọc kỹ Tin mừng chúng ta thấy chẳng một người nào tin tưởng tìm đến với Chúa mà lại phải về tay không nhiều người đã được những ơn ngoài sự mong ước của họ.
Xin kể ra đây một vài thí dụ điển hình:
-Ông Giakêu, người thu thuế, một con người chỉ vì tò mò muốn biết con người Giêsu ấy là ai, chỉ mong thấy con người Giêsu ấy như thế nào khi ngang qua khu vực của ông, thế mà Chúa đã đích thân đến tận nhà ông và Chúa còn bảo: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ”.
-Trong số các môn đệ Đức Giêsu, có ông Nicôdêmô một người Biệt Phái chính hiệu, ông đã lén lút tìm đến Chúa ban đêm và chỉ sau một lần gặp gỡ ông đã thay đổi hẳn. Trong cuộc xử án Chúa, đang lúc mọi người hăng say yêu cầu kết án thì một mình ông đứng ra bênh vực cho Chúa.
-Đẹp nhất là người trộm lành. Chỉ một lời van xin mà anh đã chiếm được lòng Chúa Giêsu và anh
ta đã chiếm được cả Nước Thiên Đàng.
Các bạn thân mến,
Đám đông dân chúng hôm nay đã tự mở cánh cửa lòng mình cho Đấng chữa lành, và vì thế họ đã được khỏi. Còn chúng ta thì lòng vẫn đầy dẫy những ích kỷ, tự kiêu, đam mê. Nhiều khi lại còn mặc cảm, chống đối và than van. Xin Chúa cho ta luôn biết mở lòng ra để có thể chạm đến Ngài.
Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
SUY NIỆM: CHẤP NHẬN BỊ QUẤY RẦY
Tin Mừng hôm nay là một bản khái quát những hoạt động của Chúa Giêsu làm cho con người, những hoạt động này vừa nhiều vừa đa dạng, đến mức làm cho người ta có cảm tưởng Chúa Giêsu là một lương y đa khoa.
Nhìn vào cách thức hành động của Chúa Giêsu, con người thời nay có thể cho rằng Ngài làm việc thiếu khoa học. Dường như Chúa Giêsu không lên kế hoạch làm việc cho từng ngày, ngày nào của Ngài cũng chỉ theo một chương trình duy nhất, là rao giảng Tin Mừng và làm cho Nước Trời hiện diện cụ thể trong đời sống con người. Ðối tượng phục vụ của Ngài là người nghèo đủ loại, và nhu cầu của người nghèo lại cấp bách đến độ không thể dời lui dời tới hoặc giới hạn vào một số giờ nhất định. Sống với người nghèo và cho người nghèo là chấp nhận bị quấy rầy: quấy rầy vì những vấn đề của họ thật cấp thiết nhưng lại không dễ giải quyết, quấy rầy vì họ luôn ở cạnh chúng ta mà chúng ta không được phép quên đi.
Giáo Hội hôm nay muốn chọn người nghèo làm đối tượng ưu tiên để phục vụ như Chúa Giêsu ngày xưa đã làm, thì Giáo Hội cũng không thể quên sự quấy rầy của người nghèo và các vấn đề liên quan đến người nghèo. Nếu Giáo Hội có phải phân nhiệm cho ủy ban này, ủy ban khi lo từng vấn đề, nếu Giáo Hội có phải lên thời khóa biểu hằng ngày, thì tất cả chỉ vì muốn phục vụ người nghèo cho có kết quả hơn, chứ không phải để giảm bớt hoặc thoái thác công việc.
Chúa đã không phục vụ con người theo kiểu trưởng giả, gián tiếp, nhưng đã dấn thân phục vụ tất cả mọi người bất cứ giờ phút nào. Xin cho Giáo Hội và mỗi người chúng ta đừng phục vụ người nghèo trên môi miệng, trên giấy tờ hoặc trong tư duy, nhưng là phục vụ trong hành động cụ thể và mau mắn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM:
Đức Giê-su làm cho người ta “rảo” khắp vùng để đến với Ngài. Từ này được dùng thật hay và lột tả được những đáp trả rất tích cực từ mọi người.
“Rảo” nghĩa là di chuyển rất nhanh và có chủ đích bằng những bước chân gấp gáp và vội vã. Đó là một từ đặc trưng cho ta thấy một hành động rất cụ thể. Người ta không chỉ chạy đến với Đức Giê-su một cách nhanh chóng, nhưng là họ đang “rảo” bước đến với người.
Hình ảnh người ta rảo bước ấy dường như biểu lộ sự hăng hái nhất định khi tìm gặp Đức Giê-su. Những bước chân vội vã đến với Đức Giê-su cho thấy họ đang rất chủ động tìm gặp Người với những mối bận tâm của mình. Mối bận tâm đó là gì? Đó chính là được chữa lành. Họ biết rằng chính Đức Giê-su là nguồn mạch chữa lành đích thực cho những người đau yếu nên là dù Người có ở đâu, họ vẫn tìm mọi cách để tìm gặp Người. Trình thuật Mác-cô hôm nay cho ta thấy khát khao và lòng tin của những người tìm gặp Đức Giêsu mãnh liệt dường nào: họ chỉ “xin Người cho họ ÍT LÀ được chạm đến tua áo choàng của Người”.
Ở một mức độ nào đó, đây cũng là một cách thức gặp gỡ Đức Giê-su trong đời sống đức tin mà ta cần học. Ta phải chân nhận Người như nguồn mạch chữa lành, đặc biệt là những căn bệnh tâm linh, cũng như để tâm trí mình quy hướng về Người như là một vị thầy thuốc thiêng liêng. Những khát khao và mong mỏi kiếm tìm Thiên Chúa cần phải khỏa lấp trọn vẹn tâm trí ta.
Mời bạn cùng suy tư về hình ảnh đầy ý nghĩa trong Bài Tin mừng hôm nay, thử đặt mình vào khung cảnh và xem thử liệu bạn có cần phải chủ định và mong mỏi ở lại với Đức Giê-su hơn nữa hay không. Người chính là nguồn mạch ân sủng và lòng thương xót, Người cũng là vị thầy thuốc thiêng liêng luôn đợi chờ bạn đến với Người bất cứ khi nào bạn cần. Bạn hãy nhìn xem kết quả của những người tìm đến gặp Đức Giêsu: “bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.” Vì thế, bạn cũng hãy nhanh chân “rảo bước” đến với Người để được chữa lành và chìm đắm trong ân sủng Người.
Lạy Chúa, xin cho con thêm lòng khao khát Ngài và ước ao được ở với Ngài. Xin giúp con nhận ra Ngài chính là vị thầy thuốc thiêng liêng mà tâm hồn con hằng khao khát. Xin giúp con luôn luôn tín thác và chạy đến với Ngài để chính người sẽ lấp đầy những nhu cầu và khát khao của lòng con. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Ngài. ——-
Nhóm Bạn Đường Linh thao
Nguồn: https://mycatholic.life/…/fifth-week-in-ordinary-time/