THỨ NĂM TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 30/10/2024 02:14

THỨ NĂM TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

Lc 13,31-35

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

31 Một hôm, tại Giê-ru-sa-lem, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông!” 32 Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: 'Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. 33 Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.'

34 “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. 35 Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!”

 

SUY NIỆM:

Sứ điệp: Chúa Giêsu yêu thương con người đến nỗi cho dù con người phản nghịch chống lại Ngài, Ngài vẫn tha thiết yêu thương như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian để rao giảng về Nước Thiên Chúa cho con người. Nhưng phũ phàng thay, có biết bao nhiêu người đã bịt tai giả điếc làm ngơ trước Lời của Chúa. Thậm chí có người tìm cách triệt hạ Chúa như một Hêrôđê, như thành Giêrusalem, nơi bao ngôn sứ bị giết hại, và như chính con khi đã bao lần sã ngã phạm tội.

Lạy Chúa, thế mà Chúa vẫn tha thiết yêu thương và kiên nhẫn mời gọi con trở về sống trong ân tình của Chúa. Chúa sẵn sàng quên đi bao lỗi lầm thiếu sót của con, và Chúa chỉ muốn một điều là được bảo vệ con trong vòng tay yêu thương của Chúa.

Ôi lạy Chúa, xin cho con luôn cảm nhận được tình yêu bao la đó, để con yêu mến Chúa nhiều hơn, và để từ nay, con sẽ quyết tâm xa lìa con đường tội lỗi. Trong những khi gặp gian nan thử thách, hay những lúc yếu đuối tuyệt vọng, xin cho con biết tìm đến Chúa như nguồn sức mạnh đỡ nâng, như nơi trú ẩn an toàn. Lạy Chúa, con biết rằng Chúa yêu thương con như gà mẹ ủ ấp gà con dưới cánh. Xin đừng bao giờ để con trở thành kẻ bạc nghĩa vong ân phản nghịch chống lại Chúa, nhưng xin cho con luôn là người con chí hiếu, luôn biết vâng phục Thánh Ý Chúa trong suốt cuộc đời. Amen.

Ghi nhớ: “Không lẽ một tiên tri phải giết chết ngoài thành Giêrusalem ?”

TGM Giuse Nguyễn Năng

 

SUY NIỆM:  

A- Phân tích (Hạt giống...)

Bối cảnh của đoạn này là có một số người báo tin cho Chúa Giêsu hay Hêrôđê muốn giết Ngài và khuyên Ngài hãy trốn đi nơi khác.

Đoạn này gồm hai ý:

1. Cảm nghĩ của Chúa Giêsu về cái chết sắp tới (cc. 31-33): lời khuyên Ngài trốn đi có vẻ khôn ngoan theo sự tính toán của người đời, bởi vì Hêrôđê là một tên gian hùng, dám khử trừ bất cứ ai mà ông không thích. Tuy nhiên Chúa Giêsu không theo sự khôn ngoan của thế gian, Ngài theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài biết việc đi lên Giêrusalem để chịu nạn chịu chết là kế hoạch của Thiên Chúa mà Ngài “phải” thực hiện cho xong.

• Dù Hêrôđê có mưu đồ gì đi nữa, Chúa Giêsu vẫn xem đó là chuyện thường. Do đó, Ngài gọi ông là “con cáo”. Kiểu nói này đối với người Do Thái hàm ý coi thường (nếu hàm ý nể sợ, người ta sẽ gọi là “con sư tử”).
• Sở dĩ Chúa Giêsu coi thường là vì Ngài biết Hêrôđê chẳng thể làm gì được Ngài trước khi thời gian dành cho sứ mạng của Ngài kết thúc. Bởi đó, Ngài nói: “Hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi”. Kiểu nói này chỉ một thời gian ngắn, nên không được hiểu chính xác theo số học.
• “Ngày thứ ba, tôi hoàn tất”: “Hoàn tất” vừa có nghĩa thời gian là kết thúc, vừa có nghĩa sự nghiệp là đã đạt mục đích. Chúa Giêsu chắc chắn sự nghiệp Ngài sẽ hoàn thành trong một thời gian ngắn nữa, không ai và không gì ngăn cản được.

2. Lời Chúa Giêsu nhắn gởi dân thành Giêrusalem trước viễn tượng Ngài sắp chết (cc. 34-35): Chúa Giêsu đặt đối chọi nhau 2 điều hiển nhiên: Đã bao lần Ngài (và xưa kia là các sứ giả của Thiên Chúa) cố gắng tập họp họ lại như gà mẹ tập họp gà con, hầu che chở họ khỏi tai họa là cuộc phán xét của Thiên Chúa về các tội lỗi của họ. Nhưng, xưa cũng như nay, không bao giờ họ chịu nghe lời Ngài (và lời các ngôn sứ), trái lại còn bách hại và giết chết các ngôn sứ, cũng như sắp giết chết Ngài. Vì thế, số phận của họ là sẽ bị Thiên Chúa bỏ mặc.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Chúa Giêsu đã tỏ ra bình thản trước việc Hêrôđê đang tìm cách sát hại Ngài. Sở dĩ Ngài bình thản được như thế là vì Ngài luôn trung thành tuyệt đối với ý định của Thiên Chúa. Thật vậy, cả cuộc đời Ngài là một tiếng xin vâng đối với thánh ý Thiên Chúa. Do đó, một khi biết rằng có một hiến lễ phải hoàn tất và hiến lễ ấy nằm trong chương trình của Thiên Chúa thì không gì phải làm cho Ngài bận tâm, ngoài việc chu toàn công việc được giao phó... Xin cho chúng ta biết sống trọn giây phút hiện tại, nhờ đó chúng ta an tâm và sẵn sàng bất cứ lúc nào Chúa đến gọi chúng ta. (Trích: Mỗi ngày một tin vui)

2. Hãy sống như sắp chết, để có thể bình an, chết như bước vào cõi sống.

3. Một tu sĩ nọ được giao nhiệm vụ may vá. Ngày kia, Thầy ngã bệnh nặng. Trong lúc hấp hối, Thầy nói “Hãy đưa cho tôi chìa khóa thiên đàng”. Những người quanh giường bệnh bối rối nhìn nhau không hiểu Thầy muốn gì. Nhưng một người hiểu ý đưa cây kim cho Thầy. Tu sĩ ấy mỉm cười hài lòng. Cây kim mà Thầy dùng mỗi ngày để may vá cho mọi người trong cộng đoàn chính là chìa khóa mở cửa thiên đàng cho Thầy. (Drinkwater)

4. Có Mấy người Pharisêu đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!” Người bảo họ, các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.” (Lc 13,31-32)

Một lần Thánh Gioan Boscô hỏi các học sinh của Ngài đang chơi đùa: “Nếu ngay bây giờ các con biết mình sắp chết, các con sẽ làm gì ?” Một số trả lời sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số khác cho biết sẽ đi xưng tội dọn mình chết lành. Riêng Đaminh Savio điềm nhiên trả lời: “Nếu trong giây lát con sẽ chết, con vẫn tiếp tục cuộc chơi”.

Đứng trước mối đe dọa là cái chết, Chúa Giêsu vẫn chu toàn bổn phận người làm con.

Lạy Chúa, xin cho biết sống giây phút hiện tại để chu toàn sứ mệnh người làm con. (Hosanna)

Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

 

SUY NIỆM:

Mở đầu bài Tin Mừng, kể chuyện có mấy người Pharisiêu đến thưa với Đức Giê-su: “Xin ông đi khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông”.

Hành động này có thể đưa ra ba giả thiết:

– Thương mến Đức Giê-su nên sợ Người gặp nguy hiểm.

– Thương hại cho một con người tài năng như Đức Giê-su.

– Dùng danh hão Hêrôđê để hù doạ Chúa Giê-su.

Nhưng hiểu theo nghĩa nào không quan trọng, mà điều quan trọng hơn là câu trả lời của Chúa Giê-su với cả lý trí, ý chí và tự do khẳng định về sứ vụ của Người. 

Trước hết, Chúa Giê-su gọi Hêrôđê là con cáo, không phải để chửi bới ông ta, mà đây là lối nói ẩn dụ về một hành động rình rập trong bóng tối. Từ sau khi Hêrôđê Cả qua đời, tiểu vương Hêrôđê Antipa được nói tới ở đây chỉ được cai trị vùng Galilê và Pérée chẳng dính dáng gì đến  vùng Giuđê mà là thuộc quyền tổng trấn Philatô. Vì thế, người Pharisiêu nhắc tới Hêrôđê để nói với Chúa Giê-su là chỉ để hù doạ mà thôi. Và nếu Chúa Giê-su có phải chịu khổ nạn thì cũng ở nội thành Giêrusalem, nơi Hêrôđê không có quyền hành gì. Chúa Giê-su nói Hêrôđê Antipa là con cáo vì thực tế ông chỉ là bù nhìn và hành động lén lút như con cáo trong bóng tối.

Kế đến, Chúa Giê-su xác định vai trò của ngôn sứ là hành động giữa ánh sáng ban ngày, và không sợ bất cứ mối đe doạ nào, và sẵn sàng chết vì Tin Mừng để hoàn tất sứ vụ.

Cuối cùng, Chúa Giê-su lấy làm tiếc cho dân thành Giêrusalem, đã bao lần Chúa đã gửi đến cho họ các ngôn sứ cảnh báo họ ăn năn hối cải, nhưng họ đã lấy làm chói tai và giết các ngài. Đến lượt, chính Con Một Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế họ đang trông mong đã đến, họ cũng không nhận ra mà hối cải. Dù đã bao lần Người yêu thương ấp ủ họ như gà mẹ ấp ủ con mình.

Và rồi, Chúa Giê-su đã tiên báo cho họ thấy cảnh hoang tàn đổ nát của thánh điện và nhà cửa nên hoang vu. Việc này đã nên ứng nghiệm, khi chính họ đã đóng đinh Chúa Giê-su, và đến năm 70 thì tướng Titô đã phóng hoả đốt thành và dân tản mác khắp nơi.

Tóm lại, bài học mà Tin Mừng gửi đến cho chúng ta hôm nay là:

Dù thuận tiện hay không thuận tiện, hãy sống chứng nhân cho Chúa, can đảm thực thi sứ vụ mà Chúa trao cho mỗi người.

– Nhận ra thời khắc Chúa viếng thăm nhắc nhở chúng ta qua những người được Chúa gửi đến, để lo canh tân đời sống mà trở về với Chúa.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết sẵn sàng đón nhận sứ vụ rao giảng Lời Chúa với cả lý trí, ý chí và tự do, để chúng con không nao núng trước những bách hại của thế gian, mà can đảm khẳng định sứ vụ Chúa trao và quyết tâm hoàn thành. Amen

Hiền Lâm 

SUY NIỆM:

 "Như trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng và đường lối của Ta cũng vượt trên tư tưởng và đường lối các ngươi bấy nhiêu". Đó là lời khẳng định trong sách ngôn sứ Isaia, và điều ấy chúng ta thấy cũng được diễn tả qua ý tưởng của bài Tin Mừng hôm nay.

Cứ theo suy nghĩ của người đời, lánh mặt một người trong lúc họ đang tìm cách giết hại mình thì sẽ là khôn ngoan. Vì thế khi những người Pharisêu khuyên Chúa Giêsu trốn đi vì  Hêrôđê, một con người gian ác đang tìm cách giết Chúa Giêsu thì việc trốn đi là hợp lý như người ta vẫn thường nói: “Đào vi thượng sách”. Tuy nhiên Chúa Giêsu lại không theo sự khôn ngoan của thế gian. Người biết lên Giêsrusalem là lên đường chịu nạn chịu chết để hoàn thành kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha, nên Ngài coi thường mọi âm mưu của Hêrôđê (qua kiểu nói ví Hêrôđê như con cáo của người Do Thái xưa) vì biết Hêrôđê chẳng thể làm gì được Ngài trước khi thời gian dành cho sứ mạng Ngài kết thúc, bởi đó Chúa Giêsu mới nói: “Hôm nay, và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất” (Đây là kiểu nói chỉ một thời gian ngắn).

Sở dĩ Chúa Giêsu có sự bình thản đó là vì Chúa Giêsu luôn trung thành tuyệt đối với Thánh Ý của Thiên Chúa nên không điều gì khiến Ngài phải bận tâm ngoài tình yêu với Chúa Cha qua việc chu toàn công việc được Chúa Cha trao phó và tình yêu đối với con người là để cứu chuộc họ.

Từ suy nghĩ đó, trở về với cuộc sống, chúng ta hiểu rằng một khi chúng ta xác tín Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương, thì chúng ta sẽ có được sự tin tưởng phó thác trước tương lai và bình an trong mọi thử thách, mọi nghịch cảnh ở cuộc đời vì biết rằng tương lai không hoàn toàn thuộc về mình và mọi nghịch cảnh có xảy đến cho chúng ta cũng không nằm ngoài ý định yêu thương của Chúa Cha, do đó chúng ta không quá lo lắng, sợ hãi đến nỗi phải đi coi bói, hoặc tin tưởng vào một điều dị đoan nhảm nhí nào đó.

Đọc đoạn Tin Mừng chúng ta cũng thấy sự độc ác của Hêrôđê. Tuy nhiên, sự độc ác của con người không thể làm cho Chúa Giêsu không yêu thương con người. Trái lại, Chúa Giêsu đã chấp nhận trở nên yếu hèn, bị khinh chê, Ngài vẫn yêu thương con người và yêu thương cho đến chết trên Thập giá. Tuy nhiên, cái chết của Chúa Giêsu không phải là một thất bại vĩnh viễn, bởi vì rồi đây con người sẽ trở lại nhìn nhận Thiên Chúa. Lời tiên báo của Chúa Giêsu hé mở cho chúng ta thấy viễn tượng hy vọng: “Các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa, cho đến lúc các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa”. Đây là lời tiên tri về cuộc chiến thắng cuối cùng của Chúa vào thời cánh chung.

Lạy Chúa, xin Chúa dạy chúng con biết tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng yêu thương của Chúa, để chúng con có thể vượt qua những gian nan thử thách trong cuộc sống. Xin Chúa ban thêm cho chúng con lòng can đảm và trung thành để chúng con bước theo Chúa mỗi ngày. Amen.

Lm. J.P

 

SUY NIỆM: GIỜ CHÚA VIẾNG THĂM

Một diễn giả thuyết trình cho các bậc phụ huynh về thái độ phải luôn thông cảm với con cái, nhất là khi chúng còn nhỏ. Diễn giả vừa dứt lời, thì có một người mẹ phát biểu ý kiến: "Trong bài thuyết trình, ông đã nhiều lần nhắc đến những sai sót của cha mẹ không đủ kiên nhẫn để tỏ ra thông cảm với con cái. Phần tôi thì có kinh nghiệm ngược lại: tôi luôn luôn tìm cách thông cảm với con cái, nhưng chẳng những chúng không nghe lời tôi, mà còn chống lại tôi. Xin ông vui lòng cho chúng tôi biết phải làm gì nữa để con cái nghe lời chúng tôi".

Kinh nghiệm của người mẹ trên đây có thể giúp chúng ta hiểu thêm phần nào tâm tình của Chúa Giêsu đối với người Do thái và, đối với thành Giêrusalem như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay. Ðó là tâm tình yêu thương của Chúa trước sự khước từ của dân Chúa. Tác giả Gioan đã đưa ra nhận định chung về cuộc đời của Chúa Giêsu: "Ngài đã đến nơi nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận". Con người là tạo vật của Thiên Chúa, nhưng lại có quyền tự do từ chối Ngài, đó là cái bi thảm của cuộc đời.

Chúng ta sẽ càng cảm thông với những tâm tình của Chúa Giêsu, khi chúng ta biết rằng lúc đó Ngài đang tiến về Giêrusalem, tiến đến gần giây phút thực hiện cuộc Vượt qua của Ngài để đem ơn cứu rỗi cho mọi người, nhưng cũng chính lúc đó sự chống đối của các kẻ thù Chúa mỗi lúc một gia tăng. Những người Biệt phái, Luật sĩ, Tư tế trong dân, đang tìm cách loại trừ Chúa, ngay cả vua Hêrôđê Antipas cũng không ưa thích gì Ngài, chính ông ra lệnh chặt đầu Gioan Tẩy giả, đó là điềm không tốt cho Chúa Giêsu lúc đó đang có mặt trên phần đất thuộc thẩm quyền của ông.

Tuy nhiên, sự độc ác của con người không thể làm cho Thiên Chúa không yêu thương con người. Trái lại, Thiên Chúa đã chấp nhận trở nên yếu hèn, bị khinh chê, Ngài vẫn yêu thương con người và yêu thương cho đến chết trên Thập giá. Tuy nhiên, cái chết của Chúa Giêsu không phải là một chiến bại vĩnh viễn, bởi vì rồi đây con người sẽ trở lại nhìn nhận Thiên Chúa. Lời tiên báo của Chúa Giêsu hé mở cho chúng ta thấy viễn tượng hy vọng: "Các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa, cho đến lúc các ngươi nói: chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa". Ðây không chỉ là lời tiên tri về cuộc khải hoàn của Ngài vào thành Giêrusalem, nhưng còn là lời tiên tri về cuộc chiến thắng cuối cùng của Ngài vào thời cánh chung, khi Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.

Chúng ta hãy khiêm tốn nhận ra những giờ phút của ân sủng Chúa đến viếng thăm chúng ta. Ước gì chúng ta cảm nghiệm được tình yêu dịu dàng của Chúa để có thể nói lên lời tri ân chúc tụng Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM: NGÀY THỨ BA HOÀN TẤT

 

Chúa Giêsu nói rõ Ngài sẽ chịu chết tại Giêrusalem và sẽ hoàn tất. Tuy nhiên, Ngài cũng mượn hình ảnh dân thành Giêrusalem để lên tiếng nói về sự đau lòng khi chịu chết cho chính con người mà lại bị chính con người từ chối. Thiên Chúa được sánh ví như gà mẹ thương che chở đàn con là toàn thể nhân loại nhưng lại bị từ chối. Mặc dù vậy, Thiên Chúa vẫn thực hiện chương trình cứu độ vì Ngài yêu thương con người bất chấp sự ngang bướng và vô ơn của con người.

Chúng ta luôn được Thiên Chúa yêu thương. Ngài che chở và luôn muốn ban ơn cứu độ cho mọi người. Mỗi người đừng ngoan cố và chai lì trong tội lỗi mà từ chối Thiên Chúa. Từ chối ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban thì phần thiệt thòi là chính mình. Vì vậy, mỗi người hãy mở lòng ra để tin nhận Thiên Chúa mà lãnh ơn cứu độ của Ngài.

Lạy Chúa, xin ban thêm cho chúng con lòng yêu mến Chúa để tâm hồn chúng con luôn rộng mở sẵn sàng tin nhận mọi điều Chúa truyền dạy. Amen.

Lm. Laurenso Quốc Huy

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây