Ai không vác thập giá, thì không xứng với Thầy. Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
LỜI CHÚA: Mt 10,37-42
37 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. 38 Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. 39 Ai tìm giữ mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. 40 Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
41 “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.
42 “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”
SUY NIỆM 1: Xứng với Thầy (Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
Hai mươi sáu năm trời, vác một cây thánh giá gỗ, dài 3,6m, ngang 1,8m, nặng 18 kg, vượt qua 50.140 km, 227 quốc gia, 7 lục địa: đó là điều mục sư Arthur Blessit đã làm từ Noel 1969. Ông là người giữ kỷ lục đi bộ quãng đường dài nhất. "Tôi đã đi qua các sa mạc, rừng rậm, đã từng bị tấn công bởi voi, rắn, cá sấu. Tôi đã bị bắt giam 21 lần và suýt bị hành hình..." Chỉ còn 50 nước ông chưa đặt chân tới. Ông hy vọng sẽ hoàn tất chuyến đi này trước năm 2000. Như vậy ông sẽ là người đầu tiên đưa thánh giá đi khắp mọi nơi trên thế giới.
Cử chỉ của ông làm chúng ta suy nghĩ.
Vác thánh giá là chấp nhận nặng nề và bấp bênh, nặng nề vì khúc gỗ trên vai, bấp bênh vì nguy hiểm.
Đức Giêsu mời gọi các môn đệ vác thánh giá của mình mà theo Ngài.
Chẳng có con đường nào tốt hơn con đường Ngài đã đi.
Con đường khó nghèo, khiêm hạ ở Bê-lem và Na-da-rét.
Con đường rao giảng trong nhọc nhằn ở phần đất xứ Galilê.
Con đường đầy đe dọa hiểm nghèo khi lên Giêrusalem.
Con đường hiến mình khi vác thánh giá lên Núi Sọ.
Chúng ta được mời gọi đi theo Ngài trên các con đường ấy, hay đúng hơn đi theo Ngài trên nẻo đường của đời mình, không cô đơn thất vọng, vì biết nơi mình sắp đến.
Thánh giá của chúng ta không phải là khúc gỗ, nhưng là những gì ta phải từ bỏ, dù rất yêu mến, những người ta phải yêu mến, dù rất muốn từ bỏ.
Chúng ta chỉ vác nổi thánh giá của mình nếu chúng ta dám yêu thực sự.
Chỉ khi yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta mới dám quên mình, bỏ mình, mất mình, hiến mình.
Điểm mới mẻ của Tân Ước là tình yêu đối với Đức Giêsu. Ngài đòi ta phải yêu Ngài hơn cha mẹ, hơn con cái.
Ngài còn đòi ta chịu mất mạng vì Ngài.
Nếu Đức Giêsu không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa, nếu Ngài đã không chết vì chúng ta trước, thì Ngài chẳng có quyền đòi hỏi những hy sinh như vậy.
Trải qua 20 thế kỷ, biết bao thế hệ Kitô hữu đã dám sống đến cùng tình yêu ấy.
Truyền giáo không phải chỉ là thông truyền đức tin mà còn là thông truyền tình yêu, là làm cho Đức Giêsu được mọi người yêu mến.
Nhưng trước hết, chúng ta phải cảm nghiệm được Tình Yêu để cả cuộc đời ta là lời đáp cho Tình Yêu, là cuộc sống sao cho xứng với Thầy (c.37.38).
Ước gì chúng ta yêu Đức Giêsu trên mọi sự, yêu mọi sự trong Ngài và dưới Ngài, chấp nhận mất cái tôi nhỏ mọn, để được cái tôi triển nở.
Gợi Ý Chia Sẻ
Bạn hãy chia sẻ một kinh nghiệm về mất để rồi được lại hay một kinh nghiệm về tưởng được mà lại mất.
Từ bỏ, hy sinh là những điều không hấp dẫn con người hôm nay, nhưng bạn có thấy chúng hết sức cần thiết không? Làm sao để dễ từ bỏ mình khi phải chung sống với người khác?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.
(Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)
SUY NIỆM 2: .Suy niệm của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái
A. Hạt giống...
Phần cuối của bài giảng về sứ mạng tông đồ. Chúa Giêsu thẳng thắn cho biết những đòi hỏi khó khăn của Tin Mừng: Vì Tin Mừng là giá trị cao quý nhất cho nên nếu cần thì người ta phải dám từ bỏ tất cả những thứ khác để đổi lấy nó.
Sau đó Chúa Giêsu khuyến khích người ta quảng đại tiếp đón những sứ giả của Tin Mừng, vì tiếp đón họ chính là tiếp đón Chúa và sẽ được Chúa trọng thưởng.
B.... nẩy mầm.
1. Thú thật Lời Chúa mấy ngày nay khiến con rất sợ: để đón nhận Tin Mừng của Chúa, con phải hy sinh và từ bỏ rất nhiều; khi làm tông đồ của Chúa, con cũng sẽ đương đầu với biết bao khó khăn và đau khổ. Con hiểu được tại sao nhiều người không kiên trì sống đức tin, và nhiều người ngại làm tông đồ cho Chúa. Con cũng sẽ đào ngũ chăng? Con cũng sẽ nản lòng chăng? Thật tình con không muốn thế bao giờ. Xin cho con được kiên trì và can đảm.
2. “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy”: hiện giờ con đang yêu những gì hơn Chúa? Xin cho con sức mạnh dám từ bỏ những thứ đó để con xứng đáng hơn với Chúa.
3. “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng đáng với Thầy”: xin cho con biết thập giá hiện nay của con là gì, và xin thêm sức để con vác nổi thập giá ấy.
4. Một thiếu nữ trẻ đẹp, con nhà quyền quý muốn nhập vào một dòng tu rất khắc khổ. Để thử thách ơn gọi của cô, Mẹ Bề trên vẽ lên một bức tranh đáng sợ về những đòi hỏi khắc khe của tu viện. Nghe xong, cô bé có vẻ lung lay và im lặng. Một lúc sau Mẹ bề trên hỏi:
- Con không nói gì ư?
- Thưa mẹ con chỉ có một câu hỏi: trong nhà dòng này có nhiều cây Thánh giá không?
- Ồ, khắp nơi trong nhà, chỗ nào cũng có cây Thánh giá.
- Vậy thì thưa mẹ, con hy vọng sẽ không gặp gì khó khăn cả, bởi vì ở mọi nơi và trong mọi giây phút, con đều có Thánh giá bên cạnh. Con có thể chịu đựng tất cả. (Góp nhặt)
5. “Ai giữ lấy mạng sống mình thì mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,39)
Kìa một em bé! Đúng rồi, một em bé! Làm thế nào để cứu em bây giờ? Hàng chục cặp mắt đang dõi theo em với đầy vẻ lo lắng và thương xót. Bỗng từ trên thành cầu, một bóng người lao vội xuống cố nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của em đang quờ quạng giữa khoảng không tưởng như vô vọng… Em bé đã được cứu sống! khoảnh khắc quá mỏng manh giữa cái chết và sự sống.
Câu chuyện đã xảy ra vào một buổi chiều tháng năm cách đây gần một năm… như một luồng sáng chiếu vào cõi lòng vốn vị kỹ của tôi, và tôi đã hiểu một tình yêu cao cả đòi hỏi một sự dấn thân quên đi chính mạng sống mình để cứu lấy mạng sống người khác. Tình yêu đó chính là tình yêu mang tên Giêsu.
Lạy Chúa, xin giúp con hiểu thế nào là mầu nhiệm “tự huỷ” của Ngài, để luôn biết quảng đại dấn thân cứu sống người anh em mà không sợ đau thương hay nguy hiểm. (Hosanna)
6. Trong cuốn phim “American Anthem” có hai cảnh trái ngược hẳn nhau như sau:
- một thanh niên kia bị tai nạn và phải cưa mất một chân. Anh không thể nào chấp nhận thực tế đó. Anh ở miết trong phòng, kéo rèm che kín các cửa sổ, cấm không cho ai vào phòng, và ở đó mà rầu rỉ.
- Còn Robert Bruce thì một hôm đang đi trên đường phố bỗng nghe ai đó cất tiếng hát vang rất vui vẻ. Khi nhìn kỹ thì ra đó là một người cụt hết cả hai đang ca hát trên chiếc xe lăn.
Trong hai người đó, một người không chấp nhận thập giá đời mình nên phải u sầu thất vọng, còn người kia biết chập nhận nên đã tìm thấy niềm vui.
Thập giá nào trong đời bạn mà bạn thấy không chấp nhận nhất? (Mark Link, Vision 2000)
7. “Con cám ơn Chúa vì sự tàn phế của con, vì nhờ đó con đã tìm gặp chính bản thân con, công việc của con và Đức Chúa của con” (Helen Keller)
SUY NIỆM 3: Ðòi hỏi và vinh dự của môn đệ
(Trích trong ‘Giải Nghĩa Lời Chúa’ - Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Với ba bài Kinh Thánh hôm nay, chúng ta có thể suy nghĩ nhiều điều về đời sống của người môn đệ đi theo Chúa Yêsu. Ðó cũng là đời sống của chính chúng ta, xét về mặt đạo đức thiêng liêng. Chúng ta đã thực thụ trở thành môn đệ Chúa Yêsu khi cùng chịu mai táng và sống lại với Người trong bí tích Rửa tội, như bài Thánh thư hôm nay nói. Từ ngày đó chúng ta không ngừng phải vác Thập giá hàng ngày để đi theo Người, nhưng đồng thời cũng nhận được vinh dự của người môn đệ đi theo Thầy, như Người đã hứa trong bài Tin Mừng. Và trong Hội Thánh luôn có những Ngôn sứ muốn sống triệt để ơn gọi làm Môn đệ của Chúa như Êlisê ngày trước mà bài sách các Vua còn kể lại nhiều mẩu truyện rất ý nghĩa. Chúng ta thử đọc về đời sống của người môn đệ đi theo Chúa, tức cũng là ơn gọi của chính chúng ta.
A. Chúng Ta Ðã Trở Thành Môn Ðệ
Ðoạn thư Rôma hôm nay được chọn để đọc một cách long trọng đặc biệt trong Canh thức Phục sinh. Chúng ta nên dùng để suy nghĩ mỗi khi có nghi thức Rửa tội. Nhưng bất cứ khi nào tự hỏi về ơn gọi Kitô hữu của mình, chúng ta cũng có thể đem đọc để thấy rõ mình đã trở nên môn đệ của Chúa như thế nào.
Vẫn biết ơn Chúa kèm theo lời rao giảng Tin Mừng đã ban nhân đức tin cho chúng ta. Chúng ta đã bắt đầu đi theo Chúa ngay từ khi chúng ta để Lời Chúa và tình yêu của Người lôi cuốn chúng ta. Có thể nói được chúng ta đã là tín hữu của Chúa vì chúng ta đã tin Người có lời ban sự sống cứu độ chúng ta. Một phần nào chúng ta đã là môn đệ của Chúa rồi, vì theo Thánh Kinh người môn đệ luôn để tai nghe Lời Chúa. Tuy nhiên, chưa có hành vi nào xác nhận chúng ta là tín hữu và môn đệ. Phải đợi đến ngày chúng ta chịu phép Rửa nhân Danh Chúa Yêsu Kitô.
Phép Rửa này độc nhất vô nhị. Không thể so sánh với một nghi lễ tôn giáo nào, kể cả phép rửa của Yoan Tẩy giả. Thánh Kinh nói rõ và chính Yoan đã khẳng định: "Tôi rửa trong nước; còn Người rửa trong Thánh Thần". Do đó đây không phải là biểu tượng và lễ nghi, nhưng là hoạt động của Thánh Linh. Sức mạnh của Thiên Chúa làm việc thật sự trong Hội Thánh dội nước trên con người. Nước chảy trên đầu không phải chỉ diễn tả ơn thanh tẩy tội lỗi. Và việc chịu phép Rửa không phải chỉ là một nghi lễ phải làm để được công nhận là tín hữu và môn đệ. Có hoạt động thật sự của Thiên Chúa trong việc dội nước và làm nghi lễ này. Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay nói: Chúng ta đã chịu phép Rửa trong Ðức Kitô, tức là đã chịu mai táng với Người. Chúng ta cùng chết với Người trong cái chết xóa sạch tội lỗi mà Người đã chịu trên thập giá. Vì chấp nhận muốn cùng chết với Người cho tội lỗi như vậy mà chúng ta được tha tội và nước dội trên đầu chúng ta có sức mạnh thanh tẩy tâm hồn. Thế nên mọi người lớn, khi chịu phép Rửa tội, đều phải có lòng thống hối ăn năn và từ bỏ tội lỗi. Và tất cả chúng ta, khi muốn ý thức lại ơn trở thành môn đệ và tín hữu của Chúa đều phải tuyên xưng lại ý chí muốn chết cho tội lỗi và các khuynh hướng xấu xa. Không có việc muốn kết hiệp với Ðức Yêsu Kitô trong mầu nhiệm chết cho tội lỗi dù người ấy có lòng thống hối ăn năn và chịu rửa như nhiều người dưới thời ông Yoan Tẩy giả. Mọi hành vi thú nhận tội lỗi và ăn năn thống hối của con người đều không làm cho con người được khỏi tội. Chỉ có lòng từ bỏ tội lỗi trong tinh thần kết hiệp với Ðức Yêsu Kitô trong mầu nhiệm tử nạn cứu thế của Người mới mang lại ơn thanh tẩy tâm hồn.
Vì sao vậy?
Vì mọi lễ đền tội mà loài người dâng lên đều bất xứng và không được chấp nhận nếu không tựa vào lễ hy sinh đền tội mà Người Con Chí Ái của Thiên Chúa đã dâng lên khi Người chịu chết trên Thập giá. Thiên Chúa đã tỏ ra ưng thuận lễ dâng này khi cho Con Người sống lại từ kẻ chết. Người đã chết vì tội lỗi loài người, thì khi phục sinh Người trong sự chết này, Thiên Chúa đã tỏ ra chấp nhận tha thứ hết mọi tội lỗi cho loài người chúng ta. Sự sống lại của Con Thiên Chúa là ơn tha thứ tội lỗi vậy. Người ta được ơn tha thứ tội lỗi không phải khi kết hiệp với Ðức Yêsu Kitô trong sự chết của Người nhưng là khi được cùng Người sống lại trong sự phục sinh của Người. Không thể tách rời việc cùng chịu mai táng với Ðức Kitô và việc cùng Người sống lại, vì sự chết của Người chỉ có giá trị cứu thế khi Thiên Chúa phục sinh Người từ kẻ chết. Thế nên chết đi cho tội lỗi là việc của con người, nhưng ban ơn thanh tẩy đổi mới tâm hồn là ơn của Thiên Chúa ban cho. Thiên Chúa hoạt động và ban Thánh Thần cho con người khi họ chấp nhận chết đi cho tội lỗi trong mầu nhiệm Tử nạn cứu thế của Ðức Yêsu Kitô. Nhờ và trong bí tích Rửa tội, con người tội lỗi cũ kỹ đã chết đi để Thánh Thần tạo dựng con người mới sạch tội và thánh thiện trong Con Thiên Chúa.
Như vậy lễ nghi Rửa tội không phải chỉ là nghi thức phải làm để được công nhận là tín hữu và môn đệ. Và Nước Rửa tội không phải chỉ diễn tả ơn thanh tẩy tâm hồn. Nhưng thật sự Thiên Chúa hành động trong lễ nghi này. Người dùng Thánh Thần để mai táng tội lỗi trong sự chết của Ðức Kitô và để tạo dựng con người mới trong sự phục sinh của Người. Có một biến đổi thật sự nơi người chịu phép Rửa. Từ thân phận một kẻ xa lạ thù địch với Thiên Chúa, con người nhờ ý chí kết hiệp với Ðức Yêsu Kitô trong mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh của Người, trở nên tạo vật mới đối với Thiên Chúa, không những sạch tội mà còn thánh thiện vì đã đồng hình, đồng dạng, đồng hóa với Con Thiên Chúa. Chúng ta không còn thuộc về thế giới tội lỗi nữa, nhưng đã được đưa sang Nước sáng láng của Chúa Yêsu Kitô phục sinh. Người đang sống sự sống mới và ban sự sống mới ấy cho hết thảy những ai sống trong Nước của Người.
Như vậy việc trở nên tín hữu và môn đệ của Người thật là vô thường, không thể dùng nghi thức xã hội nào để so sánh được. Trong mọi nghi thức xã hội công nhận một môn sinh hay môn đệ, chỉ có sự công nhận có thể nói là bề ngoài, không thay đổi gì bản chất con người môn đệ. Còn ở đây, trong bí tích Rửa tội, có sự biến đổi, tạo dựng thật sự, khiến một kẻ trước đây là tội nhân nay trở nên công chính; trước đây là xa lạ, thù địch, nay là nghĩa tử và là con cái Thiên Chúa; trước đây ở ngoài Ðức Kitô, nay là Kitô hưũ và kết hiệp với Người như cành với thân cây, như chi thể với thân thể.
Ai hiểu như vậy mà không quý trọng ơn của bí tích Rửa tội? Ai thấy như thế mà không xác tín về nội dung của ơn làm môn đệ của Ðức Kitô? Chúng ta hết thảy đã trở thành môn đệ của Người khi chịu phép Rửa tội. Chúng ta phải sống ơn gọi môn đệ ấy thế nào đây?
B. Ðòi Hỏi Và Vinh Dự Của Môn Ðệ
Bài Tin Mừng hôm nay nói rất rõ. Chúa Yêsu tuyên bố: ai yêu mến cha mẹ, con cái hơn Người thì không xứng đáng là môn đệ của Người. Và Người còn đòi hỏi hơn nữa khi tuyên bố tiếp theo: "Kẻ không vác lấy khổ giá mình mà theo Ta, ắt không xứng với Ta". Nếu được phép làm một phân tích văn chương nho nhỏ, chúng ta có thể nói các đòi hỏi đã được đưa ra càng ngày càng gắt gao hơn. Ðầu tiên Chúa chỉ đòi người môn đệ phải yêu Người hơn cha mẹ; rồi Người bảo họ phải yêu Người hơn cả con cái là những giọt máu của chính bản thân mình; cuối cùng Người lại buộc họ phải vác lấy khổ giá mà đi theo Người tức là phải yêu Người đến nỗi không sợ chết và dám bỏ mạng sống vì Người.
Nói cách khác, Chúa đòi người môn đệ phải từ bỏ tất cả, ngay cả mạng sống mình để đi theo và yêu mến Người. Người không cho phép môn đệ nào được lấy cớ yêu cha yêu mẹ, yêu con cái hay sự sống của mình mà từ chối với Người một điều gì khiến Người thấy tình yêu của môn đệ đối với Người chưa thật hoàn toàn và Người chưa là tất cả đối với họ. Người đòi hỏi tình yêu tuyệt đối, nên Người không nhận làm môn đệ những kẻ muốn đi theo Người nhưng lại còn xin phép về nhà lo an táng cha hay thu xếp những công việc khác. Người có thể đòi hỏi như thế bởi chính Người đã từ bỏ tất cả vì môn đệ và để cho người ta trở thành môn đệ. Chúng ta đã thấy Người đã nộp mình chịu chết cho những kẻ Người thương yêu như thế nào. Tình yêu lớn lao như vậy và tuyệt đối như thế chỉ thấy người môn đệ xứng đáng khi họ cũng yêu tuyệt đối và lớn lao như vậy.
Tuy nhiên luận lý như trên hãy còn quá đơn giản. Chúng ta chưa hiểu bản chất con người đòi hỏi như vậy là ai. Không phải Người đã yêu và làm cho môn đệ như vậy nên Người đòi môn đệ phải yêu và phải làm như thế. Thực ra khi tuyên bố những đòi hỏi kia, Ðức Yêsu Kitô chưa nộp mình chịu chết cho môn đệ và môn đệ chưa thấy Người vác Thập giá đi trước để bảo mình phải vác khổ giá đi sau. Ðức Yêsu đã đưa ra những đòi hỏi tuyệt đối, không phải nhân danh sự chết của mình cho những người mình yêu thương, nhưng nhân danh bản tính Thiên Chúa ở nơi mình và vì mình là Thiên Chúa. Và Thiên Chúa và chỉ có Thiên Chúa mới có thể đòi hỏi một cách tuyệt đối như vậy. Mọi sự, mọi người và nhất là sự sống đều là của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Người có quyền đòi chúng ta phải dâng tất cả lại cho Người, nhất là khi hiến dâng đây, chúng ta không những không mất mát mà còn được lãnh nhận gấp trăm, gấp nghìn.
Ðó là ý tưởng của Lời Chúa tiếp theo. Người tuyên bố: Kẻ cố tìm sự sống mình thì sẽ mất, còn kẻ đành mất sự sống mình vì Ta thì sẽ gặp lại. Ðừng vội kết luận rằng sự hy sinh của người Kitô hữu cuối cùng vẫn có tính cánh vụ lợi và tính toán. Vẫn biết có lần Chúa Yêsu đã trả lời cho Phêrô khi ông này lên tiếng: "Này chúng tôi từ bỏ mọi sự mà đi theo Thầy". "Qủa thật, Người nói, không ai bỏ nhà cửa, hay anh chị em, hay cha mẹ, hay con cái, hay ruộng nương vì Ta và vì Tin Mừng, mà lại không lĩnh lấy gấp trăm bây giờ ở đời này... và sự sống đời đời trong thời sẽ đến" (Mc 10,28-31). Nhưng nếu đọc kỹ, đọc hết mọi lời của Chúa, chúng ta sẽ thấy Người đã mau lẹ chuyển từ bình diện tự nhiên sang bình diện siêu nhiên, từ những sự ở đời này sang những thực tại vô hình. Những hy sinh mà người môn đệ phải chịu rất là thực tế, còn phần thưởng dành cho họ vẫn đòi hỏi một niềm tin. Thế nên không thể nói đến sự hy sinh của họ không thoát khỏi vòng danh lợi. Ngược lại chính để thoát khỏi vòng danh lợi giam hãm con người trong vũ trụ vật chất chóng qua mà họ chấp nhận hy sinh để đạt được những giá trị và chân lý mà cùng lắm những giá trị đời này chỉ là hình ảnh.
Ở đây chúng ta không cần suy tư triết học. Chúng ta ý thức rõ ràng Chúa Yêsu Kitô đòi người môn đệ phải dám hy sinh tất cả cho Người để chứng tỏ tình yêu tuyệt đối đối với Người và để minh chứng Người thật là Thiên Chúa. Và khi hy sinh như vậy họ tìm được sự sống.
Trong khi ấy họ đẹp lòng Thiên Chúa đến nỗi Người sẵn sàng thưởng công cho những ai có một cử chỉ tốt lành nào đó đối với họ, dù chỉ cho họ một bát nước lã mà thôi. Với lời hứa này Người khuyến khích mọi người yêu mến các môn đệ của Người, cho dù họ thật bé mọn trước mặt thế gian. Và như thế chúng ta có thể tạm kết luận về bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Yêsu tuyên bố rõ ràng là người môn đệ đi theo Người phải có lòng yêu mến Người đến nỗi sẵn sàng hy sinh đến cả mạng sống vì Người. Và điều này phù hợp với lời thư Phaolô hôm nay nói: người môn đệ hãy tự kể mình như đã chết cho tội lỗi và nay sống cho Thiên Chúa trong Ðức Yêsu Kitô. Ðó là nếp sống mới, nếp sống của người môn đệ đối với Thiên Chúa. Còn đối với nhau họ được vinh dự như là "báu vật" của Người đến nỗi ai làm cho họ việc gì tốt đều không mất phần thưởng trên Nước Trời. Từ đó họ phải sống bác ái phục vụ nhau như thế nào!
C. Những Bậc Thang Giá Trị
Bài sách các Vua có thể dùng để nói về việc phục vụ này. Quả vậy, bà lớn ở thành Shunem nọ đúng là "người đã đón tiếp một vị tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, nên đã lãnh phần thưởng của nhà tiên tri". Bà là người sang trọng. Bà thấy tiên tri Êlisê đến thăm thành mình. Bà mời ông quá bộ đến ở tại nhà bà vì bà là con người đạo đức, nghĩ rằng Thiên Chúa đã cho mình có của thì mình phải phục vụ những "người của Thiên Chúa", tức là các môn đệ đặc biệt của Người. Và hiểu rằng nhà tiên tri có nhiều dịp qua lại Shunem, bà bàn với chồng phải trang bị cho người một phòng đặc biệt dành riêng và ở trên gác cao để người được tự do giao tiếp với Thiên Chúa. Bà ta thật tế nhị và am hiểu các đòi hỏi của đời sống một tiên tri: không thể để người chung đụng với phàm tục. Thái độ và cử chỉ của bà thật quý hóa. Nhà tiên tri mủi lòng, và muốn thưởng công. Ông hứa cho bà sẽ sinh con trong tuổi già của người chồng.
Chắc chắn đó là phần thưởng quá mức mong đợi đối với hai người. Nhưng câu nói của bài Tin Mừng hôm nay như muốn so sánh và bảo chúng ta rằng: đó chỉ là phần thưởng của một tiên tri cho một việc lành đối với nhà tiên tri. Còn phần thưởng của Thiên Chúa cho người làm phúc cho môn đệ của Người một bát nước lã, còn đáng trông đợi hơn nhiều!
Nhưng chúng ta cũng có thể đọc câu truyện trên về phía nhà tiên tri để thấy Êlisê cũng là hình ảnh người môn đệ đi theo Chúa. Ông như không có gia cư và không bám vào đâu cả. Ông sống cho Thiên Chúa và luôn đi làm theo ý của Người. Người ta thấy rõ ông đã thoát tục, chết cho thế gian này nên bà lớn kia khi rước ông vào nhà đã dọn cho ông một phòng riêng biệt và ở trên gác cao, để ông xa tránh phàm tục và sống cho Thiên Chúa. Chắc chắn ông thông thạo các việc của Người, nhưng khi muốn khen thưởng người đã có công đối với mình, ông phải nhờ đến ý kiến của người tiểu đồng đi theo. Anh này gần các thực tại thế gian này hơn. Anh biết gia đình chủ nhà đây đang cần gì hơn hết. Nhà tiên tri cho gọi bà chủ. Bà này lên đứng ở ngoài cửa để vẫn kính trọng nhà tiên tri là người đã thuộc về Thiên Chúa. Và nhà tiên tri đã thưởng công cho bà.
Như vậy, ngay từ thời Cựu Ước, người ta đã ý thức rằng đời sống của con người sống cho Thiên Chúa phải như đã chết đi cho thế gian và tội lỗi. Ðó là giáo lý của bài Thánh thư và của bài Tin Mừng. Tuy nhiên đây không phải là sự chết mất mát, từ bỏ và tiêu hủy những giá trị chân thật. Nhà tiên tri sống cho Thiên Chúa nhưng vẫn quan tâm đến hạnh phúc của người khác và nhất định muốn chu toàn nghĩa vụ đối với tha nhân. Khi nói chết cho thế gian, chúng ta chỉ có ý nói đến việc chết cho tội lỗi và những sự xấu xa, để tỉnh táo và đầy đủ hơn đối với những việc lành phải làm.
Vậy, nếu trong thánh lễ sắp cử hành đây chúng ta muốn nhắc lại việc Chúa Yêsu chịu chết để hủy diệt tội lỗi nơi chúng ta, thì chịu lấy Mình Thánh Người để nuôi sống mình chúng ta phải quyết tâm sống cho Thiên Chúa. Không những chúng ta phải tỏ ra muốn yêu mến Người trên hết mọi sự và trên hết mọi người; mà chúng ta cũng phải làm đầy đủ mọi nghĩa vụ đối với tha nhân và xã hội. Việc thi hành tốt mọi phận vụ ấy không bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa đâu. Chính những việc làm như vậy chứng tỏ chúng ta là môn đệ tốt của Người. Nhờ các bài Kinh Thánh hôm nay, chúng ta cứ suy nghĩ thêm về ơn gọi, đời sống, đòi hỏi cũng như vinh dự của người môn đệ đi theo Chúa, để đời sống chúng ta mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn.
SUY NIỆM 4: NHẬN RA ĐIỀU THÁNH THIÊNG VÀ SỐNG CHO THIÊN CHÚA − Giuse Nguyễn Trọng Sơn
“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy.” (Mt 10,37).
Những lời này của Chúa Giêsu có thể làm cho người ngoài Kitô Giáo cảm thấy khựng lại! Kitô hữu có thể cảm thấy bình thường vì đã quen thuộc với lời ấy; nhưng bởi vì không suy nghĩ cho thấu đáo, họ không nhận ra được tính vấn đề của lời ấy, và do đó, trong đời sống thực thế, họ sống mà không quan tâm đến lời ấy. Lời ấy dừng lại ở lý thuyết!
Những lời này nằm trong bối cảnh của Tin Mừng Matthêô chương 10, là chương mà tác giả gom vào đây những điều liên quan đến việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng. Khi thi hành sứ mạng này, Chúa Giêsu báo trước, người ta sẽ từ khước, bách hại các ông. Trong số những người chống lại đó, có cả cha mẹ, người nhà của người rao giảng Tin Mừng nữa! Đứng trước Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài, người ta trở nên chia rẽ và loại trừ nhau. Trong bối cảnh ấy, những người rao giảng Tin Mừng phải dám đặt Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài lên trên cả người nhà của mình nữa!
Vấn đề của ngày hôm nay không phải là chọn người nhà hay không, mà là chọn lấy chính mình. Tâm thức ngày hôm nay mang nhiều tính chất vị kỷ, nên có khi người ta phản kháng lại người nhà của mình không phải vì sứ điệp của Chúa Kitô, nhưng vì muốn chọn chính mình, thoả mãn những gì là của mình. Và chính đó mới là nguồn gốc, bởi vì nhiều khi người ta từ khước sứ điệp của Chúa Kitô chỉ vì sứ điệp ấy đi ngược với đam mê của họ, ngay cả nơi các kitô hữu! Vì thế mà thánh Phaolô nói đến việc biết chết đi con người cũ để sống cho Thiên Chúa. Nhưng ngay cả điều này cũng không dừng lại ở tính chất tiêu cực là “chết đi”, là từ bỏ, nhưng là sống cho Thiên Chúa, sống cho những điều thần thiêng cao thượng. Đó là một cuộc đời đáng sống và mang lại cho người chung quanh những điều thiện hảo.
Hãy nhận ra những điều thiêng thánh, cao cả trong cuộc sống và hãy dám sống theo đó, chúng ta sẽ cảm nhận được một cuộc sống cao đẹp nơi mình và cùng với người khác.