Suy niệm - Thứ Sáu tuần 15 thường niên

Thứ năm - 20/07/2023 18:50
Lời Chúa: Mt 12, 1-8

Khi ấy, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người đói, liền bứt bông lúa mà ăn.
Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người rằng: "Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat".
Người nói với các ông rằng: "Các ông không đọc thấy Đavít và những người đi với ông đã làm gì khi đói lả sao? Các ông cũng không đọc thấy Đavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không được phép ăn, chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao? Hay các ông không đọc thấy trong luật rằng: Ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc tội đó sao?
Tôi bảo cho các ông biết, đây có Đấng còn trọng hơn đền thờ nữa. Vì nếu các ông biết được điều này là: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ", chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội, vì chưng Con Người cũng là chủ ngày Sabbat".


cn xv tn t6
Suy Niệm 1: Ta muốn lòng nhân
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Đức Khổng Tử đòi người quân tử phải có năm đức tính gọi là ngũ thường.
Đứng đầu của ngũ thường là lòng nhân.
Ngài viết: “Người quân tử mà bỏ đức nhân thì làm sao được gọi là quân tử?
Người quân tử dù trong một bữa ăn cũng không làm trái điều nhân,
dù trong lúc vội vàng cũng theo điều nhân (Luận Ngữ, IV, 5).
Trong giáo huấn của Đức Giêsu, lòng nhân có một chỗ đứng đặc biệt.
Hai lần câu này của ngôn sứ Hôsê được trích dẫn trong Mátthêu:
“Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế” (9, 13; 12, 7).
Xem ra câu này không dễ hiểu, nên Ngài khuyên ta học cho biết ý nghĩa.
Giữ ngày sabát là điều rất quan trọng trong Do thái giáo.
Theo Luật Chúa, đó là ngày nghỉ ngơi, ngừng mọi công việc.
Đối với người Pharisêu, bứt lúa được xem như gặt lúa, nên là việc bị cấm làm.
Hành vi bứt lúa của các môn đệ bị coi là vi phạm ngày sabát.
Thay vì trách họ theo lời người Pharisêu, Thầy Giêsu lại bênh vực họ.
Ngài trưng dẫn trường hợp Đavít và các thuộc hạ khi đói bụng
đã ăn bánh thánh hiến vốn dành riêng cho các tư tế (Lv 24,5-9; 1 Sm 21,1-6).
Hiển nhiên đây là chuyện vi phạm Lề Luật vì có nhu cầu chính đáng.
Nếu chấp nhận chuyện Đavít thì càng phải chấp nhận chuyện của các môn đệ,
vì họ đi theo một Đấng mà Đavít phải gọi là Chúa (Mt 22, 43).
Luật giữ ngày sabát thật ra không phải là một đòi buộc luân lý tuyệt đối.
Các tư tế phải làm việc phụng sự Chúa, chuẩn bị các lễ vật vào ngày sabát.
Nếu họ được phép vi phạm ngày sabát mà không mắc tội (c. 5),
thì huống hồ là Thầy Giêsu và các môn đệ của Ngài,
những người làm việc cho Nước Trời, nhưng lại phải chịu đói nên mới bứt lúa.
Đức Giêsu không có thái độ bất kính với ngày sabát.
Nhưng Ngài là chủ ngày sabát, Ngài có quyền xác định điều gì được phép làm.
Ngài thấy gánh nặng đè lên con người bởi những cấm đoán chi li,
khiến con người ngột ngạt, mệt mỏi.
Giữ Luật phải đem lại cho con người hạnh phúc,
phải đi với lòng nhân.
Giữ Luật mà cứng nhắc, thiếu lòng nhân, lòng bao dung,
thì đó là thứ hy lễ Chúa không cần (Hs 6, 6).
Thật ra không có sự đối nghịch giữa luật lệ với lòng nhân.
Giữ luật là cách biểu lộ lòng nhân, vì luật trên hết là luật yêu thương.
Người giữ luật thực sự là người có khuôn mặt vui tươi và trái tim rộng mở.
Khi yêu thì người ta trở nên chi li.
Không phải chi li để xét đoán người khác.
Nhưng chi li vì thấy những nhu cầu nhỏ bé của tha nhân.
Chỉ xin giữ mọi luật lệ nhỏ bé thật chi li, chỉ vì yêu bằng tình yêu quá lớn.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.
Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ mỗi ngày,
những công việc âm thầm,
những bổn phận mà con làm vì yêu mến.
Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm tim con đau đớn.
Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.
Hơn nữa, xin cho con can đảm,
dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.
Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.
 
Suy Niệm 2: Giá trị tối thượng
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Cuộc sống thế giới hôm nay đảo điên. Bậc thang giá trị đảo lộn. Con người u u mê mê chẳng còn phân biệt được thật giả, đúng sai, ác thiện. Người ta không còn phân định được đâu là giá trị tối thượng. Chúa Giê-su phân định rạch ròi.. Theo Chúa Giê-su Thiên Chúa yêu thương con người. Và vì thế con người cần phải xác đinh 3 chân lý.
Giá trị tối thượng là sự sống. Sự sống là món quà quí giá nhất Chúa ban cho con người. Có sự sống là có tất cả. Mất sự sống là mất tất cả. Vì thế những gì vi phạm sự sống cần được tháo bỏ. Những người hủy diệt sự sống phải bị trừng phạt. Vì thế Chúa đề cao việc cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống. Vì thế Chúa trừng phạt người Ai cập vì hủy hoại sự sống của người Ít-ra-en (năm lẻ). Vì thế Chúa bênh vực các tông đồ tuốt lúa ngày sa-bát. Sự sống là giá trị tối thượng.
Lề luật tối thượng là lòng nhân hậu. Để bảo vệ con người cần phải có luật lệ. Để xã hội tiến triển trật tự cần phải có luật lệ. Nhưng nếu những luật lệ đó trở thành bất nhân, không bảo vệ con người, không đem lại hạnh phúc cho con người, cần phải phá bỏ. Thờ phượng Chúa là điều phải làm. Nhưng nếu vì lề luật mà bất nhân thì Chúa không ưng nhận. Chúa khẳng định: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần hi lễ”. Lòng nhân hậu là lề luật tối thượng.
Quyền tối thượng là ở nơi Thiên Chúa. Có sự sống. Có luật lệ để bảo vệ sự sống. Nhưng Thiên Chúa mới là chủ của cả sự sống lẫn luật lệ. Vì thế Thiên Chúa có quyền trên sự sống và luật lệ. Mà Thiên Chúa lại là Đấng Giầu Lòng Thương Xót. Vì lòng nhân hậu Người sẵn sàng phá vỡ luật lệ cho vua Khít-ki-gia được sống thêm 15 năm khi thấy những giọt nước mắt và nghe tiếng khóc của vua (năm chẵn). Người ra tay trừng phạt Pha-ra-ô và người Ai cập vì đã thấy Ít-ra-en bị bóc lột và nghe thấy tiếng họ rên siết than van. Người bênh vực các tông đồ tuốt lúa ăn vì Người thương các ông đói bụng. Và Người làm chủ ngày sa-bát.
Xin cho con nhận biết quyền tối thượng của Thiên Chúa trong lịch sử, trong thế giới và trong đời con. Để con giữ luật tối thượng theo lòng nhân hậu của Người. Biết kính trọng giá trị tối thượng là sự sống Chúa ban tặng.

SUY NIỆM 3:  LUẬT LỆ HƯỚNG VỀ ĐỨC KITÔ VÀ VỀ CON NGƯỜI − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Đức Giêsu nhiều phen bị các vị lãnh đạo bắt lỗi vì bị cho là lỗi luật ngày Sabát. Nhiều phen Ngài giải thích cho họ hiểu đó không phải là phạm luật bằng cách giải thích cho họ hiểu đúng về luật Sabát. Hôm nay với trường hợp các môn đệ Đức Giêsu bứt bông lúa vào ngày Sabát vì đói, Đức Giêsu đưa đến một lời giải thích về luật Sabát tận căn hơn khi quy hướng luật lệ về Đức Kitô và về con người.
Có lẽ cảm giác của người đọc bản văn Tin Mừng hôm nay là Thầy Giêsu bảo vệ việc làm sai trái của môn đệ  mình. Thực ra, chuyện bứt bông lúa nhai cho đỡ đói không vi phạm luật Sabát, không đến nỗi để bị gán cho tội lao động gặt hái trong ngày nghỉ. Sự quy gán này không có trong luật về ngày Sabát, mà chỉ là lời giải thích của các Rabbi thôi. Nhưng qua dịp này, Đức Giêsu cho thấy Ngài là Đức Kitô mà luật lệ phải quy hướng về. Khi đưa ra ví dụ vua Đavít và thuộc hạ ăn bánh dâng tiến cho Thiên Chúa trong Đền Thờ (x. 1Sm 21,2-7) và vị tư tế khi phục vụ trong Đền Thờ có thể không bị ràng buộc bởi những quy định về luật ngày Sabát, Đức Giêsu dẫn đến kết luận là: “ở đây còn có điều lớn hơn Đền Thờ nữa” (Mt 12,6). Cách nói của Đức Giêsu trong Matthêô: “mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa... mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa” (Mt 12,41-42) đều ám chỉ về Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu là Đức Kitô mà Lề Luật, hay nói chính xác là, toàn bộ Cựu Ước đều hướng về. Điều này quan trọng ở chỗ: Lề Luật không có giá trị tự nó, nhưng là để hướng dẫn tín hữu về với Thiên Chúa là Đấng cứu độ họ. Đức Giêsu là Đức Kitô có thẩm quyền giải thích Lề Luật để đưa người ta về với Thiên Chúa.
Lề Luật, ngoài ý nghĩa quy hướng về Đức Kitô, Tin Mừng hôm nay còn cho thấy là Lề Luật ấy luôn lưu ý đến con người, đến lòng nhân ái. “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 12,7). Tuân giữ luật lệ không phải là cách để yên lương tâm, để tự hào về lòng đạo đức của mình, nhưng phải là ước muốn hiểu điều Chúa muốn nói nhờ giáo huấn của Chúa Kitô, và ước muốn sống lòng yêu thương đối với con người.

SUY NIỆM 4:  ĐÂU LÀ LỀ LUẬT - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Các tông đồ theo Chúa trong những ngày rao giảng, họ rất vất vả để giữ trật tự cho việc rao giảng được dễ dàng. Nhất là lúc chữa bệnh, là khi người ta chen lấn, ai cũng muốn được chữa trước. Và cả ngày các tông đồ phải làm việc giữ trật tự đó, nhiều khi không kịp ăn. Lúc đó người ta có thuốc men gì đâu,  cho nên số bệnh nhân rất là lớn khi có người chữa bách bệnh nan y mà không mất tiền.
Vì thế, không lạ gì khi dời nơi này qua nơi khác,các tông đồ phải ăn vội vài bông lúa miến. Những người luật sĩ, biệt phái không muốn cảm thông hoàn cảnh đó. Họ chỉ lưu ý có một việc  : Tại sao các môn đệ Chúa làm việc ngày sa-bát, đó là việc cấm chỉ.
 Ở đây có hai cách nhìn vấn đề :
- Cách nhìn lề luật cứng nhắc theo lề luật.
- Cách nhìn của tình yêu thương nhân từ khoan dung. Đó là bài học cao cả của Tin Mừng.
Thấy mấy ông Luật sĩ, biệt phái bắt bẻ các tông đồ, Chúa phản bác ngay. Người bênh vực các tông đồ, và cho các thù địch nhìn rõ đâu là lề luật ? Ai lập ra lề luật ?
Người luật sĩ hướng về Thiên Chúa khi họ cố hết sức trung thành với lề luật. Nhưng họ quan niệm Chúa như ông quan tòa khắc nghiệt. Đó là điều sai lớn. Chúa Giê-su phải nhấn mạnh Thiên Chúa là tình yêu. Và yêu Thiên Chúa cũng có nghĩa là yêu anh em, những người mang hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương của Đức Giêsu  khác hẳn với một vị Thiên Chúa quan tòa của lề sĩ.
Chúa đã đem ra những bốn ví dụ cho họ hiểu Thiên Chúa là tình yêu:
1.    Đa-vit là vua đạo đức mà họ suy tôn, đã ăn bánh “trưng hiến” mà người ta không được ăn trừ vị tư tế, lý do là ông và tùy tùng bị đói nhiều ngày.
2.     Các tư tế trong đền thờ vẫn được làm việc trong ngày sa bát vì lý do phục vụ.
3.    Tiên tri Hô-sê đã viết : “Ta muốn lòng nhân chứ hơn là lễ tế” ( Hs 9:13)
4.    Chúa Giê-su cho thấy Ngài mới là chủ ngày sa bát. Các ông luật sĩ nghĩ sao ?

Cầu nguyện:
 Lạy Chúa Giê-su, để cho nhân loại biết Thiên Chúa là tình yêu, Chúa đã đến đây dùng mọi cơ hội để rao giảng, để minh họa trong cách sống tình yêu thương của Cha trên trời. Chúa nhìn con người không bằng luật mà bằng tình yêu, Chúa đối xử với con người không bằng “ mắt đền mắt, răng đền răng”, mà bằng tấm lòng khoan dung huynh đệ. Chúa phục vụ con người không bằng tiền lương mà cho đi tất cả.
Lạy Chúa, con nhìn xem thánh nhan Chúa mà thấy trái tim Chúa tràn ngập yêu thương. Chúa mời gọi con đi vào cuộc chơi của “trời mới đất mới”. Còn gì vinh dự hơn cho con khi con được ơn gọi cao quý hơn mọi mơ ước ở đời này. Tạ ơn Chúa muôn trùng!
Tình thương Chúa như trời cao lồng lộng ! Con chỉ muốn yên lặng để suy tôn.
Lạy Chúa, Chúa đang dẫn dắt cuộc đời con như dẫn dắt các tông đồ xưa. Xin Chúa giúp con biêt tận tình phục vụ, biết nương tựa vào tình thương Chúa hằng ngày, biết làm cho đôi mắt và cõi lòng con trong trắng để bất cứ nơi đâu con cũng phản ánh được hình ảnh yêu thương của Chúa.
Nguyện xin Chúa cho nhân loại hôm nay đang sa vào hố diệt vong, vì họ đã mất Chúa, coi con người như máy móc, dụng cụ để phục vụ những mục tiêu ích kỷ riêng tư của mình. Xin Chúa thay đổi tư duy và hành động con người để họ hướng về chính Chúa là tình yêu , là nguồn cội hạnh phúc của họ. Amen.
 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây