Suy niệm - Thứ Bảy Tuần 2 Mùa Chay

Thứ sáu - 10/03/2023 09:49
cn ii mc t7



Tin Mừng: Lc 15,1-3.11-32

1 Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau : “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này :

11 “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng : ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng ; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giờ người con nói rằng : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa ...’ 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.

25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời : ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha : ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !’

31 “Nhưng người cha nói với anh ta : ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.’”



Suy niệm 1 - Lm. Augustinô

 

Anh chị em thân mến! Trong cuộc sống hàng ngày, kinh nghiệm sống đóng một vai trò quan trọng. Kinh nghiệm không đơn thuần đo lường bằng thời gian trải nghiệm mà còn và căn bản dựa trên những bài học người ấy rút ra được qua những thất bại hay thành công của đời họ Các nhà tuyển dụng hôm nay chú trọng đến kinh nghiệm làm việc của những ứng viên. Theo nghiên cứu khoa học, những người trẻ gặp nhiều sai sót hơn trong các lĩnh vực so với những người có kinh nghiệm dù rằng trình độ chuyên môn của họ cao hơn.. Người có kinh nghiệm thực sự là người biết đọc những gì trong hiện tại bằng cả khả năng và kinh nghiệm của mình, để có những quyết định và hành động đúng đắn trong hiện tại. Họ cũng từ kinh nghiệm quá khứ, nhìn hiện đại để định hướng cho tương lai. Trong các cơ cấu lãnh đạo, người ta thường dùng những vị cựu lãnh đạo làm cố vấn làm việc cùng với các chuyên viên để hoạch định chính sách. Trong đời sống tôn giáo cũng thế, kinh nghiệm luôn là yếu tố cần thiết cho các nhà lãnh đạo cũng như cho mỗi người tín hữu. Trong cơ cấu của Thượng Hội Đồng Tối Cao Do Thái, ngoài Thượng Tế và những chuyên viên về lề luật, còn có các kỳ lão – những người không chỉ có tuổi đời mà còn có kinh nghiệm trong các vấn đề luật lệ và truyền thống. Chúng ta cùng tìm thấy điều này nơi các ngôn sứ và những tác giả đã điều chỉnh, hiệu đính các tác phẩm ban đầu của các ngài. Ngôn sứ là những người đọc hiện tại trong ánh sáng của Thiên Chúa, kinh nghiệm dân Chúa để loan báo tương lai cho họ. Từ kinh nghiệm về lịch sử dân Chúa, họ đọc cuộc sống dân Chúa hiện tại, thường là xa rời đường lối Chúa, kêu gọi họ từ bỏ tội lỗi, sám hối quay về với Chúa; và loan báo một tương lai cho dân tùy thuộc vào những thay đổi hiện tại
                  Theo các nhà Kinh Thánh, Ngôn sứ Mikha thi hành sứ vụ của mình trước thời gian dân Chúa lưu đày. Tuy nhiên sách ngôn sứ Mikha hiện nay đã trải qua nhiều hiệu đính của nhiều tác giả trong thời gian lưu đày. Ngôn sứ Mika và chính các tác giả sau ông, khi đọc những biến cố thương đau mà dân Chúa đang chịu trong kiếp tha hương lưu đầy sau của vương quốc phía Bắc - Israel (721) và miền Nam – Giu-đa năm 587 trong lăng kinh của cuộc xuất hành khỏi đất Ai-cập, để loan báo một tương lai tươi sáng cho đoàn dân lưu đày, nhất là trên đất babylon. Nền tảng cho những xác tín của tác giả dựa trên kinh nghiệm về tình thương và lòng trung tín của Chúa – Đấng chậm giận nhưng giàu tình thương; giận trong giây lát nhưng thương suốt một đời. Tình thương của Thiên Chúa luôn lớn hơn tội của dân. Không phải hình phạt, nhưng với Thiên Chúa, tình thương mới là tiếng nói cuối cùng. Chúng ta nghe lại một lần nữa lời của Mikha “Xin đưa họ tới đồng cỏ miền Basan và Galaat như những ngày thủa xa xưa. Như thời Ngài ra khỏi đất Ai cập. Xin Ngài cho chúng con thấy những kỳ công. Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác cho phần còn lại, của cơ nghiệp của Ngài? Người không giữ mãi cơn giận nhưng chuộng lòng nhân nghĩa. Người sẽ lại xót thương chúng ta, tội lỗi chúng ta Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm của chúng ta, Người ném xuống đáy biển. Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín cho nhà Gia-cop và tình thương cho Abraham như đã thề với tổ phụ chúng con từ thủa trước.”  Nhìn như thế, sứ điệp của Mikha là sứ điệp của niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho đoàn dân lưu đày được đặt trên nền tảng vững chắc là lòng tín trung của Thiên Chúa. Trang Tin Mừng cũng cho thấy kinh nghiệm trở về của người con thứ tương tự như thế. Đối diện với tình cảnh hiện tai quá bi đát và nhục nhã: ngồi giữa bầy heo những con vật ô uế; bụng đói cồn cào muốn được ăn những thứ heo ăn cho đầy bụng nhưng chẳng ai cho. Anh còn không bằng một con heo; bấy giờ anh hồi tâm nhớ lại và tự nhủ về một quá khứ đẹp đẽ: biết bao người làm công cho nhà cha ta được cơm dư gạo thừa mà mình ở đây phải chết đói; để rồi, anh quyết tâm thoát kiếp đói khổ, tủi nhục để được về bên cha hưởng chút hạnh phúc dù chỉ của một người làm công. Anh trở về với hy vọng thế thôi nhưng cha anh lại cho thấy lòng thương của Người lớn hơn mọi tội lỗi của anh. Cha trả lại cho anh những gì anh đánh mất – tư cách con của mình cùng với tất cả quyền lợi và trách nhiệm đi theo
                  Lạy Chúa Giê-su, mùa chay là thời gian để chúng con đọc tình cảnh hiện tại của chúng con một cách chân thành, khiêm tốn trong ánh sáng của những trải nghiệm về tình thương Chúa, Hội Thánh và mọi người đã dành cho chúng con. Xin cho chúng con nhận ra sư bi đát của một tâm hồn bị xâu xé vì tội xa Chúa xa anh em và xa chính mình. Xin khơi lên trong chúng con những kỷ niệm đẹp về Chúa và tình thương Chúa trong đời, để như người con thứ, chúng con dám đứng lên, buông bỏ mọi sự đang kéo chúng con xa lìa Chúa, và mau quay về với Chúa với niềm hy vọng chắc chắn về một tương lai tươi đẹp trong ánh sáng và niềm vui ơn cứu độ Chúa. Amen




Suy niệm 2: CON BÊ VỖ BÉO VÀ CON DÊ NHỎ − Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

 

Thiên Chúa được gọi là “Đấng chịu đựng lỗi lầm” , tha thứ và trung tín trong tình yêu thương (Mk 7,18-20). Chúa Giêsu diễn tả điều đó qua dụ ngôn Tình Phụ Tử.

Khi đứa con phung phá trở về, người cha đã thấy từ xa, chạy ra ôm hôn con, không cần chờ con nói lời xin lỗi và đã nhanh chóng sai đầy tớ làm thịt con bê đã vỗ béo để mừng con trở về. Con bê đã vỗ béo (the fattened calf) nói lên rằng người cha đã chờ đợi và chuẩn bị sẵn sàng cho đứa con sẽ trở về. Không biết ông đã vỗ béo bao nhiêu con bê rồi thì đứa con mới trở về?! Người con phung phá này nhận được niềm vui lớn từ lòng cha.

Còn người con lớn ghen tị với con bê béo ấy và nói rằng không thấy cha cho mình dù một con dê nhỏ để thưởng cho sự trung thành “làm tôi tớ” cho cha và để anh vui với bạn bè. Từ ngữ douleuō (δουλεύω) có nghĩa là phục vụ (serve) hoặc làm tôi tớ (be a slave). Anh đã sống như một người tôi tớ chờ trả công. Vì thế, anh đã kêu trách cha và ghen tị với em mình. Nhưng người cha đã giải thích: anh là con cái nên những gì của ông cũng là của anh, và hai đứa là anh em với nhau nên niềm vui đứa em trở về cũng phải là niềm vui của người anh nữa chứ!

Có khi tình thương, sự tha thứ, lòng nhân ái dành cho người này lại làm cho người khác khó chịu, bực mình! Lòng ưu ái, sự ưu tiên, phần lớn hơn dành cho “người yếu” lại làm cho người khác phen bì, ganh tị. Ganh tị vì con dê nhỏ so với con bê béo! Người ta nghĩ đến phần lợi cho mình, đong đo phần mình được hưởng. Trong tâm thế đó, người ta không thể hiểu được Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn dành sự rộng lượng, lòng yêu mến nhiều hơn cho người nghèo, cho tội nhân, cho người yếu thế. Chỉ khi tôi biết nghĩ đến người khác, cảm được khó khăn của người khác, thì tôi mới có thể hiểu được Thiên Chúa, mới cảm nhận tấm lòng của Ngài.

 

Suy niệm 3: THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

 

Một tình yêu mênh mông hơn không trung Chúa tạo dựng, bao la hơn năm biển cả ngàn trùng. Tình yêu ấy hôm nay được con Cha mô tả qua dụ ngôn “đứa con hoang đàng” và “đứa con bất hiếu”. Hai đứa con từ lòng Cha mà ra, nhưng lại không giống Cha chút nào cả. Đứa thì mê ăn chơi hoang đàng, đứa thì mê tham của cải, ở với Cha như người dưng nước lã. Tình thương Cha vô bờ, mà hai đứa con không đáp lại cho ông được một giọt thảo hiếu tình con.

Đọc bài Tin Mừng chính Chúa dàn dựng, dệt nên những tình tiết éo le, làm tan nát cả cõi lòng người Cha già yếu đuối. Nhưng ông lại chỉ biết thương! Thương một cách kiên nhẫn, quảng đại, tình thương đợi chờ, tình thương nài nỉ. Tình thương cho đi không tiếc, mất mát không nề, đau xót bao nhiêu cũng chấp nhận. Người cha già đầu bạc răng long, sức khỏe chẳng còn mấy, lẽ ra như người ta thường nói: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Ông có còn hy vọng gì hai đứa con này không? Có lẽ không, vậy mà ông không coi đó là quan trọng, ông chỉ biết thương, ông chỉ biết quên mình để đưa hai đứa con mình về đường ngay nẻo chính.

Đứa con út vì nghe theo tiếng gọi ngông cuồng của tuổi trẻ, nó đòi quyền lợi của người con trong nhà mà không nghĩ chi đến công ơn cha mẹ mà nó có nghĩa vụ đền ơn. Biết nó bạc bẽo như vậy mà người cha vẫn tôn trọng tự do và tuổi trưởng thành của nó, nên chia phần gia tài cho nó ra đi. Ông vẫn mong đời sẽ dạy cho nó một bài học, nó mới nên khôn. Nó đóng sập cửa ra đi không thèm ngó lại. Người cha già rơi lệ cầu mong nó chóng trở về, miễn là đừng chết đường chết sá là được.

Bao năm tháng đợi chờ, rồi một ngày vui cho ông đã đến, ông chợt thấy bóng dáng nó từ xa: Ôi! Đứa con ông đã tiều tụy thế sao! Ông không đứng chờ nó tới, mà ông vội vàng chạy đến ôm lấy nó vào lòng. Nó thú tội ông cũng không muốn nghe, vì ông quá mừng, vì đứa con ông coi như đã chết nay sống lại, con ông đã mất nay lại tìm thấy, mừng ôi là mừng! Ông vội vàng sai gia nhân lấy những y phục đẹp nhất, để phục hồi giá trị của một đứa con trong nhà cho nó. Và cả nhà ăn mừng.

Tình người cha nhân từ ở đây cũng là tình yêu Thiên Chúa với người tội lỗi. Quả thật, Thiên Chúa hay quên, vì nếu cứ chấp tội chúng ta, nào ai rỗi được!

Đứa con hoang đàng trở về đang làm ông tràn ngập niềm vui, thì đứa con cả lại đem cho ông nỗi buồn thê thảm! Từ đồng áng trở về, nó thấy em nó, đứa em nó ghét nhất đời bây giờ đang quay đầu trở lại. Nó phản đối cha già và tẩy chay bữa tiệc mừng. Nghe tin đó, người cha già lại chạy vội ra năn nỉ nó vào. Giọng điệu nó đầy hằn học, kể công kể đức của nó để nói lên cái bất công của cha già, nó ghen tương vì thằng út hoang đàng đang được đón nhận trở về. Quả thực, người Cha già đau xót vô cùng, nhưng ông vẫn thương đứa anh cả đáng ghét này. Ông ôn tồn phân trần với nó: “Con à! Lúc nào con cũng ở với cha, những gì của cha đều là của con”. Lời lẽ tình yêu vượt trên mọi lý luận ở đời. Lý lẽ của con tim không phải chuyện cân đong đo đếm, suy hơn tính thiệt, mà đó là dòng sữa ngọt ngào cho đứa con thơ. Thương cha già, thương em chết đi sống lại... Đó là tiếng nói của Thiên Chúa với chúng ta hàng ngày. Chúng ta có sẵn sàng giơ tay cho Cha dắt ta vào nhà không?



Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung


1-    Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” Mk 7, 14-15.18-20 qua lăng kính Lc 15, 1-3.11-32, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy bao dung và tha thứ là những tên gọi khác của Tình yêu đích thực, như được phản ảnh, trước tiên, trong Lc 15, 1-3.11-32 : ở đây, qua dụ ngôn, Đức Giêsu cho thấy người ta chỉ có thể bao dung và tha thứ cho một ai đó khi người ta yêu kẻ đó vì người đó, như tình yêu vô vị lợi của ngươi cha trong dụ ngôn với đứa con hoang đàng, chứ không phải vì những cái kẻ đó có hay điều mà kẻ đó là, như tình yêu vụ lợi của người con cả đối với người cha [“Nhưng, người cha nói với người con cả : ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy’.” (15, 31-32)]…
(2) Thứ đến, trong Mk 7, 14-15.18-20 : ở đây, cho thấy bao dung và tha thứ là biểu hiện của tình yêu nhưng không, vô vị lợi, vô điều kiện và vô biên giới, những đặc tính của tình yêu Thiên Chúa [“Mọi lỗi lầm chúng ta Ngài ném xuống đáy biển.” (7, 19b)]…

2-    Sứ điệp cho ngày hôm nay :

Để có thể có được một tình yêu nhưng không như thế, người ta cần phải có, trước tiên, ân sủng của Thiên Chúa, thứ đến, những nỗ lực cá nhân nhằm đi ra khỏi chính bản thân mình từng ngày : và Mùa Chay chính là thời gian luyện tập để sống tình yêu nhưng không đó…

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây