CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM C
Lc 1,1-4; 4,14-21
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.
Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:
“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.
Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.
SUY NIỆM: CHÚA GIÊSU LÀ ĐẤNG MESSIA
Lời Chúa: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe” (Lc 4, 21).
Nhập lễ :
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật III thường niên hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai muôn dân mong đợi mà các ngôn sứ đã loan báo. Người đã được Chúa Cha xức dầu Thánh Thần, sai đi rao giảng Tin Mừng và ơn bình an cho những người nghèo khó:
Giê - su là Đấng Thiên sai,
Xưa ngôn sứ báo nay Người hiện thân.
Thực thi lời hứa cứu dân,
Là Vua tư tế hiến dâng trọn đời.
Quản cai phục vụ muôn người,
Sứ ngôn rao giảng Nước Trời bình an.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa ban thêm niềm tin cho chúng ta để chúng ta biết mở rộng tâm hồn đón nhận Tin Mừng cứu độ và cảm nếm được niềm hạnh phúc bởi biết lắng nghe, đón nhận và thực thi ý Chúa. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thánh tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là Đấng Thiên sai đã các ngôn sứ loan báo và muôn dân mong đợi. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đến để kêu gọi chúng con sám hối và tin vào Tin mừng. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa đã sinh ra trong cảnh nghèo khó để trở nên Tin Mừng cho người nghèo của chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Dân tộc Do thái họ luôn tự hào là dân riêng của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương và phù trợ ngay cả trong những giờ phút đen tối của lịch sử dân tộc này. Bị lưu đày từ Babylon trở về vào những năm 538 trước công nguyên, họ bắt đầu tái thiết thành thánh. Họ tin tưởng và đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa: Vì vinh quang Chúa sẽ như ánh bình minh chiếu tỏa trên họ, muôn dân nước sẽ lần bước tìm về ánh bình minh của Giêrusalem. Giêrusalem trở nên trung tâm của thế giới, kho tàng bể khơi, đất đai phì nhiêu, phú túc và tương lai của thành sẽ rực rỡ vinh quang.
Thưa anh chị em, sau khi đã hoàn thành công tác tái thiết thành thánh Giêrusalem. Esdras và toàn dân đã tập họp tại đền thờ để nghe sách Luật. Việc làm này trở thành thói quen của dân Do thái vào các ngày nghỉ, ngày Sabat, nhất là những ngày đại lễ: Đền thờ trở thành trung tâm phụng tự. Sứ điệp cứu rỗi được ban cho Israel trước hết bắt đầu từ Kinh Thánh và phụng tự. Chúa Giêsu, trong suốt cuộc đời trần thế đã thường xuyên tham dự sinh hoạt này cùng với dân tộc Người. Vào đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã đến Hội đường làng Nagiareth và Người đã tuyên đọc sách ngôn sứ Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”. Sau khi đọc, Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Vì, từ nhiều thế kỷ trước, ngôn sứ Isaia đã loan báo cho họ biết sẽ có Đấng Messia đến giải thoát họ và họ nóng lòng mong đợi. Theo đó, Chúa Giêsu xác nhận Người là Đấng Messia mà ngôn sứ Isaia đã loan báo từ lâu. Với tư cách là Đấng Messia vừa được xức dầu tấn phong, Người thực hiện trọn vẹn sứ vụ của Ðấng Messia mà các ngôn sứ đã loan báo. “Khi Người đến mắt người mù sẽ được nhìn thấy. Tai người điếc sẽ được nghe. Người câm nói được và người què nhảy nhót như nai”. Ðấng Thiên Sai đã sống một kiếp người trong nghèo khó để cảm thông với những lắng lo của kiếp người truân chuyên. Tất cả những điều đó hôm nay đã ứng nghiệm. Như thế, sứ vụ của Chúa Giêsu là mở ra một kỷ nguyên hồng ân, tức là kỷ nguyên của Tin mừng.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Chúa Giêsu, Đấng Thiên Messia đã được sai đi sai đi rao giảng Tin Mừng và ơn bình an cho những người nghèo khó. Thánh Phaolô trong đoạn thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô xác quyết rằng: nhờ Phép Rửa, mọi người trở nên một thân thể trong Chúa Kitô, nhưng mỗi người đều có chức vụ riêng. Là những người kitô hữu, chúng ta tin vào Đấng Messia, chúng ta được mời gọi sống hiệp nhất, tin vào Chúa Kitô để làm nên một Hội thánh duy nhất. Để sống xứng đáng về hồng ân đã lãnh nhận, chúng ta cần phải luôn tin tưởng, xác tín vào Lời Chúa, vâng phục và tuân theo thánh ý Chúa được bộc lộ qua Lời Chúa. Đồng thời, phải biết lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, tìm ra thánh ý Chúa muốn đề rồi thực thi và rao giảng Lời Chúa.
Nguyện xin Chúa xin ban thêm đức tin cho chúng ta để chúng ta luôn biết sống quảng đại, biết cảm thông, chia sẻ hầu làm chứng cho Chúa bằng đời sống yêu thương và phục vụ người khác sẽ là dấu chỉ thật đẹp của người môn đệ Chúa Kitô giữa thế giới hôm nay. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang
SUY NIỆM: CHÚA LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA ĐỜI TA
Như chúng ta đã biết, vào ngày Sabat, các tín hữu Do Thái Giáo sẽ tập trung về đền thờ để lắng nghe lời Chúa. Các Thầy Tư tế và Lêvi có nhiệm vụ đọc lời Chúa vào các ngày này, và giải thích cho dân chúng về ý nghĩa của đoạn lời Chúa ấy, để giúp dân nuôi dưỡng niềm tin và niềm hy vào lời hứa cứu độ của Thiên Chúa, được ghi lại trong các sách Cựu ước.
Nội dung bài đọc I hôm nay chính là khung cảnh của nền phụng tự Do Thái Giáo thời đó. Ông Ét-ra trong vai trò là Tư tế đã đọc sách luật trước mặt cộng đoàn, rồi toàn dân đồng thanh tung hô chúc tụng Thiên Chúa. Sau đó, ông cùng với Ngôn sứ Nơ-khe-mi-a và các Thầy Lêvi giải thích sách luật cho dân.
Rồi vào một ngày Sabat nọ, họ mời Chúa Giêsu đọc Sách Thánh giữa đền thờ. Chúa Giêsu đã đọc, nhưng Ngài không giải thích như các Rabbi khác vẫn thường làm. Sau khi đọc xong, Ngài mời dân ngồi xuống và dõng dạc tuyên bố rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.
Đây là một mạc khải vô cùng quan trọng thưa anh chị em. Bởi Chúa Giêsu đã công khai cho chúng ta biết rằng, những gì mà Thiên Chúa đã hứa, những gì mà các ngôn sứ đã tiên báo, những gì mà Tiên tri Isaia vừa thuật lại trong đoạn Kinh Thánh vừa nghe, là nói về bản thân Ngài. Ngài chính là nhân vật chính của đoạn Kinh Thánh ấy.
Chúa Giêsu cho biết rằng, Thần Khí của Chúa Cha ngự trên Ngài và xức dầu tấn phong Ngài. Chính Ngài sẽ tìm đến và loan báo tin mừng cho những người nghèo khổ. Chính Ngài sẽ công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha. Chính Ngài sẽ làm cho người mù được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, và công bố 1 năm hồng ân của Đức Chúa.
Và trong suốt hành trình 3 năm rao giảng, Chúa Giêsu đã làm đúng như những gì mà Ngôn sứ Isaia đã nói, đúng như những gì mà Ngài đã khẳng định trong bài Tin mừng hôm nay. Ngài đã tìm đến với những người nghèo và những người bị xã hội loại trừ, để an ủi và nâng đỡ họ. Ngài đã tìm đến với những người thu thuế và tội lỗi, để giải thoát họ khỏi ách nô lệ của tội. Ngài đã làm cho người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người câm nói được, người què đi được…
Cộng đoàn thân mến, đó không chỉ là niềm vui vỡ òa của người Do Thái xưa, nhưng còn là niềm vui của tất cả chúng ta hôm nay. Với 3 lý do sau:
Thứ nhất, bởi tất cả chúng ta đều là những người nghèo thưa anh chị em. Có người nghèo về vật chất, có người nghèo về tinh thần; người thì nghèo về tình thương, người thì nghèo về lòng quảng đại; có người nghèo về đức tin, cũng có người nghèo về đức cậy và đức ái…
Thứ hai, tất cả chúng ta đều là những tù nhân. Chúng ta đang bị vây hãm bởi tội, bởi những dục vọng, bởi những đam mê bất chính. Chúng ta đang trở thành nô lệ của tội lỗi mà chúng ta không hề hay biết, nhưng cứ ngỡ là mình tự do.
Thứ ba, chúng ta là những người mù về phương diện đức tin. Bởi chúng ta luôn lầm đường lạc lối trong các chọn lựa của mình. Mù, bởi nhiều lần chúng ta đã bỏ cái tốt mà chọn làm điều xấu, bỏ cái đúng mà chọn làm điều sai, bỏ con đường thánh thiện mà chọn đi theo con đường tội lỗi.
Là những kitô hữu và đang trên hành trình đức tin dương thế, có lẽ đó là 3 ngăn trở rất lớn, và cũng là những điều mà mỗi người đang rất băn khoăn, không biết làm sao để vượt qua.
Chúng ta đừng thất vọng nhưng hãy mừng vui, vì chúng ta còn có Chúa Giêsu luôn đồng hành. Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua cái nghèo khó về mọi phương diện. Ngài sẽ giải phóng ta khỏi tình trạng nô lệ của tội. Và Ngài sẽ soi sáng và dẫn lối đưa đường, để chúng ta đạt tới nguồn Chân-Thiện-Mỹ.
Phần chúng ta, mỗi người hãy gắn bó đời mình với Chúa Giêsu. Hãy tin tưởng vào những gì mà Chúa Giêsu mạc khải trong bài Tin mừng hôm nay. Và hãy chân thành thưa lên rằng: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài!”. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: TIẾP NỐI SỨ VỤ
Sau một thời gian ngược xuôi giảng dạy ở nhiều nơi, Chúa Giêsu trở về quê hương Nadarét yêu dấu thăm viếng. Vào ngày Sabát, Ngài đến hội đường, người ta mời Ngài đọc sách thánh và giảng dạy. Thời đó, tại Israel có hai nơi dành cho việc phụng tự là Đền thờ và Hội đường. Chỉ có một Đền thờ tại Giêrusalem. Hội đường rất nhiều, hầu như mỗi làng đều có một cái. Đền thờ là nơi dân Do thái dâng hy lễ cho Thiên Chúa, như chiên, cừu, bồ câu… Còn Hội đường là nơi dành cho việc giảng huấn, nơi dân chúng lắng nghe Lời Chúa và cố gắng áp dụng lời ấy vào cuộc sống của họ.
Ngày Sabát, người ta thường đọc sách Luật, các sách Ngôn sứ rồi tiếp theo là một bài giảng giải. Người Do thái trưởng thành nào cũng có quyền được lên tiếng ở đó, nhưng thường những người coi sóc hội đường hay giao cho ai thông thạo Kinh Thánh làm việc này. Hôm nay cũng vậy, người ta đưa cho Chúa Giêsu cuốn Sách Thánh. Mở sách ra, Ngài gặp ngay đoạn ngôn sứ Isaia nói về Đấng Cứu Thế sẽ đến và những việc Ngài sẽ làm.
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo khó.Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,19-19). Chúa Giêsu xác nhận lời tiên báo được thực hiện nơi chính bản thân Ngài: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.
Nội dung của sứ điệp ngôn sứ được ứng nghiệm nói lên công việc Chúa Giêsu sẽ thi hành. Công việc gồm hai điểm chính là loan báo Tin Mừng và đi công bố những gì Thiên Chúa muốn thực hiện cho nhân loại.
- Loan báo Tin Mừng
Tin Mừng được loan báo là: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Chúa Giêsu nói rõ đối tượng ưu tiên của việc rao giảng Tin Mừng là đến với những người nghèo khó: “Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó”. Mọi người đều là những người nghèo : kẻ thì nghèo vật chất, người thì nghèo tinh thần. Như vậy Tin Mừng của Chúa được loan báo cho tất cả mọi người.Giáo Hội luôn phục vụ những người nghèo.Sống nghèo, tận tụy phục vụ người nghèo, đó là những nét nổi bật của Giáo Hội. Sứ vụ ấy làm nên tinh thần khó nghèo của Tám Mối Phúc.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Khi tôi được bầu, tôi đã có bên cạnh người bạn của tôi là Đức Hồng y Hummes. Bởi vì chúng tôi ngồi cạnh nhau. Chính ngài đã nói với tôi một câu khiến tôi hạnh phúc: ‘Đừng quên người nghèo’. Thật là đẹp”. (x.Bài phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Đài truyền hình Braxin Globo sau kết thúc ngày Giới Trẻ tại Rio de Janeiro).
Thực sự, “Đừng quên người nghèo” là một lời khuyên đơn sơ. Nhưng là một lời khuyên rất đạo đức, rất Phúc Âm, rất thời sự. Lời khuyên đó trong giây phút lịch sử trọng đại bầu Giáo hoàng đã và đang đánh thức lương tâm rất nhiều người. “Đừng quên người nghèo” cũng được coi là lời khuyên, chính Chúa gởi tới mọi người có trách nhiệm lo cho nhân loại hiện nay.Đức Giêsu, không những đã không quên người nghèo mà còn rất thương họ. Người thương người nghèo, trước hết bằng cách mặc lấy thân phận người nghèo. Thánh Phaolô viết:“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem trong hang đá với những hoàn cảnh cực nghèo. Người sống 30 năm ở Nadarét, như một người thợ mộc, thuộc gia đình nghèo. Quê Người thuộc vùng dân nghèo. Người đi giảng trên đất những người nghèo.Những nơi mà Chúa Giêsu sinh sống và hoạt động đều không thuộc về trung tâm của Đời và Đạo. Những người mà Chúa Giêsu năng lui tới hầu hết thuộc loại bên lề xã hội và tôn giáo, như những người tàn tật, bệnh hoạn, nghèo túng, tội lỗi.
Thuộc về trung tâm tôn giáo hồi đó là các thượng tế, các luật sĩ, và các thầy Lêvi. Họ có nhiều chức, nhiều quyền, nhiều lợi. Còn Chúa Giêsu thì thuộc loại bên lề. Đặc biệt là lúc sinh ra và lúc chết.Sỡ dĩ Chúa Giêsu chọn ở bên lề như vậy, là để những người ở bên lề vốn bị khinh chê và bị loại trừ, thấy được là họ được Chúa yêu thương, được Chúa chia sẻ, được Chúa lo giải cứu.Chúa Giêsu giải cứu họ bằng sự lo chữa bệnh tật cho họ, trừ quỷ cho họ, cho họ có của ăn khi cần, bênh quyền lợi của họ, loan báo Tin Mừng cho họ, nhất là bằng việc Người hy sinh mạng sống mình. Người chết, nhưng đã sống lại, để rồi mọi kẻ tin theo Người, cho dù bị Đời và Đạo lúc đó loại trừ, cũng sẽ được sống lại hiển vinh như chính Người. Theo cung cách đó, Tin Mừng cho người nghèo và người tội lỗi chính là điều Chúa mạc khải và đã thực hiện như được kể trong Phúc Âm.Những gì xưa Chúa Giêsu đã làm cho người nghèo, vẫn được các môn đệ Chúa trong mọi thời mọi nơi tiếp tục thực hiện.
Thế nào là đừng quên người nghèo? Theo các bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô, khi còn là Hồng y, và khi đã làm Giáo hoàng, xin tóm lược ý của Ngài về đừng quên người nghèo.
Đừng quên người nghèo là cố gắng cứu giúp người nghèo một cách cụ thể tế nhị và quảng đại, tùy khả năng. Đừng quên người nghèo là hãy có một thái độ gần gũi với họ. Họ là những trẻ em nghèo, những người già yếu, bệnh tật, những người lỡ lầm, những người bị xã hội loại trừ. Đừng quên người nghèo là hãy có một đời sống giản dị, không xa cách người nghèo. Không cấm có những tiện nghi cần thiết, nhưng đừng sang trọng xa hoa. Đừng quên người nghèo là hãy đơn sơ trong việc giảng dạy, để người nghèo dễ hiểu. Đừng quên người nghèo là hãy lắng nghe những người yếu đuối nhất. Đừng quên người nghèo là hãy tìm hiểu hoàn cảnh nhiều người bỏ đạo, lấy tình thương mà giúp họ trở về. Đừng quên người nghèo là hãy biết ân cần đón nhận bất cứ dấu chỉ thiện chí nào của những người tội lỗi, nghèo túng, để nhờ đó mà có những bắt đầu dọn đường cho tình yêu thương xót Chúa, giúp họ làm lại cuộc đời. Đừng quên người nghèo là hãy khiêm tốn học nơi nhiều người nghèo những đức tính tốt. Đừng quên người nghèo là phải có tấm lòng yêu thương nồng nàn chân thật và kiên trì đối với người nghèo theo gương Chúa Giêsu.Thiết tưởng có một trái tim đầy lửa tình yêu thương xót chính là mấu chốt của “đừng quên người nghèo”. Để yêu thương, Đức Phanxicô nhắc đến thánh giá và sự từ bỏ mình. Ngài nhận đó là điều khó chịu, nhưng không phải là vô bổ trong tình yêu thương xót đối với người nghèo khổ.“Đừng quên người nghèo” đang được khơi động sâu rộng trong Hội Thánh do Đức Phanxicô. Đây là một lựa chọn vừa thần học và cũng vừa tiên tri. Có thể tính cách tiên tri vượt nổi hơn.Đạo nơi nào không quên người nghèo sẽ tồn tại và phát triển. Đạo nơi nào quên người nghèo sẽ tự biến chất và tự hủy. Đó là một lời tiên tri không nên coi thường. (x. Đừng quên người nghèo, ĐGM Bùi Tuần).
Đại Hội Đồng các Giám Mục Mỹ Châu La Tinh đã tuyên bố tại Puebca năm 1979 rằng: “Việc phục vụ con người tốt đẹp nhất là loan báo Tin Mừng. Công việc đó giúp con người phát triển như con cái Thiên Chúa, giải thoát con người khỏi những bất công và thúc đẩy công trình phát triển toàn diện con người”.
- Đi công bố
Sau khi công bố “Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo”, Chúa Giêsu đã đưa thêm một số thí dụ để giải thích thế nào là loan báo Tin Mừng cho người nghèo :
– Công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha.
– Cho người mù biết họ được sáng mắt.
– Trả tự do cho người bị áp bức.
– Công bố một năm hồng ân của Chúa.
Như vậy, “người nghèo” là những kẻ đang ở trong tình cảnh khổ sở, thiếu thốn như bị giam cầm, bị mù, bị áp bức… và đang mong thoát khỏi cảnh ấy. Đối với những người như thế, lời công bố của Chúa Giêsu mới thực sự là Tin Mừng. Còn những ai không khổ sở thiếu thốn thì lời Chúa Giêsu như nói với ai đó chứ chẳng liên can gì tới họ, cho nên chẳng phải là Tin Mừng gì cả. Bởi vậy Chúa Giêsu cũng chẳng cần loan báo cho họ. Nhưng xét cho cùng, ai mà không khổ sở thiếu thốn ? Ai mà không “bị giam cầm” trong một thứ tù ngục nào đó ? Ai mà không “mù” một cách nào đó ? Ai mà không “bị áp bức” bởi một thế lực gian tà nào đó ? Thành thử Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên Tin Mừng ấy chỉ có hiệu quả đối với những ai ý thức mình là người nghèo. (x. Sợi chỉ đỏ, CN 3 thường niên C).
Sứ điệp công bố là những gì Thiên Chúa muốn làm cho nhân loại khốn cùng. Chúa Giêsu đã công bố bằng lời nói và bằng việc làm. Chính nơi Chúa Giêsu, người tội lỗi nhận được ơn tha thứ, người đau khổ gặp được nguồn an ủi, người chán nản gặp được niềm vui và người thất vọng tìm lại niềm hy vọng. Biết bao người tội lỗi đã “bị giam cầm” nay được thứ tha. Ánh sáng là một báu vật cho những người đang chìm trong tăm tối. Người mù thể lý được Chúa mở mắt. Người mù thiêng liêng được mở mắt đức tin để nhìn thấy và tin vào Chúa. Tự do là quà tặng quí giá nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Những người bị áp bức, bị vùi dập, bị đè nén, những thống khổ nay được giải thoát. Những lo lắng, bệnh tật, bất công… làm cho con người trở nên nô lệ, mất đi phẩm giá, nay được Chúa chữa lành bệnh tật, bênh vực kẻ yếu, duy trì công bình xã hội và phục hồi phẩm giá cho họ. Đó là hồng ân Chúa Giêsu công bố và thực hiện. Đây là sứ mạng giải thoát con người hoàn toàn khỏi mọi cảnh bất công xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa hay tôn giáo. Trong Nước Thiên Chúa mọi người đều bình đẳng trước nhan Thiên Chúa. Hình ảnh lý tưởng ấy đang hiện diện một cách huyền nhiệm trong Giáo Hội (x. Lumen Gentium, 3).
- Giáo Hội tiếp nối sứ vụ.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Sức thuyết phục của Chúa Giêsu chỉ có thể giải thích được là tất cả lời giảng, dụ ngôn và suy luận của Người không bao giờ tách khỏi đời sống của Người. Theo nghĩa đó, tất cả cuộc đời của Người là một bài giảng liên tục…” (Catechesi tradendae số 9). Chúa Giêsu đã trao cho Giáo Hội tiếp nối sứ mạng của Ngài. Giáo Hội luôn ý thức về sứ mạng của mình trong thế giới. Giáo Hội nối dài hoạt động của Chúa Giêsu. Qua dọc dài lịch sử, Giáo Hội luôn nỗ lực thực hiện sứ mạng đem Tin Mừng cho người nghèo hèn. Giáo Hội đã thiết lập các bệnh viện, các trường học, các cô nhi viện, các trại cùi, nhà dưỡng lão…Những công việc từ thiện, bác ái, xã hội, văn hóa, Giáo Hội đã làm và đang tiếp tục làm:“Giáo Hội trìu mến và ấp ủ tất cả những ai đau khổ vì sự yếu hèn của con người, nhất là nhận biết nơi những người nghèo khó và đau khổ hình ảnh Đấng Sáng Lập khó nghèo và đau khổ, ra sức giảm bớt nỗi cơ cực của họ và nhằm phụng sự Chúa Kitô trong họ”(Lumen Gentium, 8).
Thời đại hôm nay, sứ mạng của Giáo Hội còn quan trọng và thiết thực hơn nữa, liên quan đến tự do, công lý, nhân quyền, phát triển và hòa bình.Những hoạt động bác ái và y tế xã hội chỉ xoa dịu phần nào nỗi đau khổ của những người nghèo hèn. Còn những người bị giam cầm trong các trại tù cải tạo, những người bị áp bức đến mất tự do ngoài xã hội và những người dân đang bị hạn chế tự do, đói khát nhân quyền. Giáo Hội quan tâm nhiều đến họ và trợ giúp cho họ. Phương tiện của Giáo Hội luôn là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Tin Mừng là “sự thật giải thoát” (Ga 8,32). Trong Tông huấn “Niềm Vui Tin mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các Kitô hữu cùng với ngài đem Tin Mừng cứu độ đến cho thế giới: “Sứ mạng của Hội Thánh là đi ra để cung cấp cho tất cả mọi người sự sống của Đức Kitô” (số 49). Giáo hội thực thi sứ vụ ấy không phải bằng uy quyền sức mạnh của trần gian, nhưng bằng ân sủng của Tin Mừng.
Mỗi Kitô hữu tiếp nối công việc của Chúa Giêsu bằng cách chia sẻ niềm vui và ánh sáng, nâng đỡ người đau khổ thể xác và tinh thần, tẩy trừ sợ hãi, giải thoát người bị áp bức, xoa dịu các oán hờn, an ủi kẻ cô đơn, biểu lộ sự hiện diện tích cực của Chúa bằng những hoạt động bác ái của mình. Trung thành thực thi sứ vụ của người môn đệ Chúa Kitô, chúng ta góp phần làm cho lời tiên tri Isaia cũng được ứng nghiệm,năm hồng ân của Chúa được công bố và Nước Thiên Chúa hiện diện giữa lòng cuộc sống hôm nay.Chúa luôn đồng hành với chúng ta. Chúa luôn luôn ở bên trong sứ vụ tình yêu của chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
SUY NIỆM: CHÚA KITÔ, ĐẤNG GIẢI THOÁT
Là một người Do Thái ngoan đạo, Chúa Giêsu vẫn thường đến hội đường vào ngày sabát (ngày thứ bảy của người Do thái, tương đương với Chúa Nhật của chúng ta), và giảng dạy ở đó. Chắc hẳn Người giảng dạy với những lời lẽ khôn ngoan, vì Người được mọi người ca tụng, như bài Tin Mừng hôm nay thuật lại.
Chúa Giêsu được giao nhiệm vụ đọc Sách Thánh, vì mọi tín hữu đều có quyền đọc Kinh Thánh. Người mở sách và đọc một đoạn quen thuộc của chương 61 trong sách ngôn sứ Isaia. Đối với những thính giả trong hội đường, đoạn văn này nói về Đấng Mêsia. Vì chỉ có Vua, khi Người đến, mới cho phép mình nói: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi…”. Chúng ta biết rằng, theo truyền thống Do thái giáo, ngay từ đầu chế độ quân chủ, nghi thức đăng quang của các vua bao gồm nghi thức xức dầu. Việc xức dầu này là dấu chỉ cho thấy chính Thiên Chúa đã chọn và luôn trợ lực để các vua có thể hoàn thành sứ mệnh cứu dân. Vì thế, trong tiếng Do thái, vua được gọi là “Mashiah”, nghĩa là "được xức dầu". Tiếng Việt gọi là “Đấng Mêsia”, dịch ra tiếng Hy Lạp là “Christos”, Kitô. Vào thời Chúa Giêsu, không còn vua nào cai trị tại Giêrusalem, và dân Do Thái đang mong đợi Thiên Chúa sẽ gửi đến một vị vua lý tưởng, người sẽ mang lại tự do, công lý và hòa bình cho dân tộc, như đã được hứa trong Kinh Thánh. Nhất là khi đó vùng đất Israel đang bị người La Mã chiếm đóng, nên họ chờ đợi Đấng Mêsia đến để giải thoát họ khỏi sự đô hộ của người La Mã.
Sau khi đọc đoạn sách của ngôn sứ Isaia, Chúa Giêsu có một bài giảng ngắn nhất thế giới, chỉ vỏn vẹn một câu thôi nhưng lại có một ý nghĩa thật lớn lao: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Qua câu này, Chúa Giêsu khẳng định Người chính là Vua, là Đấng Mêsia mà dân đang mong đợi.
Chúa Giêsu lấy câu trích dẫn từ sách Isaia như một bài phát biểu về chương trình của Người: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”
Đây là sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô. Đây là chương trình mà Người sẽ thực hiện trong suốt ba năm rao giảng của mình. Chúa Giêsu loan báo rằng Người đến để giải thoát con người khỏi tất cả những gì ngăn cản họ nhìn thấy, tiến bước, tất cả những gì làm họ rơi vào tình trạng thấp kém hoặc nô lệ. Chúng ta thấy trong bốn sách Tin Mừng, mọi cử chỉ, mọi thái độ và mọi lời nói của Chúa Giêsu đều nhằm mục đích mang lại sự giải thoát cho con người. Thí dụ:
- Chúa Giêsu chữa lành cho người mù. Dĩ nhiên, Chúa Giêsu đã không chữa lành cho tất cả những người mù trong xứ sở vào thời đại của Người. Nhưng khi làm cho người mù thấy được, Chúa Giêsu muốn nói rằng, Người chính là Ánh sáng thế gian, Người đến để soi sáng và giải thoát nhân loại khỏi mọi thế lực tối tăm, khỏi những đam mê mù quáng và lệch lạc đang cản trở họ nhìn thấy chân lý và sống cho sự thật.
- Chúa Giêsu chữa những người bị phong hủi. Tuy không phải tất cả những người bị phong hủi ở vùng Palestine đều được Chúa Giêsu chữa khỏi, nhưng qua việc chữa lành này, Người muốn mạc khải về một Thiên Chúa yêu thương và gần gũi với con người. Người đến để giải thoát họ khỏi sự giam hãm trong những quan niệm sai lạc của thế quyền và thần quyền, và giải thoát họ khỏi sự đóng kín bản thân vì mặc cảm tội lỗi, vì những xa lánh và loại trừ của xã hội.
- Chúa Giêsu không ngần ngại phản đối những người Pharisiêu nệ luật. Rất nhiều lần, Chúa Giêsu đã mạnh mẽ tố cáo những người Pharisiêu hay các kinh sư về thái độ sống giả hình và nệ luật của họ. Khi không thực hành việc rửa tay trước khi ăn, hoặc khi để cho các môn đệ làm một việc bị cấm trong ngày sabat như bứt bông lúa vò trong tay mà ăn, Chúa Giêsu muốn cho họ hiểu rằng, tôn giáo đích thực không nằm ở những phong tục và nghi lễ bên ngoài mà là ở bên trong ; sự thanh tẩy đích thật chính là sự thanh tẩy tâm hồn con người. Và khi tuyên bố “con người làm chủ ngày sabat”, Chúa Giêsu cho thấy Người là chủ tể trên mọi lề luật, Người đến để trả lại cho mọi người quyền được làm chủ, được lên tiếng, quyền được tự do sống theo lương tâm và niềm tin của mình.
Và còn biết bao việc Chúa Giêsu đã làm trong suốt cuộc sống rao giảng công khai của Người. Tất cả chỉ để cho chúng ta hiểu rằng, Người đến để giải thoát nhân loại khỏi mọi sự dữ, tội lỗi và cả sự chết. Hôm nay đến lượt chúng ta, sau khi đã được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết nhờ ân sủng của bí tích Rửa tội, chúng ta có bổn phận tiếp tục công cuộc của Chúa Kitô để giải thoát anh chị em chúng ta. Vì qua bí tích Rửa tội,“Thần Khí Chúa ngự trên chúng ta” để chúng ta loan báo Tin Mừng cho mọi người.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
SUY NIỆM: TRỞ VỀ QUÊ NHÀ
Năm hết tết đến, những ai sống xa nhà đều mong ước được trở về nhà. Chữ “nhà” gói ghém tất cả những gì là thân thương và quý giá nhất trong trái tim của một con người. Nhà hàm chứa không chỉ là gia đình và họ hàng thân thuộc, mà còn là nơi chôn nhau cắt rốn, là quê hương xứ sở nữa. Cho dù đi bất cứ đâu, người ta luôn mang theo bên mình chữ “nhà”.
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, thánh sử Luca thuật lại câu chuyện Đức Giê-su trở về quê nhà ở làng Na-da-ret. „Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát và đứng lên đọc Sách Thánh” (c.16b). Ở đây thánh sử Luca tiếp tục vén mở cho người đọc thấy, Đức Giê-su thật sự bám rễ sâu vào trong truyền thống tôn giáo Do thái. Người trung thành đến hội đường, theo như luật ngày sa-bát qui định. Truyền thống tôn giáo đã tuôn chảy vào Ngài từ khi còn nhỏ. Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a luôn thực thi những gì luật truyền dạy. Như thực hiện lễ cắt bì cho Đức Giê-su khi đủ tám ngày (Lc 2,21); Trẩy hội lên đền thờ Giê-ru-sa-lem khi Người được mười hai tuổi (Lc 2,42)… Có thể nói nhờ được sống trong truyền thống tốt đẹp của tôn giáo nên Đức Giê-su đã thực sự trưởng thành và quân bình về mọi mặt. Những điều ấy tiếp tục nở hoa trong hành trình đi rao giảng của Ngài sau này.
Đúng như lời nhắn nhủ của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô với các bạn trẻ Việt Nam: Trở về nhà là trở về với văn hóa và phong tục đã hình thành lên lối sống cho các con. Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a là mẫu gương tuyệt vời để chúng ta noi theo trong việc nuôi dạy con cái. Thật tốt đẹp khi các cha mẹ chú ý đưa con cháu đến nhà thờ từ lúc các em còn nhỏ. Dẫu biết rằng, khi đem theo các em đến nhà thờ, có thể gây phiền hà cho chính mình và cho người khác, nhưng đó là việc tốt nên làm, để các em bé được sống trong bầu không khí truyền thống tôn giáo từ thuở sơ sinh. Nếu các em nhỏ được làm quen với nhà thờ và cộng đoàn tín hữu từ khi bước vào đời, thì khi trưởng thành, đức tin nơi các em có tiềm năng mạnh mẽ hơn nhiều. Đức Giê-su đã được nuôi dưỡng và trưởng thành từ trong truyền thống tôn giáo, nơi gia đình và ở quê hương, là hành trang cho Ngài bước vào đời.
Bên cạnh đó, bài Tin Mừng hôm nay còn mời gọi chúng ta hãy đóng góp để làm cho truyền thống, di sản văn hóa, tôn giáo trở nên tốt đẹp và sống động hơn. Như thế, mỗi lần trở về nhà, chúng ta không chỉ kín múc thêm những điều tốt đẹp từ truyền thống gia đình, mà còn góp phần vào sự phát triển truyền thống „uống nước nhớ nguồn” nữa. Ở đây, chúng ta không nên thu hẹp ý nghĩa truyền thống vào trong những nguyên tắc bất động, hoặc đặt thêm nhiều luật lệ khắt khe hơn; nhưng thay vào đó chúng ta được mời gọi đi vào cội nguồn của truyền thống gia đình, dòng họ của chính mình; đó là tinh thần sống động, là nơi tinh thần Tin Mừng trở nên mạnh mẽ hơn để nuôi sống từng thành viên.
Khi trở về quê nhà, Đức Giê-su loan báo: „Ngày hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Mọi người trong hội đường, ai nghe cũng đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Trong ý hướng này, chúng ta thấysự trở về nhà của Đức Giê-su đã mở ra một kỷ nguyên mới. Người dân làng Na-da-rét nói riêng và dân Is-ra-el nói chung, họ đang chờ đợi lời hứa của Thiên Chúa với tổ phụ Áp-ra-ham (xem St 12,1-3). Hôm nay, Đức Giê-su loan báo là lời hứa ấy được thực hiện ngay lúc này và ngay bây giờ.
Chúng ta có thể hiểu „ngày hôm nay” diễn tả ở thì hiện tại. Lời hứa năm xưa được ứng nghiệm ngay hôm nay. Từ khi xuống thế làm người, chịu khổ nạn và phục sinh, Đức Giê-su đã cho thấy Lời Kinh Thánh được ứng nghiệm thế nào; và sự ứng nghiệm ấy vẫn còn tiếp tục cho đến chúng ta qua Giáo hội. Ngày hôm nay, con người có thể cảm nếm „lời ấy đang được ứng nghiệm” trên khắp thế giới – Giáo hội tiếp tục sứ mạng của Đức Giê-su: mang tin vui đến cho người nghèo, đem ơn giải thoát cứu con người khỏi những giam cầm và công bố hồng ân của Chúa.
Lời hứa ấy được ứng nghiệm không phải theo cách thụ động, mà theo một năng động tích cực. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô căn dặn các bạn trẻ: Các con “Hãy về nhà.” Đây là một hành trình thúc đẩy các con trở về với cội nguồn của các con và đào sâu di sản văn hoá và truyền thống của các con. Các con được mời gọi tiếp tục những công việc của Đức Giê-su, và để cho Tin Mừng của Chúa được ứng nghiệm:
- Hôm nay, Thần Khí Chúa ngự xuống trên tôi.
- Hôm nay, Người sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
- Hôm nay, những ai đang bị giam cầm sẽ được tha; người mù được sáng mắt; người bị áp bức được trả tự do.
- Hôm nay, một năm hồng ân của Chúa bắt đầu.
Có thể nói, đây là những bài giảng ngắn nhất, nhưng nó là những lời mạnh mẽ và đem đến niềm hy vọng cho từng người chúng ta.
Đây là lời mời gọi: hãy đem hồng ân của Chúa về nhà mình trong dịp tết đến xuân về này. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải thực hiện những phép lạ nhãn tiền và vĩ đại như ông Mô-sê đã thực hiện năm xưa để dẫn dân đi qua biển đỏ, nhưng thay vào đó, là trở nên những người đem Tin Mừng về đến với quê nhà một cách cụ thể.
Hãy thưa chuyện với Đức Giê-su và hỏi Ngài xem: Con sẽ công bố Tin Mừng của Chúa nơi quê nhà thế nào đây?
Giuse Trần Văn Ngữ
SUY NIỆM: SỨ MẠNG ĐẤNG CỨU ĐỘ
Với Chúa Nhật III thường niên năm C, phụng vụ Lời Chúa giới thiệu với chúng ta về sứ mạng của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ. Sứ mạng đó được Chúa giao phó cho Giáo Hội để chuyển thông ơn cứu độ của Chúa cho mọi người qua mọi thời đại. Chúng ta lần lượt tìm hiểu ý nghĩa Lời Chúa hôm nay qua từng bài đọc.
1- Sứ mạng Đấng Cứu Độ
Trong bài Tin Mừng, chúng ta nghe thánh Luca tường thuật sự kiện Chúa Giêsu trở về quê hương. Trong ngày Sabát, như thường lệ, Người vào hội đường và đọc Sách Thánh. Người mở sách tiên tri Isaia và gặp đoạn này: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ sẽ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đọc xong, Người ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe” (Lc 4,16-21). Những lời này có ý nghĩa gì? Chúa Giêsu muốn nói gì khi nhắc lại lời hứa của Cựu Ước?
Trước hết, chúng ta chú ý đến thành ngữ mà Chúa Giêsu dùng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Điều này muốn diễn tả Chúa Giêsu mang lại sự viên mãn của ơn cứu độ. Tất cả lời hứa về ơn cứu độ nay đã được thực hiện nhờ Chúa Giêsu bởi vì Người là Đấng Mêsia được chờ đợi từ lâu trong Cựu Ước, được Chúa Cha sai đến để hoàn tất lời hứa. Vì thế, thánh Luca rất thích dùng từ “hôm nay”: “Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta” (Lc 2,11; x. 19,9).
Trong lời công bố này, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết sứ mạng của Đấng Cứu Thế: Người đến để thực hiện những lời tiên tri Isaia loan báo trong Cựu Ước. Người được Chúa Cha xức dầu và được đổ tràn đầy Thánh Thần để đi loan bao Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, giải thoát những kẻ bị giam cầm, chữa lành người bị mù lòa, trả lại tự do cho người bị áp bức. Người tái lập trật tự xã hội trong đó, công lý, hòa bình và yêu thương phải ngự trị. Quả thật, qua lời nói, hành động và toàn bộ con người của mình, Đức Giêsu Nazarét thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa và sức mạnh cứu độ con người. Bởi thế, khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả đến hỏi Người có phải là Đấng Cứu Thế không, Người đã bảo họ về kể lại cho ông Gioan biết những gì Người đã làm: người mù được thấy, người què được đi, người điếc được nghe, người câm nói được v.v… đúng như lời tiên tri Isaia tiên báo (x. Lc 7,20-22).
Nhưng tại sao ngày hôm nay vẫn còn người nghèo, vẫn còn người bị áp bức, vẫn còn nhiều nhà tù, vẫn còn đó nhiều người mù lòa? Như thế, phải chăng điều Chúa công bố ngày hôm nay vẫn còn chưa được thực hiện?
Để hiểu được ý nghĩa của những lời trên, chúng ta cần phải tiếp cận theo cái nhìn tâm linh. Theo đó, Đức Giêsu loan báo về Nước Thiên Chúa đã hiện diện trên trái đất này. Nước Thiên Chúa đã đến với sự hiện diện của Người. Những ai tin vào Người thì thuộc về Nước Trời. Những ai tin vào Người thì được ơn giải thoát khỏi sự mù lòa tâm linh. Người khai sáng và ban cho họ có khả năng nhìn thấy đường đi, sự thật và sự sống. Những ai bị cầm giữ bởi tội lỗi, nô lệ cho Satan, thì được Người giải thoát nhờ Lời và các phép lạ của Người làm, đặc biệt là nhờ các bí tích mà Người thiết lập, nhất là bí tích Rửa Tội và Giải Tội, giải phóng chúng ta khỏi mọi sự nô lệ của tội lỗi. Nhờ đó chúng ta được trở thành con cái Chúa, được gia nhập Giáo Hội và được thừa hưởng hạnh phúc Nước Trời. Hiểu như thế, ngày hôm nay Chúa Kitô đang thực hiện sứ mạng cứu độ này trong thế giới qua Giáo Hội.
2- Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô
Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần đã thiết lập Giáo Hội để tiếp tục sứ mạng cứu độ con người trên trần gian. Giáo Hội bao gồm nhiều thành phần khác nhau, nhưng hiệp nhất nên một với nhau nhờ một Thánh Thần. Bởi vì, Giáo Hội là Nhiệm Thể Đức Kitô.
Trong bài đọc II, thánh Phaolô ví Giáo Hội như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau. Mỗi chi thể có một vai trò khác nhau nhưng bổ túc cho nhau và phục vụ cho lợi ích chung: Như chân không thể nói với tay: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể,” hay các bộ phận khác cũng thế. Mỗi bộ phận có sự lớn nhỏ, mạnh yếu khác nhau nhưng để giúp đỡ nhau.
Trong thân thể Giáo Hội cũng vậy, Thiên Chúa đặt người làm Tông Đồ, người làm ngôn sứ, kẻ làm thầy dạy, người được ơn làm phép lạ, người được ơn chữa bệnh để giúp kẻ khác, để quản trị, để nói tiếng lạ… Tất cả đều đến từ một Chúa Thánh Thần. Đó là những đặc sủng khác nhau nhưng đều có một mục đích chung là phục vụ lợi ích của Giáo Hội (x. 1 Cr 12,12-30).
Như trong một giáo xứ, có linh mục, có thừa tác viên, có hội đồng mục vụ, có giúp lễ, có ca đoàn, có nam nữ tu sĩ, có giáo dân… Đây là những chi thể làm nên một thân thể Giáo Hội của Chúa Kitô. Mỗi người có một vai trò, một sứ mạng riêng nhưng chúng ta đều có chung mục đích là để phục vụ Chúa và Giáo Hội.
Như một vườn hoa với đủ loại hoa màu khác nhau, mỗi loài hoa làm nên vẻ đẹp phong phú của vườn hoa, trong cộng đoàn Giáo Hội có nhiều ơn gọi và chức vụ khác nhau để làm cho Giáo Hội muôn sắc muôn màu. Hay như một dàn hợp xướng, có nhiều ca viên, người đánh đàn, người thổi sáo, người đánh trống, người kéo violon v.v… Mỗi người phải theo sự hướng dẫn của người điều khiển, và mỗi người làm tốt vai trò của mình, thì sẽ tạo ra một bản hòa tấu tuyệt diệu. Cũng thế, trong Giáo Hội, mỗi người có một vị trí khác nhau nhưng hiệp nhất với nhau và cộng tác với nhau để tạo nên một bản nhạc tuyệt vời ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa.
Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta thường có cám dỗ không chấp nhận sự khác biệt của người khác và muốn bắt người khác phải giống mình. Vì thế, chúng ta được mời gọi biết tôn trọng sự khác biệt, đặc sủng và tài năng của người khác, đồng thời phải biết nhìn nhận rằng sự khác biệt là sự giàu có và mỗi đặc sủng Chúa ban là để phục vụ thiện ích chung.
3- Sứ mạng của mỗi Kitô hữu
Những gì Chúa Giêsu công bố và đã được ứng nghiệm nhờ sự hiện diện, lời nói và việc làm của Người. Đó cũng là những gì mà ngày hôm nay chúng ta được mời gọi để sống và thực hiện cho những người xung quanh. Chúa Kitô trao sứ mạng của Người cho mỗi người thực hiện.
Qua suốt chiều dài lịch sử, Giáo Hội luôn nỗ lực thực hiện sứ mạng của Chúa Kitô là loan báo Tin Mừng cho mọi người. Trên thế giới, Giáo Hội đã khai sinh biết bao nhiêu bệnh viện, trường học, các cô nhi viện, các trại cùi, trại tế bần, nhà dưỡng lão… Giáo Hội đã không ngừng dấn thân trong công tác từ thiện, bác ái, xã hội, văn hóa để thăng tiến con người và giúp cho con người sống xứng đáng với phẩm giá của mình. Đặc biệt, Giáo Hội thực thi sứ vụ cứu độ con người qua việc cử hành các bí tích do Chúa Kitô ủy thác.
Với sứ vụ này, hôm nay mỗi người Kitô hữu được mời gọi dành những nghĩa cử, lời nói, thăm hỏi người nghèo khổ, loan báo tự do cho những ai bị trói buộc bởi các hình thức nô lệ mới trong xã hội hiện đại, phục hồi ánh sáng cho những ai bị mù lòa trong sự lầm lạc của chính mình, phục hồi phẩm giá cho tất cả những ai bị mất nhân phẩm. Nếu chúng ta thực hiện được những điều này, thì lời công bố của Chúa trở thành hiện thực và ứng nghiệm nhờ chứng tá đời sống chúng ta. Ước gì những lời của thánh Phaolô hướng dẫn chúng ta: “Ai làm những việc bác ái, thì hãy làm những điều ấy trong hân hoan” (Rm 12,8).
Lạy Chúa, Chúa đến khai mở Nước Thiên Chúa giữa trần gian và thực hiện lời hứa cứu độ cho con người. Xin cho chúng con luôn ý thức và trân quý những hồng ân Chúa ban, đồng thời biết cộng tác với Chúa và với nhau trong việc cứu rỗi các linh hồn. Amen!
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
SUY NIỆM: ĐỨC GIÊSU – TIN MỪNG CHO MỌI NGƯỜI
Tin Mừng Luca cho thấy Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, Ngài trở về Galilê, và tiếng tăm Ngài được đồn ra khắp vùng. Ngài bắt đầu giảng dạy trong các hội đường của người Do Thái, cụ thể ở hội đường làng Nadarét.
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi
Đức Giêsu luôn sống dưới tác động của Thánh Thần. Ngài làm tất cả dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, cụ thể Ngài đi chịu phép rửa tại sông Yordan, Ngài vào hoang địa ăn chay cầu nguyện, và hôm này Ngài ra đi rao giảng. Dưới tác động của Thánh Thần, Đức Giêsu là người mang tin mừng cho người có tinh thần nghèo, loan báo tự do cho kẻ bị tù đầy, cho người mù được sáng, cho người áp bức được giải thoát, và năm hồng ân của Thiên Chúa cho mọi người.
Thánh Thần ở trong Hội Thánh như hồn ở trong thân xác. Trong Hội Thánh có nhiều chức vụ, nhưng tất cả đều do Thánh Thần ban tặng và tác động: người làm đầu người làm mắt người làm chân tay. Tất cả đều thuộc về Hội Thánh, và không thể thiếu một chức vụ nào, cũng như một thân xác không thể thiếu một bộ phận nào. Không một bộ phận nào trong thân thể bị thiếu mà lại không ảnh hưởng đến bộ phận khác và toàn thân thể, cũng tương tự vậy những chức vụ trong Hội Thánh.
Ước gì mỗi người đều ý thức Thánh Thần luôn gần gũi, luôn ở với, và luôn hướng dẫn mình cùng Hội Thánh trong mọi hành động.
Đức Giêsu- Tin Mừng
Thiên Chúa chúc lành cho con người, làm tất cả cho con người qua Đức Giêsu.
Có ai hiểu được những người bị tù đầy mong được ngày ra khỏi tù như thế nào? “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”: một ngày trong tù, lâu như thể ngàn năm ở ngoài. Ở đây người ta nói tới thời gian tâm lý, và qua đó diễn tả mong ước ngày được tự do đến độ nào! Đức Giêsu là người công bố ơn đại xá, được miễn án và ra khỏi tù. Nếu ai hiểu được người mù cực khổ như thế nào, và người mù mong được sáng đến độ nào, sẽ dễ dàng hiểu câu “Đức Giêsu là người làm cho người mù được sáng” có nghĩa gì với người mù. Những người bị áp bức hà hiếp, cực khổ như thế nào, mong được minh oan và được giải thoát đến độ nào! Đức Giêsu là người giải phóng họ.
Người ta có thể bị tù đày nô lệ trong không gian như bị giam cầm trong một nơi chốn nào đó, nhưng người ta cũng có thể bị giam hãm trong một cái nhìn nào đó, có thể bị nô lệ với một thành kiến mà người ta không biết. Đức Giêsu tới, cho người ta nhận ra giá trị chân thực, giúp con người biết tiêu chuẩn chân thực để phán đoán. “Chân lý” giải phóng con người khỏi nô lệ, làm người bị u mê nhận ra sự thật và nhờ đó được tự do.
Tin Mừng cho người nghèo
Tin Mừng Đức Giêsu, không phải mọi người đều nhận ra. Những người Do Thái không nhận ra, nên muốn giết Đức Giêsu. Để nhận ra Đức Giêsu là Tin Mừng, cần phải có con mắt của người nghèo, người thấy mình “còn thiếu”, người thấy mình cần được soi sáng, người sẵn sàng và luôn ngóng chờ Thiên Chúa nói với mình.
Những người tự mãn, tự cho mình đã đủ không còn thiếu gì nữa, rất khó đón nhận Tin Mừng Đức Giêsu. Những người này có thể là những người cho rằng mình đã đạo đức đủ, không nhận ra mình yếu đuối tội lỗi cần Thiên Chúa thương xót và trợ giúp. Họ cũng có thể là những người cho mình có học, không sẵn sàng đón nhận mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu với cuộc sống “bình thường”. Cũng có thể họ là những người giầu, và Đức Giêsu không thêm gì cho họ: Ngài không làm cho họ giầu hơn hoặc danh tiếng hơn hoặc có địa vị cao hơn.
“Phúc cho người có tinh thần nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của họ” (Mt.5, 3). Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, người giầu cũng như người nghèo. Người giầu có nhiều thứ và nhiều bận tâm, nên không còn chỗ và không sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa không yêu thương họ. “Nghèo” như thái độ, là mối phúc thật sự.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
- Đức Giêsu có là Tin Mừng cho bạn không? Xin bạn cho một vài thí dụ cụ thể trong đời bạn.
- Thánh Thần là ai? Bạn hiểu gì về Thánh Thần?
- Bạn có thấy ai ganh tị vì không được làm “đầu” hoặc “mắt” trong thân thể (Hội Thánh) không? Tại sao họ như vậy?
Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
SUY NIỆM: NGÀI XỨC DẦU CHO TÔI, SAI TÔI ĐI…
Tiếp tục sứ vụ công khai của mình là đi rao giảng Tin Mừng, chữa lành những người ốm đau bệnh tật, xua trừ ma quỉ, kêu gọi người ta hoán cải, hoàn tất lời các tiên tri đã loan báo: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe” (Lc 4, 21).
Sau khi tỏ mình ra dần dần bằng các phép lạ tại Cana (x. Ga 2,1-12), Galilêa và Giêrusalem (Ga 2, 23). Chúa chọn thêm một số môn đệ, rồi cùng với các ông trở về Capharnaum, Người bắt đầu giảng dạy tại đây. Ngày Sabát đầu tiên Chúa vào hội đường Nagiarét đọc sách và giảng dạy ở đó, khiến mọi người chăm chú lắng nghe và không ngớt lời ca tụng (Lc 1, 1-4).
Được Chúa Cha xức Dầu và sai đi…
Lời của ngôn sứ Isaia được Chúa Giêsu công bố trong hội đường áp dụng vào chính bản thân mình :”Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hôn sám hối… trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng” (Lc 4, 14-18). Như thế, Chúa Giêsu loan báo thời lưu đày của dân Israel tại Babylon sẽ chấm dứt, khởi đầu một thời kỳ hoàn toàn mới, thời Đấng Cứu Thế xuất hiện, thời Đấng Messia là chính Người.
Nghe có vẻ đơn sơ, nhưng thật trang trọng, những lời tiên tri ấy áp dụng vào Chúa Giêsu một cách rất tự nhiên: “Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe” (Lc 4, 21). Chúa Giêsu chính là hiện thân lòng thương xót của Chúa Cha, được Chúa Cha xức Dầu và sai xuống trần gian để thể hiện lòng xót thương qua việc giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và đưa con người trở về với Chúa Cha. Sứ vụ của Chúa Giêsu nhằm mang hạnh phúc, niềm vui, sự sống và tình yêu của Thiên Chúa đến cho loài người. Sứ vụ của Chúa Giêsu là sứ vụ thần linh, thần linh hoá nhân loại, cho nhân loại được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, được trở nên con cái của Thiên Chúa trong Thần Khí. Người không được sai đến với những ai tự phụ, tự mãn, cho rằng mình đã đầy đủ, nhưng là đến với những người thấy mình là phận nhỏ, thiếu thốn trăm bề, cả hồn lẫn xác. Cuộc lưu đày ở Babylon, rồi được trả tự do, cho hồi hương của Dân Chúa là một dấu chỉ, một hình ảnh tượng trưng nói lên ý định lớn lao của Thiên Chúa là cứu độ và giải thoát con người khỏi ách tù đày nô lệ tội lỗi và sự chết.
Như thế, khi áp dụng những lời sấm của tiên tri Isaia vào bản thân mình, Chúa Giêsu tự mô tả về con người và sứ mạng của mình, bằng những từ ngữ đơn sơ nhưng rất uy nghi, đến nỗi dân chúng nín thở, hồi hộp, lắng nghe. Thánh Luca nói: “Mọi người trong Hội đường đều chăm chú nhìn Người“(Lc 4, 20). Cung cách dạy dỗ của người hoàn toàn khác với các thầy dạy luật mà họ đã quen bấy lâu nay. Đúng là một Tin mừng làm nức lòng họ, đem đến cả một bầu trời hy vọng và tự do.
Giáo hội đươc sai đi công bố Năm Thánh
Nếu như Chúa Giêsu được Chúa Cha xức Dầu hoan Thánh Thần, sai đi vào dòng đời để cứu vớt những kẻ cơ hàn, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho biết bao con người, khai mở năm hồng ân để thi ân giáng phúc cho nhân loại, thì đến lượt mình, Người cũng trao lại sứ mạng đó cho Giáo hội: “Như cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em“ (Ga 20,21). Giáo hội cũng được xức dầu như Chúa Kitô và được sai đi. Người cũng ban tràn đầy Thánh Thần cho Giáo hội: “Hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Chúa Thánh Thần là linh hồn của sứ mạng Giáo hội, là Chúa Giêsu nối dài, tiếp nối mầu nhiệm nhập thể và sứ vụ của Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó.
Ngày hôm nay, chúng ta, những người đã chịu phép Rửa tội và đã được xức Dầu, đang ở trong giai đoạn đầu của Năm Thánh Lòng Thương Xót, Năm Hồng Ân đặc biệt, Năm mà chúng ta được mời gọi hãy thương xót và tha thứ như Cha trên trời. Giáo hội muốn con cái mình cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, trung thành sống và thực hành giáo huần của Đấng giầu lòng thương xót. Đây là dịp tốt để mỗi người cùng với Chúa Giêsu lặp lại những lời của tiên tri Isaia được công bố trong Phúc Âm như sau: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi...” (Lc 4, 18).
Người Kitô hữu được truyền phải sống Năm Thánh
Như thế, chúng ta được xức Dầu khi chịu Phép Rửa tội và Phép Thêm Sức, được “thánh hiến” cho Thiên Chúa và được sai đi loan báo Tin Mừng. Sống đạo là bước theo Chúa Giêsu theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trên con đường yêu thương hiếu thảo đối với Chúa Cha, con đường yêu thương tự hiến cho tha nhân, con đường trở nên hoàn hảo trong tình yêu. Rập khuôn thầy Giêsu, điều đó chúng ta không làm nổi, nhưng với khả năng Chúa ban, chúng ta đủ sức thực thi những việc tha nhân đang cần bằng tất cả đời sống.
Thế giới ngày hôm nay đang vơi cạn tình yêu, và tha thứ, khiến cho hận thù cũng như bạo lực leo thang từ phạm vi gia đình đến quốc tế làm cho người già và trẻ em bị bỏ rơi. Vì thế, Lời Chúa hôm nay rất thiết thực đối với mỗi người. Vậy:
Hãy là đôi chân cho người già yếu, giúp họ đến nhà thờ, đi thăm bà con.
Hãy là đôi tai cho những bạn trẻ đang mong bạn lắng nghe những nỗi lòng của họ.
Hãy là tin mừng cho người đang u sầu bằng những lời chia sẻ ủi an, khích lệ khôn ngoan.
Và hãy đem ánh sáng cho những ai đang lầm đường lạc lối, bằng sự hướng dẫn ân cần đầy thương yêu.
Với ước mong những kẻ nghèo hèn và những người bị áp bức được chúng ta yêu thương, nhất là liên đới với những kẻ khốn cùng và quảng đại sống đời bác ái yêu thương họ là chúng ta thi hành sứ mạng người kitô hữu của mình, những người được xức Dầu. Có thế, Năm Thánh Lòng Thương Xót mới thật ý nghĩa đối với người chúng ta. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ