THỨ HAI TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN
Lc 11,29-32
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
29Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna.
30Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.
31Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa.
32Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.
SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: Những phép lạ Chúa làm đủ để chứng tỏ Ngài là sứ giả của Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa. Thế nhưng người Do thái đã không tin. Đây cũng là thảm kịch của con người ngày nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người Do thái đã trả giá lòng tin của họ bằng cách đòi cho được những dấu lạ là bằng chứng về một Thiên Chúa quyền năng và tình thương, luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu và khát vọng của con người. Họ đòi dấu lạ, nhưng lại không tin vào các phép lạ Chúa làm.
Lạy Chúa, đôi lúc nghĩ về dân Do thái ngày xưa, con tức giận và thầm oán trách họ cứng lòng tin. Nhưng khi nhìn lại con, có thể con đã không tốt hơn họ bao nhiêu, mà có lẽ còn tệ hơn. Trong thế giới hôm nay, con người ngày càng đánh mất ý thức về sự thánh thiêng, và không còn nhận ra quyền năng Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới. Con cũng đang quay cuồng trong đời sống vật chất, ảnh hưởng các trào lưu tục hóa, làm niềm tin của con bị lung lay tận gốc rễ. Có những lúc vì quá thất vọng, chán nản ê chề, con đã cầu mong Chúa thực hiện một phép lạ nào đó như là dấu chỉ Chúa vẫn thương con. Khi không được như ý, con lại oán trách Chúa và nghi ngờ Chúa.
Lạy Chúa, một cách vô tình, con đã coi Chúa như là đầy tớ phải làm theo ý con muốn. Xin Chúa thương tha thứ cho sự xúc phạm của con. Xin ban cho con một tâm hồn khiêm tốn để con tin vào Chúa và đón nhận Lời Chúa. Xin ban cho con đôi mắt của niềm tin, để thay vì đòi Chúa làm phép lạ, con sẽ thấy được quyền năng Chúa vẫn đang hoạt động trong các biến cố, trong cuộc sống thường ngày nơi chính cuộc đời con. Amen.
Ghi nhớ: “Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM 2: CHỚ THỬ THÁCH ĐỨC CHÚA
Như chúng ta đã biết, ngay từ những ngày đầu trong hành trình 3 năm rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ. Khởi đầu là phép lạ tại tiệc cưới Cana, rồi hóa bánh ra nhiều, dẹp biển yên sóng lặng, và nhiều phép lạ khác liên quan đến việc chữa lành bệnh tật. Chính giới lãnh đạo Do Thái giáo và đám đông dân chúng đã nhiều lần ngỡ ngàng trước sự kì diệu ấy.
Thế thì tại sao người Do Thái cứ muốn và đòi Chúa Giêsu làm những dấu lạ nhãn tiền khác? Có 2 lý do sau:
Lý do thứ nhất, những người Do Thái lúc bấy giờ chỉ coi Chúa Giêsu như một nhà ảo thuật gia, chứ không phải là Đấng Mêsia. Họ tìm đến với Chúa Giêsu và muốn tận mắt chứng kiến những phép lạ Ngài làm, là để thỏa mãn thị hiếu và sự tò mò của họ, chứ không phải tin vào Ngài.
Lý do thứ hai, thì Thánh Luca đã nói rất rõ, họ làm như thế là để thử thách Chúa Giêsu. Họ nghĩ rằng, sở dĩ trước giờ Chúa Giêsu làm được như thế chỉ là may rủi, chứ Ngài chẳng tài giỏi gì. Họ muốn thử xem, lần này Chúa Giêsu có làm được nữa hay không!
Với 2 lý do đó, có lẽ chúng ta đã hiểu, tại sao Chúa Giêsu lại từ chối lời đề nghị của những người Pharisêu. Chúa Giêsu từ chối không phải là Ngài không thể làm hay không thích làm, mà là Ngài biết rõ trong đầu họ đng nghĩ gì.
Nhân dịp này, Chúa Giêsu đã nhắc lại phép lạ của ông Giona nằm trong bụng cá 3 ngày, và nói với họ rằng: Phép lạ là để gia tăng đức tin và giúp cho người ta ăn năn sám hối, chứ không phải để làm vui mắt người đời.
Anh chị em thân mến, trong hành trình đức tin, chắc ít nhiều anh chị em cũng có kinh nghiệm này; có những lúc chúng ta cầu nguyện tha thiết để xin Chúa ban ơn, mà chẳng thấy Chúa cho, mà cũng chẳng thấy Chúa trả lời. Những lần như thế anh chị em đừng vội trách Chúa. Nhưng mỗi người hãy nghiệm lại xem, đức tin của chúng ta có đủ để nhận ra những ơn lành mà Chúa đã ban cho bản thân và cho gia đình mình, từ trước tới giờ hay không? Chúng ta đã tạ ơn Chúa về điều đó hay chưa?
Và khi cầu nguyện, hãy lưu ý điều này, chúng ta đừng bao giờ thử thách Thiên Chúa, đừng bao giờ làm quân sư chỉ vẽ cho Người. Điều chúng ta có thể làm và chỉ nên làm khi cầu nguyện, đó là kể cho Chúa nghe về những ưu tư, trăn trở, những lo lắng băn khoăn mà chúng ta đang gặp phải. Phần còn lại, chính Chúa sẽ lo liệu.
Tóm lại, lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy lội ngược dòng, để khám phá lại đức tin của chính mình. Rồi Chúa sẽ thực hiện nơi cuộc đời của chúng ta những điều vĩ đại. Và để kết thúc, chúng ta cùng lắng nghe lại lời Thánh vịnh sau đây: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa. Tin tường vào Người, Người sẽ ra tay”(Tv 36). Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 3: CHÚA GIÊSU: “DẤU LẠ” CỦA THIÊN CHÚA
Để hiểu bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải đọc nó trong bối cảnh của những cuộc tranh luận mà qua đó ý nghĩa cuộc hành trình [lên Giêrusalem] của Chúa Giêsu được mạc khải. Cụ thể là trong trình thuật Tin Mừng hôm nay Thánh Luca nói về “dấu lạ” của Giôna mạc khải ý nghĩa về sự hiện diện của Chúa Giêsu cho thế hệ Ngài [và mọi thế hệ sau đó].
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với việc trở lại vấn đề “dấu lạ,” điều đã được giới thiệu trong câu 16 [“Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời”]. Chúng ta cũng tìm thấy trình thuật tương tự trong Tin Mừng Thánh Mátthêu (12:38-42). Tuy nhiên, nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng, bản văn của Thánh Mátthêu không được đọc và hiểu trong bối cảnh mà Thánh Luca đang nhắm đến trong trình thuật của ngài. Cách cụ thể hơn, Thánh Luca không quan tâm đến việc Giôna ở ba ngày trong bụng cá như Thánh Mátthêu. Điều Thánh Luca quan tâm là việc đón nhận điều Giôna giảng dạy như là dấu chỉ cho việc đón nhận sứ điệp Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu giảng dạy. Câu 30 và 32 của trình thuật Tin Mừng làm sáng tỏ rằng điều Thánh Luca quan tâm là việc giảng dạy của Giôna về lời Thiên Chúa là dấu lạ [dấu chỉ]. Đó là lý do thánh nhân sử dụng để kêu gọi “dân chúng tụ tập đông đảo” phải lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa mà Chúa Giêsu công bố.
Trong câu 31, Thánh Luca quy chiếu về hình ảnh của Nữ Hoàng Phương Nam. Hình ảnh này tìm thấy trong sách các Vua quyển Thứ Nhất [chương 10]. Trong câu này, một lần nữa, Thánh Luca suy gẫm ý nghĩa về Chúa Giêsu: sự khôn ngoan của Ngài vĩ đại hơn vị vua khôn ngoan trong truyền thuyết của người Israel, là vua Solomon. Tuy nhiên, trước sự giảng dạy [dấu lạ] của Giôna, dân thành Ninivê đã sám hối. Nói cách khác, sức mạnh lời Chúa trong Giôna được biểu lộ qua việc toàn dân thành Ninivê sám hối. Trong Đức Kitô, vị “phát ngôn viên của Thiên Chúa và là Ngôi Lời,” thì sức mạnh mang lại sự sám hối phải vĩ đại hơn. Chi tiết này được Thánh Luca sử dụng để nói đến sự bắt chước bởi những thính giả dân ngoại (những người được xem là không được chọn lựa) của ngài và của các môn đệ trong việc đáp lại lời Thiên Chúa cách quảng đại.
Nhìn chung, bài Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại hành trình đức tin của mình. Nói cách khác, lời khiển trách của Chúa Giêsu với thế hệ của Ngài vẫn còn có ý nghĩa cho mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng sống “gian ác” với anh chị em mình qua thái độ loại trừ. Chúng ta cũng đòi Chúa ban cho mình những dấu lạ, đó là ban cho chúng ta những điều chúng ta xin. Điều đáng buồn nhất là chúng ta chạy đến với người khác, nghe người khác, tìm kiếm sự khôn ngoan nơi con người hơn là nơi Chúa Giêsu [Thiên Chúa]. Chúng ta để cho thái độ sống hay cảm xúc của mình bị thay đổi bởi lời nói của người khác, nhưng lại không có “cảm giác” và “thay đổi” gì khi nghe lời Chúa. Hãy để lời Chúa biến đổi chúng ta vì lời Ngài mang lại sự sống đời đời.
Lm Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM 4:
Câu chuyện
Một nhóm sinh viên tổ chức tham quan mỏ than Scottish ở nước Anh. Mỗi sinh viên được phát một mũ bảo hộ của thợ mỏ, đằng trước mũ có gắn bóng đèn nối với một bình điện đeo ở thắt lưng.
Người hướng dẫn đưa họ vào buồng thang máy xuống tận đáy hầm than. Tới nơi, ông đề nghị các sinh viên bật đèn trên mũ bảo hộ vì con đường dẫn đến khu khai thác tối đen như mực. Mái vòm chỉ cao một mét hai, nên mọi người phải cúi rạp xuống khi di chuyển. Than được chở trên băng tải và đổ vào các toa trên đường ray.
Ngay trước khi nhóm sinh viên đến khu khai thác, người hướng dẫn nói: “Các bạn hãy tắt tất cả các đèn trên mũ”. Mọi người đều làm theo. Không ai thấy gì cả. Mọi vật đều một màu đen. Trong tăm tối, người thợ mỏ nói: “Hãy cố gắng nhìn kỹ vào ngón tay của bạn”. Chẳng ai thấy gì cả. Một vài người bắt đầu sợ hãi. Rồi người thợ mỏ nói một câu mà các sinh viên không bao giờ quên được: “Đây là tình trạng của những người mù”.
Tất cả các sinh viên đều hiểu ra. Bị mù thì không bao giờ thấy được ánh sáng hoặc bất cứ thứ gì khác. Họ cũng hiểu tại sao những người thợ mỏ lại thích bầu trời trong xanh và ánh nắng rực rỡ của mặt trời.
Suy niệm
Khi Chúa Giêsu và các môn đệ đến gần thành Giêricô thì gặp anh hành khất mù, đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi nghe biết Đức Giêsu thành Nadarét đi qua, liền kêu lên: “Lạy ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Tước hiệu “Con Vua Đavít”, nghĩa là Đức Kitô, Đấng như các lời tiên báo của ngôn sứ: Đấng Cứu Thế xuất thân tự dòng dõi vua Đavít, Đấng được Thiên Chúa xức dầu bằng Thánh Thần. “Xin thương xót tôi”, tiếng Hy Lạp là “Kyrie Eleison”. Sau này xuất phát một truyền thống rất lâu đời của Giáo hội Đông phương dạy các tu sĩ ở Hy Lạp, Libăng, Xyria, Ai Cập, Cappadoce vùng sa mạc... Phương thế tự thánh hóa mình nhờ “lời cầu xin với Đức Giêsu bằng cách chỉ lặp đi lặp lại một cách đơn sơ và không biết mỏi mệt những từ này: “Lạy Đức Giêsu, xin thương xót. Lạy Đức Giêsu, xin thương xót”.
Anh mù tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu trước mặt mọi người bằng cách lớn tiếng kêu cầu, bất chấp mọi cấm cản của những người chung quanh. Anh được sáng mắt nhờ đức tin như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”, đối tượng đức tin duy nhất là Đức Giêsu Nadarét con vua Đavít mà anh đã đặt hết niềm tin vào. Nhờ đức tin sống động ấy, anh mù đã sáng mắt.
Chúng ta cũng duyệt lại đời sống của mình, có còn ở trong bóng tối, như anh mù ở thành. Chúng ta tín thác vào Thầy Giêsu, Đấng sẽ kéo chúng ta về sự sáng trong lời cầu: Xin Chúa chữa niềm tin còn u tối… U tối của tội lỗi, của bất toàn và của yếu đuối thân phận của con người… U tối của những suy nghĩ, u tối trong cách hành xử với nhau.
Ý lực sống
Giúp con sáng mắt Chúa ơi!
nhận ra tình Chúa giữa đời gian nan.
Tin tưởng, phó thác, bình an
giã từ bóng tối, vững vàng niềm tin.
(Ánh sáng niềm tin, Monica Lệ Thi).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM 5: DẤU CHỈ
Một vị giám mục trong một chuyến đi công việc ngang qua một Giáo xứ nhỏ ở ngoại thành, ngài liền tạt xe vào thăm. Ngài bước vào một lớp học Giáo lý dành cho người dự tòng. Khi hỏi cha sở, ngài mới biết lớp giáo lý đó đã sắp mãn khóa và các học viên lớn tuổi này sẽ được chịu Bí tích Thánh tầy.
Vị giám mục chợt nảy ra ý muốn kiểm tra trình độ Giáo lý của họ nên hỏi: “Theo các anh chị, dựa vào đâu mà người khác có thể nhận ra các anh chị là người Công Giáo?”.
Mọi ngứời nhìn nhau, không ai lên tiếng trả lời. Rõ ràng đây là một câu hỏi quá bất ngờ. Vị Giám mục lập lại câu hỏi thêm nhiều lần nữa, và ngài đã kín đáo làm một dấu Thánh Giá nhỏ trên ngực như thề muốn nhắc khéo một câu trả lời đúng đắn cho cả lớp học, cũng là để gõ thể diện cho cha sở.
Bất ngờ, một người dự tòng đứng dậy và mạnh dạn trả lời: “Thưa Đức cha, theo con nghĩ, dấu chỉ để mọi người biết chúng con là người Công Giáo, chính là... Tinh Yêu ạ!"
Vị Giám Mục, và cả cha sở lúc ấy đều suýt buột miệng bảo: “Sai”, nhưng cả hai đều kịp dừng lại, các ngài thấm thìa hơn ai hết câu trả lời của người dự tòng trẻ tuổi kia.
Quả thật, trong cuộc sống có rất nhiều dấu chỉ như dấu chỉ nhân tạo, dấu chỉ thiên nhiên và chứng đòi hỏi chúng ta phải mở mắt, mở cõi lòng để nhận ra, nhưng quan trọng hơn hết là làm sao chúng ta có thể dễ dàng nhận rá, dễ dàng đọc được những ý nghĩa của những dấu chỉ Chúa nói với chúng ta hằng ngày như thế nào? Thưa, phải có cặp mắt đức tin và nhất là phải có lòng yêu mến.
Hôm nay, Đức Giêsu dựa vào câu chuyện của ông Giona để hứa ban một dâu lạ nơi chính bản thân Ngài, là sự tử nạn và Phục sinh của Ngài để kêu gọi mọi người sám hối.
Trong Tân Ước, chúng ta cũng bắt gặp rết nhiều bằng chứng về vấn đề dấu chỉ. Maria Mácđala khi gặp thấy Chúa lúc Ngài sống lại, ban đầu cứ tưởng là người giữ vườn, thế nhưng chỉ sau một lần Chúa gọi là Maria đã nhận ra Chúa ngay. Gioan cũng như thế: sở đĩ Gioan nhận ra sự kiện ngôi mộ trống và khăn liệm như dấu chỉ của sự Phục sinh, vì ông nhớ lại lời Kinh Thánh: “Ngày thứ ba, Ngài sẽ trỗi dậy”.
Trên bãi biển Galilê, khi các Tông đồ khác chưa ai nhận ra Chúa thì Gioan đã nhận ra. Ông nhận ra nhờ mẻ cá lạ mà người khách lạ đang đứng ở trên bãi biển truyền lệnh cho các ông. Tại sao thế? Tại vì ông tin và yêu mạnh hơn những Tông đồ khác. Như vậy chúng ta thấy chính Kinh Thánh đã soi sáng và hướng dẫn cho con người nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa trong mỗi biến cố hằng ngày.
Còn chúng ta có thể đọc được những ý nghĩa của các dấu chỉ xảy ra hằng ngày ngay trong cuộc sống đức tin của mỗi người chúng ta hay không? Rất nhiều lần chứng ta sống chẳng khác gì những người mà Kinh thánh nói: “Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có trí mà không hiểu”.
Các bạn thân mến,
Xin Chúa cho ta biết nhận ra ý Chúa qua những dấu chỉ Chúa gửi đến hằng ngày và nhất là xin cho ta biết trở thành những dấu chỉ. “Một nụ cười, một ánh mắt cảm thông, một bàn tay nâng đỡ để qua đó mọi người qua ta có thể nhận ra được một Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương mọi người.
Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khanh SDB
SUY NIỆM 6: ĐÒI DẤU LẠ
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật về việc những người Do Thái đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ từ trời, nhưng Người đã từ chối và lên án sự cứng lòng tin của họ. Chính Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ và Người là một dấu lạ vĩ đại phô bày hằng ngày nhưng họ không muốn nhận ra và không tin.
Chúa Giêsu làm phép lạ nhằm hỗ trợ cho những lời rao giảng và góp phần nâng đỡ niềm tin cho dân chúng. Để nhận biết dấu lạ thì người ta cần phải có đôi mắt đức tin, sự khiêm tốn và trái tim rộng mở đầy yêu mến. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải ăn năn sám hối, chừa bỏ những thói hư tật xấu của mình, như dân thành Ninivê khi nghe lời rao giảng của tiên tri Giona ngày xưa.
Dân chúng, những người Do Thái trong bài Tin Mừng hôm nay đã trả giá lòng tin của họ bằng cách đòi Chúa làm những dấu lạ từ trời để họ tin và chấp nhận Người là một Thiên Chúa thật, là Đấng Mêsia được Thiên Chúa sai đến. Theo họ, Thiên Chúa phải luôn đáp ứng mọi nhu cầu và khát vọng của con người. Nhưng Chúa Giêsu và các Tông Đồ chỉ làm phép lạ khi cần thiết và hợp ý Thiên Chúa, Người luôn từ chối thực hiện phép lạ theo nhu cầu và đòi hỏi của con người. Bởi vì, nếu niềm tin chỉ dựa vào phép lạ thì sẽ rất nông cạn, nhất thời và khi gặp thử thách gian truân thì sẽ sớm bỏ cuộc.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con có thể nhận ra những phép lạ và quyền năng của Chúa trong thế giới vạn vật và trong cuộc đời của mỗi người chúng con. Amen.
Tu sĩ G.B. Nguyễn Văn Huân, SVD
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn