SUY NIỆM CHÚA NHẬT NHẬT 17 TN NĂM A

Thứ năm - 27/07/2023 03:53
TIN MỪNG: Mt 13,44-52

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
44 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho dân chúng dụ ngôn này : “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
45 “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. 46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
47 “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. 48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. 49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên sứ sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50 rồi quăng chúng vào lò lửa ; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
51 “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không ?” Họ đáp : “Thưa hiểu.” 52 Người bảo họ : “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”

cn xvii tn2scaled

SUY NIỆM 1: KHÔN NGOAN CHỌN LỰA - Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Thường Niên XVII, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nếu không có Chúa, thì sẽ chẳng có chi là bền vững, chẳng có chi là thánh thiện. Chúa chính là niềm hy vọng, nguồn trông cậy vững vàng của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải xin cho mình: đang khi, dùng những của cải chóng qua này, thì cũng biết gắn bó với những của cải muôn đời tồn tại.

Muốn biết đâu là của cải chóng qua, đâu là của cải muôn đời tồn tại, chúng ta cần phải biết biện phân. Trong bài đọc một, sách Các Vua quyển thứ nhất, cho chúng ta thấy: Vua Salômôn đã không xin cho được tuổi thọ, của cải, và chiến thắng quân thù, nhưng, ông xin cho được tài phân biệt: để xét xử. Chúa đã nhậm lời ông, và ban cho ông một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi, trước ông, chẳng một ai sánh bằng, và sau ông, cũng chẳng có ai bì kịp. Tuy nhiên, sự khôn ngoan của vua Salômôn cũng mới chỉ là sự khôn ngoan của thế gian, bằng chứng là: vua đã đem thân mình trao nộp cho các mụ đàn bà và làm những điều kinh tởm trước mắt Đức Chúa…

Bài Đáp Ca, với Thánh Vịnh 118, vịnh gia cho thấy một sự khôn ngoan khác, quý hơn cả vàng y muôn lượng: Con coi trọng luật Chúa truyền ban hơn vàng muôn bạc triệu; mệnh lệnh Ngài, con yêu quý, quý hơn vàng, hơn cả vàng y; giải thích lời Ngài là đem lại ánh sáng, cho kẻ đơn sơ thông hiểu am tường. Bước theo đường lối huấn lệnh Chúa là một chọn lựa khôn ngoan để đạt đến niềm hy vọng Chúa hứa ban, vì lời Chúa hứa thì ngọt ngào hơn cả mật ong trong miệng…

Trong bài đọc hai, thánh Phaolô cụ thể hóa sự khôn ngoan để đạt được niềm hy vọng mà Chúa đã hứa ban, bằng cách nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Khi nghe nói đến: đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, đồng thừa kế với Đức Kitô, chúng ta nghĩ ngay đến: đồng hiển trị với Người, đồng hưởng vinh quang danh dự với Người, đó cũng là chuyện bình thường, bởi vì, thông thường, khi nghe “thừa kế” là chúng ta nghĩ ngay đến: thừa kế bao nhiêu tài sản, đất đai, nhà cửa, xe cộ, tài khoản trong ngân hàng, chứ ít khi, chúng ta nghĩ đến đồng thừa kế những đau khổ, tai ương, hoạn nạn. Tuy nhiên, trong bài đọc hai, thánh Phaolô khẳng định: Chúa Cha đã tiền định cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, những ai Người đã tiền định, thì Người kêu gọi: một tiếng kêu, thì cần một tiếng đáp, để Người làm cho ta nên công chính và cho hưởng vinh quang với Con của Người.

Trong bài Tin Mừng, sự khôn ngoan được thể hiện qua việc: biết biện phân cái gì là quý giá và quyết đánh đổi tất cả, để đạt cho bằng được điều quý giá đó, như người kia bán tất cả những gì mình có để mua thửa ruộng có kho báu, và cũng như thương gia đi tìm ngọc đẹp, đi bán tất cả những gì mình có để mua cho bằng được viên ngọc đẹp ấy.

Lịch sử ơn cứu độ là lịch sử của một “tiếng gọi” và một “tiếng đáp”. Chúa cất tiếng mời gọi, và chúng ta lên tiếng đáp lời. “Tiếng gọi”: kêu mời chúng ta bước vào hiện hữu, tiến vào một mầu nhiệm, đi vào một giao ước, và trải nghiệm một cuộc phiêu lưu dựa trên uy tín của Đấng mời gọi chúng ta dấn thân và nhập cuộc, luôn hứa hẹn nhiều chông gai và thử thách. Ơn cứu độ chỉ được thành toàn nơi chúng ta, khi chúng ta biết mở lòng ra: để đáp lời trước ân sủng của Thiên Chúa. 

Chúa Cha đã tiền định cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, đó là điều Người nhắm đến trước tiên, trước cả sứ mạng, mà Người sẽ trao phó cho chúng ta. Không chấp nhận được biến đổi để trở nên: đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, chúng ta không thể chu toàn sứ mạng đến nơi đến chốn được: hoặc sẽ bỏ dở nửa chừng, hoặc sẽ làm hư hại, phản tác dụng: thay vì làm sáng danh Chúa, thì lại làm ô danh Chúa; thay vì phục vụ danh Chúa, thì lại lợi dụng danh Chúa để được người khác phục vụ; thay vì loan báo Tin Mừng, thì lại gieo rắc tin dữ, tin buồn độc hại khắp nơi… Khi đó, chúng ta sẽ giới thiệu, trình bày cho người khác một Đức Kitô vô cùng lạ lẫm: một Đức Kitô bị méo mó theo hình ảnh của chúng ta, hơn là, một Đức Kitô mà chúng ta phải rập khuôn, và phải nên đồng hình đồng dạng với Người.

Lịch sử cứu độ là lịch sử của lòng thương xót, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn đợi chờ chúng ta. Tuy nhiên, có gieo, ắt phải có gặt: lúa tốt bỏ vào kho, còn cỏ lùng phải đốt đi; có quăng lưới, ắt phải có kéo lưới: cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu phải vứt đi. Lúa tốt hay cỏ lùng; cá tốt hay cá xấu, tất cả đều tùy thuộc vào sự khôn ngoan chọn lựa của chúng ta. Ước gì chúng ta cũng như vị kinh sư khôn ngoan đã được học hỏi về Nước Trời: biết lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ, rượu mới thì phải đổ vào bầu da mới, hầu, chúng ta biết phân định, để có được những chọn lựa khôn ngoan, cho dẫu sự khôn ngoan đó là ngu dại và điên rồ trước mắt thế gian. Chắc chắn, khi gắn bó với những của cải muôn đời tồn tại, chúng ta sẽ bị thế gian bách hại, loại trừ, khinh khi, nhục mạ, nhưng, đó mới chính là sự khôn ngoan đích thực, sự khôn ngoan mà Chúa đã dùng để cứu độ chúng ta.


SUY NIỆM 2: KHO BÁU - PHÊRÔ NGUYỄN TRỌNG CHỨC

“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 13,44).
Kính thưa quý ông anh chị em thân mến trong Đức Kitô.
  1. Một nhà giáo dục người Mỹ đã từng phát biểu: “Người thầy tầm thường tường thuật. Người thầy tốt giải thích. Người thầy giỏi thể hiện. Người thầy vĩ đại truyền cảm hứng.”[1] Như trời cao hơn đất chừng nào thì sự khôn ngoan của Chúa Giêsu cũng cao hơn sự khôn ngoan loài người chừng ấy (x. Is 55,99). Chúa Giêsu giảng dạy tài tình khi nói những chuyện trên trời mà những người dưới đất thấp vẫn hiểu.
  2. Chúa ví von Nước Trời với những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống của dân chúng: như việc gieo giống của bác nông phu (x. Mt 13,3-9) ở Chúa Nhật XV. Chúa còn ví von Nước Trời như việc cỏ lùng mọc xen lẫn với cây lúa (x. Mt 13,24-30), chuyện hạt cải nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống được gieo xuống, nhưng khi lớn lên lại là thứ rau lớn nhất (x. Mt 13,31-32), chuyện nấm men được vùi trong bột (x. Mt 13,33) ở Chúa Nhật XVI.
  3. Tiếp nối hai Chúa Nhật vừa qua, ở Chúa Nhật XVII này chúng ta tiếp tục được nghe Chúa Giêsu kể chuyện Nước Trời như là kho báu. Qua bài Tin Mừng cùng với hai bài đọc, chúng ta thấy được kho báu mà Thiên Chúa ban cho con người là khôn ngoan, ân sủng và Nước Trời.
Kho báu khôn ngoan
  1. Trong bài đọc một được trích từ Sách Các Vua quyển thứ nhất, chúng ta bắt gặp vị vua trẻ tuổi Salômôn đang đứng trước một quyết định quan trọng. Chúa hiện ra với vua trong một giấc mơ và ban cho vua bất cứ điều gì vua muốn. Thay vì cầu xin sự giàu có, quyền lực hoặc trường thọ, Salômôn, nhận biết những hạn chế của mình, đã khiêm nhường cầu xin Chúa ban cho mình “một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (1 V 3,9).
  2. Lời cầu xin của vua Salômôn không tập trung vào lợi ích cá nhân hay những thú vui thoáng qua mà vào một điều gì đó lớn lao hơn nhiều – khả năng nhận biết thánh ý của Chúa và cai trị dân của Ngài một cách công bình. Kinh ngạc trước lòng thành của Salômôn, Chúa đã đáp ứng lời cầu xin của ông và ban cho ông một mức độ khôn ngoan phi thường như là một kho báu quý giá sẽ hướng dẫn vua trong suốt triều đại của mình.
  3. Chúng ta cũng được kêu gọi để tìm kiếm kho tàng khôn ngoan ẩn dấu này. Giữa một thế giới phức tạp, chúng ta cần ơn khôn ngoan để nhìn thấy những sự việc trong cuộc sống qua con mắt của Chúa, theo như Chúa nhìn,[2] để làm chủ chính bản thân mình với những cảm xúc tự nhiên, để chế ngự những đam mê xấu và ước muốn tội lỗi. Chẳng hạn, khi hai vợ chồng cãi nhau, thì liệu có khôn ngoan hay không khi dùng những lời lẽ xúc phạm nhau, lật lại những lỗi lầm cũ của nhau, hay là đập phá đồ đạc? Chẳng có một chút khôn ngoan nào. Thay vào đó, chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười hớn hở: “Rằng anh giận gì?” Chồng giận thì vợ bắt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”.[3] Đó là ơn khôn ngoan. Một ví dụ khác nữa là khi con cái mình lấy đồ vật của người khác mà không xin phép họ, thì liệu có khôn ngoan hay không khi cha mẹ không hỏi con đồ vật đó là của ai. Chẳng có một chút khôn ngoan nào. Thay vào đó, cha mẹ cần bảo ban con về việc tôn trọng của cải của người khác.
  4. Khi chúng ta tìm kiếm sự khôn ngoan, mà cuối cùng là tìm kiếm chính Thiên Chúa, vì “tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Chúa” (Hc 1,1), thì chúng ta nhận được sự hai lòng của Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, giống như Salômôn, ban cho sự khôn ngoan để đưa ra những lựa chọn phù hợp với kế hoạch thiêng liêng của Ngài, để nhận ra điều gì thực sự có giá trị và sống phù hợp với các huấn lệnh của Ngài.
Kho báu ân sủng
  1. Trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, chúng ta gặp một kho tàng khác, đó là kho tàng ân sủng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đảm bảo với chúng ta rằng “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). “Chứng từ của các Thánh không ngừng củng cố chân lý này. Ngay trước khi chịu tử đạo, thánh Tôma More an ủi con gái mình: “Không gì có thể xảy ra mà không do Thiên Chúa muốn. Mà bất cứ điều gì Ngài muốn, thì dù đối với chúng ta có vẻ là sự dữ, nhưng thật ra đó là điều thiện hảo nhất.”” (GLHTCG 313). Chúng ta có niềm an ủi và hy vọng lớn lao trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ai thật tâm yêu mến Chúa, thì tin rằng Chúa yêu họ, mong muốn những gì có lợi nhất cho họ, và sẽ rút ra điều tốt đẹp từ nỗi bất hạnh. Chúng ta có thể hưởng phúc vinh quang thiên quốc vì các việc tốt lành đã được thực hiện nhờ ân sủng Đức Kitô (x. GLHTCG 1821).
  2. Ân sủng của Thiên Chúa là một món quà vô giá. Nó biến đổi cuộc sống của chúng ta và ý định bên trong chúng ta để uốn nắn chúng ta “nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài” là Chúa Giêsu Kitô, mà “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu” có nghĩa là “làm nghĩa tử của Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu” (x. Ep 1,15). Đó là món quà quý giá mà Thiên Chúa ban cho chúng ta miễn phí cho tất cả những ai mở rộng trái tim để đón nhận nó.
  3. Kho tàng ân sủng của Thiên Chúa được cất giấu nơi Chúa Giêsu, các bí tích, đời sống thánh thiện của Hội Thánh. Chúng ta có thể nhận ra ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta. Chẳng hạn, những lúc chúng ta cảm thấy đặc biệt gần gũi với Chúa trong một Thánh Lễ hoặc trong lúc cầu nguyện. Đó là ân sủng. Hoặc những lúc sự cắn rứt của lương tâm chúng ta đã dẫn chúng ta đến tòa giải tội sau một thời gian dài chúng ta không xưng tội. Đó là ân sủng.[4] Hoặc những lúc chúng ta bị cám dỗ bất tín với bạn đời của mình nhưng đã vượt thắng được nó. Đó cũng là ân sủng. Ân sủng khơi dậy nơi chúng ta một đức tin luôn vững mạnh hơn.
Kho báu Nước Trời
  1. Chúng ta tìm thấy một kho báu thứ ba là Nước Trời. Chúa Giêsu tiếp tục dạy cho chúng ta rằng Nước Trời như là kho báu và ngọc quý. Thế nhưng, kho báu thì bị chôn giấu trong ruộng và ngọc quý thì phải đi tìm. Kho báu và ngọc quý không gì khác hơn là chính Chúa Giêsu. Thánh Phaolô nói: “Trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2,3). Chúa Cha đã chôn giấu Người trong thửa ruộng thế gian. Vì thế, không phải ai cũng có thể tìm thấy kho tàng Giêsu. Trong mắt phần lớn dân chúng đương thời, Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt cũng chỉ là một con người như họ. Các thánh sử Tin Mừng ghi lại lời của dân chúng rằng: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria ; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” (Mt 13,54-56 // Mc 6,2-4 // Lc 4,22). Kết quả là họ không tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.
  2. Trái lại, chỉ những ai có lòng khiêm nhường tìm Chúa, tìm Nước Trời, thì mới thấy Chúa, mới khám phá ra Nước Trời. Nếu đọc lướt qua hai dụ ngôn kho báu và ngọc quý, thì chúng ta dễ cho là Chúa Giêsu đang dạy chúng ta mua bán gian lận: biết ruộng nhà người ta có kho báu; biết viên ngọc đắt giá người ta sở hữu, nhưng lại không cho họ biết mà còn tìm cách lừa lọc họ để mua. Không phải như vậy. Khi kể hai dụ ngôn ấy, Chúa Giêsu không dạy chúng ta chuyện kinh doanh cho bằng nhấn mạnh giá trị cao quý của Nước Trời. Thế nên, ai có đôi mắt đức tin nhận ra được giá trị cao quý của Nước Trời như người thương gia có đôi mắt tinh anh thấy được giá trị của viên ngọc, thì vui mừng “bán tất cả những gì mình có” để sở hữu Nước Trời, sẵn lòng bỏ tất cả mọi thứ để theo Chúa Giêsu.
  3. “Ngay khi tôi tin Chúa, tôi hiểu rằng tôi không thể làm gì khác hơn là sống cho một mình Ngài” là câu nói của thánh Charles De Foucauld. Thánh nhân sinh ra ở Strasbourg năm 1858 và được người ông giàu có nuôi dạy sau khi mồi côi cha mẹ ở tuổi lên sáu. Ngài gia nhập quân đội như ông của mình. Là một chàng thanh niên trẻ đã mất đức tin, ngài sống một cuộc đời buông thả. Sau khi giải ngũ, ngài bắt đầu chuyến khám phá Maroc. Khi tiếp xúc với những tín đồ Hồi giáo nhiệt thành ở đó, ngài đã nhủ với lòng mình rằng: “Lạy Chúa của con, nếu Ngài có tồn tại, xin hãy cho con biết Ngài”. Charles De Foucauld trở về Pháp và với sự hướng dẫn của một linh mục, ngài đã trở lại với đức tin Công giáo của mình vào năm 1886, ở tuổi 28. Nhận ra ơn gọi “bước theo Chúa Giêsu trong cuộc đời của Người tại Nazareth” trong một cuộc hành hương đến Đất Thánh, ngài đã trở thành một tu sĩ Dòng Trappist (Dòng Xitô Nhặt Phép). Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1901 ở tuổi 43 và rời đến miền bắc châu Phi để phục vụ cho những người Tuareg, một nhóm dân tộc du mục, vì ngài muốn sống giữa “những người bị tách biệt nhất, những người bị ruồng bỏ nhất”. Ngài đã bị một nhóm người ám hại tại nơi ẩn tu của mình ở Sahara vào ngày 1 tháng 12 năm 1916. Ngài chiếm hữu được Nước Trời khi được tuyên phong hiển thánh vào ngày 15 tháng 5 năm 2022.[5]
  4. Trong cuộc sống, chúng ta tìm kiếm nhiều thứ như của cải, sắc đẹp, sức khỏe, bằng cấp, tài năng, sự nghiệp… Chúa không cấm chúng ta tìm kiếm những thứ đó, vì chúng ta góp phần bảo vệ và nâng cao phẩm giá của con người. Chẳng hạn, “việc sở hữu của cải là hợp pháp, để bảo đảm sự tự do và phẩm giá con người, để giúp mỗi người đáp ứng được các nhu cầu căn bản của mình và nhu cầu của những ai họ có bổ phận chăm lo” (GLHTCG 2402). “Công ăn việc làm” là một lợi ích biểu lộ và gia tăng phẩm giá của con người, để bảo đảm thu nhập cần thiết cho con người và gia đình họ sinh sống.[6] Vấn đề là chúng ta sắp xếp chúng ở vị trí nào so với Nước Trời. Nếu chúng ta đặt của cải ở chỗ nhất, hoặc đặt sự nghiệp ở chỗ nhất, hoặc đặt bằng cấp ở chỗ nhất, thì chúng ta đang xem nhẹ giá trị của kho báu và ngọc quý là Nước Trời, mà ai không xem trọng Nước Trời, thì sẽ không có được Nước Trời, như ở một nơi khác trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng nói “ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân” (Mt 7,6). Do đó, chúng ta có thực sự đặt Nước Trời trên hết hay không? Chúng ta có nhận ra giá trị to lớn của Nước Trời hay không?
  5. Tóm lại, các bài đọc hôm nay nhắc nhở chúng ta về những kho tàng vô giá trong cuộc đời của chúng ta: đó là kho tàng sự khôn ngoan, kho tàng ân sủng của Thiên Chúa và kho tàng Nước Trời. Chúng ta hãy nỗ lực tìm kiếm những kho tàng này, để chúng biến đổi cuộc đời chúng ta và dẫn chúng con đến gần Chúa hơn.
Lạy Chúa, Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những người mến Chúa xin đổ đầy sự khôn ngoan sáng suốt xuống tâm trí chúng con, giúp chúng con nhận ra kho báu cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong là Nước Trời. Amen.
 

[1] https://www.tudiendanhngon.vn/danhngon/dn/itemid/9893
[4] X. https://daminhtamhiep.net/2019/02/on-chua-ban-cho-toi-da-khong-vo-hieu-suy-niem-chua-nhat-v-tn-nam-c/
[6] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem exercens, 11.18.



SUY NIỆM 3: LẮNG NGHE ĐỂ CÓ THỂ HƯỚNG DẪN NGƯỜI KHÁC − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Nơi vua Salômôn, chúng ta có nhiều điều để suy nghĩ về vai trò lãnh đạo. Lời cầu nguyện đầu vương triều trở nên danh tiếng là chỉ xin ơn khôn ngoan để cai trị dân Chúa. Cùng câu chuyện ấy, sách Sử Biên Niên ghi là vua xin ơn “khôn ngoan và hiểu biết” (2Sbn 1,10), sách Khôn Ngoan (9,4) ghi là vua xin “đức Khôn Ngoan”. Trong khi đó, sách Các Vua quyển I ghi là: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (3,9). Câu 3,12 nói Chúa ban cho ông sự khôn ngoan minh mẫn. Như vậy có thể tóm lại rằng: sự khôn ngoan mà vua Salômôn có được là do ông có tâm hồn lắng nghe Thiên Chúa và nghe Thiên Chúa qua tiếng dân.
Phải nói điều này là ông ý thức dân được giao cho ông là dân của Chúa, và ông tỏ lòng kính trọng dân ấy. Hơn nữa, ông luôn ý thức mình là chàng trai trẻ không có gì để tự phụ, nhưng do ân nghĩa của Chúa với vua cha Đavít nên ông được đặt làm vua. Ý thức giới hạn của mình, trân trọng những người đi trước và tôn trọng những người được giao cho mình. Những ý thức đó làm cho ông thấy mình cần thiết phải lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe người khác. Đó là nguồn của sự khôn ngoan nơi người lãnh đạo. Sau này, vua Salômôn quên mất những ý thức đó, nên vận dụng khôn ngoan nhân loại bằng cách cưới lấy các công chúa ngoại giáo để tìm kiếm hoà bình và phồn thịnh cho đất nước, nên họ đã đưa các thần ngoại giáo vào, và sinh ra việc chia cắt đất nước sau khi vua Salômôn qua đời!
Trong niềm tin, với ý thức về giá trị của mình và của người khác, chúng ta được mời gọi hãy để cho cuộc đời mình và để cho việc hướng dẫn người khác luôn ở dưới sự dẫn dắt của Chúa, theo sự khôn ngoan thần linh. Vì thế, một tâm hồn lắng nghe thực sự là cần thiết. Sự lắng nghe xuất phát từ tâm hồn chứ không phải chỉ là thái độ bên ngoài, vì ý thức rằng sự thành công thực sự của cuộc đời mình, và của việc hướng dẫn người khác không theo sự khôn ngoan của người đời, nhưng là theo cách nhìn của Thiên Chúa.
Như người ngư phủ, chúng ta cần phân định, lọc lựa cá tốt và cá xấu, bởi vì chúng ta dễ gán ghép điều mình thích là điều tốt, là điều Chúa muốn.

SUY NIỆM 4: Kho báu Nước Trời là Đức Kitô - (Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Xuyên suốt trong các Chúa Nhật vừa qua, hình ảnh nổi bật trong các bài Tin mừng là ruộng đất. Từ hạt lúa gieo trên ruộng đồng đến lúa tốt và cỏ lùng chen vai mọc lên trên ruộng đất, và Chúa nhật hôm nay là kho báu chôn giấu trong ruộng lúa.
Palestine là miền đất có nhiều tranh chấp và nguy hiểm rình rập: chiến tranh, bệnh tật, nạn dịch, đói khát, cướp bóc, nô lệ…hay bất cứ một sự bất hạnh nào cũng có thể lấy mất tài sản và cuộc sống của người dân. Nhiều người đã chôn giấu của cải dưới đất, hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ trở lại, nhưng có nhiều người ra đi vĩnh viễn. Do đó, người ta thường tìm thấy kho tàng.
Dụ ngôn “Kho báu chôn dấu trong thửa ruộng” là một câu chuyện không có gì xa lạ với dân chúng Do Thái, bởi vì họ vẫn thường kể cho nhau nghe về một câu chuyện cổ tích tương tự như thế.
Ngày hôm ấy, Abba Giuđa đang cố gắng cày nốt thửa ruộng còn lại, thì bỗng con bò của anh ta bị ngã qụy và gãy mất một chân vì gặp phải một cái hố nhỏ. Bực mình, anh ta dừng lại vuốt những giọt mồ hôi trên trán, rồi qùy xuống nâng chân con bò lên. Đột nhiên, Đức Giavê mở mắt cho anh ta và anh ta đã nhìn thấy một kho tàng quí giá ngay trong cái hố nhỏ ấy. Anh ta tự nhủ: – Chính vì chú bò này mà mình được lợi đây.
Kho tàng ấy là của một ai đó đã chôn dấu, có lẽ từ lâu lắm, vì sợ trộm cắp, giặc giã hay chiến tranh. Anh ta cẩn thận vùi đất lại, trở về nhà, thu góp tiền bạc, bán tất cả những đồ đạc, để gom cho đủ số tiền hầu mua thửa ruộng đó, bởi vì anh ta chỉ là một nông dân nghèo đi cày thuê cuốc mướn mà thôi.
Dĩ nhiên, anh ta mua được thửa ruộng ấy, dù với một giá hơi mắc, nhưng anh ta trở thành triệu phú, bởi vì luật pháp đã qui định: kể từ ngày làm chủ mảnh đất, anh ta cũng làm chủ tất cả những gì có trong mảnh đất ấy.
Có lẽ Chúa Giêsu đã lấy chính câu chuyện bình dân này để nói về Nước Trời.
Ý nghĩa của dụ ngôn, chính là thái độ của người nông dân: tìm được kho tàng, anh ta rất vui mừng, vội chạy về nhà, tìm đủ mọi cách như bán tất cả đồ đạc, thậm chí kể cả việc vay mượn bà con lối xóm, để có đủ tiền mua thửa ruộng ấy. Hành động của anh ta thật khôn ngoan, nhanh nhẹn và hợp lý. Anh đã dám liều, dám hy sinh tất cả vì kho tàng quí giá ấy.
Dụ ngôn “Viên ngọc quý”: thương gia khi đã khám phá ra viên ngọc quý, đã bán tất cả những gì mình có để mua cho được viên ngọc ấy. Đây là một sự lựa chọn đáng ca ngợi và khích lệ.
Dụ ngôn “Kho báu chôn trong ruộng” và “Viên ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báu” và “Viên ngọc quý” ở đây, là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để chúng ta tìm kiếm và sở hữu. Không có gì đẹp hơn là tìm biết Đức Kitô. Có Ngài, chúng ta có tất cả! Nói như Thánh Phaolô hôm nay là: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh”, trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô. Như thế, lời mời gọi nên thánh, chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô, là đạt đến Nước Trời.
Nước Trời có một giá trị tối thượng
Chúa Giêsu nói về kho báu và viên ngọc mà người cày ruộng và thương gia dám bán tất cả những gì họ có để mua lấy. Bởi đó là giá trị tối hậu mang lại hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc đời họ. Đó là điều làm cho họ hân hoan vui sướng, dám đánh đổi tất cả mọi sự trên trần gian để có nó (GLCG # 546).
Tính chất cao quý nầy được các bài đọc Sách Thánh hôm nay làm nổi bật bằng cách đưa ra những so sánh ví von.
Cao quý như sự khôn ngoan được vua Salômon coi trọng hơn phúc lộc thọ của ngai vàng (bài đọc 1). Salômon kế vị Vua cha là Đavít. Salômon nhận rõ mình “trẻ người non dạ” và những hạn chế của bản thân trước trọng trách làm vua. Salômon được Thiên Chúa yêu thương, ân ban cho ông được quyền xin ơn gì ông cần. Salômon không xin giàu có, không xin vinh quang và cũng không xin trường thọ. Salômon xin ơn khôn ngoan để hướng dẫn dân được tuyển chọn đúng theo đường lối của Chúa. Điều ông xin làm hài lòng Thiên Chúa và ông được nhậm lời. Salômon trở nên một vị vua tài trí bậc nhất trong thiên hạ. Sự khôn ngoan của ông vượt ra khỏi biên giới Israel. Trước ông, không ai như ông và sau ông, không ai bằng ông.
Cao quý như lề luật được Dân Chúa coi trọng tựa Nguồn Sáng dẫn lối (bài đọc 2). Cao quý như “Kho báu chôn trong ruộng” như “Viên ngọc quý”.
Nước Trời là một ân ban cao quý Thiên Chúa dành cho mọi kẻ kiếm tìm.
Chọn lựa và quyết định.
Sau khi đã nhận ra kho báu, người cày ruộng lẫn người buôn ngọc đều đã biết cái gì quan trọng, họ phải chọn lựa và đi đến một quyết định.
Là Kitô hữu, môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta tìm kiếm cái gì?
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải biết chọn lựa giữa những cám dỗ mời mọc của trần thế: ‘Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm…Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33).
Sách Giáo lý Công giáo cũng khuyên dạy: “Chúa Giêsu kêu gọi mọi người vào Nước Trời qua những bài dụ ngôn của Ngài, nét đặc trưng của việc giảng dạy của Ngài. Qua các dụ ngôn này, Ngài mời người ta tới dự tiệc của Nước Trời, nhưng Ngài cũng đòi hỏi người ta một sự chọn lựa triệt để: để được nước Trời, người ta phải cho tất cả, và lời nói không đủ, còn cần phải có những hành vi” (GLCG # 546).
Nước Trời đòi buộc phải hy sinh, một khi đã khám phá ra, phải bán tất cả những gì mình có. Đây là một chọn lựa dứt khoát, quyết liệt, không dễ dàng. Sự từ bỏ theo Chúa Giêsu, chính là thái độ dấn thân vì Nước Trời. Tìm thấy Nước Trời, thấy được giá trị cao quí của Nước Trời, cho nên mới can đảm hy sinh từ bỏ tất cả để có được. Người nông dân bán tất cả để mua cho được mảnh ruộng có kho báu; vị thương gia bán tất cả tài sản để mua cho bằng được viên ngọc qu, là hình ảnh nói lên việc phải dứt khoát chọn lựa Nước Trời.
3.Tìm được Nước Trời là niềm vui cuộc đời
Người nông dân, vị thương gia, đều vui mừng khi tìm được kho báu hay viên ngọc quí. Cũng vậy, thái độ của người đã gặp Chúa, đã khám phá ra Nước Trời trong cuộc sống, là thái độ hân hoan vui mừng. Tìm kiếm được niềm vui này mới làm cho con người có khả năng dứt bỏ mọi sự để theo Chúa. Bấy giờ, tất cả những gì trước nay ta cho là quí giá thì mất hết giá trị so với niềm vui mừng có được Thiên Chúa. Có Chúa là có tất cả. Đây là kinh nghiệm không dễ có được một khi thờ ơ không dám lên đường tìm kiếm Chúa và hạnh phúc Nước Trời. Nếu chỉ biết loanh quanh trong việc tìm kiếm của cải trần thế, thú vui xác thịt, thì sẽ không bao giờ khám phá được niềm vui Nước Trời, niềm vui trong Chúa.
Tìm kiếm Nước Trời và từ bỏ tất cả để đạt cho bằng được là niềm vui của đời Kitô hữu, chính là thái độ chọn lựa khôn ngoan. Trong Chúa, mới làm nên ý nghĩa đích thực của đời sống, nơi Chúa, mới tìm kiếm được nguồn mạch thỏa mãn mọi nỗi khát khao hạnh phúc.
Thái độ “vui mừng bán tất cả”, không phải ai cũng dễ dàng có được. Câu chuyện Phúc âm “Người thanh niên giàu có” là một ví dụ. Anh ta đã sụ mặt xuống và quay đi vì anh ta có nhiều của cải khi nghe Chúa Giêsu bảo: “Anh hãy về bán hết của cải, phân chia cho người nghèo, rồi hãy đến theo Ta…”.
Làm sao bán hết Chúa ơi khi con đã một đời vất vả tảo tần để có được cơ nghiệp như ngày hôm nay? Làm sao vui mừng để từ chối một mối tình vụng trộm mà con mới cất công xây nên? Làm sao con từ bỏ một thói đã đem lại cho con nhiều thích thú và thỏa mãn sự biếng lười? Làm sao con có thể bỏ lỡ một cơ hội kiếm tiền chỉ để giữ luật Ngày Chúa Nhật? Làm sao con có thể bố thí nhiều đến thế, cho dù con sẵn sàng bỏ ra gấp trăm ngàn lần để nhậu nhẹt mua vui? Làm sao con có thể hạ mình xuống trong khi con là đấng bậc vị vọng? Làm sao con có thể bỏ học thêm để dành cho việc học giáo lý?…Và cuối cùng, chắc con cũng sẽ sụ mặt xuống quay đi, vì con có quá nhiều tham vọng và của cải…
Cuộc đời vẫn luôn có những “chàng thu thuế Lêvi” sẵn sàng bỏ cả địa vị hái ra tiền để đi theo Đấng không có viên đá gối đầu. Vẫn còn những Giakêu, sẵn sàng chia nửa gia tài cho kẻ nghèo và đền gấp bốn những ai bị thiệt hại. Vẫn còn những Phanxicô Xaviê, Phanxicô Asissi, vẫn còn những Têrêxa Calcutta… bỏ cả cuộc đời để ra đi rao giảng Tin Mừng và phục vụ người nghèo; vẫn còn những Maximilien Kolbe, Anrê Phú Yên dám bỏ cả mạng sống để đáp đền mạng sống…
Điều quan nhất, là phải biết khám phá, trong bản thân mình, ai cũng có một kho báu quí giá. Kho báu ấy được Kinh Thánh mạc khải: Con người là “hình ảnh của Thiên Chúa”, được dựng nên “giống Thiên Chúa” (St 1,26.27; 9,6), là “con cái Thiên Chúa” (Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10), “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4).
Ý thức và xác tín những điều ấy, ta sẽ thấy phẩm giá con người hết sức cao quí. Đó là niềm vui và là hạnh phúc. Phẩm giá ấy cao quí hơn tất cả những gì mà ta có thể có được ở trần gian. Với bản chất cao cả ấy như một chìa khóa, một bí quyết, một nền tảng cần thiết, con người có thể có tất cả, nhất là có hạnh phúc đích thực ở trần gian này, và hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành cho con cái Ngài.
Trong Đức Kitô, sự khôn ngoan Thiên Chúa đã được tỏ bày qua sự yếu đuối nhân loại.
Ai chân thành với Đức Kitô, sẽ gặp thấy Ngài chính là kho báu.
Ai trung thành làm theo lời Đức Kitô, sẽ sở hữu trọn vẹn kho báu ấy.
Ai nhiệt thành gắn bó với Đức Kitô, sẽ được chia sẽ cùng Ngài kho báu hạnh phúc Thiên đàng.

SUY NIỆM 5: Vui mừng bán tất cả - (Trích trong ‘Manna’ – Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
Suy Niệm
Tất cả bắt đầu từ một sự tình cờ may mắn.
Người nông dân nghèo phải làm thuê cho điền chủ tình cờ gặp được kho báu chôn trong ruộng.
Người buôn ngọc tình cờ gặp được viên ngọc tuyệt vời, có giá trị lớn lao mà người bán không hề biết.
Sau đó phản ứng của cả hai rất giống nhau: ra đi, bán tất cả những gì mình có và mua… Không thấy có dấu vết của sự nuối tiếc hay ngần ngại giằng co. Tất cả diễn ra thật nhanh và tràn ngập niềm vui thanh thản. Ai cũng rõ họ hạnh phúc biết chừng nào khi chiếm được kho báu và viên ngọc. Cuộc đời họ chuyển sang một giai đoạn mới.
Thái độ của hai người trên được coi là bình thường. Ở địa vị ta, ta cũng làm như thế.
Kho báu và viên ngọc là những thứ thấy được, có giá trị hiển nhiên và hết sức hấp dẫn. Chúng hứa hẹn một sự giàu sang mà ai cũng thèm thuồng, nên người ta dễ bán tất cả để mua được chúng.
Bị ảnh hưởng bởi não trạng hưởng thụ vật chất, chúng ta thường coi kho báu duy nhất ở đời này là tiền bạc, quyền uy và khoái lạc. Khi nói Nước Trời là kho báu bền vững, Đức Giêsu là viên ngọc quý đích thực, chúng ta lại thấy đó là cái gì mơ hồ, xa xôi, ít lôi cuốn, thậm chí không có thật. Chính vì thế chúng ta thường ngần ngại khi từ bỏ, dè sẻ, nuối tiếc khi phải hy sinh cho Chúa.
Vậy vấn đề là khả năng thấy, nhờ lòng tin.
Bản thân tôi có thấy Đức Giêsu là viên ngọc quý, và Nước Trời là kho báu không?
Chỉ ai thấy được những thực tại vô hình và ngây ngất trước giá trị của chúng, người ấy mới hồn nhiên và vui tươi đánh đổi tất cả kho báu phù phiếm của đời này để lấy kho báu bất diệt trên trời (x.Mt 6,20).
Có khi tình cờ, qua một biến cố, một người bạn, qua một cuốn sách, một đoạn Lời Chúa, một kỳ tĩnh tâm, tôi chợt gặp Đức Giêsu như viên ngọc ngời sáng, hấp dẫn, mời gọi tôi bay lên khỏi cái tôi tầm thường: tôi có dám bán nỗi đam mê ích kỷ của mình để mua lấy tình bạn với Ngài không?
Nếu ta còn ngần ngại khi phải bán đi tất cả thì chỉ vì ta chưa thấy. Nhưng nếu ta cứ can đảm bán đi, ắt ta sẽ thấy.
Niềm vui chỉ đến với người dám bán tất cả.
Gợi Ý Chia Sẻ
Các tu sĩ thường được coi là những người đã bỏ mọi sự mà theo Chúa. Theo ý bạn, giáo dân có phải từ bỏ mọi sự để theo Ngài không?
Nước Trời ai cũng mua được, dù bạn nghèo đến mấy đi nữa. Chỉ cần bạn bán đi tất cả những gì bạn có. Có khi nào bạn bán tất cả mà lòng vẫn vui không? Có khi nào bạn hy sinh mà ngại ngần, tiếc nuối?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Giàu sang, danh vọng, khoái lạc là những điều hấp dẫn chúng con. Chúng trói buộc chúng con và không cho chúng con tự do ngước lên cao để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất, nhờ cảm nghiệm được phần nào sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi bán tất cả những gì chúng con có, để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng trước những lời mời gọi của Chúa, không bao giờ ngoảnh mặt để tránh cái nhìn yêu thương Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây