G. Trần Đức Anh, O.P.
Đại dịch tiếp tục đe dọa toàn thế giới: So với Lễ Lá năm ngoái, ngày 5/4/2020, đến Lễ Lá năm nay, 28/3/2021, số người bị nhiễm Covid-19 gấp 106 lần, tức là từ một triệu 200.000 lên 127 triệu 300.000 người, và số người chết vì dịch tăng gấp 23 lần, từ 64.700 người lên hai triệu 790.000 người.
Đầu buổi lễ, có nghi thức làm phép lá cạnh bàn thờ chính của Đền thờ.
Sau khi làm phép lá và vị linh mục công bố bài Tin mừng, Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Với đức tin và lòng sùng mộ, chúng ta hãy tháp tùng Chúa Cứu Thế chúng ta, khi Ngài vào Thành Thánh, và cầu xin ơn được theo Chúa cho đến thập giá, để tham dự vào cuộc phục sinh của Chúa”.
Rồi Đức Thánh cha cùng với các vị đồng tế, gồm 28 Hồng y, ba Tổng giám mục và vài vị cấp cao thuộc Phủ Quốc vụ khanh rước lá tiến lên khu vực bàn thờ, để bắt đầu thánh lễ.
Khu vực bàn thờ Ngai tòa có thể đủ chỗ cho 1.000 người, nhưng hiện diện tại đây, năm ngoái chỉ được 30 người, năm nay được khoảng hơn 150 người, trong đó có nhiều nữ tu.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Bài Thương khó theo thánh Marco (14,1-15,47) được ba độc viên hát. Trong bài giảng tiếp đó, Đức Thánh cha đã mời gọi các tín hữu ơn được kinh ngạc trước tình thương của Thiên Chúa.
Đức Thánh cha nói:
Kinh ngạc vì Chúa
“Hằng năm, Phụng vụ này khơi lên trong chúng ta một thái độ kinh ngạc: chúng ta đi từ niềm vui được đón tiếp Chúa Giêsu vào thành Jerusalem đến nỗi đau buồn vì thấy Chúa bị kết án tử hình và bị đóng đanh. Đó là một thái độ nội tâm sẽ đồng hành với chúng ta trong trọn Tuần thánh. Vậy chúng ta hãy đi vào trong sự kinh ngạc ấy”.
Thái độ lật lọng của dân
Đức Thánh cha nhận xét rằng: “dân chúng đón rước Chúa Giêsu một cách long trọng, nhưng Chúa vào thành Jerusalem trên một con lừa khiêm hạ. Dân của Chúa chờ đợi một vị giải phóng hùng mạnh vào dịp Lễ Vượt Qua, nhưng Chúa Giêsu đến để thực hiện một Lễ Vượt Qua với hy tế của Ngài. Dân Ngài chờ đợi ăn mừng chiến thắng trên người La Mã, bằng gươm giáo, nhưng Chúa Giêsu đến cử hành chiến thắng của Thiên Chúa với thập giá...”
“Những người dân ấy, chỉ vài ngày sau khi hoan hô Chúa Giêsu cũng là những người hô lên: “Đóng đanh nó vào thập giá”. Những người ấy theo một hình ảnh về Đức Messia, chứ không theo Đức Messia. Họ ngưỡng mộ Chúa Giêsu nhưng không sẵn sàng để cho Ngài làm họ ngạc nhiên. Kinh ngạc khác với sự ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ có thể là trần tục, vì tìm kiếm sở thích và những mong đợi của mình; trái lại, kinh ngạc cởi mở đối với người khác, sự mới mẻ của họ. Ngày nay cũng vậy, có bao nhiêu người ngưỡng mộ Chúa Giêsu: Chúa nói hay, đã yêu thương và tha thứ, gương của Chúa đã thay đổi lịch sử... Họ ngưỡng mộ Ngài nhưng đời sống của họ đã không thay đổi. Vì ngưỡng mộ Chúa Giêsu mà thôi thì chưa đủ. Còn cần phải bước theo Chúa trên con đường của Ngài, để cho Chúa đặt vấn đề với ta: đi từ ngưỡng mộ đến kinh ngạc”.
Kinh ngạc về Chúa và sự Vượt qua của Ngài
Đức Thánh cha giải thích rằng:
“Điều gây kinh ngạc về Chúa là Ngài tiến đến vinh quang qua con đường khổ nhục. Chúa chiến thắng bằng cách đón nhận đau khổ và cái chết mà chúng ta xa tránh, vì chiều theo sự ngưỡng mộ và thành công. Trái lại, như thánh Phaolô đã nói, Chúa Giêsu “đã bỏ mình, [...] hạ mình xuống” (Pl 2,7,8). Thật là ngạc nhiên vì Đấng Toàn Năng trở nên hư không. Nhìn thấy Chúa, là Ngôi Lời biết mọi sự, giảng dạy trong thinh lặng từ tòa thập giá. Nhìn thấy vua các vua có ngai vàng là thập giá Ngài bị treo vào, thấy Thiên Chúa của vũ trụ cởi bỏ mọi sự. Thấy Ngài bị đội mão gai thì vì vương miện vinh quang. Lạy Chúa, tại sao Chúa để tất cả những sự ấy xảy ra cho Chúa?”
Tại sao?
“Chúa làm điều ấy vì chúng ta, để đi tới tận cùng thực tại con người của chúng ta, để tiến qua trọn cuộc sống của chúng ta, tất cả những bất hạnh của chúng ta. Để đến gần chúng ta và không để chúng ta cô độc trong đau khổ và sự chết... Tình yêu của Chúa đến gần những yếu đuối mong manh của chúng ta, đi tới nơi mà chúng ta cảm thấy xấu hổ nhất. Và bây giờ chúng ta biết mình không lẻ loi: Thiên Chúa ở với chúng ta trong mọi vết thương, trong mọi sợ hãi: không có sự ác, không có tội lỗi nào có tiếng nói cuối cùng. Thiên Chúa chiến thắng, nhưng cành lá chiến thắng của Ngài đi qua cây khổ giá. Vì thế cành lá chiến thắng và thập giá đứng chung với nhau”.
Xin ơn kinh ngạc
Và Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Chúng ta hãy xin ơn kinh ngạc. Cuộc sống Kitô mà không có sự kinh ngạc thì trở thành xám xịt. Làm sao ta có thể làm chứng về niềm vui đã được gặp gỡ Chúa Giêsu, nếu chúng ta không để cho mình ngạc nhiên mỗi ngày, vì tình yêu gây kinh ngạc của Ngài, tha thứ cho chúng ta và làm cho chúng ta bắt đầu lại? Nếu đức tin mất sự kinh ngạc thì trở thành điếc: không còn cảm thấy sự tuyệt vời của ơn thánh, không cảm thấy hương vị của Bánh Sự Sống và của Lời Chúa, không còn nhận thấy vẻ đẹp của những người anh chị em và món quà thiên nhiên, công trình tạo dựng của Chúa.
“Trong Tuần thánh này, - Đức Thánh cha đề nghị - chúng ta hãy ngước mắt lên Thánh giá để nhận được ơn kinh ngạc. Thánh Phanxicô Assisi, khi nhìn Chúa Chịu Đóng Đanh, ngạc nhiên vì các tu sĩ của thánh nhân không khóc. Và chúng ta, chúng ta có để cho mình còn bị xúc động vì tình yêu của Thiên Chúa hay không? Tại sao chúng ta không còn biết ngạc nhiên trước Chúa? Có lẽ vì đức tin của chúng ta bị hao mòn vì thói quen. Có lẽ vì chúng ta khép kín trong những nuối tiếc và để cho mình bị tê liệt vì những bất mãn của mình. Có lẽ vì chúng ta đã đánh mất sự tín nhiệm nơi mọi sự và thậm chí còn nghĩ rằng mình lầm lạc. Nhưng đằng sau điều “có lẽ ấy” có điều này là chúng ta không cởi mở đối với ơn Chúa Thánh Linh, lá Đấng ban cho chúng ta ơn kinh ngạc.”
“Vậy chúng ta hãy tái khởi hành từ sự kinh ngạc, hãy nhìn Chúa Chịu Đóng Đanh và thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa yêu thương con dường nào! Con thật quí giá dường nào đối với Chúa!” Chúng ta hãy để Chúa Giêsu làm cho ngạc nhiên để sống trở lại, vì sự cao cả của cuộc sống không hệ tại sở hữu và thành đạt, nhưng hệ tại khám phá thấy mình được yêu mến”.
Thánh lễ kết thúc vào lúc gần 12 giờ, với nghi thức đọc kinh Truyền tin.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn