Thánh Anphong Maria Ligôri

Thứ hai - 31/07/2023 04:10
Lời Chúa: Mt 13, 36-43

Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe".
Người đáp lại rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.
Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".


anphonmarialigori

Suy Niệm 1: Chói lọi như mặt trời
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

“Chẳng phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng của ông sao?
Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” (Mt 13, 27).
Có lẽ một số Kitô hữu trong Hội Thánh sơ khai đã đặt câu hỏi tương tự
khi họ thấy có những phần tử xấu trong cộng đoàn của mình.
“Ông có muốn chúng tôi nhổ đi không?”
Ông có muốn chúng tôi trục xuất họ ra khỏi cộng đoàn không?
Có người tưởng rằng một Hội Thánh phải gồm toàn những thánh nhân.
Hội Thánh không có chỗ cho tội nhân, cho con cái Ác Thần (c. 38).
Lời từ chối của ông chủ ruộng cho thấy sự nhẫn nại của Thiên Chúa.
“Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.
Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13, 28-29).
Thiên Chúa chấp nhận cỏ lùng mọc chung với lúa,
con cái Nước Trời sống chung với con cái Ác Thần cho đến tận thế.
Nhẫn nại và bao dung là dấu hiệu của sự thánh thiện đích thực,
sự thánh thiện này biết chờ đợi, biết tôn trọng tự do của con người.
Đôi khi chúng ta cũng có thái độ nóng nảy của Giacôbê và Gioan,
khi đòi đốt cả làng người Samari khi họ không chịu đón Chúa (Lc 9, 54).
Chúng ta vẫn sống trong một thế giới vàng thau lẫn lộn.
Có khi không phân biệt được lúa với cỏ lùng,
vì trong cái tốt vẫn ẩn hiện bóng dáng của cái bất toàn,
và trong cái xấu thi thoảng cũng lóe lên những tia sáng của chân lý.
Một người tốt có thể trở nên cỏ lùng.
Một người xấu có thể trở nên gié lúa trĩu hạt.
Chúng ta chưa thể nói gì về một con người khi người ấy chưa nhắm mắt,
và khi chưa nghe lời phán xử cuối cùng của Thiên Chúa.
Người đầu tiên được bảo đảm vào Nước Trời lại là một tên gian phi.
Nhiều vị thánh hôm nay là những người trước đây đã làm điều gian ác.
Nếu tôi tự đặt câu hỏi: Tôi là lúa hay cỏ lùng?
Tôi sẽ thấy lúng túng khi tìm câu trả lời.
Nơi trái tim tôi, tôi thấy có sự giằng co giữa chọn Chúa và Ác Thần.
Có lúc tôi thấy mình như đã thuộc trọn về Chúa,
có lúc lại thấy thế gian và xác thịt như hoàn toàn thống trị mình.
Ngay trong điều tốt tôi làm, vẫn có điều gì không tuyệt đối trong suốt.
Tôi hiểu rằng cỏ lùng vẫn có chỗ trong thửa ruộng của lòng tôi.
Thiên Chúa vẫn chấp nhận tôi như thế đó.
Nếu Ngài nghiêm phạt tôi thì tôi đâu còn sống đến nay.
Dụ ngôn trên nhắc chúng ta không được tiếm quyền xét xử của Thiên Chúa,
không đòi xóa sạch sự dữ trong một sớm một chiều.
Nhưng chúng ta lại không được để mặc cho sự dữ thao túng.
Chúng ta dám hy sinh mạng sống để xây dựng một thế giới công bình.
Đức Giêsu đã bị sự dữ nuốt chửng, nhưng cuối cùng Ngài đã chiến thắng.
Cuộc đời Kitô hữu là một nỗ lực không ngừng để nhổ cỏ lùng nơi mình,
và khao khát vươn tới sự thánh thiện của chính Thiên Chúa.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào...
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại. Amen.
 
Suy Niệm 2: Thiên Chúa nhân hậu và từ bi
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Nhân hậu và từ bi là tên của Thiên Chúa. Chính Người đã mặc khải cho Mô-sê. Biết bao lần dân Ít-ra-en phản bội. Mỗi khi bỏ Thiên Chúa,họ liền gặp tai ương hoạn nạn: “Tôi bước ra đồng nội: này kẻ chết vì gươm, quay trở lại đô thành: nọ bao người đói lả”. Họ tỉnh ngộ và trở về xin Chúa tha thứ: “Lạy Chúa, chúng con nhận rằng mình gian ác và cha ông sai lỗi đã nhiều. Quả chúng con đều đắc tội với Chúa! Vì Danh Thánh, xin Chúa đừng chê bỏ chúng con”. Họ kêu cầu Danh Thánh Chúa vì biết Danh Thánh Chúa là nhân hậu và từ bi. Và Chúa luôn rộng lượng tha thứ (năm chẵn).
Danh Thánh nhân hậu và từ bi được chính Thiên Chúa ngỏ với Mô-sê. Khi dân phản loạn đúc tượng bò vàng, Mô-sê nổi giận đập vỡ bia đá giao ước. Và ông tha thiết xin Thiên Chúa tha tội cho dân: “Lạy Chúa…Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài”. Quả thật Thiên Chúa đầy nhân hậu và từ bi. Trước một tội lỗi tầy đình như thế, Thiên Chúa vẫn sẵn sàng tha thứ. Vì Người là Thiên Chúa nhân hậu từ bi: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi” (năm lẻ).
Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi. Người đã thực hiện điều đó trong dụ ngôn lúa đồng và cỏ lùng. Nhân hậu và từ bi nên không cho nhổ ngay cỏ lùng. Chịu đựng lỗi lầm nên kiên nhẫn chờ đợi cho đến cùng. Nhân hậu và từ bi nên sợ phải trừng phạt oan uổng: “Sợ khi nhổ cỏ sẽ làm tổn thương lúa”. Nhân hậu và từ bi vì tin tưởng kẻ xấu sẽ nên tốt. Chờ đợi kẻ xấu ăn năn hối cải. Cho họ thời giờ, cơ hội. Chờ đợi cho đến khi hết thời gian. Thật lạ lùng lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Chỉ tìm tha thứ. Tìm thông cảm. Tìm điều tốt đẹp cho con người. Dù con người luôn phản bội. Có thể nói con người hư đi là do tội lỗi của chính mình. Chúa cho ta đủ cơ hội, đủ thời giờ. Cho đến khi hết thời gian, Chúa mới chịu xét xử.
Hãy tin tưởng nơi Chúa. Hãy mau ăn năn hối cải. Tội nào Chúa cũng có thể tha thứ. Và hãy ăn năn sám hối. Vì thời giờ có hạn. Ta không biết giờ nào kẻ trộm đến.

SUY NIỆM 3: SỰ THU HÚT THẦN LINH − Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Hành trình của dân Do Thái trong sa mạc vừa mang nét tích cực vừa mang tính tiêu cực. Đó là thời gian mà sau này tiên tri Hôsê dùng cách nói là Chúa “lòng kề lòng” và thủ thỉ với Dân. Nhưng đó cũng là thời gian mà dân này có nhiều phản ứng vô ân và phản bội với Đức Chúa và với ông Môsê nữa!
Bài trích sách Xuất Hành hôm nay cho thấy sự thu hút thần linh. Mỗi lần ông Môsê đi vào lều gặp gỡ Đức Chúa thì dân chúng đều ra khỏi lều của mình, hướng về Lều Hội Ngộ và quỳ gối xuống. Ông Giosuê, người phụ tá cho ông Môsê, thì đi theo ông này vào lều và 
ở lại đó sau khi ông Môsê đã ra khỏi lều.
Trong thực trạng đời sống hôm nay, chúng ta cảm nhận sự “lạnh nhạt” của con người đối với niềm tin tôn giáo, ngay cả giữa các kitô hữu! Giáo Hội và những người có thiện chí nỗ lực rất nhiều để tìm cách thu hút người ta đến với Thiên Chúa, nhưng không ít khi chúng ta cảm thấy như “muối bỏ biển”! Tin Mừng hôm nay cho thấy bên cạnh lúa tốt cũng có không ít cỏ lùng! “Con cái Nước Trời” và “con cái Ác Thần” sống chung với nhau. Vậy thì bài sách Xuất Hành nhắc chúng ta rằng: để cuốn hút người ta về với Thiên Chúa thì đó phải là sự thu hút thần linh, có nghĩa là Giáo Hội và các kitô hữu phải lưu ý để nơi mình có sự thu hút do gặp gỡ với Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa lôi cuốn người khác chứ không phải là chúng ta, không phải là những phương tiện, những cách thế trần gian! Chúng ta được mời gọi để chính mình cũng là những người bị thu hút bởi Thiên Chúa, rồi thì chính Thiên Chúa nơi chúng ta sẽ làm việc của Ngài.
Hình : “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”


SUY NIỆM 4: HỌC ĐỂ YÊU LỜI CHÚA - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Các tông đồ thích nghe Chúa rao giảng và họ cho như thế là dễ hiểu. Và bây giờ nghe dụ ngôn, họ biết là hay, nhưng không sao nắm bắt được ý nghĩa. Tìm hiểu Lời Chúa để yêu Lời Chúa hơn, quả là một thái độ vừa chân thành nhìn nhận sự yếu hèn của mình, vừa trân trọng Lời Chúa. Mỗi người chúng ta cần phải tập để hiểu Lời Chúa càng ngày càng sâu xa hơn và sẽ đem ta đến niềm tin yêu và trông cậy hơn.
Người gieo giống chính là Con Người, là Chúa Giê-su. Người phàm chắc chắn sẽ không làm được việc này, vì hạt giống Lời Chúa xuất phát từ Thiên Chúa. Chính Ngài là Ngôi Lời. Ngày sáng tạo Ngài là lời sáng tạo để vạn vật đất trời từ hư vô mà xuất hiện.
Thời cánh chung cứu độ, Ngài là Lời cứu độ, đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Vì thế Lời Chúa thật đáng cho chúng ta suy tôn trân trọng hết lòng.
Chúa còn giải thích thêm: Hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Ở đây hạt giống không còn là lời, mà là những con người nghe và tin vào lời đó. Những người nầy Chúa coi là những hạt giống Chúa gieo vào giữa lòng thế giới. Một câu nói thức tỉnh chúng ta đến triệt để. Vì mỗi người Ki-tô hữu là một hạt giống Tin mừng, đã bao giờ tôi ý thức điều đó chưa? Nhưng khả năng của tôi ở đâu? Tôi là hạt giống cho Thiên Chúa. Chúa Ki-tô đang gieo tôi để tôi trở thành suối nguồn sự sống mới cho làng mạc, xứ sở tôi đang cư ngụ hay xa hơn nữa.
Cỏ lùng là con cái của sự dữ. Đây là một cái nhìn bi đát, khi Chúa thấy những người Chúa dựng nên đang biến thành hạt giống xấu xa, do ảnh hưởng của Sa-tan và xã hội xa mất Thiên Chúa. Công cuộc loan báo Tin mừng là cuộc dành dật với Satan, những con người đang bị Satan muốn đồng hóa thành lực lượng chống lại công trình cứu độ.
Nhưng ai là giống tốt ai là cỏ lùng hôm nay chưa phân biệt, chưa tiêu diệt, phải chờ đến ngày tận thế các thiên thần Chúa mới phân tách cỏ lùng ra khỏi lúa.
Người ta có thể tự hỏi: Tại sao Chúa không tiêu diệt kẻ dữ ngay đi? Thiên Chúa có chương trình vô cùng khôn ngoan cảu Ngài, ta đừng vội bắt Ngài hành động theo ý muốn của ta.

Cầu nguyện:
 Lạy Chúa, khi con ý thức được rằng: Chúa đang đưa con vào đời như hạt giống đức tin, để để con làm cho chương trình cứu độ của Chúa được phát triển, để sự sống đời đời được lan rộng ra, để Tin mừng được loan báo cho bao người ;… con cảm thấy sự hiện diện của con là một trách nhiệm lớn, là sự quan phòng Chúa muốn dùng con như khí cụ để giúp bao người tìm về ơn cứu độ.
Con tạ ơn Chúa vì mọi ơn lành Chúa đã dành cho con. Xin Chúa thương dạy bảo con biết phải làm gì cho hợp với thánh ý cứu độ của Chúa. Con biết mình hèn yếu bất lực, nhưng ân sủng Chúa lại là sự sống và là sức mạnh, có thể biến con thành khí củ hữu hiểu trong bàn tay Chúa. Con xin dâng hiến tuổi đời non trẻ nầy cho tình yêu Chúa.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của lịch sử, thời gian là của Chúa, ánh sáng là của Chúa, Chúa định ngày, định tháng, năm cho  tính tú đổi ngôi. Chúa hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Ngày mùa của ơn cứu độ Chúa đã định. Nguyện xin Chúa cho con biết hướng về ngày cùng tận đó, để con sống những giờ phút mỗi ngày đời con hôm nay như cuộc hành trình vào thế giới mới, thế giới vinh quang cho kẻ lành, ngày vui bất tận, ngày của tình yêu vẹn toàn Chúa dành cho ai biết kính sợ Ngài. Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây