Tin Mừng: Mt 25, 31-46
“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?” Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”
MỤC LỤC
Suy niệm: Làm cho chính Chúa - Nhóm Bạn Đường Linh Thao (biên dịch)
Suy niệm 2 - Lm. Augustinô
Suy niệm 3: THÁNH THIỆN VÀ YÊU NGƯỜI - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 4: NGÀY CUỐI CÙNG - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Suy niệm 5 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm: Làm cho chính Chúa - Nhóm Bạn Đường Linh Thao (biên dịch)
Nguồn: https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/lent-and-easter-reflections/2-first-week-of-lent/
Đức Vua sẽ đáp lại rằng : “Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40)
Ai là người “anh em bé nhỏ nhất” kia. Tại sao Ngài không nói “bất cứ điều gì các ngươi làm cho những người khác…?” Thật thú vị khi Chúa Giê-su hướng sự chú ý đặc biệt vào những người bé nhỏ, như đối lập hoàn toàn với sự tuyên bố chung chung bao gồm tất cả mọi người. Có lẽ những con người bé nhỏ này nên được chú ý một cách đặc biệt, cũng giống như những người tội lỗi nhất, những người yếu đuối nhất, những người đau ốm nghiêm trọng nhất hay đó có thể còn là những người bại liệt, đói rét và vô gia cư, tất cả những người này đều có những nhu cầu rõ rệt trong cuộc sống.
Phần đẹp nhất và cảm động nhất của tuyên bố trên có lẽ nằm ở việc Đức Giê-su đồng nhất Ngài với những người khó khăn, những người được xem là “bé mọn” nhất trong tất cả. Chính khi phục vụ những người khó khăn túng thiếu là chúng ta đang phục vụ Chúa Giê-su vậy. Thế nhưng để có thể nói những điều này, Chúa Giê-su phải liên kết thật sự mật thiết mới những con người “bé mọn” kia. Và bằng việc thể hiện mối tương quan gần gũi với họ, Chúa Giê-su tỏ lộ phẩm giá sâu xa của họ cũng giống như bao người khác vậy.
Đó thật là một điểm quan trọng để nắm bắt! Trên thực tế, nó đã từng là một đề tài chính yếu trong các bài giảng của Thánh Gioan Phaolô II, ĐTC Bênêdictô XVI và đặc biệt là ĐGH Phanxicô. Một lời mời gọi không ngừng làm nổi bật phẩm giá và những giá trị nơi những người “bé mọn nhất”, và đây phải là trung tâm của thông điệp mà chúng ta có thể rút ra từ đoạn trích ngày hôm nay.
Phản tỉnh: chúng ta hãy ngẫm nghĩ về chính phẩm giá của mỗi một người. Hãy cố gắng mời gọi để quan tâm đến bất kỳ ai mà bạn có thể thiếu đi sự tôn trọng dành cho họ. Đó phải chăng là những người mà bạn đã từng ra vẻ ta đây? Hay đó là những người mà bạn phán xét và khinh biệt? Vâng, chính là họ và nhiều hơn thế nữa, Chúa Giê-su đang đợi chờ bạn. Ngài đợi chờ để gặp bạn, để được bạn yêu thương như lúc bạn yêu thương những người yếu đuối tội lỗi. Hãy ngẫm suy về phẩm giá của họ, hãy thương yêu và phục vụ những con người này bởi lẽ nơi họ bạn sẽ yêu thương và phục vụ cho chính Thiên Chúa.
Lạy Thiên Chúa tình yêu, con thấu hiểu và tin tưởng rằng Ngài đang hiện diện, đang ẩn mình nơi những người yếu đuối nhất hơn tất cả, nơi những người bần cùng nhất và nơi những người tội lỗi đang ở giữa chúng con. Xin giúp con biết siêng năng kiếm tìm Ngài nơi những người con gặp gỡ đặc biệt là những lúc họ gặp khó khăn. Khi con tìm thấy Ngài thì xin cho con yêu thương và phục vụ Ngài bằng cả trái tim. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác nơi Ngài. Amen.
Khi nghĩ về ngày phán xét cuối cùng chúng ta thường quá tập trung vào sự tàn phá lớn lao của thiên nhiên vũ trụ, để rồi chúng ta thường tỏ ra sợ hãi khi nghe những lời đồn thổi về ngày phán xét gần kề. Nhớ lại những thời khắc được cho là ngày tận thế, nhiều người trong chúng ta chuẩn bị đèn nến, nước, thực phẩm và thậm chí nơi ẩn trú an toàn cho mình trong ngày này. Tuy nhiên, dụ ngôn về ngày phán xét mà Chúa Giê-su của Matthew kể khiến chúng ta bất ngờ về sự diễn tả của ngày này – đó là một cuộc tập hợp của Đấng Phán Xét như mục tử tập hợp và tách biệt chiên khỏi dê. Càng bất ngờ hơn về nội dung của bài kiểm tra mà ĐẤNG PHÁN XÉT thực hiện trên những kẻ ở trước mặt Người: khi xưa Ta đói các ngươi có cho ta ăn? Ta trần truồng cho áo mặc; tù đày viêng thăm…Vâng, Chúa không hỏi chúng ta có lãnh nhận các bí tích không? Có siêng năng cầu nguyện và rước Chúa không? Chúa không hỏi chúng ta về những thành công về mặt trần thế; những bằng cấp giáo lý, thần học, thậm chí chức vụ trong Giáo Hội mà chúng ta đã đảm nhận. Chúa không hỏi chúng ta đã xây dựng được bao nhiêu cơ sở tôn giáo như hội trường, nhà thờ, nhà xứ hay nhà giáo lý. Chúa không xem bằng ân nhân, các loại giấy chứng nhận đóng góp hay phép lành tòa thánh dịp này dịp nọ. Chúng không giúp gì cho bài kiểm tra cuối cùng này. Câu trả lời vì thế không thuộc về kiến thức hay sự hiểu biết, cũng chẳng thể quay cóp hay nhờ vả bất cứ ai và dĩ nhiên, không tùy thuộc vào những gì chúng ta sở hữu nhưng chính xác, dựa vào những gì chúng ta đã cho đi. Tựa như hình ảnh dầu trong dụ ngôn về 10 cô trinh nữ đi đón chú rể, trong đó 5 cô khôn ngoan đã từ chối chia sẻ dầu cho 5 cô khờ dại , câu trả lời này đã được chính mỗi người trả lời từ trước trong cuộc đời và in đậm trong tâm trí của chính Đấng Phán Xét. Chính cách trả lời của mỗi người hình thành tư cách chiên dê của họ chứ không phải ở giờ phán xét. Câu trả lời ấy mang hình thức “có” hay “không” nhưng được thể hiện trong hành động của
họ với những người khác, nhất là với những người nghèo, những người đang cần sự trợ giúp của chúng ta. Bởi đó, ngày phán xét trở thành ngày Đấng Phán Xét công khai những chọn lựa của mọi người trên chính cuộc đời của mình kèm với phần thưởng và hình phạt chung cuộc cách cân xứng. Vậy phải chăng những cử hành đức tin, những chức vụ trong đời sống Giáo Hội hoặc việc lãnh các bí tích, nhất là bí tích cuối cùng trước khi lìa đời là vô nghĩa? Tất cả những hoạt động đó nhằm mục đích giúp chúng ta sống tình yêu với Chúa và tình yêu với anh em. Do đó, nó chỉ vô ích khi ta không tận dùng nguồn ơn thiêng đã nhận để sống những đòi hỏi của Chúa.
Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con thấu hiểu tầm quan trọng của bài kiểm tra cuối cùng của Chúa, để thay vì chờ đợi ngày phán xét trong lo sợ, chúng con biết chuẩn bị câu trả lời ngay từ hôm nay qua việc quan tâm giúp đỡ người nghèo khổ khốn cùng. Xin giúp cả linh mục, tu sĩ và giáo dân hiểu rằng: giúp đỡ những người nghèo khó, những người không có khả năng trả lại cho chúng con sẽ có giá trị trước mặt Chúa hơn là những dâng cúng để xây dựng các cơ sở tôn giáo nguy nga đồ sộ hoặc với mục đích tìm vinh danh mình. Xin ban cho chúng con một trái tim, biết quan tâm những gì Chúa quan tâm. Như lời mời gọi của ĐGH Phan-xi-cô, xin hãy giúp chúng con luôn nhận ra những cơ hội để quan tâm chăm sóc và giúp đỡ người khác bằng tình yêu của chính Chúa. Cũng mở cho chúng con đôi mắt tâm hồn để nhận ra tầm quan trong của mỗi người trong hoàn cảnh và công việc của họ. Xin giúp chúng con khi phục vụ bất cứ ai không đời bất cứ một phần thưởng nào. Xin giúp chúng con biết phục vụ mọi người như Chúa đã phục vụ để họ được sống như Chúa đã dự định cho họ. Xin ban sức mạnh và hướng dân chúng con Chúa ơi. Amen
Sách Lêvi từ chương 17 đến 26 được gọi là “Bộ luật về sự thánh thiện”. Nội dung phần này đa số là những luật liên quan đến việc thờ phượng Thiên Chúa, nhưng cũng có không ít những luật liên quan đến mối tương quan với tha nhân, đến tình thương dành cho người khác.
Trong Cựu Ước, sự thánh thiện thuộc về Thiên Chúa là Đấng Thánh. Sự thánh thiện này làm cho Thiên Chúa cách xa với con người, thuộc về trời cao. Và vì thế, khi người hay vật được chọn để thuộc về Thiên Chúa thì cũng phải sống sự tách biệt ấy.
“Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” (Lv 19,2)
Tuy nhiên, điều lạ lùng là nhiều quy định về sự thánh thiện này lại mang tính rất nhân văn, liên quan đến tình thương dành cho người khác và nối kết giữa sự thánh thiện với tình thương dành cho con người. Trong tương quan với người khác mà trộm cắp, lừa gạt, nói dối, thề gian là “xúc phạm đến danh Thiên Chúa” (Lv 19,11-12). Rủa người điếc, đặt vật cản trước người mù là “không kính sợ Thiên Chúa” (19,14).
Việc biên soạn sách Lêvi có lẽ được hoàn tất vào thế kỷ 7 tCN, thời mà việc phụng tự rất sầm uất nhưng cũng là thời nhiều bất công xã hội nhất. Đó là giai đoạn cuối cùg của vương quốc Giuđa trước khi bị tàn phá. Trong bối cảnh ấy mà tình thương dành cho đồng loại được nhấn mạnh cách đặc biệt hơn.
Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đi xa hơn nữa khi coi những gì làm cho những người đau khổ, bé nhỏ là làm cho chính Ngài.
Những nội dung này vang lên trong Mùa Chay đòi hỏi chúng ta cách mạnh mẽ là phải thay đổi tương quan với tha nhân. Sự thánh thiện được gắn liền với lòng thương người. Không thể nói tới việc trở về với Thiên Chúa nếu không trở về với anh chị em!
Ngày cuối cùng của lịch sử, cũng là ngày Chúa trở lại để phán xét kẻ dữ người lành. Ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng với công trạng hay tội lỗi suốt đời mình.
Tiêu chuẩn phán xét thật đơn giản: ai biết yêu thương và sống tình liên đới với tha nhân, với những người đau khổ, yếu hèn, bất hạnh, nghèo đói bệnh tật, tù đày... đó là những người lành. Còn những ai vô tình với những người đó, không biết chia sẻ hoàn cảnh của họ và không thương yêu giúp đỡ họ, thì lại là những người bị chúc dữ, phải tống cổ vào chốn cực hình, chung số phận với ác quỷ và các đồ đệ của chúng.
Cuộc phán xét có tính cách vũ hoàn, nghĩa là tất cả nhân loại từ cổ chí kim, bất cứ dân tộc hay tôn giáo nào. Tiêu chuẩn phán xét đồng bộ như nhau, tình yêu là mẫu số chung cho mọi người. Không ai mà không có con tim, không có tình người.
Mặt khác, cuộc phán xét cũng cho thấy Chúa phán xét trên hành động con người, mà không phải căn cứ trên ý hướng tốt đẹp hay trên tình cảm cao siêu thánh thiện, hoặc lời nói bác ái suông. Đây là tính thực tiễn của Tin Mừng như Chúa đã từng nhấn mạnh: “Không phải cứ nói lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời đâu! mà chỉ có những ai làm theo thánh ý Cha Ta thì mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
Cho nên người được tuyển chọn vào ngày cuối cùng, đó là những ai đã cho kẻ đói ăn, khát uống, cho kẻ rách rưới mình trần có tấm áo che thân, thăm viếng người bệnh tật, tù đày... Dĩ nhiên, còn nhiều hình thức thực hành khác của đức bác ái. Ngày nay, người ta hay nói đến công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng, xóa mù chữ, xây nhà tình thương... tất cả những hình thức đó dù là những việc đơn sơ nhỏ bé, như cho người ta một ly nước lã thôi cũng được ghi công trên trời rồi.
Đối với Cộng Đoàn Bác Ái Xã Hội, xuất phát từ tình yêu lý tưởng Chúa Ki-tô, từ tính thực tiễn của Tin Mừng, chúng ta đang say sưa đáp lại thông điệp của Chúa hôm nay, một dụ ngôn vô cùng quan trọng, quan trọng bậc nhất nói lên tính đặc thù của Ki-tô giáo.
Suy niệm 5 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
1- Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” Lv 19, 1-2.11-18 qua lăng kính Mt 25, 31-46, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy tương quan giữa Thiên Chúa và con người mật thiết đến độ “cả hai là một”, đến độ không thể có chuyện yêu hay ghét Bên nầy mà lại không yêu hay ghét cả Bên kia, như được phản ảnh, trước tiên, trong Mt 25, 31-46 : ở đây, Đức Giêsu cho thấy rõ điều đó [“Đức vua sẽ đáp lại rằng : ‘Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy’.” (25, 40)]…
(2) Thứ đến, trong Lv 19, 1-2.11-18 : ở đây, cho thấy tương quan giữa con người với nhau cũng vậy, mật thiết đến độ không thể có chuyện yêu mình mà lại ghét tha nhân được [“Đức Chúa phán với ông Môsê rằng : ‘…Ngươi phải yêu mến đồng loại như chính mình’.” (19, 18b)]…
2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :
(1) Không thể nào xây dựng được một thế giới tốt đẹp mà không cần Thiên Chúa : khi gạt Thiên Chúa ra khỏi thế giới người ta sẽ dựng nên những thần tượng khác còn tệ hại hơn, vì con người không thể sống mà không cần Thiên Chúa…
(2) Không thể có hạnh phúc mà không cần đến tha nhân, bởi vì căn tính của con người là tổng thể “Thiên-Địa-Nhân hòa”, vì thế, con người chỉ có thể thể hiện được mình cách đầy đủ, trọn vẹn khi chiều kích “tam tài” được thể hiện…
Tác giả: Truc Ho Si
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn