Thứ Hai Tuần 19 Thường Niên

Chủ nhật - 13/08/2023 21:16
Lời Chúa: Mt 17, 21-26

Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Các môn đệ rất đỗi buồn phiền.
Khi các ngài đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: "Thầy các ông không nộp thuế "đền thờ' sao?" Ông nói: "Có chớ".
Khi ông về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế má hạng người nào? Đòi con cái mình hay người ngoài?" Ông thưa rằng: "Đòi người ngoài". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con".

thu hai tuan xix thuong nien

Suy Niệm 1: Để khỏi làm cớ sa ngã
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ. )

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta không khỏi mỉm cười,
khi nghĩ đến việc anh Phêrô đi ra hồ Galilê để thả câu bắt cá,
một chuyện bắt cá rất bất thường, vì một mục đích cũng bất thường.
Thầy Giêsu dặn anh hãy túm lấy con cá đầu tiên câu được,
bắt lấy, mở miệng nó ra, thấy ngay một đồng tiền trị giá bốn quan,
vừa vặn để nộp thuế Đền Thờ cho cả Thầy lẫn trò.
Đây là thứ thuế mà hàng năm, theo sách Xuất hành (30, 14)
những người đàn ông Do Thái trên hai mươi tuổi phải nộp
để lo việc tu bổ Đền Thờ và việc tế tự trong đó.
Ta không thấy kể chuyện anh Phêrô đã vâng lời Thầy ra sao,
và phép lạ đã xẩy ra như thế nào.
Chỉ biết chẳng khi nào trong Tân Ước
Thầy Giêsu lại có ý làm một phép lạ vì lợi ích cho mình như vậy.
Nhưng chuyện bắt cá để lấy tiền nộp thuế
lại không phải là chuyện quan trọng của đoạn Tin Mừng này.
Điểm chính yếu nằm ở những câu nói của Thầy Giêsu.
Ai cũng biết con cái của vua chúa trần gian thì được miễn thuế,
vì các vua chỉ đánh thuế người ngoài thôi (c. 26).
Đức Giêsu chính là Người Con tuyệt hảo của Vị Vua thiên quốc.
Và những Kitô hữu cũng là con cái của Đức Vua tối cao.
Họ là những người đã mở lòng đón nhận Nước Trời (Mt 13, 38),
và đã gọi Thiên Chúa là Cha trên trời của chúng con (Mt 6, 9).
Như thế Thầy Giêsu và các môn đệ của mình đều được miễn thuế.
Thầy trò không phải nộp thuế Đền Thờ như những người Do Thái khác.
Tuy Thầy trò có quyền không nộp thuế,
nhưng Thầy Giêsu lại không muốn làm cớ cho người khác vấp phạm.
Khi về đến nhà của anh Phêrô ở Caphácnaum,
Thầy Giêsu bày tỏ ý muốn nộp thuế Đền Thờ cho cả Thầy lẫn trò.
Thầy chấp nhận giữ luật mà các người đàn ông Do Thái đều giữ.
Thầy biết mình có tự do,
nhưng Thầy cũng dám hy sinh tự do ấy vì lợi ích cho người khác.
Thánh Phaolô cũng sẽ nói về nguyên tắc này khi bàn về việc ăn đồ cúng.
“Đành rằng mọi thức ăn đều thanh sạch,
nhưng ăn mà gây cớ vấp ngã, thì là điều xấu” (Rm 14, 20).
Chúng ta cần lưu tâm đến những người “yếu” trong cộng đoàn.
Chính tình yêu đối với họ khiến tôi cân nhắc điều mình được phép làm.
Tự giới hạn tự do của mình là một cách để biểu lộ tình yêu.
Thế giới hôm nay ca ngợi tự do, nên cũng đầy cớ gây vấp phạm.
Bao sa ngã của giới trẻ là do sự phóng túng của người lớn.
Con người hôm nay quá gần nhau bởi các phương tiện truyền thông,
nên ảnh hưởng xấu lan đi vừa nhanh lại vừa rộng.
Nếu chúng ta tự ý làm hay tránh làm một điều gì đó
chỉ vì tôn trọng lương tâm mong manh của người khác,
thì Thiên Chúa cũng sẽ giúp ta bằng những phép lạ thật ngỡ ngàng.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng
trước mọi biến cố của cuộc sống,
khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,
hay gặp sự bất trung, bất tín
nơi những người con tin tưởng cậy dựa.
Xin giúp con gạt mình sang một bên
để nghĩ đến hạnh phúc người khác,
giấu đi những nỗi phiền muộn của mình
để tránh cho người khác phải đau khổ.
Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,
để đau khổ làm con thêm mềm mại,
chứ không cứng cỏi hay cay đắng,
làm con nhẫn nại chứ không bực bội,
làm con rộng lòng tha thứ,
chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.
Ước gì không ai sút kém đi
vì chịu ảnh hưởng của con,
không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,
lòng cao thượng, tử tế,
chỉ vì đã là bạn đồng hành của con
trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,
xin cho con có lúc
thì thầm với Chúa một lời yêu thương.
Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,
tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,
và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh.
Amen. (dịch theo Learning Christ)
 
Suy Niệm 2: Đức tin chiếu sáng cuộc đời
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Đức tin vững mạnh nhờ qui chiếu quá khứ. Mô-sê nhắc nhở cho dân Do thái điều đó. Khi vào Ai cập họ chỉ có 70 người. Ai cập là đế quốc hùng mạnh nhất thời đó. Vậy mà Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai cập bằng những chiến thắng lẫy lừng, những điềm kỳ phép lạ. Rõ ràng Chúa là “Thần của các thần, là Chúa của các chúa, là Thiên Chúa vĩ đại, dũng mãnh, khả úy”. Và hiện nay họ đã là một dân đông đúc, hùng mạnh. Vì thế hãy vững tin nơi Chúa (năm lẻ).
Đức tin vững mạnh nhờ hướng tới tương lai. Ê-dê-kiên trong thời lưu đầy khổ nhục. Nhưng bên bờ sông Kê-ba, ông đã nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện đến oai hùng như một đạo quân với “tiếng ồn ào trong doanh trại”. Dũng mãnh như “một cơn gió bão từ phương Bắc thổi đến”. Linh thiêng ngự giữa đám mây, “có lửa lóe ra và ánh sáng chiếu tỏa chung quanh”. Quyền uy ngự trên ngai cao. “Và trên ngai có kim loại lấp lánh, có đám lửa bao quanh…Có cầu vồng xuất hiện trên mây..” Nhưng Thiên Chúa lại rất gần gũi vì “tay Đức Chúa đặt trên ông” Ê-dê-kiên. Ê-dê-kiên được tràn đầy niềm an ủi, tràn đầy niềm tin, tràn đầy hi vọng sẽ đến ngày Dân Chúa được phục hồi. Và trong niềm tin tưởng hi vọng vào một tương lai huy hoàng, Ê-dê-kiên sẽ an ủi khích lệ dân chúng hãy vững tin (năm chẵn).
Đức tin biểu lộ cụ thể trong đời sống hiện tại. Vì thế Mô-sê khuyên nhủ dân chúng hãy sống tốt trong hiện tại. Vững vàng tin tưởng, thờ phượng Chúa, “yêu mến phung thờ Người hết lòng hết dạ, giữ các mệnh lệnh của Đức Chúa và các thánh chỉ của Người” (năm lẻ).
Chúa Giê-su chính là gương mẫu cho ta trong đời sống đức tin. Người tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Chúa Cha. Người biết Chúa Cha sẽ giải thoát Người khỏi cái chết, cho Người được phục sinh, trả lại cho Người vinh quang Người đã có trước kia bên Chúa Cha. Nên trong phút giây hiện tại Người lo chu toàn thánh ý Chúa Cha, sống như một người thường, chu toàn những bổn phận của người dân thường như đóng thuế, đọc kinh, đi lễ Đền Thờ. Còn hơn nữa, Người sẵn sàng chịu mọi đau đớn khổ nhục “bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người”.
Xin cho chúng ta được noi gương Chúa Giê-su luôn sống tâm tình người con hiếu thảo. Chiếu lên ánh sáng rực rỡ của đức tin trong cuộc đời hiện tại bằng cặn kẽ tuân hành thánh ý Thiên Chúa, yêu thương anh em đồng loại, chu toàn mọi bổn phận nơi trần thế. Chắc chắn chúng ta sẽ cùng Chúa Giê-su hưởng vinh quang bên Chúa Cha.

 SUY NIỆM 3: THUỘC VỀ THIÊN CHÚA − Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Người Do Thái hàng năm phải đóng thuế 2 đồng drachma cho Đền Thờ để lo việc tế tự. Người ta hỏi ông Phêrô rằng Đức Giêsu có đóng thuế ấy không? Đức Giêsu trả lời riêng với ông Phêrô và làm cho ông hiểu một điều xa hơn nhiều: chính Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và các ông cũng thế. Đức Giêsu cho thấy con cái nhà vua thì không phải đóng thuế cho nhà vua, cho nên đúng lý ra, Ngài không phải đóng thuế cho Đền Thờ để lo việc thờ thượng Thiên Chúa là Cha của Ngài. Như vậy, Đức Giêsu đưa đến một quan niệm phụng tự mới, không phải như thần dân dành cho nhà vua, nhưng như con cái hướng về Thiên Chúa là cha của mình. 
Sau khi kể lại những chăm sóc của Thiên Chúa dành cho dân trong sa mạc, ông Môsê kêu gọi dân hãy “cắt bì lòng dạ/ tâm hồn anh em” (Circumcise your hearts, Đnl 10,16), là dấu thuộc về dân Thiên Chúa, không chỉ bên ngoài, nhưng từ trong lòng dạ. Đức Giêsu đưa đến một điều xa hơn là thuộc về Thiên Chúa như là con cái của Ngài, thuộc về gia đình Thiên Chúa. Và điều này chỉ thực hiện được nhờ Đức Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa.
Người Do Thái được dạy dỗ để sống như dân của Thiên Chúa, nhưng họ dừng lại ở những hình thức tế tự bên ngoài, ở việc tuân giữ những luật buộc. Họ không được nhấn mạnh đến việc lắng nghe Thiên Chúa, đến thái độ mở lòng ra cho Thiên Chúa, tuy dù họ vẫn nghe hàng ngày lời kinh Shêma: “Hãy nghe, hỡi Israel” (Shema Yisrael). Đóng cửa lòng lại trước Thiên Chúa và chỉ dừng lại ở những điều bên ngoài, nên họ không sẵn sàng đón nhận Đức Giêsu khi Ngài nói những điều mà họ không mong muốn, không chờ đợi! Họ giết Ngài!
Con cái thì nghe lời cha mẹ. Sống như con cái Thiên Chúa thì cũng phải mở lòng ra với Thánh Thần, phải trở nên dễ bảo với điều Thiên Chúa mời gọi qua Lời Chúa được nghe hàng ngày, qua lời của anh chị em quen thuộc sống quanh mình, qua những việc diễn ra hàng ngày. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy nghe, hãy trở nên dễ bảo!   


SUY NIỆM 4 - ĐỨC GIÁM MỤC PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Thánh Mát-thêu ghi nhận lần đầu tiên lời loan báo của Chúa về cuộc khổ nạn tương lai của người.
    Chúa không muốn làm nhụt lòng các tông đồ, nhưng Ngài muốn họ hiểu rầng, biến cố khiếp khủng này vốn là một kế hoạch của công trình cứu độ, là thành phần quan trọng nhất trong cuộc đời trần thế của Ngài, là tột đỉnh của tình yêu cứu độ mà Ngài thực hiện.
    Nhưng loan báo cuộc khổ nạn thì cũng là để loan báo cuộc Phục sinh của Ngài. Đây mới là mầu nhiệm lớn lao vĩ đại, vừa chứng tỏ quyền năng vô biên của Chuá : Ngài chiến thắng tử thần, dứt khoát đem nhân loại tội lỗi về với Thiên Chúa. 
    Chính vì cái chết mở ra chân trời cứu độ như vậy, mà Chúa  đã lập Bí tích Thánh thể để Giáo hội tưởng niệm và làm tái hiện cách nhiệm mầu biến cố này, suốt giòng thời gian lịch sử chờ đợi Chúa lại đến, đem con người được cứu độ và vũ trụ đi vào trời mới đất mới. ở đây, con người mới thoát được đau khổ đi vào hạnh phúc đời đời.
    Một hồng ân kỳ diệu như vậy cần loan báo trước và còn tiếp tục loan báo cho đến tận thế cho nhân loại. Ai ai cũng được Chúa thương và mời gọi tham dự vào bàn tiệc nước Chúa.  Những ai biết đón nhận trước phải giúp đỡ người chưa biết. đó là bổn phận của mọi người đã trở nên con Chúa.
    Tiếp theo những lời loan báo quan trọng, thánh Mat-thêu lại tiếp tục thông tin cuộc sống thường ngày của Chúa. Chúa nộp thuế, một câu chuyện rất bình thường đối với người dân Chúa.
    Nộp thuế đền thờ để chi phí cho việc tế tự và cho các nhân viên phục vụ ở đây.
    Sở dĩ câu chuyện được nhắc lại là, vì Chúa nhân cơ hội nói rõ hơn về lai lịch thần linh của Ngài: Ngài là con Thiên Chúa.
    Nhưng dù là con Thiên Chúa, Ngài vẫn giữ tinh thần khiêm tốn hiền lành, nộp thuế cho người trần thế. Sự khiêm cung báo trước tòa án nhân loại. Tất cả vì tình thương. 
    
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, để cứu độ nhân loại, Chúa không ngần ngại đi vào cuộc đời trần thế, nơi đây Chúa biết trước những gì đang chờ đợi Chúa.
    Nhưng vì yêu thương, Chúa chấp nhận mọi rủi ro, mọi đau khổ. Chương trình cứu độ đã được vạch ra từ muôn thuở, trong đó thập giá và phục sinh là biến cố làm thay đội cả lịch sử, biến thân phận đen tối và tội lỗi của con người thành thân phận huy hoàng của người con Thiên Chúa.
    Lạy Chúa, vì tình yêu vô tận của Chúa, Chúa không muốn để nhân loại mãi mãi sống trong bàn tay ác thần sa-tan . Chúa đã đến đây ôm hôn mặt đất và dốc tình thương lên nhân loại. Chúa nâng niu chiều chuộng con người như mẹ hiền thương đứa con thơ. Chúa cho đi tất cả, cho đi mạng sống mình. Chúa chấp nhận hy sinh cho tình yêu.
    Ôi kỳ diệu thay tình yêu của Chúa! Kỳ diệu thay hồng ân cứu độ. Thay vì đánh phạt con người tội lỗi, Chúa đành chịu con người tội lỗi đánh phạt mình. Để nâng thân phận con người hèn hạ lên, Chúa đành làm người tôi tớ phục vụ nhân loại cho đến chết. Chúa là đấng thánh thiện vô ngần, Chúa đành chịu những người tội lỗi xét xử, để cứu chúng con khỏi án phạt muôn đời.
    Lạy chúa, Chúa đem thân gánh chịu tất cả để làm của lễ tình yêu ngõ hầu xóa sạch tội lỗi cho chúng con. Xin cho chúng con hằng nhớ đến tình yêu bao la hơn trời biển nầy, để hằng biết tạ ơn, tôn vinh, chú tụng Chúa đến muôn thuở muôn đời.
    Lạy Chúa, xin mở rộng lòng con cho con biết sống với mọi người trong tình yêu thương tận hiến, trong sự trân trong phẩm giá mọi người, trong sự hiến tặng cuộc sống mình vì anh em, như Chúa đã dạy: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12).Amen. 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây