SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN LỄ THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ

Thứ ba - 02/07/2024 05:24
SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
LỄ THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ
Ga 20,24-29

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.  

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Ðiđymô, không ở với các ông khi Ðức Giêsu đến.
25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”
26 Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. 27 Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an.”
28 Rồi Người bảo Tôma: “Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.
29 Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”
Ðức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”.

SUY NIỆM 1: BÀI HỌC TỪ TÔMA
Hành trình đức tin của Thánh Tôma được nhắc đến trong bài Tin mừng hôm nay, để lại cho chúng ta một kinh nghiệm và một bài học đáng để cho chúng ta học hỏi.
Kinh nghiệm ấy được rút ra từ chính sai lầm của Thánh Tôma. Tin mừng cho biết, khi Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các tông đồ trong nhà tiệc ly, Tôma vắng mặt. Ông đã tự tách mình ra khỏi anh em – ra khỏi đời sống cộng đoàn. Kết quả là: Tôma yếu lòng tin! Ông cứng lòng đến nỗi thử thách cả Chúa Giêsu: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25).
Ngày hôm nay Giáo Hội đang rất lo ngại và trăn trở cho đời sống đức tin của các ki-tô trẻ, là con em của chúng ta, bởi sự tụt dốc nhanh lẹ của nó. Và một trong những lý do đó là nhiều bạn trẻ ngày nay đang tách đời sống đức tin của mình ra khỏi các nhịp sống đạo của cộng đoàn giáo xứ: giữ đạo theo quan điểm cá nhân chứ không theo hướng dẫn của Giáo Hội; không còn coi trọng các Thánh lễ thường ngày, kể cả Thánh lễ ngày Chúa nhật, thích đi lễ xứ khác hơn là ở xứ nhà; xem nhẹ các việc đạo đức bình dân như việc chầu Mình Thánh Chúa, lần hạt mân côi, giờ kinh gia đình, đọc kinh tối sáng, …
Nếu như Thánh Tôma đã củng cố lại được đức tin của mình, khi ông hòa nhập lại nhịp sống với cộng đoàn các tông đồ, thì đức tin của chúng ta hôm nay chỉ được gìn giữ, bảo vệ và lớn lên khi mỗi người biết trân trọng và gắn bó đời mình với nhịp sống đạo của giáo xứ. Thiết nghĩ đó là điều mà mỗi người cần suy nghĩ lại.
Bên cạnh đó, cá tính của Thánh Tôma cũng đáng chúng ta học hỏi. Đối với Tôma, việc tin vào Chúa Giêsu phục sinh phải là một niềm tin kiên vững, chứ không là một sự mê tín. Do đó, ông quyết định không nghe theo những lời nói suông và những lời đồn đại không có cơ sở. Tôma đã thẳng thắn nói lên quan điểm và suy nghĩ của mình. Ông muốn chính ông phải là người được đụng chạm đến Đấng Phục sinh thì ông mới tin.
Tuy Thánh Tôma là con người rất cá tính, thẳng thắng và rõ ràng, nhưng một khi khám phá ra được chân lý, khám phá ra được những điều chân thiện mỹ; một khi nhận ra được cái gì đẹp ý Chúa, cái gì là tốt, cái gì hoàn hảo; Tôma sẵn sàng để cho mình bị khuất phục. Ông không vì cái s cái nhục mà từ chối cái hay cái đẹp, nhưng đã chân thành đón nhận và sẵn sàng tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Kitô đã chết và nay đã sống lại.
Thưa anh chị em, chúng ta có quyền lý luận để bảo vệ cho những suy nghĩ và chọn lựa của riêng mình. Tuy nhiên, người có bản lĩnh là người dám từ bỏ những quan điểm cá nhân khi thấy nó không còn phù hợp, sẵn sàng đón nhận những điều hay điều phải từ những người xung quanh, dám bỏ điều chưa tốt để chọn làm điều tốt, thậm chí là dám bỏ cả điều tốt để chọn lấy điều tốt hơn.
Tôma tuy cứng lòng tin nhưng lại được người ta ngưỡng mộ là vì ông tôn trọng cái đúng, ông trân trọng những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Đây chính là điều mà Giáo Hội mong muốn chúng ta học lấy nơi con người của Thánh Tôma.
Tóm lại, qua hình ảnh của Thánh Tôma, lời Chúa hôm nay nhắn nhủ với chúng ta hai điều. Thứ nhất là hãy gắn bó đời mình với nhịp sống đạo của cộng đoàn giáo xứ một cách tử tế, để bảo vệ đức tin của mình. Thứ hai là hãy trân trọng và đón nhận cái hay cái đẹp mà cuộc sống và những người xung quanh mang lại, để hoàn thiện bản thân.
Nhờ lời chuyển của Thánh Tôma, xin cho anh chị em gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống, cả đời lẫn đạo. Amen.
Lm Antôn

SUY NIỆM 2:
Chẳng rõ vì lý do gì mà ông Tôma đã không ở với nhóm môn đệ khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các ông. Có vẻ có một sự xa cách nào đó giữa Tôma và mười ông kia. Chuyện này trở nên rõ hơn khi ông Tôma từ chối tin vào lời của họ: “Chúng tôi đã thấy Chúa!” (c. 25). Ông đòi tự mình kiểm chứng, thấy tận mắt, sờ tận tay. Thấy dấu đinh nơi bàn tay Thầy, xỏ ngón tay mình vào lỗ đinh, thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy: đó là những điều kiện ông đòi để tin. Tôma không đứng dưới chân thập giá như người môn đệ Chúa yêu, nhưng ông đã được nghe chuyện Thầy bị đóng đinh, bị đâm nơi cạnh sườn. Đối với ông, nếu Thầy thực sự phục sinh, thì thân xác Thầy vẫn còn phải mang những vết thương đó. Phục sinh không làm mất đi những vết sẹo của tình yêu cứu độ. Đấng Phục Sinh lại có ý chiều ông, đó mới là chuyện lạ. Ngài biết óc thực tiễn của ông, và Ngài không muốn mất ông (Ga 17, 12). Ngài dám thỏa mãn những đòi hỏi táo bạo và cụ thể của ông, để đưa ông về với đức tin, về với cộng đoàn. Một tuần sau, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu Phục Sinh đến như thể cho một mình ông thôi, và mời ông làm những điều ông đòi hỏi. Chẳng rõ Tôma có dám thực hiện hay không, nhưng chính thái độ bao dung và yêu thương của Thầy đã chinh phục ông. Môi ông bật lên lời tuyên xưng đức tin cao nhất trong Tân Ước: “Lạy Chúa của tôi; lạy Thiên Chúa của tôi” (c.28). Lời tuyên xưng này vượt quá những gì giác quan ông có thể cảm nhận. “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những ai không thấy mà tin!” Chúng ta ngày nay tuy không được hưởng kinh nghiệm như thánh Tôma, nhưng chúng ta lại được hưởng một mối phúc mà ngài không có được. Đó là mối phúc của người tin, không phải nhờ thấy tận mắt, mà nhờ nghe lời chứng của các môn đệ (Ga 17, 20), trong đó có Tôma. Xin cám ơn sự cứng lòng của thánh Tôma, cám ơn lời chứng của ngài. Chính sự cứng cỏi của ngài làm chúng ta mềm mại hơn để tin, vì chúng ta biết chuyện Chúa Phục Sinh không do một ảo giác tập thể. Tôma là một người hoàn toàn tỉnh táo. Trong tập thể chúng ta đang sống, vẫn có những Tôma: hoài nghi, bướng bỉnh, đòi hỏi, xa cách với cộng đoàn… Thầy Giêsu dạy chúng ta bao dung và nhẫn nại, chứ không kết án. Quanh chúng ta vẫn có nhiều người chưa biết Chúa, họ cũng đòi thấy và đụng chạm đến Thiên Chúa.  Kitô hữu chúng ta phải có kinh nghiệm sâu xa như các tông đồ xưa, để làm chứng được rằng: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (c. 25).
Cầu nguyn: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh Lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt, xin hãy gọi tên chúng con như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ. Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc, xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau. Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi, xin hãy đến và đứng giữa chúng con như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ. Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em, xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi. Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì, xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn, như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin tỏ mình ra cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày, để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến, và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.  
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM 3:
Khi nói đến ai đồng dạng với “Tôma”, điều đó không có gì là nâng bi. Đó là thái độ bình thường của bất cứ tín hữu nào, bất cứ Kitô hữu nào.
Tôma không tin các bạn tông đồ, đúng thế; nhưng ông không do dự khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho tin. Không phải là lời chứng của các tông đồ làm chúng ta tin Đức Kitô Phục Sinh, Con Thiên Chúa, và phúc cho chúng ta, chính Đức Kitô làm chúng ta tin.
Các sách Tin Mừng...
Chúng ta biết chắc rằng các sách Tin Mừng không được Đức Giêsu viết ra. Chúng ta biết chắc rằng những bài giảng của Đức Giêsu chỉ là những bản tóm tắt, sơ sài biết bao. Tuy nhiên, khi Gioan, Luca, Matthêu hay Mác-cô viết rằng: “và Đức Giêsu nói....”, chúng ta tin những lời các thánh sử Tin Mừng truyền lại cho chúng ta, những lời đó chúng ta nghe chính miệng Đức Kitô.
Tôma...
Chính Ngài làm chứng cho chúng ta về Đức Kitô Phục Sinh, nhưng cũng nói cho mỗi người chúng ta rằng, chúng ta cũng có thể tin các thánh sử Tin Mừng, các Ngài là những chứng nhân chính thức, còn chính Đức Kitô cho chúng ta đức tin nhờ các Ngài và nhờ Giáo Hội.
Khi Giáo Hội dạy, Giáo Hội nói lời Chúa cho chúng ta. Giáo Hội chỉ là người mang tiếng nói của Ngôi Lời. Chính Ngôi Lời nói, luôn luôn là thế. Các Giám Mục là người kế vị các tông đồ, không phải là các nhà thần học. Nên chúng ta phải chú ý nghe các Ngài, thì không nhất thiết phải luôn luôn nghe theo các Ngài. Đức tin không lay chuyển nhưng khoa học thì liên tục tiến triển.
Tôma còn nhắc nhở chúng ta chỉ có một tiếng nói chính thức và chúng ta cũng phải biết kính trọng trí khôn chúng ta và đức tin chúng ta, đừng để bất cứ ai, bất cứ cái gì nhồi sọ chúng ta, coi chừng nhiều tiên tri giả chung quanh chúng ta.
J.M

SUY NIỆM 4:
 Có một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến.
• Mở đầu tin mừng ngày hôm nay giới thiệu ông Tô-ma thuộc Nhóm Mười Hai Tông Đồ. Ông không theo Chúa một mình. Ông có các bạn cùng đi. Ông thuộc về một Nhóm và ông sống hết mình với Nhóm. Sự gần gũi giữa ông với Nhóm được thể hiện qua tên cúng cơm của ông: Đi-đy-mô.
• Ngày hôm đó ông không ở với các bạn của mình. Không biết ông đi đâu. Có nhiều cách nghĩ tiêu cực lẫn tích cực về việc vắng mặt của ông ngày hôm đó. Nếu ông biết Chúa đến chắc ông đã không vắng mặt. Tuy nhiên, sự vắng mặt của ông lại là cơ hội để các bạn ông có thể gặp được Chúa lần 2. Mọi sự đúng là không đi ra khỏi đường lối của Thiên Chúa.
Có rất nhiều chuyện xảy ra trong cuộc sống tưởng chừng như rất tiếc nuối. Thế nhưng, khi nhìn lại tôi mới nhận ra nó là hồng ân. Tôi có kinh nghiệm gì về điều này. Điều đó giúp tôi sống ra sao?
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết đọc và nhận ra những dấu chỉ của thời đại này.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 5: ĐỪNG CỨNG LÒNG NỮA
Sau khi nghe anh em kể lại việc Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra, thánh Tôma vẫn hồ nghi. Ông muốn đích thân kiểm chứng. Kinh Thánh ghi lại, tám ngày sau, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến và đã nói thánh Tôma đến kiểm chứng. Ngài đã biểu lộ một Thiên Chúa vừa là Đấng thấu suốt mọi sự vừa là Đấng kiên nhẫn trong tình yêu. Có thể nói, vì sự cứng lòng tin của thánh Toma mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã phải hiện ra với các môn đệ thêm một lần nữa. Thánh Tôma đã tin không phải do kiểm chứng các vết thương của Chúa, nhưng vì cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Giêsu dành cho mình.
Đức tin của chúng ta là một ân ban của Chúa, nhưng đức tin ấy cần được nuôi dưỡng không chỉ bằng những kiến thức về Ngài, mà còn là những cảm nghiệm sâu sắc về tình yêu của Ngài dành cho mỗi người. Chính nhờ việc cảm nghiệm được Chúa yêu thương, từng người mới đủ can đảm để dứt khoát với tội lỗi mà trở về để theo Chúa đến cùng. Bao lâu chúng ta còn chần chừ hay luyến tiếc với tội lỗi là bấy lâu chưa cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho mình. Hãy đứng dậy và làm lại từ đầu với một quyết tâm đổi mới để đáp trả lại tình yêu mà Chúa dành cho mỗi chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã luôn yêu thương chúng con bằng một tình yêu kiên nhẫn, để chúng con luôn có cơ hội nhận ra và trở lại với Chúa. Xin đừng để bất kỳ ai trong chúng con phải hối tiếc vì yêu Chúa quá muộn và để Chúa chờ quá lâu. Xin Chúa hãy đến với chúng con một lần nữa như Chúa đã đến với thánh Toma. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 6: TÔ MA, VỊ TÔNG ĐỒ CỦNG CỐ NIỀM TIN
Tám ngày sau lễ Phục sinh, Chúa Giê-su đã hiện ra với các tông đồ, nhưng thánh Tô-ma lại vắng mặt. Khi ông về, các tông đồ kể lại cho ông nghe biết việc Chúa Ki-tô đã Phục sinh, nhưng ông không tin và còn thách thức: “Nếu tôi không nhìn dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không thọc ngón tay tôi vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin“. Chiều ý thánh Tô-ma, một tuần lễ sau vào chiều Chúa nhật, Chúa Giê-su hiện ra một lần nữa với các tông đồ và có Tô-ma ở đó. Tô-ma đã thấy Chúa và ông đã tin Chúa Ki-tô Phục sinh.
Dựa vào câu chuyện trong Phúc Âm, người ta chỉ thấy sự cứng lòng tin của thánh Tô-ma. Như thế, hai chữ Tô-ma từ đó đã trở thành đồng nghĩa với sự cứng lòng tin và dường như đã trở thành một danh từ chung để chỉ những người không chịu tin một cách dễ dàng vào những chân lý hiển nhiên nào đó. Trường hợp đó người ta hay gọi ông là Tô-ma, và công khai hơn trong một kinh nổi tiếng mà Giáo hội hay đọc hoặc hay hát khi chầu Thánh Thể trong đó có câu: “Nay dầu không thấy Chúa tôi như thánh Tô-ma thuở trước, nhưng tôi cũng xưng ra thật, Chúa thật là Chúa Trời tôi”.
Khi đọc hoặc hát lên câu kinh đó, dù muốn dù không. Giáo hội đã nhắc công khai sự cứng tin của thánh Tô-ma. Tội nghiệp cho thánh Tô-ma, ngài đã đi vào lịch sử với sự cứng lòng tin nối tiếp của ngài. Hôm nay, để công bằng, chúng ta hãy có một cái nhìn về phía những người khác, về phía các tông đồ khác để biện hộ cho Tô-ma một chút kẻo tội nghiệp, Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Thế đã bị đóng đinh vào thập giá, đã bị giết chết thực sự nhưng biến cố quan trọng nhất là Ngài đã sống lại và hiện ra với các tông đồ.
Các tông đồ kia đã làm chứng về Chúa Ki-tô Phục sinh như thế nào? Có lẽ vì sợ sệt, trốn tránh mà các ông đã làm cho Tô-ma vẫn còn nghi ngờ. Các ông có phần trách nhiệm của mình đối với sự cứng lòng tin của Tô-ma.
Lạy thánh Tô-ma Tông đồ, xin cầu cho chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM 7:
Thánh Tôma (còn có tên gọi là Điđimô) là một trong mười hai tông đồ của Chúa Giêsu. Có lẽ thánh Tôma được biết đến nhiều nhất bởi sự kiện được ghi trong Tân Ước là: các tông đồ khác kể lại cho ông là đã nhìn thấy Chúa Giêsu hiện ra với họ sau khi chịu chết, nhưng ông không tin và đòi được tận mắt nhìn sự việc thì mới tin. Ngày khác, khi Giêsu lại hiện ra với các tông đồ, cũng có mặt Tôma, thì ông đã tin và thốt lên câu nói nổi tiếng: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" (Gioan 20, 24-28). Lời tuyên xưng ấy đã trở thành một phát biểu đức tin trong Tân Ước. Nhờ ngài mà Kitô Hữu có được lời nhận định của Đức Giêsu: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin" (Gioan 20,19).
Phúc Âm, đặc biệt là Phúc Âm thánh Gioan, đã cho ta thấy ngài là người rất nhiệt thành và tận tụy. Một lần Chúa Giêsu muốn về Giuđêa để cho Lazarô sống lại, nhưng nơi đó người Do Thái đang âm mưu giết Chúa, nên Tôma đã can đảm nói: "Nào chúng ta cùng đi để được chết với Thầy”(Gioan 11,16b). Thánh Tôma còn được nhắc đến khi Đức Giêsu hiện ra sau Phục Sinh, tại hồ Tibêria khi bắt được nhiều cá một cách lạ lùng. Truyền thống nói rằng, sau biến có Hiện Xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đi rao giàng khắp nơi, và thánh Tôma đã loan truyền Tin Mừng cho người Parthi, Medes, và Ba Tư; sau cùng ngài đến Ấn Độ, đem đức tin cho dân chúng ở vùng ven biển Malaca, mà giáo đoàn đông đảo ấy tự nhận họ là "Kitô hữu của thánh Tôma". Ngài đã chấm dứt cuộc đời qua sự cố đổ máu cho Thầy mình, đã bị đâm bằng giáo cho đến chết ở nơi gọi là Calamine.
Thánh Tôma chia sẻ số phận của thánh Phêrô, thánh Giacôbê và Gioan (những người "con của sấm sét"), thánh Philipphê và lời thỉnh cầu dại dột của ngài khi muốn được nhìn thấy Chúa Cha - thật vậy mọi tông đồ đều có những khiếm khuyết và thiếu hiểu biết. Tuy nhiên chúng ta không thể chỉ chú ý đến các khuyế điểm này, vì Đức Kitô đã không chọn những người vô dụng. Sự yếu đuối của các ngài vì bản tính loài người cho thấy sự thánh thiện là quà tặng của Thiên Chúa, chứ không phải công sức của con người; món quà ấy được ban cho những con người bình thường đầy khiếm khuyết; chính Thiên Chúa là người từ từ biến đổi những khuyết điểm ấy trở thành hình ảnh của Đức Kitô, can đảm, trung tín và nhân hậu.
Giáo Hội kính nhớ ngài vào ngày 3 tháng 7 hằng năm. Hợp ý với Giáo Hội, chúng ta hãy xin Chúa, nhờ lời bầu cử của thánh nhân, thêm đức tin cho chúng ta, nhất là trong thế giới duy vật ngày nay. Bằng việc quyết tâm noi gương Thánh Tôma tông đồ, chúng ta luôn cố gắng tìm tòi học biết niềm tin vào Chúa Kitô, để giúp những người cứng lòng được tin thật Người là Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ trần gian.
Giuse Đinh Thành Đạt SDB

SUY NIỆM 8: PHÚC CHO NHỮNG AI KHÔNG THẤY MÀ TIN  
Ngày nay, khi khoa học và công nghệ phát triển không ngừng, người ta thường chỉ tin vào những điều khoa học đã khám phá hay những điều mắt thấy, tai nghe. Niềm tin tôn giáo dần bị xem nhẹ. Hệ lụy là con người đang dần chối bỏ đức tin của mình, mà bám víu vào các thực tại của trần gian.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay họa lại hình ảnh một thánh Tôma ngờ vực, khi không tin Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra lúc ngài vắng mặt. Thế nhưng tám ngày sau, khi nhìn thấy Chúa hiện ra với các môn đệ và với mình thì thánh Tôma lại tuyên xưng một lời tuyệt vời: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con”. Thánh nhân đã tin khi được nhìn thấy Chúa Phục Sinh. Qua con mắt đức tin, ngài còn tin nhận Thầy mình là Thiên Chúa.
Sau lời tuyên xưng ấy, Chúa Giêsu đã nói với thánh Tôma: “Vì đã thầy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.” Với câu nói này, Chúa Giêsu tuyên bố phúc cho tất cả chúng ta là những người ở trong cùng tình trạng không được nhìn thấy Chúa. Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu, Đấng ở giữa chúng ta, cũng là Đấng đã chịu đóng đinh trên thập giá. Chúa Giêsu cũng nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa của một đức tin trưởng thành, giúp chúng ta bền tâm vững chí khi gặp gian nan thử thách, và kiên tâm bước trọn hành trình đức tin của mình với lòng trung thành và gắn bó với Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin củng cố đức tin non yếu của con. Xin cho con noi gương thánh Tôma tin Chúa và tuyên xưng niềm tin của mình trong suốt cả cuộc đời con. Xin cho con luôn biết tin tưởng, phó thác cuộc đời con trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Amen.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Xuyên, SVD


 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây