SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 04/07/2024 06:41
SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
Mt 9,9-13

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

9 Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.
10 Khi Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11 Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” 12 Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.
13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

SUY NIỆM 1: TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC
Không biết thời này còn thế hay không, chứ vào thời của Chúa Giêsu thì những nhân viên thuế vụ được người Do Thái xếp vào thành phần những người tội lỗi. Chính vì thế mà những người Pharisêu lấy làm ngạc nhiên và rất khó chịu, khi thấy Chúa Giêsu tiếp xúc và kêu gọi Matthêu làm tông đồ; rồi còn cùng ăn cùng uống với ông và những người thu thuế khác.
Trước những lời xầm xì bàn tán này, Chúa Giêsu đã thức tỉnh họ bằng một lập luận hết sức chắc và đầy thuyết phục, mà khi nghe xong ai ai cũng hiểu được vấn đề, đó là: “Người khỏe mạnh thì không cần thầy thuốc, chỉ những người đau ốm mới cần”. Và ở cuối bài Tin mừng, Chúa Giêsu còn cho biết, đây chính là một trong những sứ mạng hàng đầu của Ngài, khi Ngài nói: “Tôi không đến để kêu gọi những người công chính, mà để kêu gọi những người tội lỗi”.
Thật vậy thưa anh chị em, một bệnh viện mà chỉ tiếp nhận những người khỏe mạnh thì đâu còn gọi là  bệnh viện nữa. Hay một tổ chức từ thiện mà chỉ giúp đỡ những người giàu có thì sao mà gọi là từ thiện được. Cũng vậy, người kitô hữu mà chỉ yêu thương những kẻ yêu thương mình thì có gì đâu mà để tự hào là mình đang sống đạo yêu thương. Một người vợ, người chồng mà chỉ đón nhận những điều tốt của người bạn đời; nhất định không chịu chấp nhận và tha thứ cho những khuyết điểm, thiếu sót và lỗi lầm của nhau; thì sao gọi là tình nghĩa phu thê được. Một người làm cha làm mẹ mà chỉ yêu thương những đứa con ngoan hiền, đạo đức và hiếu thảo; còn những đứa con ngỗ nghịch, lầm đường lạc lối thì bỏ mặt, vậy thì nét đẹp tình phụ tử, tình mẫu tử còn hay không.
Chúa Giêsu thừa biết người ta sẽ nói gì khi thấy Ngài tiếp xúc với Matthêu và những người thu thuế khác, nhưng Ngài vẫn làm. Bởi tình yêu thì mạnh hơn lý trí. Kết quả là, Mathêu đã bỏ hết mọi sự mà đi theo Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi hãy noi gương Chúa Giêsu, là để tình yêu vượt thắng mọi lý luận theo kiểu con người.
Bởi một tình yêu phu thê mãnh liệt sẽ giúp được người chồng người vợ bỏ những thói hư tật xấu, những hành động bội nghĩa bạc tình, để trọn đời thủy chung. Một tình yêu phụ mẫu mãnh liệt sẽ cảm hóa được con cái và giúp chúng bỏ con đường lầm lạc mà quay trở về.
Và để kết thúc, chúng ta cùng lắng nghe lại những lời sau của Chúa Giêsu:“Người khỏe mạnh thì không cần thầy thuốc, chỉ những người đau ốm mới cần”. Những người mà chúng ta cảm thấy ghét cay ghét đắng và muốn loại trừ, lại là những người đang cần đến tình yêu thương của chúng ta nhiều nhất thưa anh chị em. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 2: KÊU GỌI NGƯỜI TỘI LỖI
Chúa Giêsu gọi Mattheu làm môn đệ của Ngài ngay khi ông đang thu thuế, nghĩa là đang ở trong tình trạng tội lỗi. Ngài biết rõ con người của Mattheu nhưng vẫn chọn ông, vì trong mắt Ngài, Mattheu vẫn là người con của Thiên Chúa. Dù ông có phạm tội nhiều như thế nào, thì mãi mãi ông vẫn là con của Thiên Chúa nên vẫn được Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa không quan tâm là ông có yêu Ngài hay không, nhưng Ngài muốn cho ông biết là Ngài rất thương ông.
Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Chúa Giêsu ví những người tội nhân giống như những bệnh nhân. Chỉ có những người bệnh mới biết mình cần gì và chỉ có các bác sĩ mới hiểu được bệnh nhân muốn gì. Chúa Giêsu đặt mình vào vị trí của người tội lỗi để hiểu được điều duy nhất người tội lỗi cần là được tha thứ. Nếu người tội lỗi hạnh phúc khi được tha thứ, thì Thiên Chúa còn hạnh phúc hơn khi ban ơn tha thứ. Chúng ta hãy để cho Chúa đi vào trong cuộc đời của mình để được Chúa tha thứ. Mỗi người hãy cho mình cơ hội để được giao hòa với Ngài và cho Ngài cơ hội để chữa lành những vết thương tội lỗi của mình.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã vì yêu mà bỏ trời cao xuống ở với chúng con. Chúa không chê chúng con dơ bẩn hay sợ bị vấy bẩn vì tội lỗi chúng con. Chúa luôn muốn ở với chúng con và dìu chúng con bước ra khỏi bóng đêm tội lỗi để trả lại cho chúng con sự tự do làm con cái Chúa. Xin cho chúng con một khi cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót mà Chúa dành cho chúng con, thì đến phiên mình, chúng con cũng mở rộng con tim để trao ban tình thương và mở rộng đôi tay để nâng đỡ những ai đến với chúng con. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 3:
Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.
• Hành trình trên đường của Đức Giêsu luôn có những sự tình cờ. Ngài đi ngang qua trạm thu thuế và Ngài thấy ông Mát-thêu đang ngồi đó. Đây là sự gặp gỡ giữa hai tư thế trái ngược: bên chủ động và bên bị động.
• Ông Mát-thêu đang ngồi, ông đang làm việc và không biết ông thấy Chúa đi ngang qua ông không. Ông đang trong thế bị động. Đức Giêsu đi trong thế chủ động. Ngài cất tiếng gọi ông: “Anh hãy theo tôi!” Tiếng gọi làm ông thay đổi thái độ từ bị động chuyển qua chủ động. Ông đứng dậy đi theo Người.
• Cuộc sống luôn có những sự tình cờ. Những cuộc hội ngộ sau bao nhiêu năm xa cách, những cuộc gặp đưa đến những mối nhân duyên. Thế nhưng, có bao giờ mỗi người chúng ta để lòng mình luôn sẵn sàng mở ra cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa không?
Cuộc gặp gỡ Đức Giêsu đã làm cho Mát-thêu không chỉ thay đổi thái độ mà còn cả lý tưởng sống của ông. Tôi được mời gọi gì khi ngắm nhìn cuộc gặp gỡ này?
Lạy Chúa, gặp Chúa là một ơn lớn. Xin ban ơn cho chúng con.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 4:

Phân tích
Thánh Mátthêu tường thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi chính ông:
Ông là một người thu thuế tội lỗi.
Chính Chúa Giêsu là người đi bước trước tới ông: “Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy Ngài phán bảo ông.”
Bởi thế ông rất mừng và mau chóng đáp lời: “Ông đứng dậy và đi theo.”
Ông mừng đến nỗi ngay sau đó mở tiệc khoản đãi Chúa Giêsu và các bạn thu thuế của mình.
Qua kinh nghiệm này, thánh Mátthêu hiểu Chúa Giêsu là thầy thuốc của những kẻ tội lỗi bệnh tật linh hồn: “Ta đến không phải để kêu gọi kẻ công chính nhưng đến để kêu gọi người tội lỗi.”
Suy gẫm
1. Bản thân tôi cũng là một kẻ tội lỗi được Chúa thương kêu gọi đi theo Ngài. Lẽ ra tôi phải luôn nhớ mãi hồng ân ấy và cũng quảng đại với những người tội lỗi như tôi. Thế nhưng hình như khi tôi được Chúa gọi rồi thì tôi liền quên ngay chuyện đó. Tôi tự coi mình là công chính và lên mặt khó chịu với những kẻ tội lỗi. Tôi không muốn Chúa kêu gọi thêm những người tội lỗi nào nữa cả.
2. Trước lúc Chúa Giêsu gọi, Mátthêu “ngồi”: tư thế không muốn thay đổi, tại “bàn thu thuế”: môi trường sống tội lỗi. Nhưng ngay khi được Chúa Giêsu gọi, ông nhanh chóng “đứng dậy” và “đi theo.” Thái độ này biểu hiện sự dứt khoát thay đổi, một hành trình mới.
3. Chúa Giêsu thầy thuốc chữa trị những nỗi đau của con người, Ngài đến là nhằm kêu gọi những kẻ tội lỗi, Ngài bảo “Ta muốn lòng nhân từ.” Bây giờ tôi là đại diện của Chúa. Tôi sống và cư xử như thế nào để người ta hiểu Chúa của tôi là như thế? Tôi thấy có cần điều chỉnh hay sửa đổi gì trong cách sống và cư xử của tôi?
4. Đồ phế thải và người phế thải:
Abbé Pierre chuyên giúp những người nghèo và vô gia cư để họ tự lực cánh sinh từ những vật dụng phế thải. Cha kể lại câu chuyện sau đây:
“Có một cựu tù nhân sống lang thang không nhà cửa nên thất vọng dùng dao cắt mạch máu của mình. Có người gọi điện thoại cho Cha. Cha lập tức đến nơi. Cha không một lời an ủi nhưng nói với ông ta như ra lệnh: “Anh đừng tự vẫn. Còn quá nhiều người kém may mắn cần sự giúp đỡ của tôi. Tôi cũng đang bệnh và cần sự giúp đỡ của anh.” Nghe những lời đó, đôi mắt lờ đờ của người đàn ông sáng lên và từ đó ông trở thành một trong những cộng sự viên đắc lực nhất của cha.
5. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham dự vào bữa tiệc ấy là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tinh thần yêu thương, thì tất cả những kinh kệ, những hành động phụng vụ chỉ là trống rỗng vô ích. Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những hành động yêu thương chia sẻ, tha thứ đó sao? Lúc đó bàn thờ của chúng ta không chỉ nằm trong bốn bức tường Nhà thờ, mà còn phải là gia đình, công sở, phố chợ. Nơi nào có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ thì nơi đó có Chúa hiện diện, có bình an, có Nước Trời.
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

SUY NIỆM 5: CẢM NGHIỆM ĐỂ LÀM CHỨNG 
Trong dịp lễ tạ ơn của một tân linh mục, mọi người hiện diện được nghe thấy cha mới chia sẻ lúc đầu lễ rằng: “Cộng đoàn cùng với con tạ ơn hồng ân Thiên Chúa đã ban cho con Thiên Chức linh mục, mặc dù con bất xứng, yếu hèn và vô dụng. Nhưng vì yêu thương, nên Chúa đã gọi và chọn con tiến lên bàn thánh để con trở thành linh mục của Chúa”. Câu nói đó của tân linh mục diễn tả một sự cảm nghiệm sâu xa tình thương mà Chúa dành cho cha.
Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu gọi ông Mátthêu, người thu thuế, hẳn ông cũng cảm thấy mình bất xứng vì công việc bất chính của ông đang làm. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã gọi ông để ông trở thành môn đệ.
Khi nghe thấy tiếng Chúa mời gọi, ông đã cảm nghiệm được tình yêu của Đức Giêsu, nên ông đã dứt khoát đứng dậy, rời khỏi bàn thu thuế, nơi ông đang làm việc, nơi ông đã gắn bó, nơi là sự nghiệp đã nuôi sống ông và gia đình ông, để đáp lời mời gọi đầy trìu mến và đi theo Đức Giêsu.
Thật vậy, một tình yêu, một lòng mến, Đức Giêsu đã gọi ông. Cũng một tình yêu, một lòng mến, ông đã đáp lại tiếng Đức Giêsu mời gọi, để tiếp bước trên hành trình loan báo Tin Mừng tình thương của Chúa trong cuộc đời môn đệ nơi ông.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhận ra mình bất xứng để cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Mặt khác, từ những gì đã cảm nghiệm, Chúa cũng muốn mời gọi chúng ta sẵn sàng cảm thông cho những yếu đuối của anh chị em mình, sống khiêm tốn và đón nhận Thánh giá trong hành trình môn đệ của mình như một hồng ân.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã được Chúa yêu thương quá nhiều, dù chúng con bất xứng. Xin Chúa cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho chúng con, để rồi chúng con ra đi loan báo về tình yêu đó cho anh chị em mình. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 6: CHÚA CHỌN MATTHÊU
Sứ mạng của Chúa Giê su đến trần gian là cứu chuộc nhân loại. Cuộc sống tại thế của Ngài là hành trình tìm kiếm, yêu thương. Ngài luôn quan tâm đến những con người nghèo khổ, ốm đau bệnh tật, nhất là những người thu thuế, những phường tội lỗi. Ngài không những đích thân đến nhà họ để ăn uống đồng bàn, chia sẻ mà hôm nay, Tin mừng còn cho thấy Ngài chọn gọi Matthêu một trong những người thu thuế, xem là tội lỗi ấy làm môn đệ của Ngài. 
Dưới cái nhìn của con người thời nay cũng như xưa, người làm nghề thu thế bị coi khinh, bị coi là những kẻ bất chính, bóc lôt dân. Nhất là thời Chúa Giê su, người Do Thái đang chịu sự đô hộ của Quốc chế Rôma nên họ rất ghét những ai làm nghề này. Vì họ cho rằng làm nghề này trước hết là bỏ tổ, bỏ tiên, bỏ cả Thiên Chúa. Thứ hai là làm tay sai cho ngoại bang là kẻ bán nước. và sau cùng là lạm dụng chức vụ để bóp chẹt dân vì “thuế cao sưu nặng” (x Lc 3, 12-13).Chính Mattheu cũng không thoát khỏi cái nhìn đầy căm ghét, đố kỵ này của người đồng hương mình.
Thế nhưng, Chúa Giêsu là Thiên Chúa tình yêu, là Thiên Chúa giàu tình thương và tha thứ, chậm bất bình và tràn đầy xót thương đã tìm đến với Matthêu trong lúc ông đang ngồi tại bàn thu thuế. Ngài lên tiếng gọi: “Anh hãy theo tôi”. Ông liền bỏ tất cả đứng dậy theo Ngài.(x Mt 9,9)
Thật vậy tình yêu vô biên khoan dung ,nhân hậu và nhẫn nại của Chúa Giê su đã cuốn hút Mat thêu. Đặc biệt là ánh mắt nhân từ, cảm thông  và tha thứ của Ngài đã khiến ông vô cùng sung sướng,và hạnh phúc. Ông tin vào Chúa, tin vào tình yêu Chúa. Của cải vật chất, tiền tài, bổng lộc, chức vị, giờ đây đối với ông chẳng còn ý nghĩa gì. Lời mời gọi yêu thương của Chúa đã đổi mới cuộc đời ông. đã biến đổi đời ông, đã cho ông một sức sống mãnh liệt trong tâm hồn. Ông đứng phắt dậy theo Ngài không chút do dự.
Chưa hết, ông còn đãi một bữa tiệc thịnh soạn để cám ơn Chúa, cám ơn tình yêu thương tha thứ, chọn mời ông cách riêng và đồng thời để chia tay các bạn hữu đồng nghiệp của mình. Trước tấm lòng biết ơn tràn đầy vui sướng, hạnh phúc của ông, Chúa đã không từ chối lời mời khát khao của ông. Ngài đã đến dự buổi tiệc chia tay đầy niềm vui và nước mắt hạnh phúc ấy. Ngài đã chấp nhận hòa mình nhưng không hòa tan vào thế giới của những người bị coi khinh, tội lổi. Ngài đồng bàn với họ nhưng không đồng lõa với lầm lỗi họ. Trái lại, sự hiện diện của Ngài “gần bùn nhưng chẳng hôi tanh mùi bùn”đã mang đến cho họ niềm vui, bình an đích thực. không những  họ được đổi mới được biến đổi tâm tư, tình cảm, cái nhìn mà ngay cả lối sống.  
Thấy vậy,  những người Pharisêu nói  với các môn đệ: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy”? khi nghe những lời ấy, Chúa đã bênh vực người tội lỗi ngay, ngài đáp “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần”. Vì “tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi”(x Mt 9,12-13).
Qua đó, Chúa cũng muốn dạy chúng ta bài học hãy luôn khiêm nhường như Matthêu nhận ra mình là người đau yếu,  bệnh tật, ý thức mình là kẻ tội lỗi trước mặt Chúa để được Ngài thứ tha chữa lành. Vì “Nhân vô thập toàn”. Còn những ai tự cho mình là công chính, khỏe mạnh không cần thầy thuốc thì chẳng bao giờ được cưú độ.
Là người môn đệ của Chúa, được Chúa yêu thương chọn gọi, bạn đã đáp trả lời mời gọi của Chúa thế nào? Trong cuộc sống bạn có dám can đảm từ bỏ tất cả mọi sự để theo Ngài và đặt Ngài là trung tâm đời sống mình như Thánh Phao lô đã xác quyết  “Những gì trước kia tôi cho là có lợi, thì nay vì Đức ki tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nũa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyết vời, là được biết Đức Ki tô Giê su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức tô” (Pl 3,7-8)?
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một đức tin vững bền, biết cậy trông vào tình yêu thương, tha thứ của Chúa để chúng con luôn khiêm nhường nhận ra những yếu đuối lỗi lầm của mình mà ăn năn sám hối, chạy đến với Chúa để được Chúa yêu thương tha thứ như xưa Vua Thánh Đa vit đã hết lòng cậy trông vào Ngài khi cầu nguyện:
“Lạy Thiên Chúa,
Xin lấy lòng nhân hậu xót thương con.
Mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm.
Tôi lỗi con xin Ngài thanh tẩy
Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ
Và lấy tinh thần qung đại đỡ nâng con” (Tv 50)
Đồng thời ban cho chúng con một trái tim nhạy cảm để con luôn biết yêu thương, cảm thông với những yêu đuối của tha nhân và giúp họ cùng nhau quay về với Chúa.
Phêrô. Phan Nha

SUY NIỆM 7:
“Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, kẻ đau yếu mới cần”
   1/ Kỳ thị là tật xấu thâm căn cố đế của con người, xưa cũng như nay và cho đến tận thế. Chỉ có ai tin theo Chúa Giêsu và sống lý tưởng của Người thì mới sửa được tính xấu này.
   Trong Đức Kitô không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà… Tất cả chỉ là một trong Chúa Kitô (Gl 3, 28).
   2/ Chúa Giêsu không bao giờ có thái độ phân biệt đối xử. Người gần gũi, bao dung, yêu thương mọi người: vào ngụ tại nhà ông Giakêu thu thuế, nói chuyện với người phụ nữ 5 đời chồng ở bờ giếng Giacóp, ngồi ăn với người thu thuế và quân tội lỗi… không ngại kêu mời Lêvi thu thuế vào hàng tông đồ…
   3/ Chúa dậy cho các biệt phái kiêu căng một bài học: Các ông tự cho mình là công chính rồi khi miệt những kẻ khác… Mà không biết chính mình đầy tội lỗi… Như những nấm mồ tô vôi, bên ngoài coi trắng đẹp nhưng bên trong là xương thịt thối tha…
   4/ Tự phong cho mình tước hiệu công chính đã là một tội trước mặt Chúa vì: “Trước nhan Chúa chẳng có ai là công chính” (Tv 142, 2).
   Thánh Augustinô, trong sách Tự Thuật đã tha thiết cầu xin Chúa: “Xin cho con biết Chúa. Xin cho con biết con”.
Xin cho chúng con nhận biết mình yếu đuối, tội lỗi, thấp hèn để chúng con khiêm tốn học theo gương Chúa, biết bao dung trước những khuyết điểm của anh chị em, sống yêu thương chan hòa với mọi người nhất là những anh chị em kém may mắn hơn chúng con. Amen.    
 Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết
SUY NIỆM 8:
Bức tranh “Ơn Gọi của Mátthêu” rất nổi tiếng của họa sĩ Caravage, sinh năm 1571 tại Milan, Nước Ý, và qua đời năm 1610; bức tranh hiện đang được treo tại một nhà thờ nhỏ ở Rôma.
Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi tại trạm, Người nói với ông:“Anh hãy theo tôi”, ông đứng dậy đi theo Người (Mt 9, 9).
Bài Tin Mừng kết thúc với câu nói này của Đức Giêsu: “Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (c.13). Lời nói này phù hợp với biến cố mở đầu bài Tin Mừng: Người kêu gọi thánh Mátthêu, vốn là người tội lỗi; và đó không phải là bất cứ ơn gọi nào, nhưng là ơn gọi tông đồ và là tông đồ thánh sử.
1. Chiêm ngắm Đức Giêsu với lời mời gọi nhưng không (c.9)
“Anh hãy theo tôi!” – Ông đứng dậy đi theo Người. Cách gọi và cách đáp quá đột ngột, vì trong sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu, không có điều gì được kể lại để chuẩn bị cho biến cố này. Vì thế, chúng ta thường suy đoán rằng, sách Tin Mừng chỉ kể tóm tắt thôi, nhưng trong thực tế cần có những tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp, sự quen biết và nhất là tìm hiểu trong một thời gian nào đó, để Đức Giêsu đi đến quyết định gọi ông Mátthêu, và để ông Mátthêu đi đến quyết định bỏ tất cả đi theo Đức Giêsu. Giống như một bạn trẻ đi tìm hiểu ơn gọi, và cũng giống như hai bạn trẻ nam nữ tìm hiểu nhau trước khi quyết định “đi theo nhau” suốt đời. Các bộ phim về cuộc đời Đức Giêsu thường được diễn tả theo hướng này, khi tái hiện ơn gọi của thánh Mátthêu.
Nhưng tại sao thánh sử Mátthêu không kể rõ ra? Chắc chắn, khi kể lại ơn gọi của mình một cách cô đọng như thế, thánh sử có sứ điệp gì đặc biệt muốn nói với chúng ta. Tương tự như bức tranh, những gì được vẽ ra đó và vẽ ra như thế đó, không thêm không bớt, muốn truyền đạt cho người biết chiêm ngưỡng một cái nhìn, thậm chí cả một thế giới quan và nhân sinh quan. Và trong đức tin, chúng ta đón nhận sứ điệp của tác giả sách Tin Mừng như là Lời Chúa.
Hoặc nếu không suy đoán thêm ra như thế, chúng ta có thể thán phục trước lời đáp mau mắn và dứt khoát của thánh Mátthêu; và rồi chúng ta có thể cảm thấy buồn rầu và ray rứt vì lời đáp của mình sao mà chậm chạp thế, sao mà dây dưa thế. Cách hiểu này chỉ đem lại cho chúng ta mặc cảm giới hạn, thậm chí tội lỗi, và nản chí; chắc chắn đó không phải là sứ điệp của trình thuật Tin Mừng. Trình thuật mời gọi chúng ta ra khỏi mình để chiêm ngắm chính Đức Giêsu.
Đức Giêsu gọi Mátthêu như ông đang là, đang lay hoay với công việc, với những bận tâm của riêng mình. Cũng giống như khi Ngài gọi hai anh em Phêrô và Anrê, hai anh em Giacôbê và Gioan (Mt 4, 18-22); Ngài gọi khi họ đang lay hoay với lưới với thuyền cùng với những người thân, khi họ đang bận tâm với những vấn đề của cuộc sống. Ngài dường như không cần chuẩn bị lâu dài các ông rồi mới gọi; tiếng gọi của Đức Giêsu thật nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người nghe.
Chúng ta đừng bao giờ để phai nhạt đi sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi nhưng không của Đức Giêsu dành cho chúng ta: tại sao Chúa lại gọi con? Tại sao Chúa lại chọn con? Tại sao lại dẫn con đi trên con đường này? Tại sao Chúa lại sai con? Tại sao Chúa lại trao cho con sứ mạng này? Tại sao Chúa lại trao cho cho “chén” này?…Chúng ta hãy luôn làm mới lại sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi của Đức Giêsu, vì đó là động lực giúp chúng ta làm mới lại lời đáp của chúng ta[1].
Lời Chúa mạnh đến độ làm bật tung ông Mátthêu ngay tại nơi ông làm việc, nơi ông gắn bó, nơi nuôi sống ông và gia đình, nơi là sự nghiệp của ông, là cuộc đời của ông. Chúng ta còn chậm chạp và dây dưa trong cách đáp lại, chính là vì chúng ta chưa thực sự nghe được tiếng Chúa. Vì thế, chúng ta hãy ước ao và xin đích thân nghe được tiếng Chúa gọi với tất cả sức mạnh của Lời Chúa, không chỉ một lần, nhưng hằng ngày và suốt đời. Lời Chúa sẽ đụng chạm đến chốn sâu thẳm nhất nơi con người của chúng ta, sẽ biến đổi chúng ta, vì Lời Chúa là Lời tạo dựng nên chúng ta[2].
Ơn gọi thiết yếu là một tương quan, dù đã khởi đầu như thế nào và do hoàn cảnh ngoại tại hay nội tại như thế nào: Chúa gọi và chúng ta đáp lại, như thánh Mátthêu đã nghe, “đứng dậy và đi theo Người”. Cách Đức Giêsu gọi Mátthêu và cách ông đáp lại chính là nền tảng của mọi ơn gọi; và nền tảng thì luôn luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, trong mỗi ngày sống và nhất là mỗi khi chúng ta lựa chọn. Ơn gọi hiểu như thế, thì không thể chỉ là một biến cố đã qua, nhưng phải được sống và hiện tại hóa hằng ngày, thậm chí phải diễn ra hằng ngày.
Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi tại trạm.
Ngài đi ngang qua cuộc đời của mỗi người chúng ta hàng ngày, và lúc nào ngài cũng thấy chúng ta đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó. Ngài gọi chúng ta thật bao dung và quảng đại; và chúng ta được mời gọi đáp lại cách bao dung và quảng đại như lời đáp đầu tiên của chúng ta trong bước đường đi theo Người trong một ơn gọi, độc thân, gia đình hay đời dâng hiến.
2. Chiêm ngắm cách Đức Giêsu tương quan với những người tội lỗi (c.10)
Thánh Mátthêu được mời gọi đi theo Đức Giêsu, nhưng sau đó Người lại đi theo ông, để đến nhà của ông! Ở đó, mọi người dùng bữa và chắc chắn đó là một bữa ăn “say sưa”, vì chỉ toàn đàn ông và vì họ là “bọn thu thuế và quân tội lỗi”. Vì đây là một bữa ăn, nên chúng ta được mời gọi không chỉ nhìn và nghe, nhưng còn được mời gọi ngửi, nếm và đụng nữa:
  • Chúng ta hãy cảm nhận không chỉ hương vị của bữa ăn, nhưng còn hương thơm của của tình bạn : tình bạn của mọi người dành cho Đức Giêsu và của Đức Giêsu dành cho mọi người.
  • Chúng ta được mời gọi thưởng thức không chỉ những món ăn ngon, nhưng còn thưởng nếm sự đón nhận và sự gần gũi Đức Giêsu dành cho những người tội lỗi.
  • Và chúng ta hãy đưa tay đụng vào Đức Giêsu, như đụng tới được lòng nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu, và để cho lòng mình rung động.
Như thế, khi kêu gọi thánh Mátthêu, Ngài không chỉ muốn gặp thánh nhân ở nơi công cộng, nơi ông làm việc, nhưng còn muốn gặp ông nơi riêng tư nhất, nơi tất cả những gì làm nên con người ông: nhà của ông, gia đình và những người thân yêu của ông, bạn bè của ông; và đó là những tương quan diễn tả con người đích thật của ông, làm nên con người của ông.
Chúng ta thường nghĩ đi theo Chúa là phải đoạn tuyệt với gia đình, bạn bè, với quá khứ, với cuộc đời đã qua. Nhưng làm thế, chúng ta đâu còn là chính mình nữa! Và cũng không thể làm được vì tất cả những điều này làm nên con người thực sự và hiện tại của chúng ta. Đức Giêsu muốn gặp gỡ và phải “băng qua”, như Người “phải băng qua Samari” (Ga 4, 4), tất cả những điều đó nữa, tất cả những gì thuộc về chúng ta, Ngài muốn gọi và gặp chúng ta như chúng ta là một cách hiện thực và trong sự thật. Tất cả sẽ được Đức Giêsu “hoàn tất”, nghĩa là chữa lành, tái tạo và hướng tới sự sống đích thực và viên mãn chứ không phải bị loại bỏ (x.Mt 5, 17).
3. “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần của lễ” (c.11-13)
Cách tương quan của Đức Giêsu đối với Mátthêu, với các đồng nghiệp của ông và những người tội lỗi làm bật ra những ý nghĩ thầm kín của những người Pharisêu: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” Sự “đồng bàn” này của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, sẽ mãi mãi khó được chấp nhận, không chỉ bởi những người Pharisêu, nhưng bởi con người thuộc mọi thời, trong đó có chính chúng ta, ngấm ngầm hay công khai. Như những người Pharisêu, chúng ta muốn “nhốt” Người vào trong một khuôn khổ tư tưởng hay cơ chế định sẵn.
Trong cuộc Thương Khó, Đức Giêsu còn đi xa hơn nữa: Ngài để mình bị bắt như một tội nhân, bị xét xử và lên án như một tội nhân, bị hành hình như tội tội nhân và ở giữa các tội nhân. Loài người chúng ta mãi mãi không hiểu: “Sao Thầy đi con đường điên rồ và sỉ nhục như vậy”?
Những người Pharisêu tế nhị không nói thẳng với Đức Giêsu, nhưng Đức Giêsu thì nói thẳng với họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc…Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần của lễ”. Ngài ví mình như thầy thuốc, và đề nghị họ học một câu Kinh Thánh nói về điều Thiên Chúa ưa thích nhất. Lòng nhân từ của Thiên Chúa được biểu lộ cách tuyệt vời qua hành động chữa lành.
Chúng ta được mời gọi nhận ra những bệnh hoạn tật nguyền của mình và để cho thầy thuốc Giêsu đến chữa lành, cây thuốc của Ngài là cây Thập Giá. Đó chính là kinh nghiệm nền tảng về lòng nhân từ của Thiên Chúa, và chính kinh nghiệm này làm cho chúng ta có thể nhân từ với nhau và hiến dâng đời mình để làm chứng nhân. Nếu chúng ta tự cho mình là công chính, tự cho thôi và vì thế chỉ là ảo tưởng, tự tạo lập “sự xứng đáng” cho mình, chúng ta sẽ không có kinh nghiệm về lòng nhân từ và cũng chẳng có thể sống nhân từ. Chúng ta đi theo Đức Giêsu, chính là đi theo.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây