Thứ Năm tuần 16 thường niên

Thứ tư - 26/07/2023 03:58
Lời Chúa: Mt 13, 10-17

Khi ấy, các môn đệ đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: "Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?" Người đáp lại: "Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi.
Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: "Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai, và nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành".
"Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe".

cn xvi tn t5


Suy Niệm 1: Anh em thật có phúc
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Tiền định là một trong những vấn đề gây tranh cãi trong thần học.
Có người nhấn mạnh quá đến tác động của ơn Chúa cần để được cứu độ,
đến nỗi coi nhẹ tự do và trách nhiệm của con người.
Có người còn dám cho rằng Chúa đã định sẵn từ vĩnh cửu
những ai phải vào hỏa ngục hay được lên thiên đàng.
Thật ra Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ (1 Tm 2, 4; 4, 10).
Kế hoạch của Ngài là cứu độ toàn thế giới, chẳng trừ một ai.
Muốn được cứu thoát, con người phải dùng tự do mình mà đón lấy ơn Chúa.
Ơn Chúa có tác động trên tự do con người,
nhưng lại không áp đặt hay cưỡng ép nó, vì nếu thế sẽ chẳng còn tự do.
Chính Thiên Chúa ban tự do cho con người, và chính Ngài tôn trọng tự do ấy.
Thiên Chúa không thể tiền định lời đáp của con người trước lời mời của ân sủng.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, có những câu cần được soi sáng.
“Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời,
còn họ thì không” (c. 11).
Câu này có thể bị hiểu lầm là Thiên Chúa có sự phân biệt đối xử.
Các môn đệ thì được ơn hiểu biết, còn đám đông thì không.
Thật ra Đức Giêsu chỉ muốn nói lên sự kiện này,
các môn đệ là những người đã đáp lại tiếng gọi của Ngài,
nên họ được ơn hiểu biết, ơn nắm bắt được mầu nhiệm Nước Trời.
Còn đám đông những người từ chối thì khó lòng hiểu được.
Một câu khác cũng cần được hiểu đúng: “Người đã có lại được cho thêm,
còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi” (c. 12).
Ở đây Đức Giêsu chỉ muốn nói rằng những ai đã mở lòng đón nhận
thì càng được Thiên Chúa ban cho sự hiểu biết đức tin sâu xa hơn.
Còn những người đã khép lòng trí lại, thì về mặt thiêng liêng sẽ bị nghèo đi.
Vào buổi ban đầu, các môn đệ tin theo Đức Giêsu chỉ là nhóm nhỏ.
Còn một đám đông lớn người Do thái không tin nhận Ngài.
Đức Giêsu giảng cho họ bằng những dụ ngôn đơn sơ gần gũi.
Ngôn ngữ của dụ ngôn vừa dễ hiểu đối với người mở lòng đón nhận,
vừa khó hiểu đối với những ai từ chối và khép kín (c. 13).
Đức Giêsu không chơi khăm con người khi giảng bằng dụ ngôn,
để khiến họ trố mắt nhìn mà không thấy, lắng tai nghe mà không hiểu.
Nếu họ không hiểu được dụ ngôn, thì không phải lỗi tại Ngài,
mà do quả tim họ đã ra chai đá, do họ nhắm mắt, bịt tai .
Họ không hiểu vì không muốn hoán cải và được chữa lành (c. 15).
Như các môn đệ xưa, các Kitô hữu ngày nay cũng là người có phúc.
Chúng ta được thấy, được nghe nhiều điều mà người khác không được.
Ước gì chúng ta tìm được thứ ngôn ngữ thích hợp
để ai cũng có thể nghe được và hiểu được sứ điệp cứu độ của Chúa.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
 
Suy Niệm 2: Rất gần và rất xa
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Nước Trời thật lạ lùng. Rất gần mà cũng rất xa. Cũng như dụ ngôn. Rất dễ hiểu và cũng rất khó hiểu. Đó không phải là vấn đề của trí khôn nhưng là vấn đề của trái tim. Trái tim nhậy bén sẽ có ánh mắt nhậy bén và đôi tai nhậy bén để nhìn và thấy, nghe và hiểu. Nhìn bên ngoài thấy cả bên trong. Nghe âm thanh hiểu cả ý nghĩa. Trái tim chai đá không có mắt và không có tai. Nên không thấy và không nghe. Có thấy có nghe cũng không hiểu.
Ai được thấy và được nghe nhiều như dân Do Thái. Khi đoàn dân đến núi Si-nai, Chúa đã ban phép cho họ được thấy Chúa hiển hiện trong khung cảnh linh thiêng và uy nghiêm: “Cả núi Si-nai nghi ngút khói, vì Đức Chúa ngự trong đám lửa mà xuống” (năm lẻ). Thế nhưng lòng họ chai đá nên đã mau chóng phản bội, và Chúa đã phải lên án họ: “Ta đã đưa các ngươi vào miền đất xanh tươi... Nhưng khi vào rồi, các ngươi đã làm nhơ nhớp đất của Ta”. Họ đã nhậy bén với của cải dục vọng, nên đã chai đá với Lời Chúa và đời sống tâm linh. Họ đã “bỏ Chúa là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước”. Đuổi hình bắt bóng nên họ mất tất cả (năm chẵn).
Đúng như lời Chúa dạy: “Ai có sẽ cho thêm. Ai không có ngay cái họ có cũng sẽ bị lấy đi”. Những ai có trái tim nhậy bén càng nghe càng hiểu, càng thấy càng tin. Và càng say mê đi tìm Chúa. Lại càng được Chúa cho thấy nhiều hơn, phán dậy nhiều hơn. Vì thế họ càng thêm phong phú. Những ai chạy theo của cải danh vọng chức quyền thế gian sẽ có trái tim chai đá. Uể oải với đời sống tâm linh. Ngại ngùng đối diện với Chúa. Càng lười càng chán. Càng ngại càng xa. Và ma quỉ không dại gì mà không lấy hết những gì họ đang có. Như chim chóc tha hạt giống rơi bên vệ đường.
Lời Chúa là vô cùng quí giá. Từ ngàn xưa biết bao tổ phụ và tiên tri đã ao ước mà không được nghe. Giờ đây ta thật hạnh phúc vì được tiếp xúc với Lời Chúa. Tuy nhiên rất gần mà cũng rất xa. Rất dễ mà cũng rất khó. Đó là tùy trái tim ta hướng về đâu. Nếu ta hướng về thế gian trái tim sẽ chai đá. Ta sẽ chẳng thể nghe và hiểu Lời Chúa. Xin cho con một trái tim nhậy bén luôn khao khát Lời Chúa. Để Lời Chúa ở trong lòng, trong tim, trong cuộc đời con. Để con càng nghe càng hiểu. Càng nhìn càng thấy. Và càng tha thiết khao khát Chúa.

SUY NIỆM 3: ĐƯỢC GỌI ĐỂ LẮNG NGHE − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Quang cảnh núi Sinai khi Đức Chúa ký kết giao ước và mời gọi thi hành Mười Giới Răn thật là long trọng. Dân chúng được kêu gọi chuẩn bị bằng cách giữ mình thanh sạch, Đức Chúa phán dạy trong tiếng sấm chớp uy nghi, và cá  nhân ông Môsê được gọi lên núi để lãnh nhận Mười Lời (cách dịch sát nghĩa của Mười Giới Răn, the Ten Words, x. Đnl 4,13; 10,4).  
Tin Mừng nói đến các môn đệ của Chúa Giêsu như là những người được diễm phúc đón nhận mạc khải về mầu nhiệm Nước Trời (x. Mt 13,11-13). Nhưng thực tế cho chúng ta thấy rằng: nhiều khi các môn đệ có chịu hiểu đâu! Họ vẫn bị những suy nghĩ và đam mê trần thế lôi cuốn để hướng về danh dự, lợi lộc trần thế!
 Được gọi, được chọn không phải là để được hưởng hơn những người khác về danh dự, quyền lợi, quyền bính trần thế. Nước Trời không phải là những điều như vậy! Được gọi, được chọn là để lắng nghe, để khám phá lời Thiên Chúa, và để bước theo. Và để làm được điều đó, người được gọi cần phải thanh luyện chính mình khỏi những tư tưởng trần thế, để tâm hồn được tự do mà có thể hiểu được và đón nhận được lời Chúa. 
Thánh Phaolô khuyên các tín hữu đừng để mình lệ thuộc vào việc giữ tỉ mỉ những luật lệ không phải là cốt yếu (ví dụ luật kiêng cử thức ăn), nhưng để cho mình được tự do trước hướng dẫn của Thánh Thần: “Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14,17).
Nhiều khi những người được gọi hiểu sai về căn tính của mình, nên quá bận tâm đi tìm những điều trần tục, khiến cho cả đời người được gọi chỉ lo “những chuyện tầm phào”! Được gọi là để lắng nghe lời Chúa, nên phải làm cho mình trở nên tự do với Thánh Thần, để Thánh Thần mở ra những chân trời mới, để bước theo những con đường mới. Người được gọi cần thường xuyên tìm lại căn tính của mình, để đi vào những điều cốt lõi. 


SUY NIỆM 4: TẠI SAO CHÚA GIẢNG BẰNG DỤ NGÔN? - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Tin mừng thánh Mát-thêu đã trình bày giáo huấn của Chúa thành ba loại, gồm có:
-    Những bài giảng nói về những gì phải thực hiện để vào Nước Thiên Chúa, như Tám mối Phúc thật, về đức thương yêu, về sự cầu nguyện v…v…
-    Những huấn thị về truyền giáo dành riêng cho các tông đồ.
-    Và ba là dụ ngôn về mầu nhiệm Nước Trời.
      Khi Chúa rao giảng những điều kiện phải thực hành trong đạo mới, hay các chỉ thị truyền giáo, các tông đồ nghe thấy dễ hiểu. Và họ tin vào những lời Chúa dạy để đem ra thực hành.
Nhưng khi Chúa dùng dụ ngôn để trình bày mầu nhiệm Nước Trời, thì họ thấy lúng túng, không biết ý Chúa muốn nói gì. Và thường họ xin Chúa giải thích khi Thầy trò sinh hoạt riêng với nhau. Cho nên nhân khi Chúa giảng dụ ngôn đầu tiên về “người gieo giống”, họ phải hỏi : “Sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng?”. Vì chính họ nghe cũng không hiểu.Và câu trả lời của Chúa lại cho ta những bài học quan trọng. Trước hết, chính Thiên Chúa và Nước Ngài là thực tại nhiệm mầu. Con mắt không thấy được và tai nghe cũng không hiểu được, lòng trí cũng không tưởng tượng được. Chỉ có ai có lòng tin và có tâm hồn thiện chí mới đón nhận được mà thôi. Và Chúa nghĩ ngay đến các tông đồ, tuy không phải là người thông thái, nhưng họ đang có một tâm hồn thiện chí để đón nhận mầu nhiệm Nước Trời. Chính Chúa đã dâng lời tạ ơn Cha cho họ. Và Ngài còn nói tại đây với họ : “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe”. Phúc ở chỗ “thấy” và “nghe” với lòng tin cộng với tâm hồn thành tín.
Bài học quan trọng cho người tu sĩ. Vì muốn sống và làm chứng cho Tin mừng, thì chúng ta đừng đem những lý luận trần tục để tạo nên cuộc sống. Chúng ta phải có niềm tin tuyệt đối vào lời Chúa, và có con tim đầy thiện chí để sống Lời Chúa.
Những Luật sĩ, biệt phái là những khuôn mặt tiêu biểu cho đạo Cựu ước, lẽ ra họ đã đón nhận Tin mừng Cứu độ trước mọi người, nhưng họ không có niềm tin vào lời Chúa, mà cũng không có thiện chí để đón nhận Tin mừng như ông Ni-cô-đê-mô. Chúa phải dùng lời cảnh báo của tiên tri I-sa-i-a để nói về họ : “Các người có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, vì lòng dân này đã ra chai đá”.
Vậy vai trò dụ ngôn là gì?
Chúa dùng dụ ngôn, tức là lấy những chất liệu của đời sống hằng ngày để diễn tả mầu nhiệm Nước Trời. Khoa sư phạm này cứ hé mở từ từ những ý nghĩa của mầu nhiệm Nước Trời. Như dụ ngôn “đi tìm con chiên lạc” để nói đến lòng thương Chúa đi tìm người tội lỗi. Dụ ngôn “người cha nhân từ” cũng một ý đó. Dụ ngôn “người gieo giống”, nói đến niềm hy vọng của Lời Chúa gieo vào lòng đời…
Và hai nghìn năm qua, những dụ ngôn này đã trở nên nguồn suối bất tận cho đời sống đạo đức trong Giáo hội.
Tạ ơn Chúa, đã dọn sẵn cho chúng ta một bàn tiệc thiêng liêng bằng các dụ ngôn.

Câu nguyện: 
Lạy Chúa, khi trực tiếp dạy bảo các tông đồ, Chúa cho họ thấy họ rất hạnh phúc, vì các tiên tri và người công chính đã mong được nghe Lời Chúa dạy, được thấy việc Chúa làm mà không được. Chúng con hôm nay cũng còn niềm  hạnh phúc đó mà chúng con không ngờ, và có khi còn chẳng biết yêu mến để thực hành Lời Chúa.
Từ đây, chúng con quyết tâm mở lòng, mở trí, mở cả cuộc đời để lời Chúa hoán cải chúng con. Xin Chúa nâng đỡ sự yếu hèn và dốt nát của chúng con.
Lạy Chúa Thánh Linh yêu mến, xin Ngài thắp sáng niềm tin trong con, đốt lửa yêu mến trong con, củng cố niềm hy vọng cho con, để con trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô. Amen 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây