Suy niệm - Thứ Ba Tuần 2 Mùa Chay

Thứ hai - 06/03/2023 08:38
cn ii mc t3



Tin Mừng: Mt 23,1-12

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng : 2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy.

8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Mùa chay là thời gian đặc biệt để sám hối và canh tân. Hai hành động liên kết chặt chẽ với nhau. Không thể có canh tân nếu trước đó không có sự sám hối. Sám hối mà không chịu canh tân thì mới đi một nửa chặng đường. Một người chỉ yêu một nửa trái tim và đi một nửa đường chân lý thì cũng như chưa làm gì cả. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay được gới tới mọi thành phần, nhưng cách đặc biệt tới những nhà nhà lãnh đạo. Sở dĩ những nhà lãnh đạo là địa chỉ ưu tiên mà lời Thiên Chúa nhắm tới chính là bởi vì sự cứng lòng của những hạng người này. Do những ảo tưởng, cao ngạo của bản thân vì được khoác lên mình những mỹ từ đẹp đẽ: người được Thiên Chúa xức dầu, người được tuyển chọn, người đại diện cho Thiên Chúa, người nhân danh Chúa Ki-tô, Chúa Ki-tô khác, người là hình bóng Chúa trong kiếp người, là tinh hoa của Giáo Hội, người mang chức thượng tế nhất phẩm, nhị phẩm, người có quyền ban sự tha  thứ, ban Thánh Thần…Nên, họ luôn nghĩ rằng lời mời gọi sám hối canh tân là dành cho những người khác chứ không cho mình. Chính vì thế, công cuộc sám hối và canh tân trong dân Chúa luôn gặp thất bại và mãi ở tình trang “vẫn như cũ,” thậm chí ngày càng tệ hơn nữa. Các bài đọc hôm nay, Thiên Chúa qua miệng các ngôn sứ và qua chính Đức Giê-su Ki-tô chỉ mặt đăt tên những gì mà các nhà lãnh đạo trong dân Chúa và trong Hội Thánh phải thay đổi

Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia chỉ nó: Hỡi những kẻ làm đầu Xơ đom, hỡi dân thành Gô-mô-ra hãy nghe lời Đức Chúa phán bảo: hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết và vưt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác. Hãy tập làm điều thiên, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi biện hộ cho quả phụ. Những lời này cho thấy, những nhà lãnh đạo trở nên những kẻ ác tâm khi đứng về phía người quyền thế, kẻ giàu sang để áp bức những người cùng khốn, thấp cổ bé miệng như người nghèo, cô nhi và góa phụ. Mặc dù tội của họ đỏ như son, thẫm tựa vải điều nhưng họ vẫn cho mình là công chính và không chịu sám hối canh tân

Chúa Giê-su trong trang Tin Mừng cũng cảnh báo những người theo Chúa – dân chúng và các môn đệ đừng đi theo kiểu sống của những kinh sư và biệt phái, những nhà lãnh đạo tôn giáo – những kẻ sống trong phòng kín, trên tòa cao, những kẻ sống chủ nghĩa bàn giấy mà không hề quan tâm mà cũng chẳng cần biết tới hoàn cảnh của những người họ có trách nhiệm phục vụ trong yêu thương. Họ dùng những người dưới quyền của mình như những dụng cụ để xây cái tôi tham vọng của mình. Những lời khen tặng họ nhận được từ người khác, những địa vị mà họ được cất nhắc lên trong Hội Thánh được xây trên mồ hôi, nước mắt và máu của những người giáo dân. Đôi chân, bàn tay, quần áo và thậm chí những lễ phục phụng vụ tươm tất của họ được đổi bằng những cuộc đời lấm lem bui đường bê bết mồ hôi của những người dưới quyền. Ngồi trong những căn phòng máy lạnh họ nghĩ ra bao dự án, kế hoạch viễn vông để bắt những kẻ dưới quyền đêm ngày miệt mài làm việc với áp lực của han định. Họ không cần biết những vất vả của bất cứ ai miễn là họ được lời, được tôn vinh, được khen là những nhà lãnh đạo giỏi. Họ muốn làm thầy, muốn làm người chỉ đạo và làm cha thiên hạ theo kiểu trần gian chứ không theo cách của Thiên Chúa. Thay vì chức vụ để phục vụ họ biến thành thứ để thu gom, mặc cả, đổi chác thậm chí để ban phát. Họ chẳng làm gì những vẫn muốn nhận được những lời cám ơn có cánh. Họ cảm thấy khó chịu và tức tối vì không nhắc đến họ trong những lời cám ơn mặc dù họ chẳng động một chút ngón tay lay thử

Lạy Chúa Giê-su, thế giới ngày xưa Chúa sống và Giáo Hội chúng con đang sống không thiếu những lãnh đạo như thế. Bằng cách dùng tất cả quyền hạn được trao, thay vì để phục vụ cho dân Chúa, họ tạo ra một thứ pháo đài bất khả xâm phạm đến bản thân mình. Với họ, lời Chúa được chính họ rao giảng cho mọi người không có cơ hội thấm nhập vào trong chính họ. Lời của Chúa vì thế luôn được họ nói cho người chứ không cho mình. Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã vất vả và cuối cùng đổ máu vì dám tấn công vào hành ngũ lãnh đạo tôn giáo. Chúa cũng đã thất bại để thay đổi chính họ nên Chúa hiểu những khó khăn của Giáo Hội trong việc sám hối và canh tân chính hàng ngũ lãnh đạo trong Hội Thánh. Xin sai Thánh Thần đến trong mọi người, nhất là những người lãnh đạo, để lôi họ xuống khỏi ngai cao, ra khỏi những căn phòng đóng kín, những thứ dự án trên mây trên gió chẳng liên quan gì đến cuộc sống của những người nghèo. Xin Chúa hãy làm cuộc cách mạng để đẩy mọi người, nhất là những người lãnh đạo trong Hội Thánh đến với những vùng ngoại biên xa xôi, vùi dập nơi những vùng lầy lấm lem bui đường để cảm nghiệm nhu cầu sám hối của mình và tha nhân, nhờ vậy, Hội Thánh Chúa mới hy vọng được thay da đổi thịt bới những mục tử mang mùi chiên qua việc sống với chiên, đói no cùng chiên và thậm chí trở thành chiên trước khi thành mục tử. Lạy Chúa, xin thương đến Hội Thánh của Chúa và xin thương xót tha thứ cho chúng con. Amen



Suy niệm 2:  NIỀM VUI LÀ ANH CHỊ EM CỦA NHAU − Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
 

Người ta muốn làm lớn, muốn mình hơn người khác, có quyền hành trên người khác! Để “hành” người khác chăng? Đúng thế. Cho nên mới có chuyện đàn áp cô nhi, quả phụ, người nghèo trong xã hội, và qua Isaia, Thiên Chúa lên án những tội lỗi đó (bài đọc 1)!

Ngay trong đời sống tôn giáo cũng thế. Người ta muốn ngồi trên ghế cao, muốn chỉ dạy người khác mà không muốn đụng tay làm, thích ra vẻ đạo đức hơn người bằng những y phục rườm rà, muốn ngồi chỗ nhất ở nơi thờ tự và trong đám tiệc! Người ta muốn “làm cha”, làm thầy dạy trên người khác, làm người chỉ đạo cho người khác.

Tại sao người ta thích “ngồi chổm hổm” trên người khác nhỉ?! Tôi dùng từ “ngồi chồm hổm” vì người ta thích ở trên người khác, nhưng tư thế đó đâu có yên, đâu có vững, bởi vì người ta chỉ chứng tỏ, chỉ ra vẻ thôi, chứ sâu xa mà nói, người ta có hơn gì nhau đâu. Ngồi trên người khác mà cứ sợ mình bị lật đổ, vì đó không phải là chỗ của mình! Cuộc đời của bao nhiêu nhà độc tài, bao nhiêu người lạm dụng chức quyền để trục lợi trên người khác đều ở thế chồm hổm như vậy cả. Và cuối cùng là bị truy đuổi, bị xử án, bị tù tội, bị giết chết! Ngay cả trong những phạm vi nhỏ hơn cũng thế, người ta cứ sợ người khác không phục mình, chê bai mình, công kích mình, sợ người khác hay hơn mình!

Tại sao người ta không tìm thấy niềm vui được là anh chị em của nhau, được là những người thân hữu của nhau, mà cứ chực leo lên đầu người khác, chứ chực làm hại người khác, là thế nào nhỉ?!

“Tất cả đều là anh em với nhau” (Mt 23,8). Chúa Giêsu đã dạy như vậy. Ngài ở trên cao, nhưng đã muốn trở nên anh em của loài người, vui vẻ với những người yếu thế, bị loại trừ trong xã hội; còn chúng ta thì chực muốn làm chúa trên người khác! Nếu cứ thế thì không vào thiên đàng được đâu, bởi vì nơi đó mọi người đều là anh chị em, con cùng một Cha là Thiên Chúa. Và người ta cũng có thể sống nếp sống của thiên đàng ngay bây giờ rồi, khi người ta sống niềm vui được là anh chị em của mọi người, khi tìm thấy niềm vui được san sẻ công việc, được đồng lao cộng khổ với nhau.

 


Suy niệm 3:  HỌC VỚI CHÚA - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
 

Đi vào cuộc đời rao giảng, Chúa gặp một đám quần chúng đói khổ, bệnh tật rất đáng thương. Họ cũng tâm đắc với điều Chúa giảng dạy, họ say mê con người siêu quần bạt chúng, nhưng lại rất gần gũi với bao người hèn mọn không ai quan tâm.

Nhưng bên cạnh họ là một lớp người đạo đức giả, họ ăn trên ngồi trước, dạy bảo thiên hạ, luôn luôn tỏ ra là người đạo đức với những thái độ cử chỉ, cách ăn mặc bề ngoài. Nhưng Chúa biết rõ đời tư của họ và cả cõi lòng thầm kín của họ. Điều đáng buồn nhất là họ không muốn tin Người, tìm cách bắt bẻ chống lại Người. Đó là lớp người phá hoại, vì họ đang tạo nên một thứ tôn giáo vụ hình thức, còn lòng thành tín thì họ chẳng quan tâm gì. Chúa chiến đấu lại thứ đạo không hồn đó.

Và như bài giảng hôm nay, Chúa nhắc nhở quần chúng đề phòng trước thứ đạo đức giả hình này, đó không phải là đạo. Đạo bắt nguồn từ nội tâm đến cuộc sống, luôn luôn đồng bộ phù hợp với nhau, tạo nên tấm lòng thành tín thật sự.

Trước hết, Chúa kêu gọi người dân kính trọng các chức vị tư tế rao giảng từ lâu đời. Họ được phép rao giảng, nhưng ta hãy coi chừng cuộc sống của họ, vì cuộc sống đó không phù hợp chút nào với lời rao giảng!

Bạn nghĩ thế nào về một tu sĩ mang danh tu sĩ mà cuộc sống lại xa rời với Tin Mừng? Bộ tu phục cất nhắc cuộc đời tu sĩ lên nhưng cần có sự đồng bộ, phù hợp từ tâm hồn đến tu phục, đến cuộc sống. Tất cả vì Tin Mừng.

Chúa Giê-su không ngần ngại phân tích từng nếp sống của những người luật sĩ, biệt phái, cho ta thấy những sai lầm lớn lao của họ. Họ nói mà không làm, gánh nặng trút cho kẻ khác, phần mình không chút dấn thân. Nếu có làm thì lại thiếu lòng thành mà chỉ tìm hư vinh. Ưa danh dự hão huyền với chỗ ngồi cao, nơi hàng ghế đầu, mong người ta chào hỏi với những danh từ đầy kính trọng, được gọi là cha, là thầy, là xơ, là người lãnh đạo. Tất cả vì hư vinh, không phải vì nghĩa vụ, vì tâm đạo cao siêu.

Chúa đề phòng các môn đệ đừng ưa chuộng các danh xưng có tính cách phô trương, mà nhận ra đâu là chân lý của nó. Đối với Chúa Giê-su, ai xưng gì cũng mặc. Có khi người ta gọi Chúa là người nhân lành, lập tức Người đem vinh dự đó về Chúa Cha. Phần Người chỉ coi mình là đầy tớ rửa chân cho các Tông Đồ mình. Và việc phục vụ đó Người trung thành cho đến chết trên thập tự.



Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
 

1-      Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” Is 1, 10.16-20 qua lăng kính Mt 23, 1-12, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy một số đức tính mà những người lãnh đạo cần phải có, như được phản ảnh, trước tiên, trong Mt 23, 1-12 : ở đây, Đức Giêsu cho thấy người lãnh đạo tốt là người biết sử dụng chức vụ, quyền lực, ảnh hưởng của mình để phục vụ và mang lại lợi ích cho nhiều người [“Bấy giờ Đức Giêsu nói : ‘…Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em’.” (23, 11)]; trái lại, người lãnh đạo xấu thường sử dụng chức vụ, quyền lực và ảnh hưởng của mình để phục vụ và trục lợi cho mình, cho gia đình và phe nhóm của mình hơn là cho tha nhân; họ giả hình, ưa thích màu mè, tự phụ, tự cao, tự đại, đội trên đạp dưới (23, 2-10)…

(2) Thứ đến, trong Is 1, 10.16-20 : ở đây, cho thấy người lãnh đạo mà Đức Chúa mong muốn đó là kẻ luôn biết tập làm điều thiện và tìm kiến lẽ công bình [“Hỡi những kẻ làm đầu Xơđôm, hãy nghe lời Đức Chúa phán : Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình.” (1, 10a.16b.17)]…

 

2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :

Một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, vắng bóng luôn những tiêu chuẩn luân lý, đạo đức, thường chỉ biết sống cho riêng mình, bất chấp những khổ đau, bất hạnh của người khác; ở đấy, chỉ biết có mạnh được yếu thua, nói hay, làm dỡ, ưa thích hào nhoáng bên ngoài, giả hình, giả dối…

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây