CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C
Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3.1-6
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ðời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa.
Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
SUY NIỆM 1: DỌN ĐƯỜNG CHÚA ĐẾN
Lời Chúa: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4-6).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật II Mùa Vọng hôm nay cho chúng thấy, Thánh Gioan tiền hô đã được Thiên Chúa sai đến để kêu mời toàn dân dọn đường Chúa đến, nhờ đó mọi người sẽ đón nhận ơn cứu độ của Chúa.
Gio-an cất tiếng kêu mời:
Nắn đường, lấp trũng, san đồi cho nhau.
Hận thù, ích kỉ, tự cao,
Diệt trừ tất cả nêu cao hãm mình.
Canh tân sám hối chứng minh,
Dọn đường Chúa đến, tâm tình đợi trông.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết uốn nắn lòng trí, đổi mới tâm hồn và phục vụ nhau trong tình yêu thương để đón Chúa đến. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con hãy vững tin vì Chúa sẽ đến cứu vớt dân Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Gioan tiền hô Chúa đã được sai đến để hướng tâm hồn chúng con về Chúa. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa kêu mời chúng con tỉnh thức sẵn sàng trong tinh thần phục vụ bác ái yêu thương. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Bước vào Chúa nhật II Mùa Vọng, phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta: Thiên Chúa sẽ đến, hãy dọn đường cho Ngài. Công cuộc chuẩn bị đón chờ Chúa đến không làm chúng ta quên thực tại. Trái lại, chính ý hướng mong chờ Chúa đến đòi hỏi con người phải tỉnh thức ngay trong giây phút hiện tại. Trước tâm trạng đó, ngôn sứ Baruc đã củng cố niềm tin, an ủi và loan báo niềm vui ngày cứu độ, hãy tin tưởng vì Thiên Chúa sẽ đến và cứu vớt dân Ngài. Ngôn sứ Baruc đã kêu gọi những người dân sống tại Giêrusalem rằng: “hãy cởi áo tang chế sầu khổ, thay vào đó hãy mặc lấy áo vinh quang và đội vương niệm vĩnh cửu vì Thiên Chúa đã nhìn đến Giêrusalem”. Thiên Chúa còn ra lệnh triệt hạ mọi núi đồi, lấp đầy những hố sâu, dọn đường cho Israel vững vàng bước đến ánh vinh quang.
Thưa anh chị em, nhìn lại lịch sử cứu độ, cuộc sống lưu đày của dân Do thái ở Babylon vào khoảng năm 587 trước công nguyên tưởng chừng như muốn xoá bỏ dân tộc và đất nước Do thái khỏi bản đồ thế giới, thành Giêrusalem cùng với đền thờ đã bị xâm chiếm và tàn phá, vua và dân bị bắt đi lưu đày nhưng đến gần 50 năm sau, một vị ngôn sứ (Isaia) đã xuất hiện và loan truyền sứ điệp cứu rỗi: “Hỡi dân ta, hãy an tâm, thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá”. Ông đã mời gọi mọi người sửa lại mọi con đường cho ngay thẳng để đón ơn cứu độ của Thiên Chúa: “Hãy dọn đường Chúa, hãy san bằng mọi con đường. Mọi thung lũng hãy lấp cho đầy, núi đồi hãy bạt xuống; đường quanh co hãy sửa cho ngay thẳng, đường gồ ghề hãy san cho bằng và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Lời loan truyền sứ điệp cứu rỗi ấy giới thiệu con người và sứ mạng của vị tiền hô của Đấng cứu thế. Công cuộc dọn đường Chúa đến nay được thánh Gioan Tẩy giả mượn lời ngôn sứ Isaia mà rao giảng Tin Mừng cứu độ và kêu gọi mọi người tỏ lòng sám hối: “Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi”. Lời kêu gọi này cho thấy xác tín ngày Chúa đến thôi thúc người tín hữu phải dọn đường Chúa đến bằng thái độ sám hối và canh tân đời sống.
Có câu chuyện kể lại rằng: Một người Ả Rập sống ở sa mạc có thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát từng giờ lâu. Có người hỏi tại sao làm thế. Anh ta giải thích như sau: “Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn được làm một ngôi vườn xinh tươi”.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Sa mạc khóc vì nó rất muốn được làm một ngôi vườn xinh tươi. Cũng vậy, tâm hồn con người cũng sẽ mãi mãi là một sa mạc cằn cỗi nếu nó không được vun xới và tưới bằng thái độ sám hối và canh tân đời sống. Chính tội lỗi đã đẩy dân tộc Israel vào cảnh mất nước, nô lệ. Chính tội lỗi đã gây bao tai họa chiến tranh. Vì thế, chúng ta cần nhìn ra nguyên nhân đích thực và sâu thẳm này của các tai họa trong quá khứ và hiện tại để sám hối: nhìn nhận mình đã phạm tội và chính tội mỗi người đã là nguyên cớ cho những thảm họa vật chất, tinh thần, cá nhân, tập thể … Thái độ sám hối này được biểu lộ rõ nét khi mỗi người biết khiêm tốn thú nhận tội lỗi mình qua bí tích Hoà giải. Hơn nữa, công cuộc dọn đường Chúa đến, được hiểu và thực hiện cách cụ thể: xóa bỏ đi khỏi lòng mình những giận hờn, tị hiềm và những vực thẳm làm ta không thể tiếp đón Chúa và anh em; bạt đồi núi kiêu căng, ích kỷ trong tư tưởng và hành động; uốn ngay lòng người khỏi mọi quanh co nhưng hết lòng suy phục Thiên Chúa.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết vun xới và tưới tâm hồn chúng ta bằng thái độ sám hối và canh tân đời sống mình để chúng ta xứng đáng đón rước Chúa đến. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.
SUY NIỆM 2: NHÀ RAO GIẢNG CỦA MÙA VỌNG
Gioan Tẩy Giả có thể được mệnh danh là “Nhà rao giảng của Mùa Vọng”. Ngài là người dọn đường cho sự xuất hiện của Đức Giêsu; Ngài đến trước để giới thiệu về Đức Giêsu và triều đại Nước Thiên Chúa. Mỗi năm, Phụng vụ lại giới thiệu sứ điệp của ngài cho chúng ta. Gioan Tẩy Giả, một ngôn sứ đầy tràn ơn Thánh Linh. Ngài làm Tiền Hô và là một nhà giảng thuyết di động, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối cầu ơn tha tội.
Thánh sử Luca kể về Gioan con ông Dacaria trong khung cảnh lịch sử của thế giới chính trị và tôn giáo thời bấy giờ cách uy nghiêm và trang trọng. Ơn gọi và hoạt động loan báo sứ điệp của thánh Gioan xảy ra vào năm thứ 15, dưới thời hoàng đế Tibêriô, năm 28, sau Tây lịch, bởi vì hoàng đế lên ngôi năm thứ 14. Quan toàn quyền Giuđêa lúc đó là Phongxiô Philatô. Palestine hồi ấy cũng gồm 3 châu quận do 3 quận vương cai trị là Hêrôđê Antipa, Philipphê và Lysania. Hai thượng tế vào thời này là thượng tế Anna (vào năm thứ 6 đến năm 14 sau công nguyên) và thượng tế Caipha (trị vì từ năm 18 đến năm 36 sau công nguyên).
Qua các sự kiện lịch sử chính trị và xã hội ấy, Thánh sử Luca cố ý nêu lên ý nghĩa thần học của lịch sử. Ngài muốn khẳng định rằng, chính Lời của Thiên Chúa tạo ra lịch sử. Tất cả mọi biến cố, mọi nhân vật, mọi thời đại, cách tiếp nối của các quyền bính và giới lãnh đạo trần gian, chỉ là khung cảnh trong đó Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể làm người để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Lời thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng diễn tả trước sứ điệp mà Chúa Giêsu Kitô loan báo sau này: Muốn được ơn cứu độ, con người phải lãnh nhận bí tích rửa tội, sám hối, hoán cải tâm lòng, thay đổi lối sống, canh tân tư tưởng và cung cách hành sự của mình, bởi vì Đấng Thiên Sai đã hiện diện giữa lòng trần gian.
Gioan là cầu nối giữa hai giai đoạn của lịch sử cứu độ. Ngài vừa thuộc nhóm những ngôn sứ của giai đoạn trước,vừa là người đã chạm đến Nước Trời ở giai đoạn sau. Giai đoạn trước của những lời Thiên Chúa hứa,và giai đoạn sau khi Thiên Chúa thực hiện những lời hứa này. Chúa Giêsu là Đấng khai mở giai đoạn sau.Nhưng Người cần Gioan để làm người tiền hô, dọn đường.
Thánh Gioan Tẩy Giả đã sống đời sám hối và đền tạ tội lỗi trong nơi hoang vắng cho đến khi đủ khả năng để rao giảng.Trước khi là một người rao giảng, làm tiền hô, Gioan Tẩy Giả là một chứng nhân. Ngài sống tách biệt cách nhiệm nhặt trong hoang địa để cầu nguyện, ăn năn sám hối. Chính nhờ cuộc sống như vậy mà lời rao giảng của Gioan thực sự có sức hút. Ảnh hưởng của Gioan thật rộng lớn: từ khắp Giêrusalem, Giuđêa và tất cả miền Giođan đều tuôn đến xin ngài làm phép rửa, đồng thời lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Gioan rao giảng điều mình đã thực hiện, đã kinh nghiệm chứ không phải là một lý thuyết suông nào đó xa vời với chính bản thân ngài. Gioan Tẩy Giả thành công trong sứ mạng dọn đường cho Chúa cũng chính vì ngài vừa là chứng nhân vừa là một thầy giảng.
Con đường Gioan mời gọi tu sửa là đường trong lòng người. Con đường nội tâm của mọi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Chúa Cứu Thế. Sửa đường theo Gioan là sám hối. Nhìn lại con đường mình đã đi qua, sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì cong queo, hãy san cho thẳng. Những gì gò cao cần phải bạt xuống. Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp; đó là sứ điệp Gioan gởi tới chúng ta trong Mùa Vọng này, để chúng ta dọn lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra với Chúa Cứu Thế.
Sửa đường cho Chúa đến là cần thiết và hợp lý. Khi đón tiếp một vị khách quý, người ta thường sửa sang đường sá, làm sạch đẹp nơi vị khách sẽ đến. Như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách. Khi Đức Giáo Hoàng hay vị nguyên thủ quốc gia đất nước nào muốn đến thăm viếng đất nước khác, vị Đại sứ hay đoàn Sứ gỉa được cử đến nơi đó hội đàm dọn đường, sắp đặt chương trình cho cuộc viếng thăm, có thể cả hằng năm trước đó.
Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất. Người hạ mình đến thăm và ở lại cùng sống với thần dân của Người. Đó là hạnh phúc tuyệt vời nên cần phải dọn tâm hồn xứng đáng. Như con đường cho Chúa đi qua; như căn nhà cho Chúa ngự tới; Chúa đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì Ngài đi vào. Con đường có thể có chông gai tội lỗi, có nỗi đam mê tiền lợi danh, có những tính hư nết xấu.
Sửa đường là sám hối, không nói suông, không chỉ là đấm ngực, xé áo. Sám hối là nhận ra cái sai của mình và quyết tâm sửa đổi. Sám hối sẽ không là nô lệ cho của cải, tiền bạc, quyền lực; sám hối là sống công bằng, không tham lam nhũng lạm, không dùng quyền để cưỡng đoạt, áp bức người khác. Đường vào tâm hồn có những khúc quanh co: lén lút sống trong vòng tội lỗi, dối lừa. Sách Cách Ngôn có dạy “Thiên Chúa ghê tởm tâm địa quanh co” (Cn 11,20). Cứu cánh của kẻ quanh co là gian ác, cho nên cần phải uốn nắn lòng mình thẳng ngay như sách Cách Ngôn nói : “Đường lối của kẻ gian ác thì quanh co, hành động của người trong sạch thì ngay thẳng” (Cn 21,28). Uốn những quanh co là sống chính trực công minh ngay thẳng ví như tác giả thư Do thái nhấn mạnh: “Thiên Chúa ưa điều chính trực, ghét điều gian ác” (Dt 1,9); Nếu lòng còn mãi quanh co, gập ghềnh, đầy những dối lừa biện minh cho những sai trái của mình… thì làm sao mà sửa đổi được!. Nếu không nhìn nhận mình sai lỗi thì làm sao có lòng thật tâm sửa lỗi. Sám hối đích thực là hoán cải. Hoán cải đòi hỏi phải hành động, phải trả giá, sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, mất mát liên quan đến sự an toàn và tiện nghi của bản thân. Chỉ có sám hối và hoán cải cách đích thực thì mới dọn đường tâm hồn xứng đáng để đón Chúa.
Sửa đường còn là tỉnh thức đợi chờ Chúa đi xa trở về. Như năm cô khôn ngoan có sẵn dầu đèn. Như những đầy tớ làm lợi những nén bạc cho chủ. Như người lính canh thành luôn chú ý những biến chuyển chung quanh. Mỗi cá nhân, ai cũng có những tật xấu, những khuyết điểm, vị kỷ kiêu căng tham lam đố kỵ ghen ghét lười biếng hèn nhát… Xã hội nào cũng có bất công, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ đoan, những điều ấy làm cho con người đau khổ, trì trệ, không phát triển.
Dọn đường căn bản là ở trong nội tâm, sám hối để canh tân, sửa đổi để trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Những con đường được làm bằng đất đá, nhựa bê tông.Những con đường trên mặt đất, trên sông trên biển, trên bầu trời là những con đường vật lý. Những con đường tâm lý, con đường tinh thần, con đuờng lòng người mới quan trọng hơn. Nguyễn Bá Học đã nói: đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ vì lòng người ngại núi e sông.
Sống đạo luôn là một thách đố đầy quyết liệt và phong phú. Hiểu đạo, tin đạo, giữ đạo xem ra khá dễ dàng vì thuộc lãnh vực cá nhân. Còn sống đạo thường khó khăn hơn vì liên quan đến tha nhân, đòi hỏi một sự quên mình, vượt thắng bản thân. Cũng như thực hiện việc dọn đường qua nghi thức sám hối bên ngoài như rửa tội, xưng tội khá dễ dàng, nhưng nếu mà trong lòng không thật tâm sám hối đưa đến canh tân bản thân, thì hành vi sám hối chỉ là việc làm lấy lệ hình thức mà thôi. Chính vì thế, Giáo hội muốn chúng ta sống 4 tuần lễ Mùa Vọng này như sống trong sa mạc: bình tâm hơn, ăn uống đạm bạc hơn, cầu nguyện nhiều hơn để biết rõ ý Chúa.
Sứ vụ của Gioan có hiệu quả chủ yếu bởi vì cuộc đời ngài là sứ điệp của ngài: sống những gì đã rao giảng. Gioan đã giúp người ta sám hối, thú tội và lãnh nhận phép rửa, sửa đường nội tâm. Ngài dọn lòng mình và lòng người khác để Chúa đến. Nếp sống giản dị của Gioan mang tâm tình sám hối, sửa đường. Gioan kêu gọi mọi người dọn tâm hồn để đón Đấng Cứu Thế, và chính Gioan đã sống như con đường thẳng. Gioan mời gọi người ta sám hối, và chính đời ngài đã mang nét sửa chữa bằng tâm tình sám hối tâm thành.
Mùa Vọng cách đặc biệt mời gọi chúng ta hãy ăn năn sám hối, thay đổi tâm can, thay đổi nội tâm và tin vào Chúa Giêsu. “Hãy làm việc lành cho xứng với lòng sám hối”, lòng sám hối đích thực của Mùa Vọng chính là tích cực đổi mới ngay trong đời sống cụ thể. Sống đạo bao giờ cũng đòi hỏi nhiều cố gắng và tỉnh thức.
Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Thánh Gioan, vị ngôn sứ luôn sống gắn bó với Thiên Chúa và gần gũi với con người. Như thế mỗi người sẽ sống đạo hôm nay với tất cả niềm vui hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
SUY NIỆM 3: DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay nhắc đến 3 nhân vật, ở 3 thời điểm khác nhau, nhưng có chung một sứ mạng là kêu gọi người ta dọn đường cho Chúa Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại, đó là tiên tri Ba-rúc, Thánh Gioan Tẩy giả, và Thánh Phaolô.
Bài đọc thứ nhất nói đến việc Thiên Chúa sai tiên tri Ba-rúc đến, để an ủi dân Người trong cảnh lưu đày. Như ta đã biết, dân Israel vốn mang trong mình niềm hy vọng và khát mong về một Đấng Mêsia sẽ đến để giải thoát họ. Giờ đây, trong cảnh lưu đày với biết bao gian khó và tủi hổ, thì niềm hy vọng ấy càng khát khao biết là chừng nào.
Thế nhưng, tinh thần thì hăng hái mà thể xác lại yếu đuối. Dân Israel không đủ ý chí và kiên nhẫn để đối diện với thời gian và những khó khăn hiện tại. Nhiều người cảm thấy dường như Thiên Chúa đang bỏ rơi họ. Và người ta đặt ra nhiều dấu chấm hỏi về niềm hy vọng vào Đấng Mêsia mà bấy lâu nay họ vẫn luôn ủ ấp.
Tuy nhiên, ngay cả một tim đèn còn khói Thiên Chúa cũng không nỡ dập tắt, và ngay cả một cây lau bị dập Ngài cũng không nỡ bẻ gãy; huống gì là dân Ngài tuyển chọn. Quả đúng như vậy, Thiên Chúa đã sai tiên tri Ba-rúc đến an ủi dân Ngài. Mang trong mình sứ mạng Chúa trao, tiên tri Ba-rúc đã vực dậy niềm tin và hy vọng nền tảng của dân Israel. Ông mời gọi dân “hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu… vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy vinh quang rực rỡ của Người” (Br 5, 1-2). Phần mỗi người, “hãy đứng ở nơi cao mà hướng về phía đông” (Br 5,5), “hãy bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, hãy lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu” (Br 5,7), để “Thiên Chúa ngự đến và dẫn Itrael đi trong hoan lạc” (Br 5,9).
Cùng một sứ mạng ấy, nhưng bài Tin mừng lại làm bật lên dung mạo của Gioan Tẩy Giả, Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế. Thánh Gioan cho biết, con đường mà tiên tri Ba-rúc mời gọi mở ra năm xưa, không phải là con đường đầy nắng và gió của sa mạc khô cằn, nhưng là chính tâm hồn mỗi người. Thung lũng, núi đồi, lồi lõm và gồ ghề nơi tâm hồn chính do tội lỗi gây ra. Và ngài “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3,3). Đó chính là con đường đẹp nhất và gần nhất để Đấng Mêsia ngự đến.
Tiếc thay, đến lúc lời Chúa hứa được thực hiện, Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu được ban cho nhân loại; thì người Do Thái lại khước từ và tìm cách loại trừ Ngài. Khi họ nhận ra điều ấy, thì mọi sự đã quá muộn màng.
Tuy nhiên trong bài đọc 2, Thánh Phaolô lại mở ra 1 niềm hy vọng mới. Ngài mời gọi các tín hữu tiên khởi, thay vì nuối tiếc sai lầm của quá khứ, thì hãy hy vọng vào lời hứa của tương lai; bởi vì Chúa sẽ lại đến lần thứ 2 trong vinh quang của Người. Với niềm xác tín ấy, Thánh Phaolô mời gọi mọi người hãy ăn ở tinh tuyền và không làm điều gì đáng trách cho đến Ngày Đức Ki-tô lại đến (x.Pl 1,10).
Thưa anh chị em, nếu như trong quá khứ, tiên tri Ba-rúc, Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Phaolô, là những người đã giúp các tín hữu thoát ra khỏi vực thẳm trong đời sống đức tin, mà đặt trọn niềm trông cậy vào Chúa. Thì hôm nay, nhiệm vụ ấy thuộc về người mỗi tín hữu chúng ta.
Cũng như dân Do Thái và các tín hữu tiên khởi năm xưa, người tín hữu hôm nay, đặc biệt là các tín hữu trẻ cũng đang dần mất niềm tin và niềm hy vọng và Thiên Chúa cứu độ. Những hào nhoáng của cuộc sống này như một mớ bòng bong muôn màu muôn sắc, làm cho nhiều tín hữu đánh mất cùng đích đời kitô hữu. Nhiều kitô hữu trẻ, có thể trong đó có con cháu chúng ta, không còn khả năng phân biệt cái nào tốt, cái nào xấu, cái nào đúng cái nào sai, cái nào đẹp ý Chúa, để chọn lựa.
Trước thực trạng đó, chúng ta được mời gọi hãy trở nên những “Ba-rúc”, những “Gioan Tẩy Giả”, và những “Phaolô” thứ hai, để vực dậy niềm tin và niềm hy vọng của các thế hệ tương lai.
Như vậy, lời Chúa của Chúa nhật II mùa Vọng hôm nay mời gọi chúng ta, ngoài việc dọn cho mình con đường tâm hồn để đón Chúa ngự đến; chúng ta cũng hãy giúp mở ra con đường thiêng liêng cho những người xung quanh chúng ta.
Trong khi chuẩn vị tâm hồn cho mình cũng như cho người khác đón chờ Chúa đến, chúng ta hãy cùng lắng nghe lại những lời sau đây của Thánh Phêrô: “Đối với Chúa, một ngày ví tựa ngàn năm; và ngàn năm cũng tựa như một ngày. Và Thiên Chúa không bao giờ chậm trễ thực hiện lời Ngài hứa. Vì thế, trong khi mong đợi ngày đó, anh em hãy sống sao cho Người thấy anh em tinh tuyền và không gì đáng chê trách” (2Pr 3, 8-9.14). Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 4: MỌI NGƯỜI SẼ THẤY ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA
Thánh sử Luca giới thiệu sứ vụ của ông Gioan Tẩy Giả với lời mào đầu long trọng, và đặt biến cố này vào trong lịch sử thế giới cũng như lịch sử dân Chúa khi nêu tên các nhân vật lãnh đạo chính trị và tôn giáo thời đó: “Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê.”
Chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa các chi tiết lịch sử được nhắc tới trong đoạn Tin Mừng:
1/ Cách tính niên lịch vào thời Chúa Giêsu không giống với cách tính của chúng ta hiện nay. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, “năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô” tương ứng với năm 27 hoặc 28 sau công nguyên.
2/ Vua Hêrôđê được nêu ở đây là vua Hêrôđê Antipa, con của vua Hêrôđê Cả, người đã tìm cách giết Hài Nhi Giêsu (x. Mt 2).
3/ Khi liệt kê những nhân vật lãnh đạo chính trị và tôn giáo, vừa ở đất Do Thái (Giuđê và Galilê), vừa ở vùng dân ngoại (I-tu-rê, Tra-kho-nít và A-bi-lên), thánh sử Luca không những xác quyết Chúa Giêsu là một nhân vật có thật trong lịch sử, mà còn khẳng định rằng Người là Ðấng Cứu Ðộ không chỉ riêng cho dân Do Thái mà còn cho mọi dân tộc.
Khi nói “có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan”, thánh Luca muốn nói với mọi người rằng ông Gioan Tẩy Giả là vị ngôn sứ đích thật, người được Chúa tuyển chọn, và đã làm tròn sứ mạng của một ngôn sứ: “Ông rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.” Điều làm chúng ta chú ý, đó là khi rao giảng, ông Gioan đã trích dẫn lời của ngôn sứ Isaia: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Is 40,3-5)
Chúng ta biết rằng lời tiên báo trên của Isaia dành cho những người đồng hương cùng thời với ông ở thế kỷ thứ VI trước công nguyên, nghĩa là dành cho những người đang sống trong thảm cảnh bị lưu đày ở Babylon. Isaia loan báo rằng họ sẽ được trở về quê cha đất tổ trong niềm hân hoan như lời ngôn sứ Barúc mà chúng ta nghe trong bài đọc I, vì chính Chúa sẽ viếng thăm và dẫn đường cho họ.Vì thế, họ phải dọn đường, sửa lối cho Người đến.
Khi để Gioan Tẩy Giả nhắc lại lời tiên tri Isaia với lời kết “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”, thánh Luca muốn khẳng định tính cách phổ quát của ơn cứu độ: giờ đây, không chỉ dân lưu đày ở Babylon, mà mọi loài thụ tạo sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa, với điều kiện là phải dọn tâm hồn để đón tiếp Người.
Ðó cũng là thông điệp được gởi đến mỗi người chúng ta trong Mùa Vọng này. Ðây là thời gian thuận tiện nhắc nhở chúng ta luôn sống thái độ tỉnh thức, đợi chờ để đón tiếp Chúa. Không phải là thái độ chờ đợi thụ động theo kiểu lười biếng “há miệng chờ sung”, nhưng một cách tích cực. Chúng ta được mời gọi hành động, mời gọi ra đi và mời gọi lên đường. Trước hết để uốn nắn lại đời sống của chính mình, can đảm nhìn nhận những khiếm khuyết, thiếu sót, loại bỏ những ích kỷ hẹp hòi, nhỏ nhen đố kỵ; hãy tìm cách san phẳng những hố sâu ngăn cách với anh chị em sống quanh ta bằng sự giúp đỡ ân cần, bằng những quan tâm, chia sẻ, những lời động viên, khích lệ, những nụ cười thân thương, cái bắt tay hòa giải... Vâng, đó chính là thái độ tỉnh thức giúp mỗi chúng ta chuẩn bị tâm hồn thanh thoát, rộng mở đón chờ Chúa đến trong vui mừng và hy vọng.
Chúng ta biết rằng, ngay từ buổi đầu của lịch sử nhân loại đã có sự hiện diện của tội lỗi, nhưng Thiên Chúa không thua sự ác; và chung cuộc, tình yêu của Người luôn chiến thắng: “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn biểu lộ qua mọi thời đại, và rõ nét nhất là qua Chúa Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Người.
Ước mong Mùa Vọng năm nay là dịp để mỗi kitô hữu chúng ta cảm nhận sâu xa hơn tình thương cứu độ của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Từ đó giúp chúng ta hoán cải tâm hồn và gieo rắc tình yêu thương trong gia đình, trong cộng đoàn để “mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
SUY NIỆM 5: LỜI CHÚA TRONG THINH LẶNG CỦA SA MẠC TÂM HỒN
Tác giả sách Barúc hôm nay trình bày cho chúng ta về ngày Thiên Chúa sẽ tỏ cho muôn dân thấy hào quang rực rỡ của Ngài. Trong ngày đó, Thiên Chúa sẽ kêu gọi Giêrusalem “cởi bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi; hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa; và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng (Br 5:1-2). Nỗi buồn đau vì xa đất nước, xa Thiên Chúa sẽ được cất khỏi dân. Chỉ có niềm vui và vinh quang rực rỡ của Thiên Chúa sẽ chiếu toả trên dân để muôn nước từ đông sang tây sẽ tụ họp về để tôn vinh tình yêu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, để cho muôn dân được nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa, Giêrusalem phải vâng lệnh Thiên Chúa, đó là “phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu” (Br 5:7). Những lời này cũng được Thiên Chúa gởi đến mỗi người trong chúng ta. Thật vậy, chúng ta được mời gọi mặc lấy niềm vui được cứu độ và làm lan toả tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta sống và làm việc. Để làm được điều đó, Thiên Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta bỏ đi những gì ngăn cản chúng ta đến với anh chị em mình, đó chính là những núi cao, những gò nổng, những thung lũng trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Lời mời gọi này trở nên khẩn thiết hơn trong sứ điệp của Thánh Thánh Gioan Tiền Hô được trình bày trong bài Tin Mừng hôm nay.
Trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Phaolô sau lời chào mở đầu như những thư khác, Thánh Phaolô nói về tâm tình của mình trong tương quan với các tín hữu Philipphê. Chúng ta có thể nhận ra những tâm tình sau: (1) tâm tình tạ ơn Thiên Chúa mỗi khi nghĩ đến họ (1:3); (2) tâm tình vui sướng trong cầu nguyện vì họ đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng (1:4-5); (3) tâm tình vững tin vào Thiên Chúa Đấng tiếp tục công việc tốt đẹp mà Ngài khởi sự nơi họ (1:6); (4) tâm tình quý mến mọi người với tình thương của Đức Kitô Giêsu (1:8). Trong đời sống thường ngày, chúng ta cũng có những người được Thiên Chúa gởi đến để sống và làm việc chung với chúng ta. Chúng ta có những tâm tình như Thánh Phaolô mỗi khi nghĩ đến hay gặp họ?
Ngoài những tâm tình trên, bài đọc 2 còn thuật lại cho chúng ta điều Thánh Phaolô khẩn khoản nài xin Thiên Chúa cho các tín hữu Philipphê, đó là “cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm” (1:9-10). Đọc những lời này, chúng ta cũng tự vấn lại lời cầu xin của mình mỗi khi chúng ta đến với Đức Kitô. Chúng ta có xin Ngài cho tình yêu chúng ta dành cho Chúa và cho nhau tăng trưởng mỗi ngày không? Chúng ta có xin Ngài giúp chúng ta nhận ra những điều tốt để làm và nhất là giữ tâm hồn chúng ta khỏi những điều đáng trách cho đến khi Ngài đến trong vinh quang không? Hơn nữa, Thánh Phaolô cầu xin cho họ những điều trên với mục đích là để họ “sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa” (1:11). Những lời này nhắc nhở chúng ta về mục đích sống của mình. Nhiều người trong chúng ta mong ước được có nhiều “hoa trái” trong đời sống vật chất hay trong tương quan với con người mà nhiều khi bỏ quên việc phải sinh hoa trái trong đời sống thiêng liêng, trong tương quan với Thiên Chúa. Cuộc sống có hoa trái đẹp trong đời sống thiêng liêng là cuộc sống luôn hát khúc ca tạ ơn, ngợi khen và tôn vinh Thiên Chúa vì tình yêu của Ngài tồn tại đến muôn đời.
Trong cuộc sống thường ngày, tôi tin rằng bạn đã có lần lái xe trên một con đường thật xấu. Bạn có cảm giác thế nào? Tôi tin rằng bạn sẽ không vui lắm nhưng cảm thấy khó chịu và bực tức khi đi trên những con đường có nhiều “ổ voi ổ gà.” Một kinh nghiệm khác mà ai trong chúng ta cũng có đó là gặp hay sống với một người có cá tính “quá kỳ dị” và khó tính. Khi đã trải qua, bạn có còn muốn gặp hoặc thích sống với người đó không? Tôi cũng tin chắc rằng chúng ta sẽ không bao giờ thích gặp và sống với những người như thế. Thật vậy, chúng ta thường tránh những đoạn đường xấu và những người có cá tính khó chịu: Đường xấu ngăn cản hoặc làm chậm hành trình của chúng ta và người có cá tính “quái dị” làm cho tình bạn trở nên khó khăn. Những điều này giúp chúng ta bước vào tinh thần của phụng vụ Chủ Nhật II Mùa Vọng – chuẩn bị tâm hồn cho Chúa ngự đến: “Có tiếng người hô trong hoang địa : hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3:4-5).
Lũng sâu và đồi núi trong cuộc đời của chúng ta là gì? Những con đường lồi lõm là gì mà ngăn cản chúng ta đến với Chúa và người khác là gì? Những bức tường và cánh cửa đóng kín không cho phép người khác bước vào trong con tim của chúng ta là gì? Có lẽ đây là sự giân dữ, lười biếng, nói xấu, nó dối, tham lam hay ích kỷ của chúng ta chăng? Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta san bằng những gập ghềnh, lồi lõm trong cuộc đời của chúng ta để Chúa và người khác đến trong cuộc đời của chúng ta.
Lời Chúa trong chủ nhật hôm nay nói về việc chuẩn bị dân để đón Chúa đến của Thánh Gioan Tẩy Giả. Hai từ chính của sứ điệp của thánh nhân là: sám hối và tha thứ (để được ơn tha tội). Thánh nhân nói về mình như là “tiếng kêu trong hoang đia.” Chúng ta thấy, Thánh Gioan Tẩy Giả dùng “tiếng kêu” của mình để chuẩn bị dân đón chờ Đấng Messiah đến. Thật vậy, Thánh Gioan Tẩy Giả là “tiếng kêu” trong hoang địa. Tự bản chất của chính mình, “tiếng kêu” chỉ phát ra một chuổi âm thanh không có ý nghĩa. Chỉ khi “tiếng kêu” hoà quyện với “lời” thì nó mới có ý nghĩa để chuyển tải một nội dung, một sứ điệp. Tin mừng của Thánh Gioan cho chúng ta hay rằng: Chúa Giêsu là “Lời.” Như vậy, cuộc đời của Gioan Tẩy Giả là “tiếng kêu” chỉ có ý nghĩa và trở nên một sứ điệp cho người khác khi gắn kết không thể tách rời với Đức Kitô là “Lời” của Thiên Chúa. Cuộc đời của chúng ta cũng thế, chỉ có ý nghĩa và trở thành “tin mừng” cho người khác khi trở nên một với Đức Kitô.
Nếu lời quan trọng như thế, chúng ta sử dụng lời nói của chúng ta như thế nào? Chúng ta cảm thấy thế nào khi buổi sáng mới thức dậy, chúng ta nghe người thân nói: “tôi yêu bạn” hoặc “trông bạn dễ thương quá”? Chúng ta cảm thấy thế nào khi chúng ta đến nơi làm việc và những người làm chung nói với chúng ta rằng: “hôm nay trông bạn đẹp quá”? Chúng ta cảm thấy vui và hạnh phúc khi chúng ta nghe người khác nói những lời hay đẹp về chúng ta. Ngược lại, chúng ta cảm thấy thế nào khi chúng ta nghe người khác nói: “tôi ghét bạn?” Những lời này có thể làm cho ngày sống của chúng ta trở nên thật ảm đạm và đen tối. Quả thật, lời nói có sức mạnh làm thay đổi thái độ và cách sống của một con người. Tuy nhiên, một thực tế đau lòng mà chúng ta thường chứng kiến là nhiều người trong chúng ta dùng lời nói của mình để chửi rủa nhau, để nói xấu nhau, để la thật to trong các buổi tranh chấp và lễ hội. Nhưng khi vào nhà thờ hoặc đến với Chúa thì chúng ta lại không buồn để mở miệng để tôn vinh Ngài (nhất là bằng việc thưa đáp trong các buổi phụng vụ).
Một hình ảnh khác mà chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng Hôm nay là hình ảnh hoang địa mà trong đó tiếng kêu để sám hối được nghe thấy. Chúng ta chỉ có thể nghe tiếng Chúa nói – tiếng mời gọi để thay đổi chỉ trong hoang địa, trong cõi thâm sâu của lòng mình và nhất là trong những giây phút cầu nguyện. Chúng ta tìm thấy gì trong hoang địa? Ban ngày chúng ta chỉ nhìn thấy cát và ban đêm chúng ta nhìn thấy sao trời. Điều này đưa chúng ta về với lời hứa của Thiên Chúa với Abraham: Giòng dõi ngươi sẽ đông như sao trên trời như cát bãi biển. Hoang địa nhắc chúng ta đến sự trung thành với lời hứa của Thiên Chúa. Thêm vào đó, trong hoang địa, chúng ta tìm thấy sự thinh lặng. Chúng ta chỉ nghe được tiếng của mình và tiếng vọng của mình. Sự thinh lặng của sa mạc có thể giúp chúng ta nghe được tiếng đập của con tim mình và bước chân của chính mình và của người khác. Chúng ta sẽ không nghe được gì nếu chúng ta không im lặng! Thinh lặng đúng nơi, đúng lúc là nghệ thuật cần thiết và quan trọng trong bất kỳ mối tương quan nào. Và trong cuộc sống thường ngày, chúng ta làm tổn thương nhau cũng vì chúng ta không lắng nghe, nhưng nói quá nhiều.
Lm. Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM 6: HƯỚNG NỘI
Trước khi bắt đầu cuộc đời rao giảng công khai, Gioan đã sống rất lâu trong hoang địa. Thời gian lâu đến độ ông trưởng thành trong hoang địa cả về thế lí lẫn tâm linh. Suốt thời gian trong hoang địa Gioan đã nhìn sâu vào nội tâm, vào tâm linh, học hỏi trở nên một tâm linh trưởng thành.
Bài đọc nhắc đến một số tên tuổi thời đó. Mục đích chính không phải xác định thời gian, mà muốn nói đến hệ thống thuế má nặng nhọc, cách cai trị, đối xử bất công của quân bảo hộ Roma. Bài đọc cũng nhắc đến không phải một mà có tới hai Thầy Cả Thượng Phẩm để nói lên tình trạng mất tự do tôn giáo nơi thuộc địa. Nhà vua và quan toàn quyền chi phối việc bổ nhiệm Thầy Cả Thượng Phẩm. Họ cũng xen vào việc điều hành Đền Thờ. Đền Thờ bị lạm dụng đến độ Đức Kitô phàn nàn họ biến Đền Thờ thành chợ đời. Chính Thầy Cả Caiaphas chủ động trong việc đóng đanh Đức Jêsu.
‘Lời Chúa’ không đến với vua chúa, quan quyền. ‘Lời chúa’ cũng không đến với lãnh đạo Đền Thờ. Những người này không nhận được ‘Lời Chúa’ mặc dù họ có trách nhiệm trong việc rao giảng ‘Lời Chúa’. Chúa mặc khải sự khôn ngoan của Ngài một cách không ai có thể ngờ đến,
‘Lời Chúa phán cùng Gioan, sống trong hoang địa, con ông Zechariah’
Thiên Chúa gởi Gioan đến một mình. Gioan sống trong hoang địa, một người vô danh, không thanh thế, đến rao giảng. Cùng một lúc mong thay đổi: a/ hệ thống tổ chức chánh quyền do quân Roma thiết lập, b/ thể chế lãnh đạo Đền Thờ. Gioan kêu gọi đám đông nhìn vào nội tâm mình, nhìn vào tâm hồn mình, để loại bỏ những gì làm cho con tim ra chai đá. Thay đổi trở về đường ngay, nẻo chính, đường lối Chúa. Từ bỏ lối sống dân ngoại thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày, thay vào đó là đường công chính, thống hối, ăn năn.
‘Thành công hay đổ vỡ’ là điều các nhà lãnh đạo đương thời thách thức sứ mạng của Gioan. Họ đã sai lầm khi định lượng Gioan theo phong cách một người sao đánh đổ nổi ngàn người.
Thứ nhất, Gioan sống sót nơi hoang địa. Kinh nghiệm này giúp ông tự tin mình sẽ hoàn thành sứ mạng Chúa trao phó. Hơn nữa, niềm tin, sức mạnh của ông đặt nơi Thiên Chúa. Gioan rao giảng tin có Chúa cùng đồng hành.
Thứ hai, trưởng thành đời sống tâm linh có nghĩa người đó hoàn toàn thuộc về Chúa. Gioan không còn sống cho mình: ông sống cho Chúa; có chết cũng chết trong Chúa. Ông yêu mến Thiên Chúa và phó thác mọi sự trong tay Chúa.
Thứ ba, Gioan mang Lời Chúa trong mình, dấu chỉ tình yêu Chúa. Một dấu chỉ hai cách nhìn khác nhau. Kẻ thống hối, ăn năn coi Gioan như dấu chỉ tình yêu Chúa. Kẻ kiêu căng, tự phụ coi Gioan như là mối đe doạ. Gioan kêu gọi con người thống hối, trở về với Chúa. Thay vì coi Gioan như là dấu chỉ tình yêu Chúa, lãnh đạo xã hội và lãnh đạo Đền Thờ coi Gioan là thù địch, bởi sự hiện diện của Gioan tạo nên mối lo âu, sợ hãi cho ngai vàng, vị thế của họ. Vì thế họ cấu kết triệt tiêu người gây cho họ lo sợ.
Dùng chính hình ảnh trong ngôn sứ tiên tri Isaiah, Gioan nói với đám đông cải thiện đời sống nội tâm. Đường đi, thung lũng, đồi, núi quanh co ngoài thiên nhiên Isaiah nói đến; Gioan chúng biến thành con đường, thung lũng, núi đồi trong tâm hồn. Đường lối quanh co, tráo trở của gian tham, lạm dụng quyền thế, Gioan kêu gọi từ bỏ, để đón nhận lối sống ngay lành, công bằng, vị tha. Gioan rao giảng ngắn, gọn, trong sáng, và đi vào trọng tâm cuộc sống. Gioan kêu gọi người nghe đón nhận phép rửa tha tội, như là dấu chỉ của thống hối, ăn năn. Ông xác định rõ, phép rửa ông trao ban không ban ơn cứu độ. Đó chỉ là dấu chỉ của thống hối, ăn năn. Ông không có khả năng ban ơn cứu độ. Ông chỉ kêu gọi hoán cải, bỏ đường tà, trở về đường ngay, nẻo chính. Từ bỏ lối sống kiêu căng, tự mãn, sống khiêm nhường. Từ bỏ lối sống dân ngoại, tin vào Thiên Chúa.
Đám đông tin theo Gioan đón nhận phép rửa. Trong số đó có cả quân lính Roma và những người thu thuế (luca 3,11tt). Điều này cho biết quân lính Roma và người thu thuế giầu của cải, mạnh quyền thế, nhưng lại nghèo bình an, đói khát phần tâm linh. Nghe Gioan rao giảng, họ tìm được bình an nội tâm.
Những ai thành tâm thống hối ‘sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa’ c.6. Thấy ơn cứu độ chính là nhận biết Đức Kitô là Đấng Cứu Thế. Gioan mở đường cho Đấng Cứu Thế đến. Khi Ngài đến Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần. Gioan nói với đám đông, ‘Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến…. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa’ Lc 3:16tt.
Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta tin theo Đức Kitô, Đấng Cứu Thế.
Lm Vũ Đình Tường
SUY NIỆM 7: HÓA ĐẤT TỐT
Để sa mạc thành nơi có sự sống, điều kiện cần thiết trước hết là nước. Bên cạnh đó là sự chăm sóc, lao công vất vả của con người để cải tạo sa mạc. Không thể tìm được một khu vườn xinh tươi nơi sa mạc nếu trước hết người ta không tính đến hai điều kiện tiên quyết này. Không có nước, không có sự khai phá và chăm sóc của con người, đời đời sa mạc vẫn chỉ là sa mạc khô cằn. Ngày nay, nhiều nơi trên thế giới, hiện tượng phá rừng đã làm cho đất canh tác bị thu hẹp, hiện tượng sa mạc hóa đất đai ngày càng gia tăng. Để kiến tạo thảm xanh và chống sa mạc hóa, hai điều kiện trên đây cũng lại là hai điều kiện hàng đầu.
Cũng vậy, tâm hồn con người ví như sa mạc. Vì thế sa mạc tâm hồn cũng cần những điều kiện tối ưu. Nếu so sánh điều kiện nước như là ơn Chúa; điều kiện cải tạo sa mạc và sự ra công chăm sóc tưới bón của con người là nỗ lực sống thánh thiện, là sự cố gắng vun bồi cho đời Kitô hữu của mình bằng cộng tác với ơn Chúa, bằng vâng phục thánh ý Chúa và yêu thương con người, đó chính là lúc ta hóa sa mạc lòng mình thành nơi tươi tốt, nơi mang sức sống của hoa trái thánh thiện, của ơn Chúa.
Bởi đó, để có thể mở lòng đón nhận ơn Chúa và để tiếp sức cho sự kiến tạo lòng mình thành mảnh đất tốt tươi, ta hãy lắng nghe Lời Chúa hôm nay thúc giục. Đó là “Tiếng kêu trong sa mạc”. Tiếng kêu ấy thúc giục ta hãy khẩn trương lên, thúc giục lòng ta đừng cố chấp, đừng ở lỳ trong tình trạng thoái hóa, đừng để lòng mình vốn đã là sa mạc, bị sa mạc hóa nhiều hơn. Vì thế: “Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho bằng”. Ta cần phải thực hiện lời mời gọi ấy không phải ngày một hoặc ngày hai, mà là cả một đời. Có như thế, kết quả cuối cùng sẽ là một kết quả vui mừng lớn lao: “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu độ”.
Nhưng sa mạc mà chúng ta đề cập, có hai nghĩa. Thông thường, trong tu đức, sa mạc có nghĩa rất tốt. Sa mạc là nơi thanh vắng, và sa mạc tâm hồn là một nội tâm trầm lặng, yên tĩnh, bình an, nơi mà lòng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa. Nhiều tu sĩ, nhiều vị ẩn tu đã tìm đến sa mạc để đi vào sa mạc tâm hồn sống với Chúa trọn vẹn. Thánh Gioan Tẩy Giả đã từng tu luyện nơi sa mạc để hiệp thông với Chúa của mình như thế. Nhưng khi vào trong làng mạc để mời gọi sám hối, thì sa mạc mà thánh Gioan đề cập, lại là một thứ hoang địa thiếu sự sống. Đó là nơi gió quay cuồng, đất khô cằn, nắng nóng cháy. Đúng hơn, khi khẳng định “Tôi là tiếng kêu trong sa mạc” (Ga 1, 23), thánh Gioan muốn nói rằng “tôi là tiếng kêu trong lòng người”, vì lòng người đã bị sa mạc hóa. Bởi đó, sa mạc của lòng người cũng sẽ là nơi tối tăm, chứa đầy nguy hiểm, là nơi thiếu ơn Chúa, thiếu tình yêu và đầy tham vọng, mưu mô, đam mê xấu… Chúng ta cùng nhau suy nghĩ về sa mạc theo nghĩa thứ hai này.
Mỗi mùa Vọng, ta lại gặp khuôn mặt đáng yêu của thánh Gioan Tẩy Giả, người đã từng có một cuộc sinh ra kỳ diệu, một lối sống khác thường. Sa mạc là nơi vắng người, trơ trụi, thiếu sự sống, lại là nơi thánh Gioan sinh sống, lớn lên và trưởng thành. Cũng chính nơi sa mạc đầy dẫy sự khắc nghiệt, lại là nơi thánh Gioan gặp gỡ Thiên Chúa. Bên cạnh sự lớn lên về thể lý, thánh Gioan còn được sống trong ơn Chúa, lớn lên trong tình yêu của Chúa và trưởng thành trong thánh ý Người. Thánh Gioan đã lắng nghe Lời Chúa đúng như Tin Mừng hôm nay cho biết: “Có Lời Chúa phán cùng con ông Giacaria là ông Gioan trong sa mạc”. Lời của Chúa đã đưa thánh gioan ra khỏi sa mạc, đến mọi vùng ven sông Giodan mà gặp gỡ con người. Lời Chúa thánh nhân đã nghe, giờ đây trở thành Lời Chúa thánh nhân công bố. Tiếng Chúa mời gọi thánh nhân, trở thành tiếng thánh nhân mời gọi mọi người. Thánh Gioan đúng là tiếng kêu trong sa mạc như chính người đã khẳng định.
“Tiếng kêu trong sa mạc” đòi chúng ta hãy sửa đường cho Chúa. Nhưng không phải con đường đất, đường nhựa, mà chính là con đường của cõi lòng người, đường đi vào tâm hồn. Bởi đó, bằng những cách nói đầy gợi ảnh: thung lũng; núi đồi; đường quanh co; lối đi lồi lõm…, thánh Gioan kêu mời chúng ta ăn năn sám hối: Hãy cải đổi nếp sống, nếp nghĩ, nếu cần, cải đổi toàn diện, cải đổi cả não trạng của mình. Vì tận trong tâm hồn ta, có ai lường hết bao nhiêu lối suy nghĩ quanh co, sự tính toán lệch lạc. Tận trong tâm hồn ta có bao nhiêu hố sâu tăm tối, vì thiếu ánh sáng của tình yêu. Hoặc chính nơi ấy, có bao nhiêu núi đồi của sự ngạo ngễ, của tự kiêu, tự mãn… Vì thế, Ta đừng tiếp tục sống như xưa nữa, nhưng hãy uốn nắn những quanh co, lấp bằng những lồi lõm của tội lỗi, của thói hư tật xấu, của những tham vọng và dục vọng thiếu ngay chính… Bạn và tôi hãy sám hối. Vì sám hối là dọn con đường của lòng mình.
Dọn đường tâm hồn là để đón chờ Chúa đến. Chúa cần tâm hồn xứng đáng để làm nơi trú ngụ. Chúa cầm tâm hồn rỗng, không chứa đầy tội lỗi để tuôn đổ ơn của Người. Nhưng để dọn tâm hồn thật lành thánh như thế, chỉ cần đi xưng tội qua loa, xưng tội để trấn an lương tâm mà thôi chưa đủ. Vì như thế chưa phải là cải đổi tâm hồn, chưa đi tới hoàn thiện chính mình. Xưng tội như thế là xưng cho có, cho rồi. Xưng tội như thế là biến bí tích giải tội thành phương tiện cho mình lạm dụng, và lợi dụng để tự đánh lừa bản thân. Đó là một sự cố chấp, là ở lỳ trong tội.
Nếu biến sa mạc thành đất có sự sống, con người phải mất sức, mất của, và chấp nhận nhiều khó khăn. Cũng vậy, dọn đường tâm hồn là chấp nhận biến đổi sa mạc của cõi lòng thành miền đất trù phú, miền đất thấm đẫm ơn Chúa. Bởi vậy, người ta phải chấp nhận sự hao mòn sức lực, chấp nhận tự gọt giũa chính mình, chấp nhận nhiều khó khăn khác nhau. Vì biến đổi như thế là sám hối. Và sám hối thật lòng đòi phải có dấn thân thật sự để tự mình từ nay dám cắt bỏ một thói quen, một đam mê, một tật xấu… để lòng mình biết yêu hơn, khiêm nhường hơn, sống tinh thần phục vụ hơn, vị tha hơn… Vì chỉ khi nào dám chối từ những rườm rà xung quanh mình, con người ta mới dám mong ước thuộc về Thiên Chúa. Thái độ sám hối tận căn ấy, mới là sám hối đúng nghĩa. Điều đó không dễ chút nào, vì nó làm ta đau đớn, xót xa, trầy trụa, mất mát. Chỉ có sám hối trọn vẹn mới sống đúng nghĩa hai chữ “dọn đường”. Chúa cần một thái độ dọn đường một cách tự nguyện, dứt khoát như thế, để Người đi vào tâm hồn và tâm hồn có chỗ chứa đựng ơn thánh của Người. Khi tâm hồn có Chúa, tâm hồn không còn là sa mạc và cũng chẳng hề sợ sa mạc hóa, nếu biết giữ mãi ơn Chúa trong tâm hồn mình bằng một đời sống tốt lành, vươn lên trong sự thánh thiện.
Vậy chúng ta hãy đi vào sa mạc như các nhà ẩn sĩ (chứ không phải sa mạc thiếu sự sống), nghĩa là biết trở về với nội tâm của mình, xua đi những ồn ào, những lo toan của cuộc sống. Ta hãy đi vào sự tĩnh mịch của sa mạc lòng mình mà lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe những đòi hỏi của Tin Mừng: Phải sửa đường xưa lối cũ, uốn nắn cho ngay thẳng những lối đi quanh co theo sở thích trái chướng của bản thân, lúc thế này, khi thế khác. Mọi gồ ghề ngăn cản các quan hệ tốt đẹp với Chúa, với tha nhân hãy bạt xuống và san phẳng để hiến dâng tình yêu của mình đến với anh em và với Thiên Chúa. Có như thế, ta mới “Thấy ơn Thiên Chúa cứu độ” như lời thánh Gioan loan báo.
Lm Vũ Xuân Hạnh.
SUY NIỆM 8: ĐẠI LƯỢNG ĐÓN CHÚA
Đón tiếp người khác hay tiếp khách là một trong việc chúng ta vẫn thường làm trong đời sống hàng ngày. Điều này xảy ra trong mọi lãnh vực của xã hội từ việc đón tiếp một người thân yêu, một ân nhân hay bằng hữu trong sinh hoạt cá nhân hay gia đình, cho đến việc đón tiếp các bậc vị vọng trong đạo hay ngoài đời trong các đoàn thể xã hội hay tôn giáo, trong phạm vi quốc gia hay quốc tế. Cách thức chúng ta chuẩn bị để đón tiếp một người tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố người ấy là ai, người ấy liên hệ thế nào với chúng ta, người ấy đã làm gì cho chúng ta, và việc đón tiếp của chúng ta dành cho người ấy sẽ ảnh hưởng thế nào đến liên hệ giữa người ấy và chúng ta.
Một trong những chủ đề nổi bật trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay là lời mời gọi Dân Chúa phải chuẩn bị đón Chúa. Đây cũng là chủ đề then chốt của Mùa Vọng. Thật vậy, ngày xưa Dân Chúa trong Cựu Ước được các ngôn sứ kêu mời để trông mong Đấng Thiên Sai, Đấng nhân danh Chúa sẽ đến để giải phóng họ. Bài đọc một trích sách Ngôn Sứ Barúc nhắc cho chúng ta biết một chân lý thật cảm động: đó là khi mời gọi Dân Chúa chuẩn bị dọn đường mừng đón Chúa nơi Đấng Thiên Sai thì chính Chúa đã thương yêu và dọn đường cho Dân Chúa đi đến vinh quang: “Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông. Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây tập họp lại theo lệnh của Đấng Thánh, họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đưa họ về cho ngươi trong vinh dự như những hoàng tử.
Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa. Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm đã cho Israel núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang” (Br 5:5-9).
Cũng vậy, trong Thánh Vịnh 125 được trích dẫn để dùng trong phần đáp ca của Phụng Vụ hôm nay, Thánh Vịnh Gia đã diễn tả niềm vui lớn lao của Dân Chúa khi Chúa đưa dẫn họ từ chốn lưu đầy về quê cha đất tổ, đã thay đổi số phận của họ, đã cư xử với họ một cách hết sức quảng đại và đầy tình thương. Câu điệp ca tóm gọn lý do đem lại niềm vui của Dân Chúa như sau: “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan” (Tv 125:3).
Chúa Giêsu Kitô-Đấng Cứu Chuộc Nhân Thế mà các tổ phụ và ngôn sứ hàng trông mong -đã đến và hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại bằng việc nhập thể, giáng sinh, cuộc đời rao giảng, cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người. Như vậy, nơi Chúa Kitô lòng thương yêu đại lượng của Thiên Chúa dành cho nhân loại đã được thể hiện cách trọn vẹn. Vì vậy, tin vào lời Chúa hứa ngày nay Hội Thánh tiếp tục nhắc nhở và mời gọi chúng ta phải tha thiết trông mong và nỗ lực chuẩn bị đón Chúa Giêsu trở lại lần thứ hai trong vinh quang.
Chúng ta phải đón tiếp Chúa Giêsu như thế nào? Người là vị khách cao cả và quyền uy trên mọi vị khách, Đấng hằng thi ân cho chúng ta hơn mọi ân nhân khác, Đấng luôn yêu thương chúng ta hơn mọi người thân yêu khác, và Đấng sẽ có thể làm cho chúng ta những điều tốt lành quý giá hơn cả những gì chúng ta có thể mơ ước và cầu xin!
Chính Thiên Chúa đã giúp chúng ta thực hiện việc đón tiếp Chúa Cứu Thế một cách xứng hợp như lòng Người mong muốn qua ơn gọi và sứ mạng của Thánh Gioan Tiền Hô. Tin Mừng hôm nay tóm gọn ơn gọi và sứ mạng của Gioan bằng những lời sau của ngôn sứ Isaia: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3:4-6).
Lời mời gọi chuẩn bị đón Chúa ở đây không gì khác hơn là lời mời gọi sám hối và hoán cải. Lời mời gọi này sẽ được chính Chúa Giêsu lập lại trong lời rao giảng công khai đầu tiên của Người: “Thời kỳ đã mãn. Nước Thiên Chúa đã đến gần! Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15).
Việc hoán cải này được ngôn sứ Isaia diễn tả cách cụ thể bằng những hình ảnh với những ý nghĩa sau:
- “Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” và “đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng”: phải chấm dứt lối sống tà vạy, gian dối, quanh co, hai lòng để sống với lòng đơn sơ ngay thật.
- “Hãy lấp mọi hố sâu”: phải lấp đầy hố sâu của lòng tham lam bằng tinh thần nghèo khó và chia sẻ; lấp đầy hố sâu của lòng ganh ghét hận thù bằng lòng yêu thương chân thật; lấp đầy hố sâu của thành kiến và chia rẽ bằng tinh thần đối thoại và hiệp nhất.
- “Hãy bạt mọi núi đồi”: phải bạt mọi núi đồi của tính tự kiêu tự đại và những tham vọng bất chính bằng tinh thần khiêm nhu tự hạ của Chúa Giêsu, để ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân.
- “Con đường gồ ghề hãy san cho bằng”: phải san bằng con đường gồ ghề của ý riêng và lòng tự ái, để ta có thể sống bình an với Thiên Chúa và tha nhân qua việc chuyên chăm thực thi Thánh Ý Chúa với tinh thần xả kỷ vị tha.
Con đường phải sửa chữa ở đây để đón Chúa chính là tâm hồn, con người và cuộc sống của mỗi người chúng ta. Con đường ấy phải được sửa chữa lại theo khuôn mẫu của chính Chúa Giêsu, Đấng đã tuyên ngôn: “Ta là Đường là Sự Thật và là Sự Sống”(Jn 14:6). Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải hoán cải tâm hồn để chúng ta có được nơi mình “tâm tư như đã có nơi Đức Kitô” (Pl 2:5). Đó là con đường duy nhất đưa đến sự sống thần linh của tình yêu và sự thật.
Vì thế, tất cả nỗ lực chuẩn bị đón Chúa phải được thực hiện trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Đây chính là lý do khiến Thánh Phaolô trong bài đọc hai của Phụng Vụ hôm nay đã tha thiết cầu xin cho các tín hữu của người. Thánh nhân viết:
“Vì Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Đức Giêsu Kitô. Điều tôi cầu nguyện cho anh em là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, để anh em được trong sạch và không có gì đáng trách cho đến ngày của Đức Kitô, anh em được Đức Giêsu Kitô ban cho dư đầy hoa quả công chính, hầu tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa” (Pl 4:8-11).
Cũng vậy, một tác giả trong thứ kỷ thứ hai xác quyết rằng lòng yêu thương giúp đỡ tha nhân kèm với tinh thần cầu nguyện hãm mình luôn gắn liền và chiếm chỗ nhất trong việc hoán cải để dọn đường cho Chúa đến: “…bố thí là một cách sám hối rất tốt.
Ăn chay tốt hơn cầu nguyện, nhưng bố thí tốt hơn cả hai. Lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi, nhưng lời cầu nguyện phát xuất từ lương tâm ngay lành sẽ giải thoát cho khỏi cái chết. Phúc cho ai được coi là hoàn hảo trong những việc ấy, vì bố thí sẽ làm cho cho gánh tội nhẹ đi” (Kinh Sách Thứ Sáu tuần XXXII thường niên).
Tóm lại, Thiên Chúa đã tỏ ra đại lượng vô cùng trong việc đối xử với chúng ta trong việc đã ban tặng chúng ta Con Một Người là Chúa Giêsu Kitô. Cũng vậy, Người cũng muốn chúng ta noi gương Người trong việc đại lượng chuẩn bị đón Chúa Giêsu trở lại lần thứ hai qua việc tận tình hoán cải để trở nên giống Chúa Giêsu, bằng cách chuyên chăm cầu nguyện hãm mình và thực thi bác ái với tha nhân. Đó chính là cách chuẩn bị đón Chúa tốt đẹp nhất. Và đó cũng là cách thức để đón nhận niềm vui ơn cứu độ mà Chúa Cứu Thế đã mang lại cho chúng ta.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con biết quảng đại và nồng nhiệt trong việc chuẩn bị đón Chúa Giêsu Con Mẹ trở lại trong vinh quang, bằng đời sống chuyên chăm cầu nguyện, hy sinh xả kỷ và yêu thương phục vụ tha nhân. Amen.
Lm. Phạm Quốc Hưng