THỨ BA TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN
Lc 12,35-38
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
35 “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. 36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.
37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.
38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.
SUY NIỆM: HÃY TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG
“Hãy tỉnh thức và sẵn sàng”, đây là một trong những sứ điệp hàng đầu trong hành trình 3 năm rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu. Lời mời gọi này được Chúa Giêsu lặp đi lặp lại như một điệp khúc, để muốn nói với chúng ta rằng, tỉnh thức và sẵn sàng là tinh thần và thái độ sống không thể thiếu đối với người Ki-tô hữu chúng ta.
Thật ý nghĩa khi lời mời gọi này của Chúa Giêsu lại một lần nữa được vang lên, trong khi con người ngày nay đang “ngủ mê” trong của cải vật chất, “ngủ mê” trong những đam mê trần thế và khoái lạc hưởng thụ, đã khiến nhiều anh chị em tín hữu quên đi cùng đích của đời mình.
“Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” quả thật rất cần thiết với người ki-tô chúng ta hôm nay thưa anh chị em. Vậy tại sao chúng ta cần phải tĩnh thức? Tỉnh thức để làm gì? Có 3 lý do sau đây thưa anh chị em:
Lý do thứ nhất, tỉnh thức là để chúng ta nhận ra ý Chúa qua những dấu chỉ của thời đại. Thiên tai, chiến tranh, bệnh tật, và cả những biến cố vui buồn thành hay công thất bại trong cuộc sống…, những lần như thế, chỉ có tỉnh thức mới giúp chúng ta nghiệm ra được, Chúa muốn nói gì với bản thân tôi qua những biến cố này.
Lý do thứ hai, tỉnh thức để ý thức thân phận mỏng manh tro bụi của mình. “Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi”. Đó là triết lý nhân sinh của kiếp người. Dù là trẻ hay già, giàu hay nghèo, dù là đau yếu hay khỏe mạnh, cái chết cũng không kiêng nể ai và chẳng báo trước cho ai. Trong cuộc sống, chắc nhiều lần anh chị em đã chứng kiến kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, người giàu có rồi cũng đành chấp nhận bỏ lại tất cả để ra đi với 2 bàn tay trắng theo quy luật nhân sinh… Hãy luôn tỉnh thức để chuẩn bị cho mình cả phần xác lẫn phần hồn. Đừng để khi Chúa gọi mà lòng còn vấn vương.
Lý do thứ ba, tỉnh thức là để chờ ngày Chúa quang lâm. “Đó là ngày chúng ta không ngờ, là giờ chúng ta không biết”. Chúa Giêsu ví ngày ấy như kẻ trộm đục vách đêm khuya, ngày ấy như chàng rễ bất chợt đến lúc nửa đêm… Hãy tỉnh thức như người đầy tớ thức suốt đêm chờ chủ trở về, như năm cô trinh nữ khôn ngoan để được vào dự tiệc cưới…. Giữ đạo và sống đạo cả đời, nhưng đến giờ phút quyết định mình lại không được cứu độ thì quả thật chúng ta là những người đáng thương nhất.
Tóm lại, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta “hãy tỉnh thức và sẵn sàng”: Tỉnh thức để nhận ra ý Chúa trong cuộc đời, tỉnh vì cái chết luôn là điều bất ngờ, và tỉnh thức để chờ ngày Chúa lại đến trong vinh quang; vì “chính lúc chúng ta không ngờ thì Con Người sẽ đến”. Amen
Lm. Antôn
SUY NIỆM: CHỦ SẼ PHỤC VỤ
Chúng ta dành bao nhiêu thời gian để ăn, ngủ, và làm việc trong một đời?
Nhiều người nghĩ mình có thể đưa ra những con số khá chính xác.
Nhưng chúng ta dành bao nhiêu thời gian để chờ?
Có thứ chờ tính được bằng thời gian.
Có thứ chờ kéo dài liên tục nằm nơi trái tim mong ngóng.
Mẹ chờ con, vợ chờ chồng, những người yêu chờ nhau.
Trong một vở kịch của Samuel Beckett, văn sĩ được giải Nobel 1969,
có hai người chờ một nhân vật mơ hồ tên là Godot.
Cả hai chỉ quen sơ sơ ông này, nếu có gặp cũng chẳng nhận ra.
Vậy mà họ vẫn chờ, nhưng ông Godot nào đó đã không đến.
Có lẽ Samuel Beckett muốn nói đến cái phi lý của đời người.
Cứ chờ cứ đợi một điều mơ hồ và chẳng xảy ra.
Đức Giêsu dạy các môn đệ biết chờ đợi trong cuộc sống.
Chờ như những đầy tớ chờ chủ mình đi ăn cưới về.
Đám cưới ngày xưa hay vào ban đêm để tránh cái nóng.
Chủ có thể về trễ, nên phải chịu khó chờ,
nghĩa là phải tỉnh thức, không được ngủ quên.
Nhưng chờ lại không phải là thái độ ngồi yên, thụ động.
Chờ là đặt mình trong tư thế sẵn sàng phục vụ.
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng” (c. 35).
Người đầy tớ sẵn sàng bắt tay vào việc,
vì chiếc áo đã được vén lên gọn gàng,
và trong đêm, ngọn đèn được châm dầu vẫn luôn cháy sáng.
Có một giây phút quan trọng, giây phút ông chủ về.
Sự chờ đợi, sự tỉnh thức, sự sẵn sàng, tất cả hướng đến giây phút này.
Lỡ giây phút này là lỡ tất cả.
“Để khi chủ về tới, gõ cửa thì mở ngay” (c. 36).
Mở ngay vì mình đang chờ, đang thức, đang sẵn sàng,
áo đã được vén lên để chuẩn bị phục vụ,
đèn đã được thắp sáng để soi trong bóng đêm.
Chủ sẽ ngỡ ngàng vì sự mau mắn như vậy của các đầy tớ.
Nhưng các đầy tớ còn ngỡ ngàng hơn nhiều.
Chính khi các anh chuẩn bị phục vụ chủ, thì chủ lại phục vụ các anh.
“Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn,
và đến bên từng người mà phục vụ” (c. 37).
Rõ ràng đã có một sự đổi vai bất ngờ: chủ đã thắt lưng, phục vụ như đầy tớ.
Đầy tớ đã trở nên trọng hơn chủ, vì Thầy ở giữa anh em như người hầu bàn.
Đó là mối phúc dành cho người tỉnh thức vào giờ lẽ ra đang yên ngủ.
Canh hai, canh ba, là đã quá nửa đêm về gần sáng (c. 38).
Kitô hữu biết mình chờ ai, chờ một người sớm muộn chắc chắn sẽ đến.
Chờ một cách tích cực với thái độ sẵn sàng làm việc dưới ánh đèn.
Hạnh phúc đến với tiếng gõ cửa đầu tiên trong đêm.
Chúng ta mong nghe được tiếng gõ nhẹ ấy như một tiếng gọi.
Xin mở cửa ngay để được thấy tận mắt Thiên Chúa phục vụ con người.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
là con có thể tạo ra sa mạc.
Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã bỏ mất:
Khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư,
chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
khi đến nơi làm việc,
khi kẹt xe,
khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an bình
trong sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa,
những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.
Xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào. (gợi hứng từ Madeleine Delbrêl).
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM: HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI TÔI TỚ KHÔN NGOAN
Chúng ta bắt đầu nghe những dụ ngôn về những người đầy tớ trong bối cảnh của những chống đối từ bên trong và bên ngoài mà người môn đệ phải đối diện. Thánh Luca dùng cái nhìn Giáo Hội học để giải thích những dụ ngôn này. Nói cách cụ thể hơn, theo Thánh Luca, những người lãnh đạo cộng đoàn phải trung thành và không được tạo ra những vấn đề nội tại cho Giáo Hội. Một trong những thuật ngữ quan trọng để hiểu ý nghĩa những dụ ngôn của Thánh Luca là doulos, “tôi tớ” hay “người nô lệ.” Từ này xuất hiện trong các câu 37, 43, 45, 46, 47 và nó có nghĩa là “người phục vụ cộng đoàn Kitô hữu.” Một thuật ngữ quan trọng khác là oikonomos, “quản gia,” chỉ tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Luca (x. 12:42, 16:1,3,8). Từ này cũng có nghĩa là “người phục vụ cộng đoàn Kitô hữu.” Nhìn từ khía cạnh ngôn ngữ, người phục vụ cộng đoàn hay người lãnh đạo cộng đoàn là những người tôi tớ, những người nô lệ của cộng đoàn. Hơn nữa, họ là những người quản gia, những người chăm sóc và phân phát những gì thuộc về Thiên Chúa cho dân của Ngài. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi trở nên những người tôi tớ hay quản gia của hồng ân Thiên Chúa trong môi trường mình sống và làm việc [gia đình, cộng đoàn tu sĩ, giáo xứ, trường học, công sở, v.v.). Vì vậy, chúng ta phải là những người mang lại niềm vui, hạnh phúc và nhất là sự hiệp nhất cho mọi người, chứ không phải trở thành nguyên nhân của sự chia rẽ.
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta những thái độ cần thiết mà một người tôi tớ cần phải có, đó là “anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay” (Lc 12:35-36). Chúng ta nhận ra bốn hành động cần thiết của một người tôi tớ là “thắt lưng cho gọn,” “thắp đèn cho sẵn,” “đợi chủ về,” và “mở ngay cửa cho chủ.” Bốn hành động này ám chỉ việc người tôi tớ phải luôn trong tư thế sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ của mình. Hai hành động quan trọng nhất trong bốn hành động này là “thắp đèn” và “mở cửa ngay.” Bối cảnh bài Tin Mừng cho thấy là người chủ sẽ trở về vào ban đêm. Vì vậy, yếu tố cần thiết để không vấp ngã và nhìn thấy người khác trong bóng đêm chính là ánh sáng. Chính ánh sáng của ngọn đèn sẽ giúp người tôi tớ nhìn thấy ông chủ của mình trong bóng đêm. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng trong bóng đêm của cuộc sống, nhất là khi gặp khó khăn, thử thách, Chúa luôn đến với chúng ta. Tuy nhiên, để nhận ra Ngài, chúng ta cần đến ánh sáng của đức tin. Ánh sáng này chúng ta nhận được qua biểu tượng của ngọn nến trong ngày rửa tội. Chỉ với ánh sáng của đức tin chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa của những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, và như thế sẵn sàng để nhận ra Chúa Giêsu đang gõ cửa con tim của mình và mau mắn mở cho Ngài. Hãy nhớ rằng Chúa luôn gõ cửa con tim chúng ta khi chúng ta đối diện với bóng tối trong cuộc sống. Liệu chúng ta có đủ ánh sáng đức tin để nhận ra và mở cửa cho Ngài không?
Khi ông chủ về thấy người đầy tớ có những thái độ ông mong ước, người “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12:37). Chúng ta thấy vai trò tôi tớ và ông chủ được đổi ngược: ông chủ trở thành tôi tớ và tôi tớ trở thành chủ. Việc hoán đổi vị trí này rất quan trọng vì nó nói đến phần thưởng tuyệt đối mà Thiên Chúa sẽ ban cho những người tôi tớ trung thành. Hình ảnh này cũng cho thấy, những người tôi tớ [môn đệ] nào trung thành trong thời gian sống trên dương thế sẽ được ngồi vào bàn tiệc mà Thiên Chúa đã chuẩn bị trong Nước của Ngài. Mỗi ngày sống của chúng ta là một cơ hội để sống tỉnh thức và trung thành với ơn gọi [làm Kitô hữu/tu trì] của mình. Sự trung thành đó được thể hiện qua việc chu toàn bổn phận của mình cách vui vẻ vì qua những công việc hằng ngày, chúng ta nhận ra Chúa đến với mình. Chỉ những ai làm việc hôm nay với ánh mắt hướng về ngày mai hoặc những ai làm việc dưới đất mà mắt hướng về trời [thiên đàng], mới hiểu được ý nghĩa của những khó khăn và đau khổ mà công việc họ mang lại.
Lm. Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM: HÃY TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG
“Tỉnh thức” là hệ luận rút ra khi được Lời Chúa tuần trước dạy rằng: mọi sự ở trần gian này đều là phù vân, tạm bợ, chỉ là những phương tiện để con người kiến tạo cho mình cuộc sống đời đời. Ai cũng phải công nhận, cuộc sống của con người thật bấp bênh. Nhiều thi sĩ Việt Nam đã diễn tả tư tưởng ấy trong thơ văn, như “Ôi nhân sinh là thế ấy! Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao” (Nguyễn Công Trứ). Cho nên Lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta đừng coi thường chân lý nền tảng này: “Hãy tỉnh thức! Hãy sẵn sàng!”.
Hôm nay, Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta phải luôn sẵn sàng cho giờ từ giã cõi đời này, để bước vào sự sống đời sau. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại nhiều lần cụm từ “Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về mà tỉnh thức”. Qua hình ảnh ẩn dụ đó Chúa Giêsu nói đến sự trở về bất ngờ của ông chủ là cái chết của mỗi người. Giờ chết luôn là một sự bất ngờ, không ai biết rõ. Nên phúc cho ai tỉnh thức trước giờ chết của mình. Muốn tỉnh thức chúng ta phải xa tránh tội lỗi, chăm lo làm những việc lành phúc đức. Cuộc sống luôn đầy rẫy những cám dỗ hấp dẫn, chúng dễ ru ngủ ta làm ta lơ là không đề phòng nên dễ sa ngã. Hãy tỉnh thức bằng đời sống cầu nguyện, bác ái, yêu thương, siêng năng lắng nghe Lời Chúa để luôn sẵn sàng cho giờ chết (5 phút Lời Chúa).
Vậy tỉnh thức và sẵn sàng là gì?
Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ biết: Ngài sẽ trở lại trong ngày Quang lâm. Hãy chờ đợi. Hãy tỉnh thức chờ đợi. Tỉnh thức là đang ở trong tư thế sẵn sàng và sẵn sàng cũng là lúc đang tỉnh thức, đó là lúc con người đang chuẩn bị trong mọi lúc. Được chuẩn bị không có nghĩa là hoàn thành hết mọi việc mà người ta muốn hoàn thành. Nó có nghĩa là phải sống trung thực với trách nhiệm của mình trong giây phút hiện tại.
Tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ mà là ngủ trong tỉnh thức. Tỉnh thức không phải là ngồi không mà chờ đợi, nhưng vẫn làm như thường trong tư thế chờ đợi. Có những người tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại ngủ mê trong những đòi hỏi của Tin mừng. Tỉnh thức cũng không phải là suốt ngày đọc Lời Chúa, nhưng là để Lời Chúa chi phối đời mình.
Chúa phán: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” (Lc 12,35).
Đây là lối ăn mặc của người đang làm việc theo phong tục của người Do thái.
Theo nghĩa bóng là phải sẵn sàng, tức là loại bỏ tất cả những gì làm cản trở sức sống thiêng liêng của ta: như các đam mê theo dục vọng bất chính. Và điều này thánh Phaolô cũng khuyên nhủ chúng ta: phải tỉnh thức và tiết độ (1Pr 5,8).
“Thắp đèn cho sẵn” là thái độ tỏ lòng mong đợi Đấng Cứu Thế (Xh 12,11), nghĩa bóng là có một đời sống đức tin cậy mến sáng chơi, để chờ đợi Chúa đến trong giờ chết của mình. Về điểm này thánh Phaolô có nói: “Phải là một lính chiến, can đảm chống lại mọi mưu chước của ma quỷ, thế gian, xác thịt với khí giới của Thiên Chúa: lấy chân lý làm đai lưng, lấy công chính làm áo giáp, lấy nhiệt thành với Tin mừng làm giầy trận, lấy đức tin làm thuẫn, lấy ơn cứu độ làm mũ và lấy lời Chúa làm gươm” (Ep 6,14-17) (Lm. Trần Hữu Thành).
Đời sống là một chuỗi những ngày tháng mong đợi. Anh bảo vệ mong cho hết ca trực, chị công nhân mong cho đến giờ tan ca, em học sinh mong thi đậu, đứa bé mong mẹ đi chợ về. Trong câu chuyện dụ ngôn, người đầy tớ không phải là người thợ làm công ăn lương; trái lại, người đầy tớ ấy ở tại nhà của chủ như người trong nhà. Vì thế, dù phải thức đến canh hai hoặc canh ba, người đó vẫn chờ để mở cửa khi chủ trở về. Đó là hạnh phúc của anh. Hạnh phúc cho ai biết phụng sự Chúa như người tôi tớ trung thành. Khi ấy, chính Chúa sẽ phục vụ và chăm sóc họ như ông chủ trong câu chuyện. Người sẽ đưa họ vào Nước trời hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Người.
Truyện: Vườn hoa xinh đẹp
Tại Thụy sĩ, có một vườn hoa tuyệt đẹp, đủ loại hoa, đủ màu sắc. Nằm giữa vườn là một vườn hoa tráng lệ. Nhìn vườn hoa với cảnh phối trí, cắt tỉa, uốn nắn... ai cũng phải công nhận đã có một sự chăm sóc kỹ lưỡng, kèm theo một óc thẩm mỹ hiếm có của người chủ vườn. Một du khách đi qua đây, thoáng nhìn ông đã thấy như say mê. Giữa lúc đó, người làm vườn bước ra. Chủ khách chào hỏi lẫn nhau. Rồi từ chuyện hoa cỏ, cách chăm bón, trồng tỉa, sự phối hợp màu sắc... câu chuyện đi đến chỗ thân tình.
Du khách hỏi: - Xin lỗi cụ, cụ ở đây được bao lâu rồi?
- Khoảng 40 năm rồi.
- Tôi đoán, có lẽ ông chủ của cụ rất sành về nghề cảnh, chắc giờ này ông có nhà?
- Ông ta không có ở đây, thỉnh thoảng mới ghé qua đây thôi.
- Ông có thư từ gì với cụ không?
- Không, ông ta bận lắm.
- Ông ta không về cũng không thư từ, thì ai trả lương cho cụ?
- Hàng tháng tôi chỉ nhận được ngân phiếu từ ông ta để chi phí mọi sự cho khu vườn này.
- Thế tội gì cụ phải săn sóc kỹ lưỡng thế này, ông chủ có mấy khi đến thưởng ngoạn đâu?
- Tôi thì lại không nghĩ thế, mình là một gia nhân được chủ tín nhiệm trao phó việc bảo quản khu vườn này, mình phải tận tụy chờ lúc nào ông chủ về cũng được, ông sẽ hài lòng với công việc của tôi. Hơn nữa, khi làm đẹp khu vườn cho chủ, chính tôi cũng được thưởng ngoạn cảnh đẹp do chính tay mình làm nên.
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM: HÃY TỈNH THỨC
“Tỉnh thức và sẵn sàng” là sứ điệp mà Chúa Giêsu thường hay nhắc nhớ mọi người trong khi giảng dạy. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu dùng hình ảnh người chủ trở về bất ngờ sau bữa tiệc cưới để nhắc nhớ mọi người phải sống tỉnh thức và sẵn sàng. Chúng ta biết rằng tiệc cưới của người Do Thái thường kéo dài rất lâu, không ai có thể biết khi nào kết thúc (có khi buổi chiều, có khi nửa đêm, có khi muộn hơn nữa). Chính vì không biết đích xác giờ nào ông chủ sẽ trở về, nên đầy tớ luôn luôn phải sẵn sàng: sẵn sàng trong tư thế làm việc qua việc thắt lưng cho gọn (vì áo của người Do Thái dài, lụng thụng, nên để dễ làm việc phải thắt cho gọn lại); và sẵn sàng trong tư thế phục vụ qua việc thắp đèn sẵn để soi đường cho chủ thấy lối vào nhà.
Từ câu chuyện rất đời thường đó, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta cũng phải có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng như người đầy tớ đợi ông chủ đi ăn tiệc cưới trở về, vì Thiên Chúa cũng đến với chúng ta cách bất ngờ như thế. Tuy nhiên trong cuộc sống hiện tại, giữ được sự tỉnh thức và sẵn sàng này không phải là điều dễ dàng, bởi vì để sống vươn lên, con người phải bon chen, phải đấu tranh về nhiều phương diện, do đó đôi lúc con người quên đi cùng đích của cuộc sống, nên sống như là chỉ có cuộc sống này mà thôi.
Sống tỉnh thức và sẵn sàng theo lời Chúa mời gọi là luôn sẵn sàng cho ngày giờ Chúa gọi chúng ta về với Chúa. Chúng ta xác tín rằng một ngày nào đó Chúa sẽ gọi chúng ta về, còn khi nào, cách nào, ở đâu? Thì chẳng có ai biết được. Do đó, chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng.
Sai lầm của chúng ta hôm nay là quá quan tâm đến những gì tạm bợ, chưa đủ quan tâm đến sự sống hạnh phúc đời đời của mình. Bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của, tài năng, trí tuệ, nghị lực đều được sử dụng để đầu tư cho thân xác, cho cuộc sống tạm bợ đời này, để rồi khi kết thúc cuộc đời chỉ còn là một nấm đất :
“Trăm năm còn có gì đâu ?
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì !”
Cha Charles de Foucault nói rằng: “Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay”. Đó là một lời khuyên khôn ngoan, một lời khuyên lặp lại lời nhắn nhủ của chính Chúa Giêsu: “Hãy tỉnh thức, vì các con không biết giờ nào chủ sẽ về”.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin Chúa giúp mỗi người chúng con luôn tỉnh thức và sẵn sàng trong từng giờ từng phút. Tỉnh thức và sẵn sàng để chúng con chu toàn tốt việc bổn phận hàng ngày, để chúng con sống nghiêm túc trong lời nói, và việc làm của chúng con luôn đi theo lề luật của Chúa, và để chúng con xứng đáng là người đầy tớ trung thành và khôn ngoan của Thiên Chúa. Amen.
Lm. J.P
SUY NIỆM: TỈNH THỨC
Trong quyển truyện có tựa đề: "Con Ðức Mẹ" xuất bản tại Hà Nội dạo tháng 8/1990, tác giả đã miêu tả sinh hoạt của một giáo xứ miền Bắc một cách ấu trĩ như sau: Tình yêu giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái đôi khi không cần thiết, không thiêng liêng cho bằng mối tình đối với Ðức Maria. Lòng tôn sùng đối với Ðức Mẹ chỉ là một thứ bịa đặt lừa bịp của Giáo Hội. Sinh hoạt giáo xứ chỉ là những biểu dương bề ngoài, cuồng tín, người giáo dân càng sùng đạo, thì càng là thành phần bất hảo trong xã hội.
Bất cứ độc giả nào cũng có thể nhận thấy giọng điệu bôi bác ấu trĩ của tập truyện. Tuy nhiên, với thái độ tỉnh thức mà Chúa Giêsu không ngừng mời gọi, người Kitô hữu hãy nhận lấy một phần trách nhiệm trong việc gây ngộ nhận nơi nhiều người ngoài Kitô giáo. Sự thiếu sót giữa niềm tin và cuộc sống hằng ngày; sự hăng hái sinh hoạt giáo xứ, nhưng lại bỏ qua những đòi hỏi của công bằng, bác ái, tình liên đới; đó là những hình ảnh méo mó mà chúng ta tạo ra cho Giáo Hội.
"Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn". Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tỉnh thức. Có lẽ chúng ta rất tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Kitô giáo không phải là đạo ru ngủ, nhưng luôn thức tỉnh chúng ta, bởi vì đạo là đường để đi. Người chăm chú đi đường không thể ngủ gật, trái lại luôn mở mắt để nhìn thấy cảnh trí chung quanh, để nhận ra hướng đi của mình, để đồng hành với người khác.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh táo để nhận ra Nước Trời đang đến trong từng giây phút. Chúng ta hãy sống thế nào để đạo lý và Giáo Hội không bị hoen ố, nhưng được trình bày bằng những hình ảnh cao đẹp nhất của công bằng, bác ái, yêu thương.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn