Suy niệm - Chúa Nhật 14 Thường Niên Năm A

Thứ bảy - 08/07/2023 09:05
Tin Mừng: Mt 11,25-30

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
25 Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”
28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”


SUY NIỆM 1: Chúa Nhật 14 Thường Niên
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

Khi thi hành sứ vụ, Đức Giêsu nhận ra một điều lạ.
Những người khôn ngoan học thức thường khó đón nhận Tin Mừng,
còn những người đơn sơ, bé mọn lại dễ mở lòng hơn.
Khôn ngoan theo kiểu trần gian làm người ta dễ tự hào, tự mãn.
Học thức, hiểu biết về Kinh Thánh có khi làm người ta khép lại.
Đức Giêsu thấy mình khó chạm được vào trái tim
của những vị kinh sư hay các ông Pharisêu khả kính.
Có biết bao định kiến như thành lũy vây bọc tầm nhìn của họ.
Nhưng Ngài lại thấy dễ rao giảng về Nước Trời
cho đám đông những người ít học bình dân.
Lòng họ như thửa đất đã được cầy bừa, chờ gieo hạt giống.
Đức Giêsu thấy hiện tượng trên đây nằm trong ý định của Cha.
Tâm tình ngợi khen Cha bật ra trên môi Ngài cách hồn nhiên.
“Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,26).
Qua Con, Cha muốn mặc khải về chính mình cho mọi người,
nhưng Cha vẫn tôn trọng tự do đón nhận của từng người.
Khi rao giảng, Đức Giêsu cũng muốn đón nhận như Cha.
Có khi Ngài đành chịu thua trước người cứng cỏi chai đá.
Có khi sướng vui trước một trái tim rộng mở đón chờ.
Đức Giêsu ý thức về sự cao cả và vai trò của mình.
Ngài biết Cha đã giao phó cho Ngài mọi sự trên trời dưới đất.
Ngài cũng biết mình là Người Con của Cha,
Người Con duy nhất biết rõ Cha vì luôn ở trong cung lòng Cha,
vì thế cũng là Đấng duy nhất có thể mặc khải về Cha trọn vẹn.
Như thế cả Cha và Con đều là Đấng mặc khải (Mt 11,25.27).
Cha biết rõ Con và mặc khải về Con cho người biết mở lòng.
Cả người khôn ngoan thông thái cũng có thể mở lòng
nếu họ biết khiêm tốn vượt qua những rào cản của thành kiến.
Con biết rõ Cha và mặc khải về Cha cho người biết mở lòng.
Cả những người quê mùa, ít học cũng có thể nắm bắt được
những chân lý cao siêu vượt quá tầm hiểu biết của trí tuệ.
Cha và Con mặc khải về nhau hơn là mặc khải về mình.
Ai đón nhận những mặc khải đó
sẽ được đưa vào thế giới thầm kín nhưng rộng mở của Cha và Con.
Ngay từ trần gian này, người ấy được biết Cha và biết Con
trong mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa.
Thiên Chúa có một thế giới riêng tư, nhưng lại không khép kín.
Thế giới ấy luôn có những cánh cửa mở ra về phía con người.
Ba Ngôi hạnh phúc viên mãn khi sống cho nhau,
nhưng lại muốn chia sẻ hạnh phúc ấy cho loài người thụ tạo.
Ba Ngôi muốn nhân loại có tương quan thiết thân với từng Ngôi.
Vào thiên đàng là đi vào thế giới hạnh phúc của Thiên Chúa.
Người ta bắt đầu vào thiên đàng ngay từ trần gian này
khi đến thông hiệp với Người Con là Chúa Giêsu.
Hôm nay Chúa Giêsu mời những ai mang gánh nặng nề đến với Ngài,
bất cứ thứ gánh nặng nào mà sức ta không sao mang nổi.
Ngài đổi gánh nặng ấy bằng gánh nhẹ nhàng của Ngài.
Gánh nhẹ nhàng vì Ngài đã điều chỉnh cho vừa vai ta.
Ách êm ái vì ta học được cách mang ách của Ngài,
đón nhận mọi nghịch cảnh với trái tim hiền hậu, khiêm nhu.
Hãy đến với Giêsu, không chỉ để nhận được mặc khải trên cao,
mà còn để được Ngài an ủi vỗ về, dạy dỗ và cho ta bình an.
Cầu Nguyện
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng,
chẳng có chuyện gì xảy ra mà Chúa không cho phép.
Cả những chuyện xấu xa tồi tệ mà con người làm cho nhau.
Cả sự dữ đang hoành hành do Xatan gây ra trên mặt đất.
Nhiều khi chúng con không hiểu được
tại sao Chúa lại cho phép xảy ra những chuyện như thế.
Nhưng chúng con tin rằng, đối với ai yêu mến Chúa,
mọi sự đều đem lại điều tốt cho họ.
Chúng con tin rằng những gì Chúa cho phép xảy ra
đều vì yêu thương chúng con
và vì ích lợi cho cuộc sống vĩnh hằng của chúng con.
Chúa đau đớn khi phải dùng roi mà sửa dạy
như người cha sửa dạy con mình để mong con nên người.
Xin cho chúng con nhận ra điều Chúa muốn nhắc nhở,
để cải hóa bản thân và điều chỉnh đời mình cho hợp với ý Chúa.
Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng nhân ái,
trên đường về quê trời,
Chúa muốn chúng con trải qua những thử thách cam go,
như bệnh tật, khổ đau và cái chết,
để chúng con nên cứng cáp và trưởng thành.
Xin cho chúng con đừng nổi loạn trước thử thách,
nhưng biết nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá,
để nhẫn nại và giữ vững niềm hy vọng,
kể cả khi thấy Thiên Chúa vắng bóng, thinh lặng hay khoanh tay.
Ước gì dịch bệnh làm chúng con ý thức sự bất lực của mình,
để tha thiết cầu xin và tín thác vào tình yêu Chúa.
Ước gì khi Chúa cho chúng con được chữa lành,
chúng con lại thấy sự sống của Chúa chiến thắng vinh quang.


SUY NIỆM 2:  ‌SỐNG HIỀN HẬU VÀ KHIÊM NHƯỜNG NHƯ CHÚA - PHÊRÔ NGUYỄN TRỌNG CHỨC

“Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,29).
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!
1. Chúng ta thường hay nghe lời nhận xét này: “Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh”. “Tông” ở đây có nghĩa là bà con, họ hàng, hay gần gủi nhất là cha mẹ; còn “lông” và “cánh” ở đây được hiểu là đặc điểm tính cách hay hình dáng bên ngoài của cha mẹ. Câu tục ngữ có ý muốn nói là con cái mang “dấu ấn” của cha mẹ, không chỉ về ngoại hình mà còn về tính cách. 
Câu tục ngữ này có thể áp dụng một phần nào đó cho người Kitô hữu. Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài (x. St 1,26). Chúng ta mang nơi mình “dấu ấn” của Thiên Chúa. Chúng ta sống làm sao để thiên hạ thấy những công việc tốt đẹp chúng ta làm, mà tôn vinh Cha của chúng ta, Đấng ngự trên trời (x. Mt 5,16). Vì vậy, Chúa Giêsu dạy chúng ta hai nhân đức để sống đúng tư cách là con cái Thiên Chúa: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
1. Sống hiền hậu.
Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai được các ngôn sứ loan báo. Ngôn sứ Dacaria, sống trước thời Chúa Giêsu sinh ra khoảng sáu thế kỷ, đã mô tả Đấng Cứu Thế sẽ đến cách hiền lành và khiêm nhường: “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9,9). Trong biến cố Chúa Giêsu tiến vào thánh Giêrusalem mà chúng ta cử hành vào Chúa Nhật Lễ Lá (x. Mt 21,5-11; Ga 12,12-15), hình ảnh Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa vào thành được coi như là hình ảnh của một vị vua “hiền hậu”, ghê tởm mọi ý tưởng bạo lực và chiến tranh. 
Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dạy dân chúng trên một ngọn núi về đức tính hiền lành: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4). Người hiền lành là ai? Người hiền lành là người thân thiện, dịu dàng, nhã nhặn.  Họ là những người không chống cự với kẻ ác bằng việc “lấy ác báo ác”. Họ không cậy dựa vào sức riêng của mình để bảo vệ mình khỏi sự bất công, mà hoàn toàn cậy dựa vào Chúa. Họ không bao giờ tự cao tự đại. Vậy Chúa Giêsu đã sống hiền lành trong thực tế như thế nào? 
Một dẫn chứng cụ thể là việc một làng miền Samari không đón tiếp Chúa Giêsu. Hai anh em Giacôbê và Gioan, là những người thuộc trong số các môn đệ, đã hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” Chúa đã hành động thế nào? Thay vì đồng ý với lời của hai môn đệ, Chúa Giêsu đã quở mắng các ông. Chúa không nghiêm khắc trừng phạt dân làng Samari chỉ vì họ không đón tiếp Chúa. Chúa Giêsu đem đến trần gian này không phải cái chết, mà là sự sống.
Khi sống trong xã hội hiện nay, nhiều người trong chúng ta đã sửa câu tục ngữ: “Một điều nhịn, chín điều lành”, thành câu: “Một điều nhịn, chín điều nhục” mà làm phương châm sống của mình. Vì không muốn nhục trước những lời nói xiên nói xỏ của người khác, nên đáp trả lại bằng những lời chửi bới hoặc chửi thề họ. Vì không muốn nhục trước việc người khác “bới lông tìm vết” những tật xấu của mình, nên cũng phanh phui những tội lỗi của họ. Vì không muốn nhục trước việc người khác nóng nảy với mình, nên cũng tức tối với họ. Vì không muốn nhục trước việc người khác đối xử không tốt với mình, nên cũng gây tổn thương cho họ. Vì không muốn nhục trước việc người khác khiêu khích mình, nên sẵn sàng tấn công họ. Mầm mống bạo lực đã mọc rễ ở trong lòng chúng ta. Sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, đã diễn ra cuộc bạo lực đầu tiên là Cain giết em mình là Aben. Kinh thánh cho chúng ta biết nguyên nhân là vì Thiên Chúa đón nhận lễ vật của Aben, còn của Cain thì không. Phản ứng của Cain là “giận lắm, sa sầm nét mặt” (St 4,5). Để giải tỏa cơn giận của mình, Cain đã sử dụng bạo lực để giết em mình. 
Trái lại, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự dữ không phải bằng bạo lực, mà bằng sự hiền lành của mình. Chính trong cuộc khổ nạn mà Chúa Giêsu cho thấy bằng chứng rõ nhất về sự hiền lành: “Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe ; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình” (1 Pr 2,23). Người ta có thể nói thập giá là sự thất bại của Chúa Giêsu. Thế nhưng, Chúa đã dùng sự thất bại của thập giá để chiến thắng sự thù hận. Chúa chiến thằng nhờ vào sự từ bỏ triệt để bạo lực. Trong xã hội chúng ta đang sống, bạo lực được trình bày trong các phim ảnh, truyền hình, các trang mạng truyền thông xã hội, vậy chúng ta có để mình mắc vào những lối hành xử bạo lực hay không? Tôi có hiền lành hay không? Tôi có tử tể và nhã nhặn với những người ở gần tôi không?   
2. Sống khiêm nhường
Chúa Giêsu coi mình không chỉ là khuôn mẫu của hiền lành, mà còn là khuôn mẫu của khiêm nhường. Chúa Giêsu dạy chúng ta sự khiêm nhường trong mối phúc thứ nhất: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Thánh Augustinô coi người “có tâm hồn nghèo khó” hầu như đồng nghĩa với người “khiêm nhường”. Như vậy, người khiêm nhường là những người chẳng có gì nhiều để cậy dựa vào đó. Họ là những người ý thức về sự yếu đuối và nhỏ bé của mình, tự mình không thể giúp mình được, tự mình không thể trở nên đạo đức tốt lành, tự mình không thể tìm thấy ơn cứu rỗi, tự mình không thể đạt được đích điểm của cuộc đời là Nước Trời. Người khiêm nhường đã nhận thức rõ điều đó, nên Chúa Giêsu đã cất tiếng ngợi khen Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25).
Chúa Giêsu đã sống khiêm nhường như thế nào? Sự khiêm nhường của Chúa ở chỗ không đưa mình lên trên người khác theo kiểu “ăn trên ngồi trốc”, nhưng hạ mình xuống để phục vụ và đưa người ta lên. Noi theo sự khiêm nhường của Chúa Giêsu, Mẹ Têrêsa Calcutta đã cúi mình xuống phục vụ nhừng người nghèo nhất trong những người nghèo. Mẹ rất rõ ràng trong những mục tiêu của mình: yêu thương và phục vụ người nghèo khi nhìn thấy Chúa Giêsu trong họ. Mẹ luôn đặt những đường lối và những phương tiện để thực hiện trong đôi tay Chúa. Một ngày nọ Mẹ Têrêsa tình cờ gặp một phụ nữ đang hấp hối bên vệ đường. Bởi Mẹ muốn làm giảm nỗi đau khổ của người phụ nữ ấy bằng việc dành cho người ấy một chiếc giường – một nơi thanh bình và xứng đáng để giã từ cõi đời – nên Mẹ Têrêsa đã đưa người phụ nữ ấy về nhà mình. Hành động xót thương này đã dẫn Mẹ Têrêsa tới việc mở Nhà Hấp Hối. 
Ai sống khiêm nhường như Chúa, thì sẽ loại trừ khỏi cõi lòng thói kiêu ngạo. Người khiêm nhường không hề bận tâm về bản thân. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô nói: “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em” (Rm 8,9). Nếu chúng ta thực sự khiêm nhường, thì không gì có thể thay đổi chúng ta: dù lời khen ngợi hay sự chán nản. Nếu có ai chỉ trích, thì chúng ta cũng không sầu muộn. Nếu có ai tâng bốc, thì chúng ta cũng không tự kiêu. 
Tóm lại, lối sống hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu trái ngược với lối sống của thế gian luôn cố gắng để trả đũa, luôn tìm cách để trả thù cho hả giận. Với sức của con người, có lẽ chúng ta khó có thể sống trọn vẹn theo nếp sống của Chúa. Thế nhưng, tất những điều Chúa dạy đều được Chúa thực hiện. Chúng ta hãy nhìn vào Chúa mà thực hiện. Chúng ta hãy tập sống hiền hòa khi không chấp nhặt những hành động, những lời nói hay những lời gièm pha tiêu cực của người khác với mình. Chúng ta cũng hãy tập sống quan tâm đến người khác, nhất là những người bất hạnh, túng thiếu, yếu đuối. 
Lạy Chúa, Chúa là Đấng hiền hậu và khiêm nhường, xin cho chúng con biết học nơi Chúa tấm lòng từ ái và biết đón nhận mọi người. Amen.  


SUY NIỆM 3:  ‌KHÁT VỌNG BÌNH AN − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Trong số các ý nguyện mà người tín hữu cầu xin nổi rõ lên khát vọng bình an: xin cho được bình an, không gặp hoạn nạn, xin cho được tai qua nạn khỏi, xin được chữa lành, xin cho gia đình hoà thuận, xin cho mọi điều tốt lành... Tất cả đều phản ánh khát vọng bình an ấy.
Bản văn của tiên tri Dacaria được trích đọc hôm nay nằm trong bối cảnh hậu lưu đày Babilon. Tuy dù theo các nhà chuyên môn, sách này gồm 2 phần khác nhau (các chương 1-8 do chính tiên tri Dacaria viết, các chương 9-14 do một hoặc nhiều tác giả khác viết), nhưng tất cả đều vào khoảng thời gian sau cuộc lưu đày vào thế kỷ 6 tCN cho đến trước cuộc khởi nghĩa của gia đình Maccabê, tức là khoảng thế kỷ 3 hay 2 tCN, vào thời dân Do Thái bị nô lệ đế quốc Hy Lạp. Chính trong bối cảnh chiến tranh và nô lệ ấy mà tác giả nói lên khát vọng hoà bình qua hình ảnh Đấng Messia như là Đấng giải thoát và mang lại hoà bình. 
Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là Đấng Messia ấy ngồi trên lưng lừa. Các vua chúa ngày xưa ngồi trên lưng con lừa hay con la. Nhưng đó không phải để ra trận, mà diễn tả vua chúa thời hoà bình. Đức Giêsu sau này cũng ngồi trên lưng lừa với ý nghĩa của sự khiêm tốn và Ngài tạ ơn Chúa Cha vì mạc khải cho những người bé nhỏ (Tin Mừng). Hoà bình, bình an đi liền với những tâm hồn bé nhỏ. Không phải người nghèo vật chất đâu, vì trong số những người này cũng lắm người đầy tham vọng, hiếu chiến, độc ác. Nhưng là những người có tâm hồn bé nhỏ, khiêm tốn. Đây mới thực sự là những người mang lại hoà bình và sống trong một tâm hồn bình an (xem Tám Mối Phúc trong Matthêô).
Thử nhìn lại những bất hoà với người khác và những bất an trong tâm hồn mình, chúng ta sẽ nhận ra bóng dáng của sự ngạo mạn! Khát vọng bình an phải đi từ sự khiêm hạ. Chúng ta hãy chọn con đường của sự khiêm hạ để có cuộc sống bình an và mang lại hoà bình cho cuộc sống. Đó là lối sống theo Thánh Thần chứ không phải theo xác thịt. 


SUY NIỆM 4: ‌Khiêm nhường
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)


Chúng ta thường tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, phép tắc vô cùng. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, ta thường nghĩ đến một Thiên Chúa oai nghi bệ vệ, cao sang quyền thế, xa cách. Ta không nghĩ hay không dám nghĩ rằng Thiên Chúa thật rất khiêm nhường. Thực sự Thiên Chúa rất khiêm nhường.
Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa ẩn mình trong vô hình. Ở đời, một người quyền thế chiếm rất nhiều không gian của người khác. Người quyền thế ở nhà lớn, ngồi ghế rộng. Sự hiện diện của họ khiến mọi người khép nép, nói năng mất tự nhiên, đi đứng phải nhìn trước nhìn sau. Nếu bây giờ Thiên Chúa hiện hình đứng giữa chúng ta. Chắc hẳn chúng ta chẳng thể ngồi thoải mái như bây giờ. Trái lại chúng ta sẽ quì sụp xuống, gục đầu, đấm ngực ăn năn. Nhưng Thiên Chúa đã che giấu dung nhan. Người ẩn mình trong vô hình để cho ta được tự do. Người nhường không gian cho con người. Người tự trở nên một Đấng nghèo hèn, bé nhỏ đến độ bị người đời quên lãng.
Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa im lặng. Trong xã hội, người uy quyền thường nói nhiều. Người nhỏ phải nghe người lớn, người nhỏ có muốn nói cũng bị tiếng người lớn át đi. Thiên Chúa đã tự trở nên bé nhỏ. Người im lặng nhường lời cho con người. Người lắng nghe con người cả khi họ chỉ trích, chống đối, lên án Người. Người trở nên một Đấng bé nhỏ nghèo hèn, khép nép, im lặng trong thế giới ồn ào của loài người.
Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa đã cúi xuống thân phận con người. Con người chẳng là gì mà Chúa vẫn thương. Người còn cúi xuống sâu hơn nữa trước những kẻ tội lỗi để nâng họ lên. Khi người ta cúi xuống trước một kẻ cao trọng, sự khiêm nhường ấy đáng nghi ngờ. Nhưng khi người ta cúi xuống trước một thân phận tội lỗi, nghèo hèn, sự khiêm nhường ấy rất chân thực.
Chính sự khiêm nhường thẳm sâu làm chứng quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Thông thường ở đời, quyền năng là để chiến thắng, để chế ngự, để đè bẹp. Ai chống lại quyền lực, quyền lực sẽ nghiền nát người ấy. Trái lại, nơi Thiên Chúa, quyền năng là để chịu thua, để yêu thương, để tha thứ. Sức mạnh không ở nơi quyền lực. Quyền lực bộc phát là quyền lực không tự kiềm chế được. Trái lại, khiêm nhường là chế ngự được sức mạnh của mình. Đó mới chính là quyền năng thực sự mạnh mẽ.
Thiên Chúa vô hình. Có lẽ ta sẽ khó mà hiểu biết sự khiêm nhường của Thiên Chúa, nếu ta không nhìn thấy sự khiêm nhường của Chúa Giêsu.
Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc đời khiêm nhường. Vì khiêm nhường nên Ngài không ngừng đi xuống. Từ trời cao Người đã hạ mình xuống thế. Từ thân phận là Thiên Chúa Người đã hạ mình xuống làm một người bình thường. Là Thiên Chúa cao sang, Người đã tự nguyện xuống làm một người dân dã nghèo hèn. Là thánh thiện vô cùng, Người đã tự nhận lấy thân phận tội đồ. Là Đấng hằng sống, Người đã tự nguyện chết đi. Suốt cuộc đời, Người đã không ngừng cúi xuống những thân phận tăm tối, nghèo hèn, tội lỗi, bị loại trừ. Và một cử chỉ không thể nào quên là trong bữa tiệc ly, Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Người đã hạ mình xuống tận cùng, không còn có thể xuống hơn được nữa.
Vì Thiên Chúa khiêm nhường luôn tìm đường đi xuống, nên những ai kiêu căng tìm nâng mình lên sẽ chẳng bao giờ gặp được Người. Thiên Chúa khiêm nhường nên chỉ ai khiêm nhường nhỏ bé mới gặp được Người.
Hôm nay Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Hãy ghi danh vào học trường Chúa Giêsu. Hãy học bài học khiêm nhường. Hãy học bài học Giêsu. Hãy học với Thầy Giêsu. Hãy bước theo Thầy Giêsu xuống những bậc thang khiêm nhường thẳm sâu. Ở bậc thang cuối cùng, Thiên Chúa đang chờ đợi ta, ta sẽ gặp được Người. Ta sẽ kết hiệp với Người. Ta sẽ rũ sạch mọi vất vả lo âu. Ta sẽ được bình an.
Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin uốn lòng con nên giống như trái tim Chúa. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Những dấu nào cho thấy sự khiêm nhường của Chúa?
2. Có quyền ăn nói, nhưng im lặng nhường lời cho người khác. Có vị thế cao, nhưng ẩn mình nhường chỗ cho người khác. Có dễ không?
3. Sức mạnh bùng nổ trên người khác. Và sức mạnh chế ngự chính mình. Đàng nào mạnh hơn?
4. Thiên Chúa tuyệt đối khiêm nhường. Khám phá này có tác động gì trên bạn không?

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây