Suy niệm - Thứ Tư Tuần 2 Mùa Chay

Thứ ba - 07/03/2023 10:06
thu 4 tuan 2 mc a 1 3 2023 800x533



Lời Chúa: Mt 20, 17-28

Khi ấy, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, đem riêng mười hai môn đệ đi theo. Dọc đường, Người nói với họ: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và luật sĩ. Người ta sẽ lên án tử cho Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại để chúng nhạo báng, đánh đòn, rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”.

Bấy giờ bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Người. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: “Bà muốn gì”. Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”. Chúa Giêsu đáp lại: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?” Họ nói với Người: “Thưa được”. Người bảo họ: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được”.

Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em.

Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế.

Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con.

Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.

MỤC LỤC

Suy niệm 1 - Lm. Augustinô
Suy niệm 2: LÀM LẤY ĐƯỢC ! Gr 18,18-20; Mt 20,17-28 -  Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 3:  
TIN MỪNG VÀ THẾ TỤC - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung




Suy niệm 1 - Lm. Augustinô


 

Trận chiến của những người đi theo Đức Ki-tô và con đường của Người là trận chiến đơn độc giữa bầy sói: “này Thầy sai anh em đi như chiên ở giữa bầy sói.” Ngôn sứ Giê-rê-mia đã trải nghiệm sự đơn độc của một con chiên giữa bầy sói trong khi thi hành tác vụ ngôn sứ của mình: “Hãy đến đây, ta cùng nhau bàn mưu tính kế hại Giê-rê-mi-a. Vì thiếu tư tế, lề luật không chết, thiếu hiền nhân, không thiếu ý kiến, thiếu ngôn sứ không thiếu lời dạy bảo. Đến đây, ta hãy dùng lời nó mà hại nó, và phải hết sức để ý đến mọi lời nó nói.” Những đối thủ của Giê-rê-mi-a chính là những người lãnh đạo tôn giáo muốn dùng uy tín của mình để rao giảng cho dân một thứ tôn giáo, một thứ lề luật không chấp nhận Thiên Chúa và lời của Người qua việc loại từ vai trò của tư tế, hiền nhân và ngôn sứ của Giê-mê-mi-a. Giê-rê-mia dường như phải thi hành sứ mạng ngôn sứ mà Chúa trao trong một thế giới thù địch,  một thế giới mà ông chẳng còn ai cậy dựa ngoài chính Chúa. Đúng như tâm sự của một linh mục một đời trung thành với sứ vụ ngôn sứ của mình: lạy Chúa con như một chiến binh khờ vẫn kiên cường bám trụ khi quân thù đã ở bên trong. Như chiến binh khờ vẫn tiếp tục gieo yêu thương dù gặt toàn thù hận; gieo lúa tốt gặt toàn cỏ lùng; buông lưới đánh bắt mà kéo lên toàn vỏ sò trầm tích thay vì cá; như chiến binh khờ trung thành với Chúa dẫu cuộc đời nhiều thua thiệt. Tuy nhiên, người linh mục ấy nhận ra rằng: Chúa rất cần những chiến binh khờ như thế

Giê-su như một người chiến binh khờ của Thiên Chúa Cha trong khi thi hành sứ mạng Cha ủy thác. Thật vậy, khi nghe tuyên bố của thầy Giê-su: này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và ngày thứ 3 sẽ trỗi dậy,”  các học trò bày tỏ thái độ hoàn toàn khác. Theo các Tin Mừng, trước hết là Phê-rô, người trưởng đoàn đứng ra can ngăn, thậm chí quở trách Chúa Giê-su; hai người con ông Giê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gioan lại âm thầm chuẩn bị cho kế hoạch của riêng mình; và cuối cùng các môn đệ còn lại cũng cãi cọ tranh giành địa vị lớn nhỏ giữa họ. Chúa Giê-su dường như tiến về Giê-ru-sa-lem trong sự cô đơn. Sự cô đơn này chuẩn bị cho cuộc bỏ rơi Thầy của các môn đệ, kẻ chối, người phản và số còn lại bỏ Thầy chạy tán loạn trong cuộc vượt qua của Người. Chúa Giê-su biết rõ sự cô đơn ấy nhưng như một chiến binh can đảm và trung thành với Cha đến khờ khạo, Người tiến lên đỉnh cao thập giá để hoàn tất kế hoạch Cha muốn Người thực hiện

Lạy Chúa Giê-su, theo Chúa làm môn đệ đã khó nhưng trung thành với con đường của Chúa càng khó hơn. Không hơn gì các môn đệ ngày xưa, các thành phần trong Hội Thánh, nhất là những người bạn tâm phúc của Chúa, những người có chức thánh, vẫn coi việc đi theo Chúa làm bình phong cho những tham vọng trần thế của mình. Chúng con tìm cách làm lệch con đường của Chúa; chúng con kiếm tìm và thiết lập những liên minh ma quỷ để tìm cách khuynh đảo Hội Thánh với mong ước có được những địa vị, chức quyền trong Hội Thánh. Thay vì thành nơi cho chúng con thi thố tình yêu và sự phục vụ như Chúa, chúng con biến Hội Thánh thành môi sinh của những kẻ cơ hội, luồn cúi, nịnh bợ, gian dối và giả hình được sống và sống mạnh mẽ; thành nơi của tranh giành xâu xé những quyền lợi từ chính những người chúng con được giao phó phục vụ và hiến dâng. Trong một lời, dù mang danh là những môn đệ Chúa, dù bên ngoài chúng con đang đồng hành bên Chúa, nhưng Chúa biết rõ Chúa vẫn chẳng có bầu bạn đích thực. Thật đau khổ khi bên cạnh mình nhiều người nhưng tâm trí họ lại xa cách mình ngàn dặm. Xin cho mỗi người chúng con từ giáo sĩ đến giáo dân hiều được sự cô đơn và đau khổ của Chúa; sự tệ hại và khuôn mặt phản trắc giả hình của chúng con, để sám hối và thay đổi tận bên trong giúp chúng con thành những bạn tâm phúc trung thành của Chúa mọi nơi mọi lúc như những chiến binh khờ Chúa vẫn mong đợi. Amen



Suy niệm 2: LÀM LẤY ĐƯỢC ! Gr 18,18-20; Mt 20,17-28 -  Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
 

Cách nói của tiếng Việt có hai cụm từ này: “làm cho có” và “làm lấy được”. Làm cho có là làm đại khái, sơ sài, làm cho qua. Còn làm lấy được là nhất quyết làm cho bằng được, không nghe lời khuyên của ai, cho dù điều ấy không đúng, không nên! Các bài Sách Thánh hôm nay thể hiện cái gọi là “làm lấy được” này!

Dân chúng và nhất là những vị lãnh đạo không muốn nghe lời trách móc của tiên tri Giêrêmia nhân danh Thiên Chúa! Vì thế, họ đi đến quyết định loại trừ ông, nhiều phen mưu toan hại ông! Vì ghét Giêrêmia, vì không muốn nghe lời nhắc nhở của ông, không dám đối diện với sai lỗi của mình, họ đi đến “lý luận càn”, không còn lý lẽ gì nữa: “Thiếu tư tế, lề luật không chết, thiếu hiền nhân, không thiếu ý kiến, thiếu ngôn sứ, không thiếu lời dạy bảo” (Gr 18,18)! Họ làm lấy được! Cũng có thể nói như vậy với 3 mẹ con Giacôbê và Gioan. Thầy Giêsu mới vừa nói về con đường thương khó mà Người sắp đối diện, ba mẹ con này đã xin xỏ vinh quang đầy chất nhân loại qua việc ngồi bên tả, bên hữu của Người trong một thứ vinh quang mà họ tưởng tượng ra! Đúng là nói lấy được.

Nói lấy được, làm lấy được là chỉ bận tâm đến mình, đến tham vọng của mình, chỉ sống theo đam mê của mình mà không để ý đến người khác, đến tâm tư người chung quanh! Đó là một thứ khẳng định chính mình. Khi ở trong tình trạng ấy, người ta tự đóng mình lại với những ganh tị nhỏ nhen, những tìm kiếm tầm thường cho bản thân, những thể hiện tầm phào! Thế giới của người này thật chật hẹp và chỉ có cái tôi của mình, nên họ cũng khó bước vào tương giao với người khác và không thể ngước lên những điều trên cao!


Suy niệm 3:  TIN MỪNG VÀ THẾ TỤC - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

 

Tin Mừng là con đường Chúa dẫn chúng ta tới sự sống vinh quang đời đời. Còn thế tục bắt chúng ta dừng lại với những ước mơ tạm bợ của mặt đất này. Hai khuynh hướng luôn luôn là cuộc chiến sinh tử giữa cõi lòng chúng ta. Hoặc là Tin Mừng hoặc là thế tục. Chúng ta phải luôn luôn biết mình đang hướng về đâu.

Con đường vinh quang đời đời là con đường hẹp phải sẵn sàng hy sinh, con đường của những chén đắng khó chấp nhận. Con đường thế tục chỉ nhìn thấy những hứa hẹn hấp dẫn ở đời này. Và vì thế nó dễ dàng lôi cuốn tuổi trẻ. Hầu hết nhờ đức tin và tấm lòng quảng đại mà tuổi trẻ dễ say sưa với lý tưởng bác ái. Và sâu thẳm hơn nữa là tiếng gọi yêu thương của Chúa nơi lòng ta, nên chúng ta dễ dàng dấn thân đi theo Chúa. Nhưng điều cốt yếu là chúng ta phải coi thập giá như là luật của ơn gọi trở nên môn đệ Chúa: “Ai muốn theo Ta phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

Đây là câu trả lời cho các Tông Đồ khi Phê-rô muốn can ngăn Chúa lên Giê-ru-sa-lem để cho người ta bắt giết. Các ông đang mang tâm trạng thế tục, chỉ muốn ngồi mát ăn bát vàng.

Điều trớ trêu hơn nữa là câu chuyện hôm nay xảy ra trong khi Chúa đang đem hết tâm huyết sẵn sàng đón chờ thập giá đến với mình: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá, và ngày thứ ba người sẽ sống lại” (Mt 20,18-19).

Không hiểu tại sao Chúa nói rõ ràng như vậy về cái chết gần kề của Người. Và đây là một sự kiện lớn lao, một tấm thảm kịch kinh hoàng, vậy mà bà mẹ và hai con bà không chia sẻ nổi tâm tư của Chúa, họ chỉ biết nghĩ đến chút danh dự và quyền lợi riêng tư trên xương máu Chúa. Lòng tham quyền cố vị như tấm màn đen bao trùm trên họ.

Nhưng lòng Chúa cũng quá nhân từ, Chúa ôn tồn giải thích cho họ và mọi người xung quanh thấy đâu là mục tiêu Chúa theo đuổi. Chúa không tìm cách đạt đến mục đích cho cá nhân Người như người đời thường làm. Người chỉ biết một điều là yêu thương phục vụ, phục hồi lại cho nhân loại những giá trị vô cùng cao quý mà họ đã dại dột đánh mất. Người muốn đưa nhân loại vào một thế giới mới đầy hạnh phúc vinh quang. Và để được như vậy Người phải từ bỏ chính mình, Người liều thân hiến mạng.

Người môn đệ phải biết chia sẻ với Người lý tưởng Cứu độ lớn lao đó, và học đòi tinh thần quên mình phục vụ của Người. Nên nếu Gia-cô-bê và Gio-an có nhiều can đảm để uống chén đắng, thì mục đích không phải để được thăng quan tiến chức cho mình mà vì lý tưởng Cứu độ cho cả nhân loại.

Bài học cao cả đó khó nuốt lắm, nhưng Chúa Phục Sinh sẽ giúp họ hoán cải cõi lòng ích kỷ thành tình yêu Chúa Ki-tô.

Bạn thân mến, tuổi trẻ vẫn có những ý định, những mục tiêu cao cả. Và khi biết Tu Đoàn Bác Ái có thể là sân chơi cho những ước mơ đang đốt nóng tâm can của mình, bạn cần nhớ luật chơi này: Yêu thương là quên mình phục vụ, là cho đi mà không tính toán, không tìm gì cho cá nhân mà là cho cộng đoàn, cho tha nhân và cho chính Chúa Ki-tô.
 

 

Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
 

1-      Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” Gr 18, 18-20 qua lăng kính Mt 20, 17-28, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy người lãnh đạo chân chính không tìm cách chiếm đoạt quyền lực bằng bất cứ giá nào, và khi có quyền lực, biết sử dụng để phục vụ tha nhân, dù có thiệt thòi cho chính bản thân mình, như được phản ảnh, trước tiên, trong  Mt 20, 17-28 : ở đây, Đức Giêsu cho thấy dung mạo của người lãnh đạo chân chính [“Nhưng Đức Giêsu gọi các ông lại và nói : ‘…Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em’.” (20, 26-27)]…

(2) Thứ đến, trong Gr 18, 18-20 : ở đây, cho thấy người lãnh đạo xấu thường tìm cách tranh đoạt cho bằng được chức vị, quyền lực, dù phải dùng thủ đoạn xấu xa, đê hèn, kể cả thủ tiêu đối thủ [“Các kẻ thù con nói : ‘Hãy đến đây ta cùng nhau bàn mưu tính kế hại Giêrêmia’.” (18, 18a)]…

 

2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :

(1) Cho một thế giới đang bị thống trị bởi tham vọng tiền tài, quyền lực và hưởng thụ cách vô độ, cần công bố những nghịch lý tin mừng : lãnh đạo-phục vụ, cho đi-nhận lại, chết-sống, mất-còn, thập giá-phục sinh…

(2) Cho một Giáo hội đang ngày càng có nguy cơ bị tục hóa, muốn “ngồi bên hữu và bên tả” nhưng lại không muốn, thậm chí còn loại trừ chén đắng và thập giá ra khỏi cuộc đời…

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây