CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN - NĂM C
Is 6,1-2a. 3-8 ; 1Cr 15,1-11 ; Lc 5,1-11
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
1Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Ghennêxarét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa.
2Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới.
3Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.
4Giảng xong, Người bảo ông Simôn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” 5Ông Simôn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”
6Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. 7Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.
8Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”
9Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc.
10Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simôn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.”
11Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
SUY NIỆM: MẦU NHIỆM ƠN GỌI
Lời Chúa: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta” (lc 5, 10)
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật V thường niên hôm nay cho chúng ta thấy mầu nhiệm ơn gọi. Một hành trình gặp gỡ Thiên Chúa của các ngôn sứ và các Tông đồ. Họ đều cảm nhận sự bất xứng của mình, nhưng chính trong sự yếu đuối đó, họ lại được Chúa biến đổi và sai đi:
Này tôi xin hãy sai đi,
Vâng theo lệnh Chúa, nhưng tôi bất toàn.
Tinh thần, thể xác, tiền tài,
Nhiều lần vấp ngã, chính Ngài đã hay.
Nhưng ơn Chúa quá diệu thay,
Nhiệt tâm tin tưởng từ nay trọn đời.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta nghiệm được sự hèn kém của bản thân, sự thánh thiện cao cả tình yêu của Thiên Chúa và niềm vâng phục tuyệt đối, để chúng ta thực sự trở thành môn đệ của Chúa. Tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối :
X. Lạy Chúa, Chúa đã chết vì tội lỗi chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đã chữa mọi bệnh tật đau khổ trong đời sống con người. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con theo Chúa để trờ nên những người phục vụ Tin Mừng. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện qua Người Con Một của Ngài. Đồng thời, Ngài muốn con người được thông chia sứ mạng cứu độ của Ngài cho nhân loại qua việc tuyển chọn một số người. Vì thế, ơn gọi làm môn đệ Chúa là một huyền nhiệm. Bởi vì, Chúa muốn gọi ai là tùy ý Chúa, không ai có quyền buộc Chúa phải làm thế này, phải làm thế khác. Miễn sao người được chọn cảm nghiệm và sẵn sàng đáp lại lời mời gọi đầy yêu thương của Ngài.
Thưa anh chị em, cả ba bài đọc hôm nay đều cho thấy kinh nghiệm của những con người được Thiên Chúa kêu gọi: Isaia, Phaolô và Phêrô. Họ đều cảm nhận sự bất xứng của mình, nhưng chính trong sự yếu đuối đó, họ lại được Chúa biến đổi và sai đi.
Trước hết, ngôn sứ Isaia đã có một thị kiến về Thiên Chúa ngự trên ngai uy nghiêm. Trước sự thánh thiện tuyệt đối của Chúa, Isaia cảm thấy mình bất xứng khiến ông phải thưa lên rằng: "Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là người môi miệng ô uế, mà mắt tôi đã nhìn thấy Đức Vua, Đức Chúa các đạo binh!". Nhưng rồi, một thiên thần dùng than hồng chạm vào môi ông, thanh tẩy tội lỗi ông, và ông đã thưa: "Này con đây, xin sai con đi!".
Thứ đến, thánh Phaolô cũng từng là người bắt bớ Giáo Hội, nhưng nhờ gặp gỡ Chúa Giêsu trên đường Đa-mát, Phaolô đã thay đổi hoàn toàn, trở thành tông đồ của dân ngoại. Ngài xác tín rằng: "Nhờ ơn Thiên Chúa, tôi là người như tôi hiện nay".
Và sau cùng, Tin Mừng hôm nay thuật lại: Phêrô và các bạn chài đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì. Nhưng khi vâng lời Chúa Giêsu thả lưới, họ đã có một mẻ cá lạ lùng. Trước phép lạ ấy, Phêrô sấp mình xuống và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi". Nhưng Chúa Giêsu không loại bỏ Phêrô, trái lại, Người mời gọi ông: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta". Như thế, cả Isaia, Phaolô và Phêrô đều ý thức sự bất xứng của mình, nhưng chính Thiên Chúa đã thánh hóa họ và biến đổi họ thành những chứng nhân của Người. Điều này cho thấy ơn gọi không phải là thành quả của khả năng hay công trạng cá nhân, mà là ân sủng nhưng không của Thiên Chúa.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Khi được gọi, chúng ta có thể e sợ, có thể cảm thấy không xứng đáng. Nhưng Chúa không gọi những người hoàn hảo, Thiên Chúa gọi những người biết đặt trọn niềm tin vào Ngài. Nếu chúng ta mở lòng đón nhận ơn Chúa, Ngài sẽ làm những điều kỳ diệu trong cuộc đời chúng ta. Vì ơn gọi không chỉ dành riêng cho những vị ngôn sứ hay tông đồ, nhưng còn là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta. Khi chịu phép Rửa, chúng ta được tham dự vào sứ vụ ngôn sứ, tư tế và vương giả của Chúa Kitô. Chúng ta được sai đi để trở thành nhân chứng Tin Mừng giữa đời. Lời đáp trả của Isaia: "Này con đây, xin sai con đi!" cũng phải trở thành tâm tình của mỗi Kitô hữu. Chúng ta được mời gọi dấn thân trong gia đình, trong giáo xứ, trong môi trường làm việc, để trở thành những người thu phục người khác về với Chúa.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta xác tín rằng ơn gọi là một mầu nhiệm, là ân sủng nhưng không của Thiên Chúa. Xin Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm và tin tưởng để trở thành những chứng nhân trung thành của Tình Yêu Chúa trong thế giới hôm nay. Xin cho chúng ta biết sống tinh thần hành hương của Năm Thánh với trái tim đầy hy vọng và tình yêu. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.
SUY NIỆM: NHIỆT THÀNH PHỤC VỤ
Phụng vụ lời Chúa hôm nay kể lại cho chúng ta biết, việc Thiên Chúa tuyển chọn 2 con người làm ngôn sứ cho Ngài, đó là Tiên tri Isaia và Thánh Phêrô. Tuy các ngài nhận được ơn kêu gọi ở 2 thời điểm hoàn toàn cách xa nhau, nhưng cả 2 đều giống nhau ở cách đáp trả lại lời mời gọi của Chúa. Vậy họ giống nhau ở điểm nào?
Thứ nhất, cả Tiên tri Isaia và Thánh Phêrô đều sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa mời gọi.
Bài đọc I hôm nay kể lại rằng, khi lắng nghe được lời trần tình của Thiên Chúa: “Ta sẽ sai ai đây. Ai sẽ đi cho chúng ta?”, Isaia đã nhanh chóng thưa lên: “Dạ con đây, xin hãy sai con”. Đây là sự đáp trả ngắn gọn, và đầy dứt khoát thưa anh chị em.
Phêrô cũng vậy, sau khi được Chúa Giêsu cho biết về sứ mạng mà ông sẽ lãnh nhận, là trở nên kẻ đánh lưới người, Phêrô đã đưa thuyền vào bờ, bỏ hết mọi sự và nhanh chóng đi theo Chúa Giêsu.
Chúng ta đừng lầm tưởng rằng, sự dứt khoát của Tiên tri Isaia và Thánh Phêrô là bộc trực, là tức thời, là không bền vững. Không phải như thế, đó là một quyết định đầy trưởng thành và can đảm. Bằng chứng là các ngài đã nhiệt thành trong sứ mạng Chúa trao, và trung thành cho đến hơi thở cuối cùng.
Điểm tương đồng thứ hai đó là, trước sứ mạng Chúa trao, cả Tiên tri Isaia và Thánh Phêrô đều khiêm tốn nhìn nhận mình bất toàn và tội lỗi.
Tiên tri Isaia vô cùng hoảng hốt và thưa lên trong sợ hãi: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế”, mà lại dám diện đối diện với Đức Chúa là Chúa các đạo binh. Tương tự như thế, Thánh Phêrô đã sấp mặt dưới chân Chúa Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”.
Anh chị em thân mến, ngay từ Cựu ước, đến thời Chúa Giêsu và cả hôm nay nữa, việc Thiên Chúa tuyển chọn người này người kia để làm việc cho Ngài, không phải là những người đó xứng đáng hay tài giỏi vượt trội hơn những người khác. Đơn giản là Chúa thích chọn những người Ngài muốn. Bởi trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là những đầy tớ vô dụng mà thôi.
Tuy nhiên, chúng ta đừng mặc cảm về điều ấy. Hãy nhớ rằng, Chúa chọn ta không phải để ta làm việc thay Chúa, mà là làm việc cùng với Chúa. Chính Ngài sẽ đích thân hướng dẫn và ban cho ta đủ ơn cần thiết để phục vụ. Do đó, mỗi người hãy sẵn sàng đáp trả khi mình được mời gọi cộng tác vào việc phục vụ nhà Chúa thưa anh chị em. Và một khi đã đáp trả và đã nhận lời cộng tác, thì anh chị em hãy phục vụ nhiệt thành, chứ đừng làm việc nửa vời, ương ương dở dở, lúc nóng lúc lạnh: vui thì làm-buồn thì bỏ, thích thì hăng hái-không thích thì ù lì.
Và đặc biệt, anh chị em hãy phục vụ trong sự khiêm tốn, với phương châm: Xin Ngài hãy lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại. mỗi người cần hiểu rằng, việc mình được phân chia vào các phận vụ trong Thánh lễ như: đọc sách, đọc lời nguyện, ca đoàn, giúp lễ, bắt kinh, xin quả, hay trực hàng tuần… là chúng ta được diễm phúc đóng góp phần mình vào phụng vụ thánh của Giáo Hội; chứ đừng nghĩ rằng, không có mình thì không ai làm được; để rồi chờ người khác phải nhắc nhở mình. Hãy phục vụ trong sự khiêm tốn và tự giác. Hãy coi đó là 1 niềm vinh dự đối với mình. Hãy khiêm tốn như Tiên tri Isaia để tự nhắc mình rằng: “Khốn thân tôi, nếu tôi không phục vụ cho tử tế”.
Tóm lại, sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mang lấy tinh thần của Ngôn sứ Isaia và của Thánh Phêrô, đó là: sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa mời gọi qua Giáo Hội, nhiệt thành trong công việc nhà Chúa, và phục vụ trong sự khiêm tốn chân thành.
Ước gì sau khi được lời Chúa hôm nay soi sáng, mỗi người sẽ hy sinh nhiều hơn nữa, để chúng ta cùng nhau chung tay xây dựng giáo xứ và Giáo Hội như ý Chúa muốn. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: VÂNG LỜI CHÚA, CHÚNG CON SẼ THẢ LƯỚI
Trong cả ba bài đọc Chúa Nhật hôm nay, chúng ta thấy tất cả các nhân vật đều được Thiên Chúa kêu gọi: Isaia (bài đọc I), Phaolô (bài đọc II), và ba tông đồ: Simon, Giacôbê và Gioan (bài Tin Mừng). Ðặc điểm chung của năm nhân vật này là ai cũng tự thấy mình hèn mọn và bất xứng. Isaia thấy mình là người môi miệng ô uế; Phaolô tự cho mình là người hèn mọn nhất trong số các Tông Ðồ, không đáng được gọi là Tông Ðồ vì đã ngược đãi Hội Thánh của Chúa; còn Simon, đại diện cho ba tông đồ, nhận mình là kẻ tội lỗi.
Đọc lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy Thiên Chúa thường kêu gọi những người đơn sơ và hèn mọn. Vì họ là những người đã biết để cho sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa được biểu lộ trong chính sự yếu đuối và bất toàn của mình. Trong thư gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô xác tín: “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có.” (1 Cr 1,27-28).
Khi kêu gọi ai làm việc cho Người, Chúa sẽ ban ơn, soi sáng và hướng dẫn người đó để họ có thể hoàn thành sứ mạng Chúa trao phó. Tuy nhiên, rất nhiều người lại muốn công việc của Chúa phải được thực hiện theo ý muốn và cách thức của họ. Thay vì tìm ý Chúa, họ lại muốn làm mọi việc theo ý mình. Hậu quả là họ lo lắng và sợ sệt đủ thứ. Họ lo sợ bị thất bại, sợ nguy hiểm, sợ công việc vượt quá sức mình,... và họ khó chấp nhận những giới hạn và cả những thất bại của mình.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rằng, nhiều khi con người đã nỗ lực hết sức mà việc vẫn không thành. Ông Simon và các bạn vất vả chài lưới suốt đêm mà chẳng được con cá nào. Vậy mà Chúa Giêsu, không biết gì về nghề chài lưới, lại đề nghị họ đi thả lưới bắt cá lần nữa. Theo kinh nghiệm của dân đánh cá chuyên nghiệp, nếu ban đêm mà không chài được gì cả, thì ban ngày lại càng không thể! Nhưng ông Simon đã vâng lời Chúa Giêsu, và phép lạ đã xảy ra, các ông bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới.
Cũng như Isaia và Phaolô, Simon Phêrô khi chứng kiến quyền năng của Chúa qua mẻ cá lạ, ông ý thức về vực thẳm ngăn cách giữa sự thánh thiện của Chúa và con người tội lỗi của ông: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Nhưng dường như Chúa không để ý tới tội lỗi và sự bất xứng của Simon Phêrô, Người mời gọi ông trở thành môn đệ, thành “ngư phủ lưới người” cho Chúa. Chúng ta nhiều lúc cũng cảm thấy mình bất xứng trước lời mời gọi của Chúa cho một công việc nào đó. Nhưng một khi chúng ta ý thức về sự hèn yếu của mình, và dám để cho Chúa tự do hành động, thì Chúa sẽ thực hiện những việc kỳ diệu trong cuộc đời chúng ta.
Chúa Giêsu gọi các môn đệ theo Người. Họ lắng nghe Người và cộng tác với Người trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Dù dưới cái nhìn của con người, công việc xem ra có vẻ thất bại, nhưng họ vẫn tiếp tục “thả lưới”. Chúng ta biết rằng, sau khi Chúa Giêsu về trời, các tông đồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Dù bị cấm cách và bách hại nặng nề, và có những lúc tưởng chừng như họ đã bị xóa sổ, nhưng họ vẫn không ngừng rao giảng Lời Chúa. Và kết quả là Tin Mừng đã được loan báo cho mọi dân tộc trên thế giới.
Ơn gọi của chúng ta trong việc cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa là một mầu nhiệm. Vì Chúa có thể không cần đến chúng ta, và không có Chúa, chúng ta không làm được gì cả, nhưng Chúa lại muốn sự cộng tác của chúng ta. Thánh Phaolô đã kinh nghiệm rất rõ điều này khi viết cho các tín hữu Côrintô mà chúng ta nghe trong bài đọc II: “Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.” Và đó cũng là kinh nghiệm của thánh Augustinô khi ngài xác quyết: “Chúa dựng nên con, không cần có con, nhưng để cứu chuộc con, Người cần con cộng tác.” Sự cộng tác mà Chúa đòi hỏi nơi ta, trước tiên là sự tin tưởng và tinh thần sẵn sàng. Phép lạ đã xảy ra khi ông Phêrô bày tỏ sự tin tưởng: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”
Hôm nay, Chúa tiếp tục mời gọi chúng ta cộng tác với Người. Mỗi chúng ta hãy cố gắng đáp lại lời mời gọi của Người, dù còn đó những giới hạn, yếu đuối, bất toàn nhưng chúng ta luôn luôn tin tưởng vào tình thương và sự nâng đỡ của Chúa. Những công việc tông đồ, mục vụ, giáo dục, đào tạo, bác ái, mưu ích cho tha nhân,... cũng như những công việc riêng của chúng ta, bằng cách này hay cách khác, đều giống như việc đánh cá của ông Simon. Nếu chúng ta để Chúa hướng dẫn, Chúa sẽ giúp chúng ta hoàn tất. Nhưng đôi khi Chúa cũng dùng chính những thất bại để củng cố niềm tin cho chúng ta. Thực vậy, chính Chúa đã nói: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta” (Is 55,8).
Nếu Chúa là chủ, và chúng ta chỉ là thợ, là những người được sai đi, tại sao lại sợ và lo lắng? Khi Chúa sai chúng ta làm việc cho Người, Người sẽ ban sức và ban những ơn cần thiết để hoàn thành công việc đó. Chúng ta hãy cố gắng làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình, còn những gì không thể làm được, hãy phó thác cho Chúa! Hôm nay, nếu Chúa mời gọi: “Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” thì mỗi người chúng ta hãy mạnh dạn thưa rằng: “Lạy Chúa, theo kinh nghiệm và khả năng của con thì con biết là không thể, nhưng theo lệnh Chúa, con sẽ thả lưới, vì con tin rằng Chúa luôn ở với con!”
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
SUY NIỆM: TÌNH YÊU CHÚA BIẾN ĐỔI PHẬN NGƯỜI
Chủ đề nổi bật hơn cả trong Chúa nhật thứ V mùa Thường niên là “ơn gọi”. Chúa gọi Isaia (x. Is 6, 1-2a. 3,8), Phêrô (x. Lc 5,1-11) và Phaolô (1Cr 15,1-11). Cả ba đều thú nhận mình bất xứng, nhưng họ đã tin tưởng vào tình yêu và nhất là quyền năng của ơn thánh Chúa và sự đáp trả cách quảng đại của con người. Đúng là tình yêu Chúa biến đổi phận người.
Chúa gọi Isaia
Trong một thị kiến uy nghi, Isaia cảm thấy mình hiện diện trước tôn nhan Thiên Chúa ba lần Thánh, khiến ông hoảng sợ và nhận ra sự vô phúc, bất xứng của chính mình. Nhưng một Thiên Thần Sốt Mến đã cầm cục than cháy đỏ thanh tẩy môi miệng ông, đồng thời xóa bỏ tội lỗi của ông : “Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha” (Is 6,7). Thế rồi ông cảm thấy sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi, và thưa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con” (x. Is 6,8). Sự thứ tha và lòng quảng đại của Thiên Chúa đã biến đổi Isaia thành đại ngôn sứ của Thiên Chúa.
Chúa gọi Phêrô
Tâm trạng trên cũng xảy ra trong câu chuyện mẻ cá lạ lùng được Luca thuật lại. Chúa Giêsu bước xuống thuyền của Simon, rồi ngồi trên thuyền mà giảng dạy dân chúng, có Simon ở bên để giữ cho thuyền khỏi tròng trành, còn Chúa Giêsu thì cố gắng giảng dạy đám đông. Về phương diện thể lý, Simon gần Chúa hơn, ông nghe Chúa rõ lời Chúa và lời Chúa thấm nhập vào ông. Vừa giảng xong, Chúa Giêsu bảo ông Simon : “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá” (Lc 5,4). Phản ứng của Simon là : “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5,8). Lời Chúa Giêsu tác động mạnh lên Phêrô, đặt ông vào tình thế phải thả lưới bắt cá tiếp, dù kinh nghiệm ngư phủ là không thể. Phêrô tin vào lời Chúa Giêsu, đức tin được nuôi dưỡng bằng tình Thầy trò, đức tin tái tạo cái mới và tôn vinh khả năng của con người. Ông tin Chúa, nên bắt được một mẻ đầy cá.
Bảo Phêrô : “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu“, là Chúa muốn ông bước ra ngoài sự an toàn, thói quen, chắc chắn, “và thả lưới bắt cá”. Ðứng trước sự lạ lùng ấy, Simon Phêrô đã không ôm choàng lấy Chúa Giêsu để bầy tỏ lòng biết ơn vì thu lượm được nhiều cá quá sức mong đợi. Nhưng, theo như thánh sử Luca ghi lại, ông đã quỳ xuống trước mặt Người và thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con đi, bởi vì con là một kẻ tội lỗi“(Lc 5,8). Chúa trấn an : “Ðừng sợ :từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta” (Lc 5,10); ông đã từ bỏ tất cả để đi theo Người.
Chúa Giêsu thật nhân lành! Phêrô, kẻ chài lưới được Chúa gọi và trở nên nhà hùng biện đáng được ca ngợi nếu ông hiểu được công việc chài lưới người. Đó là tại sao thánh Phaolô gửi cho các tín hữu tiên khởi và nói : “Hãy coi, hỡi anh em, việc anh em được kêu gọi! Hẳn không có mấy người khôn ngoan xét theo xác thịt, không mấy người quyền thế, không mấy người tôn quí. Nhưng chính những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc hạng khôn ngoan; và những điều thế gian coi là yếu đuối, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ.Những điều thế gian cho là ti tiện, là không đáng kể, thì Thiên Chúa đã chọn, những điều không không, để hủy ra không những điều có” (1Cr 1,26-28).
Vì nếu Chúa Giêsu chọn người hùng biện trước, người ấy có thể nói, “Tôi đã được chọn vì tài hùng biện của tôi”. Nếu Chúa chọn một thượng nghị sĩ, thượng nghị sĩ có thể nói, “Tôi được chọn vì cấp bậc của mình”. Sau cùng, nếu Chúa chọn một hoàng đế, hoàng đế có thể nói, “Tôi được chọn vì khả năng của mình”.
Chúa gọi Phaolô
Phaolô, khi nhớ lại rằng mình đã từng là một kẻ bách hại Giáo hội, ông thú nhận mình không xứng đáng được gọi làm tông đồ, nhưng ông nhìn nhận rằng, Chúa Giêsu Phục Sinh đã thương ông và đã thực hiện nơi ông những điều kỳ diệu, bất chấp giới hạn con người của ông, Chúa còn trao cho ông nhiệm vụ và vinh dự được loan truyền Tin Mừng (x. 1Cr 15,8-10). Há chẳng phải lòng thương xót Chúa biến đổi con người ông sao ?
Kinh nghiệm cuộc đời
Trong cả ba kinh nghiệm kể trên, chứng tỏ con người dù nghèo nàn và bất xứng, giới hạn và tội lỗi, kể cả mỏng giòn. Nhưng nếu gặp được Thiên Chúa tình yêu, Chúa sẽ biến đổi con người. Isaia, Phêrô và Phaolô đã làm gương cho tất cả những ai được Chúa gọi thì hãy nhìn vào Chúa và lòng khoan nhân của Người, để thay lòng đổi dạ và hân hoan từ bỏ tất cả mọi sự vì Người.
Đây là lúc chúng ta kiên định và tin tưởng vào Lời hứa của Đấng đã không bao giờ bỏ chúng ta mồ côi. “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết ; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới“(Lc 5,5). Câu trả lời của Phêrô tương tự như lời của Đức Maria tại tiệc cưới Cana: “Người bào gì thì phải làm theo” (Ga 2,5). Phải tin tưởng và thi hành thánh ý Chúa, nỗ lực của chúng ta mới hữu ích. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô thật đơn giản nhưng sâu sắc, chúng ta có thể lấy làm của riêng của mình: giữa nơi sóng cả ba đào trong một thế giới tội lỗi, chúng ta đấu tranh và lội ngược dòng, tìm cách để loan báo Tin Mừng cách tốt nhất.
Mượn lời Phêrô chúng ta thưa Chúa : “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi” (Lc 5,8). Thánh Irênê nói : ai nhận thức được bản chất tội lỗi của mình, thì người ấy có khả năng nhận biết tình trạng tạo vật của mình nữa. Chỉ có những người như Phêrô, mới chấp nhận những giới hạn của chính mình và nhận những thành quả tông đồ của mình. Chúa đã kêu gọi các Tông Đồ để trở thành kẻ lưới người, nhưng ngư dân đích thực là chính Chúa : trò giỏi không chỉ giỏi chài, mà còn bắt cá người giỏi. Điều này chỉ có hậu nếu chúng ta liều bỏ tất cả để theo Chúa.
Lạy Mẹ Maria, chúng con phó thác đời chúng con cho Mẹ. Xin Mẹ gợi lên nơi mỗi người chúng con lòng ước muốn thưa “Xin Vâng” với Chúa trong vui sướng hân hoan. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM: ĐỤNG CHẠM ĐẾN THẦN THÁNH
Đụng chạm là điều tất yếu trong xã hội loài người. Nhưng có những cái đụng chạm khiến cho lòng người bối rối, sợ hãi; có những cái đụng chạm làm cho người ta bị đau khổ, tàn phế; có những cái đụng chạm lại làm cho con người được biến đổi nên thánh thiện, giàu lòng nhân ái.
Khi đụng chạm là tột cùng của sự từ chối
Nếu lòng tôi luôn khao khát những sự mau qua ở thế gian này, tôi sẽ không ngừng tìm kiếm nó. Những gì hiện diện trước mắt, tôi chỉ thấy có giá trị khi nó là cái tôi đang tìm. Nỗ lực từng ngày của con người là gì nếu không phải là để có được điều mình mong muốn.
Nếu tôi không yêu mến bạn, tôi sẽ chẳng bao giờ tìm kiếm bạn. Nếu lòng tôi giận ghét bạn, phủ nhận sự hiện diện của bạn, tôi sẽ luôn tìm kiếm những bằng chứng để chống lại bạn. Những lời hay ý đẹp nói về bạn chỉ là trò cười đối với tôi. Bạn càng tiến tới tôi càng lùi xa. Sự hiện diện của bạn chỉ làm cho cánh cửa lòng tôi đóng thêm chặt.
Nếu tôi từ chối Thiên Chúa, sự hiện diện của Chúa chẳng có nghĩa gì với tôi, bởi đơn giản lòng tôi không có chỗ cho Ngài. Mọi dấu chỉ về sự hiện diện của Chúa chẳng bao giờ đụng đến nhận thức của tôi, bởi đó không phải là những gì tôi đang tìm kiếm. Dù có đụng chạm đến Ngài, đối với tôi cũng chỉ là cái đụng chạm với người dưng giữa phố phường qua lại. Và như thế, sự đụng chạm ấy cũng chính là điểm tột cùng của sự từ chối, bởi sẽ chẳng còn một dấu chỉ, một minh chứng nào có thể rõ nét hơn về sự hiện diện của Ngài đối với tôi.
Khi đụng chạm đến sự dữ
Sự từ chối và khép kín lòng mình trước tha nhân, trước tạo hóa làm cho tôi trở nên cô đơn và khô cằn. Nhưng khốn cho tôi nếu tôi đụng chạm đến thế lực sự dữ, đụng chạm đến thế giới của ác quỷ. Tôi sẽ bị khuynh gia bại sản, thân tàn ma dại.
Kẻ mạnh thắng người yếu, đấy là lẽ thường tình của cuộc sống bon chen trong xã hội loài người. Đứng trước kẻ mạnh hơn, chẳng ai dại gì mà tiến ra đấu chọi. Bởi chẳng những nắm chắc phần thua mà còn nguy cơ hại đến bản thân mình. Kinh nghiệm ngàn đời ấy đã ăn sâu vào máu thịt con người. Nên ta chẳng lạ gì với cảnh người dân quê run sợ khi thấy vua quan đang tiến lại, hay kẻ bề tôi gian lận run lẩy bẩy khi thấy ông chủ hà khắc đang tiến tới.
Sự sợ hãi ấy tăng dần khi thu hẹp khoảng cách với kẻ uy quyền mạnh thế. Cái đụng chạm khi ấy sẽ là ngòi nổ cho những phiền toái, thậm chí là những khổ đau. Kẻ mạnh thế hơn lại là đối thủ đang tranh giành với tôi thì làm sao tôi có thể tránh khỏi phần thiệt trong cuộc đấu tranh sinh tồn này.
Khi đụng chạm là sự gặp gỡ của tâm hồn hướng thiện và Đấng Thánh
Isaia đã sợ run lẩy bẩy trước nhan Thiên Chúa là vậy, một con người thiện chiến như Phaolo đã gục ngã trên lưng ngựa là thế, Phê-rô đã xin Đấng uy quyền rời xa mình cũng chẳng có gì là lạ. Nhưng phúc cho các ông vì Đấng tiến lại gần các ông là Đấng uy quyền tột bậc nhưng mang trong mình ngọn lửa hừng hựng tình mến thương con người.
Isaia đã thốt lên trước nhan Chúa “Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn”. Kinh nghiệm nội tâm đầy yếu đuối và tội lỗi như Isaia sao ông có thể dám đối mặt với Đấng đầy uy quyền, Đấng 3 lần thánh với đạo binh vây quanh trong tiếng hô dậy trời đất. Nhưng khi cái đụng chạm nẩy lửa như than hồng đặt vào miệng lưỡi đã làm cho Isaia biến đổi. Ông không còn sợ hãi nhưng đã can đảm và tràn đầy dũng khí yêu thương đồng loại. Ông sẵn sàng ra đi loan báo tình thương của Thiên Chúa “Này con đây, xin hãy sai con”. Ông được thế bởi Đấng ông được đụng chạm là Thiên Chúa tình yêu.
Phaolo đã tự thú “Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa”. Với thành tích vang dội là những chiến công chống lại Thiên Chúa, bách hại những người yêu mến Chúa, yêu mến tha nhân, làm sao Phaolo đủ can đảm đối diện với Chúa. Ông đã gục ngã trước vinh quang của Chúa. Nhưng sự đụng chạm của Chúa đã làm cho ông biến đổi hoàn toàn. Ông trở nên con người đầy nhiệt huyết rao giảng về Chúa Ki-tô, về tình thương và ân sủng của Người đã hoán cải ông. Ông tự hào với dân Cô-rin-tô mà rằng: “Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi”.
Phê-rô là người dân chài vô danh nơi xóm nhỏ. Ông không dám để Đấng uy quyền lại gần mình: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Cái kinh nghiệm sâu thẳm nơi tâm hồn Phê-rô đã khiến ông sợ hãi khi nhận ra Đấng đầy uy quyền đang ở gần mình. Nhưng ánh mắt và lời mời gọi yêu thương của Chúa Giê-su đã đụng chạm đến tận đáy tâm hồn ông và các bạn. Họ đã biến đổi và trở nên khí cụ của tình thương Chúa: “Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”.
Giờ này tôi đã biết, Đấng uy quyền trên trời dưới đất đang tiến đến bên tôi là Đấng giàu lòng thương mến. Sự đụng chạm đến Ngài sẽ giúp tôi trở về nguồn cội, múc tận nguồn suối nước trường sinh. Thánh Thể Chúa vẫn ngày ngày đụng chạm đến miệng lưỡi tôi, đến chính con người tôi. Tôi sẽ được biến đổi khi lòng tôi sẵn sàng đón nhận Chúa.
Lạy Chúa, con chẳng dám Chúa chạm đến lòng con vì con đây tội lỗi. Nhưng con tin chắc rằng, được đụng chạm đến Ngài là mối phúc đời con; con sẽ nên khí cụ bình an nhờ ơn Ngài đỡ nâng.
Lm. Giuse Lê Danh Tường
SUY NIỆM: LỢI ÍCH CỦA VÂNG LỜI
Người ta vẫn thường nói: “sau đêm dài là ánh bình minh”. Cuộc đời không phải lúc nào cũng tối tăm. Có những lúc tưởng như vô vọng nhưng dịp may lại đến với chúng ta. Có những lúc tưởng như không còn lối thoát nhưng bàn tay kỳ diệu của Đấng Tạo hoá đã kịp thời mở lối cho chúng ta.
Lời Chúa hôm nay kể về một câu chuyện rất đời thường của những người dân nghèo thuyền chài miền Galilêa. Họ vật vã với sóng gió biển cả suốt đêm. Họ luôn phải đối mặt với biết bao hiểm nguy. Thế nhưng lưới vẫn nhẹ, thuyền vẫn rỗng vì chẳng bắt được con cá nào. Ánh bình minh hôm nay không đem lại cho họ niềm vui. Niềm hân hoan của ngày mới không đến với họ. Họ thất vọng nhiều hơn vui. Một đêm vất vả chẳng được gì là dấu chỉ cho một ngày cơm bữa no bữa đói. Lòng buồn vời vợi. Họ ngồi giặt lưới trong tâm trạng nặng trĩu những âu lo. Thuyền lứơi của họ xem ra đã vô dụng. Bỗng dưng Thầy Giêsu lại muốn sử dụng chiếc thuyền của họ. Chúa mượn thuyền của Phêrô. Con thuyền mà Phêrô tưởng chừng như chẳng giúp ích gì cho ông. Thuyền đánh cá nhưng có được con cá nào đâu? Chúa mượn thuyền Phêrô không phải để đánh cá mà dùng làm phương tiện rao giảng tin mừng. Cuối đoạn tin mừng Chúa lại mượn luôn con người Phêrô làm kẻ chuyên lo chài lưới người.
Xem ra những thất bại trong cuộc đời luôn là cơ hội để chúng ta thay đổi cuộc sống. Vì Thất bại là mẹ thành công. Thất bại để hiểu rõ sự thật, để hiểu rõ con người và lượng giá sức người cho phù hợp với khả năng để tiến tới thành công. Phêrô đã thay đổi phận số đời mình từ ngày ông cho Chúa mượn chiếc thuyền làm phượng tiện rao giảng Tin mừng. Từ ngày Phêrô vâng lời Thầy Giêsu chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá xem ra đã thay đổi mọi suy nghĩ của Phêrô. Phêrô từ đó đã đi theo Chúa. Phêrô từ đó càng hiểu hơn về giá trị của vâng lời. Vâng lời Thầy là tin tưởng hoàn toàn vào Thầy. Vâng lời là nhìn nhận sự yếu kém bất toàn của mình để làm theo lời Thầy chí thánh mà có lần ông đã tuyên xưng: “Thầy là Con Thiên Chúa”. Vâng lời Thầy là làm tất cả những gì Thầy muốn Phêrô làm. Phêrô đã thành công khi vâng lời thầy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới. Ông đã được một mẻ cá quá lớn, lớn đến nỗi một mình Phêrô không mang về hết phải nhờ đến các bạn đồng nghiệp. Mẻ cá này là hình ảnh tiên báo cho lời giảng thuyết đầu tiên của Phêrô sau ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Phêrô đã mang về cho Giáo hội hơn 3000 người tin theo Chúa.
Vâng, những thất bại trong cuộc đời. Những cay đắng trong cuộc sống đôi khi thật cần thiết để hoàn thiện con người chúng ta. Có những người suốt đời gặp toàn điều may lành có lẽ họ không cảm thấy sự bất toàn của mình để khiêm tốn sống đúng với con người thật của mình. Vì “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Không biết rõ mình nên khó có thể đứng vững trước nguy nan, trước sóng gió cuộc đời. Khi con người biết rõ giới hạn của mình là lúc con người sống khiêm tốn để cần sự trợ giúp của tha nhân, nhất là của Thiên Chúa.
Nhà bác học Archimède đã từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất này lên”. Kinh nghiệm cho thấy: cho dù phiến đá đồ sộ to lớn mấy chăng nữa! nếu đòn bẩy có điểm tựa sẽ dễ dàng lăn tảng đá rời khỏi vị vị. Archimède đã dựa vào kinh nghiệm rất đời thường để xác tín điều đó. Ở đời cũng vậy, có nhiều việc tưởng chừng như sẽ bỏ dở dang, thế nhưng nhờ ơn trời và sự trợ giúp của nhiều người công việc đã tiếp diễn thật tốt đẹp, ngoài sức tưởng tượng. Và đôi khi cũng có nhiều ngừơi xem ra bất tài vô dụng nhưng họ vẫn thành công khiến chúng ta sững sờ ngạc nhiên. Sự thành công đến với họ không do tài trí của họ mà do sự trợ giúp của những người thân, của đồng nghiệp. Và trên hết đó chính là ơn ban của Chúa dành cho những ai biết tin tưởng cậy trông vào Chúa. Simon Phêrô đã dựa vào Lời Chúa mà ông đã bắt được một mẻ cá thật kỳ diệu. Các tông đồ đã dựa vào sức mạnh của Chúa để ra đi loan báo tin mừng. Các ngài đa phần là dân chài nghèo hèn thế mà đã thay đổi cả thế giới. Văn hoá kytô giáo đã phủ khắp năm châu bốn biển không do tài trí của con người, mà do quyền năng Chúa thực hiện trên những con người yếu hèn như khí cụ của Chúa.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết cậy dựa vào Chúa để can đảm ra đi loan báo tin mừng. Ước gì mỗi người chúng ta dầu trong hoàn cảnh nào, cũng không bỏ cuộc nhưng luôn tin tưởng vào ơn trợ giúp của Chúa sẽ dẫn chúng ta đi qua những thăng trầm của cuộc đời. Cuộc đời luôn có những khó khăn. Dòng đời luôn có những bấp bênh nhưng chúng ta hãy tin tưởng, Chúa sẽ luôn kịp thời nâng đỡ và giải cứu chúng ta khỏi những nguy nan, bất trắc và hiểm nguy. Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết chạy đến với Chúa và kêu cầu Chúa trong những lúc nguy nan. Amen.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
SUY NIỆM: ĐƯỢC GỌI CỘNG TÁC VỚI THIÊN CHÚA
Các bài đọc trong thánh lễ Chúa Nhật hôm nay đều đề cập đến ơn gọi. Tiên tri Isaia đã được thấy Thiên Chúa và cảm nhận thân phận nhơ uế của mình. Thiên Chúa đã xá tội bằng thanh tẩy đôi môi nhơ uế của Ysaya với than hồng nơi bàn thờ. Thiên Chúa phán: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Isaia đã lên tiếng đáp lời: “Dạ, con đây, xin hãy sai con”. Thiên Chúa cần con người, và Isaia đã sẵn sàng đáp trả.
Đức Giêsu đã mời gọi Phêrô trở nên thợ lưới người sau khi Phêrô nhận ra mình tội lỗi bất xứng ở bên Đức Giêsu: “Lạy thầy, xin xa tôi ra vì tôi là kẻ tội lỗi”: “Đừng sợ, từ nay ngươi sẽ là kẻ chài lưới người”. Chèo thuyền vào bờ, Phêrô và các bạn đã bỏ mọi sự mà đi theo Đức Giêsu. Phêrô và các bạn đã quảng đại bỏ tất cả để theo Đức Giêsu.
Phaolô đã từng giữ áo cho những người Do Thái ném đá Stephen (Cv.7, 58); ông cũng tán thành việc giết Stephen (Cv.8, 1). Tuy nhiên, trên đường đi Đamas để bắt các Kitô hữu đem về Giêrusalem trị tội, Phaolô đã được ơn trở lại. Từ đó, Phaolô là khí cụ đặc biệt Thiên Chúa dùng để rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô: “Thưa anh em, trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta… Người đã trỗi dậy và đã hiện ra với Kêpha và với nhóm mười hai” (1Cr. 15, 3-5).
Cả ba người được gọi trong các bài đọc Kinh Thánh hôm nay đều đã là tội nhân hoặc đã ý thức mình là tội nhân. Chính Thiên Chúa đã tha thứ tội cho họ, và gọi họ cộng tác với Ngài. Được Thiên Chúa mời gọi cộng tác, là vinh dự đặc biệt cho những ai đã từng phạm tội chống cưỡng Ngài. Và rồi ngay cả khi đã đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa mà vẫn còn vấp ngã, thì Thiên Chúa vẫn tiếp tục trung thành mời gọi con người vươn lên. Điều này cũng đúng đối với các người theo Chúa, đặc biệt như các tông đồ. Dù đã là môn đệ, Phêrô cũng có lúc chối Thầy (Mc.14, 71), và có lúc chưa can đảm sống như mình phải sống (Gl.2, 11-14). Thiên Chúa vẫn tiếp tục mời gọi những người Ngài mời gọi, cho du họ giới hạn khiếm khuyết. Thiên Chúa là Đấng trung thành, Ngài vẫn yêu thương và liên lỉ mời gọi con người cho dù họ bất trung.
Kitô hữu cũng là những người đã được Thiên Chúa mời gọi. Ngài mời gọi con người hãy sống như con cái Thiên Chúa, trở thành tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa cho con người hôm nay. Thiên Chúa mời gọi mỗi người hãy yêu thương mọi người, để mỗi người cảm được Thiên Chúa yêu thương qua những người sống xung quanh mình.
Người đời thường tìm tiền tài, danh vọng, địa vị. Thiên Chúa mời gọi con người trở thành tình yêu của Thiên Chúa cho con người hôm nay. Bao nhiêu người nghèo cần sự giúp đỡ của người khác. Ngày nay Thiên Chúa không làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nhưng Ngài mong những người nghèo hôm nay nhận được tấm bánh từ tay anh chị em mình. Những ân nhân của người nghèo thực sự là đại diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa cho họ ăn và giúp họ những gì họ cần thiết qua trung gian những ân nhân này. Thiên Chúa hiện diện với tôi qua anh chị em. Phần tôi, tôi được mời gọi để trở thành tình yêu của Thiên Chúa cho người khác.
Nhiều người tưởng rằng tiền của, địa vị, danh vọng chức quyền, sự thỏa mãn về thể xác làm cho người ta hạnh phúc, nên họ đã đi tìm những điều đó. Nhưng nếu biết quan sát và nhận định, họ sẽ thấy tiền bạc, danh vọng chức quyền địa vị, thỏa mãn vật chất, không làm con người được hạnh phúc đích thực. Chính khi giúp đỡ tha nhân, khi yêu thương vượt qua chính mình, khi hy sinh để giúp đỡ người khác, con người tìm được hạnh phúc thực. Kitô hữu được mời gọi để làm chứng về điều này. Phục vụ làm con người hạnh phúc.
Kitô hữu được mời gọi để làm vua. Không nô lệ vật chất, làm chủ, tự do với tất cả để chỉ có Thiên Chúa là nhất đối với mình; đó là nét vua mà Thiên Chúa muốn chia sẻ với con người. Ai thua thì bị làm nô lệ. Thiên Chúa không muốn con người nô lệ cho xác thịt, cho vật chất; Ngài mời gọi con người vượt lên, chiến thắng, làm chủ làm vua. Thiên Chúa mời gọi con người trở nên người tự do thật sự.
Kitô hữu được mời gọi để trở thành tiên tri. Tiên tri là người của Thiên Chúa, người nói nhân danh Thiên Chúa cho con người hôm nay. Nói cho người khác biết Đức Giêsu đã phục sinh, Ngài là người của Thiên Chúa, Ngài thuộc về Thiên Chúa đến độ có thể nói Ngài là Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Một khi con người nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, con người biết Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Rao giảng tin mừng Đức Giêsu Phục Sinh, không phải chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng và chính yếu bắng chính cuộc sống của mình. Kitô hữu được mời gọi để làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh bằng niềm tin và cách sống thấm nhuần đức tin của mình. Kitô hữu không phải là người không cảm thấy những khó khăn trong cuộc sống, cũng không phải là người không bị cám dỗ; Kitô hữu là người chia sẻ thân phận con người như bất cứ ai khác, nhưng vẫn có thái độ và cách hành xử khác với những người có lối sống không theo Tin Mừng. Kitô hữu được mời gọi sống vui và phó thác trong mọi hoàn cảnh vì họ biết Thiên Chúa yêu thương họ, và thế gian này không có giá trị tuyệt đối.
Kitô hữu được mời gọi để trở thành tư tế của Thiên Chúa, người đại diện con người tôn thờ Thiên Chúa. Cầu nguyện, dâng chính con người mình lên Thiên Chúa, là thái độ tôn thờ Thiên Chúa đích thực. Cầu nguyện phải là chính sức sống và hạnh phúc của con người. Được đại diện con người dâng lên Thiên Chúa lễ tế là chính con người mình, là một hạnh phúc của Kitô hữu. Chính khi kết hiệp với Thiên Chúa, con người được hạnh phúc đích thực.
Thiên Chúa mời gọi con người, đặc biệt là Kitô hữu, làm cho thế giới này vui hơn tươi hơn đẹp hơn, làm cho con người ngày hôm nay tin tưởng vào nhau hơn, sống vui và hạnh phúc với nhau hơn. Đó là ơn gọi của Kitô hữu. Xin cho Kitô hữu ý thức sứ mạng của mình, và cảm nghiệm hạnh phúc khi thực hiện sứ mạng này.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
- Theo bạn, nơi con người Đức Giêsu có gì đặc biệt không? Ơn gọi của Đức Giêsu là gì? Sứ mạng của Đức Giêsu là gì?
- Thiên Chúa có mời gọi bạn đặc biệt điều gì không? Thiên Chúa muốn bạn sống như thế nào? Thiên Chúa mời gọi bạn làm gì cho Thiên Chúa và con người ngày nay?
Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
SUY NIỆM: HÃY CHÈO RA CHỖ NƯỚC SÂU
Tại sao Chúa Giêsu chọn bốn môn đệ đầu tiên trong hàng ngũ những người đánh cá? Ngài có dụng ý gì chăng? Phải chăng tiêu chí đầu tiên cần cứu xét để tuyển chọn tông đồ là phải dạn dày sương gió, phải sẵn sàng xông xáo giữa biển đời đầy bão tố cuồng phong?
Có lẽ chính vì đã quen chịu nhọc nhằn trên biển cả, nhiều phen đối đầu với bão táp, thách thức với cuồng phong mà Simon và các bạn chài của anh đã “lọt vào mắt xanh” của Chúa Giêsu.
Nhưng trước khi kêu gọi Phêrô và các bạn chài của anh dấn bước vào công cuộc loan báo Tin Mừng đầy gian khổ, Chúa Giêsu muốn dạy cho các anh bài học vỡ lòng. Ngài truyền cho các anh chèo ra chỗ nước sâu…
Dù mệt mỏi và chán nản vì phải lao nhọc suốt đêm mà chẳng được tích sự gì, các anh vẫn vâng lời Chúa Giêsu để ra khơi, để chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới. Nhờ đó, các anh đã trúng một mẻ cá rất tuyệt vời. Qua đó, các anh học được bài học đầu tiên: Muốn bắt được nhiều ‘tôm cá’, thì hãy vâng lệnh Chúa chèo thuyền ra ‘chỗ nước sâu’.
Cuộc ra khơi của Chúa Giêsu
Ngự trên ngai trời mà cứu thế, mà phán dạy loài người, hay ít ra, dùng các tiên tri mà phán dạy, thì ‘đỡ khổ’ hơn nhiều. Nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã không làm như thế.
Ngài đã rời bỏ bờ bến an toàn và đầy đủ tiện nghi, đã bỏ hết mọi sự lại đằng sau để ra khơi. “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân”. (Philíp 2, 6-7)
Ngài phải mạo hiểm đến chỗ nước sâu nhất: sinh ra trong máng cỏ thấp hèn, đến ngụ nhờ nhà người tội lỗi, hoà mình với những người tội lỗi để xin nhận phép rửa bên bờ sông Gio-đan, chịu chết đau thương tủi nhục giữa những tên gian phi, chịu mai táng trong mồ…
Rồi, thay vì yên vị trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem mà giảng dạy hoặc ít ra ngồi giảng trong các hội đường vào các ngày sa bát như các ráp-bi Do Thái, Chúa Giêsu đã xông xáo vào khắp hang cùng ngõ hẽm để loan Tin Mừng: trên triền núi, giữa đồng hoang, bên bờ giếng, bên bãi biển, bờ hồ…
Cuộc ra khơi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Noi gương Chúa Giêsu, vị đại diện của Ngài là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã liên tục ra khơi, chèo ra chỗ nước vừa sâu vừa nguy hiểm. Qua 26 năm trong triều đại giáo hoàng, Ngài đã thực hiện 104 chuyến công du ngoài nước Ý và 146 chuyến công du trong nước Ý (không tính Rô-ma), thăm viếng hơn 130 quốc gia trên thế giới. Tưởng cũng cần thêm rằng trong số đó, ngài đã tám lần đến thăm viếng các nước Hồi Giáo, đặc biệt Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên bước vào một ngôi Đền Thờ Hồi Giáo cổ kính tại Syria vào năm 2001.
Tính ra, Ngài đã đi công du 1,400,607 km, tương đương 28 lần vòng quanh trái đất. Ngoài ra mỗi ngày Ngài làm việc đến 18 tiếng đồng hồ.
Ngài đã ‘chèo’ đến những vùng biển nhiều sóng gió: đến thăm những miền đất thù nghịch với Hội Thánh, vào những ‘miền đất thánh’ của Phật giáo, Án giáo, Hồi giáo hay Chính Thống giáo… vào cả những nơi mà một số đông dân chúng sở tại không muốn cho ngài đến, lại đòi ngài phải xin lỗi họ (như trong chuyến tông du tại Hy Lạp vào tháng 5 năm 2001), đến cả những nơi mà tính mạng ngài đang bị hăm doạ… Ngài là vị giáo hoàng can đảm nhất trong lịch sử, sẵn sàng dấn thân vào những ‘chỗ nước sâu’, những vũng xoáy, những nơi sóng gió… mà không hề biết sợ là gì, miễn là Tin Mừng được loan báo.
Nối gót Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phalô II, vị Giáo Hoàng đương kim Bênêđictô, cuối tháng 11 năm 2006 vừa qua đã thực hiện chuyến viếng thăm Thổ-nhĩ-kỳ đang lúc tại đây đang nổi lên làn sóng chống đối ngài mãnh liệt và nhiều người quá khích hăm doạ sẽ giết ngài bằng mọi giá khiến cho nhiều người hết sức quan ngại.
Hội Thánh đang mời gọi chúng ta ra khơi
Trong tông thư Novo Millennio Ineute được công bố vào ngày kết thúc đại năm thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Phaolô II khẩn thiết kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa trên khắp thế giới hãy ‘Chèo ra chỗ sâu’ (Lc 5, 4) để thả lưới, vì ‘một thiên niên kỷ mới đang mở ra trước mặt Hội Thánh như là một biển cả mà chúng ta sẽ mạo hiểm trong đó, cậy dựa vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa’ (số 58)
Trong dịp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam triều yết Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhân chuyến đi viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô vào ngày 22-1-2002, vị Cha chung của Hội Thánh cũng mời gọi Giáo Hội Việt Nam hãy ra khơi. Ngài ngỏ lời với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: ‘Giáo Hội Việt Nam được mời gọi ra khơi: Tôi muốn khích lệ anh em hãy hết sức quan tâm rao giảng Tin Mừng và truyền giáo…’
Thủ lãnh của chúng ta là Chúa Giêsu đã dấn thân vào chỗ nước sâu như thế, vị lãnh đạo của Hội Thánh là Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng như Bênêđictô đã anh dũng ra khơi như thế… thì với tư cách là thân mình của Đức Kitô, chúng ta không còn chọn lựa nào khác là cùng chèo ra chỗ nước sâu với Chúa Kitô, cùng ra khơi với Hội Thánh.
Lạy Chúa, con xin thú lỗi với Chúa là con chỉ muốn bám chặt đất bằng cho yên ổn và chẳng hề muốn ra khơi, vì ra khơi thì nhọc nhằn quá, phải hy sinh nhiều thứ quá mà đời sống lại rất đỗi bấp bênh và dẫy đầy nguy hiểm.
Ước gì cuộc ‘ra khơi’ vĩ đại của Chúa sẽ là một nhắc nhở không ngừng để con noi theo mà dấn bước.
Ước gì tấm gương chèo ra chỗ nước sâu đầy hiểm nguy sóng gió của Đức Thánh Cha là một thôi thúc liên tục thúc giục con lên đường đến với anh em con.
Lm. Ignatiô Trần Ngà