CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ
Thứ bảy - 23/11/2024 04:38
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B
ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ
Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33b-37
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
33Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” 34Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?” 35Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” 36Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”. 37Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?” Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.
SUY NIỆM 1: CHÚA KITÔ VUA SỰ THẬT
Lời Chúa: “Quan nói đúng: Tôi là Vua” (Ga 18,37).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Hôm nay Chúa nhật cuối cùng phụng vụ năm – B. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Kitô là Vua sự thật. Người đã dùng máu của Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa:
Sinh ra Tôi đã là Vua
Nước Tôi cai trị từ xưa đến rày.
Vương quyền tuyệt đối không lay,
Công dân trong nước, quyền này được chia.
Phần ta chớ có xa lìa,
Luôn là con thảo thờ Cha trên trời.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết vâng nghe và thực hành Lời Chúa truyền dạy để xứng đáng là công dân trong nước Chúa Kitô. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa đã sinh ra và đến trong thế gian để cứu độ chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa là Vua sự thật. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con, ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Sống trong hoàn cảnh xã hội xô bồ, con người không nhiều thì ít, bị ảnh hưởng tới sự chọn lựa và phán đoán của mình. Có mấy lần chúng ta dám đứng lên để nói sự thật và làm chứng cho sự thật, khi mà hằng ngày con người vẫn luôn đối diện với học giả, bằng giả, hàng giả. Người ta thường nói: Khôn chết, dại chết, biết thì sống. Người khôn ngoan là người biết lúc nào cần nói sự thật và lúc nào cần im lặng. Không phải cứ sự thật là chúng ta có quyền phát biểu hay phải tỏ lộ. Điều đó nó đi nghịch lại với chân lý sống của Chúa Giêsu, Vua sự thật: “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.
Thưa anh chị em, câu khẳng định của Chúa Giêsu trong phiên tòa được trang Tin Mừng ghi lại là tư tưởng chủ yếu cho ý nghĩa của phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Mặc dù Chúa Giêsu thẳng thắn trả lời, “quan nói đúng: tôi là Vua”. Philatô cũng nhận ra rằng, vương quyền của Chúa Giêsu không có tính cách chính trị trần thế nhưng là một trật tự khác. Trật tự ấy chính là thực tại thần linh: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình cho thế gian, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời”. Suốt đời và bằng cả cuộc đời, những hành động, lời rao giảng và các phép lạ đều làm chứng cho sự thật đó và đó là nguyên cớ khiến cho Người phải chết. Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu: Ngoài cuộc đời này còn có một cuộc đời khác. Ngoài thế giới này còn có một thế giới khác. Đó là vương quốc của Chúa. Đó là Nước Trời. “Vương quyền của Người đầy nhân hậu, vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Người không khi nào bị phá huỷ”. Chỉ những ai thuộc về sự thật mới được vào. Vậy, ai thuộc về vương quyền của Chúa Giêsu ?
Chuyện kể rằng, ngày nọ có một thiếu phụ tay ẵm một thiếu nhi bước vào phòng mạch bác sĩ gia đình. Thưa bác sĩ, xin bác sĩ vui lòng giải quyết khó khăn nầy: đứa nhỏ đây mới chưa đầy một tuổi, và tôi lại mang thai nữa rồi. Bác sĩ giúp tôi làm bất cứ điều gì có thể cất được các của nợ này. Sau một hồi suy nghĩ, bác sĩ trả lời: Nếu bà không muốn có hai đứa con sinh gần nhau như vậy, tốt nhất là giết đứa con bà đang ẵm trong tay, giết đứa trong bụng bà hay giết đứa trong tay bà thì cũng như nhau. Vả lại, nếu giết đứa trong bụng thì lại còn nguy hiểm cho bà nữa. Vừa nói xong, vị bác sĩ vươn tay lấy con dao nhỏ và bảo bà đặt đứa nhỏ lên vế bà, đưa đầu ra phía ông ta. Lúc đó người thiếu phụ tái xanh mặt và thét lên: Đồ sát nhân.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Chỉ vài lời nói, vị bác sĩ đã thuyết phục được người thiếu phụ trẻ hiểu ra rằng việc ông ta đề nghị giết đứa con một tuổi của bà thì cũng chẳng tệ hại hơn lời thỉnh cầu giết đứa bé chưa sinh trong bụng bà. Sự thật, đàng nào cũng là giết người. Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu Vua sự thật. Giáo hội mời gọi chúng ta nói sự thật, làm nhân chứng cho sự thật và sống cho sự thật. Sống sự thật là sống trong đường lối của Chúa. Chỉ sự thật có thể giải thoát chúng ta khỏi những lầm lạc của thế gian. Vì, “sự thật sẽ giải phóng các ông”. Xã hội cần tôn trọng sự thật. Hôn nhân cần có sự thật về lòng chung thủy, sự thật về tình cảm và sự thật của kết quả tình yêu chính là con cái. Đây là những mấu chốt xây dựng đời sống hạnh phúc gia đình và xã hội.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết vâng nghe và thực hành Lời Chúa truyền dạy và bước đi trong chân lý của Chúa để chúng ta tìm ra lẽ sống thật, xứng đáng là công dân trong nước Chúa Kitô. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.
SUY NIỆM 2: NƯỚC CỦA SỰ THẬT
Tôn vinh Chúa Giêsu là Vua, Giáo hội công bố bài Tin Mừng Gioan: Vua Giêsu đang bị trói, bị điệu đến trước mặt quan Philatô và bị đối xử như một tội phạm. Philatô hỏi: Ông là vua sao? Sao lạ vậy? Vua Hêrôđê còn sống sờ sờ đó mà. Vua gì mà chẳng có quân có tướng hộ vệ? Vua gì mà chẳng có vương miện cẩm bào? Trước mặt Philatô, Chúa Giêsu mang chiếc áo loang lổ máu đào, tả tơi. Phải chăng Philatô nhận ra Chúa có một tác phong uy quyền cao cả một một vị đế vương. Và trong chiều sâu tâm hồn, Philatô thán phục đánh giá cao vị vua này!
Chúa Giêsu đáp: Chính ngài nói rằng tôi là vua. Rồi Chúa giải thích thêm: Tôi sinh ra và đến thế gian để làm chứng cho sự thật, ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi. “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Như vậy, Chúa xác nhận Ngài là Vua, vì có một nước để Ngài thống trị. Đó là nước của sự thật: Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Chúa; đó là nước của tình yêu: “Người ta sẽ căn cứ vào dấu hiệu này để nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em thương mến nhau.” (Ga 13,35); đó là nước của sự sống: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi thì có sự sống đời đời” (Ga 5,24).
1. Nước của Sự Thật
Nước của Vua Giêsu là nước của sự thật và “ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Nhiều lần Đức Giêsu đã khước từ làm vua theo kiểu trần thế. Nước trần gian do con người thiết lập bằng sức mạnh, thường đem lại sự giàu sang và vinh quang. Đức Giêsu từ chối loại nước huy hoàng do Satan đề nghị: “Nếu ông quỳ gối thờ lạy tôi, tôi sẽ cho ông mọi nước làm sản nghiệp”. Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân Do thái muốn tôn Đức Giêsu làm vua, nhưng Ngài trốn lên núi. Khi trả lời cho những kẻ gài bẫy: “chúng tôi có phải nộp thuế cho Xêza không?” Đức Giêsu đáp: của Xêza hãy trả cho Xêza, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.
Nước của Vua Giêsu là nước của sự thật thuộc thế giới niềm tin, thế giới tâm linh trong tâm hồn con người. Nước đó hoàn toàn khác biệt với đế quốc của Xêza hay bất cứ đế quốc nào, chủ nghĩa nào. Nước của Xêza chỉ cai trị thể xác loài người, còn nước của Đức Giêsu chiếm trọn lòng người.Thế lực của Xêza là quân đội khí giới nhà tù. Sức mạnh nước của Đức Giêsu là niềm tin yêu thương tha thứ. Dù rộng lớn, đế quốc Xêza cũng bị giới hạn, còn nước của Đức Giêsu vô biên, được thiết lập mọi nơi. Các triều đại phong kiến, các thể chế chính trị cũng đã và đang chấm dứt trong dòng thời gian như đế quốc của Xêza, chỉ còn nước sự thật và niềm tin là tồn tại muôn đời.
Chúa Giêsu là vị vua của Sự Thật và sứ mạng của Ngài là làm chứng cho sự thật. Là vua sự thật, Chúa đến thế gian để chỉ cho con người về sự thật và dạy cho con người sống sự thật. Vua Giêsu đã chỉ cho con người thấy Thiên Chúa là chân lý và là sự thật. Vua Giêsu còn chỉ cho con người thấy bộ mặt thật gian dối của thế gian, sự xảo trá của ma quỷ và thế lực của bóng tối. Nó đang tìm cách tách con người ra khỏi sự thật và gieo sự gian dối vào trong tâm hồn con người.
Kitô hữu là thần dân của nước sự thật nên dám nói lên sự thật, dám can đảm sống theo sự thật, dám chết cho sự thật.
2. Nước của Tình Yêu
Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu. Chính tình yêu là sức mạnh của nước Ngài thiết lập. Đức Kitô là vua, nhưng lại rất khác với các vua trần thế ở chỗ: để cai trị, các vua thế gian dùng quyền lực, còn Ngài dùng tình thương. Ngài yêu thương mọi người, mọi con dân của Ngài như người mục tử tốt lành yêu thương chăn dắt đoàn chiên, biết rõ từng con chiên một, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì lợi ích của chiên (Ga 10,11-16). Luật pháp trong nước của Ngài là sống trong Tình Yêu. Một Tình Yêu trọn vẹn trong chiều dọc, đối với Đấng dựng nên mình là Thiên Chúa. Một Tình Yêu chan hòa trong chiều ngang đối với đồng loại của mình.
“Khi một mình đối diện với những ghen ghét thù hận của đám đông, Đức Giêsu muốn dạy ta biết Thiên Chúa là tình yêu. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa trên trần gian. Vì yêu thương mà Ngài đã xuống trần gian. Ngài đã yêu thương cho đến chết vì yêu. Đó là tình yêu lớn lao nhất như lời Ngài nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu”. Dù những thù hận vây bọc, nhưng Đức Giêsu vẫn yêu thương. Hôm nay đơn thân độc mã trong vòng vây của hận thù, Đức Giêsu vẫn xưng vương để cho ta thấy: tình yêu thương đã chiến thắng. Hận thù đem lại chết chóc, chỉ có tình yêu thương mới cứu được thế giới. Đức Giêsu đã chiến thắng. Ngài là Đấng đầu tiên từ trong kẻ chết sống lại. Với chiến thắng, Đức Giêsu mở cửa nước của Ngài. Đó là nước của Sự Thật. Chỉ những ai thuộc về sự thật mới được vào. Và những ai thuộc về sự thật phải biết chiến thắng sự giả trá. Sự giả trá đó là sự chết, đó là những vinh hoa phú quý trần gian và đó là lòng thù hận ghen ghét. Hiểu biết sự thật, đập tan sự dối trá, ta mới tiến vào Nước Sự Sống theo bước Đức Giêsu Kitô. Với chiến thắng Ngài thật sự là Đường dẫn đến Sự Thật và Sự Sống muôn đời”. (ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt).
“Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Vua Giêsu đã thi hành vương quyền bằng cách yêu thương loài người đến nỗi sẵn sàng chết cho loài người ngay chính lúc loài người từ chối Ngài, chế giễu Ngài, thậm chí thách thức Ngài.
Tình yêu chi phối mọi sinh hoạt cuộc đời. Con người đau khổ vì không có tình yêu. Chúa là tình yêu. Chỉ những ai biết tìm đến với Ngài, được Ngài thông truyền cho tình yêu, họ mới biết mở mắt để nhận ra được mọi người anh em, như thế mới có thể yêu thương. Bản tính của tình yêu là cho đi điều tốt lành. Ai sống yêu thương thì thuộc về Chúa, là thần dân của Ngài. Nước của Chúa Kitô Vua là nước của tình yêu. Muốn vào nước ấy, phải là người có lòng yêu mến Chúa và yêu thương anh em thật sự.
3. Nước của Sự Sống
“Ta là sự sống và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ “(Ga 11, 25-26). Thật là đại tin mừng: “Nơi Ngài là sự Sống, và sự Sống là sự Sáng cho nhân loại. Và sự sáng rạng trong tối tăm, và tối tăm đã không tiêu diệt được sự sáng” ( Ga 1,4-5).
Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống nên nước của Ngài không còn bóng dáng cái chết. Khi còn ngày rộng tháng dài, Đức Giêsu không xưng vương. Nay cận kề cái chết Ngài mới xưng vương để dạy cho ta biết nước của Ngài “không thuộc thế gian này”. Sự sống trần gian này chẳng đáng giá gì so với sự sống trong Nước Chúa. Vì thế muốn vào được vương quốc của Chúa, phải biết từ bỏ tất cả, kể cả mạng sống nữa.
Chúng ta lãnh nhận sự sống từ Thiên Chúa, chỉ mình Thiên Chúa mới có thể trao ban sự sống ấy. Chúa Cha đã trao cho Chúa Con quyền này, và đặt vào tay Chúa Con, nên Chúa Con là Vua Sự Sống.
Con người tiếp nhận sự sống từ chính nguồn sống là Thiên Chúa như trái đất nhận lãnh ánh sáng từ mặt trời.Thiếu ánh sáng mặt trời thì không có sự sống trên trái đất. Cũng thế, không có Thiên Chúa thì không thể có sự sống.Thiên Chúa thông ban sự sống cho con người vì Thiên Chúa yêu thương con người.Thiên Chúa yêu thương mọi người ngay cả những ai chối bỏ và thù ghét Ngài. Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch, mỗi con người đều là hình ảnh Thiên Chúa. Chỉ xuyên qua niềm tin và tình thương con người mới đến được với Thiên Chúa. Sống cho hạnh phúc của tha nhân, đó là sự thật mà mỗi thần dân sống trong nước Vua Giêsu được mời gọi thể hiện mỗi ngày.
Nhưng ai thuộc về sự thật thì nghe Đức Kitô và ai thuộc về Đức Kitô thì hãy để Người sống và lớn lên trong cuộc đời mình và chấp nhận để Người biến đổi toàn diện. Đồng thời, chính mình cũng cần nỗ lực “làm chứng” sao cho niềm tin luôn luôn vươn lên, mà cũng không quên nhiệt tình tông đồ là làm cho những người lân cận nhận biết và tin yêu Chúa Kitô nữa.
Ở Bãi Dâu – Vũng Tàu, có một tượng Chúa Kitô Vua thật lớn dựng trên triền núi quay mặt ra biển, đôi tay giang rộng như ôm lấy cả trùng dương. Ngư dân quanh đó kể lại rằng những khi ra khơi, họ vẫn căn cứ vào đó để mà định hướng đi về, và nhiều lần sóng gió họ cũng hướng về đó để mà cầu nguyện xin ơn bình an.
Giữa trùng dương cuộc sống, Kitô hữu biết rằng Chúa Kitô vẫn luôn hiện diện như một chuẩn đích để định hướng tin yêu hy vọng. Xin Người cũng làm Vua quy tụ mọi sự trong Nước vĩnh cửu của Người.
Mừng lễ Chúa Giêsu – Vua Vũ Trụ – Vua Sự Thật – Vua Tình Yêu – Vua Sự Sống, chúng ta hãy để cho Vua Giêsu chiếm trọn tất cả con người mình, từ tư tưởng lời nói cho đến việc làm. Chúng ta không còn thuộc về thế giới của bóng tối và tội lỗi. Chúng ta thuộc về vương quyền của Vua Giêsu là vương quyền của sự sống và sự thật, vương quyền của niềm tin và ân sủng, vương quyền của sự thánh thiện công lý và tình yêu hoà bình (Kinh Tiền Tụng).
Giêsu, lạy Chúa từ nhân,
Tâu Vua vinh hiển, thần dân kính mừng!
Duy Ngài là lẽ cậy trông,
Là trung tâm điểm của dòng thời gian.
Quyền uy thống trị vũ hoàn,
Chúng con tình nguyện làm dân con Ngài.
(Thánh Thi Kinh sáng lễ Chúa Kitô Vua)
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
SUY NIỆM 3: CHÚA KITÔ-VUA TÌNH THƯƠNG
Khi nhắc đến vua, người ta thường liên tưởng ngay đến quyền lực, vì vua mà không có quyền lực trên người khác thì không gọi là vua được. Vua thì luôn có ngai vàng và long bào, để thể hiện sự uy nghi lẫm liệt; rồi có dân, có lính tráng, có lãnh thổ để trị vì… Và trước đó còn có lễ đăng quang thật hoành tráng trước mặt toàn dân. Người ta cho rằng đã là vua thì phải có phong thái như thế.
Ngay cả các vị vua trong Kinh Thánh cũng vậy. Đơn cử như vua Đavid, ông có quyền lực trên một dân và một lãnh thổ, có ngai vàng, có long bào, có lính tráng. Ông được Samuel xức dầu phong vương, và có lễ đăng quang trong ngày ông lên ngôi trị quốc.
Và người Do Thái lấy làm lạ khi Chúa Giêsu xưng mình là Vua, mà trong tay chẳng có thứ gì; dáng vẻ bên ngoài cũng không giống quân vương chút nào; dân và quân đội thì chỉ có vỏn vẹn 12 tông đồ và một số người đạo đức bình dân học vụ; lãnh thổ thì nay đây mai đó, chẳng có chỗ gối đầu; thay vì đăng quang trong một buổi lễ long trọng, thì Chúa Giêsu lại bị kết án tử trong một công nghị đầy phẫn nộ; thay vì mặc long bào, đội vương niệm và ngồi lên ngai vàng, thì Chúa Giêsu lại bị lột sạch áo, đội vòng gai và bị treo lên thập giá; một sự ô nhục nhất đối với người Do Thái.
Tuy nhiên, đó chỉ là những hình thức bên ngoài; còn điều quan trọng và là tố chất hàng đầu của một vị vua, đó là phải biết lo cho dân cho nước. Đã là vua, là người lãnh đạo mà chỉ biết bo bo giữ lấy quyền lực, danh vọng và địa vị cho bản thân, rồi không quan tâm gì đến chuyện quốc thái dân an, thì chắc chắn không sớm muộn cũng bị truất phế.
Ngày nay cũng vậy thôi thưa anh chị em, là công dân chúng ta mong đợi gì nơi những nhà cầm quyền? Tất nhiên, họ phải là những người biết lo cho dân cho nước, chứ không phải dùng dân làm bàn đạp để tiến thân, để thu tích cho riêng mình, còn dân sao mặc kệ.
Nếu chúng ta nhìn ở gốc độ này, thì Chúa Giêsu quả thật là một vị vua đúng nghĩa, một vị vua mẫu mực, vua trên các vua; vì Ngài đã sống đúng và làm đúng vai trò của một vị vua: lo cho dân cho nước đến cả quên mình. Thật vậy, Chúa Giêsu xưng mình là vua không phải để tranh dành danh dự và quyền lực như người ta nghĩ, nhưng là để lo lắng và chăm sóc cho dân.
Chính Tiên tri Êdêkien đã từng tiên báo như thế. Vị Vua Vũ Trụ sẽ xuất hiện trong chân dung của một người mục tử nhân lành, và đầy tình thương đối với đoàn chiên của mình. Ngài sẽ kéo chiên ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Ngài sẽ chăn dắt chiên và cho chiên nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ngài sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ngài sẽ đưa về; con nào bị thương, Ngài sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ngài chữa cho mạnh; con nào béo mập và khoẻ mạnh, Ngài sẽ canh chừng (x.Ed 34, 15-16).
Tất cả những điều đó quả thật đã ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Trong 3 năm rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu đã không ngừng yêu thương và chăm sóc dân Israel, đặc biệt là những người tội lỗi và bệnh tật: ai ốm đau-Ngài chữa lành, ai tội lỗi-Ngài tha thứ, ai buồn sầu-Ngài ủi an, ai lầm đường lạc lối-Ngài tìm kiếm đưa họ trở về… Ngài lo lắng và yêu thương đến nỗi sẵn sàng chấp nhận chết ô nhục trên thập giá, để chuộc lấy tội lỗi cho dân mình.
Suy tôn Chúa Giêsu là Vua hôm nay, chúng ta đừng ca tụng danh dự và vinh quang của Ngài, vì Ngài đã trút bỏ tất cả những điều ấy; nhưng chúng ta hãy ca tụng tình thương mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta, một tình thương với tâm niệm: mong chiên được sống và sống dồi dào.
Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọị noi gương Vua Giêsu, để biết sống và thể hiện tình yêu thương đối với anh chị em xung quanh mình, vì yêu thương tha nhân chính là đường dẫn đến ơn cứu độ.
Có lần Chúa Giêsu mạc khải cho ta biết rằng, trong ngày Ngài ngự đến trong vinh quang, Ngài không đòi hỏi chúng ta về kết quả của quyền lực, danh dự, hay địa vị; nhưng Ngài sẽ chất vấn chúng ta về tình thương đối với anh em đồng loại. Những ai cho kẻ đói ăn, cho người khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ kiệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết; những ai biết lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết; thì sẽ được chúc phúc và được vào hưởng vinh quang cùng với Ngài. Còn ngược lại, những ai khước từ thể hiện tình yêu thương đối với anh chị em mình, thì sẽ nhận lấy án phạt và bị lửa đời đời thiêu đốt.
Như thế, mừng lễ Chúa Giêsu là Vua hôm nay, chúng ta cùng tạ ơn Chúa vì chúng ta được làm công dân của một vị Vua đầy tình yêu thương và yêu thương đến cùng. Xin cho chúng ta cũng biết rập đời mình theo khuôn mẫu của Vua Giêsu, để cũng biết yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 4: VƯƠNG QUỐC TÌNH YÊU
Đoạn Tin Mừng hôm nay gợi cho chúng ta nhớ lại những biến cố trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, mà ở đó Người muốn ẩn đi thân phận vương tử của mình. Như biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Ga 6,5-15). Sau khi Chúa cho đám đông dân chúng được ăn no nê, họ liền muốn tôn người lên làm vua, nhưng Người từ chối và lánh mặt, đi lên núi một mình cầu nguyện với Chúa Cha. Hoặc sau khi trừ quỷ, Người cấm không cho quỷ nói Người là ai. Người cũng truyền cho các môn đệ phải giữ thinh lặng, không được kể cho ai nghe những điều họ đã được chứng kiến trước những phép lạ lớn lao hay biến cố quan trọng, như việc Người biến đổi hình dạng (Mc 9,9). Vậy mà giờ đây, khi bị điệu ra trước tổng trấn Philatô, tay chân bị xiềng xích như một tội nhân, hoàn toàn không có dáng vẻ của một vị vua thì Chúa Giêsu lại nhận mình là vua. Vậy Người là vị vua như thế nào?
Chúa Kitô Vua mà chúng ta tin không giống như các vị vua của trần gian này với quân đội hùng hậu và cung điện nguy nga, tráng lệ. Tin Mừng Mátthêu kể lại, các nhà chiêm tinh đến kinh thành Giêrusalem để tìm “Đức Vua dân Do Thái mới sinh” (Mt 2,2), nhưng vị vua mà họ gặp lại là một hài nhi yếu đuối nằm trong máng cỏ nghèo nàn, nơi làng Bêlem hẻo lánh. Khi vào thành Giêrusalem để chịu khổ nạn, Chúa Giêsu được dân chúng tung hô là “con vua Đavít”. Nhưng vị vua này lại ngồi trên lưng một con lừa con! Còn ở dinh Philatô, quân lính đến chào Người là “Vua dân Do Thái!”, sau khi đã đánh đập và chế giễu, rồi đội cho Người vương miện bằng vòng gai, và khoác một áo choàng đỏ cho Người làm vương bào (x. Ga 19,2-3). Và cuối cùng, danh tính và danh hiệu của Người đã được xác định nơi tấm bảng treo phía trên đầu “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái” khi Người bị đóng đinh trần trụi và đau đớn trên cây Thánh Giá.
Trước chân dung của một con người Giêsu như vậy, chúng ta có dám tin và nhận Người là Vua của chúng ta không? Chúng ta có dám đi theo một vị Vua như vậy không? Chúng ta có dám để cho vị Vua này hướng dẫn cuộc đời chúng ta không? Nếu chúng ta chỉ tin vào một vị Vua Giêsu uy quyền và làm nhiều phép lạ, chúng ta sẽ đánh mất cơ may được gặp Người trong những con người bé nhỏ đang đau khổ, nghèo túng, cô đơn, bị bỏ rơi, chịu bất công,...
Khi xác nhận mình là vua, Chúa Giêsu cũng nói với Philatô về vương quốc của Người: “Nước tôi không thuộc về thế gian này.” Như vậy, Người khẳng định Người không phải là vua của những vương quốc theo quan niệm trần gian. Người làm vua của vương quốc mà ở đó chỉ có tình yêu và chân lý: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”
Vương quốc của Chúa Kitô không phải là một lãnh thổ. Vương quốc của Người là một cách sống, là một sự hiện diện ngay giữa thế gian này. “Hiến chương cơ bản” của vương quốc là Tám mối Phúc, đi ngược lại với các giá trị mà thế gian theo đuổi. Công dân trong Vương quốc của Người là những người sống tinh thần nghèo khó, hiền lành, chịu đau khổ, tìm kiếm điều chính trực, giàu lòng thương xót, giữ tấm lòng trong sạch và sẵn sàng chịu bách hại vì lẽ công chính. Và trong vương quốc này, người làm lớn, người đứng đầu lại là đầy tớ, là người phục vụ anh chị em của mình.
Vương quốc mà Chúa Giêsu đã đến để khai mở là vương quốc tình yêu. Nó không giống bất cứ một vương quốc nào và là ước vọng sâu xa nhất của mỗi người. Vì vương quốc ấy không có biên giới, mọi người đều được đón nhận và được sống trong sự thật. Đó là một vương quốc của công lý, của hòa bình và thứ tha... Trong vương quốc này, các công dân đều là anh chị em với nhau. Vương quốc này không được xây dựng bằng sức mạnh, vũ lực, thống trị hoặc vụ lợi, nhưng bằng yêu thương, phục vụ và dấn thân.
Trong trình thuật về cuộc Thương Khó theo thánh Gioan, Chúa Giêsu xuất hiện như vị vua. Nhưng việc Người xuất hiện như vị vua một vài giờ trước khi chết trên thập giá làm sáng tỏ một khía cạnh hoàn toàn khác: Người là Vua Tình Yêu và cũng là Vua Sự Sống. Sự sống, sự Phục Sinh đã ẩn tàng trong chính cái chết nhờ sức mạnh của Tình Yêu. Tình yêu thì mạnh hơn sự chết.
Khi tuyên bố: “Nước tôi không thuộc về thế gian này... Tôi đã đến thế gian để làm chứng cho sự thật”, Chúa Giêsu muốn nói đến sự thật nào? Chúng ta có thể nói rằng, sự thật mà Chúa Giêsu đã đến để làm chứng, đó là Thiên Chúa yêu chúng ta. Tình yêu của Chúa Cha dành cho chúng ta được biểu hiện trong Chúa Kitô bị giao nộp không phải để lên án chúng ta, nhưng để cứu độ (x. Ga 3,17) và đem lại cho chúng ta sự sống đời đời.
Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ, một vị Vua đã tự nguyện trở nên người tôi tớ để nói với chúng ta rằng: tình yêu mà chúng ta mang đến cho anh chị em chúng ta, nhất là những người bé mọn và những người nghèo khổ nhất trong chúng ta, đó là mang đến cho chính Người. Người đến để làm chứng cho sự thật bằng một tình yêu đến cùng. Ai muốn thuộc về Sự Thật và muốn làm công dân Nước Trời thì hãy đón nhận tình yêu của Người và sống như Người đã sống.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
SUY NIỆM 5: VUA VƯƠNG QUỐC YÊU THƯƠNG VÀ AN BÌNH
Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội long trọng cử hành lễ Chúa Kitô là Vua vũ trụ với niềm vui khôn tả, đồng thời quả quyết rằng Người là Vua và là Chúa chúng ta.
Đã từ lâu, trong ngôn ngữ thông thường, người ta đã gán cho Chúa Giêsu Kitô tước hiệu Vua ; Đúng, Người là Vua trên hết các vua, là Chúa trên hết các Chúa, trổi vượt trên hết mọi loài, thống trị lòng người, Người hiển trị đến muôn đời. Chúa Giêsu là vua lòng người, với tình yêu và lòng trùi mến, Người lôi kéo mọi con tim đến với mình. Người là “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận thần tính và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang…” (Ca nhập lễ).
Lễ Chúa Kitô Vua tương đối mới, nhưng có nền tảng Thánh Kinh và thần học sâu xa. Từ tước hiệu vua, được áp dụng cho Chúa Giêsu thật quan trọng trong các Tin Mừng, chính Tin Mừng cung cấp cho chúng ta một bài đọc đầy đủ về dung mạo cũng như sứ vụ của Đấng Cứu Thế. Khởi đi từ “Vua người Do thái”, dẫn đến tước hiệu “Vua của thế giới”, “Chúa của vũ trụ và lịch sử”, vượt qua mọi kỳ vọng của dân Do thái.
Trọng tâm tiến trình mạc khải về vương quốc của Vua Giêsu, còn tiềm ẩn bí mật về cái chết và sự phục sinh của Người. Khi bị treo trên thập giá, các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão nhạo báng Người rằng : “Nếu ông là vua Do thái ; thì hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta tin nào” (Mt 27, 42).
Trong thực tế, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã tự ý nộp mình chịu khổ hình và chịu chết trên cây Thánh Giá, một nghịch lý của Vua Giêsu thể hiện thánh ý Chúa Cha trên sự bất tuân của tội lỗi. Chính sự hiến mình làm của lễ đền tội này mà Chúa Giêsu đã trở thành Vua vũ trụ, như Người đã tuyên bố với các tông đồ sau khi sống lại, “Thầy đã được trao mọi quyền năng trên trời dưới đất” (Mt 28, 18).
Quyền bính của Chúa Kitô Vua ở đây là gì ? Hẳn không phải là quyền bính của các vua trần thế và những kẻ có thế lực ; nhưng là quyền năng thiêng liêng có thể ban sự sống thần linh để giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, đánh bại sự thống trị của thần chết. Ðây là quyền năng yêu thương, một quyền năng có thể rút từ sự ác ra sự lành, làm cho tâm hồn chai đá ra mềm mỏng, mang lại hòa bình cho những cuộc xung đột, biến tăm tối thành hy vọng. Vương quốc của Chúa Kitô không hề áp đặt bất cứ điều gì và luôn tôn trọng tự do của con người. Khi Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng : “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” (Ga 18, 33) Bị hỏi, nhưng với tư cách là Vua, Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi của Philatô, mà Chúa hỏi lại ông : “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?” (Ga 18, 35)
Khi thi hành sứ mạng công khai, đã có lần đám đông dân chúng muốn tôn Chúa lên làm vua, nhưng Người lại chốn khỏi Vương quốc thế trần, đúng như Chúa nói với Philatô : “Nước tôi không thuộc về thế gian này”(Ga 18, 36). Chúa là Vua không có quân đội, không khí giáp.
Cung điện Người ở đâu ? Thưa, Người ngự trị trong lòng chúng ta. “Vua không có cung điện” nhưng toàn trái đất thuộc về Người. Nhờ Người mà thế giới này được tác tạo. Trước Philatô, kẻ có quyền ra án tử cho Chúa, Chúa khẳng định, “Tôi đến trần gian để làm chứng cho Chân Lý” (Ga 18, 37).
Vậy chúng ta theo ai : Thiên Chúa hay ma quỷ? Sự thật hay giả dối? Tùy chúng ta lựa chọn. Chọn theo Chúa Kitô không bảo đảm cho chúng ta sự thành công theo những tiêu chuẩn thế gian, nhưng bình an và niềm vui thì chỉ mình Người mới có thể mang lại cho chúng ta. Với Người, chúng ta có thể xây dựng yêu thương và an bình. Chúa là “Vua, của một vương quốc gồm những người tội lỗi!” Chúng ta phải thường xuyên lặp lại : Xin thương đến con là kẻ tội lỗi, để chúng ta nhìn anh em mình với lòng từ bi. Họ cũng là những tội nhân nghèo như chúng ta. Chúa là Vua của những người nghèo! Chúng ta biết tình yêu đầy ân sủng của Thiên Chúa là sự giàu có của chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ thiếu nó. Chúa là “Vua của một vương quốc huynh đệ!” Hãy là những người anh em yêu thương nhau! Trong mắt Chúa Giêsu, Bình an và Tình yêu lan tỏa. Vì vậy, Tin Mừng trình bày Chúa Giêsu, Vua vũ trụ bị kết án, Philatô là kẻ xét xử Người.
Khi nói : “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?” Chúa Giêsu đáp : “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”(Ga 18, 36-37).
Chúng ta đang ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Chúng ta có bổn phận làm cho tình yêu, sự dịu dàng, hiền lành, vẻ đẹp trở lại vương quốc này. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Người đã không đến để xét xử nhân loại, nhưng là để cứu. Người là Đấng công chính duy nhất, thế chỗ cho tội nhân.
Để phục vụ Đức Giêsu Vua, chúng ta phải chấp nhận làm việc mỗi ngày cho Triều Đại cánh chung đang đến… điều ấy không xảy ra mà không có chiến đấu : Vâng, Vua chúng ta yêu cầu chúng ta cầm sẵn vũ khí trong tay để chiến đấu, chống lại “các thế lực của bóng tối” (Cl 1, 13). Cùng với Người, chúng ta nắm chắc phền thắng (x. Ga 16, 33), nhưng với điều kiện là chúng ta cũng tham gia chiến đấu, chiến đấu hàng ngày với ba thù là ma quỉ, thế gian và xác thịt… vì “những ngày là xấu xa! “(Ep 5, 16) và rằng “cả thế giới nằm dưới sự thống trị của ma quỷ”(1 Ga 5, 19).
Làm cho Chúa hiển trị, tiên vàn vẫn là làm cho Chúa hiển trị trong lòng chúng ta… khi tuyên xưng đức tin trong cuộc sống hàng ngày cách cá nhân hay cộng đoàn, chúng ta không xấu hổ! (LG •31). Lời Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói cùng dân chúng ngày 15 tháng 6 năm 1993 vẫn còn vang vọng : “Hãy đi đến các ngả đường, sống đức tin của chúng con với niềm vui vẻ, hãy mang đến cho mọi người Ơn cứu độ của Đức Kitô, ơn ấy phải thâm nhập vào trong gia đình, trường học, trong các nền văn hóa và đời sống chính trị!” Đừng sợ phải đi ngược dòng! Làm cho Đức Kitô hiển trị, là trở nên tông đồ lôi kéo nhiều linh hồn về với Chúa là Vua Vương Quốc Yêu Thương và An Bình.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM 6:
Sau khi sống lại, Đức Giê-su sẽ công bố quyền chủ tể hoàn vũ của Ngài; nhưng trong khi thi hành sứ vụ công khai, Ngài đã không ngừng tránh né danh hiệu này vì sợ dân chúng hiểu lầm danh hiệu này theo sắc thái chủ nghĩa dân tộc và chính trị. Còn đối với các môn đệ của Ngài, Ngài chỉ dạy cho họ một mẫu gương phải noi theo, mẫu gương phục vụ như Ngài: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20: 28). Chỉ khi Ngài bị bắt, bị nộp vào tay người đời và bất lực, Ngài mới công bố mình là Vua.
Trong bài Thương Khó, thánh Gioan dành cho hoạt cảnh Chúa Giê-su bị điệu ra trước quan tổng trấn Phi-la-tô một chỗ quan trọng hơn ba sách Tin Mừng Nhất Lãm. Thánh Gioan đặt ở nơi hoạt cảnh này dấu ấn của riêng mình, ý nghĩa sâu xa, pha lẫn với lời châm biếm nhẹ nhàng, sứ điệp ngẫu nhiên được dùng để nâng đỡ sứ điệp vĩnh hằng. Thánh Gioan là nhà thần học về cuộc Thương Khó.
1. Đức Giê-su bị điệu ra trước tổng trấn Phi-la-tô
Bản văn thuật lại cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và tổng trấn Phi-la-tô đưa chúng ta vào trọng tâm của cuộc tranh luận. Các thượng tế tố cáo Đức Giê-su hai tội: “Ông này tự xưng mình là Con Thiên Chúa” và “Ông này tự xưng mình là vua”. Lời tố cáo thứ nhất mới thực sự là lời buộc tội, lời tố cáo thứ hai chỉ là cái cớ ngụy tạo cốt đặt vị tổng trấn Rô-ma và kẻ phá rối trị an đối diện với nhau. Vị tổng trấn không dễ bị mắc lừa; ông hiểu quá rõ mánh lới của các thượng tế, vì thế ông cần phải tra hỏi phạm nhân cho ra lẽ: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”.
2. “Vua dân Do thái”
Đối với tổng trấn Rô-ma, đây là một câu hỏi then chốt, vả lại đây là câu hỏi duy nhất thuộc thẩm quyền của ông: tội chính trị. Theo phương sách Chúa Giê-su thường dùng, phương sách này cho phép Ngài giữ thế phản công, thay vì trả lời câu hỏi mà quan tổng trấn đặt ra cho Ngài, Chúa Giê-su hỏi ngược lại ông Phi-la-tô: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”, nghĩa là, “với tư cách quan tổng trấn, ông có những thông tin chính xác về những tham vọng chính trị của tôi, hay lời buộc tội đến từ các thượng tế mà ông chỉ nghe tin đồn?”. Như vậy, Đức Giê-su đặt tổng trấn Phi-la-tô trước trách nhiệm của ông.
Quan tổng trấn hiểu rõ điều này và ông trả lời với thái độ miệt thị các lãnh đạo Do thái: “Tôi là người Do thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?”. Qua câu trả lời này, ông Phi-la-tô muốn nói rằng chính ông, với tư cách quan tổng trấn, tiến hành cuộc điều tra, chứ không dựa trên những lời đồn đại. Như chúng ta thấy, cuộc tranh luận được tiến hành không phải bởi quan tòa nhưng bởi kẻ bị cáo. Điều này cho thấy Đức Giê-su vẫn làm chủ tình thế, dù người chất vấn Ngài nắm trong tay quyền sinh sát đối với Ngài.
Câu hỏi “Ông đã làm gì?” là lời đáp trả cho câu hỏi vặn lại của Đức Giê-su. Đức Giê-su không trả lời thẳng câu hỏi sau cùng này: “Ông đã làm gì?”, nhưng câu hỏi đầu tiên: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”; Ngài gợi lên bản chất vương quyền của Ngài: Nước Ngài không thuộc về thế gian này, vì thế, quyền lực Rô-ma chẳng có gì phải bận tâm; và quân đội của Ngài không chiến đấu để bảo vệ Ngài, vì thế, quan tổng trấn chẳng có gì phải lo sợ.
Quan tổng trấn Phi-la-tô lại hỏi: “Vậy ông là vua sao?”, Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài nói rằng tôi là vua”. Câu trả lời của Đức Giê-su vừa khẳng định nhưng vừa bỏ lửng, nghĩa là: “Đúng như ông nói, nhưng không theo cách ông nghĩ”.
3. Sự thật
Đức Giê-su tiếp tục tranh luận khi mô tả bản chất vương quyền của Ngài: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi”. Một lần nữa, Đức Giê-su đặt tổng trấn Phi-la-tô trước trách nhiệm của ông: ông đứng về sự thật hay đồng lõa với sự dối trá. Bấy giờ, quan tổng trấn biết rõ các vị thượng tế bịa đặt lời tố cáo; vì thế ông đứng về phía sự thật. Quả thật, tổng trấn Phi-la-tô sắp công bố đến ba lần Đức Giê-su vô tội trước đám đông (Ga 18: 38; 19: 4, 6). Thánh Lu-ca còn xác định thêm nữa: “Bây giờ ông Phi-la-tô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại mà nói: ‘Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay khích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo” (Lc 23: 13-14). Vì thế ông tìm mọi cách để tha bổng Chúa Giê-su, nhưng ông đành bất lực trước những áp lực từ phía giai cấp lãnh đạo Do thái.
“Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa” (Ga 19: 7). Đây mới thật là tội danh dẫn Ngài đến cái chết. Ông Phi-la-tô không đủ can đảm đi cho đến cùng lời chứng của mình, nói lên tiếng lương tâm ngay thẳng của mình. Vấn đề trung thành với sự thật được đặt ra và được đặt ra rất kịch tính.
4. Sứ điệp vĩnh hằng
Bên kia sứ điệp bất ngờ của Đức Giê-su với tổng trấn Phi-la-tô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi”, thánh ký nghĩ đến tất cả các Ki-tô hữu mà giáo huấn này được gửi đến họ. Đức Giê-su đã đến mặc khải cho con người sự thật đến từ Thiên Chúa; Ngài đã làm chứng sự thật này cho đến cả mạng sống mình, Ngài đã đồng hóa mình với sự thật. Tất cả những ai đón nhận, sống và chết cho sự thật này được liên kết với Ngài. Đức Giê-su không nói “Ai sở hữu sự thật”, nhưng “ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Đức Giê-su đã công bố Xa-tan là cha của sự dối trá, trong khi sự thật là một phần liên kết với Thiên Chúa và mở rộng cánh cửa Nước Thiên Chúa.
Lm. Inhaxio Hồ Thông