Suy niệm - Thứ Ba tuần 15 thường niên

Thứ hai - 17/07/2023 03:35
Lời Chúa: Mt 11, 20-24

Khi ấy, Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối: "Hỡi Côrôzain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi.
"Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vậy Ta bảo thật các ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi".

Suy Niệm 1: Không sám hối
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Lời giảng đầu tiên của Đức Giêsu là một lời mời sám hối (Mt 4, 17).
Những phép lạ Ngài làm cũng là một lời mời tương tự.
Phép lạ không phải chỉ là những biểu lộ của uy quyền và tình thương.
nhằm vén mở khuôn mặt của Thiên Chúa và của Con Ngài.
Phép lạ còn là lời mời gọi đổi đời, vì Nước Trời đã gần đến.
Đức Giêsu quở trách các thành đã lần lữa không chịu sám hối,
dù họ đã được chứng kiến phần lớn các phép lạ Ngài làm (c. 20).
“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin ! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa!”
Đức Giêsu đã kêu than như một ngôn sứ, buồn phiền và đau đớn,
trước sự cứng lòng của những nơi mà Ngài đã đặt chân và thi ân.
Khoradin là một vùng ở tây bắc của Hồ Galilê (Mc 10, 13).
Nay chỉ còn là cánh đồng gạch vụn, với dấu tích của một hội đường.
Bếtxaiđa nghĩa là “nhà của cá”, nằm nơi sông Giođan đổ vào Hồ nói trên.
Thành này ngày nay cũng biến mất, có lẽ vì bị tràn ngập bởi phù sa.
Đức Giêsu đã so sánh hai thành này với hai thành dân ngoại Tia và Xiđôn.
Nếu Tia và Xiđôn nhận được sự hiện diện của Đức Giêsu,
hẳn họ đã ăn năn sám hối từ lâu rồi (c. 21).
Caphácnaum được coi là trụ sở của Đức Giêsu khi thi hành sứ vụ.
Nơi đây Ngài đã làm bao điều tốt lành (Mt 4, 13; 8, 5; 9, 1; 17, 24).
Vậy mà có vẻ nó lại không muốn đón nhận Đấng mang ơn cứu độ.
Phải chăng vì nó đã tự hào, tự cao trước những ơn Chúa ban?
“Ngươi sẽ được đưa lên tới tận trời sao? Ngươi sẽ bị tống xuống âm phủ.”
Đức Giêsu dám so sánh Caphácnaum với Xơđôm.
Xơđôm là một thành phố trụy lạc, đã bị thiêu hủy hoàn toàn (St 19, 25).
Ngài cho rằng Xơđôm mà được thấy những điều kỳ diệu Ngài làm,
hẳn nó đã hoán cải và còn tồn tại đến nay (c. 23).
Đến ngày phán xét, con người sẽ bị xét xử theo điều mình đã lãnh nhận.
Lãnh ít thì sẽ được khoan hồng nhiều hơn.
Mỗi người chúng ta thật sự chẳng rõ mình đã nhận được bao nhiêu.
Chúng ta dễ có thái độ tự cao của những người được gần gũi Chúa.
“Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài,
và Ngài cũng đã từng dạy dỗ trên các đường phố của chúng tôi” (Lc 13,26).
Nhưng điều quan trọng không phải là đã nghe giảng và đã thấy phép lạ.
Điều quan trọng là sám hối.
Những ơn lộc Chúa ban cho đời Kitô hữu lại đòi ta phải hoán cải nhiều hơn.
Chúng ta không thể coi mình là Caphácnaum để khinh Xơđôm được.
Thiên Chúa xét xử theo điều Ngài ban cho từng con người,
từng nền văn hóa hay văn minh, từng vùng đất hay từng tôn giáo.
Làm sao tôi có thể thấy được những phép lạ Chúa làm cho tôi mỗi ngày?
Có những phép lạ xảy ra đều đặn và bình thường nên tôi không nhận ra.
Mỗi cử chỉ yêu thương tôi nhận được cũng là phép lạ.
Mong tôi đáp lại phép lạ đó bằng một cử chỉ yêu thương.
 
Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.
 
Suy Niệm 2: Tấm lòng chai đá
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Tấm lòng chai đá vô tâm trước tiếng gọi thiêng liêng. Nghe mà không thấy vì ham mê trần thế, chỉ nghe được tiếng gọi trần tục. Tấm lòng chai đá vô ơn trước những ân huệ thiêng liêng vì mải mê tìm lợi lộc vật chất. Tấm lòng chai đá vô cảm trước sứ điệp sám hối vì không bao giờ chìm vào đáy sâu tâm hồn để biết vũng lầy tội lỗi xấu xa của mình, nên không ghê tởm mà tìm đường ăn năn trở về.
Ca-phác-na-um và Cô-rô-za-in là những thị trấn lớn, trung tâm thương mại sầm uất. Những tàn tích của hội đường còn lại cho thấy hai thị trấn này thật giầu có, vào thế kỷ thứ 1 mà đã có những công trình kiến trúc sang trọng và tinh xảo. Có lẽ vì giầu có nên họ mải mê với tiền bạc. Tâm hồn họ không tìm thấy lối thoát trong vòng xoay vừa khắc nghiệt, vừa mê đắm của tiền bạc. Chúa Giê-su đã lấy đó làm trung tâm rao giảng Tin mừng. Chúa đã làm ở đó biết bao phép lạ. Nhưng cư dân ở đó vẫn dửng dưng. Nên Chúa đã phải lên tiếng cảnh báo họ sẽ phải chịu cuộc xét xử nghiêm khắc hơn những nơi khác.
Cuộc đời Mô-sê là dấu chỉ. Công chúa Pha-ra-ô có tấm lòng mở rộng, nhậy cảm và quảng đại, nên đã đón nhận Mô-sê dù ông chỉ là một đứa trẻ của dân tộc nô lệ. Không những đón nhận, công chúa còn đưa ông vào cung điện để nuôi nấng dậy dỗ như một hoàng tử. Trong khi đó hai người đồng hương chỉ vì tự ái cá nhân đã chối từ ông. Có lẽ câu chuyện lạ lùng của Mô-sê đã được dân Do thái truyền tụng. Thế mà họ chẳng quan tâm đến ông, không chấp nhận lời khuyên giải có tình có lý của ông. Mà lại còn sinh lòng thù hận muốn làm hại ông. Thói tự ái kiêu căng cũng khiến tâm hồn họ ra vô cảm trước các giá trị thiêng liêng và cả trước vận mệnh dân tộc đang bị nô lệ nữa. Họ xứng đáng bị xét xử nghiêm ngặt hơn công chúa Pha-ra-ô (năm lẻ).
A-khat nhờ biết lắng nghe tiếng Chúa, trông cậy vào Chúa nên dù yếu kém, chẳng sợ gì liên quân Ít-ra-en và A-ram. Hai vua cậy vào sức mình sẽ bị Chúa trừng phạt. A-khat biết cậy trông vào Chúa sẽ được Chúa cứu (năm chẵn).
Xin cất khỏi mình con quả tim chai đá, ban cho con quả tim bằng thịt để con nhậy cảm trước Lời Chúa, trước các giá trị Tin Mừng và để con quảng đại thực hành Lời Chúa.

SUY NIỆM 3: NHẠY BÉN VỚI THIÊN CHÚA VÀ NHẠY CẢM VỚI THA NHÂN − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Khó khăn lớn nhất của Đức Giêsu trong sứ mạng của Ngài đó là sự cứng lòng của người nghe. Đó là điều mà các nhà Thánh Kinh nói về đức tin trong Tin Mừng Gioan. Người ta không tin vào Ngài nên không chấp nhận, mà còn phản kháng với lời giảng dạy của Ngài nữa. Hôm nay, Đức Giêsu nói rằng nếu những lời nói hay những việc làm của Ngài được nói, được thực hiện ở những vùng dân ngoại thì họ đã tin theo Ngài từ lâu rồi, trong khi những người Do Thái thì lại cứng lòng tin, không chấp nhận Ngài. 
Người ta tìm thấy một chi tiết đáng chú ý, đó là sự cứng lòng trước Đức Giêsu lại đi cùng với thái độ thiếu nhạy cảm với con người. Những người lãnh đạo Do Thái giữ luật được gọi là từ Thiên Chúa, nhưng họ lại thiếu nhạy cảm với chính  Thiên Chúa! Và cũng vì thế mà trong khi giữ luật tỉ mỉ, họ lại rất cứng cỏi với người đau khổ, họ loại trừ những người cùng khốn vì bệnh tật, những người bất toàn về mặt tâm linh. Họ giữ cho bằng được luật ngày Sabát để rồi bắt bẻ Đức Giêsu vì vi phạm ngày ấy. Họ không mừng vui với người bại liệt mấy chục năm trời được chữa lành, mà chỉ bận tâm bắt lỗi Đức Giêsu vì chữa bệnh ngày Sabát! Họ không mừng vui vì  người tội lỗi trở lại, lắng nghe lời Đức Giêsu giảng dạy mà chỉ bận tâm đến việc Đức Giêsu tiếp xúc với người tội lỗi công khai là vi phạm luật. Như thế, phải chăng hai điều này có mối liên kết chặt chẽ với nhau?
Đúng thế! Nhưng tại sao? Bởi vì Thiên Chúa không ở xa con người, nhưng hoạt động trong đời sống con người để cứu độ họ. Cho nên người ta phải biết tìm kiếm, nhận ra Thiên Chúa trong đời sống con người, nhất là nơi những người cùng khốn, bé nhỏ, bị loại trừ. Vì thế, nếu thiếu nhạy cảm với con người cũng có nghĩa là thiếu nhạy bén với Thiên Chúa! Đừng nói về lòng đạo đức cách viễn vông mà tấm lòng lại khô cứng trước những phận người! Nói cách tích cực, ai có lòng với con người thì sẽ gặp được tấm lòng của Thiên Chúa. Ai gặp được những phận người thì cũng gặp được ý định của Thiên Chúa dành cho con người. Ông Môsê là người nhạy cảm trước thân phận của đồng bào mình thì được Thiên Chúa mời gọi cho công trình giải thoát cho dân Ngài.


SUY NIỆM 4: BẤT HẠNH CHO NHỮNG AI TỪ CHỐI TIN MỪNG - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Hôm nay Chúa Giê-su có những lời lẽ cứng rắn với các thành thị đã từ chối không tin vào Ngài. Vì Ngài thấy rõ : tiền của, thông thái, sang giàu, ích chi cho con người, nếu thân phận đời đời của họ đi vào chốn ngục hình xa cách Thiên Chúa.
Tại mỗi khoảnh khắc, hành động, thái độ của con người có một chiều hướng nào đó :Hoặc là đáp ứng tiếng gọi cứu đọ của Chúa, hoặc là khước từ Ngài. Không phải ta ý thức luôn như vậy đâu, mà cũng may nhiều lúc vô tình, và nhờ sự vô tình thiếu sót mà Chúa còn dủ thương ta.
Tại mỗi khoảnh khắc, Chúa vẫn có Thánh ý Ngài trên cuộc đời ta. Vì thế nếu ta quan tâm tìm hiểu Thánh ý, tin yêu phó thác nơi Ngài, đó là con đường mở về hạnh phúc.
“Khốn cho người hỡi Kho-ra-din , khốn cho người hỡi Beth-sai-đa”
Những lời than trách này ngược với Tám mối phúc thật là những lời chúc phúc : “Phúc thay ai nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Tại sao vậy ?
Những phố thị phi quanh bờ hồ Ti-bê-ri-a có dịp nghe Chúa rao giảng và thấy những phép lạ Ngài làm. Nhưng dân phố thị thường bị tiền của lôi cuốn hơn là những giá trị của Tin Mừng, và chính lúc đó họ tỏ ra khôn sẵn sàng để được Chúa đem về cõi phúc đời đời. Sự khốn khổ của họ là do họ lựa trọn.
Một người tu sĩ là người được nhiều đặc ân Chúa dành cho, đặc ân nhưng không. Lời Chúa hôm nay như tiếng chuông cảnh tỉnh những ai coi thường hồng ân Thiên Chúa. Chúa không phạt không trả thù, nhưng đi theo tiếng gọi của Chúa chính là con đường hẹp nhất cho cuộc đời.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, khi Chúa phải lớn tiếng than khóc những thành thị kiêu căng vô tình trước hồng ân Chúa đã đem đến cho họ, chính là lúc Chúa yêu thương họ nhất. Dù đã được nghe những lời dạy khôn ngoan cao quý, dù được thấy những phép lạ Chúa làm minh  họa chân lý Chúa rao giảng, những người các thành thị ven biển hồ Ti-bê-ri-a vẫn bưng tai bịt mắt, vì tâm hồn họ đã chứa đầy dục vọng, đầy tham mê ích kỷ.
Lạy Chúa, xin giúp con tránh mọi tham mê ở đời, vì tất cả những mơ ước đặt căn bản trên cuộc sống mau qua này, đều trở thành hão huyền, thành phù vân mây khói. Cuộc đời con người tiền tài và bao nhiều khát vọng khác cũng chỉ là những ảo tưởng hơn là sự thật.
Xin Chúa cho con biết tin tưởng chỉ có Chúa mới là hạnh phúc thật đời con. Tám mối phúc thật là lời kinh thắp sáng cuộc đời, mặc dầu những  tiêu chuẩn để đi tới hạnh phúc đó đòi con đi trên con đường hẹp. Nhưng đường hẹp như lời Chúa dạy là đường dẫn về hạnh phúc đời đời. Con đường thênh thang dễ dãi mơn trớn xác thịt con người, lại là đường đi tới chỗ diệt vong.
Lạy Chúa, Chúa đã dùng Thập Giá để cứu độ trần gian, vì Chúa biết mầu nhiệm đau khổ  là mầu nhiệm đem tới sự sống muôn đời. Đây là bí quyết chỉ một mình Chúa biết thôi. Xin cho con mỗi lần làm dấu Thánh Giá, mỗi lần nhìn lên Thánh Giá, con biết tin chắc Thánh giá là nguồn cậy trông. Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây