THÁNH LÔRENXÔ, PHÓ TẾ, TỬ ĐẠO
Thứ tư - 09/08/2023 10:32
Lời Chúa: Ga 12, 24-26
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thật, Ta nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.
Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó".
SUY NIỆM 1: Mang nhiều hoa trái-- Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Khi nghĩ đến cái chết sắp đến của mình,
Đức Giêsu lại nghĩ đến thân phận hạt lúa mì.
Ngài nói một điều mà ai cũng biết như một định luật tự nhiên,
một điều chẳng làm ai ngỡ ngàng kinh ngạc.
Nếu một hạt lúa rơi xuống đất và không chết đi, nó trơ trọi một mình;
nhưng nếu nó chết đi, nó mới mang nhiều hoa trái” (c. 24).
Đức Giêsu ví mình như hạt lúa đem gieo.
Điều kiện để đời Ngài đơm bông kết trái, đó là cái chết.
Không chấp nhận chết đi, hạt lúa vẫn chỉ là hạt lúa trơ trọi.
Đức Giêsu không muốn mình là thứ hạt lúa ấy,
được bao bọc vững chắc bởi lớp vỏ, cố giữ cho mình được nguyên vẹn,
vì thế cũng chẳng chịu vươn ra khỏi mình,
chẳng dám đánh mất chính mình để nảy mầm sinh hạt.
Đức Giêsu đã đón lấy cái chết như con đường để sự sống sinh sôi.
Cái chết của Ngài trên thập giá có khả năng kéo được mọi người lên (Ga 12, 32),
và thu hút cả vũ trụ về với Thiên Chúa.
Có một hạt lúa mang tên Giêsu.
Hạt lúa ấy đã chấp nhận chịu mục nát,
để cả thế giới trở thành đồng lúa thơm trĩu hạt.
Mỗi Kitô hữu cũng là một hạt lúa, được mời gọi để sống như hạt lúa Giêsu.
“Ai yêu mạng sống của mình, thì sẽ mất nó;
còn ai ghét mạng sống của mình ở trần gian này,
thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (c. 25).
Vấn đề là yêu hay ghét cuộc sống ở đời này.
Kitô hữu không phải là những kẻ chán đời hay khinh rẻ cuộc đời tại thế.
Ghét mạng sống ở đây chỉ có nghĩa là không đặt nó lên chỗ cao nhất,
không để nó chiếm chỗ của Thiên Chúa.
Chính khi nhận ra giá trị tương đối của cuộc đời trần thế này,
chúng ta mới có hy vọng giữ được nó mãi mãi.
Ngược lại, thái độ bám chặt vào đời này, gắn bó với nó một cách lệch lạc,
lại dẫn đến việc đánh mất hạnh phúc, cả đời này lẫn đời sau.
Thánh Laurensô đã bị thiêu sống ở Rôma trên một chiếc giường sắt,
sau khi ngài đã phân phát tài sản của cộng đoàn cho người nghèo.
Thầy phó tế Laurensô đã sống như người phục vụ cho Đức Kitô (c. 26)
bằng cuộc sống và cái chết tử đạo năm 258.
Được ở bên Thầy Giêsu mãi mãi và được Cha Thầy quý trọng,
đó là điều Laurensô được hưởng và cũng là hy vọng của chúng ta.
Cầu nguyện:
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người,
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. (R. Tagore)
SUY NIỆM 2: Thánh Laurensô Phó Tế Tử Đạo--Nt. M. Anh Thư OP
Sự sống con người vốn đáng quý, bởi nó bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Trong sự vâng phục Chúa Cha, Chúa Giêsu đã được sai đến để yêu thương cứu chuộc con người khỏi mọi tội lỗi, và cho con người sự sống vĩnh cửu. Noi gương Chúa Giêsu, có những người đã dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu bất diệt vượt trên mọi đau khổ và cả cái chết. Đó chính là thánh Laurensô tử đạo mà hôm nay Giáo hội mừng kính.
Thánh Laurensô sinh tại một thị trấn ở Aragon, nước Tây Ban Nha. Ngay từ khi còn trẻ, Laurensô đã được gửi đi du học ở Rôma. Tại đó, ngài đã được Đức Giáo hoàng Xíttô II trao chức phó tế để phục vụ trong nhà thờ và giúp đỡ những người nghèo như “tài sản của Giáo hội”.
Vào tháng 8 năm 258, Hoàng đế Valerianô ra lệnh cấm đạo, Đức Giáo hoàng Xíttô II bị kết án tử hình cùng với sáu phó tế, trong đó có Laurensô. Khi bị bắt, viên tổng trấn Roma yêu cầu Laurensô giao tất cả tài sản của Giáo hội cho đế chế. Tuy nhiên, theo lời chỉ dạy của Đức Giáo Hoàng, trước khi ra pháp trường, Laurensô đã phân phát hết tiền của, tài sản của Giáo hội cho người nghèo, ngài còn bán cả các phẩm phục quý giá để có thêm tiền phân phát.
Khi tổng trấn chất vấn về số tài sản ấy thì Laurensô đã khẳng định những người nghèo, những người khuyết tật, người mù lòa và đau khổ mới là những thực sự là ‘tài sản của Giáo hội’. Viên tổng trấn nổi giận, buộc Laurensô phải dâng lễ tiến các thần minh. Vị phó tế Laurensô đã từ khước dù phải chịu mọi cực hình, bị nướng trên giàn sắt nung đỏ và đã lãnh phúc tử đạo vào ngày 10 tháng 8 năm 258 tại Rôma. Trước khi chết, ngài đã cầu xin cho mọi tín hữu trong thành phố Rôma được ơn trở lại với Ðức Kitô, và cho Ðức Tin Công Giáo được lan tràn khắp thế giới.
Thánh Laurensô là vị thánh tử đạo được các tín hữu ở Rôma yêu mến một cách đặc biệt. Thời Trung Cổ, đã có ít là 34 thánh đường ở Rôma được dâng kính thánh nhân. Ngài cũng là vị thánh bổn mạng thứ ba của thành Roma.
Thánh Laurensô đã sống triệt để Lời Chúa dạy, như hạt lúa mì chịu chôn vùi dưới đất, thánh nhân đã chịu mục nát trong thân phận con người để trỗi dậy mạnh mẽ trong sức sống mới của Thiên Chúa. “Người được lãnh nhận Đấng trao ban chính mình tại bàn tiệc thánh thế nào, thì người cũng trao hiến chính mình làm của ăn cho người khác như vậy. Khi sống người yêu mến Đức Kitô, thì lúc chết người cũng bắt chước Đức Kitô. Các thánh tử đạo đã đi theo Đức Kitô đến nỗi chịu đổ máu, chịu đau khổ như Người. Các thánh tử đạo đã đi theo Đức Kitô, nhưng không phải chỉ có các ngài thôi. Quả thế, các ngài đi qua, cầu vẫn chưa sập; các ngài uống nước, suối vẫn chưa khô. Thưa anh em, vườn của Chúa có đủ các loại hoa: không phải chỉ có hoa hồng tử đạo, mà còn có hoa huệ khiết trinh, có dây trường xuân hôn nhân, có hoa tím góa bụa”. [1]
Mỗi người chúng ta dù ở bậc sống nào cũng được mời gọi góp hương sắc cho vườn hoa của Giáo hội. Chúng ta đừng bao giờ thất vọng về chính mình khi gặp những đau khổ thử thách, đó chính là trường đào luyện để chúng ta nên giống Đức Kitô “Người vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8). Chúng ta dễ dàng theo Chúa khi được những điều may lành, nhưng cũng dễ dàng bỏ Chúa khi gặp khó khăn thử thách. Vì thế chúng ta phải tha thiết xin Chúa ban ơn để chúng ta đủ sức đón nhận những nghịch cảnh trong niềm tín thác. Các thánh cũng là những con người yếu đuối như chúng ta, nhưng các ngài biết dựa vào sức mạnh của Chúa và quy hướng mọi sự về Chúa.
Cuộc sống xã hội hôm nay luôn cần những con người biết yêu mến và bảo vệ Giáo hội, nhất là những người nghèo khổ. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm nhận rằng “Khi đời sống nội tâm tự khép kín trên những hứng thú riêng tư, thì sẽ không còn chỗ cho kẻ khác, người nghèo không tìm được lối vào; người ta không còn nghe được tiếng của Thiên Chúa; không còn hưởng được niềm vui êm ái tình yêu của Người, không còn hứng thú làm việc thiện” (EG 2). Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy canh tân việc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô để có được sức bật mới mẻ tràn đầy niềm vui, biết ra đi trao tặng yêu thương, sự quan tâm chia sẻ với những người nghèo khổ và những ai đang đói khát tình thương cứu độ.
Ngày hôm nay, chúng ta không còn phải tử đạo qua gươm giáo hay lửa nung thiêu đốt, nhưng chúng ta có thể làm chứng cho Tin Mừng bằng thái độ sống công bằng bác ái, bằng lòng thương cảm đối với những người nghèo khổ, người bị gạt ra bên lề xã hội, những con người bị tước mất quyền sống và quyền được hưởng tự do là con cái Chúa. Noi gương thánh Laurensô, chúng ta hãy cùng nắm lấy tay nhau tạo nên một vòng tròn yêu thương, lan tỏa và tiếp thêm sức mạnh của Chúa cho thế giới đang từng ngày nghèo đi và thiếu vắng tình thương.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng đã đến thế gian để yêu thương và cứu chuộc nhân loại nghèo khổ, xin cho chúng con biết đón nhận những điều trái ý trong cuộc sống, biết thánh hóa những đau khổ trở thành ân phúc thiêng liêng mang lại cho chúng con niềm hạnh phúc đích thực.
Thánh Laurensô đã một lòng vì Chúa, vì Giáo hội và những người nghèo, xin cho chúng con cũng có được tâm tình và lòng quảng đại như thánh nhân, trung kiên làm chứng cho Chúa dù phải chịu đau khổ bách hại. Amen.
SUY NIỆM 3: TRAO TẶNG CÁCH VUI LÒNG ! Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Thánh Phaolô mời gọi các cộng đoàn đóng góp để trợ giúp cho Giáo Hội tại Giêrusalem đang gặp khó khăn. Việc quyên góp này đã khởi sự tại Côrintô từ trước, nhưng vì lý do gì đó chưa hoàn thành. Vì thế, thánh Phaolô viết thư khuyến khích tín hữu ở đây hoàn tất với lòng quảng đại, vì có biểu hiện gì đó liên quan đến lòng quảng đại đóng góp. Thánh nhân nhắc tín hữu: “Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.” (2Cr 9,7).
Chúng ta dễ gặp thấy lòng quảng đại nơi người Việt Nam. Trong các gia đình và các cộng đoàn đức tin cũng thật nhiều những người nhiệt huyết. Tuy nhiên, những nơi đó cũng không thiếu những người vừa dấn thân vừa than thở! Họ than thở vì mình thì dấn thân sao người khác không làm như vậy! Họ than thở vì mình tốt lành sao người khác lại không được như thế và sao người ta không nhìn nhận công lao của mình! Ở đây, lời than thở đi kèm với lời tự tán dương! Hoặc tệ hơn, nỗ lực làm việc ở đây không mang tính tự nguyện, nhưng bị bắt buộc vì bị phân công, vì không làm thì sợ người khác phê phán, la rầy! Những dấn thân hay nỗ lực làm việc ấy mang màu sắc u buồn, nặng nề, bực bội! Vừa làm việc vừa than van! Và những người chung quanh mệt mỏi vì nghe những lời kể công và than thở này!!!
Thánh Phaolô mời gọi thái độ trao tặng. Tặng quà mà không muốn, không vui, thì món quà ấy không có giá trị gì cả! Tặng quà mà chỉ là để tự khoe khoang thì cũng chẳng ra gì! Tặng quà là để mang lại niềm vui cho tha nhân vì thế chính người tặng quà phải là người có được niềm vui, niềm vui khi dấn thân.
SUY NIỆM 4: Thánh Laurensô, vị thánh bảo trợ nghệ sĩ hài--Philip Kosloski
Chuyển ngữ: Duc Trung Vu, CSsR, Từ: aleteia.org (10.8.2019)
WHĐ (9.8.2021) - Hồi thế kỷ thứ 3, có bảy thầy phó tế trợ giúp công việc cho Đức Giáo hoàng Sixtus II tại Rôma. Đế chế Rôma vẫn là một nơi đầy thách thức đối với những người tin Chúa và triều đại của Hoàng đế Valerian cũng không phải là ngoại lệ.
Điều khiến Thánh Laurensô rơi vào tầm ngắm của Hoàng đế La Mã là vì vị Hoàng đế cho rằng: Giáo hội Công giáo sở hữu một lượng lớn kho báu. Một viên quan đã tra hỏi Laurensô về vị trí cất giữ kho báu của Giáo Hội, và Thánh Laurensô trả lời đơn sơ: “Hãy đón lấy những người nghèo này. Họ chính là những kho báu mà tôi đã hứa sẽ chỉ cho các ông kiếm tìm; ngoài ra còn có những viên ngọc trai và đá quý, ấy chính là những góa phụ và các trinh nữ được thánh hiến, họ là vương miện của Giáo hội.”
Câu trả lời thông minh của thánh nhân không được đón nhận và do đó ngài đã bị cầm tù. Không mất nhiều thời gian để vua quan Roma kết án thánh Laurensô bằng một cái chết dã man, vì ngài cương quyết từ chối tôn thờ các vị thần Rô-ma. Người ra còn thuật lại những gì xảy ra tiếp theo và đây sẽ là lý do giải thích tại sao thánh Laurensô được nhiều diễn viên hài nhận làm thánh quan thầy.
Những kẻ hành quyết đã lột trần thánh nhân, đặt ngài trên vỉ sắt, chất đống than cháy dưới đó và ấn những chiếc chĩa sắt đã nung nóng lên người ngài. Và với vẻ mặt vui vẻ thánh Laurensô nói với viên quan Rô-ma: "Nhìn kìa, ông đã nướng chín tôi ở một bên rồi, bây giờ lật tôi lại bên kia và sẵn sàng ăn nhé!"
Câu nói hài hước này đã khiến những người hành quyết phẫn nộ, họ tăng nhiệt và làm cho thánh Laurensô chết cháy.
Một trong những lý do giúp thánh Laurensô có thể tìm thấy sự nhẹ nhàng thanh thản trong hoàn cảnh đen tối như vậy, đó chính là niềm tin của ngài vào Thiên đàng. Ngài biết rằng chết vì Đức tin sẽ mở đường cho phần thưởng vĩnh cửu của ngài và vì thế cái chết không còn đáng sợ. Thực vậy, ngài đã đón nhận lấy cái chết trong an bình. Những lời cuối cùng của thánh nhân là một lời cầu nguyện với Chúa, "Con cảm tạ Chúa, vì con đã xứng đáng để đi qua cổng Nhà Chúa!"
Tấm gương của Laurensô về đức tin tràn đầy niềm vui giữa đau khổ là một tấm gương cho tất cả chúng ta. Nụ cười của thánh nhân ngay trong những giây phút đau khổ đến cùng cực nhất nhắc nhở chúng ta rằng: chúng ta đừng để mình trở thành những Ki-tô hữu mang vẻ mặt buồn rầu, u ám. Như thánh Laurensô, ngay trong đau khổ vẫn tìm được một lý do để mỉm cười!