CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C
Gr 33,14-16 ; 1Tx 3,12-4,2 ; Lc 21, 25-28.34-36
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
25Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. 26Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. 27Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. 28Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.
34Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, 35mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. 36Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”
SUY NIỆM 1: HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN ĐỂ CHỜ ĐÓN CHÚA ĐẾN
Lời Chúa: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21,36)
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Cùng với Giáo hội hoàn vũ, hôm nay chúng ta khai mạc năm phụng vụ mới, phụng vụ năm C. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc đến việc Chúa trở lại với những điềm lạ trên trời và dưới đất, muôn dân lo lắng, hoang mang và sợ hãi. Vì thế, mọi người phải sẵn sàng tỉnh thức và cầu nguyện luôn để chờ đón Chúa đến:
Đấng công chính giải cứu tôi,
Kìa Người đang đến, mau đi đón Người.
Hân hoan tỉnh thức thính tai,
Dấn thân phục vụ, không ai chối từ.
Bạn ơi! chớ có chần chừ,
Nguyện cầu bác ái sống như Chúa truyền.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết hướng lòng về Chúa trong tâm tình chờ đợi và sẵn sàng như lời Thánh Phaolô nhắc bảo: xin cho tình thương của anh em ngày càng thắm thiết và sống thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa đến trần gian để cứu độ chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa dạy chúng con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để đón chờ Chúa đến. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa là Đấng nhân hậu và công minh. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Hôm nay, Giáo hội khai mạc năm phụng vụ mới, khởi đầu năm phụng vụ là Mùa Vọng. Giáo hội mời gọi chúng ta đi từ kinh nghiệm của dân Do Thái thời Cựu ước, qua biến cố Giáng sinh của Chúa Giêsu để mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện để chờ đón Chúa đến: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.
Thưa anh chị em, ngôn sứ Giê-rê-mi-a thi hành sứ vụ vào những năm 627 – 587 trước công nguyên, là thời kỳ xáo trộn nhất trong lịch sử miền Trung đông: thời kỳ Ni-ni-vê bị sụp đổ, đế quốc Chal-dée bắt đầu bành trướng. Là một quốc gia nhỏ bé, nước Do thái bị phân đôi, phải sống trong sự đô hộ của những nước lớn mạnh. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a chứng kiến dân Do thái bị dẫn đi lưu đày, và đau lòng trước cảnh đền thờ Giêrusalem bị tàn phá. Trước tâm trạng thất vọng đau thương ấy, để kêu gọi dân chúng vững tin vào Thiên Chúa, sửa đổi đời sống và đừng nản lòng. Ngôn sứ Giêrêmia tiên báo thời huy hoàng đang chờ đón dân riêng: “Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính, Người sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở. Trong những ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ sống yên ổn”. Lời tiên tri này không chỉ dừng lại ở dân tộc Do thái thời Cựu ước, nhưng còn hướng tới thời cứu thế: Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc sẽ đến.
Bằng lối văn khải huyền, Tin Mừng Thánh Luca hôm nay đề cập đến những hiện tượng thay đổi vũ trụ đáng sợ, những dấu hiệu báo trước biến cố xuất hiện của Chúa Giêsu trong ngày tận thế, đó là những điềm lạ xảy ra trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Cũng như biển gầm sóng vỗ và các tầng trời rung chuyển, khiến các dân tộc buồn rầu lo lắng và người ta sợ hãi kinh hoàng. Tuy nhiên, kinh nghiệm của thời cựu ước giúp người môn đệ Chúa khỏi bồn chồn lo lắng trước thời cuộc nhiễu nhương, mà giúp họ xác tín rằng: “người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả”. Như thế, thay vì sợ hãi, lo buồn, người môn đệ Chúa được mời gọi: “hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.
Chuyện kể rằng, con tàu vĩ đại Ti-ta-nic lần đầu tiên đi từ hải cảng Anh quốc, vượt Đại tây dương để đến New York là thành phố lớn nhất, giàu nhất thế giới hồi đó. Họ tưởng đi trên con tàu đó sẽ an toàn vững chắc như trên mặt đất, nhưng không ngờ, nó vừa khởi hành được mấy ngày thì đụng vào băng sơn gẫy đôi, chôn sống hơn 1.500 người vào ngày 14.04.1912.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Những người đi trên con tàu vĩ đại Ti-ta-nic thiết tưởng sẽ đi đến New York là thành phố lớn nhất, giàu nhất thế giới hồi đó một cách an toàn, không ngờ đó lại là một chuyến đi định mệnh. Hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện để chờ đón Chúa đến. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 khuyên bảo chúng ta, chờ ngày Chúa đến không phải một cách thụ động, như chờ một biến cố quan trọng vượt quá tầm tay và do đó chìm đắm trong say sưa, hưởng thụ. Trái lại, chúng ta phải chờ đợi cách tích cực qua những hành động công chính yêu thương, những nỗ lực xây dựng cho kịp thời Chúa đến. Đồng thời, muốn có thái độ tỉnh thức ấy, chúng ta không thể tự sức mình làm được, chúng ta cần phải có ơn thánh Chúa, cần phải kết hợp mật thiết với Chúa. Đây chính là sứ điệp của Mùa Vọng, mời gọi chúng ta siêng năng tham dự thánh lễ và cử hành những buổi cầu nguyện, vừa nhiều hơn vừa sốt sắng hơn. Nhờ đó, để có thể thoát khỏi những việc sắp sảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.
Nguyện xin Chúa củng cố niềm tin cho chúng ta, để chúng ta biết tìm gặp Chúa với niềm tín thác và cậy trông vào Chúa. Amen.
Lm. Nguyễn Văn Quang.
SUY NIỆM 2: TỈNH THỨC ĐỢI CHỜ
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào 1 năm phụng vụ mới, với Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Trong khoảng thời gian này, chúng ta được mời gọi sống lại niềm hy vọng mà dân thánh đã từng ấp ủ và chờ mong: niềm hy vọng vào Đấng Cứu Độ sẽ đến để giải thoát nhân loại khỏi cảnh hư mất.
Niềm hy vọng ấy được đặt trên nền tảng là lời hứa của Thiên Chúa. Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Thiên Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Giêrêmia để tiên báo về một Đấng Công Chính sẽ được ban tặng để nối nghiệp vua Đavit. Chính nhờ Đấng ấy mà muôn nước được giải thoát, và muôn dân sẽ được an cư lạc nghiệp.
Và thưa anh chị em, Thiên Chúa không lừa dối chúng ta. Ngài đã hứa và Ngài đã làm. Ngài đã cho Ngôi Hai nhập thể làm người vì chúng ta và để cứu độ chúng ta.
Tuy việc Con Thiên Chúa nhập thể làm người là một biến cố thuộc về quá khứ, nhưng ân sủng của mầu nhiệm này vẫn tuôn đổ ngập tràn ngay trong hiện tại và mãi đến tương lai. Đó là lý do mà Giáo Hội tha thiết mời gọi các kitô hữu, hãy tận dụng thời gian 4 tuần hồng phúc này, để chuẩn bị cách tốt nhất, hầu mầu nhiệm Giáng sinh có thể trổ sinh hoa trái dồi dào trên từng người và từng gia đình.
Chính vì thế, bên cạnh việc chuẩn bị những cái bên ngoài như mô hình hang đá, trang trí ngôi sao, đèn điện, hay trang hoàng nhà cửa và khu xóm; mỗi người cũng đừng quên tìm kiếm cho mình những cọng rơm, cọng cỏ, và những viên đá thiêng liêng, là các việc bác ái và hy sinh, là gia tăng đời sống đạo đức, cũng như việc giao hòa với Chúa và tha nhân, để tâm hồn của mỗi người trở nên máng cỏ ấm áp khi Chúa viếng thăm dân Người.
Đó là ý nghĩa thứ nhất của Mùa Vọng, mùa chuẩn bị để đón chờ đại lễ Giáng sinh.
Mùa Vọng còn mang một ý nghĩa thứ hai, đó là mùa chuẩn bị để chờ đón Chúa lại đến vào ngày quang lâm.
Ngày ấy là ngày nào? Chúa Giêsu cho biết ngày ấy rất bất ngờ. Ngày ấy tự như 1 chiếc lưới bất ngờ chụp xuống đầu chúng ta, hay ngày ấy tựa như 1 tên trộm mà chúng ta không biết nó sẽ đến vào lúc nào… Tóm lại, ngày ấy là ngày chúng ta không ngờ, là giờ chúng ta không biết.
Chính vì thế, trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy tỉnh thức, đó là điều duy nhất mà chúng ta có thể làm trông khi chờ đợi ngày Chúa lại đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Vậy tỉnh thức để làm gì?
Trước tiên, tỉnh thức là để chúng ta nhận ra ý Chúa qua những dấu chỉ của thời đại. Thiên tai, dịch bệnh…, hãy nghiệm xem Chúa muốn nói gì với tôi qua những biến cố này?
Kế đến, tỉnh thức là để chúng ta có thể đứng vững trước những cơn cám dỗ của 3 thù: thế gian, ma qủy và xác thịt. Chúa Giêsu khuyên chúng ta rằng, anh em chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời (x.Lc 21,34); cũng đừng sống như dân chúng thời ông Nôê, cứ mãi lo chuyện ăn chuyện uống, lo dựng vợ gã chồng, rồi khi cơn hồng thủy bất ngờ ập đến tiêu diệt tất cả (x.Lc 17, 26-17).
Sau cùng, tỉnh thức là để chúng ta cầu nguyện. Chúa Giêsu cho biết, “Tuy tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối.” (Mc 14,38), và chỉ có cầu nguyện thì chúng ta mới “có đủ sức thoát khỏi những điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người" (Lc 21,36).
Tóm lại, bước vào Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi chúng ta xác định lại 2 ý nghĩa của mùa hồng phúc này, đó là chuẩn bị để đón mừng đại lễ Giáng sinh: chuẩn bị cả những cái bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn; và chuẩn bị cho ngày Ngài lại đến trong vinh quang; bằng một đời sống tỉnh thức theo tinh thần của Tin mừng: tỉnh thức để nhận ra những dấu chỉ thời đại, tỉnh thức để khỏi sa chước cám dỗ, và tỉnh thức để cầu nguyện không ngừng. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 3: MÀU TÍM ƯỚC MƠ
(Lễ thiếu nhi)
Thiếu nhi chúng con thân mến,
Nếu ai đã từng đến với thành phố Đà Lạt mộng mơ, thì sẽ bắt gặp một hình ảnh hết sức ấn tượng, nằm ngay bên bờ Hồ Xuân Hương thơ mộng, đó là quán Café Tím. Dẫu rằng Đà Lạt vốn được biết đến là 1 thành phố hoa với muôn màu hoa khoe sắc, nhưng cái màu tím tao nhã của quán cafe ấy vẫn luôn là một sự cuốn hút đối với nhiều người, đặc biệt là các bạn tuổi trẻ trâu như chúng con. Tất nhiên ai cũng muốn một lần bước vào để hòa mình với khung trời tim tím ấy. Bởi màu tím vốn là biểu tượng của ước mơ, của hy vọng, của khát mong, của tuổi thanh xuân.
Cái màu tím ước mơ vốn đã lãng mạn, lại thêm cái tiết trời se se lạnh của vùng đất cao nguyên, khiến lòng nhiều người se thắt, và hy vọng ước mơ sớm thành hiện thực để lòng mình được sưởi ấm.
Nếu màu tím của quán càfe ấy khơi lên trong lòng nhiều người bao niềm mơ ước, thì mỗi lần bước vào Mùa Vọng, Giáo Hội cũng khoát lên mình sắc phục mang màu tím thanh tao, và muốn nhắn nhủ với cha con chúng mình rằng: Mùa Vọng chính là mùa ước mơ, mùa chờ đợi của người kitô hữu chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta không chờ đợi một tương lai sự nghiệp, một tình bạn học đường, hay một mối tình duyên son sắt; nhưng chúng ta chờ đợi một món quà mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại, đó là Chúa Giêsu, Món Quà Cứu Độ. Món Quà ân phúc ấy đã được trao ban qua việc Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, mà chúng ta sẽ long trọng tưởng niệm trong ngày đại lễ Giáng sinh sắp tới. Và món quà cứu độ là Chúa Giêsu sẽ được trao ban lần thứ hai, trong ngày Ngài lại đến trong vinh quang.
Vậy khi chờ đợi như thế chúng ta cần phải có thái độ như thế nào? Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra cho chúng ta câu trả lời, đó là phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Nhưng tỉnh thức để làm gì? Thưa tỉnh thức ở đây không phải để chơi game thâu đêm, hay nhắn tin chat chit các kiểu cho tới sáng; nhưng tỉnh thức để thực hiện 3 việc làm sau:
Thứ nhất là để sám hối lỗi lầm. Trong Mùa vọng này, chúng con được mời gọi thành tâm ăn năn sám hối lỗi lầm của mình, qua việc lãnh nhận bí tích hòa giải, để xứng đáng đón mừng đại lễ Giáng sinh .
Thứ hai là siêng năng đến với Chúa Giêsu. Trong 4 tuần của Mùa Vọng năm nay, chúng con hãy siêng năng tham dự thánh lễ và rước Chúa mỗi ngày, để lòng chúng con luôn tràn ngập niềm vui và niềm hy vọng.
Thứ ba là để cầu nguyện. Chúa Giêsu đã từng dạy chúng ta rằng: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ”. Do đó, chúng con được mời hãy gọi hãy yêu mến việc cầu nguyện và cầu nguyện mỗi ngày.
Tóm lại, bước vào Mùa Vọng, mùa của màu tím ước mơ; mùa mà tiết trời cũng tạo nên nơi mỗi người cái cảm giác the the, như báo hiệu mùa đông đang về; chúng ta được mời gọi hãy tỉnh thức: tỉnh thức để ăn năn sám hối, tỉnh thức để gắn bó với Chúa Giêsu, và tỉnh thức để cầu nguyện; vì chỉ có Chúa Giêsu mới lấp đầy niềm hy vọng và ước mơ của chúng con, chỉ có Chúa Giêsu mới làm cho lòng chúng con nên ấp áp trong mùa đông giá lạnh này.
Cầu chúc chúng con sống 1 Mùa Vọng thật ý nghĩa và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng cho bản thân mình. Amen
Lm. An tôn
Hôm nay chúng ta bước vào một năm phụng vụ mới. Mục đích của năm phụng vụ là trình bày trong một năm tất cả các mầu nhiệm về Chúa Kitô, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, Phục Sinh đến Thăng Thiên, Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và cho tới cuộc tái lâm vinh hiển của Chúa Kitô.
Năm phụng vụ bắt đầu với Mùa Vọng, thường được hiểu là thời gian giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Giáng sinh, tức là kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa xuống thế làm người tại Bêlem, và sống giữa con người cách đây hơn 2000 năm. Vậy tại sao Tin Mừng ngày Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng lại nói về ngày Chúa quang lâm ?
Từ “Mùa Vọng” dịch từ gốc la-tinh “adventus”, có nghĩa là “đến, hiển trị, quang lâm”. Ở đây nói đến sự hiển trị, sự trở lại của Chúa Kitô trong vinh quang vào ngày tận thế. Bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta thêm một ý nghĩa khác của sự chờ đợi trong Mùa Vọng, đó là chờ đợi Chúa đến trong vinh quang.
Thực vậy, Mùa Vọng kéo dài bốn tuần để chuẩn bị mừng cả hai cuộc chờ đợi: chờ đợi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang và chờ đợi Chúa Giáng Sinh, mặc dù biến cố này đã diễn ra hơn 2000 năm trước. Thực ra, mừng biến cố ra đời của Chúa Kitô là hiện tại hóa biến cố này. Vì vậy, đối với chúng ta, chờ đợi sự ra đời của Con Thiên Chúa là một sự chờ đợi thực sự và tích cực, và nó đòi chúng ta phải có một thái độ sống cụ thể để nói lên sự chờ đợi của mình.
Ngôn ngữ và những hình ảnh trong phần thứ nhất của bài Tin Mừng hôm nay nghe có vẻ khủng khiếp đối với người tín hữu thời nay. Thực ra, tác giả Tin Mừng sử dụng thể văn khải huyền để loan báo sự can thiệp và sự chiến thắng của Chúa trên các quyền lực ác thần. Chúng ta biết rằng, ngoại trừ nước Do Thái, thì các dân tộc phương Đông thời cổ đại đều tin vào các tinh tú như những thần linh cai quản vũ trụ. Vì vậy, khi bài Tin Mừng nói đến hiện tượng mặt trời và mặt trăng trở nên tối tăm, các ngôi sao sa xuống, đó là xác nhận sự chiến thắng của Thiên Chúa trên các tà thần.
Trong phần thứ hai của Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về thái độ cần có của người đang mong chờ Chúa đến, đó là: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Tỉnh thức không chỉ là sự tỉnh táo, không ngủ mê về phương diện thể lý, nhưng nó nói lên thái độ sẵn sàng từ bỏ, không “ngủ mê” trong danh vọng, quyền bính, lạc thú hay tiền bạc. Tỉnh thức để đọc được những dấu chỉ cuộc sống và nhận ra lời mời gọi của Chúa ngang qua các biến cố lớn nhỏ trong cuộc đời mình. Và vì thế, tỉnh thức không vẫn chưa đủ, nhưng còn phải cầu nguyện. Tỉnh thức và cầu nguyện để luôn kết hiệp với Chúa, sống tương quan tình yêu với Chúa và làm theo ý Người trong khi mong đợi Người quang lâm để cứu chuộc chúng ta.
Trong bài đọc I, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta một phương cách đặc biệt để giúp tâm hồn chúng ta luôn tỉnh thức khi chờ đợi, đó là tiến bước trong tình yêu với tha nhân. Thái độ chờ đợi không phải với tâm trạng tiêu cực, thụ động như kiểu “ăn không ngồi rồi”, nhưng cần tích cực chu toàn bổn phận của mình trong đời sống hằng ngày và hướng đến anh chị em mình trong những việc bác ái cụ thể. Chúng ta mong chờ Chúa đến, nhưng chúng ta biết rằng Chúa đã đến rồi, và Người vẫn đang đến gặp gỡ mỗi người ngang qua những anh chị em đang cần đến tình yêu thương và sự giúp đỡ của chúng ta.
Tóm lại, Mùa Vọng mời gọi chúng ta sống ba chiều kích:
1/ Chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Giáng Sinh, cử hành biến cố Con Chúa Nhập Thể.
2/ Cố gắng nhận ra các dấu chỉ sự hiện diện của Chúa ngày hôm nay, vì Chúa Kitô Phục Sinh luôn hiện diện giữa chúng ta.
3/ Hướng về niềm trông đợi Chúa Kitô ngự đến lần thứ hai khi đến thời viên mãn.
Như thế, Tin Mừng của bốn Chúa nhật Mùa Vọng được đánh dấu bằng ba chiều kích: quá khứ vì Chúa Kitô đã đến; hiện tại vì Chúa Kitô vẫn đang đến với chúng ta mỗi ngày; và tương lai vì Người sẽ đến vào ngày sau hết.
Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy “giữ mình”. Giữ mình để đừng bị cuốn theo những “chè chén say sưa và lo lắng việc đời”, để thấy điều gì đang đè nặng tâm hồn hoặc làm mình xa cách Chúa. Sống trong một xã hội tiêu thụ, vốn quen với việc chỉ tìm kiếm hạnh phúc nơi những của cải, lạc thú trần gian chóng qua, có lẽ mỗi người cần tự hỏi mình phải làm gì để có thể đứng vững trong niềm mong đợi biến cố Chúa Kitô đang đến và sẽ đến?
Cầu chúc cho mỗi người chúng ta bước vào Mùa Vọng trong tâm thế của những người lính canh, luôn tỉnh thức và chờ đợi, để trong ngày Chúa đến, chúng ta có thể “đứng dậy và ngẩng đầu” ra đón Người trong niềm vui của người được Chúa cứu chuộc.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
SUY NIỆM 5: CHUẨN BỊ CHO MỘT THỜI ĐẠI MỚI SẮP ĐẾN
Các nhà khoa học cho rằng cách đây khoảng 65 triệu năm đã có một thiên thạch rơi trúng trái đất, nó đã làm cho trái đất hoàn toàn thay đổi về khí hậu, địa chất, nó cũng làm tuyệt chủng một số loài sinh vật, chẳng hạn như loài khủng long đã bị biến mất, nhưng đồng thời nó cũng tạo một môi trường mới cho nhiều loài mới xuất hiện và phát triển. Cho đến ngày nay các nhà khoa học và nhiều dân tộc trên thế giới cũng tin rằng trái đất này sẽ trải qua một cuộc biến đổi khác, và nó cũng sẽ hủy diệt những loài nào không còn thích hợp, và chỉ những loài nào thích nghi được thì sẽ tiếp tục phát triển. Còn các nhà tôn giáo lại trình bảy thời kỳ biến đổi này dưới cái nhìn riêng, tùy theo niềm tin của mình.
Giống như sau những ngày oi bức nắng hạn, người ta mong đợi một trận mưa rào, sau những ngày đông băng giá, cây cối ủ rũ, người ta mong đợi những tia nắng ấm mùa xuân và sự đâm chồi nảy lộc của vũ trụ, cũng vậy, hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào mùa vọng, là mùa Giáo hội mời gọi chúng ta điều chỉnh cuộc sống chuẩn bị tâm hồn để đón chờ một thời đại mới, thời đại của Đấng Cứu Thế, Ngài sẽ đến để đem lại sự hồi sinh cho nhân loại, đem nhân loại vào một thời đại của tình yêu thương và ơn cứu độ.
Tiên tri Giêrêmia sống cách Chúa Giêsu khoảng 500 năm, lúc mà dân tộc Israel đang phải cúi đầu chấp nhận sự đô hộ của quân Babylon, tức là cả một dân tộc đang rơi vào cảnh tăm tối khốc liệt, thì vị tiên tri Đã nhìn thấy một thời đại mới sắp đến đem lại hy vọng cho dân Israel. Chính vì thế Giêrêmia đã dùng hình ảnh của một mùa xuân mới để diễn tả về thời đại ấy: Trong những ngày ấy ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavit. Chỉ cần nhắc đến chồi non nảy mầm từ nhà Đavít cũng đủ để đem lại hy vọng cho dân Israel trong cảnh lưu đày, vì các tổ phụ các tiên tri đều loan báo rằng một chồi lộc từ nhà Đavit sẽ phục hồi xứ sở, sẽ đem đến hòa bình thịnh vượng cho dân tộc, sẽ cất khỏi họ nỗi nhục nhằn khổ sở. Tiên tri Giêremia còn cho thấy thêm chi tiết: Người sẽ thống trị muôn nước theo lẽ công bình chính trực, trong ngày ấy, Giuda sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ được an vui, và người ta gọi tên thành là: Đức Chúa là sự công chính của chúng ta. Với lời tiên báo này thì gương mặt của Đấng Giải Thoát đã rõ dần, dưới triều đại của Ngài, muôn dân muôn nước sẽ được hưởng thái bình thịnh vượng, Giêrusalem lại được muôn dân biết đến như là thành trì của Thiên Chúa, là niềm tự hào của dân tộc.
Đức Giêsu chính là Đấng các tổ phụ các tiên tri đã loan báo, việc Ngài bước vào lịch sử nhân loại này, Ngài đã thay đổi hoàn toàn lịch sử nhân loại và đem đến một thời đại mới, kỷ nguyên mới, thời đại của tình yêu thương và kỷ nguyên ơn cứu độ. Kể từ đây, Thiên Chúa không còn là Đấng ở xa, hay ở trên trời để nhận hương khói của con người nữa, mà là Đấng đã làm người, đến để ở với con người, cùng nói chung một tiếng nói với con người, cùng chung một nhịp đập của con tim và cùng chung một hơi thở với con người, để yêu thương, để nâng đỡ và để cứu con người khoi cảnh nô lệ của tội lỗi và sự chết, để cho con người đựơc sống trong thời đại của ân sủng, thứ tha và chữa lành.
Với sự xuất hiện của Chúa Giêsu, Ngài đã đem đến cho nhân loại một niềm hy vọng và một nếp sống mới. Ngài muốn con người sống theo luật mới của Ngài, là luật của yêu thương chứ không phải là gánh nặng, ngài muốn cho con người tìm được hạnh phúc ngay tại trần gian và nhất là đạt được hạnh phúc nước trời qua con đường của Tám Mối Phúc Thật, qua con đường từ bỏ khỏi sự ràng buộc của vật chất và thế gian, Ngài đem đến một nếp sống của tình yêu thương tha thứ và phục vụ, tha thứ đến bảy mươi lần bảy, và phục vụ như một người đầy tớ. Với triều đại của Ngài, Đức Giêsu đã mở ra cho nhân loại một con đường hy vọng, hy vọng được sống lại và được sống đời đời mà không phải chết, vì Ngài đã dùng cái chết của chính mình hủy diệt âm mưu của ma quỷ, trả lại sự sống và tư cách làm con Thiên Chúa cho chúng ta.
Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại mở ra và hướng mỗi người đến một thời đại mới, thời đại vĩnh cửu, thời mà Đức Giêsu sẽ trở lại, thế nhưng trước khi thời ấy xảy ra, thì Ngài đã cho những dấu hiệu báo trước: Những điềm lạ trên trời dưới đất sẽ xảy ra khiến cho người ta hoang mang hoảng sợ, thiên tai động đất và những tai họa khủng khiếp sẽ giáng xuống địa cầu khiến cho người ta hồn xiêu phách lạc. Nhắc đến những sự kiện thiên tai như thế không phải để gây sợ hãi hoang mang cho con người người, Nhưng Ngài chỉ muốn mỗi người nhìn những sự kiện thiên nhiên ấy để chuẩn bị cho riêng mình một tư thế, một tình trạnh và nhưng hành trang cần thiết. Các diễn biến của thiên nhiên giống như một sự chuyển mình của vũ trụ để bước vào một thời đại mới, thời đại của vĩnh hằng của bất tử, Ngày ấy, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang của một vị Thiên Chúa và trong quyền uy của một vị thẩm phán. Khi thấy những biến cố ấy xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì ngày cứu chuộc anh em đã đến gần.
Thưa quý OBACE, để có thể đứng thẳng và ngẩng cao đầu trong ngày của Chúa trở lại thì mỗi người cần có một thái độ xứng đáng đó là: hãy đề phòng đừng để lòng mình ra nặng nề bởi chè chén say sưa, bởi lo lắng sự đời. Đó là lời căn dặn đầu tiên của Chúa vì lòng con người hay thay đổi dễ bị lôi kéo bởi tiên bạc của cải danh vọng, hưởng thụ thỏa mãn, cậy dựa vào vật chất, kể cả công ăn việc làm, tất cả những cám dỗ và lôi kéo đó khiến cho tâm hồn chúng ta thành nặng nề uể oải không còn mau mắn tỉnh thức đề đón chờ Chúa, không còn siêng năng chăm chỉ đến với Chúa nữa.
Điều tiếp theo Chúa căn dặn chúng ta: Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể đứng vững trước mặt Con Người. Chỉ có những con người tỉnh thức và cầu nguyện mới có thể đứng vững và chống chọi được với những cám dỗ của ma quỷ dục vọng thế gian, vì cầu nguyện là đón nhận được sức mạnh và sự trợ lực từ nơi chính Thiên Chúa. Thánh Phaolô còn giải thích thêm và mời gọi chúng ta: hãy lấy tình yêu thương mà đối xử với nhau, và hãy sống ngay thẳng thật thà đửng để điều gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa, và hãy cố gắng không ngừng.
Để đón chờ một thời đại mới mà Chúa cứu thế sẽ mang đến, để có thể đứng thẳng và ngẩng cao đầu chờ ngày Ngài trở lại, chúng ta cần thực hiện những lời Chúa căn dặn hôm nay, phải trở thành con người mới, đừng để mình ngủ quên trong sự thành công và sự kiêu hãnh của mình, mà hãy tỉnh thức để nhận ra tình yêu Thiên Chúa và ân ban của Ngài đang dành cho mỗi người chúng ta. Hãy luôn tỉnh thức bằng việc chuẩn bị cho mình một tâm hồn thanh thản trong sạch trước mặt Chúa, đừng để cho đam mê ăn uống, rượu chè, cờ bạc, dục vọng lôi kéo và chôn vùi cuộc đời chúng ta, cũng đừng để cho sự lười biếng ru ngủ chúng ta, mà hãy kiên trì trong việc cầu nguyện sớm tối, dâng lễ rước lễ mỗi ngày, và hãy làm cho vợ con và gia đình trở thành một tổ ấm yêu thương và đạo đức.
Các bạn trẻ thân mến, tuổi trẻ luôn mong chờ sự đổi mới, Lời Chúa hôm nay thực sự là một lời mời gọi và cũng là một thách thức đối với các bạn, đừng để cho tuổi trẻ trở nên uổng phí, và cũng đừng để tuổi trẻ của mình chìm ngập trong lối sống vô thần, hưởng thụ, ích kỷ, xô bồ, hời hợt của ngày hôm nay, mà hãy bắt tay vào để góp phần biến đổi thế giới và xã hội này. Hãy bắt đầu từ chính bản thân mình, sống con người mới với một niềm vui hân hoan vì mình đã được cứu chuộc, vì mình thuộc về Chúa Kitô; hãy tích cực giới thiệu cho mọi người, cho bạn bè xung quanh về một thời đại mới của Chúa bằng thái độ sống yêu thương quảng đại dám đưa tay ra để giúp đỡ và chia sẻ, dám cúi xuống để phục vụ, dám chịu thiệt thòi để đem đến bình an cho gia đình cả công đồng.
Khi mỗi người và mỗi bạn trẻ dám bắt tay vào làm những việc nêu trên, là chúng ta đang sống tâm tình cùa mùa vọng, là chúng ta đang chuẩn bị đón chờ một thời đại mới mà Chúa Cứu Thế đem đến cho nhân loại chúng ta. Amen
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
SUY NIỆM 6: ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ
Đối với thể xác của con người, giấc ngủ thật là cần thiết. Theo lời khuyên của các bác sĩ, thì con người phải ngủ mỗi ngày ít là 7 tiếng đồng hồ mới đảm bảo cho sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu giấc ngủ cần thiết cho đời sống thể xác, thì đối với đời sống tâm linh, ngủ lại vô cùng bất lợi. Càng ngủ về mặt tâm linh nhiều bao nhiêu thì càng mau dẫn đến cái chết về mặt tâm linh bấy nhiêu. Hôm nay, chúng ta bắt đầu bước vào MùaVọng. Đây chính là thời điểm Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy ra sức chuẩn bị tâm hồn, đổi mới đời sống để đón nhận hồng ân cứu độ mà Chúa Giêsu Ngôi Lời Nhập Thể ban tặng cho chúng ta. Thế nhưng, chúng ta chỉ có thể có được niềm vui ơn cứu độ, nếu chúng ta biết làm theo điều Chúa chỉ dạy: là hãy tỉnh thức và cầu nguyện.
Hãy Tỉnh Thức đừng để “lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy đến như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em”. Hãy Tỉnh Thức vì ngày cuối cùng đời người chúng ta sẽ đến. Ngày đó sẽ đến, nhưng không biết khoảng thời gian nào. Ngày đó sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó sẽ đến một cách bất chợt và thình lình.
Hãy Tỉnh Thức, vì chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều ảo tưởng, mà ảo tưởng lớn nhất và nguy hiểm nhất của con người là ảo tưởng cho rằng mình có rất nhiều thời giờ, để rồi lại bị chính thời gian bào mòn đi ý chí, bị chính những sản phẩm mình làm ra ru ngủ trong cái cảm giác mình là những vị thần toàn năng và bất tử.
Hãy Tỉnh Thức, vì con người ngày nay, đang bị gây mê, bị ru ngủ trong lối sống hưởng thụ, thực dụng để rồi cứ ngỡ thế giới mình đang sống là duy nhất, vĩnh hằng.
Cho nên, mùa Vọng nhắc chúng ta sống có trách nhiệm hơn, sống tỉnh táo hơn. Bởi Kytô hữu không chỉ là con của Đất, mà còn là con của Trời; người Công giáo không chỉ lo lắng ở đời này mà còn biết bận tâm cho đời sau. Và trên mỗi bước hành trình, Thiên Chúa vẫn có đó. Ngài vẫn đang đến, đơn sơ, dung dị. Không trống phách tưng bừng, nhưng âm thầm lặng lẽ. Không uy nghi lẫm liệt như những bậc quân vương, nhưng trong hiền lành khiêm nhường của một người phục vụ. Không như vị quan tòa nghiêm khắc, nhưng như một người cha nhân hậu, một người bạn dễ thương. Nếu bén nhạy, nếu biết mở lòng ra, chúng ta sẽ dễ dàng khám phá dung mạo của Thiên Chúa trong cuộc sống. Có thể Ngài đang đến qua những con người hiền lành, bé nhỏ quanh ta; có thể Ngài đang ở bên ta nơi những người anh em khốn khổ túng cùng, nơi những khuôn mặt xanh xao hốc hác. Ngài có thể đang lẫn vào giữa đám đông vô danh, chìm mất trong số những kẻ bị loại ra ngoài xã hội, Ngài đang ẩn mình giữa đám người ăn xin lê bước trên đường, đang rét run với cặp mắt ngơ ngác giữa những nạn nhân của thiên tai, khủng bố. Vì thế, phải tỉnh táo lắm mới có thể nhận ra Ngài. Phải tỉnh thức lắm mới có thể gặp được Ngài.
Tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó mà chờ đợi, nhưng là bắt tay vào hành động. Chúa như ông chủ đi vắng, giao cho ta trách nhiệm trông coi gia đình, giáo xứ, quê hương và cả thế giới mình đang sống. Ta được tự do hành động, và có trách nhiệm làm cho môi trường mình đang sống được phát triển về mọi mặt. Vì thế, tỉnh thức còn là nhìn thấy những nhu cầu của anh em, và tìm cách đáp ứng những nhu cầu đó. Tỉnh thức là nhìn thấy Ý Chúa trong những trào lưu của thời đại, là nhận biết Chúa đang hành động trong những tâm hồn thiện chí. Để thay cho đối kháng, hay tranh giành ảnh hưởng, là cộng tác với nhau trong huynh đệ chân thành.
Như thế, mùa Vọng cũng gọi mời chúng ta bước vào cuộc hội ngộ lớn của hồng ân cứu độ, là mùa của dấn thân, nhập cuộc. Nếu ngủ mê vì quá bận rộn với những công việc vật chất, chúng ta sẽ ở bên lề biến cố trọng đại này, và có lẽ sẽ phải hối tiếc khôn nguôi. Cho nên, mùa Vọng mùa của tỉnh thức, và cũng là mùa của lên đường, ra khỏi cái vỏ ốc của ù lì, ươn lười để bước đi trong hân hoan và hy vọng.
Như thế, chúng ta sẽ không ngồi đó mà chờ đợi, hay an phận thủ thường, “ai sao tui vậy – ai làm bậy tui làm theo”. Nhưng sẽ bước vào mùa vọng này với một ngọn nến thật sáng trên tay. Ngọn nến của Bình An, Đổi Mới, ngọn nến của Yêu Thương, Hy Vọng. Để biết đâu, một lúc nào đó, chúng ta chợt nhận ra Chúa đang đến thật gần, chợt nhận ra Ngài đang hiện diện nơi một ai đó trong cộng đoàn giáo xứ, trong gia đình chúng ta?
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức trong từng giờ từng phút. Tỉnh thức để vượt ra khỏi những cám dỗ của danh lợi thú, của những đam mê thấp hèn, hầu xứng đáng là người tôi trung luôn cầm đèn dẫn dắt anh em đi trong chân lý và hồng ân của Chúa. Amen
Lm Paul Nguyễn Nguyên
SUY NIỆM 7: TỈNH THỨC
Một cô gái đang đi trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo – Q. 5 Sài Gòn bất ngờ bị tên cướp từ sau lao tới giật giỏ ngã đập mặt xuống đường. (Hình ảnh do camera ghi lại ngày 23.11.2012). (Với cô gái là hoàn toàn bất ngờ).
Một cô bé chạy xe đạp trên đường đi học về, một chiếc xe tải chạy sau bất ngờ lao tới cán chết cô bé. Em chẳng bao giờ nghĩ: “Hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình”. Cha mẹ em cũng chẳng nghĩ: “Con mình hôm nay đi học là mãi mãi không trở về”, vì quá bất ngờ. Cuộc đời đầy dẫy chuyện bất ngờ xẩy đến với mỗi người.
Lời Chúa trong Tin Mừng Luca hôm nay nói đến, “Ngày ấy bất thần chụp xuống anh em” (Lc 21,35). Ngày không được báo trước. Đó là ngày mà diễn từ của Chúa về ngày cánh chung: “Những điều xẩy ra trên trời – dưới đất”, biển gào sóng thét, các tầng trời rung chuyển, những dấu lạ, quyền lực bị lay chuyển, tất cả ám chỉ những sự kiện báo hiệu một điều quan trọng sẽ xẩy ra. Nhờ đó người ta sẽ biết được sự xét xử đang đến. Những điều ấy không phải là để “đe dọa” con người. Nhưng chính là loan báo cho mọi người biết Đấng Cứu Độ đang đến. “Bấy giờ Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả” (Lc 21, 27). “Hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên vì anh em sắp được cứu chuộc”. Và để chuẩn bị cho ngày “Con Người đến”. Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy ” tỉnh thức”.
Chắc hẳn đã ít nhiều lần chúng ta gặp hình ảnh người lính “Người bảo vệ” cầm súng đứng gác ở đồn bốt, hay ở cơ quan chính quyền. Người lính không thể ngủ nhưng tỉnh táo với mọi động tĩnh. Một sự trung thành tỉnh thức, dù đêm hay ngày, để gìn giữ an ninh. đó là hình ảnh của người lính chân chính. Là hình ảnh gợi lên suy tư về Lời Chúa mời gọi ” Anh em hãy tỉnh thức & cầu nguyện” (Lc 21,36). Sự tỉnh thức được Chúa nói đến là phải đề phòng.
– Lối sống thứ nhất là chớ để lòng mình ra nặng nề bởi một cuộc sống hưởng thụ, vùi mình trong những đam mê “chè chén” chẳng màng đến tương lai, lẽ phải, chừng mực & coi việc “sống hưởng thụ” là tất cả.
– Lối sống thứ hai lại thái quá chạy theo những gì mau qua, kém giá trị “lo lắng sự đời” mà quên đi giá trị vĩnh cửu – đề cao vật chất mà bỏ qua giá trị tinh thần.
– Tỉnh thức với cuộc sống thiếu niềm tin, đề phòng chính bản thân mình vì “ham mê sự đời” mà đánh mất tương quan với Thiên Chúa, không thực hành lối sống của người Kitô hữu thì “ngày ấy” bất thần chụp xuống làm cho “thất điên bát đảo”.
Sự “Tỉnh Thức” được biểu lộ như Lời Chúa là:
– Cầu nguyện luôn – là luôn hiệp thông trọn hảo với Chúa, là luôn sống trong ân nghĩa Chúa để có thể đứng thẳng & ngẩng đầu khi Chúa đến. Khi cầu nguyện người Kitô hữu thêm vững mạnh, Người sống niềm tin sẽ được thoát khỏi tất cả những điều sẽ xảy ra trên thế giới. Người sống niềm tin có thể đứng vững trước mặt Con Người, đứng vững vì mình đang sống vô tội và thuộc về Chúa.
– Là từ bỏ những gì “nặng nề tội lỗi”, làm tâm hồn không thể vươn lên cùng Chúa.
Lạy Chúa! Trong cuộc sống đầy cạm bẫy & mê lầm, xin giúp con “tỉnh thức” vượt qua những cám dỗ “say sưa sự đời này” để tâm hồn được thuộc trọn về Chúa, để có thể ngẩng đầu khi Chúa đến.
Lm. Leo M. Nguyễn Kim Lân, CRM
SUY NIỆM 8: TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN
Mọi người chúng ta đều đã từng kinh qua kinh nghiệm về sự chờ đợi. Một người vợ thức đêm trằn trọc đợi chồng đi xa trở về. Đôi tình nhân đợi chờ giây phút hẹn hò bên nhau với bao rạo rực xao xuyến. Những bạn công nhân tha phương vẫn ngong ngóng đợi chờ ngày tháng qua mau để mong ngày tết đến về quê xum họp, gặp lại anh em hay bạn bè xưa cũ. Có những cuộc chờ đợi với bao xốn xang rộn rã, ngược lại cũng có những phút giây đợi chờ trong tuyệt vọng và chán chường. Dầu sao, bất cứ sự đợi chờ nào cũng làm cho thời gian như chùng lại, từng giờ từng khắc qua đi tựa như cả một thế kỷ dài đằng đẵng. Tất cả đều lệ thuộc vào tâm trạng và thái độ của những kẻ đợi chờ.
Mùa vọng là mùa chờ đợi, điều này ai cũng biết. Nhưng chờ đợi ai, chờ đợi những gì và mong đợi như thế nào, không phải ai cũng biết và thực hành. Các bài đọc Lời Chúa khởi đầu mùa vọng hôm nay sẽ gợi mở để giúp chúng ta thấu triệt những điều ấy.
Chờ đợi Đấng sẽ đến
Hạn từ Adventus (mùa vọng) mang chở ý nghĩa này. Người tín hữu chúng ta đang mong chờ, nhưng không phải chờ đón một biến cố hay một sự kiện sẽ đến. Chúng ta chờ đợi một con người. Con người đó là chính Đức Giêsu, Đấng Thiên Chúa làm người và cũng là Đấng Cứu thế. Ngài đã đến trần gian cách đây 2000 năm. Ngài cũng đang đến trong từng biến cố của cuộc sống đời thường chúng ta. Đồng thời Ngài sẽ đến, sẽ trở lại trong ngày chung thẩm để phán xử vũ trụ, khóa sổ trời cũ đất cũ và khai mở một trời mới và đất mới. Trong Tông huấn ‘Tiến về Thiên niên kỷ thứ ba’ (Tertio Milennio Adveniente), Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã diễn tả cuộc lữ hành đức tin của chúng ta như một mùa vọng lớn. Mỗi khi cử hành Thánh lễ, Giáo hội khơi dậy cảm thức đức tin và thắp lên niềm hy vọng khi mời gọi chúng ta tuyên tín: “ Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”. Đức Kitô là đối tượng của đức tin, cũng là điểm quy chiếu của đức cậy giúp chúng ta canh tân mỗi ngày niềm hy vọng của những lữ khách trên con đường tiến về quê hương. Chúng ta vẫn hằng ngày cầu xin Chúa ban bình an, gìn giữ chúng ta khỏi vương tội lỗi, được an toàn giữa những biến loạn, đang khi mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô Đấng cứu độ chúng ta. Như vậy Giáo hội lữ hành hôm nay đóng vai một tân nương chờ đón đức lang quân của mình. Trong suốt mùa vọng, Giáo hội mượn lời kết trong sách khải huyền để dạy chúng ta thưa lên với Chúa tâm tình cầu nguyện: “ Maranatha, lạy Chúa Giêsu xin hãy đến”.
Chờ đợi trong hi vọng
Trên thế giới ngày nay hiện có hai khối người đang sống cùng một niềm hy vọng chờ đợi, đó là tín hữu Do thái và các Kitô hữu. Người Do thái vẫn mong chờ Đấng Messia như lời các ngôn sứ đã loan báo đặc biệt dựa vào sách tiên tri Isaia, nhưng họ không tin nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu thế. Còn đối với Kitô hữu chúng ta, Đức Giêsu Kitô chính là Đấng đã đến trần gian để quy tập dân Irael tản mác từ khắp bốn phương và khai lập một vương quốc mới, vương quốc của thời thiên sai. Ngài đã đến thực hiện kế hoạch cứu độ, và ơn cứu độ này sẽ đạt đến viên mãn trong ngày Người trở lại lần thứ hai để khóa sổ vũ trụ. Mùa vọng là thời gian giúp chúng ta tái hiện tâm thức hy vọng trong chờ đợi. Niềm hy vọng chính là chìa khóa then chốt để chúng ta sống tinh thần của mùa phụng vụ này.
Một triết gia đã nói: Một tôn giáo không đem lại cho ta niềm hy vọng, không phải là một tôn giáo đáng để chúng ta tin theo. Đúng như thế, không có hy vọng, chúng ta sẽ bị nhấn chìm trong bóng tối của sự chết và hủy diệt. Một con người có thể sống mà chưa có tình yêu, nhưng không ai có thể tồn tại nếu không hy vọng mình sẽ biết yêu và sẽ được yêu. Trong những năm tháng tù ngục, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã viết cuốn sách tựa đề ‘Con đường hy vọng’ để diễn tả cuộc hành trình đức tin trong những thời điểm đen tối nhất của cuộc đời Ngài. ‘Vui mừng và hy vọng’ cũng chính là khẩu hiệu Ngài chọn khi được tấn phong Giám mục. Niềm hy vọng Ngài nói đến không phải là một mơ ước hão huyền hay mông lung, nhưng đó là một trong ba nhân đức đối thần: Tin Cậy Mến, quy chiếu vào chính Đức Giêsu, Đấng đã đến để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Mỗi khi có dịp cử hành Thánh lễ một cách lén lút trong căn phòng chật chội và tối tăm của nhà tù, Ngài vẫn khơi lại nơi mình niềm hy vọng, đặc biệt khi cầm Mình Thánh Chúa trên đôi tay chai sạn với chiếc áo tù sờn cũ. Ánh sáng hy vọng đó là sức mạnh sâu xa, giúp Ngài vượt qua những ngày tháng đen tối nhất.
Cha Teilhard Chardin, một linh mục dòng Tên cũng đã viết: “ Ngóng đợi là nhiệm vụ hàng đầu của Kitô hữu, và là nét nổi bật nhất để hiển thị đức tin. Người Kitô hữu luôn phải sống trong sự đợi chờ với niềm tin và hy vọng”. Thái độ chờ đợi của người tín hữu không phải là sự mỏi mòn trong tuyệt vọng giống như một tên tử tội khiếp sợ đợi chờ giây phút bị đem đi hành quyết. Nhưng chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của một cô dâu chờ đón chú rể đến giữa đêm khuya để tiến vào phòng cưới, tham dự ‘Tiệc Cưới Chiên Con’ cùng với Đấng đã chiến thắng tử thần và khải hoàn trong vinh thắng.
Chờ đợi trong tỉnh thức và sẵn sàng
Đây là sứ điệp mà cả ba bài đọc trong phụng vụ hôm nay nhắn gửi đến chúng ta. Trong phần kết luận của bài Tin mừng, sau khi tiên báo về ngày chung thẩm, Chúa Giêsu nhắc nhở: “ Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn hầu có thể đứng vững trước mặt Con Người”. Đồng thời Chúa cũng khuyến mời chúng ta đừng ngủ mê trên chè chén say sưa hay những lo toan trần thế. Lý do Chúa đưa ra, vì ‘anh em sắp được cứu chuộc’. Ơn cứu chuộc được dàn trải trên tất cả mọi người và Đức Giêsu đã tiến nhận cái chết để khai mở nguồn mạch cứu độ bất tận ấy. Nhưng hồng ân cứu độ chỉ thực sự hoàn tất khi Chúa đến lần thứ hai khai mở trời mới đất mới và thiết lập vương quốc vinh hiển của Ngài. Vì vậy không chỉ trong mùa vọng kéo dài bốn tuần lễ, nhưng trong suốt cả mùa vọng lớn là trọn cuộc hành trình lữ thứ trần thế, chúng ta luôn phải sống với thái độ thức tỉnh và sẵn sàng.
Cách đây hơn 20 năm, có một trận động đất dữ dội xảy ra tại California Hoa kỳ. Một cô gái trẻ bị vùi lấp trong đống đổ nát, và người ta lập tức chuyển ngay cô vào bệnh viện. Trước đây cô ta sống trong một gia đình khá đạo đức, nhưng từ khi lấy chồng, sự giầu có đã làm cô gái lạc mất định hướng cuộc đời mình. Cô ta sống phóng túng như một kẻ vô thần. Nằm trên giường cấp cứu, cô gái cố gắng thu gom hết tàn lực cuối cùng để hỏi bác sĩ:“ Liệu tôi có qua khỏi hay tôi còn sống được bao nhiêu năm nữa?” Bác sĩ thành thật nói với cô ta rằng ông cố gắng lắm chỉ giúp cô sống thêm được vài tiếng đồng hồ nữa thôi. Nghe nói thế, cô gái ôm mặt khóc nức nở và đau đớn thốt lên: “ Ôi muộn quá rồi”. Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta cũng sẽ phải thốt lên câu này khi đối diện trước cái chết. Thánh Gioan Bosco vẫn tổ chức tĩnh tâm hàng tháng cho các học sinh và Ngài gọi đó là ‘ngày dọn mình chết lành’. Đây không phải là một động thái mang tính tâm lý, nhưng là một việc thực hành trong đức tin. Chúa Giêsu đã nói “ Anh em không biết ngày nào giờ nào con Người sẽ đến.” (Mt 24, 24)
Chúng ta nhớ lại giai thoại về tướng quân Archais của Hy Lạp năm xưa. Ông là một vị tướng giỏi, đánh trận nào thắng trận đó. Sau một trận thắng lớn, ông khao quân lính một bữa tiệc thịnh soạn. Giữa cuộc vui, một sứ giả đem đến cho ông bức thư khẩn và báo tin là ông đang bị mưu sát để biết cách đề phòng. Thay vì mở thư ra đọc và cảnh giác, ông nhét thư vào túi, vẫn tiếp tục nhậu nhẹt và tự nhủ: “ Thôi để mai hãy tính”. Ngay đêm đó, ông bị giết chết. Câu chuyện gợi nhắc lời Chúa nói trong bài Tin mừng hôm nay: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21, 34). Những gì làm được hôm nay đừng để đến ngày mai.
Kết luận
Thánh Phanxico Salêsiô đã viết “ Thời để sống là lúc chúng ta đi tìm kiếm Thiên Chúa. Thời để chết là lúc chúng ta đến gặp gỡ Ngài. Thời vĩnh cửu là lúc chúng ta sẽ chiếm hữu Ngài cách trọn vẹn”. Hôm nay chúng ta bắt đầu bước vào mùa vọng, một mùa vọng nhỏ trong một mùa vọng khác lớn hơn. Mùa vọng là thời gian chúng ta đi tìm kiếm Thiên Chúa và mong đợi Ngài đến. Chúa sẽ đến để đem ta đi vào vĩnh cửu trong sự hiệp thông và gắn kết trọn vẹn với Ngài. Nhưng, ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay. Trời mới và đất mới của ngày mai đang bắt đầu với cuộc sống hiện sinh của chúng ta tại đây và ngay bây giờ. Chúng ta sống làm sao thì sẽ chết như thế. Chúng ta hãy sống theo lời dạy của thánh Phaolô trong bài đọc 2 của phụng vụ hôm nay: “ Hãy sống thánh thiện, không gì đáng chê trách trước nhan Thiên Chúa là Chúa chúng ta trong ngày Đức Giêsu quang lâm cùng với các thánh của Người” (1Thes 3, 13).
Lm. G.B. Trần Văn Hào
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn