Vì một Giáo hội hiệp hành: Những đề tài cần được suy tư
Thứ hai - 18/04/2022 02:39
Vì một Giáo hội hiệp hành: Những đề tài cần được suy tư
VÌ MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH: NHỮNG ĐỀ TÀI CẦN ĐƯỢC SUY TƯ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Am SDB
Giáo hội tại Việt Nam cũng đang bước vào tiến trình cử hành Thượng Hội đồng Giám mục 2023, vốn đã bắt đầu từ ngày 17/10/2021.[1] Trên bình diện giáo phận, các mục tử của Giáo hội tại Việt Nam luôn ước mong hay mơ về một Giáo hội tại Việt Nam như một cộng đoàn Giáo hội nhập thể vào những nơi chốn đặc thù trên quê hương này tìm được một cách thức mới để sống và hiện thực khi Giáo hội đáp ứng lại những thay đổi của xã hội và thế giới dưới mọi lãnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...[2]
Trong chiều hướng này, tôi xin được đóng góp một vài suy tư trước tiên để mình hòa nhịp vào dòng chảy của Giáo hội hôm nay, để đồng cảm với Giáo hội; thứ đến, tôi có thể đóng góp chút nào đó cho anh chị em tín hữu tại Việt Nam, những người muốn là môn đệ Chúa Kitô một cách tha thiết và mới mẻ hơn mãi. Để làm được điều này, tôi sẽ tự đặt ra câu hỏi “có cần đến Giáo hội hiệp hành không?” Sau đó, tôi vắn tắt trình bày diện mạo Giáo hội mà Đức Phanxicô mơ ước như một lối tiếp nhận Vatican II, khi ngài học được từ những giáo hội khác cũng như từ những Thượng hội đồng Giám mục mới đây; với gia sản đó, ta có thể hiểu tại sao cần phải để ý đến mười đề tài cốt yếu làm cho tiến trình Giáo hội hiệp hành được đâm bông kết trái, cách riêng nó có thể chữa các vết thương nặng nề của Giáo hội xuyên qua các thế hệ. Khi đó, ta có thể thâm tín xác định Giáo hội tận cơ bản phải là Giáo hội hiệp hành ngay cả trước một số nghi ngại tiêu cực rằng Giáo hội hiệp hành như thể tán trợ một sự chia rẽ trong Giáo hội. Không phải thế. Đúng hơn, chính một Giáo hội hiệp hành mới có thể làm rực sáng lại tính khả tín của Giáo hội giữa cõi nhân sinh đau khổ và lữ hành.
Khi Vatican II khai mạc, ai nấy đều ngờ vực và nghi ngại. Họ nghi ngại xem có cần đến một công đồng với nhiều tốn kém như thế không. Một đàng, Giáo hội đã từng làm được biết bao nhiêu điều tốt lành cho thế giới: trường học, nhà thương, v.v... Đàng khác, chính những chuyên viên làm chứng “lúc đó một Giáo hội vẫn còn khá vững vàng, con số tín hữu tham dự Thánh lễ Chúa nhật vẫn đông đảo [...] chỉ có điều là Giáo hội không chịu tiến về phía trước... dường như trở thành một cái gì đó của quá khứ chứ không phải là người loan báo tương lai.”[3] Lời tự sự trên của Đức Bênêđictô XVI phản ánh rất rõ sự kiện là ngay cả nhiều nhân vật uy tín trong thời gian đó vẫn nghi ngờ về một sự thích hợp của một Công đồng như thế để đón luồng khí mới của Thánh Thần. Và chúng ta đã trải nghiệm Thiên Chúa làm việc thế nào ở Vatican II.
Ngày hôm nay cũng thế. Khi Đức Phanxicô đề ra một Giáo hội hiệp hành cũng như tiến trình để hình thành và kinh nghiệm nó, nhiều thần học gia và cả giám mục cũng xem ra “nghi ngờ”, nếu không nói là “ngao ngán” trước điều này. Không hẳn chỉ vì họ phải làm thêm việc. Nhưng có lẽ bởi vì đây đúng là một tiến trình hoán cải trong cung cách cũng như cơ cấu mục vụ của địa phận và của Giáo hội. Quả vậy, với họ, Giáo hội đã chẳng có gì khẩn cấp hơn nữa phải giải quyết hơn là cái tiến trình “lộn xộn” này sao? Giáo hội đã chẳng làm được nhiều điều từ thời Vatican II đó sao? Nào là đã đi vào diễn đàn Liên hiệp Quốc; nào là nhiều cơ quan bác ái Caritas đã làm được biết bao nhiêu điều để xoa dịu nhân loại. Những trại tị nạn, những nơi truyền giáo vẫn phục vụ tốt đẹp các dân tộc xa xôi, hẻo lánh mà. Anh chị em giáo dân vẫn sống đức tin cách tích cực trong mọi môi trường mà. Các nơi hành hương vẫn thu hút các tín hữu. Các Giám mục, linh mục vẫn nỗ lực thực thi tác vụ của mình trong khiêm nhường và can đảm mà. Theo một hướng trái nghịch, khi đối diện với những cớ vấp phạm khủng khiếp của Giáo hội nhiều tín hữu đã thất vọng, bi quan, không dám ước mơ và hy vọng về một Giáo hội tươi sáng trở lại. Hơn thế nữa, có biết bao nhiêu khuynh hướng trái nghịch nhau trong thần học, mục vụ, linh đạo, thì làm sao có được một Giáo hội cùng nhau nắm tay đi. Đấy là chưa kể những chia rẽ lập trường trong những vấn đề nóng bỏng về luân lý vốn như thể chẳng có mẫu số chung, ngay cả giữa các Giám mục hay Hội đồng Giám mục. Vậy tại sao lại phải có một Giáo hội hiệp hành? Để Giáo hội nguyên trạng không an toàn hơn sao? Giáo hội không vững chắc hơn khi được cai quản nhất thống bởi giáo triều hay sao?
Thao thức về một Giáo hội như Đức Kitô mong đợi vẫn là một niềm khao khát mãnh liệt song cũng là một vết thương nhức nhối và không lành trong Giáo hội. Vẫn còn đó một khuynh hướng rất mạnh muốn biến Giáo hội thành một thể chế nệ luật hơn là Tin mừng hay thành “một ý thức hệ thay thế đức tin”.[4] Bởi lẽ vẫn còn sống đâu đó một chủ nghĩa Giáo hội bách chiến bách thắng “sẵn sàng kết án những ai khác với chúng ta, và tất cả những cơ cấu khác biệt mà qua đó các cá nhân và nhóm có thể bị ám sát cách xã hội và thiêng liêng”.[5] Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky (1821-1881) đã chẳng “tiên tri” điều ấy nơi hình ảnh vị phán quan đối diện với Đức Kitô cũng như nơi con người đan viện trưởng nệ luật khe khắt và chua chát trong phán xét mọi người, trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov hay sao?[6] Tại sao lại không phải là một Giáo hội với bàn tay sắt hơn một chút mà lại phải một Giáo hội hiệp hành trong lắng nghe, phân định và đối thoại giữa mọi thành phần bên trong cũng như bên ngoài Giáo hội?
Những hoài nghi và vấn nạn này làm cho ta thấy nhận định của Karl Rahner thật đúng, khi Công đồng vừa kết thúc: Công đồng Vatican II mới khởi đầu.[7] Quả vậy, kết quả của Vatican II không chỉ là những văn kiện, vì chúng sẽ chóng trở thành dính bụi trong các thư viện. Công đồng ấy muốn một Giáo hội thật sự, hiện sinh biểu lộ căn tính đích thực là Bí tích của Đức Kitô,[8] là Dân Thiên Chúa, trong đó “Đức Kitô là thủ lãnh, luật mới là tình yêu, phẩm giá là sự tự do của con cái Thiên Chúa.”[9] Nếu thế, rõ ràng nghị sự của Vatican II chưa hoàn tất.[10]
Hơn thế nữa, các nghị phụ đều xác tín Giáo hội thánh thiện vẫn còn đấy rất nhiều những tội nhân và cần phải hoán cải liên tục.[11] Suy tư thần học đó góp phần vào nhiều canh tân. Hơn nữa, các ngài đều mong muốn thấy cần đến một phong thái làm việc biểu lộ tốt đẹp hơn nữa tính tập đoàn (sobornost, Collegiality) của các Giám mục trong việc thực thi quyền bính. Đức Phaolô VI đã đáp lại ước mong đó bằng cách làm sống lại một cơ cấu có từ xưa là Synod, ta thường
gọi là Thượng Hội đồng Giám mục. Ngài thiết lập, hay đúng hơn, khôi phục lại cơ cấu tổ chức này. Qua đó, ngài nhắm cùng với các Giám mục như những anh em thực sự của mình thực thi vai trò mục tử trong Dân Thiên Chúa với con tim mục tử, chứ không phải bằng luật lệ. Từ ngày đó, các Thượng hội đồng Giám mục đã góp phần vào canh tân Giáo hội dưới nhiều khía cạnh, chẳng hạn, loan báo Tin mừng, giảng dạy giáo lý, vai trò người giáo dân, Thánh Thể, ta chỉ kể ra vài điều thôi. Chính Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI cũng góp phần vào việc canh tân cơ cấu này để bộc lộ tính tập đoàn hiệu quả hơn nữa. Dẫu vậy, ta vẫn thấy tính chất tập quyền của Giám mục Roma, hay đúng hơn của Giáo triều, vẫn rất mạnh. Ngay trong những quy luật điều hành Thượng Hội đồng Giám mục, đóng góp của các giám mục mang tính tham khảo và cách tổ chức mang nặng tính chất từ trên xuống.
Rồi với giáo triều của Đức Phanxicô, ta có thể thấy trực giác về Thượng Hội đồng Giám mục, Synod, của Đức Phaolô VI như thể đâm những bông trái mới. Nó xem ra trở về lại ý nghĩa nguyên thủy hơn của synodos, cùng nhau đi trên một con đường. Nó mang một ý nghĩa rộng lớn hơn tính tập đoàn giám mục.[12] Và Giám mục đoàn phục vụ cho tính hiệp hành này bởi lẽ trong giáo hội sơ khai, Giáo hội và synodos thì cùng một nghĩa.[13] Chính Đức Phanxicô cho thấy: “tính hiệp hành”, nghĩa là giáo dân, các mục tử, Giám mục Roma “cùng nhau tiến bước” trong đó tính tập đoàn mới có thể được diễn đạt và thực thi đầy đủ.[14]
Không ai phủ nhận được Đức Phanxicô đã mơ về một Giáo hội nghèo của những người nghèo, cho người nghèo và với người nghèo, ngay những ngày đầu tiên trong triều giáo hoàng. Ngài đã làm những “điều” khiến thế giới kinh ngạc: rửa chân cho các tù nhân, ôm ấp người dị dạng, hôn chân các vị lãnh đạo Nam Sudan để cầu xin hòa bình cho dân chúng. Ngài muốn một Giáo hội lấm láp vì phục vụ và làm việc hơn là một Giáo hội trắng trẻo, vàng vọt và yên ổn trong chiếc ghế bành êm ấm của mình. Ngài mơ đến một Giáo hội lao vào vùng ngoại biên với dân chúng, vì từ đó mọi sự sẽ được nhìn lại và đánh giá khác hẳn. Ngài muốn một Giáo hội chỉ chuyên chú tập trung vào truyền giáo, có khả năng huy động mọi sự, kể cả cấu trúc, cho truyền giáo gắn liền với sứ điệp Kerygma, hơn là một Giáo hội bình phẩm và chua chát, dèm pha. Ngài muốn một Giáo hội-Mẹ, luôn rộng mở cánh tay đón nhận mọi người, nhất là những kẻ tội lỗi. Đó là một Giáo hội mà mọi người đều có chỗ và thấy thoải mái như ở nhà mình. Đó là một Giáo hội biết nói không trước não trạng thế tục, trước một khoa linh đạo trần tục, rũ bỏ đi chủ thuyết giáo sĩ vốn mang lại một sự lạm dụng lương tâm, quyền lực, tiền bạc và tình dục. Đó là một Giáo hội như một bệnh viện dã chiến, sẵn sàng băng bó mọi vết thương cho con cái mình, bất chấp sự hy sinh và mệt nhọc và đau khổ đến đâu chăng nữa. Đó là Giáo hội đi ra để tìm tâm điểm của mình luôn ở bên ngoài, tức là Đức Kitô đang đau khổ và thương tật nơi các chi thể đau khổ của mình. Đó là một Giáo hội-mẹ biết khóc vì con cái mình đang thương tật và bị nô lệ, một Giáo hội sống hoàn toàn nhờ, trong và vì lòng thương xót của Thiên Chúa mà tất cả mọi luật lệ tổ chức phải phục vụ điều ấy, chứ không ngược lại.
Diện mạo Giáo hội ấy, như được K. Rahner vẽ nên,[15] không đi ra ngoài thao thức của Vatican II. Giáo hội ấy xác định rõ mình đang đứng ở đâu và đang phải đối diện điều gì để có thể mang lại câu trả lời cho con người. Đó là một Giáo hội không có câu trả lời sẵn, nhưng luôn tìm kiếm bằng cách lắng nghe Chúa và con người, lắng nghe Thần khí nói cho các giáo đoàn. Giáo hội ấy hiển nhiên quan tâm đến chăm lo mục vụ, chứ không phải một vài hoạt động mục vụ.
Giáo hội ấy sống nhờ đức ái mục tử, vốn dành chỗ đứng số 1 cho những anh chị em nghèo hèn và gắn bó với con người.[16]
Diện mạo đó không ra ngoài hình ảnh dân Thiên Chúa lữ hành với nhân loại đau thương trong tất cả mọi bình diện song lại hy vọng vì Thiên Chúa làm việc không ngừng cho sự thiện, chân lý, vẻ đẹp được lớn lên mãi mà Vatican II đến để phục vụ mà thôi. Vatican II chính là chiếc la bàn hướng dẫn và bảo đảm Giáo hội đi tới (Bênêđictô XVI). Giáo hội ấy đúng là dân Thiên Chúa với sự hướng dẫn của phẩm trật trong tính tập đoàn dưới sự chủ toạ đức ái của Giám mục Roma để toàn Dân Thiên Chúa khám phá ý định cứu độ của Thiên Chúa. Giáo hội ấy bộc lộ một sự lắng nghe, phân định và can đảm thực thi ý Chúa cho con người. Đức Phanxicô nhìn toàn Giáo hội chung tay nhắm tới thực thi sứ mệnh lòng thương xót mà Đức Giêsu muốn thấm sâu vào thế giới. Nói cách khác, Giáo hội hiệp hành đó được biểu trưng bằng hình ảnh “kim tự tháp lộn ngược”.
Nỗ lực hình thành một Giáo hội hiệp hành trong thiên niên kỷ thứ ba theo ý định của Thiên Chúa như Đức Phanxicô xác quyết mới tiệm tiến xóa bỏ cung cách sống và mục vụ của một Giáo hội quy chiếu đến chính mình vốn tìm cách để “tồn tại” hơn là táo bạo “loan báo Tin mừng” trong thế giới, vì Giáo hội ấy đang đi theo chủ trương “nguyên trạng trong mục vụ”, hay với cung cách ”chúng tôi đã từng làm như thế”.[17] Điều ấy chỉ biểu dương một Giáo hội u buồn, mang bộ mặt mùa Chay[18] hơn là một Giáo hội hân hoan vì Chúa đã sống lại, và vinh quang ngài chiếu tỏa trên Giáo hội. Giáo hội muốn biết chính mình thật sự ư? Giáo hội hãy nhớ rằng mình thuộc về Đức Kitô và chỉ Đức Kitô mà thôi, Ecclesiam Suam.[19] Nói cách khác, để thật sự là mình, Giáo hội phải nhìn nhận Giáo hội là mầu nhiệm mặt trăng (mysterium lunae), không bao giờ tiếm quyền Đức Kitô, và không bao giờ là mặt trời. Chúa Kitô, chứ không phải Giáo hội, là ÁNH SÁNG MUÔN DÂN. Đây không phải là điều Vatican II tuyên xưng ngay trong những lời đầu tiên của LG 1 hay sao?
Chúa Kitô chính là ánh sáng muôn dân, vì vậy, Thánh Công đồng được quy tụ trong Chúa Thánh Thần, tha thiết mong muốn soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Người, đang chiếu tỏa trên khuôn mặt Giáo Hội, để Tin Mừng được loan báo cho mọi loài thụ tạo (x. Mc 16,15).[20]
Chỉ mình Đức Kitô là MẶT TRỜI, còn Giáo hội chỉ là một mầu nhiệm xuất phát, mysterium lunae.
“Khi Giáo hội quy chiếu về mình, một cách vô tình, Giáo hội tin mình có ánh sáng riêng của mình... và Giáo hội nhượng bộ cho tính thế tục thiêng liêng cực kỳ xấu xa. Giáo hội sống chỉ để tôn vinh lẫn nhau.”[21]
Hai ngôn ngữ, hai diễn đạt khác nhau, song cùng một thực tại: mầu nhiệm Giáo hội trong sự nghèo hèn của mình.
Với Đức Phanxicô, Giáo hội Chúa Kitô phải nổi bật trong việc lắng nghe và phân định. Giáo hội mãi mãi là người môn sinh. Thế nhưng, người môn sinh này không phải chỉ lắng nghe một chiều. Giáo hội-môn sinh phải lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe con người với những tiếng than khóc của con người. Hai việc này không hề nghịch nhau, vì Thiên Chúa mà Giáo hội lắng nghe lại là vị Thiên Chúa nói với Giáo hội “các con hãy cho họ ăn đi.” Nói cách khác, linh đạo đó làm cho môn đệ Đức Kitô có thể hành xử như Đức Chúa lắng nghe tiếng than khóc của Dân Ngài bên Ai cập (x. Xh 1,1-5,30; cũng x. Tl 3,15;). Đó là ý nghĩa của Giáo hội-Bí tích mà Đức Phanxicô trải nghiệm, với những kinh nghiệm tại Nam Mỹ, khi chứng kiến những tình trạng sống phản nghịch với nhân phẩm. Ngay trong những ngày đầu tiên của tác vụ giáo hoàng, ngài đã muốn “chúng ta phải cùng đi: dân chúng, giám mục, giáo hoàng. Tính hiệp hành phải được sống ở mọi bình diện.”[22]
Không chỉ như thế. Ngài xác tín rõ ràng chiều kích tập đoàn của Giám mục đoàn mà Giáo hội Công giáo Roma vẫn thường thực thi cần phải học thêm nơi lối nghĩ suy và hành động của các Giáo hội Chính thống. Ngài cho rằng Giáo hội Công giáo có thể học được nhiều điều về một Giáo hội hiệp hành từ Chính thống giáo. Điều ấy chắc chắn sẽ góp phần vào phong trào đại kết của Giáo hội. Quả thế, trong bài viết “Primacy, Synodality, and Collegiality in Orthodoxy: A Liturgical Model”, Nicholas E. Denysenko minh chứng Giáo hội Chính thống biểu lộ rất mãnh liệt một Giáo hội trong sự hiệp hành phụng vụ. Với những thần học gia như Nicholas Afanasiev, Kallistos Ware và John Zizioulas, tác giả minh chứng “sự hỗ tương giữa giáo sĩ và giáo dân”[23], được biểu lộ rõ nét trong phụng vụ Thánh Thể, trong phụng vụ phong chức Giám mục. Giáo dân có một vai trò tham gia rất tích cực, cho dù không phải là vai trò lấy quyết định.[24] “Phong chức một Giám mục chỉ được cử hành trong cộng đoàn Thánh thể, giữa “nhiều người” đó, bao gồm giáo dân. Sự hiện diện và tham dự của giáo dân, những người trao ban “Axios/xứng đáng” cuối cùng trong nghi thức phụng vụ, minh chứng vai trò cốt yếu của họ trong tính tập đoàn giáo hội”.[25]
Trong cuộc phỏng vấn được nêu ở trên trong Civiltà Cattolica, Đức Phanxicô bộc lộ: “Có lẽ đã đến lúc thay đổi phương pháp luận của Thượng Hội đồng Giám mục bởi vì đối với tôi, thực hành hiện tại là quá tĩnh lặng.” Tĩnh lặng đây không có nghĩa là sai lầm, nhưng là “những can thiệp của huấn quyền làm xói mòn tính giám mục đoàn”.[26] Nó vẫn bộc lộ nhiều tính chất tập quyền.[27] Chính ngài cũng muốn một sự hoán cải của quyền giáo hoàng (conversion of papacy). Giáo hội cũng cần đến một tiến trình hiệp hành, để “sự đồng lòng của Giáo hội không được sản sinh bởi những quyết định từ trên đưa xuống, nhưng cho phép một sự đồng thuận chín muồi - consensus - trên bình diện cơ bản (dân chúng)”.[28] Đức Phanxicô muốn một Giáo hội lắng nghe từ rất nhiều phía, nhất là từ những người bị loại ra ngoài. Chẳng lạ gì, trong Thượng hội đồng Giám mục về gia đình và giới trẻ nhiều vấn đề nhức nhối như việc hiệp lễ của những cặp vợ chồng ly dị, vấn đề kết hiệp đồng tính, mục vụ cho các ‘con nuôi' của những cặp đồng tính, v.v... được nêu lên. Ta có thể nói rằng “trong suốt Thượng hội đồng Giám mục này, “thực thi tính hiệp hành” như thế nào trở nên rõ ràng”.[29]
Trong Thượng hội đồng Giám mục về giới trẻ, đức tin, sự phân định ơn gọi, tính hiệp hành trong Giáo hội được bộc lộ phong phú hơn nữa: những cuộc đối thoại trực tuyến giữa các bạn trẻ và Giáo hội, giới trẻ tụ họp quanh Giám mục Roma; ngài lắng nghe, chỉ dẫn và cùng tiến tới với họ và giữa họ. Ngay trước những ngày sắp cử hành Thượng Hội đồng Giám mục ấy nhiều nghi ngờ từ nhiều phía đã được nêu lên. Thế nhưng, sau cùng, chúng ta thấy được một luồng khí mới của đức tin nổi lên giữa những người trẻ.
Quả thực, Vatican II trong Hiến chế về Phụng vụ đã nói đến Giáo hội được bộc lộ tuyệt vời khi dân Chúa với mọi thành phần quy tụ quanh Giám mục trong Bàn tiệc Thánh Thể.[30] Nhưng hiển nhiên, không chỉ có thế. Giáo hội cũng cần được nhìn thấy thực tại đó trong mục vụ, trong nỗ lực loan báo Tin mừng, trong nỗ lực xây dựng Nước Thiên Chúa giữa thế giới, để có thể trao lại cho Thiên Chúa trong phụng vụ sống động được sống trong phụng vụ đời sống.[31]
Tích lũy những kinh nghiệm giáo hội đã qua, Tài liệu chuẩn bị của Thượng hội đồng Giám mục 2023 đề ra cho các Giáo hội mười chủ đề cốt lõi cần được khám phá hầu tinh thần hiệp hành có thể hiển hiện. Đúng ra, mười chủ đề này khiến các cộng đoàn giáo hội, bắt đầu từ những đơn vị nhỏ nhất, đọc lại những kinh nghiệm, thách đố, những ngáng trở, những hẹp hòi vốn che khuất vẻ đẹp của một Giáo hội hiệp hành lộ ra. Nói cách khác, đó là mười chủ đề để hoán cải. Những đề tài ấy là như sau:
a. Những người bạn đồng hành: “Trong Hội thánh và xã hội, chúng ta sát cánh bên nhau trên cùng một nẻo đường”. Điều này có quả thực đang được sống trong các cộng đoàn giáo hội: gia đình, các hội đoàn, giáo xứ. Toàn nhóm giáo hội chân thành và can đảm duyệt lại và nhận diện xem những ai đang là những người ở bên lề cuộc đời của chúng ta, như cá nhân và như cộng đoàn Giáo hội. Những thành phần nào trong giáo xứ, trong Giáo hội không có chỗ trong chúng ta; nếu có, bức tranh về một Giáo hội hiệp hành quả là chưa tròn.
b. Lắng nghe: “là bước đầu tiên, đòi hỏi khối óc và con tim rộng mở, không thành kiến.” Điều Giáo hội hiệp hành được gọi để làm không gì khác hơn là LẮNG NGHE. Đã có một thời gian ecclesia discens và ecclesia docens tách lìa nhau đến độ phẩm trật là THẦY DẠY, còn giáo dân là HỌC TRÒ. Ta đã đánh mất một điều quan trọng: Toàn Giáo hội đều là học trò/môn sinh. Và chỉ khi nào Giáo hội hoàn toàn là môn sinh, Giáo hội mới có thể là thầy dạy. Mãi mãi Giáo hội là người môn đệ. Nếu đúng là như vậy, thì chúng ta lắng nghe được gì từ các thành phần Dân Chúa, từ những người ở xa và bị loại bỏ? Có một loại ‘diễn đàn' cho họ không? Nhưng ý nghĩa không phải là thực hành một kiểu cách dân chủ “vox populi, vox dei”, nhưng là để lắng nghe Thần khí tự do đang thổi nơi các Giáo hội.
c. Phát biểu: “mọi người được mời gọi can đảm (parrhesia) lên tiếng” cách tự do, trong chân lý và bác ái. Tài liệu chuẩn bị mời gọi mọi phần tử Giáo hội chia sẻ những nghĩ suy của mình, theo như Thần khí thúc đẩy và khởi hứng. Chính trong sự bạo dạn của đức tin này, nguyên lý được Đức Gioan XXIII nhắc lại từ Augustinô phải được hiện thực một cách mới mẻ: “Trong những điều cốt yếu, ta hiệp nhất; trong những gì không cốt yếu, ta được tự do, và trong mọi sự, có đức ái.” Như thế, sự bạo dạn ở đây không có nghĩa là đấu tranh đảng phái, lập trường, nhưng là sự bạo dạn của đức ái, một đức ái hy vọng mọi sự, tin tưởng mọi sự, tha thứ mọi sự. Như thế, làm sao để nói lên được điều quan trọng đối với chúng ta?
d. Cử hành. Chính trong ánh sáng đó, sự tụ họp của Giáo hội hiệp hành không phải là một sự tụ họp xã hội, giao lưu. Không. Đúng hơn, đây là một cuộc cử hành, cuộc canh tân giao ước, giống như Dân Israel quy tụ ở Sinai, ở Giêrusalem sau thời lưu đày (x. Nkm 8,1-9,37; Er 6,19-22). Tụ họp để cử hành Thiên Chúa ở giữa chúng ta.[32] Chính vì thế, cùng nhau tiến bước trong Giáo hội không chỉ tuỳ vào thiện chí của con người mà thôi. Nó phải khởi sự và dẫn vào cầu nguyện dựa trên Lời Chúa và trung tâm là Thánh Thể. Lời Chúa và Thánh Thể phải chi phối những quyết định quan trọng của cộng đoàn để phục vụ Nước Thiên Chúa giữa những con người đau khổ.
e. Đồng trách nhiệm trong sứ vụ. Chúa không trao cho mỗi người chúng ta một sứ mệnh riêng biệt. Không phải. Toàn Giáo hội chỉ nhận lãnh một sứ mệnh của chính Đức Giêsu.[33] Chính Đức Giêsu cho toàn Giáo hội chia sẻ sứ mệnh của ngài: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh chị em.” Không có một sứ mệnh cá nhân trong Giáo hội. Chính vì thế, tất cả đều đồng trách nhiệm trong việc thực thi sứ vụ, dẫu với những hình thức hay dạng thức khác nhau theo ơn gọi riêng của mình. Chính trong Giáo hội-môn đệ truyền giáo, mỗi người chúng ta là môn đệ truyền giáo, chứ không chỉ làm việc truyền giáo.[34] Chúng ta hiệp hành để thành cộng đoàn giáo hội truyền giáo. Nhất thiết cần làm cho mọi tín hữu thấy trách nhiệm chia sẻ, loan báo Tin mừng khi mình được tin mừng hóa, như một chứng nhân.
f. Đối thoại trong Hội thánh và xã hội. Thách đố rất lớn trong Giáo hội tiền Vatican II liên quan đến đối thoại. Thách đố ấy đã được Vatican II giải gỡ bằng cách dứt khoát đến với thế giới, đi vào thế giới và đối thoại với mọi người, kể cả anh chị em vô thần. Vatican II đã nhận ra đối thoại chính là phương cách của Thiên Chúa cứu độ con người và quy tụ nhân loại. Chính dựa trên chân lý này mà Giáo hội buộc phải đi vào đối thoại như phương cách thiết yếu để mời gọi con người đến với tình yêu cứu độ. Phương cách này làm cho Giáo hội trở thành người bạn đồng hành với thế giới.[35] Nếu đó là sự thật, thì đối thoại có chỗ đứng nào trong các cộng đoàn Giáo hội và từ đó trong các cộng đoàn xã hội. Các tín hữu Chúa Kitô đối thoại thế nào với các thực tại văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, người nghèo? đấy là cách sống một Giáo hội hiệp hành vậy.
g. Với các hệ phái Kitô hữu khác. Toàn Giáo hội đều nhận ra sự chia rẽ trong lịch sử Giáo hội đã làm cho chiếc áo không đường may của Chúa Kitô đã bị rách nát. Nó đã thành muôn mảnh. Đó là sự phản chứng nặng nề. Và vì thế, Vatican II đặt đại kết thành một nghị sự thiết yếu, một đích tới cho mình.[36] Dẫu còn dài đến mấy, thì con đường đại kết mà Vatican II nêu ra và tiến bước không thể ngừng lại nữa. Nếu thế, một Giáo hội hiệp hành mới có khả năng hiệp nhất với anh chị em Kitô hữu khác để cùng tiến bước về Thiên Chúa trên những nẻo đường nhân sinh. Chính Công đồng Vatican II đã mở ngỏ rằng đang khi việc đại kết theo khía cạnh giáo lý còn một đường xa lắm, thì Giáo hội vẫn có thể cùng với anh chị em hệ phái Kitô hữu khác cộng tác trong việc biến đổi xã hội, truyền giáo, bác ái... Một Giáo hội hiệp hành sẽ tìm được lối đi đại kết của mình.
h. Thẩm quyền và tham gia. Chúa Giêsu không thiết lập một Giáo hội “cá đối bằng đầu”. Ngài đã thiết lập một Tông đồ đoàn trong đó Phêrô kiện cường anh em mình. Ngài muốn có một Giám mục đoàn trong đó Giám mục Roma như nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất của Giáo hội. Nhưng điều đó không hủy bỏ, trái lại, còn đẩy mạnh sự tham gia. Sự hiệp thông không thể chỉ ngừng lại trên lý thuyết, song phải được hiện thực và tỏ lộ mạnh mẽ trong sự tham gia. Thẩm quyền và tham gia không phải là hai cực đối kháng nhau. Đó là hai thực tại tương thuộc nhau, vốn vẫn luôn thường căng thẳng với nhau. Chính vì thế, một Giáo hội hiệp hành cũng là một Giáo hội hình thành được tiến trình lấy quyết định mà trong đó mọi người đều cảm nhận được tham gia, cho dù những quyết định được lấy không hoàn toàn được nghe theo. Giáo hội hiệp hành không thể là một Giáo hội bị cào bằng hay “cá mè một lứa”, song cũng không phải là một Giáo hội “vô ngã”, một tập thể không người chịu trách nhiệm cuối cùng.
i. Phân định và quyết định. Tiến trình hiệp hành ta theo đuổi không chỉ lắng nghe. Đó chỉ là bước đầu. Giáo hội còn phải phân định và đi tới quyết định hiện thực những gì Chúa tác động ở đây và lúc này vì những con người.[37] Thánh Phaolô không chỉ nói các cộng đoàn Giáo hội không dập tắt các thần khí, song còn phải phân định các thần khí. Vatican II nói đến việc đọc dấu chỉ thời đại để biết được ý định của Thiên Chúa. Thần học hiện đại luôn đặt mình trong bối cảnh nhân sinh để suy niệm điều Chúa nói cho các Giáo hội. Làm sao để tiến trình phân định và quyết định xuất phát và làm hiển hiện “sự vâng phục Thần khí của cả cộng đoàn.” Ta cần tìm ra phương cách hiện thực điều này.
j. Tự đào tạo trong tiến trình hiệp hành. Thiên Chúa luôn kiên trì huấn luyện các tông đồ và môn đệ Ngài. Ngày nay, Ngài cũng tiếp tục huấn luyện các tín hữu qua tiến trình hiệp hành. Khi chia sẻ chân thành ngự trị trong một cộng đoàn, các thành phần được đào tạo sâu xa, vì nó đi vào nội tâm. Tiến trình cùng nhau phân định và quyết định lại là cách Thiên Chúa huấn luyện con cái mình, là cách người tín hữu đào tạo chính mình để nên người môn đệ lắng nghe ngày một hơn và nhờ đó trở thành vị thầy linh đạo. Tiến trình này là cách thức Thiên Chúa đang biến đổi trái tim của người môn đệ thành trái tim của Chúa Giêsu. Đó là trái tim mới của người môn đệ vậy.
Mười chủ đề cốt lõi này làm lộ hiện một Giáo hội không chấp nhận quy chiếu về chính mình, khi biết rằng đó là cám dỗ thường hằng của mình. Chúng cho thấy một Giáo hội chỉ lấy Chúa Kitô và cung cách của Ngài làm tiêu chuẩn hành động và sống cho mình. Chúng cho thấy một Giáo hội không sống theo kiểu hoài cổ với chuẩn mực “trước kia chúng tôi đã từng làm như thế”.[38] Nhưng chúng bộc lộ một Giáo hội hiệp hành, sẵn sàng và can đảm lắng nghe và thực thi ý Chúa muốn Giáo hội cùng nhau chăm sóc cho những chi thể tơi tả của chính Đức Chúa của mình.[39] Tất cả điều này dẫn chúng ta vào quỹ đạo lắng nghe, phân định và tiến bước như Thiên Chúa đòi hỏi. Những điều này xem ra có vẻ mới mẻ chăng? Thật sự, đó chính là ý nghĩa của đời môn đệ: lắng nghe, phân định và thực thi ý Chúa mà các bí tích khai tâm dẫn người tín hữu bước vào.
Theo tôi, mười chủ đề này cũng là một phương dược để chữa những vết thương của Giáo hội được Rosmini (1797-1855) đề ra trong thế kỷ 19.[40] Đây cũng là phương dược để chữa 15 căn bệnh của giáo triều, hay nói rộng hơn, của hàng giáo sĩ được Đức Phanxicô đã nêu ra ngày 22-12-2014. 15 căn bệnh này làm cho Dân Thiên Chúa như một Gia đình của Thiên Chúa đang tiến bước về nhà Cha với bộ mặt “đưa đám”.[41] Tuy nhiên, ta nên ghi nhớ thật kỹ: phương thuốc này không phải tiên vàn chữa trị cho một Giáo hội hoàn vũ, mà có thể ở đâu đó hoặc không tưởng. Đúng hơn, nó chữa trị các cộng đoàn Giáo hội nhỏ tại đây và lúc này như gia đình, tức Giáo hội tại gia, các hội đoàn, các cộng đoàn Giáo hội cơ bản, giáo xứ, giáo phận, bởi lẽ tất cả đều mang chở những vết thương trên.
Giáo hội thánh thiện luôn đầy những tội nhân. Không ai phủ nhận điều này được. Tội lỗi xâm nhập vào cả hàng lãnh đạo Giáo hội; điều ấy khiến ta không thể làm ngơ. Những tội lỗi nặng nề của hàng giáo sĩ khiến ta thất đảm, chán ngán. Theo Đức Bênêđictô XVI, chúng đã tấn công vào chính cốt lõi của đời sống Giáo hội, chưa khi nào nặng nề như vậy. Không thể coi ‘như không có gì', hay như chuyện đã rồi trước muôn vàn hình thức lạm dụng: lạm dụng lương tâm, quyền lực, tiền bạc, tình cảm. Nhưng cũng chính vì thế, toàn Giáo hội hôm nay bước vào một trang sử hoán cải: xin Thiên Chúa tha thứ cũng như xin anh chị em mình, nhất là những nạn nhân, tha thứ, dẫu biết rằng vết thương mà các nạn nhân mang lấy thì kéo
dài mãi mãi, không thể quên. Lời xin lỗi chân thành, lời xin tha thứ không cho phép ta ở lì trong những gì đã xảy ra, song phải đứng dậy bước đi trong can đảm. Vì vậy, với Giáo hội hiệp hành, tất cả và từng tín hữu đều thấy mình liên đới một cách nào đó trong nỗi nhục nhằn này.
Rất nhiều khi chúng ta có khuynh hướng biến Giáo hội chỉ dành cho những thành phần ưu tú. Còn những thành phần khác chỉ là “bước đệm” cho mình. Sự thánh thiện theo lạc giáo tân Pelagio cũng như theo sự tự kiêu tri thức của chủ thuyết ngộ đạo, dù dưới những hình thức khác nhau, đều bao hàm sự tôn vinh nỗ lực nhân loại tự thánh hóa đến mức thần thánh.
Dưới một khía cạnh, sự tự kiêu giáo hội như hoàng vương khởi hứng cho chủ thuyết giáo sĩ (giáo sĩ trị) vốn là một dạng thái sự dữ song lại tồn tại từ rất lâu rồi cho đến hôm nay. Chức vụ hoàng vương của toàn Giáo hội không ở chỗ đó. Giáo hội là hoàng vương khi Giáo hội phục vụ, rửa chân cho con người đến độ hiến mình, vì “phục vụ chính là cai trị”.[42] Giáo hội sơ khai, chẳng hạn, phó tế Laurensô như người đại diện, đã minh chứng điều đó bằng cái chết của mình cho anh chị em nghèo hèn.[43] Giáo hội đã có lúc lãng quên phận nghèo hèn của mình, một sự lãng quên chết người! Điều ấy tỏ lộ trong chủ thuyết từng phân ranh rạch ròi giữa ecclesia docens và ecclesia discens. Hàng giáo sĩ biểu lộ ecclesia docens một cách không sai lầm, họ chẳng có gì phải học từ dân Kitô hữu cả, vốn chỉ được gọi là ecclesia discens, và càng hơn nữa, từ thế giới, vốn là đồng bọn của ác thần!!! Thế nhưng, Giáo hội cần phải hoán cải khỏi cái não trạng tự kiêu này. Nó chỉ khiến Giáo hội trình bày một bức hý hoạ về Thiên Chúa và chính diện mạo của mình mà thôi. Nhìn ra được mối nguy hiểm ẩn tàng này đằng sau vẻ “an bình bề mặt” của Giáo hội, Vatican II muốn khuấy động lại sự bất an thánh thiện của cộng đoàn môn đệ chân chính của Đức Kitô. Vatican II đến để cho thấy rõ điều đó: các chủ chăn cũng có điều phải học từ Dân Chúa, cũng như các Kitô hữu luôn khiêm tốn lắng nghe và vâng phục các chủ chăn. Và toàn Giáo hội, bất chấp mình đã làm nhiều ơn ích cho thế giới cũng đã nhận được rất nhiều điều tốt đẹp từ thế giới.[44]
Như thế, theo Tài liệu chuẩn bị Synod 2023, ta buộc phải trở về chính Đức Giêsu, các môn đệ và dân chúng để hiểu rõ Giáo hội hiệp hành là gì và như thế nào. Cả ba ‘giới' trên đều cần đến nhau theo đúng kế hoạch và thánh ý Thiên Chúa. Điều ấy không có nghĩa là con người sử dụng Thiên Chúa. Song Thiên Chúa rõ ràng muốn điều này: Ngài làm cho mình lệ thuộc vào những trạng huống của những con người và dùng những kẻ ngài chọn với tất cả những giới hạn của họ để săn sóc những người nghèo khổ của mình dưới ách mammon;[45] Chính Phêrô cũng được hoán cải nhờ chính Cornêliô như Tài liệu chuẩn bị phân tích. Tất cả đều làm nổi bật lên ý định của Đức Giêsu: muốn xây dựng một Gia đình Thiên Chúa, một dân tộc cùng nhau tiến bước theo sứ mệnh và con đường của Chúa Cha. Cộng đoàn Kitô hữu sơ khai chính là cộng đoàn những người đi theo ĐẠO/CON ĐƯỜNG GIÊSU.
Như vậy, ta có thể nói ý muốn của Thiên Chúa là Giáo hội của thiên niên kỷ phải hết sức xây dựng Giáo hội hiệp hành.[46] Nếu Giáo hội chẳng cầu xin điều gì khác ngoài thánh ý Thiên Chúa, thì đây là điều rõ ràng được khẳng định từ quyền giáo huấn thông thường của Đấng Kế vị Phêrô, “nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất” cho toàn Giáo hội.[47]
Công đồng Vatican II khi khai mạc muốn thuyên chữa nhân loại thương tích bằng phương dược của lòng thương xót. Không thuốc nào có thể chữa lành trái tim chai cứng của con người ngoại trừ một tình yêu lớn lao và nhân hậu, chạm đến chính trái tim đó. “Tình yêu Thiên Chúa lay động các tầng trời”, Dante đã từng nói như thế. Ta cũng có thể nói không sai rằng “Tình yêu Thiên Chúa lay động trái tim con người.” Một Phaolô, một Augustinô, một Charles Foucault, ta chỉ kể ra một số rất ít, không đủ minh chứng sự thật đó sao? Trong ánh sáng đó, Năm Lòng Thương xót được theo sau với Năm Đức Tin cho chúng ta đi vào quỹ đạo của Vatican II một cách hiện thực. Giáo hội hiện hữu, sống động và tăng trưởng nhờ đức tin, đức cậy và đức mến.[48] Cũng thế “nhân đức đối thần tin cậy mến là cơ sở của toàn đời sống và thực hành Kitô hữu... chúng điều kiện hóa tất cả những mối liên hệ của chúng ta... chúng không chỉ là những con đường đồng quy của tính hiệp hành, chúng là những con đường đồng quy của đời sống và sứ mệnh Kitô hữu.”[49]
Vatican II định nghĩa Giáo hội, tức là, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, tự bản chất là truyền giáo. Không một Kitô hữu nào bị loại khỏi sứ mệnh này: căn tính đó là một, dẫu hình thức và phương thức có thể khác nhau. Chúng ta ‘bình đẳng' ở điều cốt yếu này. Tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm trước cùng một Ông CHỦ, dù nhận được một nén, năm nén, hay hơn nữa... Không chỉ như thế. Sứ mệnh Giáo hội không thể được chu toàn cách riêng rẽ, vì Thiên Chúa không bao giờ muốn cứu độ từng người cách riêng rẽ.[50] Đấy là điều mà Redemptoris missio và Christifideles laici nêu rõ khi theo bước Vatican II trong Ad Gentes. Thật sự, vườn nho của Thiên Chúa, mọi người đều được mời vào, dù ở bất kỳ thời khắc nào, hiện trạng nào. Phẩm trật không được phép làm cho sứ mệnh này thành độc quyền cho mình. Vai trò hướng dẫn, điều phối và lấy quyết định luôn vẫn quan trọng và hợp thời, song không phải là độc quyền.
Chân trời của Giáo hội hiệp hành mở rộng trước chúng ta. Thật thế,
“Một cây cổ thụ, đầy ánh sáng và khôn ngoan, chạm tới trời, một dấu chỉ của sự sinh động và hy vọng sâu xa vốn diễn đạt thập giá Đức Kitô. Nó mang chở Thánh Thể chiếu sáng như mặt trời. Những nhánh đâm ngang, mở ra như cánh tay hay đôi cánh, đồng lúc nói lên Thánh Thần. Dân Thiên Chúa không tĩnh lặng: họ đang chuyển động, quy chiếu tức thời đến tận cội nguồn từ ngữ synod, có nghĩa là “cùng nhau bước đi”. Đoàn dân được hiệp nhất nhờ cùng một năng động lực chung mà Cây Sự Sống thở vào họ, từ đó họ bắt đầu tiến bước. Mười lăm chân dung cắt bóng tóm kết toàn nhân loại trong những trạng huống đời sống khác nhau về thế hệ và cội nguồn. Khía cạnh này được kiện cường bởi nhiều màu sắc khác nhau mà chính chúng là dấu chỉ của niềm vui. Không có phẩm trật giữa những người đang cùng đi bộ: trẻ, già, nam, nữ, thiếu niên, trẻ em, giáo dân, tu sĩ, cha mẹ, vợ chồng, độc thân, khỏe mạnh, tàn tật; giám mục và nữ tu không ở trước họ, nhưng giữa họ...”[51]
Như thế, Giáo hội hiệp hành chỉ muốn xây dựng những cây cầu hơn là những bức tường. Và điều ấy lại bộc lộ hơn bao giờ hết một cách mới mẻ “Thiên Chúa là Tình Yêu.” Chắc chắn, Phép rửa đưa chúng ta vào Giáo hội. Nhưng không phải là ở lại trong Giáo hội chỉ nơi thể xác, song cả xác lẫn hồn.[52] Là Kitô hữu, chúng ta là Giáo hội. Nhưng Đức Giêsu không cho phép chúng ta chỉ là những người thụ nhận trong Giáo hội. Ngài muốn chúng ta là những vai chính trong việc xây dựng vương quốc Thiên Chúa. “Thầy sai anh em vào giữa thế gian...” “Hãy đi khắp tứ phương rao giảng Tin mừng”. “Hãy ở lại trong Thầy và sinh hoa kết quả.” Đó là ý muốn của Chúa Cha. Chính Giáo hội hiệp hành là “cách thức mới để là Giáo hội.”[53]
Một ưu tư có thể làm chúng ta ngại ngần trước ý định xây dựng một Giáo hội hiệp hành. Chúng ta đang quan tâm đến tiến trình công nghị/hiệp hành tại Đức, vốn được cả truyền thông đạo đời săm soi. Chúng ta lo sợ dẫn tới chia rẽ trong Giáo hội. Nỗi lo đó thật chính đáng. Trong bài viết The Four Marks of the Church: The Contemporary Crisis in Ecclesiology tại Sydney, Thomas G. Weinandy đã nói lên ưu tư rõ ràng đó, dẫu vẫn nhìn nhận những ưu điểm và sáng kiến mục vụ của Đức Phanxicô. Theo ngài, tiến trình Thượng hội đồng về Giáo hội hiệp hành chỉ dẫn đến lộn xộn và chia rẽ mà thôi.[54] Cùng với Weimandy có những nhân vật có thế giá khác nữa trong Giáo hội hoàn vũ.
Nhưng chính nỗi lo ấy lại đưa chúng ta vào những thâm tín đức tin tích cực hơn nhiều. Ta phải thấy rõ rốt cục Giáo hội này được ai hướng dẫn: Đức Giêsu và Thánh Thần ngài hay là các giám mục, hay giám mục Roma? Hơn nữa, cảm thức đức tin của dân Chúa nơi từng người chúng ta sau bao năm sống đức tin lại ngày một lụi tàn hay tăng trưởng? Không chỉ như thế. Dầu Thánh Thần ta nhận được trong Phép Rửa và Thêm sức thì yếu đuối hơn những toan tính nhân loại? Lời hứa về tính bất khả ngộ của toàn dân Thiên Chúa chỉ là một ảo mộng? Bản năng đức tin và Dầu Thánh Thần đâu phải cái gì xa lạ. Trái lại, thực tại ấy ở gần bên chúng ta, nằm trong chúng ta, dù chúng ta không biết định nghĩa nó ra sao (x. Tl). Chính dầu Thánh Thần hướng dẫn “hành trình cùng nhau này vừa là một tặng phẩm vừa là một trọng trách.”[55] Chính Thánh Thần buộc các vị chủ chăn có những khi phải đi đầu đoàn chiên, có lúc đi giữa đoàn chiên và có lúc phải đi sau cùng để đoàn chiên được an mạnh, bất chấp mình có thể mất mạng sống, vì đó là số phận của những vị mục tử chân thật theo gương vị MỤC TỬ DUY NHẤT ĐẦY LÒNG XÓT THƯƠNG VÀ HY SINH TÍNH MẠNG ĐỂ ĐOÀN CHIÊN ĐƯỢC SỐNG DỒI DÀO.
Nỗi lo đó là chính đáng, nếu Giáo hội là một tổ chức thuần nhân loại. Tuy nhiên, chúng ta khởi đi từ nhãn giới đức tin, vốn là nền tảng của những điều không trông thấy.[56] Nơi đó, Thiên Chúa chính là CHỦ, Đức Kitô là Thủ Lãnh, Thánh Thần là linh hồn dẫn dắt và sinh động. Giáo hội đó sống nhờ lời hứa của Đức Kitô. Cảm thức đức tin không đưa đến sai lạc, vì không ai dập tắt được cảm thức đức tin, bản năng của đức tin vốn đến từ việc được xức dầu Thánh Thần. Đức tin này, chúng ta chưa để nó thành phong thái sống, hoạt động, cầu nguyện và đào tạo của chúng ta. Nó vẫn còn ở xa chúng ta. Suy nghĩ, trải nghiệm đức tin cùng nhau quả là điều còn đáng ước mơ. Ai trong chúng ta lại chẳng biết “toàn Dân Chúa chia sẻ một phẩm giá và ơn gọi chung qua phép Rửa”,[57] nhưng chúng ta nhìn vào các hội đồng giáo xứ, mục vụ và tài chánh cũng như nhiều cơ cấu khác thì rõ ngay mức độ hấp thụ chân lý này trong thực tại. Vì thế,
Tính hiệp hành làm cho toàn thể Dân Chúa có thể cùng nhau tiến tới, khi lắng nghe Thánh Thần và Lời Chúa, để thông phần vào sứ mệnh của Giáo hội trong sự hiệp thông mà Đức Kitô thiết lập giữa chúng ta. Tối hậu, lối đường cùng nhau tiến bước này là cách thức tỏ lộ và thực thi hữu hiệu nhất bản tính của Giáo hội là dân Thiên Chúa lữ hành và truyền giáo (PD, 1).[58]
Như thế, tiến trình dựng xây Giáo hội hiệp hành xây trên lắng nghe Thiên Chúa, chứ không phải là cuộc tranh luận phe phái, ngay cả phe phái thần học hay linh đạo. Không phải. Đây là cách thức là Giáo hội và sứ mệnh một cách mới.[59]
Đức Phanxicô rất thâm tín điều này. Một Giáo hội hiệp hành lắng nghe, trao đổi, phát biểu và quyết định không phải là một “quốc hội”, một “hạ viện”. Chắc chắn quan điểm đa số luôn có giá trị, miễn là được sinh động, hướng dẫn và kết tận trong cầu nguyện và chiêm niệm, vẫn không phải là tiếng nói quyết định trong Giáo hội. Sự đồng thuận của đức tin lớn hơn “thứ đa số theo kiểu dân chủ”. Quả thế, nó luôn được bảo đảm bởi “thời gian vượt lên trên không gian”, “hiệp nhất có giá trị hơn xung đột”, “thực tại quan trọng hơn ý tưởng” và “toàn thể vượt lên trên từng phần”.[60] Thật vậy, giám mục đoàn kế vị tông đồ đoàn, với sự dẫn dắt và chủ tọa trong đức ái của Giám mục Roma hiệp nhất với anh em mình, vẫn là tiếng nói bất khả ngộ trong đức tin và phong hóa. Chính vì thế, thánh Biển Đức có thể để lại cho chúng ta một quy luật thần học và mục vụ: trong Giáo hội, Thiên Chúa nhiều lần lại nói qua những con người tầm thường nhất. Trong Giáo hội hiệp hành điều quan trọng không phải là tiếng nói của đa số cho bằng là tiếng nói của Thần khí, được lắng nghe trong cầu nguyện và khiêm nhường song lại rất can đảm. Hơn nữa, tính cùng nhau ở đây không phải là cùng nhau ngồi bàn luận trong chiếc ghế bành êm ấm, thoải mái, song mục tiêu phải khởi hứng chúng ta: hiệp hành cho sứ mệnh. “Sứ mệnh của Giáo hội đòi buộc toàn Giáo hội hành trình cùng nhau, mỗi người đảm nhận vai trò cốt yếu của mình, hiệp nhất với nhau. Một Giáo hội hiệp hành bước tới trong hiệp thông để theo đuổi một sứ mệnh chung qua sự tham gia của mỗi và từng phần tử.”[61] Chính vì thế, “Chúng ta cũng thế bằng cách cùng nhau lắng nghe Lời Chúa trong Kinh thánh và Truyền thống sống động của Giáo hội, và rồi bằng cách lắng nghe nhau, nhất là những người ở ngoài lề, khi phân định dấu chỉ thời đại”.[62] Nơi khác, “Trong một Giáo hội hiệp hành, toàn cộng đoàn, trong những phần tử khác biệt, tự do và phong phú, được gọi để cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, phân tích, đối thoại, phân định và cống hiến lời khuyên về việc lấy những quyết định mục vụ vốn tương ứng hết sức có thể với ý Chúa.[63] Mà nét minh chứng chính là làm sao để những người ở ngoài lề, những người thấy bị loại ra được nhập hiệp vào tiến trình này. “Lắng nghe Thiên Chúa, để với ngài chúng ta có thể nghe tiếng kêu khóc của dân ngài; lắng nghe dân ngài cho đến khi chúng ta hòa hợp với ý muốn mà Thiên Chúa gọi chúng ta tới.” Hay Hành trình cùng nhau này sẽ mời chúng ta canh tân não trạng và cơ cấu Giáo hội để sống tiếng gọi của Thiên Chúa cho Giáo hội giữa những dấu chỉ thời đại hiện tại.[64] Hoán cải luôn luôn đòi hỏi sức mạnh. “Sự thay đổi này đòi hỏi một sự hoán cải cá nhân và cộng đoàn vốn làm chúng ta nhìn các sự việc như Chúa nhìn.”[65] Lõi tủy của kinh nghiệm hiệp hành là lắng nghe Thiên Chúa qua việc lắng nghe nhau, được khởi hứng bởi Lời Chúa. Chúng ta lắng nghe nhau để nghe Thánh Thần nói trong thế giới chúng ta ngày nay cách tốt đẹp hơn.[66]
Tóm lại, ta thấy rõ xây dựng một Giáo hội hiệp hành chính là tiếp nối nghị sự rất hợp thời của Vatican II trong thời khắc hiện tại khi Giáo hội vẫn đau buồn vì tội lỗi của chính mình. Đây là cách tiếp nhận Vatican II một cách mới mẻ và can đảm. Và trong tiến trình xây dựng một Giáo hội hiệp hành mà Thượng Hội đồng Giám mục 2023 nhắm tới, ta buộc phải duyệt xét mười đề tài cốt lõi. Chúng không gì khác hơn là xây dựng một Giáo hội “quen” với ý định của Thiên Chúa được tỏ hiện giữa những con người nghèo và đau khổ. Những anh chị em đó chiếm chỗ ưu tiên trong chính cõi lòng Thiên Chúa và vì đó cũng phải là quan tâm số một của một Giáo hội của Đức Giêsu được thiết lập để tìm kiếm những con chiên bị lạc hơn là để an bình và mãn nguyện với 99 con chiên không bị lạc mất. Giáo hội hiệp hành nổi bật lên là một Giáo hội lắng nghe, phân định và can đảm thực thi điều Chúa muốn.
Ta có thể ghi lại những lời quan trọng này: “Thật vậy, Thiên Chúa thường nói qua những tiếng nói của những kẻ mà chúng ta có thể dễ dàng loại trừ, ném ra bên cạnh, hay coi thường. Chúng ta phải nỗ lực đặc biệt để lắng nghe những người mà ta bị cám dỗ coi là không quan trọng và những người buộc chúng ta phải xem xét những quan điểm mới vốn có thể thay đổi nếp nghĩ của chúng ta.”[67]
Như vậy, chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe Chúa phán và tiến bước can đảm, vì cây trượng của Chúa đảm bảo sự an bình của chúng ta (x. Tv 22).
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 127 (Tháng 1 & 2 năm 2022)
WHĐ (17.4.2022)
Thượng Hội đồng Giám mục, Tài liệu chuẩn bị; Cẩm nang: Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành.
Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư chung 1980; Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010; Thư chung 2004; Thư chung 2016.
Đức Bênêđictô XVI, Suy tư về Vatican II: hân hoan và phấn khởi; Bài nói chuyện với hàng giáo sĩ Roma ngày 14 tháng Hai, 2013 (nhấn mạnh là do tôi).
F. Dostoyeski, Anh em nhà Karamazov, Nhà xuất bản Văn học
K. Rahner, The Church After the Council, Herder and Herder, New York, 1966.
X. Thomas P. Rausch, The Unfinished Agenda of Vatican II trong https:// digitalcommons.lmu.edu/theo_fac; Juan Carlos Scannone, S.J, “Gaudium et Spes and the Unfinished Agenda of Vatican II” trong https://digitalcommons.lmu.edu/theo_fac; John W. O'Malley, edt, Vatican II: The Unfinished Agenda : A Look to the Future; Richard R. Gaillardetz, An Unfinished Council Vatican II, Pope Francis, and the Renewal of Catholicism, Liturgical Press, 2015; Keith F. Pecklers, S.J, VATICAN II and the Liturgical Renewal:An Unfinished Agenda, trong https://www.academia.edu/8825857/VATICAN_II_and_the_Liturgical_Renewal_An_Unfinished_Agenda.
x. J. S. Palakeel, “Journeying together to Evangelize. A Look at the Synodal Church of Pope Francis”, Asian Horizons, vol. 14, N.1, March 2020, 119-136.
Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành; Đức Phanxicô, Diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục.
x. J. S. Palakeel, “Journeying together...”, 124.
K. Rahner, the Shape of the Church to come.
K. Rahner, the Shape of the Church to come.
X. EG 25, 26, 27, 30, cách riêng 33; cũng xem 78-80, 87-92, 95-97; x. Đức Phanxicô, Diễn văn cho các Salêdiêng trong Tổng Tu Nghị 28.
X. Đức Phaolô VI, Ecclesiam Suam.
Phỏng vấn được đăng trên Civiltà Cattolica ngày 19 tháng Chín, 2013.
Nicholas E. Denysenko, “Primacy, Synodality, and Collegiality in Orthodoxy: A Liturgical Model”, Journal of Ecumenical Studies, 48:1, Winter 2013, trang 26.
x. J. S. Palakeel, “Journeying together...”, 125.
x. Đức Phaolô VI, Diễn từ khai mạc Khóa 4 Công đồng Vatican II.
x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010.
x. Đức Phaolô VI, Ecclesiam Suam.
x. Đức Gioan XXIII, Diễn văn khai mạc Công đồng Vatican II; Đức Phaolô VI, Ecclesiam Suam.
x. Đức Phanxicô, A. Pieris, “Christ beyond dogma, Doing Christology in the Context of Religions and the Poor, Louvain Studies 25 (2000) 187-213.
x. A. Rosmini, Les Cinq blessures de la Sainte Église, bị đặt vào những sách cấm năm 1849.
Đức Phanxicô, 15 căn bệnh của Giáo triều: bệnh tưởng mình là bất tử, miễn nhiễm, hoặc thậm chí là không thể thiếu được; bệnh Marta, đến từ tên Marta, làm việc thái quá; bệnh ”chai cứng” tâm trí và tinh thần; bệnh kế hoạch hóa thái quá và duy hiệu năng; bệnh phối hợp kém; bệnh ”suy thoái não bộ tinh thần”; bệnh cạnh tranh và háo danh; bệnh tâm thần phân liệt trong cuộc sống; bệnh ‘ngồi lê đôi mách', lẩm bẩm và nói hành; bệnh thần thánh hóa giới lãnh đạo; bệnh dửng dưng đối với người khác; bệnh có bộ mặt đưa đám; bệnh tích trữ; bệnh những nhóm khép kín; bệnh tìm kiếm lợi lộc trần tục và phô trương.
x. Đức Phanxicô, diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục
Đức Bênêđictô XVI, DCE, cách riêng phần II.
x. Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục 2021-2023.
x. Đức Phanxicô, diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục; Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành; Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục 2021-2023.
x. FABC/AsIPA, c/7 a New Way of Being Church; Jonathan Tan, A New Way of Being Church in Today's World? Insights from the Documents of the Federation of Asian Bishops' Conferences; Cedric Prakash, Journeying together: in Communion, Participation and Mission; Ramesh Lakshmanan, A New Way of Being Church: FABC Teachings on Basic Ecclesial Communities, Originally published in East Asian Pastoral Review 51, no. 2 (2014): 140-65.
Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục, 1.2.
Thượng Hội đồng Giám mục, Lời kinh Adsumus Sante Spiritus.
Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục, 1.2.
Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục, 1.2
x. Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục, 1.3.
Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục, 1.3.
Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục, 1.3.
Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành, 67-68; Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục, 1.4.
Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành, 68; Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục, 1.3.
Đức Phanxicô, diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục; Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục, 1.4.
Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục, 4.1.
Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục, 2.2.