Thứ Sáu tuần 18 thường niên

Thứ năm - 10/08/2023 04:45
Lời Chúa: Mt 16, 24-28

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?
"Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. Thật, Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người".

cn xviii tn t6

Suy Niệm 1: Từ bỏ chính mình
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Con đường của người môn đệ Thầy Giêsu là con đường không êm ả.
Ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần đầu về số phận sắp đến của mình,
Ngài đã nói đến số phận của các môn đệ (cc. 24-28).
Họ được mời chia sẻ cùng một thân phận với Thầy và như Thầy.
Thầy trò sẽ phải đi qua con đường hẹp, con đường của khổ đau và cái chết.
Nhưng cuối cùng con đường ấy dẫn đến phục sinh (Mt 16, 21).
Phục sinh, sự sống, niềm vui, sẽ chiến thắng.
Chiến thắng ấy chỉ mua được bằng khổ đau và cái chết tự nguyện.
Như thế điều kiện để giữ được sự sống đời sau là dám mất sự sống đời này.
Đây thật là một liều lĩnh của đức tin,
vì nếu không thực sự tin vào đời sau, thì chẳng ai muốn thả mồi bắt bóng.
Cuộc đời này có nhiều điều chân thiện mỹ, có nhiều giá trị đáng trân trọng.
Nhưng lắm khi cũng phải hy sinh chúng cho những giá trị lớn hơn,
cho Đấng là Chân Thiện Mỹ viết hoa, là Giá Trị của mọi giá trị.
Cái tôi của tôi là một giá trị lớn, là quà tặng độc đáo Chúa ban cho tôi.
Chẳng có hai cái tôi giống nhau dưới mắt Chúa.
Cùng với cái tôi, Chúa ban cho tôi tự do, lý trí, trái tim, thân xác…
Chúa còn ban cho tôi vũ trụ vật chất với bao tài nguyên để tôi sống nhờ,
và cả một thế giới với bao cái tôi khác, để tôi sống với như anh em.
Cái tôi là món quà quý nhất Chúa ban cho tôi.
Cái tôi cũng là món quà quý nhất tôi có thể dâng lại cho Chúa.
Nhiều tôn giáo nói đến từ bỏ cái tôi, phá chấp ngã.
Đức Giêsu cũng mời bất cứ ai muốn bước theo Ngài phải từ bỏ chính mình,
không phải vì cái tôi của mình là xấu xa, đáng ghét,
nhưng chỉ vì nó chỉ là thụ tạo trước mặt Đấng Tạo Hóa đã dựng nên nó.
Từ bỏ chính mình là đặt mình ở dưới Thiên Chúa, không coi mình là trung tâm,
và để cái tôi của mình trọn vẹn tùy thuộc vào ý muốn của Ngài.
Thầy Giêsu đã sống từ bỏ mình như vậy trong suốt cuộc đời trần thế.
Ngài luôn sống như một người con thảo, một người được Cha sai.
Lạ thay, chính lúc từ bỏ mình, múc cạn chính mình, hủy mình ra không,
thì Ngài lại được phục hồi chính mình và được siêu tôn trên mọi sự (Pl 2, 9).
Trong Kitô giáo, cái tôi được thanh luyện, nhưng không bị loại bỏ.
Cái tôi ấy cũng không bị Thiên Chúa nuốt chửng hay hòa tan.
“Ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (c. 25).
 Như thế từ bỏ mình là cách duy nhất để giữ mình cho toàn vẹn.
Chẳng thể nào yêu mến và phục vụ lại không gắn liền với việc từ bỏ mình.
Có khi từ bỏ một định kiến hay tự ái, một quyền lợi hay ảnh hưởng riêng,
cũng khó như một hy sinh mạng sống.
Vác thập giá của mình là vác gánh nặng của bổn phận mỗi ngày,
vác yếu đuối của người anh em mỗi ngày, vác cuộc đời mình mỗi ngày.
Thầy Giêsu đòi chúng ta vác thập giá của mình mà theo Thầy cho đến chết.
Vì Thầy là Con Thiên Chúa, vì Thầy đã lấy lại được sự sống,
nên chúng ta tin tưởng vác thập giá bước đi sau Thầy.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
trước khi con tìm Chúa, Chúa đã đi tìm con.
Trước khi con thấy Chúa, Chúa đã nhìn thấy con.
Trước khi con theo Chúa, Chúa đã đi theo con.
Trước khi con yêu Chúa, Chúa đã mến yêu con.
Trước khi con thuộc về Chúa, Chúa đã thuộc về con.
Trước khi con phụng sự Chúa, Chúa đã phục vụ con.
Trước khi con từ bỏ mình vì Chúa, Chúa đã nộp mình vì con.
Trước khi con sống và chết cho Chúa, Chúa đã sống và chết cho con.
Trước khi con đặt Chúa lên trên hết,
Chúa đã coi con là hạnh phúc tuyệt vời của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu là Thầy của con,
Chúa luôn đi trước con.
Chúa làm trước khi Chúa dạy.
Con hiểu rằng mọi điều Chúa đòi hỏi nơi con
đều chỉ vì lợi ích vĩnh cửu của con mà thôi.
Xin cho con đón nhận những cắt tỉa của Chúa
với lòng biết ơn và rất nhiều tình yêu. Amen.
 
Suy Niệm 2: Được và mất
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Ai cũng muốn được. Không ai chịu mất. Nhưng thế nào là được và thế nào là mất thì không phải ai cũng hiểu. Nhất là vì con người có hai đời sống. Đời này và đời sau. Trong hai đời sống hai cách được và mất khác nhau. Được ở trần gian là thực tế trước mắt nên nhiều người tìm kiếm. Được ở Nước Trời xa vời nên nhiều người không thấy. Tuy nhiên được ở trần gian mau qua như trần gian. Được trên Nước Trời là vĩnh viễn. Được ở trần gian không bao giờ thoả mãn. Được trên Nước Trời là hạnh phúc trọn vẹn. Khác biệt lớn lao và khó khăn nhất là cách chiếm đoạt rất khác nhau. Được ở trần gian do vun quén cho bản thân. Được trên Nước Trời lại thủ đắc bằng từ bỏ hết những gì ở trần gian, kể cả bản thân và mạng sống mình. Như lời Chúa phán: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Cái được ở trên Nước Trời là sự sống vĩnh cửu, dù cả trần gian cũng không so sánh được. “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình”? chính Chúa mới là Chúa Tể trời đất, có quyền xét xử định đoạt số phận chúng ta. Trần gian chỉ chiếm được đời này. Phải bó tay trước đời sau. Thiên Chúa làm chủ cả đời này lẫn đời sau. Ai bỏ Chúa theo trần gian chỉ được một chút đời này. Ai bỏ trần gian mà theo Chúa chỉ bị thiệt thòi một chút đời này. Nhưng sẽ được đời sau vô cùng phong phú sung mãn không gì sánh được. Thiên Chúa làm chủ. Điều đó được chứng tỏ qua dòng lịch sử.
Thời Mô-sê Thiên Chúa đã cứu người Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai cập. Ít-ra-en đang nô lệ bỗng thành tự do. Đang tản mát bỗng thành một dân tộc. Đang bơ vơ bỗng được đất chảy sữa và mật. Đang yếu ớt bỗng chiến thắng quân đội Ai cập hùng mạnh nhất thế giới thời ấy. Đó chính là vì Chúa là Thiên Chúa của họ (năm lẻ).
Ít-ra-en phản bội nên bị Chúa phạt. Phải làm nô lệ cho Ni-ni-vê. Nhưng rồi đến ngày Chúa phục hồi dân Chúa. “Phải, đức Chúa khiến cho Gia-cóp và Ít-ra-en lấy lại sức kiêu hùng”. Ngài cho Ni-ni-vê hùng mạnh một thời gian. Rồi trừng phạt vì họ không tuân hành thánh ý. “Bấy giờ, hễ ai nhìn thấy ngươi cũng đều phải tránh xa và nói: “Ni-ni-vê đã bị phá tan hoang!” Ai còn cảm thương nó? Ta tìm đâu cho ngươi những người an ủi”? (năm chẵn).
Hôm nay Chúa mời gọi tôi. Hãy khôn ngoan đừng khờ dại. Hãy biết chọn Thiên Chúa chứ đừng chọn thế gian. Hãy biết bỏ đời này để được đời sau. Được chính Chúa. Là hạnh phúc muôn đời.


SUY NIỆM 3:  QUYẾT TÂM ĐI TỚI ! Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Sách Đệ Nhị Luật có thể được coi như một cái nhìn về lịch sử đã trải qua. Nhân vật chính trong sách là ông Môsê. Trước khi dân Do Thái đi vào đất hứa, ông ôn lại cho dân toàn bộ lịch sử của cuộc hành trình trong sa mạc. Và điều ông mong muốn là dân thấy được những việc lạ lùng mà Đức Chúa đã làm cho dân, họ được Ngài yêu thương hơn mọi dân tộc khác, để dân tin tưởng vào Đức Chúa và luôn trung thành với Ngài. Việc ôn lại ký ức không phải là nhắc lại các sự kiện riêng rẽ, nhưng để từ đó đi đến xác tín vào tình yêu không bao giờ thay đổi của Đức Chúa, để từ nay dân đừng bao giờ phản kháng hay từ bỏ Thiên Chúa nữa. Ông Môsê nhấn mạnh điều đó, bởi vì chính ông đã từng chứng kiến bao lần dân này đã trở lòng với Đức Chúa!!! 
Việc có một ký ức như thế rất quan trọng. Niềm tin của chúng ta không phải là những điều trừu tượng, những bài giáo lý, nhưng là những biến cố, những sự kiện cụ thể, những trải nghiệm sống động về Thiên Chúa, để rồi một lòng trung thành với Ngài cho dù có khi cuộc đời có nhiều điều khó hiểu, có khi phải trải qua những gian nan, đau khổ. Tôi “chứng kiến” được điều đó nơi những người cha, người mẹ thời đất nước nghèo đói. Các vị ấy không học thần học, nhưng có những trải nghiệm tâm linh sâu sắc, nên cứ khuyên nhủ con cái: cứ trung thành với Chúa và phó thác cho Ngài, Chúa sẽ lo! Lúc ấy có những chủ trương gây nhiều khó dễ, bất lợi cho các kitô hữu, nhưng các vị ấy cứ một mực khuyên nhủ con cái hãy trung thành!
Lời mời gọi bước theo con đường thập giá của Đức Giêsu sẽ dừng lại như điều khô khan, khó nuốt, hoặc được thực hiện “bữa đực, bữa cái” với một tâm lý mệt mỏi! Nhưng nếu biết thường xuyên nhìn lại lịch sử bản thân và cộng đồng, nếu cảm nhận được một Thiên Chúa sống động, chúng ta có thể bước đi trong bình an và vui tươi, bởi vì chúng ta không làm theo một thứ lệnh truyền, nhưng bước theo một Đấng, đó là Đức Giêsu Kitô, Chúa của chúng ta.


SUY NIỆM 4: TƯ CÁCH NGƯỜI MÔN ĐỆ - ĐGM. GIUSE NGUYỄN THANH HOAN

Sau ngày thánh Phê-rô tuyên xưng đức tin của ông và cả cộng đoàn tông đồ, Chúa hướng hoạt động vào công tác đào tạo các môn đệ đi vào chiều sâu của đức tin.
Người vượt qua biên giới Pa-les-tin sang đất dân ngoại, có điều kiện thuận lợi, bầu khí tĩnh lặng để Thầy trò trao cho nhau những tâm tình có liên hệ đến đời sống thiêng liêng, đến những hoạt động loan báo Tin mừng trong tương lai.
Sau khi loan báo cuộc thương khó, đó là sự hy sinh cần thiết của Ngài để cứu độ thế giiới nhân loại; Chúa lại hướng về các tông đồ, giúp họ giũ bỏ những mơ ước hão huyền về cuộc sông vinh thân phì gia, địa vị danh vọng xã hội. Trái lại, muốn theo Chúa, họ cũng phải sẵn sàng đi vào cuộc đời hy sinh tận hiến: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Từ bỏ chính mình trước hết là từ bỏ nếp sống thế tục đã quen: Con người ích kỷ, sống vì tiền vì bạc, vì danh vọng và bao nhiêu lợi lộc khác. Mặt khác sự từ bỏ bao gồm những cách sống thỏa mãn những dục vọng trần ai. Con người được lột xác như vậy mới có thể theo Chúa.
Chính cuộc sống của Chúa là như vậy rồi, nên theo Chúa chính là đồng hóa nếp sống cảu Ngài. Sự từ bỏ chính mình đó là Thập Giá.
Chúa Giê-su Thánh Thể là bằng chứng, là dấu hiệu Chúa từ bỏ chính mình, kể cả sau ngày Chúa Phục sinh.
Cuộc sống người tu sĩ là cuộc sống lấy Chúa Giê-su làm thần tượng, mà cũng là bạn tri âm, là Chúa mình tôn thờ.

Cầu nguyện: 
 Lạy Chúa Giê-su yêu mến, bước đi theo Chúa, chúng con không còn sống cho chính mình, mà chính Chúa sống trong con. Vì con biết nơi Chúa là tất cả hạnh phúc cho cuộc đời hôm nay và mai sau của con. Cũng như Chúa sống trong Cha và Cha sống trong Chúa. Chúa ở trần gian không đi tìm hạnh phúc ở đâu nnữa. Vì tất cả hạnh phúc  của Chúa là nơi Cha.
Hôm nay, Chúa chọn gọi con để sống trong Chúa, Chúa sống trong con. Con chỉ cần làm những gì Chúa dạy bảo, thế là đủ rồi. Nguyện xin Chúa ban cho con ơn bền đỗ, ơn biết thoát khỏi chính mình, ra khỏi cái tôi biết bao dính líu của nó với trần ai tục lụy. Vì như Chúa đã phán: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất”, vì tiền tài danh vọng và những dục vọng khác đều đổi thay, đến rồi đi. Đến rồi đi, chỉ để lại những tiếc nuối khổ đau.
“Ai đánh mất mạng sống mình vì Ta thì lại được”.
Lạy Chúa, nếu hôm nay con mất một cái gì đó vốn lệ thuộc cuộc sống nầy bất cứ cái gì, một nghìn bạc cho người nghèo vì Chúa chẳng qua là cho Chúa, Chúa nhận mắc nợ và trả lại sau gấp bội.
Lạy Chúa, nếu con quên mình để phục vụ anh em tha nhân, dù một ly nước lã thôi, Chúa lại ghi công trên trời cho con.
Nếu con quay về với mình để thỏa mãn những đòi hỏi ích kỷ riêng tư; những lo toan đó dù có đạt được cũng như hoa sớm nở chiều tàn. 
Qua lịch sử Giáo hội, Chúa cho chúng con được thầy các thánh của Chúa có mất đi, họ vẫn còn sống để giúp chúng con. Họ đã đành hy sinh cuộc sống trần tục để sống cho Chúa. Và tên tuổi họ đã được ghi trong danh sách hằng sống. Lạy Chúa, ước chi con hoàn toàn thuộc về Chúa. Amen.
 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây