Thứ Bảy tuần 19 thường niên
Thứ sáu - 18/08/2023 03:31
Lời Chúa: Mt 19, 13-15
Khi ấy, người ta đem những trẻ nhỏ đến cho Chúa Giêsu để Người đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Các môn đệ liền quở trách chúng, nhưng Chúa Giêsu bảo: "Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng". Sau khi Người đặt tay trên chúng, thì Người đi khỏi nơi đó.
Suy Niệm 1: Để trẻ em đến với Thầy
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Bàn tay con người thật là cao quý.
Trong Cựu Ước, Đức Chúa muốn ông Môsê đặt tay trên ông Giosuê
để chia sẻ cho ông này quyền lãnh đạo dân (Ds 27, 18. 23).
Cụ Giacóp đã chúc phúc cho hai đứa cháu là Épraim và Mơnase
bằng cách đưa hai tay đặt trên đầu chúng (St 48, 14).
Cử chỉ đặt tay trên cũng thường thấy trong Giáo Hội thuở ban đầu.
Chúa Thánh Thần được trao ban qua việc đặt tay (Cv 8, 17-19; 19, 6).
Qua đặt tay, bảy phó tế đầu tiên lãnh nhận sứ vụ (Cv 6, 6).
Bácnaba và Saolô cũng được đặt tay sai để sai đi truyền giáo (Cv 13, 3).
Bàn tay Thiên Chúa là khí cụ che chở, đỡ nâng.
“Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,
bàn tay của Ngài, Ngài đặt trên con (Tv 138, 5).
Bàn tay của Đức Giêsu đóng vai trò lớn trong sứ vụ.
Ngài chữa anh mù bằng cách đặt tay trên mắt anh (Mc 8, 25).
Ngài cũng chữa bà còng lưng theo cách tương tự (Lc 13, 13).
Người ta xin Ngài đặt tay để chữa một anh điếc và ngọng (Mc 7, 32),
thậm chí đặt tay để hoàn sinh một em gái mới chết (Mt 9, 18).
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Cha mẹ của các em đã đưa các em đến với Đức Giêsu,
để được Ngài đặt tay trên chúng và cầu nguyện (c. 13).
Họ tin phúc lành đến với con cái họ qua cử chỉ ấy.
Cuối cùng, Đức Giêsu đã đặt tay trên các em nhỏ và cầu nguyện,
trước khi tiến về Giêrusalem để chịu khổ nạn (c. 15).
Nhưng các môn đệ lại bực bội và la rầy cha mẹ của các em.
Có lẽ đối với họ, Thầy Giêsu còn nhiều việc lớn lao để làm
hơn là mất thì giờ để chúc lành cho mấy em bé.
Đức Giêsu hoàn toàn không đồng ý với thái độ coi thường này.
Ngài nói thẳng: “Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng.”
Đến với Thầy Giêsu là quyền lợi của mọi trẻ em,
người lớn không được phép xâm phạm.
Ngài đưa ra lý do khiến các môn đệ phải tôn trọng trẻ em:
“vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (c. 14).
Như thế trẻ em, tuy không có chỗ cao trong xã hội,
nhưng lại có chỗ vững chãi trong Nước Trời.
Trẻ em có chỗ vì chúng hồn nhiên sống lệ thuộc vào cha mẹ,
và đón nhận mọi sự từ người khác với lòng biết ơn.
Những người lớn muốn vào Nước Trời phải nên giống chúng.
Đây là một tiến trình khó khăn và lâu dài,
vì người lớn phải quay lại, phải hoán cải để trở nên đơn sơ như trẻ thơ,
phải tự hạ mình xuống, bỏ đi những tự hào, tự mãn về mình (Mt 18, 3-4).
mở lòng đón lấy Nước Trời như quà tặng nhưng không.
Như thế trẻ thơ lại là mẫu mực cho các môn đệ của Thầy Giêsu.
Nước Trời dành cho trẻ thơ và những ai trở nên giống chúng.
Trẻ em có chỗ trong Nước Trời và trong Giáo Hội tại thế.
Các em cũng là thành viên trong cộng đoàn đức tin.
Lời dạy của Đức Giêsu vẫn mãi âm vang nơi chúng ta:
“Hãy để trẻ em đến với tôi, đừng ngăn cấm chúng.”
Chúng ta đã làm gì để đưa các em đến với Giêsu?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.
Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ mỗi ngày,
những công việc âm thầm,
những bổn phận mà con làm vì yêu mến.
Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm tim con đau đớn.
Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.
Hơn nữa, xin cho con can đảm,
dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó con vui tuoi phục vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.
Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.
Suy Niệm 2: Con đường trẻ thơ
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Người ta coi thường trẻ em vì trẻ em không biết làm gì. Còn hơn thế nữa trẻ em còn gây phiền hà, cản trở công việc. Đó là nhìn theo quan điểm hiệu quả. Nhưng hiệu quả đời này không phải là tinh thần Nước Trời. Nước Trời không tìm hiệu quả theo kiểu trần gian. Không phải người lớn lao giỏi giang là đáng quí, nhưng là người “giống như trẻ nhỏ”. Tại sao? Vì Thiên Chúa không nhìn ta theo giá trị hiệu quả. Thiên Chúa nhìn ta theo giá trị người con. Dưới mắt cha, chỉ người con là đáng quí nhất. Ai xuất hiện trước mắt Chúa như người con bé nhỏ thảo hiền, người đó được hưởng mọi tình thương của Cha.
Chính Chúa Giê-su đã làm gương cho ta. Chúa Giê-su luôn là người con thảo hiếu bé nhỏ đối với Chúa Cha. Thảo hiếu bé nhỏ vì Chúa Giê-su biết mọi sự Người có đều nhận lãnh từ Cha. Mọi sự Người biết cũng đều nghe từ Cha. Đối với Người Chúa Cha là tất cả. Vì thế Chúa Giê-su suốt đời chỉ tìm thi hành thánh ý Chúa Cha. Người nói: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy”. Là người con bé nhỏ hiếu thảo, Người được Chúa Cha ưu ái tuyên dương: “Đây là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”.
Con đường trẻ thơ. Con đường của người con bé nhỏ hiếu thảo. Đó là con đường tuyệt hảo dẫn về Nước Trời. Ta chẳng làm gì nên công trạng. Ta chẳng thể tỏ ra là người lớn, có công, xứng đáng trước mặt Chúa. Ta chỉ có thể đến với Chúa bằng tâm tình người con bé nhỏ hiếu thảo. Ta sẽ được Chúa yêu thương và ban thưởng.
Gio-suê đã dẫn đưa người Do thái theo con đường bé thơ này khi ôn lại lịch sử và bắt họ tuyên xưng lựa chọn Thiên Chúa. Người Do thái đã ý thức Thiên Chúa là nguồn gốc mọi sự. Nhờ Thiên Chúa họ mới có sự sống. Nhờ Thiên Chúa họ mới có đất đai. Nhờ Thiên Chúa con đầu lòng của họ mới được cứu thoát. Nên họ phó thác cuộc đời trong tay Thiên Chúa. Chọn Chúa làm Chúa Tể duy nhất (năm lẻ).
Ê-dê-kiên tha thiết kêu gọi dân trở về con đường của người con hiếu thảo. Đổi mới trái tim. Sinh lại trong thần khí mới. Để trở nên trẻ thơ. Để hoàn toàn phó thác cuộc đời và hoàn toàn vâng theo con đường Chúa chỉ dẫn. Để được sự sống đời đời: “Hãy trở lại, …Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới” (năm chẵn).
Trở thành người con bé nhỏ, hiếu thảo. Hoàn toàn vâng theo ý Chúa. Đó là con đường chắc chắn nhất. Vì Chúa sẽ bồng bế ta đến nơi bình an.
SUY NIỆM 3: VÀO NƯỚC TRỜI NHƯ TRẺ EM − Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Có lần Đức Giêsu đã nói rằng: “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.” (Mt 11,12). Còn Tin Mừng hôm nay, cũng được viết bởi Matthêô, thì ghi Đức Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” (Mt 19,14). Hai điều này có mẫu thuẫn với nhau không? Phải chiến đấu dũng mãnh hay trở nên như trẻ em? − Xin thưa rằng cả hai đều đúng!
Trẻ em luôn phó thác vào người lớn. Đức Giêsu muốn nói đến những người biết tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa, bởi vì Nước Trời là ân ban của Chúa và người ta chỉ có thể có được Nước Trời nhờ sự chiến đấu do bởi sức mạnh của Chúa.
Khi người ta sống đạo bằng sức mình và tưởng rằng tuân giữ luật lệ làm nên công trạng đạo đức của mình, là người ta đã đánh mất ý thức ân ban và chiến đấu nhờ ơn sủng. Điều này khiến người ta cao ngạo, không tin tưởng vào Chúa nữa và họ cũng trở thành người xét nét, phê phán người khác, người ta trở nên thiếu lòng bao dung! Khi chỉ có chiến đấu mà không biết tín thác vào Chúa, chỉ cậy dựa vào sức mình, muốn làm nên hình ảnh đẹp cho mình, thì khi gặp khó khăn lớn lao, khi bị phê phán người ta sẽ nản chỉ, thất vọng, rồi sinh ra bất mãn, buông xuôi, trách móc! Người chiến đấu để vào Nước Trời luôn tín thác nơi Chúa nên họ bình an, thanh thản. Đó chính là ảnh hưởng của Nước Trời ngay từ cuộc đời này trên những người thực sự là thành viên Nước ấy.
SUY NIỆM 4: CHÚA GIÊ-SU VÀ TRẺ EM - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN
Một bức tranh tuyệt vời: “các bà mẹ hiền đem con đến để Chúa chúc lành và cầu nguyện cho”.
Lời chúc lành của Chúa là nguồn ơn phúc. Bàn tay Chúa vừa làm ấm áp bằng tình yêu thương của ngài cho các cháu bé, vừa chuyển tại ơn lành cho chúng.
Nhưng đối với các tông đồ cũng như quan niệm người Do thái lúc đó : dưới 12 tuổi, trẻ em chưa có linh hồn, không cần chi phải quan tâm. Vì thế, khi các bà mẹ đem con trẻ đến bên Chúa, các ông rất khó chịu: đúng là chuyện đàn bà con nít, chuyện vụn vặn, chỉ làm rườm rà mà mất thời giờ rất sít sao eo hẹp của Chúa. Họ xua đuổi các bà mẹ để họ mang con ra ngoài.
Thái độ của Chúa Giê-su lại khác hẳn. Ngài hết sức yêu thương và còn trân trọng các trẻ em nữa. Một đàng tuổi thơ trong trắng, Chúa có thể chiêm ngắm tận mắt sâu xa hình ảnh Thiên chúa mà ngài đã tạo dựng nên.
Mặt khác, khi người ta muốn được nhận Thiên Chúa là Cha của mình, thì điều trước tiên là phải có tâm hồn bé thơ trong trắng. Hai là, phải biết sống cuộc đời tin yêu phó thác, đặt cuộc đời mình trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Như đứa bé thơ trong tay mẹ hiền. Điều không khuyến khích người ta sống ỷ lại, không lấy trách nhiệm trong cuộc đời, nhưng là một niềm tin mạnh mẽ Thiên Chúa là Cha yêu thương và săn sóc đời mình đến từng chi tiết nhỏ nhặt, đến nỗi bao nhiêu sợi tóc trên đầu ta Chúa cũng đếm cả rồi.
Cuối cùng thái độ hình ảnh trẻ thơ đối nghịch với thái độ kiêu căng tự ái của người lớn. Luật sĩ, biệt phái tỏ ra không cần đến tin mừng Chúa rao giảng. Giá như họ khiêm tốn đón nhận lời Ngài, họ đã biết đến mầu nhiệm yêu thương và sự sống đời đời Chúa đem đến cho họ.
Cầu nguyện:
Lạy chúa Giê-su yêu mến!
Chúa đã đem ra một bài học rất bất ngờ cho các tông đồ môn đệ: “Nước Trời dành cho những ai giống như các em bé thơ ngây”.
Và trong một lời kinh đầy hoan lạc giữa ban ngày chúa đã thưa với Chúa Cha:“Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con chúc tụng Cha vì Cha đã dấu những điều ấy đối với những kẻ khôn ngoan, nhưng lại tỏ ra cho những người bé nhỏ”.
Chúa đã biết rõ điều làm cho con người mất đi tất cả những ân huệ siêu việt Chúa ban cho, mất cả vườn địa đàng. Chỉ vì con người dám kiêu căng bỏ đi những chỉ vẽ đầy yêu thương của Chúa, để tự ý chọn lấy sự dữ, đúng hơn tin sa-tan hơn tin Chúa.
Cho nên, Chúa đã rao giảng phúc thật đầu tiên trên núi cho các môn đệ: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước trời là của họ” (Mt 5:3).
Tâm hồn nghèo khó chính là tâm hồn đơn sơ bé nhỏ, đầy tin yêu phó thác đời mình trong bàn tay Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho con tâm hồn thơ bé, tâm hồn đã giúp thánh nữ Tê-rê-xa Hài đồng Giêsu tìm ra được linh đạo thánh thiện giữa đơn sơ tầm thường hằng ngày.
Xin Chúa ban cho con biết giữ tâm hồn đơn sơ trong trắng, hiền lành, khiêm tốn, vì kiêu căng là đầu mối mọi sự tội, nhất là trong đời sống cộng đoàn.
Xin Chúa cũng ban cho con niềm tin tưởng tuyệt đối vào lòng yêu thương của Chúa. Và dầu cho bao gian lao xảy đến, con cũng một lòng trông cậy vì cuộc đời con đang ở trong bàn tay yêu thương của Chúa. Amen.