Thứ Sáu tuần 16 thường niên

Thứ năm - 27/07/2023 03:34
Lời Chúa: Mt 13, 18-23

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Vậy các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường.
Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó: đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã.
Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết ngạt mà không sinh hoa kết quả được.
Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả, đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi".

cn xvi tn t6

Suy Niệm 1: Sinh hoa kết quả
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)


Dụ ngôn người gieo giống của Đức Giêsu là một dụ ngôn đầy nét hy vọng.
Nếu có một lúc nào đó người môn đệ chán nản
vì thấy có bao hạt giống được gieo vãi mà chẳng thu lại được gì,
bao điều cản trở sự lớn lên của Nước Thiên Chúa,
thì dụ ngôn này nhắc cho họ thấy rằng có những hạt lúa được bội thu.
Kết quả của những hạt lúa bội thu thì gấp nhiều hơn số lúa đã gieo vãi.
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời giải thích dụ ngôn trên của Đức Giêsu.
“Anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống” (c. 18).
Đức Giêsu mời gọi như thế với các môn đệ của thời Ngài và của mọi thời đại.
Cả bốn hạng môn đệ sắp được Ngài kể ra đều là những người đã nghe Lời.
Lời đây là lời Tin Mừng, lời giảng dạy của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa.
Lời này được ví như hạt giống mà Đức Giêsu gieo vãi trong tim môn đệ (c. 19).
Trái tim người môn đệ là một thửa đất nhận hạt giống ấy.
Chỉ có một loại hạt giống như nhau, cũng như chỉ có một người gieo.
Kết quả khác nhau là tùy vào chất lượng của đất, chất lượng của trái tim.
Có bốn loại đất, bốn loại môn đệ với tâm hồn khác nhau.
Loại đất vệ đường, đất cứng, khiến hạt giống chỉ nằm ở bên trên.
Lời Chúa chỉ được nghe suông ngoài tai, nhưng không được đón nhận vào tim.
Chính vì thế loại môn đệ này được coi là không hiểu (c. 19).
Không hiểu không phải vì trí khôn kém cỏi hay vì người truyền đạt yếu.
Không hiểu chỉ vì không muốn hiểu, lòng không muốn đón nhận.
Khi lòng không ưng thì quỷ đến và cướp mất hạt giống đã gieo.
Loại đất sỏi đá là loại đất chỉ có một lớp đất mỏng thôi.
Hạt giống được gieo thì mọc lên ngay,
nhưng vì không có rễ sâu nên chỉ sống được một thời gian ngắn (c. 21).
Loại môn đệ thứ hai này chẳng những nghe mà còn vui vẻ đón nhận ngay (c. 20).
Nhưng sự đón nhận vội vã này rất hời hợt, và niềm vui cũng không sâu.
Họ tưởng làm môn đệ chỉ gặp toàn niềm vui và an bình.
Chính vì thế khi phải trả giá để sống Lời Chúa, thì họ vấp ngã ngay và bỏ cuộc.
Loại đất có bụi gai là đất có thể làm hạt giống lớn lên thành cây,
nhưng cây lại bị gai lấn át làm chết ngạt (c. 22).
Bụi gai của loại môn đệ này là nỗi lo lắng chuyện đời và lòng ham mê giàu có.
Bụi gai nằm ngay giữa thửa đất trái tim, lớn mạnh đến nỗi làm cây lúa úa vàng.
Cuối cùng là đất tốt, đất chẳng như vệ đường, chẳng có sỏi đá hay bụi gai.
Hạt giống gặp đất tốt này thì sinh hạt, hạt được một trăm, sáu chục hay ba chục.
Loại môn đệ cuối này khác hẳn với loại thứ nhất vì nghe và hiểu Lời Chúa (c. 23).
Tuy nhiên, kết quả đem lại nhiều hay ít còn tùy mức độ mở ra của từng người.
Lời Chúa hôm nay mời ta nhìn lại thửa đất của trái tim mình.
Những cứng cỏi, những hời hợt thiếu rễ sâu, những chi phối của đam mê vật chất.
Bao hạt giống được gieo mà chưa sinh hoa trái.
Xin Chúa giúp ta dọn dẹp, cải tạo lại thửa đất của tâm hồn
để tim ta có ít chỗ cho thế gian và nhiều chỗ hơn cho Thiên Chúa.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng
Chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống
Đã âm thầm chịu nát tan
Để trao cho đời cây lúa trĩu hạt.
Có bao điều tốt đẹp
Chúng con được hưởng hôm nay
Là do sự hy sinh quên mình của người đi trước,
Của các nhà nghiên cứu, các người rao giảng,
Của ông bà, cha mẹ, thầy cô,
Của những người đã nằm xuống
Cho quê hương dân tộc.
Đã có những con người sống như hạt lúa,
Để từ cái chết của họ
Vọt lên sự sống cho tha nhân.
Nhờ công ơn bao người,
Chúng con được làm hạt lúa.
Xin cho chúng con
Đừng tự khép mình trong lớp vỏ
Để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình,
Nhưng dám đi ra
Để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ.
Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày.
Để chọn tha nhân và Thiên Chúa,
Chúng con phải chết cho chính mình.
Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm vượt qua
Đi từ cõi chết đến nguồn sống,
Đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở
Trước Đấng Tuyệt Đối và tha nhân. Amen
 
Suy Niệm 2: Lời ban sự sống
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Lời Thiên Chúa là lời quyền năng. Nhưng là lời yêu thương. Yêu thương nên Lời Thiên Chúa luôn ban sự sống cho nhân loại. Từ tạo thiên lập địa, Lời Thiên Chúa sáng tạo nên muôn loài. Cho muôn loài từ hư vô sang hiện hữu. Đặc biệt là sự sống. “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời. Một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6). Thời Mô-sê vì sự sống của dân Chúa bị đe doạ, bị áp bức, bị tổn thương. Nên Chúa dùng lời Chúa mà giải phóng dân Người. Và trong sa mạc, tại núi Xi-nai Chúa ban Mười Lời, cũng gọi là Mười Điều Răn, để dân Chúa thực hành. Bao lâu dân Chúa thực hành lời Chúa dạy, họ được sống và bình an: “Những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời”. (năm lẻ).
Suốt dọc dài lịch sử, Chúa luôn gửi đến các tiên tri, để thúc giục dân tuân giữ Lời Chúa. Thoạt tiên Lời Chúa được ghi khắc trên hai bia đá, chứa đựng trong Hòm Bia. Nhưng điều Chúa mong muốn là Lời Chúa không chỉ được khắc trên bia đá, nhưng được ghi khắc trong thâm tâm mỗi người. “Người ta sẽ không còn nói đến Hòm Bia của Đức Chúa nữa, không còn lưu tâm, không nhớ tới, chẳng nuối tiếc, cũng chẳng làm lại nữa”. Bấy giờ Lề Luật được ghi khắc trong lòng. “Mọi dân tộc sẽ nhân danh Đức Chúa quy tụ tại Giê-ru-sa-lem; chúng sẽ không còn sống buông thả theo lòng dạ xấu xa ngoan cố của mình nữa”. Khi họ nhập tâm Lời Chúa và hết lòng tuân giữ thì đất nước sẽ phát triển: “Khi các ngươi tăng số và phát triển trong xứ” (năm chẵn).
Chúa liên tục gieo vãi Lời Chúa. Thời cuối cùng Chúa gieo chính Lời Chúa bằng xương bằng thịt. Là Ngôi Lời Thiên Chúa. Là Chúa Giê-su Ki-tô. Người là hạt giống gieo vào lòng đất. Chịu mục nát đi để sinh hoa quả dồi dào. Nhưng loài người thờ ơ với Lời Chúa. Nên Lời Chúa gặp phải đường đi, không bén rễm mọc lên được. Lời Chúa gặp phải đá sỏi cứng lòng cũng không phát triển được. Lời Chúa gặp phải bụi gai dục vọng ham mê đời này nên bị bóp nghẹt. Chỉ một số ít tâm hồn mở lòng đón nhận, lập tức Lời Chúa sinh hoa kết quả. Kết quả lớn nhất là đem lại cho ta sự sống đời đời.
Lời Chúa là yêu thương. Yêu thương nên ban cả Con Một. Để ta được sống. Nhưng ta phải thiết tha sống. Phải mở lòng đón nhận. Phải cày xới tâm hồn. Phải có trái tim mềm mại ngoan ngoãn. Phải diệt trừ ham hố dục vọng trần gian. Lời Chúa mới phát triển. Đem lại cho ta sự sống đời đời.


SUY NIỆM 3: HIỂU ĐƯỢC LÒNG THIÊN CHÚA VÀ LỜI CỦA NGÀI − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

“Theo đạo” không phải là theo một thứ tổ chức, một thứ nghi lễ hay phải tuân giữ một số luật lệ nào đó. Theo đạo là theo một Đấng. Sách Công Vụ nhiều lần dùng từ “Đạo” để chỉ những người tin theo Chúa Giêsu Kitô (x. Cv 18,26; 19,9.23; 22,4; 24,14.22). Chính Ngài cũng tự xưng mình là Đạo, là con đường đưa về cùng Chúa Cha. Phải hiểu được điều này thì mới đi vào chiều sâu của đạo là đến được với Thiên Chúa.
Người Do Thái qua nhiều thời đại chỉ nhìn về núi Sinai như là nơi Đức Chúa dạy họ phải tuân giữ Mười Giới Răn, mà quên mất rằng nơi đó, Đức Chúa đã lập một giao ước, tức là một tương giao thân tình với họ. Bản văn gốc dùng từ “Mười Lời”  (x. Đnl 4,13; 10,4). Lời diễn tả ý muốn và tấm lòng của Đức Chúa. Trước khi dạy Mười Lời (x. Xh 20,1-17), Đức Chúa phán:
“Các ngươi thấy Ta... đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây, nếu các ngươi thật sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta.” (Xh 19,4-5).
Dụ ngôn các hạt giống cũng cho thấy các mức độ khác nhau trong sự gắn bó với Thiên Chúa: hoặc không quan tâm gì cả, hoặc chỉ vui vẻ nhất thời, hoặc bị lôi cuốn bởi các đam mê sự đời mà quên mất Thiên Chúa. Ngay cả các hạt giống gieo vào đất tốt cũng sinh những hoa trái khác nhau, hoặc 30, 60 hoặc 100, tuỳ theo mức độ đón nhận Thiên Chúa và lời của Ngài vào tâm hồn và cuộc sống.
Hiểu được lời Thiên Chúa tức là hiểu được ý nghĩ, tấm lòng Thiên Chúa. Theo đạo là theo Thiên Chúa, hiểu được tấm lòng của Ngài và sống hết lòng với Ngài. Chủ trương tối thiểu, cầm chừng, chỉ lo cho bản thân hoàn thiện cách ích kỷ... là không hiểu được lòng Thiên Chúa. Khi hiểu được tấm lòng Thiên Chúa dành cho mình, kitô hữu có thể vượt qua mọi gian nan trong đời sống. Tôi đã từng được nghe những trải nghiệm như thế của người này người kia, và cảm nhận đời sống đạo của họ thật hấp dẫn. Ngược lại, tôi cũng nghe những người giữ đạo tối thiểu và cảm thấy đời sống đạo thật là chán, và họ không vượt qua được những gian nan, chỉ toàn là than thở, trách móc Chúa và người khác! Hoa trái, sự vững vàng của đời sống tuỳ thuộc vào mức độ hiểu được lòng Thiên Chúa và dấn thân để sống cho Ngài.

SUY NIỆM 4: ĐÓN NHẬN LỜI CHÚA - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Chúa dùng dụ ngôn “người gieo giống” có ý mô tả sự đón nhận Lời Chúa khác nhau nơi các tâm hồn. So sánh thái độ thiêng liêng của tâm hồn với các loại đất trên đó hạt giống, trên đó hạt giống được gieo và kết quả của chúng.
Chúng ta hãy tưởng tượng câu chuyện thực tế của một người nông dân thời đó. Đừng chê ông không biết gieo, để thất thoát nhiều giống quá. Vì mảnh đất ông ở trên sườn đồi, có nhiều sỏi đá. Ông dọn đất vào mùa nắng, đá sỏi tập trung lại từng đống nhỏ, cỏ dại ông cũng làm như vậy. Bà con nông dân đi lại, người ta hay đi tắt qua đám rẫy, tạo nên cái đường mòn. Cho nên không dễ gì, khi gieo giống, tránh được có những trường hợp hạt giống gieo trên đường, trên đống sỏi hay trên đám cỏ gai khô. Chúa quan sát tinh tế lắm.
Nhưng vấn đề chính là số phận các hạt giống được gieo, đem so sánh với tâm hồn người nghe lời Chúa.
Trước hết, nghe mà không hiểu vì chia trí, nghe mà không quan tâm cho đủ. Vì Lời Chúa là sự sống, Lời để ta thực hành, để tạo thành con người thiêng liêng mới. Chính Chúa đang hiện diện để ban Thánh Linh hỗ trợ ta sống Lời đó.
Lời Chúa không phải là một mớ kiến thức khô khan. Ta phải tin sự hiện diện của Chúa, mời gọi ta đi vào cuộc sống mới với Ngài. Thành ra lời nghe mà không được ta quan tâm, thì cũng như hạt giống gieo trên đường mòn. Gieo đó rồi cũng mất đó.
Đống sỏi đá được ví với tâm hồn có biết để ý nghe Lời Chúa, nhưng lại thiếu kiên nhẫn đem ra thực hành trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Khi gặp thử thách, Lời Chúa không thấm vào tâm hồn, để phản ứng theo thánh ý Chúa, thành ra Lời Chúa nơi các tâm hồn nông nổi nhất thời, không khác chi hạt giống rơi trên đống sỏi, cây mọc lên với vài chút đất không tồn tại được bao lâu. Lời Chúa một khi được nghe, ta còn phải suy đi nghĩ lại, được nuôi dưỡng liên tục qua cuộc sống thực hành.
Thứ ba là thứ hạt giống gieo vào bụi gai đầy cỏ dại. Mưa xuống cỏ mọc lên với lúa miến. Cây cỏ thích ứng với thời tiết mau chóng hơn cây lúa, cho nên lúa mất điều kiện phát triển để sinh hoa kết hạt.
Cây cỏ gai góc ở đây được ví với những chuyện ở đời nhất là của cải vốn tác động lên tâm hồn cách mạnh mẽ hơn là Lời Chúa. Chúa đã cảnh báo: “anh em không thể làm tôi hai chủ, hoặc Thiên Chúa hoặc tiền tài”. Nếu tâm hồn đón nhận Lời Chúa mà không lo bảo vệ và dấn thân sống cách trung thành, lúc đó Lời Chúa bị việc đời che lấp, bóp nghẹt. Tâm hồn lúc đó chỉ toàn  nghĩ đến chuyện làm ăn. Còn Lời Chúa bị coi là điều trở ngại, rắc rối cho cuộc đời và tạm quên đi.
Cuối cùng, Lời Chúa đến với người thành tâm thiện chí, sẽ đem lại một mùa màng kỳ diệu, tâm  hồn họ là mảnh đất tốt cho Lời Chúa phát triển. Vì Lời Chúa đem đến cuộc sống đạo đức, bác ái phục vụ và bao nhiêu sáng kiến thánh thiện làm đẹp cuộc sống này. Nhưng để có một cuộc sống như vậy, cũng cần bao nhiêu nỗ lực để chiến thắng tính lười biếng, ích kỷ, lãnh đạm, cần có một con tim tràn đầy nhiệt tình mến Chúa yêu người.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, khi đến với nhân loại, Chúa đã đem Lời từ trời đến, soi sáng cho nhân loại những chân lý, đem con người đến sự sống đời đời. Và với Lời hằng sống đó biết bao tâm hồn đã đạt tới sự sống Chúa hứa ban. Đời sống các thánh và phúc trường sinh, các ngài đã cho chúng con những chứng từ sống động, như kinh nghiệm thánh Phê-rô để lại : “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con đi với ai, Thầy mới có Lời ban sự sống đời đời”. Xin cho chúng con biết yêu mến và sống Lời Chúa không ngừng.
Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Tin mừng được Giáo hội phổ biến khắp muôn dân. Xin cho chúng con trở thành những chiến sĩ phúc âm tài giỏi, để chúng con đi gieo Lời Chúa khắp nơi, và đem tình yêu Chúa như quà tặng quý giá đến cho mọi người. Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây