Suy niệm - Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm A

Thứ năm - 20/07/2023 18:55
LỜI CHÚA: Mt 13,24-43

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
24 Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây : “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng : ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ?’ 28 Ông đáp : ‘Kẻ thù đã làm đó !’ Đầy tớ nói : ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ?’ 29 Ông đáp : ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt : Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.”
31 Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói : “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. 32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất ; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”
33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác : “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông ; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, 35 hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ đã nói : Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.
36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng : “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” 37 Người đáp : “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên sứ. 40 Vậy, như người ta gom cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41 Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42 rồi quăng chúng vào lò lửa ; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”

cn xvi tn2scaled

SUY NIỆM 1:  Để cả hai cùng lớn lên
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

Dụ ngôn cỏ lùng là một dụ ngôn chỉ có trong Tin Mừng Mátthêu.
Dụ ngôn này cũng thuộc loại khó hiểu nên các môn đệ đã phải đến
để xin Thầy Giêsu giải thích riêng tại nhà (Mt 13,36).
Thầy Giêsu kể dụ ngôn người gieo giống để giải thích cho họ biết
tại sao việc gieo vãi Lời Chúa lại  không sinh trái ở một số người.
Qua dụ ngôn cỏ lùng, Thầy lại muốn giải thích cho họ biết
tại sao trong thế giới và trong Hội Thánh lại có những phần tử xấu xa.
Tại sao lại có cuộc xung đột giữa cái tốt và cái xấu trên thế gian này?
“Cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?”
Câu hỏi của các đầy tớ ông chủ ruộng là câu hỏi ngàn đời của chúng ta.
Khi thấy sự dữ tác oai tác quái trên mặt địa cầu,
chúng ta vẫn thường hỏi câu đó: tại sao có cỏ lùng? tại sao có sự dữ?
Chúng ta muốn biết nguyên nhân, gốc rễ của sự dữ đang xảy ra.
Như các đầy tớ, chúng ta ngỡ ngàng khi thấy cỏ lùng trong ruộng lúa,
khi lúa đã mọc lên và trổ  bông.
“Kẻ thù đã làm đó!”, ông chủ trả lời.
Ông chủ chỉ gieo giống tốt, vậy phải có một kẻ đã gieo cỏ lùng vô ruộng.
Kẻ đó đã lén lút, lợi dụng bóng tối ban đêm, khi mọi người ngủ,
để gieo cỏ lùng vào giữa lúa, rồi trốn đi.
Kẻ đó là quỷ, là kẻ thù của Đức Kitô, ông chủ của cả thế giới.
Hóa ra không phải chỉ có một người gieo là ông chủ tốt lành.
Còn có Xatan, kẻ chỉ muốn phá hoại ruộng lúa là thế giới.
Xatan là nhân vật có thật, chứ không phải là chuyện hư cấu.
Xatan là quỷ, là ác thần, có mặt và hoạt động trong cánh đồng thế giới.
Nó hoạt động khéo léo, bí mật, gian manh và có tính phá hoại.
Không dễ bắt gặp khi nó đang gieo cỏ lùng.
Cỏ lùng là “con cái của ác thần”, của Xatan (Mt 13,38).
Cỏ lùng là “mọi kẻ làm gương xấu, mọi kẻ làm điều gian ác” (Mt 13,41).
Như vậy Xatan đã biến người thường thành cỏ lùng,
khi nó cám dỗ, lôi kéo, làm người ta sa ngã
và ngả về phía nó, rốt cuộc thành tay sai của nó để đi hại người khác.
Chẳng ai tự bản chất là “con cái của ác thần”.
Người ta thành con cái của ác thần khi nghe lời Xatan mà chối bỏ Chúa.
“Vậy ông có muốn chúng tôi đi gom cỏ lùng lại không?”
Như lúa tốt phải sống chung với cỏ lùng,
“con cái của Nước Trời” phải sống chung với “con cái của ác thần”:
Đó là chuyện làm chúng ta khó chịu và muốn giải quyết ngay.
Chúng ta muốn thửa ruộng chỉ gồm có lúa tốt.
Chúng ta muốn thế giới và Hội Thánh chỉ gồm những người thánh thiện.
Chúng ta muốn nhổ ngay mọi thứ xấu xa, vì biết cỏ lùng làm hại lúa.
Nhưng đó lại không phải là ý của ông chủ.
Ông không muốn nhổ cỏ lùng vì sợ gây hại cho cây lúa đang trổ bông.
Ông nghĩ cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt,
khi ấy có nhổ cỏ lùng và đốt đi cũng không muộn.
Dụ ngôn cỏ lùng cho thấy sự bao dung, kiên nhẫn của Chúa Giêsu.
Ngài không trừng phạt trước ngày tận thế.
Khi ấy, Ngài mới tống những kẻ làm điều gian ác ra khỏi Nước của Ngài.
Như vậy, Ngài vẫn cho mọi người chúng ta thời gian hoán cải.
Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa tốt,
nhưng “con cái của ác thần” có thể trở thành “con cái của Nước Trời”.
Khi còn sống trên đời, ai cũng có thể trở thành con cái của Chúa,
và ai cũng có thể trở thành con cái của Xatan.
Chúng ta là con cái Chúa, đừng biến mình thành cỏ lùng.
Đừng để cỏ lùng lấn át chúng ta, làm chúng ta suy yếu,
nhưng cuộc sống của chúng ta phải “chói lọi như mặt trời” (Mt 13,43),
để có thể biến cỏ lùng thành lúa tốt.
CẦU NGUYỆN
Lạy Thầy Giêsu,
thật là khó khi phải giữ thái độ khoan dung
đối với những ai đang gây ra bất công và đau khổ
cho bao người trên thế giới.
Chúng con chỉ muốn bứng gốc sự dữ ra khỏi địa cầu,
và làm cho Giáo Hội gồm toàn người thánh thiện.
Nhưng lạy Thầy Giêsu,
Thầy lại muốn chúng con để cỏ lùng sống chung với lúa,
và để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt.
Chúng con hiểu tại sao ác nhân vẫn tung hoành,
và Xatan dường như thắng thế trong cuộc chiến hiện tại.
Thầy cho chúng con thấy khuôn mặt của Chúa Cha,
Đấng chậm giận, thứ tha và đầy nhân hậu.
Cha cho mặt trời sáng trên kẻ dữ,và cho mưa rơi trên ác nhân.
Cha quý cả những ai đã trở nên kẻ thù của Cha,
và kiên nhẫn đưa họ trở về chính lộ.
Xin Thầy dạy chúng con biết cách chấp nhận
cuộc xung đột kéo dài đến tận thế
giữa con cái ánh sáng và con cái tối tăm, giữa lúa tốt và cỏ lùng.
Và xin cho chúng con tin rằng
chiến thắng cuối cùng
sẽ thuộc về ánh sáng và sự thiện, công lý và tình yêu.

SUY NIỆM 2: HẠT GIỐNG TỐT TRONG NƯỚC CHÚA - PHÊRÔ NGUYỄN TRỌNG CHỨC

“Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình” (Mt 13,24).
Kính thưa quý ông anh chị em thân mến trong Đức Kitô.
1.    Trong tinh thần hướng về Năm Thánh 2025, ngày 05/7/2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập “Uỷ ban các Vị Tử đạo Mới - Chứng nhân Đức tin”, nhằm lập một danh sách tất cả những người đã đổ máu để tuyên xưng Chúa Kitô và làm chứng cho Tin Mừng. Trong số các vị tử đạo đương thời, cha Giuse Trần Ngọc Thanh, linh mục thuộc dòng Đaminh, là một chứng nhân đức tin. Vào ngày 29/01/2022 khi đang giải tội tại giáo xứ Đăk Mót, cách Kontum gần 70 cây số về phía tây bắc, cha bị một người được cho là có vấn đề tâm thần tấn công và qua đời vào đêm cùng ngày. Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Kontum, người đã ở bên cạnh cha Giuse Thanh trước khi trút hơi thở cuối cùng, làm chứng: “Cha Giuse Trần Ngọc Thanh đã tha thứ cho kẻ sát hại ngài”. Và ngài nói thêm: “Cái chết của cha Giuse Thanh là một mất mát lớn, nhưng với cái nhìn đức tin, chúng ta phó thác biến cố này cho lòng thương xót Chúa. Như cha Giuse đã làm, chúng ta được mời gọi yêu thương, tha thứ, dẹp bỏ hận thù, cầu nguyện cho tội nhân biết ăn năn”.  
2.    Thiên Chúa đã gieo hạt giống tuyệt hảo là Chúa Giêsu Kitô vào thửa ruộng thế gian. Cha Giuse Trần Ngọc Thanh đã thông phần đời mình vào hạt giống Giêsu để trở nên một hạt giống tốt. Trong hành trình đức tin, chúng ta cũng muốn mình trở thành một hạt giống tốt như Chúa Giêsu, như cha Giuse Trần Ngọc Thanh. Tuy nhiên, khi gặp phải những sự dữ, như cái chết của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, chúng ta dễ đánh mất lòng khát khao trở nên hạt giống tốt, dễ lung lay đức tin của mình vào một Thiên Chúa toàn năng. Nhờ các bài đọc Lời Chúa hôm nay, chúng ta sẽ làm tươi mới lại lòng thiện chí ban đầu của mình khi khám phá ra sự toàn năng của Thiên nằm ở chỗ kiên nhẫn và bao dung với những tội nhân mà không ai khác là chính chúng ta.
Thiện và ác cùng tồn tại
3.    Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể ba dụ ngôn để cho dân chúng hiểu về Nước Trời. Nước Trời ví như một thửa rộng mà trong đó lúa và cỏ lùng cùng mọc chung với nhau (x. Mt 13,24-30). Nước Trời ví như hạt cải nhỏ bé lúc gieo xuống, nhưng đến khi lớn lên, thì lại thành cây to lớn (x. Mt 13,31-32). Nước Trời ví như nắm men mà được sử dụng trong việc làm bánh, làm cho bột nở ra (x. Mt 13,33). Cả hai dụ ngôn sau đều nói về sự khởi đầu nhỏ bé của Nước Trời, nhưng sau đó phát triển dần dần và lớn mạnh lên; còn dụ ngôn cỏ lùng thì hơi khó hiểu hơn. 
4.    Trong dụ ngôn cỏ lùng, Chúa Giêsu kể về tình trạng mà tất cả các nông dân đều cũng biết. Lúa tốt được gieo xuống, nhưng cỏ lùng lớn lên với lúa. Câu chuyện dụ ngôn này cho thấy thực tế của thế giới chúng ta đang sống — thiện và ác cùng tồn tại với nhau. Đó là một lời nhắc nhở rằng chúng ta sẽ sống trong sự pha trộn giữa điều tốt và điều xấu. Thiên Chúa luôn gieo những điều thiện hảo như những hạt lúa tốt vào mảnh ruộng tâm hồn chúng ta, còn kẻ thù của Chúa là ma quỷ luôn gieo những điều xấu như những cỏ lùng.
5.    Câu chuyện nguyên tổ loài người ở vườn địa đàng như một bài giải thích dể hiểu cho chúng ta về dụ ngôn cỏ lùng. Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự, như là ngày đêm, trời đất, biển khởi, cây cối, sinh vật, và cao trọng nhất là con người, đều rất tốt đẹp (x. St 1,31). Con người được kết tình thân nghĩa với Thiên Chúa, nhưng ma quỷ đã gieo sự dối trá vào lòng của nguyên tổ loài người (x. St 3,4). Ađam và Evà đã dập tắt trong trái tim mình lòng tin tưởng đối với Thiên Chúa và đã bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa là “không được ăn trái của cây cho biết điều thiện, điều ác” (x. St 2,17). Kể từ đó, toàn thể nhân loại đều bị liên lụy với tội Ađam. 
6.    Cuộc sống của chúng ta trở thành một cuộc chiến đấu mà tâm hồn của chúng ta là chiến trường giữa việc gắn bó với điều thiện hảo với việc nghiêng chiều về sự dữ. Trên thửa ruộng tâm hồn mình, Thiên Chúa đã gieo những hạt lúa tốt như lòng yêu mến, lòng thương xót, lòng trắc ẩn, lòng quảng đại, lòng vị tha; còn ma quỷ lại gieo những cỏ lùng như lòng ghen ghét, lòng vô tâm, lòng ganh tị, lòng ích kỷ, lòng thù hận. Ngày hôm nay, ma quỷ vô cùng khôn khéo lợi dụng những công nghệ để gieo rắc những cỏ lùng. Chúng dùng những game bạo lực và đẫm máu để kích động bạo lực như bạo lực học đường, bạo lực gia đình…; dùng những trang mạng cá độ để dụ dỗ cờ bạc; dùng những kênh truyền thông để phổ biến văn hóa đồi trụy; dùng những trang mạng xã hội để phổ biến những lối sống thiếu chuẩn mực như văng tục chửi thề, đánh nhau, đua xe... Vì thế, chúng ta cần tỉnh thức để mình không mắc vào những cái bẩy chúng giăng.        
Mùa gặt hy vọng
7.    Các đầy tớ muốn nhổ cỏ lùng ngay lập tức, nhưng ông chủ khuyên họ đợi đến mùa gặt. Chúa Giêsu giải thích rằng lúa mì tượng trưng cho những người thuộc về Nước Trời; trong khi cỏ lùng tượng trưng cho kẻ ác. Giống như người nông dân để cho lúa và cỏ lùng cùng tồn tại cho đến ngày mùa thu hoạch, Thiên Chúa cũng cho phép cả người công chính lẫn kẻ gian ác chung sống với nhau cho đến ngày phán xét cuối cùng. Khi ấy, các thiên thần sẽ tách biệt con người, ai là cỏ lùng thì ném vào lửa, còn ai là lúa thì thu vào kho.
8.    Thái độ kiên nhẫn của chủ ruộng cũng chính là của Thiên Chúa. Trong sách Khôn Ngoan, Thiên Chúa thể hiện rõ sự công bằng của mình qua cách Ngài đối xử với cả người thiện lẫn kẻ ác: “Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh, và vì Chúa làm bá chủ vạn vật, nên Chúa nương tay với muôn loài” (Kn 12,16). Chúa nương tay với những tội nhân vì Chúa yêu thương họ và cho họ thời gian để ăn năn. “Khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu quyền năng cách tỏ tường hơn cả” : “Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con, nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn” (Kn 12,13). Thiên Chúa nhân từ mong muốn chúng ta hối cải và ban cho chúng ta ơn tha thứ khi chúng ta hướng về Ngài với một lòng thống hối: “Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối” (Kn 12,19). 
9.    Chúng ta cứ nghĩ mà xem nếu Thiên Chúa đưa ra hình phạt với chúng ta ngay khi chúng ta phạm tội, thì liệu rằng chúng ta có còn sống hay không? Nếu Chúa làm như vậy, thì làm sao có thánh Phêrô khi xưa đã chối Chúa ba lần; làm sao có thánh Phaolô khi xưa đã bách hại Đạo Chúa; làm sao có thánh Augustinô khi xưa đã theo lạc giáo chống lại Đạo Chúa và đã lỗi phạm các giới răn của Chúa, nhất là điều răn thứ sáu; và làm sao có những vị thánh khi xưa đã vấp ngã và sai lầm? Thiên Chúa luôn tìm cách sửa sai, dạy dỗ và uốn nắn chúng ta để hy vọng vào ngày mùa tất cả chúng ta đều trở thành những lúa tốt sinh hoa kết hạt. Chúng ta cũng học cách của Chúa Giêsu sống chung với những người chúng ta không thích, những người chúng ta nghĩ là tội lỗi, xấu xa. Chúng ta không xét đoán họ, không tìm cách “nhổ” họ ra khỏi đời mình, nhưng kiên nhẫn với họ và  đối xử tốt với họ, như Chúa cũng đã chờ đợi chúng ta trở thành những hạt giống tốt.  
Nhổ cỏ lùng tội lỗi
10.    Thiên Chúa khoan dung với chúng ta là những tội nhân vì tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Vì vậy, để đáp lại tình thương của Chúa, chúng ta cần nhổ cỏ lùng tội lỗi. 
Hãy nhổ cỏ lùng tội lỗi bằng sự ăn năn chân thành. Trước những khuyết điểm và yếu đuối của mình, chúng ta được mời gọi hướng về Thiên Chúa với tấm lòng thống hối, tìm kiếm sự tha thứ và ơn thánh của Chúa. Khi chúng ta thừa nhận tội lỗi của mình và cầu xin lòng thương xót, Chúa sẽ đáp lại bằng vòng tay rộng mở, sẵn sàng chữa lành và phục hồi chúng ta.
11.    Hãy nhổ cỏ lùng tội lỗi bằng việc tri ân Chúa. Mỗi ngày chúng ta thức dậy, hít thở và tồn tại, là minh chứng cho lòng thương xót của Chúa đối với chúng ta. Chúng ta không được coi tặng phẩm này là điều hiển nhiên. Khi chúng ta thực sự hiểu được tình thương hãi hài của Thiên Chúa, chúng ta không thể không chia sẻ tình thương ấy với những người xung quanh chúng ta. Chúng ta hãy trở thành những người mang lòng thương xót, lòng trắc ẩn, lòng tha thứ và lòng cảm thông của Chúa đến với những người sống quanh mình. 
12.    Hãy nhổ cỏ lùng tội lỗi bằng việc sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Trong thư của mình, thánh Phaolô nói với các tín hữu Rôma về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống của họ: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải ; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26). Chúng ta không đơn độc trong việc từ tỏ tội lỗi, từ bỏ những thói xấu, vì Chúa Thánh Thần là bạn đồng hành với chúng ta, sẵn sàng nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta, để lối sống của chúng ta trở nên phù hợp với ý muốn của Chúa. Khi sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta được biến đổi thành hạt giống tốt được gieo trong những mảnh ruộng là gia đình, giáo xứ, nơi làm việc, nơi học hành. 
13.    Tóm lại, các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa ghét tội, nhưng thương kẻ có tội, nên cho họ cơ hội để sửa đổi mình. Chúa biết chúng ta là những kẻ yếu hèn, nên kiên nhẫn với chúng ta, dù chúng ta cứ tái phạm hết tội này đến tội khác. Chúa hy vọng chúng ta cố gắng mỗi ngày nhổ cỏ lùng tội lỗi và trồng hoa nhân đức để trở thành hạt giống tốt, nên chúng ta cũng đừng đánh mất hy vọng về chính mình và về người khác, vì chúng ta có Chúa Cha rộng lượng, có Chúa Giêsu hướng dẫn, và có Chúa Thánh Thần ban sức mạnh.
Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển, và được Chúa chăm sóc giữ gìn.  Amen.


SUY NIỆM 3:  SỐNG TÍNH CHẤT DỤ NGÔN CỦA NƯỚC TRỜI − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Tin Mừng Matthêô gom vào chương 13 này tất cả 7 dụ ngôn về Nước Trời. Ngôn ngữ dụ ngôn nhằm diễn tả những tính chất khác nhau của Nước Trời, và luôn luôn người ta thấy ở đó tính chất bí ẩn, thần thiêng. Đoạn trích Tin Mừng hôm nay gồm 3 dụ ngôn: lúa-cỏ lùng, hạt cải và men trong bột. Nước Trời là thực tại thần thiêng nên ngôn ngữ dụ ngôn không thể diễn tả hết được.
Hạt cải bé nhỏ nhưng lớn lên thành cây lớn và nắm men làm nổi dậy cả 3 thúng bột, tất cả đều cho thấy sức mạnh của Nước Trời, hoặc nhìn thấy được bên ngoài hoặc thấm sâu vào bên trong. Tuy nhiên, sức mạnh của Nước Trời không thể được hiểu theo nghĩa trần tục như là một thứ bạo lực nào đó, nếu không, thực tại Nước Trời sẽ bị lẫn lộn với thực tại trần gian. Dụ ngôn lúa và cỏ lùng cho thấy điều đó.
Người ta muốn Thiên Chúa phải chỉ ra cách rạch ròi ai là người tốt ai là người xấu để tưởng thưởng hoặc xử phạt công minh. Nhưng thực tại không như thế, bởi vì trong mỗi người đều có “con cái của Nước Trời” và “con cái của Ác Thần” sống chung với nhau; và nơi mỗi người là một cuộc đấu tranh hàng ngày để điều tốt lớn lên hay điều dữ lớn lên. Nếu nóng nảy muốn tiêu diệt sự dữ, thì con người bị tiêu diệt hết! Nhưng Thiên Chúa lại muốn cứu độ mọi người. 
Đây là điều mang tính chất rất hiện sinh. Phải chăng, cuộc sống chung của chúng ta vẫn diễn ra những thái độ thiếu kiên nhẫn với nhau do điều này. Ước muốn “thanh luyện”, ý muốn “xử án rạch ròi”, “quá tam ba bận”, tha thứ 3 lần là đủ rồi... khiến nảy sinh những nóng nảy, thiếu kiên nhẫn trong đời sống gia đình, trong các cộng đoàn đức tin là điều thường thấy lắm! Người ta đặt giới hạn, ranh giới cho sự kiên nhẫn của mình. Nhưng nếu thế, thì thực sự chúng ta không thể sống được trong cuộc đời này. Con người thì không chịu đựng nhau thêm được nữa, còn Thiên Chúa thì vẫn âm thầm và ngày ngày kiên nhẫn với con người. Sách Khôn Ngoan nói Thiên Chúa làm chủ sức mạnh của mình và khuyên người công chính thì phải có lòng nhân ái (x. 12,18 và 19). 


SUY NIỆM 4: Nhẫn nại đợi chờ! – Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Nước Trời là một mầu nhiệm, Chúa Giêsu đã mạc khải và thiết lập trong lịch sử nhân loại. Qua những hình ảnh đơn sơ, bình dị, gần gũi với cuộc sống, Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để giảng dạy về Nước Trời.
Chúa nhật trước với dụ ngôn “người gieo giống”,Chúa Giêsu cho thấy Nước Trời đã khai mạc. Cũng như người gieo giống đi gieo hạt trên khắp cánh đồng, Chúa Giêsu cũng gieo hạt giống Lời Chúa. Hạt giống ấy tăng trưởng trổ sinh hoa trái nơi mỗi người ra sao là tùy thái độ đón nhận của từng người ấy.
Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục giảng dạy về Nước Trời bằng dụ ngôn “lúa và cỏ lùng”. Như vậy, sau khi nói đến việc khai mạc Nước Trời, Người nói đến sự phát triển của Nước Trời trong lịch sử trần thế.
Chúa Giêsu đã khởi đầu công trình của Người với một nhóm nhỏ Mười Hai Tông Đồ. Sự khiêm tốn của “hạt cải bé nhỏ được gieo vào lòng đất bao la”. Sự khiêm tốn của “một nắm men bị vùi sâu vào ba đấu bột”. Điều kỳ diệu là “hạt bé hơn mọi thứ hạt giống” lại “trở thành cây cao bóng cả đến nỗi chim trời có thể đến nương náu nơi ngành nó”. Nắm men ít ỏi kia lại có khả năng làm dậy lên cả ba đấu bột chôn vùi nó. Cũng như vậy, Nước Trời sẽ vươn xa vươn rộng cho muôn dân nước đến nương nhờ. Hạt giống Nước Trời đã làm dậy lên cả thế giới bằng một tinh thần mới của Tin Mừng,biến đổi lịch sử trong tình thương và hòa bình.
Một vấn nạn luôn được đặt ra: Nếu Nước Trời đã được Chúa Giêsu thiết lập cách đây hơn 20 thế kỷ và nếu Thiên Chúa là Đấng nhân hậu giàu lòng xót thương thì tại sao cho đến nay, cuộc sống con người vẫn đầy dẫy bất công,bạo lực,khổ đau,chiến tranh tương tàn, và xem ra sự dữ có chiều hướng gia tăng? Đôi khi những người xấu xa tội lỗi gian manh, lại giàu có sung túc trong đời sống vật chất hơn những người lành? Vấn nạn này vẫn luôn là trăn trở khôn nguôi người Kitô hữu ở mọi thời đại! Dụ ngôn “lúa và cỏ lùng” giải thích vấn nạn ấy.
Cánh đồng được gieo toàn hạt giống tốt. Thiên Chúa đã gieo vào trần thế những con cái Nước Trời. Ban đêm, kẻ thù xuất hiện. Satan tới gieo cỏ lùng. Thế là có cảnh lẫn lộn trên trần gian. Người lành kẻ dữ cùng chung nhau một mảnh đất. Đang khi hạt giống được gieo giữa ban ngày thì Satan lại lợi dụng đêm tối khi mọi người đã mất cảnh giác, để gieo rắc tội lỗi. Hành động thấp hèn. “Xấu” chưa chắc đã “hèn”, nhưng “hèn” thì chắc chắn là “xấu”, bởi lẽ nhiều tay “giang hồ”, bặm trợn, vẫn rất ghét thói “ném đá dấu tay”, trong khi động cơ, phương tiện và mục đích của những hành động lén lút, luôn là bỉ ổi, xấu xa và hại người.
Thế giới này giống như cánh đồng lúa đầy cỏ lùng xen vào. Những ông thánh sống lẫn lộn với những thằng quỷ, tốt xen lẫn với xấu. Tốt như những tổ chức nhân đạo, nhân quyền, hoà bình thế giới: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc – UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization), Quỹ Cứu trợ Nhi đồng Quốc tế của Liên Hiệp Quốc – UNICEP (United Nations International Children’s Emergency Fund), Tổ chức Lương thục và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc – FAO (United Nations Food anf Agricultural Organization), OLYMPIC (Thế vận hội), WORLD CUP (Túc cầu Thế giới) là những tổ chức xây dựng văn hoá, giáo dục tình thương, bảo vệ sức khoẻ trẻ em, phát triển lương thực thế giới, thăng tiến những tài năng, chăm lo y tế. Nhưng lại có rất nhiều những tổ chức xấu xen vào như Mafia, buôn lậu, ma tuý, vũ khí, khủng bố, trộm cướp, du đãng, buôn bán trẻ em, phim ảnh sách báo đồi truỵ… Đồ thật, hàng tốt bị xen lẫn hàng xấu, đồ giả. Người lương thiện, chân chính bị lẫn lộn với kẻ tham ô, móc ngoặc, bất lương. Những thứ cỏ lùng gai góc đó không bao giờ hết, chỉ đến mùa gặt tận thế, chúng mới bị quét sạch, đốt sạch. Tận thế sẽ thiêu đốt tất cả những thứ cỏ lùng đó, những kẻ xấu, kẻ dữ đó. Còn lúa thì được gánh về, chở về kho. Những thánh nhân, những người lương thiện, công chính sẽ sáng chói trong ngày vinh quang đó, họ được rước vào nước hạnh phúc đời đời.
Thấy cỏ lùng xuất hiện với lúa, các đầy tớ đến hỏi ông chủ: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy?” Thấy sự dữ tràn lan trên thế giới, bao nhiêu người thắc mắc: sự dữ, sự ác bởi đâu ra? Chúng ta nhiều lần thấy gian tà thắng ngay lành, bất công thắng công chính, kẻ ác thắng kẻ thiện, nên cũng thất vọng kêu trách: Sao Chúa để kẻ dữ sống lâu, mạnh khoẻ, giàu sang, may mắn, còn kẻ lành phải khổ cực trăm chiều?
Trước những thắc mắc đó, Chúa đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Kẻ thù là ai? Thánh kinh cho biết có hai thứ kẻ thù: kẻ thù ở trong ta và kẻ thù ở ngoài ta.
Kẻ thù ở ngoài ta có những tên khác nhau: con rắn cám dỗ phỉnh gạt (x. St 3,2.13), con rồng, rắn xưa, quỷ, satan (x. Kh 12,9), con thuồng luồng Leviathan (x. Is 27,1), kẻ thù, kẻ chống đối (x. Mt 13,25; Lc 10,19; 2Cr 6,15). Những kẻ thù này ở ngoài con người, nhưng chúng xâm nhập vào con người sâu hiểm tới độ đồng hoá với bản tính nhân loại. Nhưng chúng sẽ bị “Thiên Thần Chúa từ trời xuống, tay cầm chìa khoá vực thẳm và một dây xích lớn, bắt lấy con rồng, tức là con rắn xưa cũng là ma quỷ satan xích nó… quăng vào vực thẳm, rồi đóng cửa niêm phong lại” (Kh 20, 2-3).
Nhưng một mình quỷ thôi, chúng sẽ bất lực như bất lực đối với Thánh Gióp. Chỉ khi có sự tiếp tay của ta như Eva tiếp nó, nó mới thành kẻ thù trong ta: nó trở nên kẻ nội thù ghê gớm. Nó mọc lên những cỏ lùng, bụi gai, đá sỏi, quỷ dữ (x. Mt 13,18-22). “Vì tự lòng phát xuất ra những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, chứng gian, vu khống” (Mt 15, 19). Khi chủ cho biết kẻ thù làm đó, thì đầy tớ xin nhổ đi, chủ sợ hại đến lúa, nên ông đáp: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt”. Thái độ của chủ thật khôn ngoan, ông kiên nhẫn chờ đợi đến mùa gặt, mới nhặt cỏ lùng đốt đi.
Có thể trong tâm tưởng nhiều người lại quy gán cho Thiên Chúa trách nhiệm về tình trạng khổ đau đó, chẳng khác gì câu hỏi ngày xưa: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng ở đâu mà ra?” Một câu hỏi không lên án, nhưng chứa đựng sự nghi ngờ.
Để trả lời cho vấn nạn đó, Chúa Giêsu đã lấy lại giáo huấn của sách Sáng Thế: Sự ác không đến từ Thiên Chúa. Ngài chỉ gieo hạt giống tốt lành vào mảnh đất người đời. Sự ác cũng không chỉ đến từ tâm trí con người, nhưng nó đã có trước đó. Sự dữ cũng là một mầu nhiệm. Đối với Chúa Giêsu, con người là nạn nhân của sức mạnh mà Người gọi là ”Kẻ thù”, là ”Quỹ dữ” như cách diễn tả trong dụ ngôn: “Khi mọi người đang ngũ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng rồi đi mất”. Ở cội nguồn tội lỗi của con người, còn có một sức mạnh luôn tìm cách phá hoại công trình của Thiên Chúa và hành tung của nó rất bí mật. Đó là quỷ dữ lợi dụng đêm tối để gieo rắc tội lỗi rồi trốn đi.Thánh Phaolô đã nói về sự dữ trong thư Rôma: Công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa tốt lành. Satan đã cám dỗ Adam, Eva, Nguyên Tổ sa ngã, tội lỗi sinh ra đau khổ và sự chết rồi nó như con bạch tuộc vươn vòi vào trần thế, con người nô lệ cho tội lỗi và nhận lấy án phạt là sự chết (x.Rm 1,20 -31;15,12). Ma quỷ luôn có mặt để gieo rắc sự xấu.
Thiên Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hòa bình. Đẹp biết bao khi mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng thực tế lại đáng buồn thay! Cánh đồng hòa bình tươi xanh đã bị những cỏ dại của tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sử thế giới được ghi bằng những trang buồn đau vì không lúc nào mà không có chiến tranh.
Thế giới này sẽ tươi đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần chung tay xây dựng! Nhưng thật đáng tiếc, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc hủy hoại, tha hóa, nô lệ hóa con người. Đó là những hạt cỏ xấu do ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt. Lúa tốt và cỏ lùng lẫn lộn trên cùng ruộng lúa. Cái tốt, cái xấu đan xen trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong tâm hồn mỗi người. Ở đó, hạt mầm sự sống và nọc độc sự chết, cùng sống chung. Mỗi con người chắc chắn đều có kinh nghiệm bản thân như Thánh Phaolô đã từng kinh nghiệm “Điều lành tôi muốn làm, tôi lại không làm, còn điều dữ tôi không muốn làm, nhưng tôi lại cứ làm (Rm 7,19).
Con người có tự do để chọn lựa cái đúng, cái sai, chọn cái tốt, cái xấu. Nước Trời cũng gồm những con người có tự do, thì cũng có những người xấu do chọn lựa sai lầm. Cảm nhận được sự thật ấy trong tâm hồn mình để chúng ta biết khoan dung trong cách nhìn về người khác. Sự khoan dung không đồng nghĩa với đầu hàng cái ác, nhưng phát xuất từ niềm tin vững chắc vào sự tất thắng của Nước Trời: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. Cho dù cỏ lùng có bóp nghẹt lúa tốt trong một thời gian dài, nhưng mùa gặt đến, cỏ lùng sẽ bị gom lại và đốt đi, còn lúa tốt được cất vào kho lẫm.
Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa tốt được,nhưng người xấu có thể hoán cải để nên người tốt. Thiên Chúa ghét tội lỗi, nhưng lại yêu mến tội nhân vì Người chờ nơi họ lòng thống hối để được thứ tha (x.Rm 2,4). Chính vì thế mà Thiên Chúa kiên tâm chờ đợi. Chờ đợi vì Thiên Chúa tin vào sự hoán cải của con người. Chờ đợi vì Thiên Chúa tôn trọng tự do lựa chọn của con người. Chờ đợi vì Thiên Chúa nuôi một niềm hy vọng lớn lao.Thiên Chúa vẫn luôn nhẫn nại đợi chờ cho đến ngày tận thế “ cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”.
Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở trong tim con người. Mỗi người đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt, giữa cái thiện và cái ác, giữa Thiên Thần và Satan.Tự do chọn lựa là quyền mỗi người.Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng trong con người. Thiên Chúa nhẫn nại đợi chờ con người thanh luyện dần dần và hy vọng mọi sự trong họ sẽ thành lúa tốt.
Lạy Chúa, xin cho con nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường ghập ghềnh cuộc đời, trong thác dốc tâm hồn với tất cả niềm tin và hy vọng. Amen.

SUY NIỆM 5: Sự nhẫn nại thật sự – Lm. Cantalamessa
Cha Capuchin Raniero Cantalamessa, người giảng Phủ Giáo Hoàng đã giải thích về dụ ngôn cỏ lùng và hột giống tốt.
* * *
Hột giống và cỏ lùng
Nước Trời có thể sánh với một người đã gieo giống tốt trong ruộng mình; nước Trời giống như một hột cải; nước trời giống như chất men. Ba câu đầu này của những dụ ngôn đủ cho chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu đang nói với chúng ta về một nước "Trời", nhưng nước đó được tìm thấy "trên mặt đất."
Thật vậy, chỉ trên mặt đất mới có một chỗ cho cỏ lùng và sự mọc lên, chỉ trên mặt đất mới có bột cần chất men. Trong nước cuối cùng, không có cái gì trong tất cả những thứ đó, nhưng duy nhất chỉ có Chúa, đấng sẽ là tất cả trong tất cả mọi người. Dụ ngôn hột cải biến thành một cây chỉ rõ sự lớn lên của nước Chúa trong lịch sử.
Dụ ngôn chất men cũng chỉ sự lớn lên của nước Chúa, nhưng không phải một sự lớn lên trong sự trải rộng cho bằng trong sự hùng mạnh; nó chỉ sức mạnh biến đổi Người có sức mạnh đó có thể đổi mới mọi sự. Hai dụ ngôn sau cùng này được các môn đệ hiểu dễ dàng. Nhưng dụ ngôn thứ nhất không được hiểu dễ dàng như thế đó là dụ ngôn cỏ lùng.
Sau khi bỏ những đám đông, và khi vào đến nhà, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu về sự đó: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe".. Chúa Giêsu đã giải nghĩa dụ ngôn. Người nói Người là kẻ gieo giống, hột giống tốt là con cái nước trời, những cỏ lùng là những con cái kẻ dữ, và đồng ruộng là thế gian và mùa gặt là ngày tận thế.

SUY NIỆM 6: Cỏ lùng và lúa tốt – Lm Bùi Quang Tuấn, CSsR

Tuần trước, Dụ ngôn “Người Gieo Giống” trình bày Thiên Chúa như một nông gia tung gieo Lời Ngài vào các tâm hồn. Có tâm hồn như đường đi, hạt giống rơi xuống bị người ta giẫm đạp, không ngóc đầu lên được. Có tâm hồn như sỏi đá, khô khan cứng cỏi, hạt tuy có nẩy mầm nhưng rồi bị nắng trời thiêu cháy vì thiếu nước. Có tâm hồn như bụi gai um tùm, bóp nghẹt cây lúa đang lên, nên cũng chẳng sinh được bông trái nào. Nhưng có tâm hồn như vùng đất phong phú, hạt giống mọc lên tươi tốt, hy vọng mang lại cho nhà nông một mùa gặt thành công rạng rỡ.
Tuần này, Dụ ngôn “Cỏ Lùng” lại trình bày Thiên Chúa như người vãi gieo giống tốt vào mảnh đất hứa hẹn, nhưng sau đó Satan đã lén lút gieo hạt giống xấu là cỏ lùng vào ban đêm. Thành ra trên cùng một mảnh đất màu mỡ, lúa non và cỏ lùng mọc lên chen nhau, rễ cây này xoắn gốc cây kia.
Người tôi tớ chân thành không khỏi nhức nhối lắng lo, muốn xin chủ ruộng giải quyết tức thì tình trạng vàng thau lẫn lộn. Nhưng chủ nhân e rằng khi nhổ cỏ người ta bứng luôn cả lúa nên quyết định đợi đến mùa gặt. Lúc đó cây lúa sinh hạt sẽ được bó lại đưa về sân phơi, còn cỏ lùng hoang dại sẽ bị cắt xuống ném vào lửa thiêu.
Dụ ngôn “Cỏ Lùng” bộc lộ hình ảnh thế giới, giáo hội, gia đình, con người như những vùng đất mang tính hỗn hợp. Thiện và ác, tốt và xấu, ân sủng và tội lỗi như “đan cài” với nhau. Không thể có một xã hội toàn là người tốt hoặc người xấu, cũng chẳng thể có một cộng đoàn toàn là thánh nhân hay tội nhân. Sự kiên nhẫn đầy tình thương xót của chủ ruộng như một cơ may cho những biến đổi và hoàn thiện. Thiên Chúa luôn mở ngỏ cho hoán cải và trổ sinh hoa trái tốt lành.
Dụ ngôn trên thúc đẩy tôi đi vào một hành trình tự vấn: tôi là một cây lúa xanh tươi đang nảy sinh bông hạt thơm ngát cho cuộc đời, hay tôi là cụm cỏ lùng đang ăn hại bao chất màu tươi tốt của cuộc sống?
Chắc hẳn tâm hồn tôi có mang nhiều loại giống tốt do Chúa gieo vào và cũng không ít giống xấu do Satan và tôi tớ của nó thảy vô, nhưng loại giống nào đang được chăm sóc và thứ nào đang bị vùi xuống? Tôi đang nhổ cỏ lùng trong đời mình hay tôi đang gắng công nhổ cỏ và nhổ luôn cuộc đời người khác?
Tôi đang cộng tác với Thiên Chúa để gieo giống tốt vào thế giới hôm nay hay tôi đang tiếp tay với ma quỉ để gieo bao giống xấu vào tâm hồn tha nhân?
Có một chi tiết rất đáng chú ý trong bài Dụ ngôn: khi mọi người đang ngủ, một kẻ xấu lòng đến rải cỏ lùng vào ruộng rồi đi mất. Kẻ thù ra tay mà không ai hay biết. Mầm mống sự ác đột nhập thế giới trong cách thế bất ngờ. Người ta chỉ nhận ra khi nó mọc lên và bắt đầu phá hoại hoa màu.
Như thế Lời Chúa mời gọi một thái độ tỉnh thức. Nếu quên mất rằng: sống là một cuộc tranh đấu không ngừng cho điều tốt vươn lên, tôi sẽ bị cái ác đè bẹp. Nếu chủ quan thiếu canh phòng trước những bóng đêm của cuộc sống, tôi sẽ bị ma quỉ khống chế cuộc đời.
Khi người ta nói: “đâu có sao” trong việc xem phim ảnh sách báo không nết na để giải trí một chút; khi người ta nghĩ: “đâu có sao” nếu nghe bạn bè rủ rê hút một chút cocain cho biết mùi đời; khi người ta tưởng: “đâu có sao” chuyện bỏ đọc kinh đi lễ một hôm..., đều là những mầm giống cỏ lùng Satan gieo vào cuộc đời, chờ ngày bùng phát và hủy hoại.
Không phải chỉ có ma quỉ mới gieo cấy cỏ lùng. Nếu không tỉnh thức, coi chừng chính ta là người tiếp tay tung rắc cỏ lùng vào đời kẻ khác. Có cha mẹ gieo gian dối, tham lam vào lòng con cái mà không biết. Chẳng hạn, có người đi chợ về khoe với cả nhà: “Cô bán hàng hôm nay mất trí hay sao mà thối tiền sai nên dư mấy đồng, mừng quá!” Đáng lẽ nên nói với nhau: “Ồ, mẹ đã trả lại cho cô bán hàng số tiền dư vì phép công bằng”, hay “vì sợ cô ấy phải bỏ tiền túi ra để bù vào chỗ mất,” hoặc “e cô ấy sẽ gặp khó khăn với chủ tiệm,” đàng này người ta lại sung sướng thu cái lợi trước mắt mà không ngờ đã gieo vào lòng con cái mầm mống ích kỷ, gian tham; sau này lớn lên, chúng chỉ mong người ta dốt nát, lầm lẫn, mất trí để có lợi.
Thế đấy, hành động, lời nói, thái độ cư xử của một người có tầm ảnh hưởng như những hạt giống. Nếu là hạt tốt, gia đình, xã hội được nhờ biết bao. Trái lại, nếu là loại xấu, thương đau tất đang chờ ngày phát tán.
Trên một tờ báo nọ có câu chuyện tếu lâm đáng suy nghĩ: Một bé trai được mẹ cho ghé chơi nhà ông nội trong dịp cuối tuần. Ông thấy cháu mình chơi với bạn rất hăng say, nhưng hễ mở miệng ra là có những lời không thanh lịch cho lắm. Nội mới gọi cháu cưng lại trách:
- “Cháu học kiểu ăn nói du côn của đứa nào vậy? Từ nay trở đi ông cấm không được chơi với những thứ đó nữa nghe chưa.”
Đứa cháu vừa thở dài vừa nói:
- “Nếu thế thì từ nay cháu phải nghỉ chơi với bố cháu hay sao?
Ông nội:!!! (Thì ra nó học được từ bố nó.)
Hỡi bạn, Thiên Chúa đang cần chúng ta tiếp tay với Ngài để gieo vào gia đình, cộng đoàn, và lòng người những hạt giống tốt. Có thể là những hạt rất bé như hạt cải, nhưng hiệu năng vô cùng lớn lao. Có thể là những hạt đơn sơ âm thầm, nhưng lại như nắm men làm dậy biết bao đấu bột. Hãy gieo đi những hạt giống yêu thương, chân thật, trung tín, nhẫn nại, quảng đại, thứ tha... Chắc chắn hoa trái mai ngày sẽ là một mùa hân hoan và hạnh phúc tràn đầy.
Đồng ruộng là thế gian. Trong thời cổ Kitô giáo, các người Donatists đã giải quyết vấn đề một cách đơn giản và nói rằng Giáo Hội là tất cả những kẻ lành, và thế gian thì đầy dẩy những con cái kẻ dữ, không có hy vọng gì được cứu độ. Nhưng tư tưởng của Thánh Augustinô trổi bật hơn, tư tưởng đó là tư tưởng về Giáo Hội phổ quát.
Chính Giáo Hội là một cánh đồng, trong đó những hột giống và những cỏ lùng, những kẻ tốt và những người xấu, đều mọc lên chung, là một nơi có chỗ để mọc, để được cải thiện và hơn hết để bắt chước gương nhẫn nại của Chúa. "Những kẻ dữ hiện hữu trong thế gian này hoặc là để được cải thiện hay là nhờ họ mà những kẻ lành có thể luyện tập đức nhẫn nại" (Th.Augustine).
Bài đọc thứ nhất, trích từ Sách Khôn Ngoan, cũng nói về sự nhẫn nại của Chúa, với thánh thi ca ngợi sức mạnh của Chúa: "Nhưng dầu Chúa là chủ tể sức mạnh, Chúa xét xử nhân hậu, và Chúa cai trị chúng con với nhiều khoan dung,... Và Chúa đã dạy dân Chúa, bằng những việc làm này, là những kẻ công chính phải ở hiền lành, và Chúa ban cho con cái Chúa điều kiện tốt để hy vọng Chúa cho phép sám hối vì tôi lỗi của họ."
Hơn nữa, sự nhẫn nại của Chúa, không phải là một sự nhẫn nại đơn giản, nghĩa là chờ tới Ngày Phán Xét và lúc đó phạt theo thoả thích. Đó là sự nhẫn nhục, lòng thương xót và ý muốn cứu vớt. Do đó, trong Nước Chúa, không có chỗ cho những tôi tớ không biết nhẫn nại, cho những người không làm gì hơn là kêu xin Chúa phạt và thỉnh thoảng chỉ cho Chúa con người Chúa phải đánh.
Một ngày kia Chúa Giêsu quở trách hai môn đệ của Người muốn lửa mưa từ trời xuống trên những kẻ đã không tiếp rước Người (Lc 9:55). Có lẽ cũng phải quở trách như vậy đến một số người quá sốt sắng đòi công lý, hình phạt và báo oán những kẻ giữ cỏ lùng của thế gian.
Sự nhẫn nại của ông chủ ruộng cũng được chỉ như một gương mẫu cho chúng ta. Chúng ta phải chờ mùa gặt, nhưng không phải như những đầy tớ khó kiềm hảm, giữ chặt cái liềm, dường như nóng lòng thấy gương mặt của những kẻ dữ trong Ngày Phán xét. Ngược lại, chúng ta phải chờ như những người coi ý muốn của Chúa là của mình, là "tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý " (1 Tim. 2:4).
Do đó, một lời kêu gọi sống khiêm tốn và nhân hậu, là điều được gặt hái từ dụ ngôn hột giống và cỏ lùng. Chỉ có một đồng ruộng đúng đắn và cần thiết để nhổ ngay cỏ lùng, đó là từ chính lòng của mình!

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây