Tin Mừng: Mt 5,20-26
20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng : Chớ giết người ; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. 23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. 25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. 26 Thầy bảo thật cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”
Mùa chay là thời gian để sống phút giấy hiện tại theo ý muốn của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn chúng ta sống hiện tai theo thánh ý của Người. Người không quan tâm tới quá khứ và tương lai. Qua miệng ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa bày tỏ cho dân ước muốn họ sống giây phút hiện tại trong công chính và thánh thiện “Nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm mà tuân giữ mọi quy tắc của Ta, cùng thi hành điều chính trức công minh, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó sẽ không phải chết. Mọi tội phản nghịch nó phạm, người ta sẽ không còn nhớ đến; nó sẽ được sống vì đã thi hành lẽ công minh…Nhưng nếu người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình mà theo đòi kẻ gian ác làm mọi điều ghê tởm: nó làm thế mà được sống sao? Tất cả những việc công chính nó đã làm sẽ không còn được nhắc đến; vì tội bất trung và tội lỗi nó đã phạm; nó sẽ phải chết.” Rõ ràng, Thiên Chúa muốn con người đừng để cho quá khứ tác động đến hiện tại của mình. Người có quá khứ lỗi lầm đừng buông xuôi thất vọng, trái lại hãy can đảm sống công chính thánh thiên ngay trong hiện tại để có một tương lai hạnh phúc. Người có quá khứ công chính cần tránh thói kiêu căng, thỏa mãn để rồi sống hiện tại cách xấu xa gian ác, họ sẽ phải đối diện với một tương lai đen tối. Chúa Giê-su cũng muốn những ai đến với Người phải có một tấm lòng hòa bình trong tương quan với Chúa và tha nhân. Người dạy “nếu khi anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sưc nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” Chúa Giê-su đến để ban cho nhân loại một điều răn mới: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không thể là một môn đệ đích thực của Chúa khi ta chỉ quan tâm tới yêu mến Thiên Chúa qua các hy tế và lễ vật mà lại ghét anh em mình, không cố gắng để làm hòa với họ. Thánh Phaolo cũng tự nhắc mình: quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước hướng về cùng đích là Chúa Ki-tô để được phần thưởng là hạnh phúc thiên đàng. Thánh Augustino, một vị
thánh có một quá khứ tội lỗi, sau khi được ơn hoán cải cũng đã chia sẻ: Dâng quá khứ cho lòng nhân từ Chúa; dâng tương lai cho tình Chúa quan phòng, điều quan trong hãy sống giây phút hiện tại cho tràn đầy tình yêu. Thật thế, người không để cho quá khứ chi phối mình cách tiêu cực, trái lại đã sống hiện tại một cách tràn đầy tình yêu Chúa và con người. Đối với thánh nhân, mọi giây phút hiện tại trong đời ngài đều được thúc đẩy bởi tình yêu Đức Ki-tô. Một khi sống tròn đầy giây phút hiện tại, đương nhiên ta sẽ có một quá khứ tự hào và một tương lai tốt đẹp trong ánh mắt Chúa
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã cho chúng con một gương mẫu tuyệt vời về sống phút giây hiện tại tốt đẹp. Chúa đã đong đầy mọi giây phút hiện tại với Chúa Cha hay với tha nhân với tình yêu thanh khiết và trọn vẹn. Bất cứ ai gặp Chúa cũng thấy mình hạnh phúc vì được yêu bằng một tình yêu không chia sẻ. Đặc biệt, những người tội lỗi như Gia-kêu, Matthew hay Lê-vi, như Maria Madalena hoặc người trộm lành dưới chân thánh giá. Nhờ đó, Chúa đã cải hóa họ, biến họ thành con người mới, thành công dân trong vương quốc mới. Xin giúp chúng con sống mùa chay thánh này với tâm tình sám hối mọi nơi mọi lúc, nghĩa là xa tránh điều xấu và hăng say làm việc thiên trong tình yêu với Thiên Chúa và anh chị em. Xin giúp chúng con, nhất là trong những lúc anh em làm tổn thương mình hay chính chúng con làm thương tổn họ, biết kiểm soát và tìm mọi cách để thiết lập được mối giây liên kết trong hòa bình với mọi người. Lạy Chúa Giê-su, xin giữ chúng con sống mãi trong khiêm nhường với tâm tình hòa bình như Chúa. Amen
Suy niệm 2: MƠ ƯỚC VỀ MỘT MÙA CHAY AN BÌNH VÀ HÒA GIẢI − Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Đọc thoáng qua bài đọc thứ nhất trong sách tiên tri Êdêkien, người ta nghĩ rằng con người được khen thưởng hay bị trừng phạt vì những hành vi trong đời sống hiện tại chứ không phải là quá khứ, tức là lưu tâm đến bình diện thời gian. Tuy nhiên, mạch văn cho chúng ta hiểu rằng vị tiên tri đang nói đến trách nhiệm cá nhân. Trước ông, người Do Thái vẫn cậy dựa vào lời hứa của Thiên Chúa dành cho Abraham, Isaac và Giacóp có thể phủ lấp tội lỗi của họ, bởi vì Thiên Chúa luôn trug thành với lời hứa ấy. Điều này đưa đến những cách sống tồi tệ! Tiên tri Êdêkien loan báo về trách nhiệm của mỗi cá nhân, không được ỷ lại vào tiền nhân!
Không dừng lại ở trách nhiệm luân lý của mỗi người, cũng không dừng lại ở việc giữ luật bên ngoài, tỉ mỉ mà vẫn chỉ mang tính hình thức, nệ luật, nhằm tìm sự an toàn và phần thưởng cho bản thân, là cách sống sự công chính của các kinh sư và Pharisêô, Chúa Giêsu đòi hỏi một cách sống tinh tế hơn với người chung quanh: không chỉ là giết người mới có tội, mà giận dữ và chửi mắng người khác đã mắc tội rồi!
Chúa Giêsu có gắt gao quá không? có lý tưởng quá không? Nếu biết suy tư về cuộc sống thực tế, cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể nhận ra rằng: không chỉ giết người, nhưng sự giận dữ, những lời mạt sát, những lời sỉ nhục cũng mang tính chất “giết người” cách đáng sợ, bởi vì chúng không giết người vào một thời điểm ngắn ngủi nào đó, nhưng có khi giết cả đời người, làm cho người khác sống không ra người!!!
Đức Thánh Cha Phanxicô rất hay nói về những lời nói xấu, những lời dèm pha, phỉ báng như là “những quả bom” và thủ phạm là “những người khủng bố”! Thực sự những lời hằn học, những lời chì chiết làm cho người khác khổ tâm, làm họ nghiền ngẫm trong đau đớn; những lời chê bai, đả kích làm nhụt chí, gây ra sợ hãi, khiến cho nhiều người không ngóc đầu lên được, không dám sống suy nghĩ của mình, không sống được cuộc đời của mình và không thăng tiến được! Những lời nói ấy cũng tàn ác không kém hành vi giết người, bởi vì chúng giết đời người!
Chúa Giêsu rất tinh tế khi cho thấy những lời nói ấy xuất phát từ lòng giận dữ, và do đó, Người cũng cảnh cáo: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.” (Mt 5,22). Sự giận dữ (anger) trong lòng khiến người ta nói ra những lời đay nghiến! Tất cả đều là tội ác!
Ước gì trong mỗi tâm hồn, trong các gia đình, trong các cộng đoàn đức tin, chúng ta cố gắng thực hiện một Mùa Chay không giận dữ, không lời mạt sát, nhưng ngược lại đầy sự cảm thông, lòng nhân ái, đầy những lời nói khích lệ, an ủi.
“Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã,
để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn.
Chính ngày các ngươi muốn ăn chay
để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm,
thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách.” (Is 58,4)
Anh em ruột thịt đã có mối tình ruột thịt nối kết lại, mặc dầu nhiều khi ruột thịt cũng không yêu nhau bền vững, vì những yếu đuối xích mích hằng ngày. Còn anh em tha nhân chỉ có thể thương nhau bằng tình bạn và với người Ki-tô giáo thì mối dây liên kết chính là tình yêu Thiên Chúa, tình yêu được thể hiện nơi Đức Giêsu Ki-tô. Hôm nay lời Chúa đang cho chúng ta thấy đâu là tình yêu Chúa Ki-tô.
Lề luật Cựu Ước đem ra một tình yêu cho dân tộc Do thái: Tình yêu người đồng đạo, đồng huyết nhục con cháu Abraham. Ngoài ra người ta không có bổn phận với người ngoại kiều, trừ khi đó là người nhập tịch lâu đời, người tôi tớ, người nô lệ. Nhất là để cho Dân Chúa khỏi lây nhiễm tôn giáo thờ ngẫu tượng không phải là Thiên Chúa, người Do thái còn chủ trương tinh thần bài ngoại.
Còn đối với đồng hương, đồng đạo có luật “chớ giết người”. Luật đã đặt nhân loại trong chiều hướng phi bạo động, không được dùng bạo lực để sát hại nhau. Nhưng Chúa Ki-tô còn đưa người ta đến tận căn cơ của mọi bạo hành, đó là chính con tim, chính cõi lòng,“bởi lòng đầy mới xuất ra ngoài” (Lc 6,45). Vì thế Chúa dạy phải tránh cho được lòng giận hờn, ghen ghét, thù hận, đến cả những tâm tư thiếu yêu thương đã thành những lời nói, tranh cãi, lời qua tiếng lại, trả đũa nhau.
Chúng ta phải hiểu ý Chúa. Những người đang sống lý tưởng tình yêu của Tin Mừng, nhân Mùa Chay Thánh phải rà soát lại lương tâm, cõi lòng của mình đã có những gì trái với ý định yêu thương của Chúa?
Trước sự xúc phạm của anh chị em, thái độ của tôi như thế nào? Buồn giận hay khoan dung, tha thứ? Trả đũa hay quên đi những sự lỗi của họ?
Tôi đã tôn trọng đích thực phẩm giá, con người của anh em tha nhân chưa? Tôi có hay công kích, bới móc điều xấu của anh em không?
“Hãy để của lễ lại mà đi làm hòa với anh em cái đã” (Mt 5,24), mỗi lần dâng lễ, tôi có xét mình xem tôi còn buồn giận ai không? Tôi phải đến với Chúa bằng tâm tình nào? Tôi có sẵn sàng đi bước trước để giải tỏa những khúc mắc với nhau không?
Một sự rạn nứt giữa cộng đoàn là một vết thương đâm vào trái tim Chúa. Một người không muốn tạo bầu khí yêu thương bác ái là phản lại Chúa, như Chúa đã nói: “Ai không thu góp với Ta là kẻ phân tán, ai không thuận với ta là nghịch cùng ta” (Lc 11,13).
1- Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” Ed 18, 21-28 qua lăng kính Mt 5, 20-26, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy điều làm Thiên Chúa ưa thích nhất không phải là những của lễ người ta dâng lên Ngài mà là tương quan tình yêu của họ đối với Ngài và tha nhân, như được phản ảnh, trước tiên, trong Mt 5, 20-26 : ở đây, Đức Giêsu cho thấy việc làm hòa lại với anh em là tiền đề và cơ sở cho việc làm hòa lại với Thiên Chúa [“Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng : ‘…Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình’.” (Mt 5, 20a.23-24)]…
(2) Thứ đến, trong Ed 18, 21-28 : ở đây, cho thấy điều Thiên Chúa muốn đó là tất cả mọi người đều được sống và sống hạnh phúc [“Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết, Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao ?” (18, 23)]…
2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :
Cho một thế giới ngày càng không còn cảm thức về tội lỗi : trong bản xét mình và xưng tội của nhiều người chỉ quan tâm một số tội như bỏ lễ, lo ra chia trí trong giờ đọc kinh, dự lễ, v.v…, còn những tội lỗi nhân đức công bằng bác ái trong tư tưởng, lời nói việc làm đối với tha nhân thì không mấy khi nghe nói tới…
Tác giả: Truc Ho Si
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn