Chúa Nhật XXIV Thường Niên năm A

Thứ sáu - 15/09/2023 03:33
Tin Mừng Mt 18,21-35
 
Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.

21 Khi ấy, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng : “Thưa Ngài, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải đến bảy lần không ?” 22 Đức Giê-su đáp : “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.
23 “Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y, vợ con y, cùng tất cả tài sản mà trả nợ. 26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống lạy lục : ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’ 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo : ‘Trả nợ cho tao !’ 29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống van xin : ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’ 30 Nhưng y không chịu, cứ đi tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo : ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?’ 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

cn xxiv tn 2 scaled

SUY NIỆM 1: Mắc nợ và trả nợ
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)


Các tôn giáo đều dạy người ta tha thứ cho người làm hại mình.
Trong cuốn Đạo Đức Kinh, Lão Tử dạy: “Dĩ đức báo oán.”
Phật giáo cũng đề cao lòng khoan dung để được thanh thản.
Qua dụ ngôn trên đây, Đức Kitô dạy ta phải tha thứ.
Hơn nữa, Ngài còn cho biết tại sao ta phải tha thứ cho anh em.
Không phải chỉ để oán tiêu tan hay buông bỏ phiền não,
nhưng đơn giản là vì có một tương quan bộ ba gắn bó chặt chẽ
giữa Thiên Chúa, tôi, và người anh em của tôi.
Đức Giêsu kể chuyện anh đầy tớ nợ nhà vua món tiền cực lớn.
Mười ngàn yến vàng tương đương với sáu mươi triệu ngày công.
Người ấy phải làm một trăm sáu mươi bốn ngàn năm mới trả nổi!
Chúng ta không hiểu tại sao anh lại nợ vua món tiền lớn như vậy.
Dù bán anh, bán vợ con, và toàn bộ tài sản của anh cũng chẳng đủ.
Dám hứa trả cho hết số nợ đó là một lời nói dối trơ trẽn (Mt 18,26).
Chỉ một người có thể giải quyết được vấn đề, đó là nhà vua.
Cần một tấm lòng để có thể xóa sạch món nợ trong phút chốc.
Vì chạnh lòng thương, nên nhà vua đã tha nợ và thả anh ta.
Biết đâu sau này anh lại được nhà vua trọng dụng.
Nhưng anh đầy tớ này lại không có lòng thương xót như chủ anh.
Anh không thể tha cho một đầy tớ khác của chủ,
nợ anh một món tiền chỉ bằng hơn ba tháng lương,
dù người đó đã làm y như anh: đã sấp mình, năn nỉ xin tha nợ.
Món nợ này quá nhỏ so với món nợ anh vừa được tha,
nhưng anh vẫn quyết đòi cho bằng được.
Vì không chấp nhận trì hoãn nên anh tống người bạn đó vào ngục.
Câu chuyện đến tai ông chủ, và điều bất ngờ đã xảy ra.
Ông kêu anh lại và gọi anh là “tên đầy tớ độc ác.”
Ông nổi cơn thịnh nộ và rút lại quyết định tha nợ cho anh.
Như thế, món nợ vẫn còn nguyên, và anh sẽ chẳng bao giờ trả hết.
Ông chủ cho biết lý do khiến ông nổi giận và đổi ý:
“Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta,
há ngươi lại chẳng phải thương xót bạn ngươi,
như chính Ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,32-33).
Tội của anh đầy tớ này là tội không có lòng thương xót như chủ.
Dụ ngôn trên đây của Đức Giêsu đòi chúng ta đối xử với nhau
như chính Thiên Chúa đã đối xử với từng người chúng ta.
Tha thứ bắt nguồn từ lòng thương xót.
Tha thứ cho tha nhân được đặt nền
trên tình thương mà mỗi người cảm nhận được từ Thiên Chúa.
Càng cảm nhận mình được Chúa xót thương và tha thứ
ta càng dễ cư xử tương tự với tha nhân.
Càng biết mình đã được tha món nợ lớn
ta càng dễ tha những món nợ nhỏ của anh em.
Tất cả nền luân lý Kitô giáo mời ta bắt chước chính Thiên Chúa.
Hoàn thiện như Ngài, thương xót như Ngài (Mt 5,48; Lc 6,36),
nhân hậu với kẻ xấu và bất chính như Ngài (Mt 5,45; Lc 6,35),
kiên nhẫn với cỏ lùng như Ngài (Mt 13,29-30),
tha thứ cách quảng đại như Ngài (Mt 18,22.27).
Bài Tin Mừng hôm nay thật là một tin mừng,
vì dạy chúng ta cách để vào Nước Trời, đó là tha thứ.
Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ cho ta từ trước rồi,
vấn đề là làm sao giữ được ơn ấy cho đến ngày nhắm mắt.
Chúng ta chỉ giữ được nếu chấp nhận chuyển đi cho tha nhân.
Chuyển đi là cách duy nhất để giữ lại (Mt 6,14-15).
Đức Thánh Cha kêu gọi người ta đừng dùng tôn giáo
như phương tiện để kích động lòng thù ghét, cuồng tín cực đoan,
nhưng như con đường để diễn tả lòng bao dung tha thứ.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
đón nhận những người khác
là điều vượt quá sức con,
vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
con không thể nào kính trọng kẻ khác được,
vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
mà yêu mến người khác
làm cho tim con đau nhói,
vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau
và những giới hạn của bản thân con.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
trong những ngày khó khăn đó,
xin hãy nhắc cho con nhớ rằng
tất cả chúng con đều là con cái Chúa,
và đừng để con quên lời Chúa dạy:
“Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất
Là làm cho chính Ta.”
Tạp chí Prier.

SUY NIỆM 2: LÀM SAO TÔI CÓ THỂ THA THỨ CHO NGƯỜI KHÁC? - LM. PHÊRÔ NGUYỄN TRỌNG CHỨC

 “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ
Tuy chúng ta đã được rửa tội, chúng ta vẫn thường xuyên phạm tội. Chúa biết mỗi chúng ta muốn được tha thứ, nên Chúa thể hiện lòng thương xót của mình bằng việc tha tội cho chúng ta miễn là chúng ta thú nhận tội lỗi của mình. Thế nhưng, có một điều tréo ngoe là khi người khác phạm tội chống lại chúng ta, sau đó họ nhìn nhận lỗi lầm của mình và đến xin lỗi chúng ta, chúng ta lại chẳng muốn làm hòa với họ. 
Tha thứ không phải là điều dễ dàng. Có người nói: “Tôi tha thứ đó, nhưng không quên đâu”. Mỗi chúng ta khó có thể quên những xúc phạm, những tổn thương, những cay đắng do người khác gây ra. Vậy tại sao tha thứ lại khó đến vậy? Mahatma Gandhi từng nói: “Kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của kẻ mạnh.”  Chúng ta có thể áp dụng điều đó cho người Kitô hữu: “Tha thứ là phẩm chất của người Kitô hữu”. Vậy, làm thế nào chúng ta có thể tha thứ cho người khác? 
1. Hãy ghi nhớ cách Thiên Chúa tha thứ cho tôi. 
Tuần trước, Chúa Giêsu đã nói với chúng ta về tầm quan trọng của việc sửa lỗi cho nhau thông qua việc đối thoại riêng tư trong tình huynh đệ. Tuần này Chúa mời gọi chúng ta gẫm suy về sự tha thứ. Đó là chìa khóa then chốt của sự hòa giải.
Những lời Chúa dạy về tha thứ được mở đầu bằng việc thánh Phêrô hỏi Chúa là ông phải tha thứ bao nhiêu lần, đồng thời chính thánh nhân cũng ấn định một con số cụ thể: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18,21). Chúa đã trả lời: “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Thành ngữ này chúng ta tìm thấy trong bài ca báo thù của Laméc, con cháu của Cain: “Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng Laméc thì gấp bảy mươi bảy!” (St 4,24). Đối nghịch với thứ thù oán chất chồng như núi, Chúa Giêsu muốn san bằng nó bằng sự tha thứ vô bờ. Nếu như thánh Phêrô muốn tha thứ có ngần có hạn, thì Chúa Giêsu muốn tha thứ không có giới hạn cũng như không có mức độ. 
Để giúp cho thánh Phêrô và cả chúng ta nữa hiểu thế nào là tha thứ không giới hạn, Chúa Giêsu kể dụ ngôn về người đầy tớ không biết thương xót. Chủ nợ là một ông vua, mà khi nói đến vua, Chúa Giêsu đang nghĩ đến Thiên Chúa. Một người mắc nợ vua “mười ngàn yến vàng”.  Một yến vàng thời xưa là 6000 quan tiền. Vậy “mười ngàn yến vàng” là 60 triệu quan tiền,  mà theo giá trị thời nay một số tiền rất lớn lên đến hàng tỷ đô la.  Phải mất “hàng trăm thế kỷ” mới có thể gom góp nổi số tiền lớn như thế. Rõ ràng người này không có khả năng chi trả và lời anh hứa “sẽ lo trả hết” thì hết sức là nực cười vì quá phi lý. Dầu vậy, trước lời cầu xin của anh ta, nhà vua “chạnh lòng thương” và đã xóa một lèo số nợ khổng lồ đó. 
Tưởng chừng nhà vua sẽ không còn gặp anh ta nữa, nhưng không phải thế, vẫn còn cuộc gặp gỡ thứ hai. Trong cuộc gặp gỡ lần này, nhà vua gọi anh ta là tên đầy tớ bất lương. Anh ta bất lương điều gì? Anh đã quên món nợ khổng lồ mà anh đã mắc với nhà vua, trong khi món nợ “một trăm quan tiền” người đồng bạn nợ anh thì quá nhỏ nhoi. Anh đã quên lòng thương xót nhà vua đã dành cho anh, vì anh đã van xin vua, trong khi người đồng bạn cũng van xin anh, anh lại không chịu. Dụ ngôn được kết thúc bằng lời này: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). 
Khi Chúa Giêsu nói về vị vua muốn tính sổ với các tôi tớ của mình, Chúa đang nghĩ đến Thiên Chúa, Đấng tha thứ tất cả. Khi Chúa nói về  món nợ của người đầy tớ, Chúa đang nói đến “những xúc phạm”, nói đúng hơn là “tội lỗi”, chúng ta đã phạm mất lòng Thiên Chúa và mất lòng nhau hằng ngày. Khi nói về thái độ của người đầy tớ được tha thứ  nhưng không chịu tha thứ, Chúa đang nói đến chúng ta, những kẻ mắc nợ được Thiên Chúa tha thứ, nhưng lại không tha thứ cho tha nhân. 
Lý do giải thích tại sao chúng ta thường không hết lòng tha thứ cho anh chị em mình là vì chúng ta lãng quên việc Thiên Chúa tha thứ cho mình. Giả sử khi bước ra khỏi tòa giải tội, chúng ta gặp ngay người mình không thích, không ưa, chúng ta có thái độ như thế nào? Đôi khi chúng ta thầm nghĩ trong lòng rằng: “Người như thế này mà cũng đi xưng tội!”. Những cử chỉ bên ngoài như những lời xầm xì, những lườm nguýt chúng ta tỏ vẻ khó chịu, khinh bỉ hay bực mình với người mà mình bất hòa. Thậm chí vừa mới tham dự thánh lễ, nơi đó chúng ta sống tình hiệp thông với Chúa và với nhau, chúng ta lại chặng đường ngay người gây hấn với mình để buông lời xỉ vả nhau. Nếu làm như thế, thì chúng ta đã vội lãng quên tình thương của Chúa đã dành cho mình như tên đầy tớ bất lương. 
Có một câu nói nổi tiếng là: “Lầm lỗi là của con người, còn tha thứ là của Thiên Chúa”.  Việc phạm sai lầm hoặc phạm tội là một phần thuộc bản tính của con người. Mặt khác, người tha thứ hành động theo cách Thiên Chúa đã làm. Họ không thể nào tha thứ cho người khác nếu chỉ bắt chước mẫu gương của Chúa theo dáng vẻ bên ngoài. Vấn đề ở đây là họ tham dự một cách sống động vào lòng từ bi, vào lòng thương xót, vào tình thương mến, vào sự tha thứ của Thiên Chúa, mà những điều đó đều được biết đến là danh xưng của Chúa khi Chúa đi qua trước mặt ông Môsê và hô to: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,5-6), khi ấy ông Môsê tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa hay tha thứ (x. Xh 34,9). Một khi người tha thứ có được những tâm tình như Chúa Giêsu đã có (x. Pl 2,1.5), thì lúc đó, hai việc tha thứ: việc tha thứ của con người và việc tha thứ của Thiên Chúa, có thể trở nên một, nghĩa là “biết tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,32) (x. GLHTCG 2842). 
2. Hãy đáp trả bằng việc tha thứ cho người khác.
Việc ghi nhớ cách Thiên Chúa tha thứ cho mình là bước đầu của việc chúng ta tha thứ cho anh chị em mình. Chúng ta cần đi tiếp bước thứ hai: đó tha thứ cho người khác. Bài đọc thứ nhất hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng để lời cầu nguyện của chúng ta được đáp lại, chúng ta phải tha thứ cho người khác: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Hc 27,2). Mỗi chúng ta đều là tội nhân, luôn luôn là kẻ mắc nợ, cần được Chúa tha thứ, cần được Chúa giải thoát khỏi tội lỗi. Vì vậy, việc tha thứ có tác dụng kép: vừa là cách chúng ta giải thoát người khác khỏi lỗi lầm họ gây ra cho chúng ta, vừa là cách chúng ta giải thoát mình khỏi lòng hận thù và chữa lành vết thương cho chính chúng ta. Do đó, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta về một điều rất quan trọng: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình… Chúng ta có sống là sống cho Chúa” (x. Rm 14,7-8). “Sống cho Chúa” đòi hỏi hòa điệu với lòng trắc ẩn của Chúa. 
Chúng ta cũng thường gặp những người chạy xe lạng lách, đánh võng trước đầu xe của chúng ta, không cho xe chúng ta vượt qua, lúc đó chúng ta có phản ứng như thế nào? Chúng ta cảm thấy bị xúc phạm, cảm thấy bị trêu đùa trước mặt thiên hạ, cảm thấy bị xem thường. Chúng ta lập tức muốn chặng đường tên lái xe đó để đập một trận cho hả giận. Trái lại, nếu chúng ta tự nhủ: “Tên này ngáo đá, chấp nhặt làm gì cho nhọc thân”, thì chúng ta không cảm thấy bản thân bị xúc phạm nữa và tiếp tục chạy xe. Đây là cách hành xử của tha thứ. 
Việc không cảm thấy xúc phạm hay quên đi sự xúc phạm không tùy thuộc vào khả năng chúng ta, mà là nhờ vào việc Chúa Thánh Thần biến đổi cõi lòng chúng ta. Việc tha thứ không có nghĩa là: “Tôi tha thứ cho anh, nhưng chúng ta không đội trời chung”, hoặc “Tôi tha thứ cho anh, nhưng tôi không muốn nhìn mặt anh nữa”, hoặc “Tôi tha thứ cho anh, nhưng tôi sẽ không quên”. Đây không phải là tha thứ theo như ý Chúa Giêsu muốn. Việc tha thứ có ý nghĩa gì đó sâu sắc hơn nhiều. Nó có nghĩa là khôi phục lại sự hiệp thông, sự hòa thuận và tình huynh đệ. Chúng ta hãy tâm niệm lời cầu nguyện của thánh Phanxicô Assisi:  “Đem уêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp”. Điều quan trọng cần nói thêm là, đôi khi mỗi chúng ta cũng cần tha thứ cho bản thân về những lỗi lầm đã gây ra cho chính mình. Nếu chúng ta cứ mãi ám ảnh về một tội nào đó và nghĩ rằng: “Tội tày đình như thế này làm sao Chúa có thể tha được”, thì sẽ ngã lòng trông cậy. Người ngã lòng trông cậy là người căm ghét chính bản thân và tội lỗi của mình hơn cả việc yêu mến Thiên Chúa. Thái độ này nghịch với Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Đó chính là hành vi Giuđa đã làm: “Bấy giờ, Giuđa, kẻ nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: ‘Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan… Giuđa ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ” (Mt 27,3-4.5). Vì vậy, chúng ta cũng hãy biết tha thứ cho chính mình như Chúa đã tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta hoàn toàn quay trở lại với Chúa và ăn năn thống hối.
Việc tha thứ bắt nguồn từ Thiên Chúa, nên người tha thứ hành động như Chúa Giêsu đã làm. Vì vậy, khi chúng ta cầu nguyện trong Thánh Lễ này: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”,  chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa giúp chúng ta sống đúng với những lời này bằng cách sống chúng một cách cụ thể trong cuộc sống hằng ngày.
Lạy Chúa, Chúa càng yêu chúng con nhiều, nên Chúa càng tha thứ cho chúng con nhiều. Xin cho chúng con biết tha thứ cho nhau để minh chứng rằng tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Amen. 

SUY NIỆM 3: THA THỨ ĐỂ SỐNG - LM. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Càng ngày tôi càng xác tín rằng những đòi hỏi của Chúa Kitô không phải là một áp đặt từ bên ngoài trên cuộc sống con người, hoặc chỉ đơn thuần mang giá trị tôn giáo tức là coi đó chỉ là một phần nào đó của cuộc sống con người mà thôi, nhưng những đòi hỏi ấy mang giá trị nơi sâu xa của con người và có giá trị trên toàn bộ cuộc sống. Hay nói cách khác, các đòi hỏi của Tin Mừng làm cho con người sống cho ra người và là con người cách đầy đủ, sâu xa nhất! Sự tha thứ mà Lời Chúa hôm nay mời gọi cũng hiểu theo nghĩa đó: tha thứ để có thể sống cuộc đời của mình và mang lại sự sống cho cuộc đời người chung quanh.
Sách Huấn Ca nói về sự oán giận rằng đó là tội lỗi:
“Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm,
về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài.” (Hc 27,30)
Tha thứ là điều kiện không thể thiếu để xin ơn tha thứ của Thiên Chúa cho chính mình:
“Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác,
thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.
Người với người cứ nuôi lòng hờn giận,
thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành!
Nó chẳng biết thương người đồng loại,
mà lại dám xin tha tội cho mình!” (Hc 28,2-4)
Và phải nghĩ đến giờ chết để bỏ qua lỗi lầm của tha nhân:
“Hãy nhớ đến ngày tận số
mà chấm dứt hận thù” (Hc 28,6)
Không được tha thứ bởi Thiên Chúa và tha nhân thì không ai có thể sống ở đời được. Và cũng không thể sống cuộc đời của chính mình và làm cho người khác sống hạnh phúc được nếu cứ chấp nhất lỗi lầm của nhau! Trong dụ ngôn của Tin Mừng, Chúa Giêsu nói: ông vua trao người không biết tha thứ cho lính hành hạ cho đến ngày trả hết nợ! Nhưng điều đó gần như có nghĩa là đến hết đời, vì món nợ lớn như vậy làm sao trả nổi! Và Chúa Giêsu kết luận: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (x. Mt 18,34-35).
Không cảm nhận mình được tha thứ bởi Thiên Chúa và người chung quanh, thì cũng khó mà tha thứ cho người khác! Và như vậy, sống mà như đang chết dần từng ngày!

SUY NIỆM 4: Tha tận đáy lòng
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)


Phim “Cánh Đồng Bất Tận” kể về bi kịch của sự thù hận. Phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bộ phim xoay quanh 4 nhân vật, người cha và hai đứa con, cùng cưu mang một người đàn bà làm nghề mại dâm. Bốn người lênh đênh trên một chiếc xuồng máy, nuôi vịt chạy đồng, không nhà không cửa, nay đây mai đó theo con nước. Đời sống của họ ngập chìm đau khổ dằn vặt xuất phát từ sự thù hằn.
Đầu tiên là người cha. Số là anh ta lấy vợ và có hai con. Cuộc sống cơ cực, anh phải vất vả để lo cho ba mẹ con. Ấy vậy mà người vợ ham sang phụ khó theo một thương lái người Hoa, bỏ lại hai đứa con cho anh. Đau khổ tột cùng vì bị chính người vợ yêu thương phản bội, anh đốt căn nhà, đốt cái mái ấm bấy lâu nay, xuống ghe lênh đênh, bắt đầu một cuộc sống trôi sông lạc chợ, nay đây mai đó, không tương lai, không định hướng. Bao nhiêu hận thù, người cha trút hết lên đầu hai đứa con.
Kế đến là sự thù hận của cô gái điếm. Vì hận cha mẹ ly dị bỏ rơi cô, nên cô làm gái để trả thù đời. Trong một lần đi khách, cô bị đám đông các bà vợ bắt và đổ keo dán sắt vào vùng kín. Cô đau đớn chạy trốn và được ba cha con đưa lên ghe cứu chữa. Cuộc sống của 4 người cứ lênh đênh trên sông nước, buồn tẻ vì mỗi người đều mang trong mình những nỗi thù hằn, căm phẫn vì bị chính những người thương yêu phản bội. Ông bố hận vợ, thù người bạc tình nên luôn cau có và bạo lực đánh đập 2 đứa con. Cậu con trai tuy còn nhỏ nhưng đã mang trong mình nỗi hận thù của cha, cậu nói rằng cậu ghét cái ác, và muốn trả thù, có thù thì phải trả. Cô gái làm điếm vì hận thù gia đình, hận thù bố mẹ…
Cũng vì sự hận thù và lòng muốn trả thù nên 4 người trở thành thù địch của nhau. Và họ đi đâu cũng gây thù chuốc oán ở chỗ đó, cho nên nhiều bọn giang hồ ghen ghét. Cậu con trai vì không chịu nổi người ta ức hiếp người đàn bà nên đã phạm tội giết người. Vì sợ, cậu đã bỏ trốn. Người đàn bà không chịu được sự thù hằn của người bố nên cũng bỏ đi. Chỉ còn lại người cha và đứa con gái. Câu chuyện được đẩy lên đỉnh điểm khi đứa con gái bị nhóm côn đồ hiếp dâm ngay trước mặt ông bố. Chúng nó đánh ông bố ngã quỵ, rồi buộc ông phải nhìn cảnh bọn chúng từng thằng hãm hiếp đứa con gái của mình trong bất lực. Không còn đau khổ nào hơn thế nữa.
Kết thúc bộ phim, cô gái có bầu, không biết cha đứa bé là ai. Cô đi trên một cánh đồng mênh mông, bất tận, vừa đi vừa nói với đứa con trong bụng: Là trẻ con, nên tha thứ lỗi lầm cho người lớn. Và mẹ sẽ đặt tên con là Thương.
Không biết Nguyễn Ngọc Tư có đạo Công giáo hay không, nhưng rõ ràng với những bế tắc của các nhân vật, cuối cùng chỉ có giáo lý Kitô giáo mới giải quyết được vấn đề. Hận thù chỉ làm cho con người bế tắc, chỉ có sự tha thứ và tình yêu sẽ cứu rỗi thân phận con người. (Lm. Mar-Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS).
Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc đàm đạo về ơn tha thứ. Phêrô đến gần Chúa Giêsu hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không?. Đối với người Do thái là “quá tam ba bận”. Có tha chỉ tha ba lần thôi, đến lần thứ tư phải trừng phạt. Họ suy luận:Thiên Chúa trừng phạt kẻ ác khi nó lỗi phạm lần thứ tư; người phàm không thể nhân lành hơn Thiên Chúa nên con người không thể tha thứ cho nhau quá ba lần. Trước lời suy luận và giảng dạy như thế của các kinh sư, Phêrô chắc mẫm sẽ được Thầy khen ngợi khi đề nghị tha bảy lần. Vì tha thứ bảy lần là đã gấp đôi truyền thống Do thái và còn cộng thêm một lần nữa. Phêrô đến với Chúa bằng tâm thức của luật dân Chúa đang tuân giữ “Thiên Chúa luôn tha thứ cho người công chính bảy lần” (Cn 24,16). Tha thứ bảy lần là tha thứ có giới hạn. Thế nhưng, câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm bàng hoàng người nghe: Không phải chỉ bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy. Tha thứ đến 490 lần. Ở đây không thể hiểu theo nghĩa đen với công thức toán học để tìm ra con số lần phải tha thứ cho anh em mà là tha thứ không giới hạn, tha hoài, tha mãi.
Để các môn đệ hiểu bài học tha thứ không giới hạn này, Chúa Giêsu đã cụ thể hoá bằng câu chuyện. Một người đầy tớ mắc nợ vua mười ngàn nén bạc, có giá trị tương đương một trăm triệu, một số nợ khổng lồ vì một ngày công chỉ một đồng (x. Mt 20,9). Vua ra lệnh bán y, vợ con, tài sản của y để trả nợ. Người đầy tớ liền sấp mình, van lơn xin khất nợ. Nhà vua động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.Tên đầy tớ được tha hết mọi nợ nần, được trả tự do, không còn làm nô lệ nữa. Trớ trêu thay, vừa được tha về, tên đầy tớ gặp một người bạn chỉ mắc nợ y một trăm đồng, một món nợ rất nhỏ so với món nợ khổng lồ y vừa được vua tha bổng, y tóm lấy, bóp cổ đòi trả nợ ngay. Người bạn sấp mình dưới chân y, van lơn xin khất nợ, nhưng y không nghe, bắt bạn tống giam vào ngục. Chuyện chướng tai gai mắt này đến tai vua, vì những người bạn của anh không thể nhắm mắt làm ngơ được. Kết cục, tên đầy tớ ác độc bị vua ra lệnh hành hạ. Kết thúc câu chuyện, Chúa Giêsu khẳng định: “Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
Tha thứ cho nhau là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ.Tha thứ không giới hạn và tha thứ tận đáy lòng. Tha tận đáy lòng nghĩa là tha và quên hoàn toàn, như không có chuyện gì đã xảy ra giữa hai người. Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Chúa lấy mức chúng ta tha thứ cho nhau làm thước đo để tha thứ, chúng ta tha thế nào thì Cha trên trời cũng tha cho chúng ta như vậy. Trong “bài giảng trên núi,” Chúa Giêsu đã dạy, không những “chớ trả thù” mà phải “yêu kẻ thù” nữa, “như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời”. Và Chúa kết luận: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 38-48). Tha thứ tận đáy lòng là một cách thức nên hoàn thiện như Cha trên trời: hoàn thiện về lòng yêu mến, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Trả thù là khuynh hướng nhân loại, tha thứ là hồng ân Thiên Chúa. Quan toà có thể không tha thứ cho tội nhân, nhưng Thiên Chúa luôn tha thứ cho người tội lỗi, nếu họ thực lòng ăn năn hối cải.
Trong lúc đau đớn tột cùng trên thập giá, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ bách hại, lăng nhục, cáo gian và đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34).
Thế giới hôm nay đang bị thống trị bởi bạo lực và oán thù. Những cuộc chiến tranh dai dẳng giữa các quốc gia; những hiềm thù giữa các bộ tộc anh em; những xung đột giữa những người khác màu da, khác tôn giáo, khác quan điểm chính trị; những thảm kịch vô phương hàn gắn trong gia đình. Con người để cho hận thù lôi kéo và không sao thoát ra khỏi cái vòng ân oán nghiệt ngã. Cần phải có những người dám chịu thiệt thòi, dám bẻ gãy oán thù bằng tha thứ, dám tin rằng tình thương có thể biến đổi quả tim chai đá của con người. Giáo hội vẫn luôn kêu gọi xây dựng một nền văn minh tình thương, vì chỉ khi ấy trái đất này mới có cơ may tồn tại.
Tha thứ là một nhân đức siêu nhiên nên cần có ơn Chúa, con người mới có thể nói lời tha thứ cho nhau. Tha thứ không chỉ là một hành động thuần tuý ý chí, mà còn là một ân ban. Không thể có sự tha thứ nếu không cầu nguyện. Mỗi người luôn cảm nhận tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa đối với chính mình thì sẽ dễ dàng thứ tha cho người khác.
Tha thứ là lời mời gọi duy nhất để tình yêu lớn lên. Tha thứ đem về mùa xuân cho tâm hồn đâm chồi yêu thương, nảy lộc bình an. Chúa đã tha thứ cho Phêrô, tình yêu bùng cháy, Phêrô đã sống hết mình cho sứ vụ Thầy trao. Phaolô đựơc ơn tha thứ, biến đổi cuộc đời, thành sứ giả lừng danh rao truyền Đức Kitô cho thế giới.
Ơn tha thứ làm nên vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp của lòng khoan dung. Thế giới có “Ngày khoan dung quốc tế” (International day of tolerance) do Liên Hiệp Quốc thiết lập vào ngày 16.11.1995. Người khoan dung độ lượng là người không chấp nhất, nhưng thông cảm với những lầm lỗi của kẻ khác. Lòng khoan dung độ lượng được xây dựng trên ý thức về những yếu đuối, về khả năng phạm lỗi của chính bản thân mình, và của người khác. Mình cũng phạm lỗi sao mình lại kết án người khác? Thế giới có ngày khoan dung, người Kitô hữu cần cả đời khoan dung.
Ơn tha thứ làm nên vẻ đẹp của thế giới, một thế giới cảm thông chan hoà, một thế giới chan chứa tình huynh đệ, một thế giới mang vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định điều ấy: Thế giới không thể có hoà bình nếu thiếu sự tha thứ.
Chúa Giêsu vì yêu thương đã hiến dâng chính mình trên hy tế thập giá đễ ban ơn cứu độ cho nhân loại. Với hiến tế Thánh Thể, Người vẫn tiếp tục tuôn đổ ơn cứu độ. Đón nhận Thánh Thể là nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu để chúng ta biết tha thứ cho nhau.

SUY NIỆM 5:‌ THỜ PHƯỢNG VÀ YÊU MẾN - Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.
 
Qua Lời Tổng Nguyện của Tuần XXIV Thường Niên, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin cho chúng ta biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương.
 
Chúng ta càng tận tình thờ phượng Chúa, chúng ta sẽ càng cảm thấy được rõ ràng tình yêu thương của Chúa dành cho chúng ta. Thiên Chúa là Đấng đáng chúng ta tôn thờ, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Êdêkien đã nhìn thấy trên cái gì tựa như cái ngai có cái gì trông như hình dáng một con người, và ông nghe có tiếng hò la vang dội từ trên cao: Chúc tụng Đức Chúa vinh hiển trong nơi thánh của Người. Ngôn sứ cũng tiên báo mọi dân tộc sẽ nhận biết và thờ phượng Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa sẽ ngự khắp mọi nơi, chứ không chỉ ngự trong Đền Thờ hay trên núi Xinai. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh cho thấy tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua hình ảnh người mục tử chăm sóc đoàn chiên của mình: Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho chiên nằm nghỉ. Người dẫn chiên trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Thánh nhân cũng khiển trách những mục tử chỉ muốn nghe người ta gọi mình là mục tử, mà không muốn chu toàn nhiệm vụ mục tử của mình.
 
Chúng ta tôn thờ Thiên Chúa như con thơ kính sợ Cha hiền, chứ không như đứa đầy tớ khiếp sợ ông chủ hà khắc, bởi vì, như lời của vịnh gia trong Thánh Vịnh 102 của bài Đáp Ca hôm nay: Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa tha cho ta muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ta. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
 
Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Người sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho ta, vì thế, Người cũng muốn chúng ta bắt chước Người luôn yêu thương và tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Huấn Ca đã kêu gọi: Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Bởi vì, Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển mọi loài, nên Người có quyền trên tất cả, chúng ta chỉ là thụ tạo bé nhỏ của Người, chúng ta phải tùy thuộc vào Người, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô đã mạnh dạn khẳng quyết: Dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. Sống, chết đã không thuộc quyền của chúng ta, thì phán xét và kết án lại càng không phải là quyền của chúng ta, vậy sao chúng ta lại có thể giữ mãi lòng thù hận, quyết không tha thứ cho một ai đó, không tha thứ cho người khác, là chúng ta đang cầm giữ chính mình trong những giận hờn ích kỷ. Đang khi đó, Chúa luôn mời gọi chúng ta phải yêu thương nhau như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.
 
Yêu thương như Thầy, nghĩa là, cũng phải tha thứ như Thầy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã mời gọi phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là, tha thứ luôn mãi, không thôi: như hương thơm tiết ra từ cây “hương mộc” cho cả chiếc rìu chặt nó, lòng bao dung tha thứ cũng tuôn chảy từ Thánh Tâm rực cháy lửa tình yêu cho cả những kẻ đóng đinh Đấng là Tình Yêu. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển mọi loài, cho nên, thờ phượng Chúa thật là phải đạo và chính đáng, nhưng, như lời Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samaria: không còn thờ phượng Thiên Chúa trên núi này hay núi kia, mà là, trong Thần Khí và Sự Thật, nhất là, thánh Phaolô đã khẳng quyết: chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa (x. 1Cr 3,16). Do đó, càng thờ phượng Thiên Chúa nơi chúng ta, chúng ta sẽ càng nghiệm thấy tình yêu thương tha thứ của Chúa dành cho chúng ta, vì thế, tha thứ không chỉ dừng lại ở việc tha thứ cho tha nhân, nhưng còn là tha thứ cho chính mình, và cũng vậy, tha thứ cho chính mình lại trở thành tiền đề để tha thứ cho tha nhân.
 
Nếu không biết tha thứ cho chính mình, làm sao chúng ta có thể tha thứ cho người khác. Nhiều xung đột với người khác là phản ảnh của những xung đột trong chính nội tâm chúng ta, do việc chúng ta đã không chấp nhận những khiếm khuyết đó nơi chính mình. Nếu chúng ta không tha thứ cho chính mình, thì chúng ta sẽ bắt người khác phải trả giá cho sự bất hòa bên trong chúng ta. Thời điểm lên án mình, chúng ta cũng đang lên án toàn thế giới. Nếu hiệu hữu trong chúng ta đã bị lên án, thì làm sao chúng ta có thể chấp nhận hiện hữu ở xa chúng ta, trong những người khác.
 
Tha thứ cho chính mình: chỉ lên án tội, chứ không lên án mình, tội nằm trong hành vi của chúng ta, chứ không phải trong hữu thể chúng ta. Chúng ta có những hành vi sai, vì chúng ta không nhận biết, không tỉnh thức. Nỗ lực của chúng ta là hãy làm cho mình thức tỉnh.
 
Thay vì chúng ta kết án tha nhân, chúng ta hãy làm cho họ thức tỉnh, bắt đầu thức tỉnh là bắt đầu biến đổi, hoàn toàn thức tỉnh là chúng ta đạt tới chính Chúa. Chúng ta hoạt động trong mê ngủ, nên phạm nhiều sai lỗi và xúc phạm lẫn nhau. Nhìn lại chính mình với những bất toàn, thiếu sót, chúng ta phải biết chấp nhận và tha thứ cho chính mình, khi đó, chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ cho người khác. Thiên Chúa là Cha hằng luôn yêu thương tha thứ cho chúng ta, chúng ta cũng phải biết yêu thương tha thứ cho chính mình, càng cảm nghiệm được tình yêu thương tha thứ của Chúa dành cho chúng ta cách nhưng không, chúng ta sẽ càng dễ dàng yêu thương và tha thứ cho tha nhân cách vô điều kiện, không tính toán so đo.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây