CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Thứ bảy - 11/01/2025 05:32


CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca
15 Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Đấng Kitô không?”,
16 Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”.
21 Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

SUY NIỆM: ĐỨC GIÊSU NGƯỜI TÔI TỚ ĐƯỢC SỦNG ÁI
Lời Chúa: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Lc 1,22).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay cho chúng ta thấy, bắt đầu sứ vụ công khai loan báo Tin Mừng, Con Chiên Thiên Chúa đã dìm mình xuống trong dòng sông Gio-đan để gánh tội trần gian, và loan báo một phép rửa mà Người sẽ thực hiện trên Thập giá:
Từ trời Thiên Chúa ngỏ lời,
Đây Con chí ái là Người Ta yêu.
Ý Cha thực hiện mọi điều,
Trần gian chịu chết Chúa đền tội thay.
Người là tôi tớ bậc thầy,
Ta yêu! hãy biết khấn cầu bước theo.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta ý thức về bí tích thánh tẩy mà chúng ta đã lãnh nhận trong tinh thần sám hối và khiêm tốn. Nhờ đó chúng ta được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, xứng đáng được thừa hưởng sự sống đời đời. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa đã không ngừng đi xuống để nâng đỡ loài người sã ngã lên. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa là Người tôi tớ được sủng ái của Chúa Cha. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa đã cứu chuộc chúng con nhờ phép rửa ban ơn Thánh thần, để chúng con được tái sinh và đổi mới. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài luôn đi bước trước bất chấp mọi hiểm nguy, miễn sao tình yêu được thể hiện. Tình yêu của Ngài còn được thể hiện qua Người Con Một: Chúa Giêsu Kitô. Đấng Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Người đã hạ sinh làm một em bé nghèo hèn yếu ớt, nằm trong mắng cỏ hôi tanh của hang bò lừa. Người đã khiêm nhường hoà mình vào đoàn lũ những tội nhân, và dìm mình trong dòng sông Gio-đan để gánh tội trần gian. Chính vì thế, sứ điệp phụng vụ Lời Chúa hôm nay làm nổi bật khuôn mặt Chúa Giêsu, Người Tôi Tớ được sủng ái:“Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Thưa anh chị em, lần lại lịch sử cứu độ, Ađam và Eve là những con người đầu tiên của nhân loại, họ muốn tự mình định đoạt về điều lành và điều dữ mà không cần lệ thuộc Thiên Chúa. Họ đã không vâng nghe lời Thiên Chúa. Hậu quả, là đã đưa tất cả loài người vào tình trạng thất sủng, mất ơn thánh hóa, mất ơn nghĩa của Thiên Chúa khi chống lại Ngài. Tội của họ gây ra không chỉ cho họ, nhưng chính vì sự liên đới mà tội nguyên tổ hãy còn truyền lại cho con cháu của họ. Đau khổ, cái chết và việc mất sự sống đời đời là những hậu quả sau cùng của tội nguyên tổ. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Ngài đã ra tay trừng phạt nhưng cũng cất đi sự tủi nhục của họ khi họ thành tâm sám hối. Cuộc hồi hương hiển hách của dân Israel sau lưu đày bên Babylon, Isaia loan báo: Thiên Chúa là Đấng thành tín và yêu thương. Ngài sẽ xuất hiện để chăn dắt dân Ngài. “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”.
Tin mừng hôm nay thánh Luca thuật lại, bắt đầu sứ vụ công khai loan báo Tin Mừng, Con Chiên Thiên Chúa đã dìm mình xuống trong dòng sông Gio-đan để gánh tội trần gian: “khi toàn dân chịu phép rửa, Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa” như một người dân, như bất cứ người Do thái nào. Như thế, Chúa Giêsu đã tự đồng hóa với dân, với tội nhân. Đúng hơn, Người đã nhận lấy thân phận tội nhân để thực sự liên đới và chia sẻ sự khó nghèo, sự yếu đuối của loài người. Hành động công khai đầu tiên của Chúa Giêsu đã trở thành lễ tấn phong Người làm Thiên sai một cách long trọng: Được mặc lấy quyền lực Thánh Thần, được củng cố trong ý thức đầy đủ về mối thân tình đặc biệt và về sự hiệp thông độc nhất giữa Người với Thiên Chúa Cha. Từ đây Chúa Giêsu nhận lãnh sứ mạng thực hiện công trình cứu độ, phù hợp ý định Thiên Chúa đã vạch ra mà Người sẽ thực hiện trên Thập giá.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Con Thiên Chúa làm người, Người đã không ngừng đi xuống để nâng đỡ loài người sã ngã lên. Người đã chết để đền tội cho cả nhân loại. Người cứu rỗi loài người theo cách người tôi tớ mà Isaia đã loan báo từ ngàn xưa. Đường lối cứu rỗi của Người là chuyển giao chân lý, tôn trọng tự do, giáo dục lương tâm, kêu gọi cõi lòng. Phương cách của Người là nêu gương khiêm nhường và kêu gọi loài người hãy từ bỏ chính mình để sống cho Thiên Chúa.
Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc nhớ đến Phép Rửa của mỗi người chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã rửa sạch tâm hồn chúng ta trong nước và Thánh Thần. Chúng ta được trở nên thụ tạo mới và được trở thành con cái của Thiên Chúa. Muốn tiến bước theo Chúa Giêsu, chúng ta phải có thái độ khiêm tốn nhận ra những sai sót, tội lỗi của mình để sám hối và sửa đổi đời sống. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối. Hãy tắm mình trong dòng nước khiêm cung như lời vua Đavit nói: “Lễ dâng Chúa là tâm hồn sám hối. Một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê”.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần nhờ Phép Rửa chúng ta đã lãnh nhận, để khi nên giống Chúa Kitô chúng ta có thể làm chứng cho Chúa. Nhờ đó chúng ta được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, xứng đáng được thừa hưởng sự sống hạnh phúc muôn đời. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

SUY NIỆM: GIÚP NHAU HOÀN THIỆN NHƯ CHA TRÊN TRỜI
Bài Tin mừng được đọc lên trong ngày l Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay có 2 chi tiết đặc biệt, đáng để cho chúng ta suy gẫm.
Chi tiết thứ nhất, Chúa Giêsu là Đấng vô tội, nhưng lại chịu phép rửa tội. Vậy tại sao Chúa Giêsu lại làm điều đó? Thưa Ngài làm như thế là vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta thưa anh chị em.
Trong bài đọc I, Tiên tri Isaia đã diễn tả về tình yêu cứu độ của Thiên hết sức đẹp, khi nói: “Thiên Chúa không nỡ lòng bẻ gãy 1 cây lau dù nó đã bị dập, và Ngài cũng không nỡ dập tắt 1 tim đèn dù nó chỉ còn le lói khói” (x.Is 42,3). Thiên Chúa luôn tìm mọi cách để cứu vớt chúng ta. Và việc Chúa Giêsu là Đấng vô tội nhưng lại chịu phép rửa của Gioan, là một trong những cách thức Chúa làm để nói lên điều ấy. Ngài muốn cúi mình xuống để mang lấy tội lỗi của chúng ta. Và đưa chúng ta lên địa vị làm con Thiên Chúa. Rất đẹp thưa cộng đoàn.
Chi tiết thứ hai, đó là lời tuyên phán của Chúa Cha: “Con là Con yếu dấu của Cha. Con đẹp lòng Cha” (Lc 3,22).
Việc Chúa Giêsu hòa mình với dòng người tội lỗi tại sông Giođan năm ấy, không chỉ đẹp trong mắt người đời, nhưng còn đẹp lòng Chúa Cha. Và trong suốt hành trình 3 năm rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu vẫn thực hiện cùng một cách thức ấy.
Ngài không nhắm đến việc kết thân với vua chúa quan quyền, hay tầng lớp thượng lưu thời ấy, nhưng Chúa Giêsu đã kết bạn với những người thấp cổ bé họng, những người bị xã hội coi thường và loại trừ. Ngài tìm đến với những người phong cùi, què quặc, câm điếc, đui mù; và những người tội lỗi. Ngài muốn hòa tan trong họ để cảm thông, đỡ nâng, ủi an, chữa lành, và biến đổi họ. Và chắc chắn, những hành động này của Chúa Giêsu cũng đã làm đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng.
Và thưa anh chị em, khi mời gọi chúng ta suy gẫm 2 chi tiết trên, Mẹ Giáo Hội muốn chúng ta cùng nhau thực hiện 2 quyết tâm này:
Thứ nhất, vì Thiên Chúa đã tìm mọi cách để rửa sạch và cứu chúng ta khỏi tội, do đó, chúng ta đừng cứ lao đầu vào tội để phần rỗi linh hồn bị hư mất. Nghĩa là “mỗi người hãy từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, để sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,12). Mỗi người “hãy cân nhắc mọi sự: cái gì tốt thì giữ; cái gì xấu dưới bất cứ hình thức nào thì hãy tránh cho xa” (1Tx 5, 21-22). Đó là điều mà Giáo Hội muốn chúng ta phải luôn ý thức, để sự hy sinh của Chúa Giêsu vì ta không trở nên vô nghĩa.
Thứ hai, tuy Chúa chúng ta rất ghét tội, nhưng Ngài không ghét người có tội. Ngài rất yêu thương các tội nhân. Chúng ta được mời gọi noi gương Chúa Giêsu, là đừng bao giờ có thái độ khinh miệt, kì thị hay loại trừ đối với những anh chị em yếu đuối lỗi lầm; nhưng hãy yêu thương, nâng đỡ và đồng cảm với họ.
Thánh Augustino nói như thế này: “Không có một vị thánh nào mà không có quá khứ, cũng không có một tội nhân nào mà không có tương lai”. Hãy nhìn về tương lai của người khác thưa anh chị em. Vì chỉ có như thế, ta mới có thể giúp nhau vượt qua được sự mặc cảm về tội lỗi mình đã phạm, mà hướng đến sự trọn lành. Hơn nữa, Thánh Giacôbê từng khẳng định với chúng ta rằng: “Ai làm cho một người tội lỗi ăn năn sám hối trở về, thì cứu được linh hồn người ấy khỏi chết, và rửa sạch được muôn vàn tội lỗi của mình”.
Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng vô tội, nhưng đã sẵn sàng chịu thanh tẩy với chúng ta ban ơn giúp sức, để chúng ta cũng biết nâng đỡ nhau, hầu mỗi ngày, chúng ta giúp nhau tiến tới sự hoàn thiện như Cha trên Trời. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM: XIN CHO ĐƯỢC SỐNG XỨNG ĐÁNG LÀ CON CÁI CHÚA
Tin mừng hôm nay kể chuyện: tiếp nhận đoàn người lũ lượt đến xin chịu Phép Rửa, bày tỏ lòng sám hối, thánh Gioan được nghe những lời bàn tán của dân chúng phỏng đoán ông chính là đấng Mêsia. Thánh nhân đã trả lời:“Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. Câu trả lời của Gioan vừa bác bỏ tin đồn vừa cũng cố niềm hy vọng của dân chúng về Đấng Mesia đang đến.Gioan làm Phép Rửa trong dòng nước sông Giođan, còn Đấng Mêsia làm Phép Rửa trong Thánh Thần.Vậy Phép Rửa của Gioan và Phép Rửa của Chúa Giêsu khác nhau thế nào?
Phép Rửa sám hối
Đây là Phép Rửa bằng nước do Gioan thực hiện tại sông Giođan: “Tôi làm phép rửa bằng nước để làm dấu hiệu cho thấy anh em đã ăn năn sám hối “. Ai chịu Phép Rửa đều phải có một thái độ nội tâm cũng như bên ngoài, phải tin vào sứ điệp của Gioan, phải trở lại thực lòng, phải quay về với Thiên Chúa. Tuy nhiên, Phép Rửa của Gioan chỉ có tính cách tượng trưng, tự nó không có sức xóa bỏ được tội lỗi mà chỉ là nghi thức nhắc nhở cho mọi người phải ăn năn sám hối và cải thiện đời sống.
Phép Rửa sám hối chỉ là nghi thức mang tính tẩy trần, nếu có giá trị thì chỉ theo quy định của lề luật thôi, còn chưa có hiệu quả đích thực tôn giáo. Gioan làm Phép Rửa sám hối để dọn lòng dân chúng đón chờ Đấng Cứu Thế. Như vậy gắn với hành động sám hối phải là niềm hy vọng được nuôi dưỡng bền chặt trong lòng. Sám hối vì hy vọng được tha thứ và được giải thoát.Sám hối để xứng đáng với niềm hy vọng.Thánh Gioan ngoài sứ mạng kêu gọi mọi người sám hối còn đảm nhận trọng trách đồng hành với dân chúng hướng về Đấng Mêsia đang đến.
Vai trò của Gioan đã kết thúc, nhưng trước khi Chúa Giêsu chính thức đảm nhận sứ mạng, Người đã xếp hàng đứng chung với hàng ngũ dân chúng, hiệp thông trọn vẹn với họ về niềm mong đợi thiết tha được Chúa đến cứu. Thật lạ lùng! Chúa Giêsu bước xuống sông Giođan. Người là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối nay xin chịu phép rửa sám hối của Gioan. Người là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” đang đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy. Một sự hạ mình sâu thẳm, một sự khiêm nhường cao cả đã làm cho cửa trời mở ra, ân sủng tuôn đổ, ơn cứu độ được trao ban và lan truyền. Đức Kitô được công khai tấn phong làm Đấng Mêsia.Thánh Thần ngự xuống, tiếng từ trời xác nhận: “Con là con của cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra con”. Đó là lời phong vương trong Thánh Vịnh 2,7. Chúa Giêsu đã được chính Thiên Chúa xức dầu tấn phong bằng Thánh Thần.
Phép Rửa tái sinh
Phép rửa của Gioan là Phép rửa bằng nước mời gọi sám hối. Phép rửa của Chúa Giêsu là Phép Rửa tái sinh. Phép rửa này ban cho người được rửa một đời sống mới. Thánh Phaolô đã giải thích về đời sống này cho những người vừa được rửa tội như sau: “Khi được rửa tội, anh em được an táng với Đức Kitô và trong phép rửa, anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã từng bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô” (Cl 2, 12-13).
Phép rửa của Chúa Giêsu là Bí Tích Rửa Tội thanh tẩy chúng ta khỏi tội nguyên tổ và tội riêng chúng ta phạm. Đây là sự Thanh tẩy nội tại của Bí tích Thanh tẩy do ơn Chúa Thánh Thần. Nước có ý nói về nghi thức bên ngoài, thực hiện trên thân xác; còn lửa là biểu tượng diễn tả sự biến đổi bên trong tâm hồn. Trong khi nước chỉ đạt tới bề mặt của các sự vật, thì lửa thấm sâu vào, thanh luyện, soi sáng, đốt cháy. Trong phép rửa Đấng Mêsia thiết lập, người ta sẽ không gặp được thứ lửa nào ngoài thứ lửa của Thánh Thần, bởi vì chính Người thánh hóa các tâm hồn. Lửa nói lên sức thanh tẩy của Chúa Thánh Thần, như trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cvtđ 2,1-4), khi các Tông đồ đang cầu nguyện thì Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa đậu trên đầu các ngài và biến đổi các ngài trở nên những con người mới, những Tông đồ nhiệt thành, thông hiểu Lời Chúa để các ngài rao giảng cho dân chúng.
Như vậy qua Phép Rửa tái sinh, Chúa Giêsu chia sẻ cho những người được rửa tội đời sống thần linh của Ngài. Đó là sự sống trong Chúa Ba Ngôi. Người tín hữu trở nên thành viên trong Dân Chúa Cha, chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô và viên đá sống động kiến tạo Đền Thờ Chúa Thánh Thần, nghĩa là trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào Sự Sống của chính Thiên Chúa hằng sống.
Bí Tích Thánh Tẩy chính là một phép lạ cả thể tác động trên một cá thể trong suốt chiều dài cuộc sống. Người ta được tắm gội trong sự chết và phục sinh của Đức Kitô và được thần hóa một cách nhiệm mầu, để từ đó có thể phát biểu ngất ngây như Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, hay đầy xác quyết như thánh Augustinô: “Chúa đã tạo dưng con người cách lạ lùng và còn tái tạo con người cách lạ lùng hơn nữa”.
Bí Tích Thánh Tẩy là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi bí tích khác. Nhờ bí tích này chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, thành chi thể của Đức Kitô, được gia nhập và tham dự sứ mạng của Hội Thánh (GLCG #1213).
Bí Tích Thánh Tẩy tha thứ nguyên tội, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội. Bí Tích Thánh Tẩy cho tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hoá, nhờ ơn công chính hoá giúp tháp nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh. Bí Tích này cho tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và tạo nền tảng cho sự hiệp thông với tất cả các Kitô hữu. Bí Tích này trao ban các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy thuộc về Đức Kitô luôn mãi: họ được đóng ấn không thể xóa được của Đức Kitô (GLCG #263).
Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan tại sông Giođan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo Hội chọn làm khởi điểm cho Mùa Thường Niên là Mùa Phụng Vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu. Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần Khí và nước, giữa Tân Ước và Cựu Ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được tái sinh trong của Chúa Giêsu nhờ ghi dấu ấn tín của Chúa Thánh Thần và được trở nên con cái Thiên Chúa.
Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, trong tư cách là “Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô”, chúng ta được nhắc nhớ về sứ mạng phải làm triển nở sự sống của Chúa Kitô nơi mình và nơi những người lân cận bằng lòng tin và bằng tình yêu chân thành và trung tín.
Trong tư cách “Kitô hữu hướng về Chúa Kitô”, chúng ta cũng được hun đúc để luôn biết sống bằng niềm hy vọng và bằng lời kinh phó thác, nhất là trong lúc gặp thử thách gian truân.
Trong tư cách “Kitô hữu tìm về Chúa Kitô”, chúng ta còn biết sẵn sàng thanh tẩy đời sống qua việc sám hối hòa giải để đón nhận lòng thương xót của Chúa một cách dồi dào hơn.
Trong phép lần hạt Năm Sự Sáng, gẫm thứ nhất, chúng ta vẫn đọc: “Thứ nhất thì ngắm, Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”. Người Kitô hữu được hai hồng ân lớn nhất là được ơn sự sống và ơn làm con Chúa. Nhờ cha mẹ, mỗi người được sinh ra và hiện hữu trên đời này. Nhờ Bí Tích Rửa Tội, mỗi Kitô hữu được sống sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo gương Mẹ Maria, chúng ta xin được sống gắn bó với Chúa Giêsu mật thiết hơn, để xứng đáng là những người con yêu dấu của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu là gương mẫu một người con hiếu thảo. Người luôn sống thân mật với Chúa Cha, luôn kết hiệp với Chúa Cha trong kinh nguyện hằng ngày, luôn thi hành thánh ý Chúa Cha. Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá.
Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin dạy chúng con biết sống ơn Bí Tích Thánh Tẩy để chúng con được xứng đáng được làm con yêu dấu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
SUY NIỆM: CHÚA CHỊU THANH TẨY VÌ TA
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng k niệm biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa. Chúng ta hãy cùng nhau sống lại khung cảnh của Giođan năm ấy, để xem điều gì đã diễn ra và có điều gì đặc biệt.
Thứ nhất là về địa điểm. Tuy Ngôi Hai Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên càn khôn vũ trụ, là Đấng dựng nên sông ngòi và biển cả, nhưng khi cần chọn cho mình một nơi để chịu phép rửa, Ngài không chọn dòng sông Tiger hay Euphơrat, vốn là tinh hoa của vùng Lưỡng Hà địa thời bấy giờ. Ngài cũng không chọn dòng sông Cửu Long mênh mông huyền thoại, hay sông Hồng mây nước bạc ngàn. Nhưng Ngài lại chọn dòng sông Giođan, chỉ là 1 con sông nhỏ của miền đất Palestin.
Chưa hết, Chúa Giêsu đến sông Giođan không như Môsê để giơ tay xẻ đôi lòng biển, nhưng Ngài đến để được dìm mình vào dòng nước thanh tẩy, trong sự khiêm tốn như bao người khác. Đó là điều đặc biệt đầu tiên.
Điều đặc biệt thứ hai đó là về con người. Chúa Giêsu không chọn một vị thượng tế quyền uy cao trọng đương thời, Ngài cũng không chọn một trong các tư tế thuộc giới lãnh đạo Do Thái Giáo đương nhiệm, để làm nghi thức thanh tẩy cho mình. Nhưng Chúa chúng ta đã chọn Gioan Tẩy Giả, một con người không xứng đáng ci quay dép cho Ngài.
Và điều đặc biệt thứ ba là về cách thức. Chúa Giêsu không chọn riêng cho mình một buổi cử hành nghi lễ long trọng trong đền thờ dành cho bậc “nguyên thủ”, nhưng Ngài chọn hòa mình vào dòng người tội lỗi đang sám hối, để theo thứ tự rồi sẽ đến lượt mình.
Nhiều người nghĩ rằng Chúa Giêsu sao thường quá! Ngài là Chúa, là Thầy, tại sao Ngài phải làm như vậy!
Về điều này, Thánh Phaolô đã cho chúng ta câu trả lời. Chúa Giêsu làm như vậy là “vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta trở thành dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện”. (Tt 2,13).
Điều đáng nói hơn nữa là, những chọn lựa xem ra bình thường ấy của Chúa Giêsu lại đẹp lòng Chúa Cha. Vì từ trên cao, chính miệng Chúa Cha đã phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con” (Lc 3,22).
Thưa anh chị em, Chúa chúng ta là Đấng vô tội, nhưng Ngài đã chấp nhận trở nên như một tội nhân, để ghánh tội và giải thoát chúng ta khỏi án phạt của tội là sự chết đời đời. Và ân sủng này chúng ta đã nhận được rồi, đó khi khi mỗi người lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
Lúc ấy, “Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần thực hiện” (Tt 3,5b). Nhờ vậy mà mỗi người được thứ tha tội Tổ tông truyền, được trở nên một tạo vật mới, và được gọi là con Thiên Chúa. Và Thánh Phaolô cho biết: “Thiên Chúa cứu chúng ta không phải vì chúng ta đã làm những việc công chính, mà vì Người đã thương xót” (Tt 3,5a) chúng ta.
Hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta cùng nhìn lại những điều ấy để hiểu và xác tín rằng, việc Chúa Giêsu chấp nhận trở nên như một tội nhân, chấp nhận chịu phép rửa của Gioan tại sông Giođan, tất cả là vì chúng ta và để cứu độ chúng ta. Mỗi người hãy tạ ơn Chúa thật nhiều về điều ấy thưa anh chị em.
Đồng thời, chúng ta được mời gọi hãy cộng tác với Chúa để cứu lấy phần rỗi linh hồn mình. Nghĩa là “mỗi người hãy từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, để sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,12). Mỗi người “hãy cân nhắc mọi sự: cái gì tốt thì giữ; cái gì xấu dưới bất cứ hình thức nào thì hãy tránh cho xa” (1Tx 5, 21-22). Đó là điều mà Chúa muốn chúng ta đáp trả trước ân huệ Chúa ban.
Ước mong rằng, một khi nhận ra được tình thương cứu độ mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, mỗi người có những quyết tâm cụ thể, để thay đổi bản thân mỗi ngày, hầu sự hy sinh của Chúa Giêsu không vì ta mà trở nên vô nghĩa. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM: CHÚNG TA LÀ CON YÊU DẤU CỦA CHÚA

Hiển linh là việc Chúa tỏ mình ra cho nhân loại. Chúa Nhật tuần trước, chúng ta mừng lễ Chúa hiển linh, nói đến việc Chúa tỏ mình ra cho toàn nhân loại qua hình ảnh các nhà chiêm tinh từ phương Đông đến thờ lạy hài nhi Giêsu. Nhưng Tin Mừng còn nói đến hai cuộc hiển linh khác trong trình thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa và tiệc cưới Cana. Hôm nay, trong ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Giêsu tỏ mình ra qua lời mạc khải của Chúa Cha, cho chúng ta biết Người là Con Thiên Chúa. Và Chúa nhật tuần sau là cuộc tỏ hiện thứ ba. Qua dấu lạ hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu tỏ lộ chính Người là Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, khi tiên báo về Giao ước mới sẽ được lập trong rượu mới là chính Máu của Người.
Ta có thể thắc mắc tại sao Chúa Giêsu là Đấng Thánh Thiện và không biết đến tội lỗi lại chịu phép rửa của ông Gioan dưới sông Gio-đan?
Phép rửa của Gioan Tẩy Giả là một trong những nghi thức thanh tẩy khá phổ biến trong Do Thái giáo thời bấy giờ để đem lại sự thanh sạch. Tuy nhiên, phép rửa của ông Gioan khác với nghi thức thanh tẩy đơn giản vì nó biểu trưng cho sự hoán cải và thanh luyện tâm hồn để dọn đường cho Chúa, để đón Đấng Mêsia sắp đến.
Qua việc chịu phép rửa, Chúa Giêsu muốn bày tỏ sự khiêm nhường và tình liên đới với nhân loại. Khiêm nhường, vì dù là Thiên Chúa, nghĩa là Người có quyền trên mọi lề luật của con người, nhưng Chúa Giêsu vẫn tuân giữ việc thực hành các tập tục, nghi lễ như mọi người khác. Liên đới, vì Chúa Giêsu không phạm bất cứ tội lỗi nào, nhưng Người lại đứng với những người tội lỗi để lãnh nhận phép rửa sám hối của Gioan.
Khi Chúa Giêsu lên khỏi mặt nước, đang lúc Người cầu nguyện thì trời mở ra. Hình ảnh trời mở ra có nghĩa là không còn sự ngăn cách giữa trời và đất nữa: trần gian không còn là ngục tù nơi mà nhân loại đã tự giam mình trong tội lỗi. Thiên Chúa đã sai Con của Người xuống thế gian để cứu nhân loại, và sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người cuối cùng đã được thiết lập lại.
Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa là sự tỏ hiện công khai đầu tiên về nhân tính và thần tính của Người, dưới hai khía cạnh: khiêm nhường và vinh quang. Khía cạnh khiêm nhường được thể hiện qua việc Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa của Gioan như một tội nhân, dù Người hoàn toàn vô tội. Khía cạnh vinh quang được thể hiện qua chứng ngôn nhân loại khi ông Gioan Tẩy Giả nói về Người, và chứng ngôn thần linh qua hình ảnh Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và lời xác nhận của Chúa Cha: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”.
Nếu Chúa Cha gọi Chúa Giêsu là “con yêu dấu”, thì Người cũng nói với mỗi người chúng ta khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh tẩy: “Con là con yêu dấu của Cha.” Tất cả chúng ta đều là con yêu dấu của Chúa Cha. Đó là phẩm giá của chúng ta. Nhưng chúng ta có ý thức được phấm giá này và cảm thấy tự hào khi được làm con Chúa hay không?
Niềm tự hào và hãnh diện này không phải là niềm kiêu hãnh quá mức như một số Kitô hữu ngày xưa, đến nỗi sinh ra kiêu ngạo và khinh miệt những người không cùng niềm tin Kitô giáo, như một vài thời điểm lịch sử đã ghi lại. Ngày nay, dường như người ta có khuynh hướng ngược lại. Tại một vài nơi, một vài quốc gia, nhiều người cảm thấy xấu hổ vì là Kitô hữu. Họ ca tụng phẩm giá của người khác, mà lại xem thường phẩm giá của mình, đến nỗi không dám nhận mình là Kitô hữu, vì sợ người khác chế nhạo.
Chỉ khi chúng ta thấy tự hào và hạnh phúc vì thuộc về gia đình con cái Chúa, thì chúng ta mới có thể diễn tả niềm tin của mình trong đời sống hàng ngày, trong từng lời nói và việc làm. Dù lớn hay nhỏ, già hay trẻ, tất cả chúng ta đều cần ý thức để học và sống phẩm giá Kitô hữu của mình. Chúng ta hãy để lời thì thầm của Chúa “con là con yêu dấu của Cha” trở thành động lực sống của mình trong suốt cuộc đời. Có như vậy, chúng ta mới có thể thực thi các hành vi đức tin trong cuộc sống cụ thể hằng ngày, và duy trì các mối tương quan huynh đệ với tất cả anh chị em của chúng ta.
Nhận ra phẩm giá cao quý của mình là con Thiên Chúa, chúng ta sẽ ý thức trách nhiệm phải sống như một người con, như Chúa Giêsu đã sống với Cha Người ; một người con luôn chọn thi hành thánh ý của Cha, loan báo tin mừng Nước Chúa và xây dựng vương quốc tình yêu của Người trên trái đất này, nơi chúng ta đang sống, trong gia đình, ở trường học, nơi làm việc và trong khu xóm của chúng ta.
Ước mong tất cả chúng ta, là những người đã được nhận lãnh bí tích Thánh Tẩy, luôn sống xứng đáng với danh hiệu là “con yêu dấu” của Cha trên trời. Amen.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

SUY NIỆM: TA HÀI LÒNG VỀ CON
Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều kết thúc thuật trình Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan bằng lời tuyên phán của Chúa Cha: “ Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Con” hoặc “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (x.Mt 3,17; Mc 1,11; Lc 3,22). Chúa Cha hài lòng với Chúa Chúa Giêsu về chuyện gì đây? Dĩ nhiên là về chuyện Chúa Giêsu tự nguyện xếp mình vào hàng đoàn người tội lỗi đang đến để cho Gioan Tẩy Giả làm phép rửa bày tỏ lòng sám hối ăn năn. Thế nhưng Chúa Giêsu vốn là Thiên Chúa dù đã mặc lấy xác phàm nhân loại như chúng ta mọi đàng nhưng chẳng hề vương bẩn tội nhơ (x.Dt 4,15). Là Đấng Thánh của Thiên Chúa, Người hoàn toàn thanh sạch thế mà Người xếp hàng giữa đám người tội lỗi để làm gì? Chắc chắn không phải là để nhờ Gioan làm phép thanh tẩy hầu được nên thanh sạch. Cũng chắc chắn rằng không phải Người cố tình làm gương cho chúng ta về việc hoán cải ăn năn như đã có nhiều nhà tu đức từng suy diễn. Không ai có thể làm gương một việc mà chính mình không thực làm. Như thế chìa khoá vấn đề phải nằm ở chỗ khác.
Mang lấy xác phàm, trở nên giống loài người chúng ta mọi đàng, thì Chúa Giêsu vẫn phải cần có thời gian để hiểu biết ý Chúa Cha cũng như tự nhận thức về căn tính của mình. Các nhà Kitô học đồng thuận với nhau rằng khi còn nằm trong nôi, còn ôm lấy bầu sữa mẹ, thì trẻ Giêsu chưa thể nhận thức được căn tính Thiên Chúa của mình. Và một điều ít ai chối cãi đó là năm lên mười hai tuổi, khi lưu lại Đền thờ Giêrusalem ba ngày nhân chuyến cùng cha mẹ hành hương, thì thiếu niên Giêsu đã ý thức về căn tính Thiên Chúa của mình. Biết mình là Thiên Chúa, thế nhưng để biết sứ vụ của mình là cứu độ nhân loại và cứu độ nhân loại như thế nào thì Chúa Giêsu cũng cần phải có thời gian cần thiết để tìm hiểu thánh ý Chúa Cha.
Nhiều nhà Kitô học nhìn nhận rằng khi Chúa Giêsu đến chịu phép rửa tại bờ sông Giođan chính là lúc Người tìm ra con đường cứu độ. Nói đến ơn cứu độ, các nhà thần học lẫn tu đức thường dùng hình ảnh cứu vớt người đang chìm dưới sông nước. Không biết bơi mà rơi xuống hố nước sâu thì sự sống như không còn thuộc vào chính bản thân mình. Cần phải có một ai đó độ trì, cứu vớt, may ra mới được sống.
Để cứu độ nhân loại khỏi vũng lầy tội lỗi, Chúa Kitô không đứng bên trên mà kéo. Người đã tự nguyện đi xuống tận đáy sâu kiếp người khi vào trần gian. Đồng thân với con người trong kiếp phàm hèn chưa đủ, Chúa Kitô còn muốn chung phận với loài người trong kiếp tội nhân, dù Người hoàn toàn vô tội. Tình yêu lên đến đỉnh cao khi người ta tự nguyện chung thân, đồng phận với nhau. Chung thân, đồng phận với nhau là một trong những hình thức liên đới đến cùng. Là con chiên tinh tuyền, là người tôi tớ trung thành và nhân hậu, Chúa Kitô đã nhận lấy mọi hậu quả tội lỗi của loài người vào chính bản thân Người. Điều đã được Ngôn sứ Isaia loan báo xưa về “Người Tôi Trung” nay ứng nghiệm nơi chính Chúa Kitô (x.Is 42,1-9; 49,1-7; 50,4-11).
Chọn con đường đi xuống để nâng loài người sa ngã lên, sự chọn lựa của Chúa Giêsu đã làm hài lòng Chúa Cha. Đây là một sự chọn lựa phát xuất bởi tình yêu sung mãn. Chúa Thánh Thần với hình chim bồ câu ngự xuống trên Người là một dấu chỉ. Và các tầng trời mở ra, nghĩa là con đường cứu độ nay đã khai mở cho con người. Việc Chúa Giêsu chọn con đường đi xuống giúp chúng ta xác tín những chân lý sau:
1. Không một ai là không có thể được cứu rỗi: Các cứu hộ viên đứng trên bờ sông mà đưa tay ra thì những người ở xa bờ hay đang chìm dưới nước quả là khó có cơ may được cứu. Trái lại khi các cứu hộ viên đã lặn sâu xuống đáy sông thì mọi người đều có thể được cứu sống. Chúa Giêsu đã cúi xuống dưới chân các tông đồ, Người đã cúi xuống dưới chân Giuđa, kẻ đã rắp tâm phản bội Người và Người sẵn sàng cúi xuống dưới chân hết mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Chỉ cần chúng ta đồng thuận thì Người sẽ nâng chúng ta lên cùng Chúa Cha.
Mọi người đều có thể được cứu rỗi. Một chân lý của niềm tin và của niềm hy vọng. Bất cứ ai, dù trong hoàn cảnh tồi tệ nào đi nữa, thì vẫn luôn có Giêsu Kitô đứng dưới chân để sẵn sàng nâng lên. Chính vì thế mà thất vọng về chính mình là một sự tồi tệ thật đáng trách không kém gì khi ta thất vọng về tha nhân.
2. Trước tiên hãy trách mình, đừng trách tha nhân hay phàn nàn Chúa, nếu giả như chúng ta vẫn mãi mê trong tội. Một trong những thói xấu của người đắm chìm trong tội đó là tìm đủ lý do để bào chữa. Để làm giảm nhẹ trách nhiệm của mình, khi phạm tội, chúng ta thường hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho tha nhân, cho ma quỷ và có khi cho cả Thiên Chúa. Phải tiên thiên loại trừ việc gán cho Thiên Chúa là tác nhân gây sự xấu vì Thiên Chúa không hề, đúng hơn là không thể cám dỗ một ai. Chúng ta cũng cần chân nhận rằng thần dữ, người xấu hay ngoại cảnh cũng có góp phần nào đó trong tội của chúng ta. Tuy nhiên, các tác nhân ấy chỉ có thể làm tăng giảm mức độ trách nhiệm của chúng ta trên tội của mình. Nhưng không ai khác, chính chúng ta phải là người trực tiếp chịu trách nhiệm mọi hành vi tội lỗi của mình.
Mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu phép rửa, mở đầu cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng, hãy cùng cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa vì đã yêu thương loài người đến cùng. Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự nguyện đồng hàng với chúng ta trong kiếp tội nhân: cúi mình để cho Gioan làm phép rửa là điểm khởi đầu và điểm kết thúc là thân phận một tội nhân trên thập giá.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
SUY NIỆM: CỬA TRỜI MỞ RA
Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Ngài là Đấng cao cả, vô cùng tốt lành và thánh thiện, chẳng hề vương chút tội tình… thế mà Ngài lại đến với thánh Gioan, như một người tội lỗi, hòa mình với đám đông những người thu thuế, những người đàng điếm, những tên côn đồ đạo tặc, cướp của giết người và với bao nhiêu người tội lỗi khác… chăm chú nghe Gioan rao giảng và để chờ đến phiên, bước xuống dòng sông Gio-đan, nhờ thánh Gioan làm phép rửa cho mình.
  1. Tại sao Chúa Giê-su vô tội mà lại chịu phép rửa?
Chắc chắn Chúa Giê-su đến chịu phép rửa không phải vì Ngài có tội, nhưng vì tội lỗi của nhân loại mà Ngài đã mang vào thân. Cũng thế, Chúa Giê-su chịu khổ hình thập giá không phải vì tội của Ngài mà vì tội lỗi của thế gian mà Ngài đã gánh lấy. Chính vì thế, Gioan tẩy giả đã từng giới thiệu cho các môn đệ biết Chúa Giê-su là con “Chiên Thiên Chúa” (Gioan 1, 29) được sai xuống trần để gánh tội trần gian. Một khi đã gánh tội trần gian thì Chúa Giê-su chấp nhận chịu thanh tẩy cũng như chịu chết vì tội lỗi thế gian…
Thế rồi khi Chúa Giê-su chịu phép Rửa xong, “và đang khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài… ”
  1. Tại sao các tầng trời mở ra?
Từ ngày A-đam và E-và phạm tội, Thiên Chúa xua đuổi ông bà ra khỏi địa đàng và cho thiên thần cầm gươm lửa để ngăn không cho ông bà quay trở lại… (St 3,24). Thế là từ đây, tương quan giữa loài người tội lỗi và Thiên Chúa thánh thiện tốt lành bị cắt đứt. Từ đó, loài người phải ngụp lặn trong bùn nhơ tội lỗi và đắm chìm trong cõi chết…
Để cứu loài người khỏi vòng oan nghiệt đó, Chúa Con đã vâng theo ý Chúa Cha, hạ mình xuống thế làm người, gánh lấy tội lỗi muôn người và Ngài đã bước xuống dòng sông Gio-đan chịu thanh tẩy vì tội lỗi con người… Chính vào thời điểm đáng nhớ này, “cửa trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài.”
Đây là thời khắc lịch sử hết sức trọng đại: Cửa thiên cung từ ngàn xưa đã đóng lại vì tội bất phục tùng của A-đam-cũ, cắt đứt mọi tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, thì trong giờ phút này, nhờ sự vâng phục tuyệt đối của A-đam-mới là Chúa Giê-su, cửa trời được mở ra… mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giao hoà giữa Thiên Chúa và nhân loại, tương quan giữa Thiên Chúa và con người được nối lại, trời giao hoà với đất, Thiên Chúa giao hoà với con người, con người được trở về với Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa là Đấng vô cùng tốt lành thánh thiện đã mang tội lỗi chúng con vào thân, đã hòa mình với các tội nhân bên bờ sông Gio-đan và khiêm tốn bước xuống dòng nước lãnh nhận phép rửa vì chúng con; Trong khi đó, chúng con là những người đầy tội lỗi nhưng chẳng biết nhìn nhận tội mình để ăn năn sám hối, thì thật đáng trách.
Xin giúp chúng con khiêm tốn nhận mình là người tội lỗi và thực lòng ăn năn sám hối, nhờ đó, cửa trời cũng sẽ mở ra để đón nhận chúng con vào chốn hồng phúc đời đời. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà 
SUY NIỆM: HỒNG ÂN TÁI SINH
Hôm nay, chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Giođan. Biến cố này là gạch nối giữa đời sống ẩn dật và sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Sau khi chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu bắt đầu bước vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu về sự khác biệt và ý nghĩa Phép Rửa của Gioan Tẩy Giả, Phép Rửa của Chúa Giêsu và Phép Rửa của chúng ta.
1- Phép Rửa Gioan
Với tư cách là người dọn đường cho Đấng Mêsia, Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người sám hối và hoán cải bằng việc đón nhận Phép Rửa của ông. Nhờ gương sáng và lời nói đầy thuyết phục, Gioan đã thu hút dân chúng. Người ta lũ lượt kéo đến với Gioan để xin ông làm Phép Rửa; nhiều người nghĩ rằng, Gioan chính là Đấng Mêsia mà họ đang trông chờ. Nhưng Gioan quả quyết rằng, ông không phải là Đấng Mêsia: “Phần tôi, tôi làm Phép Rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm Phép Rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa” (Lc 3,16).
Như vậy, Phép Rửa của Gioan là Phép Rửa bằng nước, là dấu chỉ bên ngoài để tỏ lòng sám hối và giúp quay trở về với Chúa, nhưng chưa phải là bí tích. Bởi thế, Phép Rửa này không mang lại hiệu quả ơn tha tội khi lãnh nhận. Phép Rửa của Gioan là Phép Rửa dọn đường cho Phép Rửa của Chúa Giêsu sẽ được thiết lập sau này.
2- Phép Rửa của Chúa Giêsu
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể lại việc Chúa Giêsu đến với Gioan và xin ông làm Phép Rửa tại sông Giođan. Tại sao Chúa Giêsu lại xin Gioan làm Phép Rửa? Tại sao Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa lại cần phải thống hối và thanh tẩy? Chắc chắn là không. Đây là ý nghĩa của việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa này:
Trước hết, việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa bởi Gioan là một hành vi tự hạ và khiêm tốn mà Người thực hiện theo ý định của Chúa Cha. Nếu biến cố nhập thể là bước khởi đầu mầu nhiệm tự hủy của Con Thiên Chúa. Như Thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Nay, qua biến cố Phép Rửa, Chúa Giêsu đi thêm một bước nữa, đó là hạ mình xuống để hòa mình và liên đới với mọi tội nhân. Như thế, qua hành vi này, Chúa Giêsu sống tinh thần tự hạ, muốn trở nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (x. Hr 4,15). Hơn nữa, theo các Giáo Phụ, việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là để thanh tẩy thay tội lỗi nhân loại. Cũng như trong mầu nhiệm nhập thể, Chúa Giêsu đã dìm mình trong bản tính nhân loại để thánh hóa bản tính ấy, nay Chúa Giêsu dìm mình trong dòng nước để thánh hóa dòng nước, nhờ đó mà thánh hóa nhân loại qua bí tích Rửa Tội.
Khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, thánh Luca tường thuật về ba dấu hiệu xảy ra:
Dấu hiệu thứ nhất: “Trời mở ra.” Chúng ta nhớ lại: khi Ađam và Evà phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại (St 3,23-24). Qua bao thế hệ, dân Chúa cầu khẩn: “Ước chi Ngài xé các tầng trời và ngự xuống” (Is 64,1). Nay đã đến lúc, nhờ Chúa Kitô, trời mở ra. Điều này nói lên rằng từ nay trời đất giao thông với nhau, con người được sống hiệp thông với Thiên Chúa.
Dấu hiệu thứ hai: “Chúa Thánh Thần ngự xuống như chim bồ câu.” Đây là mạc khải về Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Người được sai đến và cùng với Chúa Giêsu khai mở một giai đoạn mới, giai đoạn cứu độ nhân loại. Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với Chúa Giêsu trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta qua Bí tích Rửa Tội. Người thánh hóa và dẫn đưa mỗi người về với Thiên Chúa.
Dấu hiệu thứ ba: là lời của Chúa Cha: “Con là con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về Con” (Lc 3,21-23). Đây là mạc khải về Chúa Cha. Người là Cha của Đức Giêsu và cũng là Cha của chúng ta. Người sai Chúa Con đến trong trần gian. Chúa Cha luôn hài lòng vì Chúa Con luôn làm theo ý định cứu độ của Chúa Cha.
Như thế, qua ba dấu hiệu trên mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa Ba Ngôi và vai trò mỗi ngôi vị trong chương trình cứu độ nhân loại.
3- Phép Rửa của người Kitô hữu
Nếu Phép Rửa của Gioan là dấu chỉ bằng nước, mời gọi sám hối, thì Phép Rửa của Chúa Giêsu là bí tích bằng nước và Thánh Thần. Phép Rửa này là một bí tích trong bảy bí tích vừa mời gọi hoán cải, vừa mang lại hiệu quả tha tội và thánh hóa cho những ai đón nhận.
Bí tích Rửa Tội tha thứ tội nguyên tổ và mọi tội cá nhân cũng như các hình phạt do tội, ban cho chúng ta sự sống thần linh. Đồng thời, nhờ Phép Rửa, chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, trở thành chi thể Chúa Kitô, được gia nhập và tham dự vào các sứ mạng của Hội Thánh (GLCG. số 1213).
Như vậy, chúng ta đón nhận Phép Rửa không phải vì danh nghĩa làm Kitô hữu, nhưng là để sống tốt đời Kitô hữu. Vì thế, chúng ta được mời gọi luôn ý thức những hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Phép Rửa Tội. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi cố gắng mỗi ngày sống xứng đáng là con cái Chúa và biết làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
Lạy Chúa là Đấng hoàn toàn thánh thiện, Chúa đã cúi xuống để đón nhận Phép Rửa tại sông Giođan, Chúa cũng đã lập Phép Rửa để thanh tẩy và thánh hóa chúng con, xin cho mỗi người chúng con luôn sống xứng đáng là con cái của Chúa để chúng con trở thành những người con yêu dấu và hằng đẹp lòng Chúa. Amen!
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
SUY NIỆM: SỐNG TƯỚC VỊ LÀM CON
Sống ở đời, ai cũng mang trong mình một tâm lý thường tình là muốn mình được trọng vọng, được đề cao, được vượt trội hơn người khác.
Tất cả những điều đó phản ảnh khuynh hướng kiêu căng trong lòng mỗi người. Mà kiêu căng là mối tội thứ nhất trong bảy mối tội đầu. Gọi là mối tội đầu vì nó là căn nguyên đưa tới nhiều thứ tội lỗi khác. Thật vậy, sự kiêu căng chính là đầu mối dẫn tới rất nhiều điều tệ hại trong cuộc sống của con người: Chiến tranh bởi đâu nếu không phải bởi nước này muốn thống trị nước nọ? Ghen tương bởi đâu nếu không phải bởi người này muốn trổi vượt hơn người khác? Hận thù bởi đâu nếu không phải bởi người ta muốn đạp người khác xuống để chiếm lấy vị trí của họ? Nói hành, nói xấu, vu khống, gièm pha bởi đâu nếu không phải bởi người ta muốn tự quảng cáo mình tốt hơn, giỏi hơn người khác, cho người khác là không biết gì?…
Luxiphe vì kiêu căng không muốn phục tùng Thiên Chúa nên đã tự loại mình ra khỏi hàng ngũ các Thiên thần. Ông bà nguyên tổ loài người vì kiêu căng muốn bằng Thiên Chúa nên đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, và cửa trời đóng lại. Sự kiêu căng đã tạo nên hố ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người. Sự kiêu căng đã dựng nên một hàng rào không cho con người đến với nhau…
Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Quang cảnh trong biến cố Ngài chịu phép rửa mà chúng ta vừa nghe trong Tin Mừng có lẽ làm chúng ta thấy mình hổ thẹn biết bao khi để cho tính kiêu căng thống trị và hướng dẫn đời sống mình. Thật vậy, Chúa Giêsu là Thiên Chúa cao cả vô cùng, nhưng Ngài đã mặc lấy những tâm tình và cung cách sống khiêm tốn thẳm sâu. Là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không đòi phải được sinh ra trong một đất nước văn minh, trong một thành phố hoa lệ và trong cung ngọc điện ngà. Trái lại, Ngài đã chấp nhận sinh ra trong một hoàn cảnh bi đát nhất của thân phận làm người.
Ngài đã không chọn cho mình một người cha, một người mẹ danh giá và giàu sang. Trái lại, Ngài chấp nhận làm con của một anh thợ mộc vô danh tiểu tốt và một cô thiếu nữ nhà quê khổ nghèo.
Và hôm nay, khi bước xuống dòng sông để lãnh nhận phép rửa của Gioan, chúng ta mới thấy hết sự khiêm nhường của Thiên Chúa chúng ta. Là Thiên Chúa thánh thiện tuyệt đối, nhưng Ngài lại hạ mình đến xin ông Gioan làm phép rửa như một người dân tầm thường và tội lỗi. Ngài khiêm hạ đến độ làm cho mình trở thành một kẻ vô danh bên cạnh một ông Gioan Tẩy Giả đang được mọi người ngưỡng mộ và kính phục để chia sẻ kiếp người với chúng ta, để nâng loài người chúng ta lên.
Ngài mặc lấy xác phàm để chia sẻ thân phận đói nghèo, đau khổ, bệnh hoạn của con người. Ngài hoá kiếp phàm nhân để nếm trải nỗi ray rứt khắc khoải của tội nhân. Ngài đang cùng nhịp đập con tim với mọi người để cảm thông và yêu thương tất cả, một sự liên đới của tình yêu. Chính trong sự khiêm nhường và tự hạ như thế, Đức Giêsu đã được Thiên Chúa Cha xác nhận “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Ngày xưa, do sự kiêu căng của nguyên tổ loài người, cửa trời đã đóng lại. Ngày nay, do sự khiêm hạ của Con Thiên Chúa mà cửa trời lại được mở ra. Trời mở ra nghĩa là mọi ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người đã bị xoá bỏ. Con người phản bội nay đã được tha thứ, được phục hồi tước vị làm con Thiên Chúa và được đồng thừa tự gia tài Nước Trời cùng với Chúa Giêsu. Trời được mở ra cho hết mọi người có thể đi vào. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục bước vào vết chân kiêu căng của ông bà nguyên tổ, thì cánh Cửa Trời ấy sẽ mãi mãi đóng lại trước mắt chúng ta.
Vậy chớ gì khi mừng kính Chúa Giêsu chịu phép rửa, mỗi người chúng ta cảm nhận rằng, Ngài đang ở gần chúng ta hơn chúng ta tưởng. Ngài đang ở gần chúng ta khi chúng ta mạnh mẽ, lúc chúng ta yếu đuối; buổi thành công cũng như hồi thất bại; phút sa ngã cũng như thời đứng lên; những ngày nắng ấm, những chiều giông bão… đã luôn luôn có Ngài bên cạnh, để rồi mỗi người khiêm tốn và quyết tâm ra khỏi chính mình, ra khỏi những ích kỷ, dứt bỏ những khuynh hướng xấu, đoạn tuyệt với tội lỗi… hầu cất bước tìm về với Ngài. Ngài sẽ băng bó, Ngài sẽ chữa lành, sẽ vác trên vai, sẽ rửa gội thương tích và đem chúng ta về lại trong tình yêu thương của Chúa Cha. Nhất là để chúng ta nghe được những lời yêu thương mà Thiên Chúa đã nói với Chúa Giêsu ngày xưa bên dòng sông Giođan: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha.” Amen.
Lm. Nguyễn Nguyên

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây